Truyện nho nhỏ cho em

Seeing

 

 

 

 

 

 

 

 

Truyện nho nhỏ cho em.

Tôi định viết cho em một truyện dài, truyện tên gì thì em đã biết, nhưng hôm nay ‘người ta’ lại yêu cầu tôi viết cho em một truyện nho nhỏ nhân ngày em chịu Phép Rửa Tội. Tại sao không phải là truyện dài mà lại là truyện nho nhỏ? Có lẽ người ta thấy truyện dài tôi viết không đạt hoặc người ta muốn truyện dài tôi định viết chỉ nên để dành cho riêng em và tôi mà thôi. Cho nên…

Vậy đây là truyện nho nhỏ, truyện nho nhỏ nhưng không phải truyện nhỏ đâu nhá.

Chẳng biết từ đâu có tiếng đồn là tôi hay về Việt Nam đến nỗi bà chị của tôi ở tiểu bang xa, cứ mỗi lần gọi điện thoại mà tôi không kịp bắt thì đều kết luận ‘chắc nó về Việt Nam chơi rồi’. Thực ra về Việt Nam không phải dễ đâu. Phải có đủ ba điều kiện: thời giờ, tiền bạc, và sức khỏe. Nhiều người còn phải có điều kiện thứ tư là Visa của Việt Nam và nhiều đấng nam nhi còn phải có điều kiện thứ năm là Permit của… bà xã nữa. Năm nay tôi về Việt Nam để giỗ mẹ trọn 3 năm, một lý do chính đáng nằm trên các lý do…cỏn con khác.

12/03/2013 11:30 PM Lên máy bay tại phi trường Los Angeles.

Ngồi bên trái tôi là một người đàn bà dáng dấp nhỏ bé. Nhìn rất nhà quê, quê từ đầu đến chân. Đầu thì bum một cái khăn len cũ cột rất kỹ dưới cằm để hở ra một mớ tóc hoe hoe trước trán. Cái áo khoác bằng ny-lông mầu xanh đã bạc mầu với cái cổ áo bằng lông giả cũng đã ngả mầu. Chân bà gác lên cái túi đựng sách của hàng ghế trước, lộ ra một đôi vớ vừa bé vừa cũ. Mới ngồi xuống là bà bắt truyện với tôi ngay. Tôi xưng hô ‘cô và tôi’, còn bà thì lại cứ ‘bác và cháu’ nên tôi không mấy cảm tình vì tôi đoán bà cũng khoảng 45-50 tuổi. “Bác với em thì còn được. Chứ đàng này bác với cháu…”. Không mấy cảm tình, nhưng tôi vẫn điềm đạm và giữ phép lịch sự trung bình.

Được biết bà là một thương gia ở thành phố Hải Phòng, sang Mỹ thăm hai đứa con trai bên tiểu bang Texas: một đang làm kỹ sư và một cũng sắp ra trường: “Ở nhà chơi không mà mỗi ngày cháu cũng kiếm được trên dưới hai triệu. Sang Mỹ chẳng làm ra đồng nào bác ạ”. Chắc thấy tôi dễ mến nên bà mời tôi một cái bánh. Tôi đoán là bánh ngọt lắm nên không ăn mà cứ cầm trên tay. Bà hỏi tôi nhiều truyện lắm, kể cả “Sao bác không ăn bánh đi?”. “Tôi để dành”. Trả lời vu vơ nhiều câu hỏi của bà rồi tôi làm bộ ngủ. Khi thấy bà đã nhắm mắt thì tôi mở màn hình lên và được biết máy bay đang bay qua vùng San Francisco. Bà lại nhỏm dậy “Máy bay đi trên biển hở bác?”, “Còn mấy tiếng nữa thì tới?”. Cứ thế.

Một lát sau, bà ngủ thật. Khi giật mình thức dậy thì nhân viên hàng không đang thu dọn bữa ăn, bà cuống cuồng nhờ tôi xin cho bà phần ăn. “Xin cho cháu nước chè nữa”. Bà giơ tay làm dấu thánh giá, thầm thì đọc kinh rồi chậm rãi mở thức ăn ra. Hình như thức ăn không hợp khẩu vị nên bà cố nuốt một vài miếng rồi lại ngủ tiếp.

Đến Đài Bắc, tôi chỉ cho bà cổng số C4 để đổi máy bay về Hà Nội. Còn tôi chậm chậm bước sang cổng số C6 để về Sài Gòn mà đầu vẫn còn vu vơ nghĩ về người đàn bà nhỏ thó QUÊ MÙA sống ở THÀNH PHỐ Hải Phòng, có 2 con trai đã thành đạt ở Hoa Kỳ, có một đức tin sống động vững vàng, và còn là một người con dâu hiếu thảo qua lời bà kể truyện nữa. Tôi thua bà mất rồi.

Trên chuyến bay từ Đài Bắc về Sài Gòn. Tôi được xếp ngồi ngay cửa thoát hiểm bên cạnh một cậu thanh niên cao lớn, và kế cửa sổ là một cô gái tôi đoán tuổi chừng ba mươi. Họ nói truyện với nhau bằng tiếng Anh nho nhỏ nên tôi không biết sự liên hệ của họ. Chỉ đoán chừng họ là người Việt Nam cho đến khi cậu thanh niên lên tiếng chọc ghẹo cô chiêu đãi viên thì tôi biết chắc cậu là người Việt. Cô chiêu đãi viên tên Đỗ Thị Thi nói tiếng Anh khá lưu loát nhưng thỉnh thoảng cô không hiểu vài kiểu nói lóng thì tôi lại chen vào giúp cô để câu truyện vui hơn. Nhân tiện tôi hỏi tới cô gái ngồi bên cửa sổ thì được biết cô sống ở Thành phố West Covina.

Lại đến giờ ăn sáng. Nhận phần ăn, tôi âm thầm cầu nguyện còn cô gái West Covina lại nghiêm trang làm dấu thánh giá.

Âm thầm tạ ơn hay làm dấu thánh giá để tạ ơn đều là tạ ơn và là cầu nguyện nhưng hình như tôi cảm thấy mình lại thua một người phụ nữ trong việc tuyên xưng niềm tin vì tôi đã từng khuyên dậy những người mới theo đạo thuộc nhà thờ Saint Christopher ở thành phố West Covina tập thói quen xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi trước khi ngủ, khi thức giấc, và trước các bữa ăn. Vậy mà…

Liếc sang phía hàng ghế giữa hơi xéo bên trái là một vị nữ tu trong bộ áo dòng trọn vẹn lúc nào cũng loay hoay với cái laptop rồi ipad cũng đang giơ tay làm dấu thánh giá trước bữa ăn. Tôi lại thua đậm…

Vậy là trong một chuyến bay, tôi đã thua ba người phụ nữ trong việc tuyên xưng niềm tin, một người ở Việt Nam và một người ở Hoa Kỳ, một nữ tu và hai phụ nữ ngoài đời.

12/6/2013 Lên xe về quê.

Số ghế của tôi là 17B của xe giường nằm Phương Trang từ Sài Gòn về Rạch Giá. Một, hai, ba, bốn…năm…Chiếc xe bus chỉ to bằng 1/10 chiếc Boeing 777 nên ghế số 17 là ghế sau cùng. Và 17B là ghế ở tầng trên. Nói gọn, tầng trên là một cái giường lớn vừa đủ cho 5 người nằm song song hoặc ngồi khum khum sát nhau, chẳng có gì ngăn cách. Tôi không thấy số ghế 17B, nhưng suy đoán mình sẽ phải nằm ở giữa vì thứ tự A,B,C…dù A bắt đầu từ phải hay trái. Tôi ngao ngán, nhưng vẫn phải leo lên. Một bên ‘giường’ đã có một ông mập đang lim dim ngủ, tôi giả mù nằm sát bên cửa đối diện để rồi ai lên sau sẽ… tính sau. Nắng 2 giờ chiều của Sai Gòn chiếu thẳng vào Bến Xe Miền Tây, dĩ nhiên không trừ cái cửa sổ bên cạnh tôi. Máy lạnh kêu rất to, nhưng lại không mát. Thân xe cứ rung đều khắp người tôi như cái máy đấm bóp yếu điện vì tôi đang nằm ngay trên cái máy xe. ‘Lạy Chúa tôi, nằm suốt 240 cây số như vầy chắc chết quá…”. Tôi bắt đầu ghét và nguyền rủa những người làm ra cái giường nằm cá hộp như thế này. Không có sự chọn lựa nào khác nên tôi tự an ủi mình bằng cách nghĩ về thằng Văn Quang mới nằm ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa mấy hôm trước để cầu nguyện cho nó sớm lên Thiên Dàng, rồi tự bảo mình: bạn hiền ơi, tập bụi cho quen và thử sức già chịu đựng tới đâu chứ.

Nhưng vấn đề là ai sẽ nằm bên cạnh tôi suốt 6,7 giờ đường trường đây? Một ông già hay một chân dài? Thật sự già thì cũng ngại mà trẻ thì cũng phiền… Vừa lúc ấy thì hai người phụ nữ nhắm thẳng chỗ tôi đang nằm mà tiến đến. Tôi vờ nhìn ra ngoài cửa xe. “Leo lên đi con”. Cô bé ngoan ngoãn nghe lời mẹ trèo lên nằm ngay ở giữa giường. Còn bà mẹ thì ngập ngừng chưa trèo lên. Tôi hồi hộp: cô bé nằm ngay giữa thì cầm chắc mình sẽ nằm bên cạnh mẹ của nó rồi? Người nào làm ra cái giường này vô duyên quá, chẳng có óc thẩm mỹ tí nào, ít nhất cũng phải có sợi giây hay đường vạch chia giường mới phải chứ. Hay là mình đổi sang xe khác, nhưng nếu vậy thì nửa đêm mới về đến Rạch Giá, cũng lại bất tiện…Đang toan tính thì nhân viên xe đò đến. “Chú về tới bến xe Rạch Giá thì mời chú xuống ghế dưới đây”. Tôi thì thầm: “Cám ơn Văn Quang. Mày đã biết làm phép lạ cho tao”. Bà mẹ xích qua một bên cho tôi trèo xuống ghế dưới.

Một lát sau tôi nghe bà dặn con gái với giọng cưng cứng: làm dấu thánh giá rồi uống thuốc đi con.

Và rồi một chân dài với cái váy tầng 24 trèo lên cái ‘ghế giường’ mà tôi vừa bỏ đi lúc nãy.

 

 

  Joseph Vũ Saigon 12/20/2013




Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.