BỮA TIỆC LY:
NHƯ CỬ HÀNH MỘT CUỘC GIẢI THOÁT
(Mt 26:26-30; Mc 14:22-26; Lc 22:14-20; 1Cr 11:23-26)

Seeing

Il Cenacolo hay L'Ultima Cena
Do Leonard de Vinci vẽ trên tường nhà ăn Tu viện Santa Maria thành phố Milan,
sáng tác vào khoảng năm 1495 – 1498.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tông đồ tụ họp ở đó, quanh Đấng mà theo họ, có mối thâm tình đặc biệt với Thiên Chúa, nói và làm nhân danh Thiên Chúa của Israël. Đấng ấy chủ tọa bữa Vượt qua.

Bữa ăn nầy mang ý nghĩa quan trọng vì tưởng niệm cuộc xuất hành. Người Do Thái những thế kỷ đầu, mừng lễ Vượt qua bằng cách đứng ăn chiên non (để nhớ lại máu chiên bôi trên cánh cửa đã bảo vệ họ, khi Thiên Thần Chúa giáng tai ương, giết các con trai đầu lòng Ai Cập).

Đó là khởi đầu cuộc giải phóng những người nam, nữ sẽ hình thành dân Israël được Môisen lãnh đạo trong sa mạc. Do đó Bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu với các môn đệ được đặt trong bối cảnh giải phóng nầy. Tại Ai Cập, dân Do Thái là nô lệ trong mọi mặt đời sống: chính trị - kinh tế - xã hội. Thậm chí cả việc tự do sinh sản cũng bị cản trở, vì vua Pharaon cấm họ sanh con trai. Dân Do Thái tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi kiếp nô lệ nầy trong “Bữa Vượt qua”.

Khi cử hành Bữa Vượt qua, chắc hẳn các môn đệ rất xúc động trước bối cảnh giải phóng nầy: Israël bị La Mã đô hộ, không phải là một quốc gia tự do. Dân Do Thái cũng đã từng vùng lên khởi nghĩa ở từng giai đoạn. Quả thật, đã từng có nhóm khởi nghĩa mạnh mẽ, như đảng Nhiệt Thành chiến đấu nhằm giải phóng đất nước họ. Có lẽ các môn đệ đã nghĩ: “Máu con chiên nào sẽ cứu chúng ta hôm nay” (Xh 12:1-14). Hãy nhớ lại câu hỏi sau cùng của họ với Chúa Giêsu: “Đây có phải là lúc Thầy sẽ khôi phục Vương quyền Israël?” (Cv1:6). Cách mà bạn hữu của Ngài mơ về tự do thật lạ, hành vi của Chúa Giêsu ltrong đêm đó được liên đới với cuộc xuất hành giải phóng. Ngài là Đấng Messia thật của một tự do thật!

Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy việc cử hành Bí tích Thánh Thể sẽ thiếu đi điểm quan yếu nhất định nếu nó không được liên kết bằng một phương cách nào đó với cuộc giải phóng con người trong thời đại chúng ta, trên mọi bình diện đời sống nhân loại. Bữa Tiệc ly không chỉ là một dịp gặp gỡ sốt sắng của các Kytô hữu với Chúa Giêsu, hoặc cá nhân hoặc giữa các nhóm thân hữu, nó còn là nơi để chúng ta được nuôi dưỡng hoạt động, nhân danh cuộc giải phóng những kẻ bị áp bức bất kể dưới hình thức nào, bởi vì sự áp bức chính là tội lỗi. Bối cảnh lịch sử Bữa Tiệc ly của Chúa đủ để xác nhận điều nầy là cần thiết. Trong một ý nghĩa nào đó, điều khẩn thiết khiến Chúa Giêsu thực hiện hành vi nầy trong Bữa Tiệc ly là: quyền tự do của Israël. Giêsu Nazareth, xứ Galilêa (nơi thường xảy ra những cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược La Mã) không thể nào không ray rứt bởi sự mất tự do làm khổ dân tộc mình. Ngài cũng tỏ rõ một Thiên Chúa của cuộc xuất hành đang nghe tiếng than van của dân Do Thái (Xh 3:7).

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn các môn đệ trong bữa ăn tối nầy. Tuy nhiên có một bài đọc đơn giản bộc lộ điều đang diễn ra đó, một bài đọc dựa trên cấu trúc phổ quát của đời sống chúng ta có thể mang lại nhiều suy tư.

Ngài cầm lấy bánh và rượu trao cho họ và phán: “Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống. Nầy là mình tôi, nầy là máu tôi”. Kitô giáo đầy những giải thích thần học về câu nói nầy. Những người ngồi đó có ngại ngần nhận lấy không? Tôi không nghĩ vậy. Họ đã có nhiều dịp để làm chứng hiệu quả lời Chúa Giêsu. Ngài đã chữa bệnh, trừ quỷ, hóa bánh và cá ra nhiều, dẹp yên bão tố và làm cho Lazarô sống lại. Tôi muốn ví dụ cụ thể: một hôm Ngài phán với người bất toại: “Tội của anh đã được tha”, và đối diện với phản ứng thụ động của vài người quan sát, Ngài tiếp: “Nói rằng tội của anh đã được tha hay nói hãy đứng dậy mà đi, đàng nào dễ hơn?” Rồi Ngài chữa lành người ấy. Theo tôi nghĩ, dường như đây là lý luận căn bản của Ngài: Các ông hồ nghi hiệu quả của điều không trông thấy, vì vậy tôi sẽ làm điều cụ thể trước mắt để thuyết phục các ông (Lc 5:17-26)

Như vậy, câu nói “Nầy là Mình tôi, nầy là Máu tôi” phải được các môn đệ lưu tâm là lời nói sinh hiệu quả, cho dù họ chưa có may mắn đi vào chi tiết của chú giải thần học. Ngày nay chúng ta vẫn có thể theo lý luận của Chúa Giêsu. Để biến bánh và rượu thành gì đó, hoặc để biến đổi tâm hồn người đàn ông nầy, người phụ nữ kia hướng về Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đàng nào dễ hơn? Có thể những thắc mắc của chúng ta về Thánh Thể là những dấu cho thấy chúng ta không thể nhìn ra các phép lạ khác mỗi ngày quanh chúng ta – những phép lạ trong tâm hồn từng cá nhân được biến đổi nhờ lời sinh hiệu quả của Thiên Chúa xoay vần trong đời sống họ và “làm mọi sự nên mới”, những thân thể mới (Is 43:19).

Chúa Giêsu nâng bánh, rượu lên và phán: “Hãy cầm lấy”. Nếu tôi đưa bạn quyển Thánh kinh của tôi và nói: “Hãy cầm lấy”, thì bạn hiểu rằng tôi đang tặng bạn món quà. Bởi vì “mình và máu” là diễn tả của ngôn ngữ sémite: “Đây là mọi thứ tôi có được, là mạng sống tôi”. Các môn đệ hiểu rằng Chúa Giêsu đang trao ban cho họ tặng phẩm là chính bản thân ngài. Nhưng nếu tôi cho bạn quyển Thánh kinh của tôi, nhất định bạn sẽ hiểu rằng tặng phẩm của tôi, đồng thời là một sự hy sinh nhưng không. Quà tặng và hy sinh được gắn liền bất khả phân nơi động thái của Chúa Giêsu. Nếu tôi cho bạn quyển Thánh kinh của tôi, chắc chắn tôi phải nghĩ bạn là bạn của tôi. Nhưng nếu tôi cho bạn mạng sống tôi, thì hẳn là hơn một tình bạn – đó là tình yêu, như khi hai người đang yêu nói với nhau, trong lời nói và việc làm: “cầm lấy đi, đây là mình tôi”. Bằng việc cho đi chính bản thân, qua bánh và rượu, Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của mình. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu làm trọn lời Ngài: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15:13) Điều đó các môn đệ không thể lẩn tránh bởi vì nó là cơ cấu của biến cố bình thường trong đời sống chúng ta: mỗi lần chúng ta cho đi hay nhận lãnh một món quà.

Các môn đệ đồng thời vừa có kinh nghiệm cá nhân vừa có kinh nghiệm tập thể. Tôi là Phêrô, là Matthêu, tôi là Gioan, tôi cầm ăn lương thực nầy chính là Ngài – nếu tôi dùng những chữ nầy một cách sát nghĩa. Nhưng rồi Ngài lại kết hợp tôi với Ngài. Tôi biết rằng Chúa Giêsu luôn mang tấm lòng bao dung của Thiên Chúa – như chuyện người bất toại nhắc nhở chúng ta. Do đó trong sự hợp nhất nầy, mọi khoảng cách với Thiên Chúa đều biến mất – Ngài chính là sự tha thứ của Thiên Chúa. Cuộc hòa giải giữa tôi và Thiên Chúa diễn ra nhờ hành vi nầy của Chúa Giêsu. Khi kết hợp hai người, chúng ta thường dùng chữ “giao ước”. Giữa Thiên Chúa và tôi, Phêrô; tôi,Matthêu; hoặc tôi, Gioan; Chúa Giêsu thiết lập hoặc tái lập giao ước. Lời lẽ được sử dụng trong hết các bản văn Tân Ước bao gồm cả bữa Vượt qua của Chúa Giêsu. Nhưng có một khía cạnh khác song song với kinh nghiệm nầy. Tôi, Giacôbê; tôi, Tôma; tôi thấy các môn đệ khác đang có cùng kinh nghiệm như tôi. Một kinh nghiệm chung ràng buộc chúng ta với nhau. Nghe cùng một bản hòa tấu, ăn cùng một bữa, vậy là nó liên kết chúng ta. Khi chúng ta đón một người bạn tại phi trường, vậy là người bạn ấy liên kết với chúng ta. Đêm hôm ấy cũng xảy ra một điều như vậy. Các môn đệ đều cảm nghiệm thái độ của Chúa Giêsu đang nối kết họ trong mối ràng buộc chung, một cộng đoàn. Họ đã nên một qua Ngài.

Điều đang xảy ra như vậy là một giao ước theo nhiều phương cách riêng biệt. Một giao ước cá nhân giữa từng môn đệ với Thiên Chúa, một giao ước giữa họ với nhau, và một giao ước giữa cả nhóm với Thiên Chúa nơi hành vi của Chúa Giêsu. Năng lực liên kết của mọi bữa ăn mà chúng ta có với nhau đã đạt đến tột đỉnh ở đây. Dường như là tình yêu, sự sống của Chúa Giêsu thấm vào cơ thể các môn đệ qua đầu ngón tay họ - đó là đường dẫn cho mọi lương thực.

Chúng ta cần trở lại một điểm được ghi chú trước đây: đối với các môn đệ Chúa Giêsu nói và hành động nhân danh Thiên Chúa. Đối với những kẻ ở đó, Thiên Chúa phán qua cộng đoàn nầy. Tôi diễn giải lời Chúa ở đây như sau:

Ta yêu từng người và mọi người trong các con. Qua Chúa Giêsu, Ta yêu đến nỗi ban cho các con cả cuộc sống Ta. Nói là cả cuộc sống Ta vì Ngài là kẻ thân yêu nhất của Ta, Con yêu dấu của Ta, mọi ơn huệ của Ta lưu lại nơi Ngài. Nói là cả cuộc sống Ta cũng bởi vì Ngài sống cùng một cuộc sống của Ta, là Tình Yêu. Hãy nhớ lại điều Ngài đã phán: “Thánh thần Chúa ngự trên tôi… Ngài sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho kẻ tù đày, trả lại ánh sáng cho người mù và loan báo năm hồng ân nhân danh Chúa”. Giờ đây cuộc sống nầy là của các con, trong toàn thể con người của các con” (Lc 4:18-21).

Đây là nơi chúng ta tìm được sự giải phóng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho nó những chiều sâu ấn tượng, tới mức độ của giới răn mới: “Hãy thương yêu nhau như tôi đã thương yêu anh em” (Gal 15:12). Bằng những hành động kết hợp nầy, Ngài đã tiêu diệt mọi sự thù hằn và chia rẽ. Ngài bắc những nhịp cầu: Ngài là chiếc cầu (Pontifex trong thánh thi cổ Latinh) nối chúng ta từng người một với Thiên Chúa và nối mọi người chúng ta với nhau. Các môn đệ không thể làm gì khác hơn là trở nên những kẻ bắc cầu.

Chalice

Việc bẻ bánh trong niềm tưởng nhớ Ngài khiến họ giống như những chiếc tàu phá băng, những kẻ kiến tạo hòa bình. Ngài đã phán: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Thật vậy, họ trở nên con Thiên Chúa. Và họ sẽ thiết lập những cộng đoàn là nơi sẽ hiện hữu sự giải phóng ở mọi cấp độ, bởi vì không còn phân biệt “nam nữ, chủ tớ, Do Thái hay Hy Lạp trong Giáo hội nữa” (Cv2:44-45; 4:31-34; Gal 3:28). Thật ra vẫn có nhiều cuộc giải phóng cần phải thực hiện, nhưng Giáo hội phải là chứng tá và là men trong thế giới nầy về sự tự do đích thực. Khởi sự từ chính bản thân mình, thánh Phaolô khiển trách một cộng đoàn đang cử hành việc bẻ bánh giữa lúc đang chia rẽ nhau. Trong phạm vi các tín hữu Côrintô không làm gì để khắc phục sự chia rẽ đó, họ sẽ lảnh “án phạt” của mình (ICr11:29). Điều nầy cũng đúng cho chúng ta. Không phải vô cớ mà ngay từ thời kỳ đầu các Kytô hữu lập lại: “ Giáo hội làm nên Thánh Thể, Giáo hội làm nên Thánh Thể”. Lời Chúa Giêsu trên bánh và rượu tạo thành “Bữa Vượt qua”, vì Ngài là Alpha và Omega của cuộc giải phóng chúng ta. Của cộng đoàn chúng ta. Là một Thiên Chúa.

Vì vậy Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải trong Bữa Vượt qua là một Thiên Chúa khao khát giải thoát toàn thể nhân loại, ngõ hầu họ có thể sống tình huynh đệ trong an bình. Đây là Thiên Chúa của cuộc xuất hành đã thực hiện đối với các chi họ Israël. Nhưng hành động của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể còn hàm ý hơn nữa – một Lời về Thiên Chúa. Nếu hành động của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu giải phóng chúng ta và liên kết chúng ta trong một đời sống yêu thương, biến chúng ta nên một cộng đoàn, thì vì Đấng mà các Kytô hữu gọi là Thiên Chúa Ba Ngôi tự do và bình đẳng, không phải là một Cộng Đoàn yêu thương hoàn hảo sao?

Bánh đã được trao, rượu được rót: một Thiên Chúa khác được mạc khải nơi cộng đoàn!...

   

Theo Pierre Wolff - God’s passion, Our passion.

Tuần thánh 2.012
Pet Nguyễn Văn Giàu.

 

 

 


Short Biography:
Pierre Wolff is a notable teacher of discernment and Ingatian spirituality and an internationally acclaimed retreat master. Born in Marseille, France, he ministered as a Jesuit priest for almost forty years, traveling to a dozen countries and giving retreats and workshops on Ignatian spirituality. In 1988, he became a priest in the Episcopal Church. He has devoted most of his life to helping people learn to pray, use discernment to make decisions, and consciously grow their spirituality. He is now married and lives in Connecticut.
Other titles by Pierre Wolff
1-Discernment: The Art of Choosing Well, Revised Edition
2-The Hungry Heart: Answers to the Twenty Most-Asked Questions About Prayer
3-The Spiritual Exercises of Saint Ignatius: A New Translation from the Authorized Latin Text (WebMaster's notes)

 

 

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.