Đà Lạt ngày tháng ấy xa rồi, Ngôn sứ ơi!

Seeing

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bạn lớp 1972 Giáo Hoàng Học Viện Dalat thân mến!


Mình vừa cùng các bạn “Mình” (tên lớp 1964 - Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài gòn) có cuộc họp mặt tại thị xã Đà Lạt thân yêu của chúng mình, để kỷ niệm 50 năm nhập học (vào lớp dự bị đệ thất tại Vũng Tàu), trở về tối qua (3.5.2014)…

Cảm giác bồi hồi, bâng khuâng, pha lẫn tiếc nuối, ngậm ngùi của chuyến đi vẫn còn đong đầy trái tim, dù cố gắng mọi cách làm ra vẻ “lạc quan để vui sống”, đã nhuốm dấu hiệu già nua tuổi tác; nên mình cố gắng ghi lại những dòng cảm nghĩ nầy ngay khi còn nóng, sợ rằng nó sẽ mau chóng nguội lạnh và rơi vào quên lãng của thời gian, nếu trì hoãn bộc bạch cùng các bạn.

Những kỷ niệm buồn vui của bạn bè “Mình”, những hồi ức nghịch ngợm tinh ma của ngày xưa còn bé, những tràng cười sảng khoái không chất chứa ưu tư…lâu rồi gặp lại, có dịp tuôn trào qua những tâm sự đầy vơi! Trong khung cảnh núi rừng Đà Lạt đã bớt thơ mộng ấy (tụi mình qua đêm ở đan viện Châu Sơn – gợi nhớ có lần toàn GHHV tổ chức excursio qua đèo Ngoạn Mục ghé đan viện nầy và thác Gougah năm 1973), giữa những phút giây xúc động, thấm đẫm tình cảm anh em chân thành, giữa những khuôn mặt ngày xưa non nớt nay đã tàn úa theo thời gian, hồi niệm cứ từng đợt xôn xao kéo về và lòng mình rưng rưng nhớ nhiều đến các bạn ngôn sứ ngày xưa ấy!

Không hiểu các bạn thế nào, riêng mình đến nay mặc dầu đã 37 năm trời đằng đẵng rời xa mái trường GHHV thân yêu (1977-2014), thời gian khá dài cho một đời người; nhưng nỗi ám ảnh giấc mộng không thành vẫn còn ẩn sâu nơi tiềm thức, để thỉnh thoảng trở về trong giấc mơ và để lại nỗi bàng hoàng, xao xuyến mỗi khi thức dậy. Thường khi, mình mơ thấy hồi chuông học viện báo thức, vội vã khoác chiếc áo dòng xuống nhà nguyện…rồi tỉnh giấc. Mình đã thể hiện lại những tâm tình ấy qua bài thơ “Hồi tưởng”:

Giật mình ta tỉnh giấc,
Tưởng mới như hôm nào…

 

Các bạn ngôn sứ thân mến ơi!

Bao lần mình ghé lại Đà Lạt, và đôi lần ghé thăm mái trường GHHV xưa. Mỗi lần đến là một tâm trạng bồi hồi, xúc động mới. Tâm trạng lần nầy đặc biệt có khác. Mình đột nhiên nhớ nhiều đến trường xưa, các bạn ngôn sứ, vì mình đang hội ngộ cùng với các anh em bạn “Mình”.

Những hình ảnh năm nào cứ tuần tự hiện về theo từng nơi chốn ghi dấu chân xưa, rõ ràng đến từng chi tiết.

Seeing

Núi Voi, đường Nhà Chung nhắc nhớ những ngày “lao tác” (lao động là vinh quang) phát hoang, làm rẫy trồng khoai, phơi mình cho gió núi mưa rừng hai lần mỗi tuần sau ngày 30.4. Nhớ đến Đinh Đình Chiến, giáo phận Phan Thiết, trưởng nhóm “lao tác” dũng cảm tự đứng ra thay thế anh em, để du kích Đức Trọng bắt giải về Đức Trọng vì tội xâm phạm “biên giới” Đà Lạt-Đức Trọng, khiến toàn thể Học Viện lo lắng phải tụ tập dưới théâtre cầu nguyện cho “người về từ cõi chết”. Nói đến Chiến, phải nhắc đến Bài Tây (Kontum), tướng tá hùng dũng, giọng nói rổn rảng, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Thông Xanh. Đây là cặp “bài trùng mà không trùng”, “đối lập trong thống nhất”, “dị biệt trong hài hòa” (ngôn ngữ philo kách mệnh thời thượng). Hai đứa hắn thích trò chuyện, tranh luận với nhau mọi nơi mọi lúc, nhưng thường kết thúc bằng cãi vã…mà tiếng không được nhỏ cho lắm. Có một lần mình được hân hạnh trò chuyện riêng với hai đứa hắn sau cơm tối. Câu chuyện đầy tính chất “hàn lâm” và érotique, khiến mình phát hoảng…

Trên đường lao tác núi Voi, có hôm mình đi chung với Lộc, anh chàng Phan Thiết ẻo lả có dáng dấp nữ tu, nên được anh em ưu ái đặt nickname là ma sơ. Nhà thơ Lưu Dzoanh Bảo thường tỏ lộ với mình là mong ước có dịp gặp được “sơn nữ”… lúc trăng mờ bên suối, bằng xương bằng thịt cơ. Chu mẹt ơi! Hắn mơ gì vậy? Mình nói với hắn: “Thôi, tỉnh dậy đi bạn! Cậu không thấy mấy nàng thượng đi ngang, đen thui và hình như bốc mùi…thiếu tắm xà bông đó sao?”. Hắn phản đối: “Mấy cô đó khác, trong thơ ca nó khác. Chỉ tại mình chưa gặp!” Một lần nọ cũng trong một chuyến lao tác, khi đến dòng suối băng ngang đường (Tiếng KM gọi là ngầm), Bông chùa sư phụ muốn kiểm tra giới tính Lưu thi sĩ xem có phải thật em hiền như ma sơ không. Hắn xăn quần đứng giữa suối, hô hào hai bạn khác lôi ma sơ ra giữa dòng lột quần để “xác minh đối tượng”. Không biết thâm ý hắn thế nào, chứ nhìn mặt sắt đen sì, cử chỉ y như thật của hắn khiến Lưu thi sĩ chết khiếp, dẫy dụa mãnh liệt, kêu la thảm thiết, mặt cắt không còn chút máu. Một vài đấng thánh như cha già Trang, Thành đứng chứng kiến, mặt xanh như tàu lá, ái ngại xin Bông sư phụ gia ân: “Thôi, thôi Bông được rồi, được rồi!” Vì vậy cho đến bây giờ sau ngần ấy năm, anh em Ngôn sứ vẫn chưa chắc chắn về giới tính của Lưu thi sĩ.

Lên đèo Prenn, Datanla bên đường gợi nhớ excursio của anh em ngôn sứ năm nào qua hình ảnh còn lưu trên giấy, với khuôn mặt Trang, Tươi, Quyến, Vàng và Giàu.

Seeing

Nầy là tấm hình excursio 23.12.1973 ở Đa Thiện đánh dấu kết thúc tháng Linh Thao, ghi lại sự hiện diện của cha Deslierres và Khang, Đức, Thái, Toàn, Cường, Tứ, Quyến, Giàu… bao quanh.

Seeing

Trong chuyến excursio này, khi lao xuống dốc núi cạnh hồ Đa Thiện, Quyến bị té xe đạp, chiếc potence gãy lìa, cắm vào hàm dưới đâm lên làm môi hắn sưng vều, tuy đau nhưng trông rất tếu. Quyến, anh chàng Vĩnh Long có máu hài hước pha lẫn chất nghệ sĩ, là tay trống trong ban nhạc mini lớp mình thỉnh thoảng xuất hiện lúc ấy. Dáng nhỏ nhắn của anh chàng nhấp nhổm, say sưa trên giàn trống gây ấn tượng mạnh với cha Giải (Huế). Mình vẫn còn nhớ hoài câu hắn thường nhái giọng Tây Bán Nhà của cha Viện trưởng Diego: "Che choir nous challons à l’égliche" và người ta chó, người ta mèo…Vậy mà ngày nay người đã đi rồi! Requiescat In Pace.

Nhắc đến ban nhạc lớp mình khi ấy, các bạn còn nhớ? Khánh chơi bass. Mình giữ phần rhythm guitar. Nguyễn Đức Khang, Nha Trang, với gương mặt trầm tư khắc khổ, không biểu lộ ra ngoài nhưng lại là tay lead guitar tài hoa, cũng vừa là tuyển thủ bóng rỗ có hạng. Nói về ban nhạc, mình còn giữ lại được một tấm ảnh đã phai mờ ghi năm 1976: không rõ trong dịp nào và không nhớ vì nguyên cớ gì mà lần nầy chơi trống là Tươi, lead guitar là Hiệp (K16), rhythm guitar là Nguyễn Hưng (Huế), mình chơi alto saxophone (kèn mượn của dòng Don Bosco) và bass vẫn là Khánh; hình như là trong một buổi văn nghệ mini để xóa tan nỗi sầu chung, khoảng giữa năm 1976…

Hoàng Gia Khánh, (Đà Nẵng: có Khánh và Khoa, nhưng Khoa sớm vội chia tay) với giọng nói lúc nào cũng đệm thêm suffix hè, hè cuối câu, say mê học thuật, thích nghiên cứu, nhưng cũng rất nghệ sĩ tính, chơi đàn, làm thơ, lăm le chiếm mất một bồ của thế nhân. Nguyễn Hưng nhỏ nhắn, hiền lành, ít nói, chỉ biết cười, lãnh vực nào khi bắt tay vào cũng tinh thông, lấy mất bồ khác của thiên hạ. Hơn nữa, con người khiêm tốn ấy sau bao nỗi thăng trầm cũng được nhấc lên hàng khanh tướng, nhưng lại được Chúa thương sớm gọi về (là người nghiêm chỉnh nên hắn không dám trả lời là con không về như dân nhậu hiện nay!). Nhớ kẻ tài hoa bạc mệnh khác là Đặng Xuân Thành (Qui Nhơn), cũng ba chìm bảy nỗi chín lênh đênh, cũng hiền lành nhỏ nhẹ, với nụ cười tươi, tiềm tàng chất nghệ sĩ ẩn kín, cũng đã từ giã chúng mình cuối năm 2013.

Những kẻ ưu tuyển được Chúa chọn vào hàng tư tế còn ai nữa? Hiến đỏ, anh chàng “cắc kè hoa” vui tính, bình dị và giúp anh em trong cũng như ngoài lớp lưu lại rất nhiều kỷ niệm còn giữ được đến hôm nay qua chiếc máy ảnh Yashica, bảo vật thời bấy giờ. Hiến đỏ, cha sở kiêm “hột” trưởng, vừa qua cơn thập tử nhất sinh, đến hồi “nguy tử”…thì được thánh Phêrô chê trả về…Rồi Tươi, công dân Vĩnh Long, một hảo thủ basketball có fan ruột là cha Guillemette luôn dự khán bất kể nắng mưa. Đinh Đình Chiến (em út trong bộ ba Thời – Đại – Chiến) với khuôn mặt nhìn nghiêng trăng lưỡi liềm, với những câu chuyện trên cả mức…terrible và rất thích mặc võ phục trong giờ chơi, với cú đá yop-chagi (tae kwon do) bất ngờ tung ra từ chỗ núp khi gặp bạn mình đi tới… Rồi Vàng (Cần thơ) tuyệt tích giang hồ đã lâu từ dạo ấy, không biết công phu của người hôm nay thâm hậu thế nào. Cuối cùng là Hiền Lèo, sợ tiếng Việt hơn học tiếng Lào…Bao giờ có dịp gặp lại…người!

Lần nầy phải đi chung với các bạn “Mình”, mình muốn xe đi ngang qua GHHV để nhìn lại trường xưa, nhưng phải theo ban tổ chức, nên ý định không thành. Lòng cứ bâng khuâng xao xuyến và thầm tiếc nuối. Bao kỷ niệm ùa về, khi cảnh cũ còn đó nhưng người xưa mất rồi. Đi qua đồi Cù, nhớ lại kỷ niệm bao lần tụi mình sinh hoạt dạo chơi ở đó, có một lần cả lớp tham dự với cha Matthias Chen Wen Yu (Tàu con). Những ngày đi học, băng đồi cù đi tắt qua Viện Đại học. Suốt niên khóa 1973-1974, chiều Chúa nhật mỗi tuần, mình cùng Bông chùa thường hướng dẫn đám thanh niên đủ mọi thành phần sinh hoạt “Chân Trời Mới” (STRADA), khi nơi nầy khi nơi khác, nhưng đồi cù là nơi thường đến và dễ đến nhất vì không phải xin phép ai. Đồi cù nay đã bị bế quan tỏa cảng, chỉ dành riêng cho thiểu số nhà giàu. Đi đến cuối hồ Xuân Hương là con đường dẫn lên Lao xá ngày xưa, nay không còn nữa. Năm đầu lên GHHV, 5 người trong nhóm Sài Gòn tụi mình (Bông, Tứ, Hiến đỏ, Hiến trắng, Giàu), hình như nhớ còn Lê Minh Đức Mỹ tho và nếu không lầm có Khoa Đà Nẵng, xung phong nhận công tác Strada Lao xá. Công tác nầy chẳng có gì vui và khích lệ. Đủ mọi loại chuyện nghe ù cả tai, hoa cả mắt: từ tù hình sự chờ ra tòa với những phương thức giết người vừa nhanh vừa man rợ, đến tội lường gạt, tù chính trị ("Bét mình rồi nó muốn bén thì bén mẹ cho rồi, nó không bén mà cứ đéng hòa, đo quó!"), tệ nạn xã hội…Đôi khi mình được tận mắt chứng kiến tội phạm ma túy lên cơn oằn oại la hét trong khi tay bị còng vào giường…Hầu hết đều kêu oan, đều cho rằng mình không có tội! Với lứa tuổi đôi mươi quá non nớt sao mình lại chọn công tác nầy? Mình có biết làm gì, nói gì đâu, cho nhiều trường họp quá khác nhau, để đem lại an ủi cho họ? Có lẽ vì ít người chọn công tác nầy. Có lẽ vì sự hiếu kỳ và hiếu thắng của tuổi trẻ. Và có lẽ vì tụi mình muốn cùng sinh hoạt có nhau. Khi ấy đứng đầu STRADA là anh Huỳnh Hữu Khoái và đầu nhóm Lao xá là Đỗ Thanh. Hai người cùng là dân Kontum nên thân nhau và cùng rất quan tâm đến tổ nầy, do đó công tác vơi bớt phần nào khô khan. Tuy vậy, chúng mình lớn lên nhiều và học thêm được nhiều từ công tác nầy: biết lắng nghe và chia sẻ, thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống mà bấy lâu chỉ biết nhìn thế giới toàn một màu hồng, biết đặt niềm tin đúng chỗ, biết sự hạn hẹp của khả năng mình…

Seeing

Một bạn 72 (lúc ấy lớp chưa có tên Ngôn sứ) chỉ ghé qua vài tháng rồi chuyển hướng, cũng gây đình đám là Dzăn Hòa (Nguyễn Văn Hòa - Nha Trang), tự Ba răng Dzàng với chiếc răng bọc vàng chóe, chói mắt người đối thoại. Trong thời gian chung lớp ngắn ngủi ấy, hắn hay cặp với mình để chọc phá thiên hạ, gọi tên ai cũng bằng chữ Dzăn đứng trước, như Dzăn Bông, Dzăn Hiến, Dzăn Tứ, Dzăn Trang, Dzăn Quyến…bất kể tên lót kẻ ấy là gì! Gây ồn ào một thời rồi hắn lặng lẽ ra đi…Pháp.

Mình có một kỷ niệm đáng nhớ nhất với cha Deslierres: Một hôm xong giờ học ở Viện Đại học, mình ra tới cổng thì gặp ngài, có lẽ đi thăm ai trong Viện trở về, tiện dịp thấy tụi mình tan học nên ngài ngồi chờ trên chiếc Honda dame. Thấy mình ngài bảo lên xe chở về học viện. Vừa ngồi lên yên sau chưa kịp ổn định, thì bất ngờ ngài vô số rú ga chạy, khiến mình mất thăng bằng thọc gót chân vào căm xe. Đau điếng, phát hoảng, mình vỗ vai ngài lia lịa và la ầm lên: "Arrêtez-vous! Arrêtez-vous!" Không có phản ứng gì đáng kể, ngài vẫn tăng ga xuống dốc ngon lành. Mình quýnh quáng la khẩn cấp hơn nữa: "Ngừng lại cha!" Vẫn chạy. Hoảng quá, lại đau, mình không còn biết trời trăng gì hết, cứ nói bất cứ thứ gì kể cả tiếng lạ, miễn sao ngài ngừng lại: "Stop, Stop here, mon père!..." Khi xe ngừng thì đã gần nửa dốc rồi. Gót giày của mình (made in USA đàng hoàng nhé) rách bươm. Nếu ngài kéo thêm một chút nữa chắc mình thành phế nhân luôn. Ngài tỏ vẻ ân hận trông phát tội: "Pardon, tôi cứ tưởng thày…chơi (giỡn)!"

Nhóm cao nguyên (bây giờ người ta dùng chữ Tây nguyên cho nó vừa thiểu số vừa Tây) gợi nhớ đến Cao Văn Thành, tuy mang danh Kontum nhưng lại là người Kinh hẳn hoi, nhà ở ngay trụ sở MEP (góc sau TCV Sàigòn đã bị sung vào công thổ) cũng là tuyển thủ túc cầu (?) và bóng rỗ. Thuyên, Chương (Ban Mê Thuột) đều hiền lành, điềm đạm và vui vẻ. Xuống đến cao nguyên Lâm Viên là Trần Văn Toàn và Lê Cường chính danh Đà Lạt. Dân Đà Lạt dáng người thấp bé, nhưng đầu óc thì không bé chút nào. Trẻ tuổi tài cao mà không nhắc đến Tài, Mỹ Tho thì quả là thiếu sót.

Từ miền hỏa tuyến trở vào, cùng với Nguyễn Hưng, Huế còn Lê Văn Thanh cũng tham gia làm báo Thông Xanh với Bài (lúc ấy mình phụ trách minh họa, trang trí). Nhưng năm sau thì Thanh chuyển hướng.

Từ ngữ danh giá “siêu” khi ấy được trang trọng dành cho quí vị Qui nhơn. Tuy nhiên 2 bạn Qui Nhơn lớp mình lại không siêu theo nghĩa đó, mà ở lãnh vực tu học. Đặc biệt ở nụ cười, nếu Xuân Thành cười tươi, mím chi cọp, thì tiếng cười của Minh Dũng nhà ta ha hả kéo dài, rất sảng khoái, vô tư, điểm thêm tí lông giựt giựt dưới nốt ruồi trên càm, đúng là kỳ quan!

Cần thơ gạo trắng nước trong ngoài Vàng đã chạm được lý tưởng, còn có Nguyễn Thành Viễn mang dáng vấp của người quê Bến Tre, đã lâu lắm rồi không gặp lại. Tận cùng đất nước là giáo phận Long Xuyên với Vũ ThànhThái, đầu tóc quăn tít gây ấn tượng mạnh với Đỗ Văn Bông chùa (các bạn muốn rõ, cứ hỏi Bông xem hắn còn nhớ không) và Trương Văn Trang, nghiêm trang đạo mại như cha già. Dịp lễ an táng Thành, Trang cất công lên Sài Gòn tham dự, nhưng lu bu quá chìm khuất trong dòng người, nên tụi mình chỉ thoáng gặp, chưa nói được gì với nhau!

Seeing

Với lớp Ngôn sứ và cả lớp Mình Sài Gòn, thì mình sống chung lâu dài nhất với nhóm Sài Gòn, nhất là các bạn Bông, Hiến đỏ, Tứ (Hiến trắng và Nghiệp không tiếp tục sau 75). Chúng mình cùng tu học với nhau ròng rã 13 năm (8 năm TCV và 5 năm GHHV – 1964-1972, 1972-1977). Bản chất anh em Sài Gòn rất “lành”, coi vậy chứ không phải vậy, nhưng bị gieo tiếng dữ “oan âm thị Mầu” là “manger et jouer”. Đành chịu vậy thôi cho vui nhà vui cửa!

Seeing

Với Tứ, một “handsome guy” rất “éléphant”, đại diện xứng đáng cho “hòn ngọc Viễn Đông”, chúng mình có nhiều điểm giống nhau, gần gũi, nhưng dường như giống hai đường thẳng song hành. Cùng biết vẽ (diễn nôm là hoa tay), nên từ nhỏ chúng mình luôn phải tham gia các công tác có tính cách mỹ thuật, như trang trí phông màn sân khấu, trang hoàng ngày lễ, minh họa tạp chí, bích báo, kẻ nhạc,… cùng được học chung lớp hội họa do TCV tổ chức (với họa sĩ Tr/u Đỗ Trọng Nhơn – những công tác loại nầy thường chiếm hết giờ chơi và ngày lễ của chúng mình). Sau nầy lên GHHV, hai đứa cùng cộng tác với một nhân vật khác là tiền bối Nguyễn Văn Khôi (Qui nhơn - nay là Giám mục) tham gia mọi hoạt động mỹ thuật của học viện. Khi chuyển hướng, mình học Kiến Trúc, Tứ cũng theo Kiến trúc, nhưng ở mức độ sang hơn (bằng Architect USA chứ không dỏm như mình). Thêm một chi tiết nữa bây giờ mình mới chợt nhớ ra khi nghe bạn bè nhắc lại trên xe: Thuở đầu đời của Tứ ở họ đạo Bình Hòa, thì bây giờ thuở cuối đời của mình lại là họ Bình Hòa…(chút chuyện phiếm cho vui nghe Tứ!)

Seeing

 

Các bạn Ngôn sứ ơi!

Lúc bắt đầu, mình chỉ muốn tâm sự vài dòng ngắn gọn (ngày nay ai cũng sợ nói nhiều). Không ngờ, nghĩ đến các bạn thì mạch hồi ức tuôn trào và mình để bị cuốn theo, bắt phải nhớ tới từng người. Thôi thì lỡ dài rồi, bạn nào không muốn tiếp tục thì thông cảm lướt qua hoặc bỏ đi. Mình chỉ muốn được một lần nhớ về các bạn thật trọn vẹn, tha thiết muốn được một lần bốn biển năm châu anh em gặp lại. Nhưng chắc chắn không gian thời gian không còn cho phép. Ai biết mình sẽ ra sao ngày sau!

Đà Lạt không còn là của chúng mình nữa rồi! Đà Lạt màu mè nhân tạo, Đà Lạt nhà cửa, cảnh trí xô bồ, Đà Lạt nhân mãn, Đà Lạt bị tàn phá nặng nề về môi trường, phong cảnh, đạo đức con người… Đà Lạt nóng, Đà Lạt xấu xí…!

Và trên tất cả, đó là mái trường thân yêu GHHV của chúng mình. Vài năm trước đây nó đã từng bị “xuống cấp”, nhưng vẫn hy vọng có ngày khôi phục lại, nay thì đã không còn hy vọng gì nữa! Theo nhận xét cá nhân mình, GHHV là một công trình kiến trúc tuyệt vời về bố cục không gian và thiết kế công trình, về tổ chức công năng, tạo hình, hình khối, đường nét, màu sắc, sử dụng vật liệu…vật lý kiến trúc và bao cảnh chung quanh, đến nổi theo mình, không thể thêm gì hoặc bớt gì mà không làm ảnh hưởng đến tổng thể của nó. Nhưng vừa qua, qua dự án công viên “golf valley” mình vô tình nhìn thấy đồ án cải tạo tòa nhà GHHV: lần nầy thì nó thay đổi toàn bộ công năng, cấu trúc, kết cấu bên trong, xây chèn thêm khối mới vào công trình cũ! Sao có thể như vậy được?

Nhưng không chỉ có thế. Đà Lạt còn được tạo nên bởi những nhân tố khác, trong đó có con người Đà Lạt, mà những học viên GHHV là một trong những nhân tố quan trọng đó. Nay chỉ còn lại quá khứ với dĩ vãng mờ mờ nhân ảnh, qua lớp sương khói của thời gian, mà bạn Khang đã (bùi ngùi?) đưa vào đầu website lên như một slogan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Những gì đã trở thành ảo ảnh, không nắm bắt được, lại càng lung linh, đẹp đẽ, quyến rũ hơn bội phần, phải không các bạn? Đặc biệt qua lớp lăng kính sương mù thời gian…

Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, những con người ngày ấy và chính các bạn, lớp Ngôn sứ giờ đây cũng vậy. Đó chính là ảo ảnh mà chúng mình, nhất là những người không đi tới cùng đích, luôn hoài vọng, theo đuổi, nắm bắt và nuối tiếc mãi khôn nguôi. Ký ức về trường cũ bạn xưa càng lung linh, lấp lánh hơn bao giờ!

Đà Lạt ơi, ngày tháng ấy đâu rồi!

Tháng ngày trải một cơn mê
Ngàn thu lỡ hẹn câu thề năm xưa
Cao nguyên trầm mặc trong mưa
Vườn xưa hoa cỏ say sưa nỗi sầu
Bạn ơi, còn gặp lại nhau?
Hay là hẹn lại phía sau cuộc đời!

 

SàiGòn, kỷ niệm một chuyến đi

P.NGUYỄN VĂN GIÀU

4.5.2014

 

 


Xem các bài viết khác của Lớp Ngôn sứ.