Họ đạo Lái Thiêu theo dòng lịch sử

Seeing

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biên khảo

Lái Thiêu cách Sài Gòn khoảng 20 km, là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương cũ, từ lâu nổi tiếng với vườn cây trái bạt ngàn trải rộng trên diện tích 1.250 ha với phong cảnh sông nước hữu tình, thuở xưa từng là nơi nghỉ ngơi cuối tuần tuyệt diệu dành cho du khách. Ngoài ra Lái Thiêu còn những điểm đặc sắc khác, là chiếc nôi của nghề gốm, nơi hiện diện trường Câm Ðiếc duy nhất của miền Nam lúc trước. Nhưng đặc điểm nổi bật nhất có lẽ là họ đạo Lái Thiêu với bề dày truyền thống hơn 260 năm thành lập.

Trong dân gian vẫn truyền tụng câu ca dao:

''Tháng giêng mười sáu trăng treo”
Anh sắm giường lèo cưới vợ lái Thiêu"

Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhiều người dân cố cựu từng nghe cha ông nhắc đến quá khứ vàng son, đầy tự hào của họ đạo Lái Thiêu. Nhưng qua bao lớp sóng phế hưng, bao thăng trầm của lịch sử và qua bao bể dâu của cuộc đời, những danh tiếng xưa, nay đã ít nhiều nhạt nhoà. Ngày nay còn mấy ai quan tâm và biết đầy đủ lịch sử của họ đạo mà cha ông đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu để đặt nền móng và xây dựng nên một giáo xứ Lái Thiêu tiếng tăm, vững bền cho đến tận hôm nay.

Có biết mới yêu thương. Hiểu biết tường tận về quê hương để thêm lòng yêu mến và góp công xây dựng họ đạo ngày càng thêm vững chắc. Đó là mục tiêu của bài biên khảo này mà người viết muốn gởi đến, đặc biệt cho các bạn trẻ thân thương, như một cách gìn vàng giữ ngọc cho hôm nay và mai sau.

 

A. Lược Sử Họ đạo Lái Thiêu

Nói đến giáo phận Phú Cường, người ta không thể không nhắc đến họ đạo Lái Thiêu, một giáo xứ cổ xưa, chiếc nôi truyền giáo của giáo phận Đàng Trong (được thành lập 1659), nơi mà thuở ban đầu, vẫn còn là rừng rậm hoang vu. Giáo xứ Lái Thiêu là một họ đạo truyền thống, kề cận trung tâm quận lỵ Lái Thiêu xưa. Nhà thờ Lái Thiêu toạ lạc tại một khung cảnh thơ mộng, trên một ngọn đồi thấp, chung quanh phủ đầy cây cao bóng mát, nhìn ra dòng sông Sài Gòn hiền hoà quanh năm tưới thắm những mảnh vườn cây trái màu mỡ; chưa một lần giận dữ, phản bội cư dân vốn chung thuỷ với ruộng vườn. Dòng sông chưa hề dâng nước gây ngập lụt, lỡ bờ, lỡ đất, gây tai hoạ thiên nhiên cho con người.

Theo sử liệu thì thời điểm sớm nhất người ta tìm thấy người Việt theo đạo Thiên Chúa giáo ở Nam Kỳ là vào năm 1666 khi giáo sĩ Chevreuil và Haiques, hai người Pháp đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris (M.E.P), từ Xiêm tìm cách lén vào Đàng Trong. Trên đường đi, giáo sĩ Chevreuil gặp được một gia đình chủ thương thuyền tại Bà Rịa. Sau đó, giáo sĩ đến một nơi được mô tả là “một thị trấn ở giữa sông” và được một vị quan người Việt có đạo tiếp đón, cho phép làm lễ trước “sự hiện diện của một vài người Việt Thiên Chúa giáo trốn tránh cấm đạo ở xứ Đàng Trong”. “Thị trấn giữa sông” này có lẽ là Cù Lao Phố thời bấy giờ.

 

Seeing

Không ảnh khu vực nhà thờ Lái Thiêu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đạo Thiên Chúa đã có mặt khá lâu tại Bình Dương trước khi người Pháp đến vùng đất này, lúc bấy giờ thuộc địa bàn tổng Bình An (nâng lên thành huyện từ 1808), trấn Biên (Biên Hòa - sau thành tỉnh từ năm 1832). Lái Thiêu là nơi đã hình thành họ đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Bình An và cũng có thể sớm hàng đầu ở phía Nam.

Ngày 26-11-1744, Ðức Benedictus XIV cử Ðức cha Hilario Costa Hy, lúc đó đang phục vụ tại giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, làm Khâm Sứ Tòa Thánh kinh lý Ðàng Trong, Cambodia và Chàm. Ngày nay chúng ta còn đọc thấy văn bản tóm kết mười biên bản của 10 phiên họp được tóm lại trong khoảng 260 trang khổ lớn, do cha Adrien Launay làm thư ký, ghi lại: "tại Lai-thiu (Lái Thiêu), năm 1747 có 400 giáo hữu". Qua việc phân chia vùng để các thừa sai truyền giáo, thời gian đó, ít nhất tại Lái Thiêu có hai nhóm thừa sai truyền giáo: dòng Tên (Jésuites) và Phanxicô (Franciscains). Như vậy, Người ta ngờ rằng, có lẽ bắt nguồn từ các cuộc bắt đạo liến tiếp và tàn khốc trong suốt nửa thế kỷ (1617-1665) của triều đình nhà Nguyễn, các tín hữu đã tìm đến vùng đất Lái Thiêu hoang vu này để khai hoang, lập nghiệp, mưu tìm sự bình an để sinh sống, gìn giữ lực lượng các Kitô hữu và sống niềm tin tôn giáo của mình.

Theo Nguyễn Đình Đầu trích lại (CG và DT số 881-882, ngày 01-11-1992): “họ đạo Lái Thiêu đã là một trong những trung tâm truyền giáo của Đàng Trong từ thế kỷ XVIII thời sơ khai của Giáo hội miền Nam Việt Nam được các giáo sĩ dòng Tên, dòng Phanxicô chăm sóc. Đến khi các giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Paris (M.E.P.) đảm trách, nhiều Giám mục đã đặt trụ sở tại đây.

Lái Thiêu

Một góc làng quê Lái Thiêu xưa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lái Thiêu, một họ đạo được hình thành lâu đời, trước 1747 (hơn 260 năm), được xếp loại họ đạo lớn của giáo phận Đàng Trong vào hạ bán thế kỷ XVIII, đứng hàng thứ ba, đứng đầu miền Nam Đàng Trong với "400 nhân danh.

Có thể nói rằng, cho đến năm 1750 và những năm sau đó, sự phát triển của người giáo dân Thiên Chúa giáo tại đồng bằng miền Nam đều xuất phát từ trung tâm Chợ Quán và do công sức của linh muc José Garcia và một nhóm nhỏ thầy giảng, cộng sự viên của ông.

Vào buổi đầu khi mới đến, công việc của linh mục Garcia không phải là truyền đạo cho người chưa theo, mà là đi tìm người lưu dân đã có đạo phân tán khắp nơi và quy tụ họ lại thành nhóm nhỏ, từng họ đạo nhỏ. Nếu lần theo vết chân ngang dọc của ngài khắp miền Nam để đi tìm kiếm và quy tụ lưu dân Thiên Chúa giáo, chúng ta sẽ phát hiện được vào thập niên 40 của thế kỷ XVIII, các địa điểm Thiên Chúa giáo tại đây. Tổng số giáo dân Thiên Chúa giáo do dòng Phanxicô phụ trách là 5.500 người từ Sài Gòn đến Hà Tiên, có 66 nơi thờ tự gồm 14 nhà thờ, 11 nhà nguyên và 41 bàn thờ, tập trung chung quanh 46 họ đạo lớn nhỏ ở trong 7 khu vực định cư như sau:

Khu vực thứ nhất chung quanh Sài Gòn gồm 2.500 giáo dân, có một nhà thờ ở Chợ Quán, một ở Chợ Lớn, một ở Bến Nghé và một nhà nguyện ở Rạch Cát.

Khu vực thứ hai nằm về phía Bắc Sài Gòn, dọc theo sông Sài Gòn, có nhiều họ đạo và họ lớn nhất là Lái Thiêu. Năm 1739 họ này đã có một nhà thờ rộng lớn và gần 400 giáo dân. Về phía Tây Bắc có một vài nhóm lẻ tẻ ở vùng Trảng Bàng…

Một tài liệu khác cho rằng : trong khoảng thời gian trước năm 1774 đến 1788 giáo dân trốn tránh cơn bắt đạo chạy vào vùng Lái Thiêu, ở ấp Bình Giao, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương ngày nay. Ấp Bình Giao xưa kia là một vùng gò nỗng, rừng cây um tùm, giáo dân có thể ẩn náu rồi lập thành một giáo điểm gọi tên “Họ Gò”. Dấu tích còn lại ngày nay là sân golf tỉnh Bình Dương, xưa kia có một nghĩa trang mồ mả xây bằng đá ong có khắc hình thánh giá và dấu vết các bậc thềm đá ong là nền móng của nhà thờ xưa.

Quá trình xây dựng nhà thờ luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của họ đạo đầu tiên tại vùng đất Lái Thiêu mà lúc đầu được gọi là Họ Gò. Người có công sáng lập Họ Gò là ông Philipphê Nguyễn văn Tâm và bà Maria Nguyễn Thị Y. Họ Gò là tiền thân họ đạo Lái Thiêu.

Nhà thờ Họ đạo Lái Thiêu đầu tiên lập tại chợ Cây Me có bàn thờ Chúa do Đức Giám mục Bá Đa Lộc cho xây đơn sơ từ năm 1771, là người cai quản giáo phận Nam Đàng Trong và cả nhà thờ Lái Thiêu vì lúc bấy giờ Lái Thiêu là trung tâm của cả giáo phận.

Cơn bắt đạo lắng dịu, nhà thờ Họ Gò được di chuyển đến một địa điểm rộng rãi trên một vùng đất cao, nhà thờ mới được xây cất tại khu đất nhà thờ Lái Thiêu hiện nay, đổi tên là nhà thờ Lái Thiêu. Nhà thờ xây dựng bằng vật liệu nhẹ, mái ngói, vách ván, cây cao bóng mát quang cảnh nên thơ đẹp mắt.

Năm Bính Thân 1776, quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ làm Tiết chế vào chiếm Gia Định, Đức cha Bá Đa Lộc chạy lánh nạn trên các đảo trong vịnh Xiêm La, thầy Nguyễn Văn Danh được chỉ định lưu lại coi sóc họ Lái Thiêu.

Vào tháng 3 năm 1782 năm Nhâm Dần, quân Tây Sơn, một lần nữa tiến đánh Gia Định, cuộc chiến này kéo dài suốt bảy tháng ròng. Giáo dân lại một lần nữa bị tản mác. Giám mục Adran (Bá Đa Lộc) cùng với chủng viện phải di tản, để lại ba linh mục người Việt và một thừa sai dòng Phanxicô người Tây Ban Nha.

Vào tháng 10 năm đó, Chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Sài Côn lần thứ ba, Giám mục Adran cùng đoàn tùy tùng lại trở về trở về Sài Côn và Lái Thiêu, đến họ Mặc Bắc, nơi tương đối ít bị chiến tranh chi phối và có một số giáo dân khá đông. Tại đây ngài quy tụ các thừa sai gồm một linh mục người Pháp, hai linh mục dòng Phanxicô người Tây Ban Nha và ba linh mục người Việt để phân công chỉnh đốn lại các họ đạo trong vùng. Từ thời điểm này đến tháng 3 năm 1783 khi quân Tây Sơn đánh chiếm Gia Định lần thứ tư, họ đã rửa tội được 93 người lớn, nhưng sau đó họ lại phải bỏ các họ đạo để chạy trốn sự truy lùng của quân Tây Sơn, trừ hai linh mục người Việt, một ẩn náu trong họ đạo Lái Thiêu và một ở Sa Đéc. Sự chiếm đóng Gia Định và các tỉnh phía dưới lần này của quân Tây Sơn kéo dài mãi đến tháng 5 năm 1788, cho đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định (có nghĩa là cả miền Nam lúc đó). Tình hình trong giai đoạn này tương đối yên ổn, nhờ đó chúng ta có thể thấy được sinh hoạt của người giáo dân Thiên Chúa giáo cũng như chính sách của Tây Sơn đối với họ.

Cuối tháng 10-1783, anh em Tây Sơn kéo về Qui Nhơn, Đức cha Bá Đa Lộc trở lại miền Nam thu xếp cho chủng viện đóng ở họ đạo Mặc Bắc, Vĩnh Long, thừa sai Liot làm Giám đốc chủng viện.

Năm Giáp Thìn, 1784 Nguyễn Huệ vào Gia Định lần thứ tư. Một lần nữa Giám mục Bá Đa Lộc lánh nạn. Lần này đi xa và lâu ngày, qua Pháp với Đông cung Thái tử Nguyễn Phước Cảnh (1780-1801) từ giữa tháng 12-1784... (Theo Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng : Tây Sơn. Sàigòn, 1967, tr. 92-134).

Năm 1788, Nguyễn Ánh phục hồi toàn miền Nam. Qua năm sau, ĐGM Bá Đa Lộc cùng hoàng tử Cảnh về tới Sài Côn. Thấy tình hình đã thay đổi thuận lợi, ĐGM Bá Đa Lộc chuyển Chủng viện Chantaboun (chừng 40 chủng sinh) từ Xiêm (Thái Lan) về Lái Thiêu và chọn địa điểm Lái Thiêu làm trung tâm của giáo phận Đàng Trong, lập Tòa Giám Mục và cử thừa sai Boisserand làm giám đốc .

 

Lái Thiêu trở thành trung tâm lớn Công giáo miền Nam. Sau đó, tháng 06-1792, Đức Cha chuyển chủng viện ra Tân Triều (Đồng Nai) kinh đô mới của Nguyễn Ánh. Đến năm 1798, Đức Cha lập Đại chủng viện ở Lái Thiêu, bấy giờ có được 24 sinh viên. Vai trò của Lái Thiêu càng trở nên quan trọng đối với Giáo hội ở miền Nam Đàng Trong.

Cha Azémar là người xây ngôi nhà thờ mới Lái Thiêu tại vị trí hiện nay năm 1894 và mất sau khi khởi công một năm vào ngày 9/6/1895. Người tiếp tục gánh vác công trình xây dựng này và đã hoàn tất vào năm 1897 là cha sở nhà thờ Lái Thiêu nhiệm kỳ 1895 -1915: Ernest Verney. Chúng ta sẽ còn nhắc đến tên cha Azémar như là người có công lớn trong việc thành lập, xây dựng trường Câm điếc Lái Thiêu và sau này được xem như là một trung tâm giáo dục đặc biệt nổi tiếng hàng đầu không chỉ ở Thủ Dầu Một - Bình Dương mà cả phía Nam Việt Nam.

Nhà Thờ Lái Thiêu

Nhà thờ Lái Thiêu ngày xưa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mộ hai ông bà sáng lập Họ Gò là ông Philipphê Nguyễn văn Tâm và bà Maria Nguyễn Thị Y ở nghĩa trang Họ Gò được Cha Sở Lái Thiêu Ernest Verney cải táng về trong nhà thờ Lái Thiêu.

Chỉ hơn 30 năm sau Chủng viện Lái Thiêu, năm 1821, triều Minh Mạng, cha Jean Louis Taberd (tên Việt là Từ) được bổ nhiệm coi sóc Lái Thiêu. Sáu năm sau (1827), ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Tây Ðàng Trong, tháng 6-1630, được tấn phong ở Thái Lan do Ðức cha Bregnières và trở về đặt tòa giám mục tại Lái Thiêu. Năm 1830 Đức cha lập dòng Mến Thánh giá Lái Thiêu.

Ngày 2-3-1844, Ðức Gregorius XVI chia đôi giáo phận Ðàng Trong: giáo phận Ðông và Tây. Phần đất thuộc giáo phận Phú Cường ngày nay đã thành lập nhiều cơ sở, giáo xứ như: Lái Thiêu, Búng, Tân Quy, Tha La, Brơ-Lam... thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong. Các nhà nghiên cứu cho rằng truyền thống địa phận Phú Cường sau này nối tiếp truyền thống của các họ đạo cổ xưa Lái Thiêu, Thị Tính, Búng, Tha La...

Như thế ở vùng đất "Phú Cường" đã có nhiều họ đạo thuộc giáo phận Ðàng Trong

Năm 1850, Tòa Thánh cắt nguyên phần đất Cambodia khỏi giáo phận Tây Ðàng Trong, lập giáo phận mới, gọi tên là giáo phận Nam Vang. Phần đất Phú Cường thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong. Ðầu năm 1849, Ðức cha D. Lefèbvre Ngãi tấn phong giám mục cho cha J.C. Miche Mich tại Lái Thiêu. Tháng 8-1856, Ðức cha Lefèbvre bị trục xuất sang Singapore, nhưng năm 1857, ngài lại có mặt tại Lái Thiêu để coi sóc giáo phận.

Vì vùng đất thuộc giáo phận Phú Cường trước đây rất hiểm trở nên trong cuộc bách hại dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức, vùng Lái Thiêu được chọn làm cơ sở đặt Tòa Giám Mục, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân ít bị bách hại hơn các nơi khác.

Ngày 3-12-1924, Tòa Thánh đổi tên các giáo phận ở Việt Nam theo địa bàn hành chánh, nơi đặt tòa giám mục, giáo phận Tây Ðàng Trong được đổi thành giáo phận Sàigòn. Theo thống kê năm 1938, trên phần đất của giáo phận Phú Cường hiện nay, số người Công giáo còn thưa thớt ít ỏi với 11 giáo xứ và 13,799 giáo hữu. Năm 1966, con số chính thức được ghi nhận: số giáo dân là 51,488 người trên tổng số 715,000 dân (chiếm 7.2%); 43 linh mục, 6 giáo hạt: Phú Cường, Tây Ninh, Tha La, Lạc An, Bình Long, Phước Thành; 39 họ đạo có cha sở hiện diện và 106 thánh đường lớn nhỏ.

Ngày 14-10-1965, Ðức Phaolô VI ban Sắc chỉ In Animo Nostro, cắt bốn tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Phước Thành và Bình Long thuộc tổng giáo phận Sàigòn lập thành giáo phận Phú Cường và đặt Ðức cha Giuse Phạm Văn Thiên làm giám mục tiên khởi. Về cơ sở vật chất, năm 1967, Ðức cha cho xây dựng Tiểu chủng viện ở Gò Cầy, lập Trung Tâm Bác Ái ở Lái Thiêu. Năm 1968, xây dựng trường Thánh Giuse. Năm 1970, tiếp nhận dòng Con Ðức Mẹ từ Cambodia về và thiết lập các cơ sở. Năm 1972, xây tòa giám mục và năm 1974 xây tu viện Lời Chúa cho công cuộc truyền giáo. Về tinh thần, Ðức cha đã tổ chức sinh hoạt giáo phận theo tinh thần và đường hướng của Công đồng Chung Vatican II.

Nhà Thờ Lái Thiêu

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B. Người vào lịch sử

Những danh nhân từng gắn bó mật thiết với họ Lái Thiêu, mà nay tên tuổi vẫn được lưu danh thiên cổ:

 

 

- ĐỨC CHA BÁ ĐA LỘC (1771-1799):

 

ĐCha Pigneau de Béhaine

Đức Cha Pigneau de Béhaine

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Là tên Việt của Ðức cha Pigneau de Béhaine (tên đầy đủ là Pierre-Joseph-Georges PIGNEAU DE BÉHAINE), trong các tài liệu giáo sử ngài còn được gọi là “ Đức Thầy Vêrô” hay Đức Cha Adran – sinh ngày 2 tháng 9 năm 1741 tại làng Origny-en-Thiérache, thuộc địa phận Aisne vùng Picardie gần thành phố Hirson nước Pháp – Béhaine là tên địa danh điền trang của gia đình). Ðức cha Pigneau de Béhaine là một trong 2 vị thừa sai nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Vị kia là ALEXANDRE DE RHÔDES (Alịchsơn Đắc lộ, người có công sáng tạo chữ quốc ngữ).

Riêng Ðức cha Pigneau de Béhaine biên soạn tự điển Việt-La, được đánh giá là khá hoàn hảo về mặt từ ngữ và văn phạm; và cuốn "Thánh Giáo Yếu Lý", được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XX. Thời của ngài, Đức Cha đã chuyển Chủng viện Chantaboun từ Xiêm về Lái Thiêu (1787) và chọn địa điểm Lái Thiêu làm trung tâm của giáo phận Đàng Trong và lập Tòa Giám Mục.

Để kính trọng, giáo dân Việt Nam quen gọi ngài là Cha Cả. Trước đây dấu tích của Ngài còn lưu lại tại Lăng Cha Cả (gần phi trường TSN), nay thì vật đổi sao dời… Tro xương của Giám Mục Bá Đa Lộc được đem về Pháp năm 1983 và cất giữ tại hầm mộ của Viện Giáo Sĩ Truyền Đạo Nước Ngoài Paris (Hội Thừa Sai)

 

- CHA MARCHAND (DU) 1803-1835

Nhà Thờ Lái Thiêu

Cha Marchand Du chịu lăng trì

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Joseph Marchand, linh mục Thừa Sai Paris (MEP) sinh ngày 17.8.1803 tại làng Passavant, tỉnh Doubs, miền Đông nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Mãi đến năm 18 tuổi, nhờ cha sở giúp đỡ mới được đi học "trường các thầy cả" ở Orsans, rồi trường lớn ở Besançon.

Giám mục Taberd đặt tên Việt cha Marchand là Du. Tháng 3 năm 1830, cha Marchand đặt chân đến Việt Nam, theo học tiếng Việt và phong tục Việt tại Chủng Viện Lái Thiêu, và bắt đầu các sinh hoạt tông đồ nơi những vùng có đạo của tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, và cho tới tận Phnom Penh, kinh đô xứ Cambodia. Được ít lâu bị đau phải trở về Lái Thiêu. Giữa năm 1831 ngài được giao phó đi thăm các họ đạo Nam kỳ một thời gian thì được điều động ra săn sóc giáo dân Bình Thuận. Không lâu sau, cha Marchand trở lại Chủng viện Lái Thiêu, ngài dạy học cho một số ít chủng sinh, trong số đó có hai thầy Philipphê Phan văn Minh và thầy Matthêu Lê văn Gẫm. Sau này thày Minh làm linh mục, thày Gẫm sống cuộc sống gia đình. Cả hai thầy đều chịu phước tử đạo thời vua Minh Mạng.

Thời gian dạy học ở Chủng viện Lái Thiêu, cha Marchand nhận bài sai lo cho toàn khu vực tỉnh Bình Thuận, coi sóc 25 họ đạo với khoảng 7000 tín hữu, phương tiện đi lại đều bằng thuyền rất khó khăn.

Khi Lê Văn Khôi phản nghịch triều đình, muốn tạo thêm uy thế và được sự hỗ trợ từ phía ngoại quốc, Lê Văn Khôi nhiều lần dùng đủ mọi biện pháp, buộc ngài phải hợp tác. Cha Marchand quyết liệt từ chối. Cuối cùng dưới áp lực mãnh liệt của Khôi, ngài phải vào thành Gia Định Nhưng chỉ để phục vụ giáo dân đang trú trong thành, hoàn toàn không can dự gì vào việc tạo phản của Khôi.

Cuối cùng, khi quân triều đình chiếm được thành Gia Định. Họ san bằng thành lũy, giết tất cả mọi người có mặt trong thành và đóng cũi giải về Huế 5 người trong đó có cha Du, con trai của Khôi mới 7 tuổi. Tại Huế, vua Minh Mạng dùng mọi nhục hình khảo tra như dùng kìm sắt nung đỏ kẹp vào da thịt buộc ngài phải nhận tội làm chính trị, nhưng ngài cương quyết chỉ nhận mình rao giảng nước Chúa. Không buộc được tội chính trị, triều đình ép ngài « quá khóa » (bước qua thánh giá). Dĩ nhiên là không được, Minh Mạng truyền xử tử hình lăng trì (bá đao).

Ngài nhận phước tử đạo ngày 30.11.1835. Vì bị tra khảo quá sức man rợ đến kiệt sức khi hỏi cung và cả trên đường ra pháp trường, nên ngài được Chúa rước về ngay những nhát dao đầu tiên, không cần phải lóc xong 100 lát thịt…Xác ngài bị Minh Mạng truyền phân làm nhiều đoạn, đầu bị giã nát và ném ra cửa biển Thuận An để không còn vết tích.

Năm 1900 Cha Du được Tòa thánh La mã phong Á thánh và ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

-ĐỨC CHA PHANXICÔ KÍNH (1799-1883)

ĐC Phanxicô Kính

.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên thật là François Isidore Gagelin, Sinh năm 1799 tại Montperreux, Besançon., Pháp, Linh mục Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 17/10.

Trong cuộc dẹp loạn Lê Văn Khôi, cha J. Marchand Du bị xử lăng trì ở Huế, cha Phước bị xử bá đao tại Sàigòn chung với một số tín hữu và tất cả được chôn chung trong một hố sâu gọi là Mả Ngụy. Ðức cha Jean Louis Taberd (1827-1840) phải rời Lái Thiêu sang Thái Lan (Xiêm), nhiều nhà thờ bị triệt hạ, nhiều giáo sĩ và giáo dân bị bắt, nhà thờ Chợ Quán bị phá thành bình địa năm 1834, bổn đạo tản về các miền Gò Vấp, An Nhơn, Xóm Chiếu hoặc những vùng ở miền Ðông như Ðất Ðỏ, Tân Triều, Lái Thiêu. Lúc đó, Ðức cha Entienne Théodore Cuénot Thể ẩn mặt ở Gò Thị (Quy Nhơn) để cai quản giáo phận Ðàng Trong.

Từ chối chức quan do chính vua Minh Mạng trao ban, cha Gagelin Kính chứng tỏ mình chỉ mong thi hành xứ mệnh linh mục cao quý "Loan báo tin mừng cho muôn dân" (Mc 13,10). Lòng nhiệt thành mục tử thúc bách ngài không ngừng đi khắp nơi để ban phát các bí tích. Chính vì yêu thương giáo hữu, ước mong họ được bình an, cha đã tự nguyện hiến mình vì đoàn chiên (Ga. 15,13). Ngài thực là gương mẫu sáng ngời cho các thế hệ.

Dần dần vua Minh Mạng áp dụng chính sách bách hại đạo ngày càng mãnh liệt hơn. Bề trên Thomassin đã phải di tản chủng viện An Ninh và cử cha Kính vào Sài Gòn, là khu vực Tả quân Lê văn Duyệt không áp dụng đường lối bài Công Giáo. Cha thường thực hiện sứ vụ tông đồ nơi các họ đạo vùng Sài Gòn, Bà Rịa, và đào tạo chủng sinh tại Lái Thiêu

Năm 1829, ngài trở về chủng viện Lái Thiêu, được Đức cha Talbert Từ bổ nhiệm làm Bề trên giáo phận và cử ra hoạt động ở miền Trung.

 

 

- ĐỨC GIÁM MỤC STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ, (1802 - 1861)Vị Khai Sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên

ĐC Cuénot Thể

.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên thật : Stéphane Théodore – Étienne Cuénot.
Sinh ngày : 08.02.1802 tại Sous-Réumont, Giáo xứ Bélieu (Pháp).
Vào chủng viện:1821. Thụ phong Linh mục : 24.09.1825.
Đến Việt Nam : Tháng 05.1829, Ngài suýt bị bắt tại Kẻ Vĩnh Bắc Việt
Khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 cùng năm đến Lái Thiêu học tiếng Việt và dạy 37 thanh niên trong một trường tại đây.

Đức Cha Taberd (Đức Cha Từ) đặt tên cho Cha Cuénot là Trí.
° 1833 [20.02] : Cùng Ðc Taberd Từ, chạy qua Xiêm.
° 1835 [03.05] : Giám mục phó, hiệu tòa Métellopolis với khẩu hiệu "Fac me cruce inebriari" [Hãy làm cho tôi say mê Thập Giá].
°1835 [12.05] : Về lại Việt nam với tên là Gm S. Cuénot Thể. Coi sóc Giáo Phận Ðàng Trong. Từ Singapore, vị tân Giám mục phó trở lại Việt Nam ngay. Và lần lượt trốn trại. An ngãi [21. 06. 1835] Phú hòa Bến Ðá Gia Hựu Gò Xoài Ðồng Hâu (1839) (-1861). Việc đầu tiên là: Truyền chức 10 thầy giảng làm linh mục. Mở lại 2 chủng viện Di Loan (Quảng Trị) và Lái Thiêu.
° 1840 [31.07] : Chính thức kế vị Ðức cha Taberd Từ vừa qua đời tại Calcutta, Ấn Ðộ.
° 1861 [30.10] : Bị bắt tại Gò Bồi.
° 1861 [14.11] : Chết rũ tù tại nhà giam Bình Ðịnh.
° 1899 [13.01] : ÐGH Lêô XIII phong Bậc đáng kính.
° 1909 [02.05] : ÐGH Piô X phong Chân Phước
° 1988 [19.06] : ÐGH Gioan-Phaolô II tôn phong Hiển Thánh

 

 

C. Các cha sở họ Lái Thiêu qua các thời kỳ :

 

1. Đức Cha Cả Pigneau de Béhaine (1782-1792)

ĐC Cuénot Thể

Tượng ĐGM Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trước Vương cung Thánh đường Sài Gòn đã được tháo gỡ
thay vào tượng Nữ Vương Hoà Bình hiện nay

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thời gian Đức Cha cả lưu lại tại Lái Thiêu không nhất định, vì ngài phải liên tục bôn tẩu trước sự truy nã của Tây Sơn.

Đức Cha Bá Đa Lộc đã quá nổi tiếng với người VN chúng ta. Ngoài công lớn đối với Giáo hội VN, với Chúa Nguyễn Ánh, ngài còn được biết nhiều đến trong vai trò giáo dục, chăm sóc, hướng dẫn Đông cung Thái tử Nguyễn Phước Cảnh (Vua Gia Long đặt Bá Đa Lộc chức vụ Thái phó). Năm 14 tuổi (1792) Hoàng tử Cảnh được lập làm Đông Cung, phong chức Nguyên suý Quận công. Đông Cung đã từng theo ngài qua Pháp suốt 5 năm để tìm sự giúp đỡ khôi phục lãnh thổ của Chúa Nguyễn. Qua sự dưỡng dục và mối quan hệ mật thiết, ĐGM đã có tầm ảnh hưởng lớn lao trên Hoàng tử Cảnh về phương diện tình cảm văn hoá, tư tưởng và phương cách hành động. Đại Nam Việt Quốc triều sử ký ghi chép : « Đông Cung rất u buồn vì mình chưa chịu được phép Rửa tội và vua nghe các quan lại trong triều can gián quyết định không cho Đông Cung ở cùng Đức Cha Béhaine. Một lần Đông Cung xin Đức Cha dạy cho biết về nghi thức Rửa tội, phòng khi lâm bệnh nặng mà không có Đức Cha bên mình, thì sẽ chỉ cách cho ai đó rửa tội cho mình. Đức Cha Béhaine qua đời năm 1799 là nỗi đau buồn vô hạn của Đông Cung và toàn thể các thừa sai, linh mục, tín hữu Việt Nam. Những tháng ngày sau cái chết của Đức Cha Béhaine, Đông Cung sống trong khủng hoảng, bi quan » (trích nguyên văn). Cuối cùng ông đã trở lại đạo Công giáo trước khi qua đời. Ông chết rất trẻ (1801) khi Gia Long chưa đăng quang Hoàng Đế (1802) và sau Đức Cha Béhaine 18 tháng.

Tự Điển

Tự Điển

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Đức Cha Taberd Từ(1821-1827):

Năm 1821, linh mục Jean Louis Tabert Từ được bổ nhiệm làm cha sở Lái Thiêu. Sáu năm sau, 1827, cha Từ được bổ nhiệm làm Giám mục. Đến tháng 6.1830, sau khi được tấn phong Giám mục từ Xiêm (Thái Lan) trở về, Đức Cha đã đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu. Năm 1838, Đức Cha Taberd cho ấn hành quyển Dictionarium anamatico-latinum (Tự điển Việt-La) do ĐGM Bá Đa Lộc biên soạn.

 

3. Cha Henri (Jean Antoine) Azémar

Sanh ngày 25.1.1834 mất ngày 9.6.1895. Henri Azémar được bổ nhiệm Cha Sở Lái Thiêu. Cha Azémar là người xây ngôi nhà thờ mới Lái Thiêu còn tồn tại đến nay vào năm 1894 và mất sau khi khởi công được 1 năm, chưa kịp nhìn thấy công trình của mình hoàn thành. Nhiệm kỳ của Cha Azémar (1859-1895) là một hãnh diện cho họ đạo Lái Thiêu. Và Lái Thiêu là một hãnh diện của giáo phận Tây Đàng Trong vì Lái Thiêu là nơi đầu tiên thành lập trường Câm Điếc cứu giúp trẻ em bất hạnh Việt Nam, một công trình thể hiện tinh thần bác ái Công giáo của linh mục Azémar.

 

4. Cha Jean Ernest Verney cha Điểm

(1858 - 29.3.1915): phục vụ tại họ Lái Thiêu từ 1895-1915

 

5.Cha Henri Sion

:

Cha sở họ Lái Thiêu từ 1915-1916 và 1926-1929

 

6.Cha Henri Hay

(12.8.1869-5.6.1926): cha sở họ Lái Thiêu 1916-1926

 

7.Cha Phêrô Nguyễn Văn Tròn

(1862- 28.9.45). Thời gian phục vụ họ Lái Thiêu : 1929-1945

 

8.Cha Sébastien Hồ Văn Hiền

phục vụ từ 1945-1949.

 

9.Cha Laurensô Nguyễn Thái Sơn

1949-1964 :

Cha Laurensô Nguyễn Thái Sơn

Cha Laurensô Nguyễn Thái Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tính cách nổi bật là rất quan tâm đến tính chất trang trọng của các nghi lễ. Vào đầu thập niên 60 có lần ngài tổ chức kiệu Mình Thánh Chúa đi ngang qua Đất thánh vòng QL 13 trở về nhà thờ... Ngài cũng rất chú trọng đến vấn đề trật tự và trang hoàng khuôn viên nhà thờ, như chăm chút hoa kiểng, giữ gìn vệ sinh (thường xuyên sai học trò hoặc bất cứ giáo dân nào chợt nhìn thấy, nhặt rác, nhổ cỏ chung quanh nhà thờ). Sau thời gian làm chánh xứ Lái Thiêu ngài được sai đi phục vụ họ đạo Mỹ Hảo.

10.Cha Giuse Trần Văn Tiên

1964-1967 : chú trọng đặc biệt công tác tổ chức: hệ thống lại sổ sách, phân chia khu xóm, cho vẽ lại bản đồ phân ranh - phân khu giáo xứ và định ra nhiệm vụ cũng như chức danh cụ thể của từng thành viên « Ban Quí Chức » thời đó. Các khu xóm hiện nay có mặt từ thời kỳ phục vụ của Cha Tiên. Ngoài ra ngài cũng để mắt đến cả các tiểu tiết của nghi thức. Chẳng hạn định kỳ tập họp Ban Giúp lễ kiểm tra lại các câu đối đáp tiếng Latinh trong Thánh Lễ và hướng dẫn tỉ mỉ cách đi đứng, cầm đèn, cách giữ than trong bình hương, cách xông hương sao cho vừa trang nghiêm vừa... đẹp mắt.

11.Cha Giacôbê Huỳnh văn Của

1967-1970 : sinh ngày 1.11.1915, trở thành linh mục ngày 20.9.1941, đã phục vụ tại nhiều giáo xứ như: Tha La, Gò Dầu, Hiệp Thạnh, Búng, Bến Sắn, Lái Thiêu…. đã từng được chọn làm Cha Tổng Đại Diện của giáo phận Phú Cường. Đến năm 1967, sau khi nhận nhiệm vụ làm cha sở họ Lái Thiêu, Cha Tổng Đại Diện Giacôbê Huỳnh Văn Của đã thành lập một cơ sở gọi là Trung Tâm Bác Ái (Foyer de charité) Lái Thiêu, tiền thân giáo xứ Phú Long ngày nay. Ngày 4.2.1976 ngài được tấn phong Giám mục và làm Giám mục phó giáo phận Phú Cường. Nhưng do bệnh, ngài đã sớm nghỉ hưu từ năm 1979, sang Pháp chữa bệnh và qua đời tại Nice (Pháp) ngày 9.1.1995.

Ngài là vị mục tử đẩy mạnh lòng yêu Chúa nơi mỗi tâm hồn. Đặc biệt trong thời kỳ xảy ra biến cố Mậu Thân, mỗi gia đình đều vâng theo lời kêu gọi của ngài ăn chay mỗi tuần 2 ngày vào thứ ba và thứ sáu.

12.Cha Giuse Nguyễn Văn Cung

1970 : nổi bật chú trọng công tác Công giáo tiến hành và thăm viếng mục vụ dù thời gian phục vụ của ngài quá ngắn ngủi. Ngài cũng rất thân thiết với các Chủng sinh.

 

13.Cha Vincentê Trần Minh Khang

1970-1975 : vị chủ chăn điển hình của sự hiền hoà, khiêm nhu, biết lắng nghe và tương thân tương ái

 
Cha Giuse Nguyễn Văn Cung

Cha Vincent TMKhang 1963 tại nhà thờ Bình Long

 

 

 

 

 

 

 

 

14.Cha Gioan Âu Dương Trương

1975-1980

15.Cha Tôma Phan Minh Chánh

1980-... : có công lớn trong việc kịp thời trùng tu ngôi nhà thờ nguyên thuỷ từ thời cha Azémar nay xuống cấp, dột nát trầm trọng sau hơn trăm năm dài tồn tại, cùng với hệ quả của những khó khăn về vật chất, về thời cuộc. Công trình chỉnh trang hoàn thành đúng dịp họ đạo mừng đệ bách chu niên (kỷ niệm 100 năm) xây dựng nhà thờ LT. Công trình này cũng là tiền đề cho chương trình xây dựng, tái thiết chỉnh trang toàn bộ khuôn viên nhà thờ sau này như công trình nhà xứ, hội trường, nhà lưu trữ hài cốt, nhà chầu. Đây cũng là vị chánh xứ giữ kỷ lục về thời gian phục vụ tại họ Lái Thiêu : 31 năm và hơn nữa...

 

D. Những Giáo dân có công với Nhà Chúa.

- Ông Nguyễn Văn Bôn và họ đạo Giồng Nghệ, tổng Dương Hòa Hạ, tỉnh Gia Định:

Bản niên giám viết: "Ông Nguyễn Văn Bôn là đạo dòng ở họ Lái Thiêu về Sàigòn ở gần kinh Chợ Vải, anh ruột ông là tổng Sáu ở Lái Thiêu, có một em gái ở Nhà phước kín. Năm 1880, tổng Dương Hòa Hạ khuyết người làm cai tổng, Minh-ghê Bôn (Minh-ghê = Michel) khi ấy làm ban biện, nhờ ơn quan trên cho lên chức cai tổng. Lãnh bằng cấp rồi đem vợ con về ở làng Đức Hưng, gần vàm Rạch Mương Tổng Tấn. Chỗ ấy là rừng hoang của làng; ông xin phép quan khai phá và làm chủ. Trong làng ấy không có người nào có đạo, ông Bôn kêu rủ bà con có đạo, người ở họ Tân Qui, kẻ ở họ Lái Thiêu, người ở Cầu Bông và Thủ Thiêm tới đó ở, chia đất rừng cho mấy người ấy khai phá, và giúp tiền giúp lúa ăn. Ông cũng giúp người ngoại trong làng cùng an ủi học đạo. Bởi ông có quyền thế, lại cách ở hai vợ chồng được người ta thương mến, và vưng phục. Vậy ban đầu thì có chừng năm bảy nhà có đạo, số nam nữ lớn nhỏ chừng 20 người; lại ba bốn nhà chầu nhưng chừng 15 người. Hai ông bà cất nhà thờ tạm bằng lá, kêu là nhà thờ tổng Bôn. Cha già Tuyết ở Mĩ Hội lên xuống làm lễ, làm phước và giảng dạy. Năm 1884 Đức cha sai cha Bề trên Thi (P. Thiriet) đến ban phép xức trán tại nhà thờ Giồng Nghệ. Lúc ấy người ta càng ngày càng thêm số, ruộng nương vỡ ra đâu thì cày cấy đặng mùa. Nhơn số có đạo cũ và đạo mới nam nữ lớn nhỏ chừng 100 người". (trích nguyên văn -năm 1918 tr.438).

- Ông Philipphê Nguyễn văn Tâm và bà Maria Nguyễn Thị Y:

Bên trong nhà thờ Lái Thiêu có nhiều tấm bia mộ ghi nhớ và tôn vinh những vị có công với họ đạo, trong đó có 2 tấm bia ghi bằng song ngữ Pháp – Việt (Hán-Việt). 1 tấm ghi tên ông Philipphê Nguyễn Văn Tâm, tạ thế năm 1834 thọ 65 tuổi (suy ra sanh năm 1769) và tấm kia ghi bà Maria Nguyễn Thị Y, tạ thế 1846 hưởng thọ 75 tuổi (sanh năm 1771). Đây chính là mộ cải táng của các vị sáng lập Họ Gò tiền thân họ đạo Lái Thiêu được Cha Sở Lái Thiêu Ernest Verney đưa về. Mộ hai vị vốn trước đây ở nghĩa trang Họ Gò. Ngoài ra trên bia còn ghi rõ họ chính là ông ngoại, bà ngoại của Lê Phát Đạt.

Lê Phát Đạt

là ai mà lại được nêu danh trên ngôi mộ không phải của mình? Đó chính là Huyện Sĩ, người hào phú bậc nhất Nam Kỳ (Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định) đã xuất tiền xây dựng nhà thờ Chợ Đũi. Họ cũng là ngoại tổ của Denis Lê Phát An, cũng đã xuất tiền xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây - Gò Vấp.

 

HT Cảnh ?

Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thật là bất ngờ thú vị cho họ đạo Lái Thiêu chúng ta về mối liên hệ mà lịch sử sắp đặt! Huyện Sĩ Lê Phát Đạt lại chính là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, một người phụ nữ miền Nam tài sắc, đức hạnh vẹn toàn. Nếu như vua Bảo Đại chịu nhiều tai tiếng, chê bai của người đời, thì với Nam Phương chưa hề có một lời chê bai trách cứ nào, ngoài sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc của người đời. Có 2 phụ nữ miền Nam gây uy tín, ảnh hưởng lớn lao, tích cực đến triều đình nhà Nguyễn là bà Từ Dũ (Nguyễn Thị Hằng) vợ vua Thiệu Trị và Nam Phương Hoàng hậu. Cuối cùng vua Bảo Đại cũng đã trở lại đạo Công giáo khá lâu trước khi từ trần.

Điều thú vị ở đây, người có khả năng đầu tiên (Đông cung Cảnh) trở thành vua nhà Nguyễn (sau vị vua tiên khởi, Gia long) và vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đều theo đạo Công giáo. Sau bao năm gắn bó với Đức Cha Adran, đông cung đã tìm thấy đức tin thật sự vào Thiên Chúa. “Tôi muốn chia sẻ về một tân tòng tự nguyện theo Chúa vì đã được Chúa mạc khải cho thấy Ngài, thấy tình yêu của Chúa và sống trong tình Chúa, người tân tòng ấy là Hoàng tử Cảnh, vị vua tương lai vương triều nhà Nguyễn”. Một tác giả đã ứng tác như thế.

 

Hoàng tử Cảnh

Hoàng Tử Cảnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong năm năm sống ở Pháp, tuổi thơ của Hoàng tử Cảnh gắn bó nơi đây, từng nhịp chân chạy nhảy trong vườn thượng uyển cùng các hoàng tử và công chúa con vua Louis XVI. Những đêm hoà nhạc với dạ tiệc, đại yến trong cung điện… Hoàng hậu Pháp rất có cảm tình trước vẻ đáng yêu và khôi ngô của ông Hoàng Đông Phương, nên rất mực cưng chìu. Và 1 bài thơ được đọc giữa bữa tiệc ở điện Versailles, để chiêu đãi Đông cung Cảnh: …

Hoàng tử bé bỏng ơi, hãy vui lên
Một ngày kia Hoàng tử sẽ lên ngôi,
Pigneaux (Bá Đa Lộc) rất thương yêu Hoàng tử.

Nếu như Đông cung Cảnh không mất sớm thì VN sẽ có Hoàng đế Công giáo. Như vậy vận mệnh nước nhà, biết đâu của một phần thế giới, sẽ khác đi. Nếu như và nếu như…Tuy nhiên Thánh ý Chúa nhiệm mầu chúng ta không thể nào biết được!

 

 

Sàigòn, 6.4.2011
Kts. Nguyễn Văn Giàu.

 

 

 


Tài liệu tham khảo

1- Trịnh Hoài Đức - Gia định thành thông chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, 1998.

2- Thủ Dầu Một - Bình Dương đất lành chim đậu''XB

3- Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn.

4- “Công giáo Việt Nam 1945-1995”, CG và DT xuất bản 1996.

5- Sơn Nam ''Vườn Lái Thiêu”, ĐCSB, 1991.

6- Trương Vĩnh Ký. Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, 1885

7- Vương Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.

8- Vương Hồng Sến "Tự vị tiếng Việt miền Nam

9- Bà Từ Dũ (1810-1902) Hoàng Thái hậu mẹ vua Tự Đức.

10- “Lettre de Gaspar Louis sur la Cochinchine”, tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue.

11- Christofer Borri, “Relation de la nouvelle mission des pères de la compagnie de jésuites au royaume de la Cochinchina”, Rome 1831, in lại trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, Juillet – Déc 1931.

12- Đỗ Quang Chính, giáo trình Lịch sử Xã hội Việt Nam, thế kỷ XVII – XVIII, bản viết tay của tác giả, Sài Gòn 1973 – 1974.

13- Adrien Launay, Historie de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Documents Historiques, Maisonneuve Frères, Paris 1924, tome I.p.396. Lưu ý đến các thư trong A. Launay:

14-• Thư của M. Labbé gửi De Brisacier ngày 15-5-1693.

15-• Thư của D. Févet viết cho Ban Giám Đốc chủng viện Thánh Gia ngày 29-2-1692.

16-• Thư của M. Labbé gửi Ban Giám Đốc Hội Truyền giáo Paris ngày 4-9-1710.

17-• Thư của M. Heutte gửi Giám mục Cicé năm 1711.

18-• Thư của M. Artaud gửi cho M. Hody ngày 24-11-1768.

19-• Thư của ông Lavoué gửi ông Borvet ngày 13-5-1795.

20-• Thư của ông De Flory gửi Ban giám đốc Hội truyền giáo Paris ngày 10-1-1717.

21-• Thư của ông De Cafopony gửi ông Basset, ngày 22-3-1700.

22-• Thư của ông Heutte gửi Ban giám đốc Hội truyền giáo Paris năm 1713

23-• Thư của A. Tôn gửi M. Descourvières

24-• Thư của Lebabousse ngày 13-5-1995.

25-• Thư của Adran gửi ông Boiret ngày 30-5-1795.

26-• Ký sự Ô. Letondal

27- Thư của giáo sĩ Julilla, ngày 9-8-1774 gửi P. Jeau Salguers trong Taboulet, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols”, tạp chí B.S.E.I. tome XV-1940.

28- “Relation des missions des Evêques Francais au Royaume de Siam”, Paris 167, trích lại trong A. Launay.

29- Đặng Phương Nghi “Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương”, sử địa, số 13-1969, tr.169, 151.

30- “Những họ đạo cổ xưa Tây Đàng Trong”, sưu tập của Lêô Nguyễn Văn Quí, Photocopie, 1991.

31- “Giòng máu Tử Đạo trên địa phận Phú Cường”, Địa phận Phú Cường xuất bản, 1972.

32- “Việt Nam, Thời bành trướng : Tây Sơn”, Nguyễn Phương, Nhà sách Khai Trí, Sàigòn 1967.

33- “Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau (1771-1799)”, Trương Bá Cần, 1992.

34- Xem bản văn dụ cấm đạo của Tây Sơn, trích lại trong Louvet, la Cochinchine Religneuse, tome I, tr.517.

35- Thư của Giáo sĩ Ginestar năm 1784, trích lại trong Taboulet, “la Revolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols” tạp chí B.S.E.I tome XV-1940, p.77.

36- Nguyễn Văn Hầu “Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long”. Sử địa 19-20, 1970.

37- Taboulet, “La vie tourmentée de I’Evêque d’ Adran”, tạp chí B.S.E.I. XV (1940).

38- Danh sách các họ được thiết lập vào năm 1813 do các giáo sĩ dòng Phanxicô, được tác giả Trần Phổ trích lại trong tác phẩm của ông, “Dòng Phanxicô trên đất Việt” , Sài Gòn 1975, ronéo.

39- Mgr. PIGNEAU DE BÉHAINE- Tuyết Trần, Xuân Đinh Hợi – FRANCE 2007./.

 

 

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.