NHÀ THỜ BÌNH HÒA VÀ TÔI

Seeing

 

 

  

Không biết tự bao giờ, ngôi nhà thờ Bình Hòa đã in sâu vào tâm tư, tình cảm tôi, tuy tôi không phải là con chiên cố cựu của họ đạo nầy. Mặc dầu chỉ mới gắn bó với ngôi thánh đường nầy hơn ba mươi lăm năm qua, nhưng thật ra nó đã rất quen thuộc với tôi lâu lắm rồi, từ thuở ấu thơ.

Thuở ấy, chưa có xa lộ Biên Hòa với cầu Xa lộ (Sài Gòn), chưa có cầu Bình Triệu, nên đường Nguyễn Văn Học (Nơ Trang Long) qua cầu Bình Lợi nối quốc lộ 1, là con đường độc đạo từ các tỉnh Trung phần, Ô cấp-Vũng Tàu và các tỉnh Miền Đông vào Sàigòn. Do đó lúc thiếu thời, muốn vào Sài Gòn tôi phải thường xuyên qua lại con đường Nguyễn Văn Học, vào thời điểm ấy đã rất sầm uất. Trên con đường nầy, giữa hai địa danh nổi tiếng, Ngã Tư và Ngã Năm Bình Hòa, tọa lạc ngôi Thánh đường khiêm tốn lùi sâu trong con hẻm nhỏ: Nhà Thờ Bình Hòa. Tuy chìm khuất trong khu dân cư, nhưng khi ấy nhà cửa thưa thớt, thấp tầng, nên ngôi thánh đường vẫn dễ nhận ra từ đường Nguyễn văn Học. Vì thế dầu chú ý hay không, nhưng khi qua lại thường xuyên trên con đường nầy tôi vẫn phải nhận ra sự hiện diện quen thuộc của nó.

Mặc dầu họ đạo Bình Hòa có vị thế quan trọng trong giáo phận Sài Gòn và Hạt Gia Định, nhưng ngôi thánh đường hiện nay không xứng tầm của nó, không được mấy người biết đến. Việc tìm kiếm tài liệu, hình ảnh về ngôi nhà thờ nầy thật hiếm hoi so với những nhà thờ khác. Giới chuyên môn kiến trúc đồng nghiệp thích sưu tầm, tập hợp kiến trúc thánh đường trong nước, khi đề cập đến nhà thờ Bình Hòa chỉ phán đơn giản: kiến trúc bình thường, không có gì đặc sắc!

Bình thường, chật chội, bị bó hẹp trong hẻm sâu, không thu hút cái nhìn, không sinh hoạt nhộn nhịp…mà sao tôi vẫn thương, vẫn quí ngôi thánh đường nhỏ bé tội nghiệp ấy! Phải chăng “khi thương củ ấu cũng tròn”? Thành thật tự đáy lòng, tôi vẫn hằng suy nghĩ về nó khi làm việc, khi cầu nguyện; nhà thờ Bình Hòa luôn có một mối gắn bó âm thầm với tôi, có một thứ tình cảm thân thương đặc biệt không dễ diễn tả…

Tại sao vậy? Nhà thơ Xuân Diệu có câu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!” Từ sớm hơn, người Pháp đã có chung ý tưởng đó: “L’amour a sa raison” (tình yêu có lý lẽ của nó). Tôi cũng vậy, thương là thương, tôi cũng chưa hề để ý đến tại sao ngôi nhà thờ nầy thân thương với tôi đến vậy. Nó trở thành một cái gì không thể thiếu, cho tôi, cho gia đình và có lẽ…cho cả con cháu sau nầy. Nó bàng bạc sương khói, không diễn tả được bằng câu chữ cụ thể. Nhưng rồi sau bao suy tư, tôi cũng tìm thấy một vài điều trong vô số lý do chỉ cảm xúc chứ không giải thích được.

Đó là nơi tôi tìm đến bày tỏ những tình cảm riêng tư nhất của mình. Trong lặng lẽ âm thầm, ở đó tôi dâng lên Chúa những niềm vui, thành công trong cuộc sống. Nhất là những khi buồn sầu, thất vọng, thì hầu như đó là nơi duy nhất tôi tha hồ tâm sự, bày tỏ tâm tư tình cảm với Thiên Chúa, mà đôi khi không biết tỏ lộ cùng ai, với bất cứ người trần thế nào, gia đình hay bạn bè… Trót mang thân phận con người với bao-hỉ-nộ-ái-ố, rồi cũng đến lúc vướng vòng sinh-bệnh-lão-tử, cứ phải hối hả lao theo cuộc mưu sinh, tranh giành, bon chen; lắm lúc lửa nhiệt tình nguội lạnh đối với nhà Chúa, nhưng khi nghĩ đến ngôi nhà thờ thân thương, sực nhớ tới những lời giảng tâm huyết của vị chủ chăn, con người tội lỗi trong tôi phải bừng tĩnh lại và tìm đến ngôi thánh đường nầy, để dập đầu trước Đấng Tối Cao… Một buổi chiều mưa, nhà thờ vắng ngắt, Thánh lễ diễn ra trong lặng lẽ, tôi nhìn chăm chú tượng Chúa chịu nạn tiều tụy trong làn ánh sáng mờ ảo, âm thanh một bài thánh ca cũ vang lên đều đều; tâm hồn đang khô khan, chán chường, bổng dưng tôi chợt cảm thấy rung động kỳ lạ và thình lình cảm nhận mình yêu quí biết bao không gian cầu nguyện nầy, ngôi thánh đường nầy, vị linh mục chủ tế, tín hữu đang tham dự thánh lễ…Nói ra không phải, nhưng tôi thích cầu nguyện trong một ngôi thánh đường vắng lặng, êm ả hơn…Tôi thầm mong phải chi trong thánh lễ, các bài hát, các lời kinh (ngoài lễ) nên bớt đi hoặc ngắn đi, nhất là khi rước lễ, để dành nhiều khoảng lặng để có thể tập trung cầu nguyện riêng, giúp ta dễ nâng hồn lên tới Chúa…

Có lẽ cũng do từ ngôi nhà thờ Bình Hòa nầy, có những vị linh mục đã quá thân thuộc với tôi. Chẳng hạn cha Giacôbê Huỳnh Văn Của lúc đã về làm cha sở họ Lái Thiêu, kiêm Bề Trên địa phận Phú Cường (nên được gọi thân mật là cha Bề Của – sau là Giám mục phụ tá địa phận Phú Cường, rồi sang chữa bệnh, mất luôn bên Pháp). Đây là vị linh mục có sức quyến rũ lòng nhiệt thành của con chiên và có niềm tin mãnh liệt vào Chúa, có khi đến độ khôi hài: Khi làm cha sở Lái Thiêu, ngài đã mở Trung tâm Bác Ái (Foyer de Charité) và cho xây một dãy nhà BTCT hai tầng dành cho các cha và tu sĩ đến tĩnh tâm tại Phú Long. Khu đất xây dựng tọa lạc giữa khu ruộng lúa, cạnh con rạch, tức là đất thấp trũng, rất yếu. Vậy mà ngài chẳng cần bản vẽ (kiến trúc lẫn kết cấu), thầu xây dựng, cũng chẳng cần cây cừ tràm nào, cho gọi thợ tới cứ thế mà làm theo ý ngài. Khi xây dựng xong ít lâu, bất cứ ai chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ thấy tòa nhà không có chỗ nào gọi là đường thẳng. Đà và các cấu kiện theo phương ngang là những đường dợn sóng tự do. Nhìn chung, tòa nhà có thể lún, sụp bất cứ lúc nào. Các cha đến cấm phòng e ngại không dám vào ở. Nhưng ngài thoải mái tuyên bố: “Không có gì phải sợ, Chúa lo!” Mà Chúa lo thật, tòa nhà vẫn tiếp tục đứng vững cho tới ngày bị phá đi!

Tôi không thể quên cha Phêrô Nguyễn Văn Hầu, con người hiền lành, suốt đời bệnh hoạn (trong một thân thể tráng kiện). Lần gặp đầu tiên, ngài mới vừa hoàn thành xong chương trình Tiểu Chủng Viện, lẽ ra phải lên Đại Chủng Viện, mặc soutane (áo dòng) với các bạn cùng lớp, nhưng vì sức khỏe, nên ngài xin hoãn một năm để ra Vũng Tàu nghỉ mát, dưỡng bệnh. Khi ấy chúng tôi gọi là “anh Hầu”. Gặp lại lần thứ hai, ngài là thầy giám thị nên gọi là “thầy Hầu”. Lần gặp thứ ba và cuối cùng tại giáo xứ Bình Hòa phải gọi là “cha Hầu”. Xin dâng một nén hương lòng cho cha “requiescat in pace”.

Cha Hầu về nhà Cha, cha sở mới về trấn nhậm giáo xứ, tôi chưa được biết quí danh. Một hôm đi công tác, ghé nhà một bác lớn tuổi, thấy bày bàn thờ Chúa (đi công tác gặp người Công giáo mừng lắm), tôi gợi chuyện:

- Nhà thờ mình có cha mới phải không bác?

- Phải, cha Long mới về, giảng hay lắm!

Chưa biết hay ra sao, nhưng sau nhiều bài giảng, từ ấn tượng câu nói “lúc ở trong tù” của cha, tôi bắt đầu có cảm tình với vị giảng thuyết nầy và thật sự nhận ra là hay. Cái hay đối với tôi vì đúng …với tạng của tôi, đúng là giảng giải lời Chúa. Từ nội dung Tin Mừng, giải thích ý nghĩa nội dung, đôi lúc là những chỉ dẫn địa lý cụ thể theo Thánh kinh đối chiếu với hiện tại, dẫn đến thực tế và ứng dụng vào cuộc sống. Đơn giản, không màu mè hình thức, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng sống đạo, theo tôi đó là hay!

Sau nầy tôi còn nhận ra cha sở rất có óc thẩm mỹ, qua những công trình mà ngài đã cải tạo. Phải nói vị trí, địa thế, quy mô, cấu trúc của nhà thờ chúng ta có thể làm nản lòng bất cứ nhà chuyên môn xây dựng nào; nó bị giới hạn bởi nhiều thực tế khó khăn. Vậy mà trong mức độ cho phép, ngài đã biến công trình không có gì nổi bật khi xưa thành một ngôi giáo đường xinh xinh. Phần ấn tượng nhất với tôi là cung thánh: màu sắc thật hòa hợp (harmonie des couleurs, ton sur ton), trang nhã (thường chỉ sử dụng màu sắc nguyên của vật liệu), có điểm nhấn, đường nét đơn giản. Riêng về tượng ảnh cho thấy có sự chọn lựa kỹ về nghệ thuật tạo hình, tạo dáng, tỷ lệ, hiệu ứng mỹ thuật. Nói thật, tôi rất sợ những trang trí rườm rà, màu sắc lòe loẹt, sử dụng vật liệu bừa bãi gây phản cảm, gây phân tâm, khó nâng cao tâm hồn. Còn nhớ rõ, nửa cuối thập niên 60, hưởng ứng công đồng Vatican II kêu gọi về nguồn, một số nhà thờ đã giản lược rất nhiều, như đơn giản hóa các chi tiết trang trí, giảm bớt ảnh tượng trong thánh đường để tránh gây chia trí, bàn thờ xoay mặt về phía giáo dân…Trong nghệ thuật cũng như kiến trúc, càng đơn giản càng bền vững. Phương châm của trường phái kiến trúc Bauhaus nổi tiếng của Đức: “Less is more” (tối thiểu để được tối đa).

Một điều nầy nói ra có thể mang tiếng thất thố đối với một số người, nhưng tôi xin lỗi, được mạn phép nói ra, hoàn toàn không vì tính địa phương hẹp hòi. Chúng ta ai cũng có một quê hương và yêu mến quê hương với một tình cảm tự nhiên. Đi đâu người ta cũng mang quê hương theo mình (như Hoa Kiều – Chợ Lớn, Việt Kiều khắp nơi trên thế giới, người Bắc di cư mang theo quê hương Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội…vào Nam). Chính vì thế, tôi còn yêu quí Bình Hòa vì ít ra họ đạo nầy vẫn còn “gìn vàng giữ ngọc” một chút địa phương tính, còn giữ lại chút gì quê hương miền Nam. Có thể tôi sẽ bị ném đá, nhưng có lý do để nêu lên những cảm nghĩ nầy. Thứ nhất các cơ quan thẩm quyền hiện nay luôn hô hào giữ gìn đậm đà bản sắc dân tộc, mà trong dân tộc bao hàm ý nghĩa địa phương (qua văn hóa, lễ hội, tập quán…). Thứ hai, đi suốt từ Nam ra Bắc, chúng ta thấy rõ các địa phương miền Trung, miền Bắc từ nông thôn ra thành thị cho đến các cơ sở chính quyền, chợ búa, tôn giáo hầu như không có lấy một người miền Nam, một giọng Nam, trong khi đó các tỉnh thành, cơ sở tôn giáo trong Nam lâu đời hầu như không còn nơi nào thuần nhất…Hiện nay thế giới đang tiến tới toàn cầu hóa, và chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đi đến chỗ hội nhập. Tuy hội nhập nhưng bản sắc là cần thiết để phân biệt địa phương nầy với địa phương khác. Ông bà ta cũng đã sớm nhận ra điều nầy: “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” và “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”.

Trong khi phần nhiều nhà thờ khác đã dần dần chịu ảnh hưởng sâu đậm của “hội nhập” đã pha trộn, thì may thay ở họ đạo Bình Hòa của tôi còn được hưởng những giờ phút êm ả (cuối cùng?) của đất lề quê thói; từ cách đọc kinh rõ ràng, đơn giản (không rề rà, ê a, ca cẩm); những nghi thức gọn gàng, “sạch sẽ”; những bài giảng, giải thích Phúc Âm từ thực tế cuộc sống, chứ không phải ngâm thơ, vịnh kiều, không phải những diễn từ hùng biện, dùng nhiều mỹ từ cao siêu, đậm tính bác học và thần học để rồi ra về không nhớ gì hết; không sử dụng nhiều chiêu thức, quá chú trọng hình thức rườm rà (đồng phục, tổ chức…); nhất là không sân khấu hóa cung thánh (hoạt cảnh, ca hát, ngâm thơ, diễn nguyện…)

Thật không thể nào hiểu được trong cùng khu vực mà nhà thờ nầy đọc kinh Lạy Cha khác nhà thờ kia. Cùng một thứ tiếng Việt mà sao cứ phải sính hình thức, cứ luôn thay đổi tên nhân vật: Môisen, Maisen, Mô-i-z, Môi-sê, Mô-sê…là một hay nhiều ông? Người già chạy theo không kịp! Sao không thống nhất để nguyên theo tiếng La Tinh! Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Mẹ Maria, các thánh Phaolô, Bênêđictô, Phanxicô…quen gọi từ xa xưa, nay đều muốn nấu chè đặt tên lại ở nhiều địa phương: Yê su, Du Sinh, Mai Anh, Bảo Lộc, Biển Đức, Phan Sinh…Ngay cả thánh Gioan một âm đơn giản cũng biến thành hai: Gio-An!

Mong rằng họ đạo Bình Hòa chúng ta vẫn luôn giữ được hồn xưa, nơi ông bà tổ tiên mở nước, gieo mầm hạt giống Đức Tin nơi quê hương yêu dấu nầy.

Nhiều lúc quỳ trong ngôi thánh đường nầy, tôi vẫn bị “chia trí” khi cố phác họa trong đầu một bản thiết kế cải tạo ngôi thánh đường quá bé nhỏ (không dung nạp nổi một phần giáo dân ngày một đông thêm) với các ý tưởng (ideas) chính: sức chứa tối đa – có chỗ đậu xe – có nơi cho trẻ em qui tụ - nối kết với nhà xứ và nhà giáo lý bằng cách hợp khối – có hình thức nổi bật nhìn thấy từ xa với tháp chuông vươn mình lên cao.

Trong thâm tâm, tôi hằng mơ giáo xứ mình được như một vài giáo xứ khác: Ngôi thánh đường với bao cảnh (alentours) rộng rãi, thuận tiện cho mọi sinh hoạt họ đạo, thường xuyên có bóng dáng giáo dân, tiếng cười đùa của trẻ thơ hòa với tiếng ríu rít của đàn chim sẻ ngoài sân và mỗi sáng-trưa-chiều tháp chuông giáo đường buông vào thinh không những âm vang tiếng chuông Angelus rộn rã, gợi nhớ cho người đi xa, gợi nhớ buổi thiếu thời …

Nhưng bằng cách nào để mở rộng không gian?

- Phá bỏ các bức tường bên trong (mặt bằng chữ thập) để mở rộng ra tường bao che bên ngoài (hình bát giác): cũng không thêm được bao nhiêu lượng người.

- Cơi lầu, xuống hầm (trên toàn mặt bằng hiện hữu) và nối hành lang trên không qua nhà Giáo lý? Chỉ mở thêm được một phần sức chứa, nhưng không giải quyết được các yêu cầu phụ trợ khác trong hiện tại và chắc chắn không đáp ứng nổi tương lai; nhất là không được phép của chính quyền (phải mở rộng hẻm giới, không được chiếm không gian).

- Được nhiều Mạnh Thường Quân cấp tiền, hiến đất xây nhà thờ ở một địa điểm khác? Nhưng chung quanh nhà thờ hiện hữu tìm đâu ra đất trống, hơn nữa nếu dời nhà thờ Bình Hòa ra khỏi địa điểm hiện hữu cũng có nghĩa là cắt đứt quá khứ, đoạn tuyệt với lịch sử.

Rõ ràng điều kiện cải tạo chỉnh trang nhà thờ Bình Hòa trong giai đoạn hiện nay hầu như bất khả thi. Như vậy tôi chỉ còn được phép mơ: mơ dân cư ở dọc hai bên hẻm 93 Nơ Trang Long tình nguyện hiến toàn bộ nhà cửa-đất đai để xây nhà thờ. Tuyệt vời! Nhưng giấc mơ mãi mãi cũng chỉ là giấc mơ, không bao giờ thành hiện thực!

Thôi thì tự an ủi vậy: đối với Thiên Chúa ngôi Thánh đường như thế nào hoàn toàn không nghĩa lý gì. Thiên Chúa không hề đòi hỏi nơi thờ phượng Ngài phải như thế nào, bởi vì những gì lộng lẫy nguy nga nhất trên đời cũng do từ Thiên Chúa, chỉ là hình bóng mờ nhạt của ngai tòa Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã từng nói rõ với người phụ nữ Samaria: “Nè chị, tin tôi đi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi nầy hay tại Giêrusalem nữa.” (Jo 4:21)

Đền thờ Thiên Chúa thật sự muốn ngự là tâm hồn công chính của mỗi con người (ICor 3:16-17).

 

KTS NGUYỄN VĂN GIÀU
31.7.2013

 

 

 


 

 

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.