VÀI SUY NGHĨ VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
TP.HỒ CHÍ MINH

Seeing

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biên khảo

 

1. Ký ức Sài Gòn.

Sài Gòn vào thập niên 1950 là một đô thị sầm uất, tráng lệ, sạch sẽ, trật tự...hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l'Extrême-Orient) mà bè bạn khắp năm châu cho đến lúc ấy vẫn còn thường xuyên dành để gọi Sài Gòn.

Trong ký ức của một thiếu niên tỉnh lẻ, Sài Gòn đối với tôi khi ấy quả thật đẹp với ánh đèn rực rỡ (đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ), những dinh thự lầu các nguy nga, đường sá rộng rãi, thẳng tắp và đầy bóng mát. Cảm giác đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Sài Gòn là nhìn đâu cũng thấy to lớn rực rỡ, còn mình sao nhỏ bé quá, chỉ dám rón rén đi bên mẹ và nói năng thật khẽ khi bước vào các cửa tiệm sang trọng.
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi vẫn còn nhớ lúc đó cầu Bình Lợi là lối duy nhất từ miền Đông và miền Trung vào trung tâm Sài Gòn. Tàu biển đậu san sát ngay bên cầu. Ánh đèn các con tàu chiếu lung linh trên mặt sông Sài Gòn vào buổi hoàng hôn càng làm cho cảnh trí cửa ngõ đô thành thêm quyến rũ.

Thuở ấy, khu vực Gia Định hãy còn hoang vắng, nhà cửa thưa thớt. Nhưng qua khỏi cầu Bông, từ Dakao trở đi, cảnh vật bắt đầu thay đổi hẳn. Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là lúc bắt đầu rẽ vào đại lộ Thống Nhất (Lê Duẫn hiện nay).

Ngoài hai hàng cây ven đường là những khoảng xanh dài tít tắp. Đèn đường toả ánh vàng ấm áp, rực rỡ, giăng mắc về đêm, suốt từ Sở Thú cho đến dinh Độc Lập (khi ấy người dân miền Nam quen gọi đèn đường là đèn khí, chưa sử dụng đèn néon hay cao áp). Mãi về sau tôi vẫn nhớ hoài câu hát "Đường về Sài Thành đoàn xe đi trong nắng hoàng hôn" hoặc bài "Đêm đô thị" mỗi khi chợt gợi lại hình ảnh này.

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đường Thống Nhất lúc bấy giờ rộng rãi, thẳng tắp, rất ít công trình kiến trúc dọc hai bên đường ngoài thành cộng hoà, các toà đại sứ Pháp, Anh (khi ấy đều là những công trình thấp tầng), Vương cung thánh đường, trụ sở công ty Shell, Sài Gòn xe hơi công ty (garage Jean Comte)...

Vườn cây rợp bóng mát trước dinh Độc Lập, lẩn khuất pho tượng Pétrus Ký bằng đồng đen dễ làm ta liên tưởng đến khu vườn Luxembourg với những chiếc lá vàng rơi trên vai tượng của văn hào Anatole de France. Sài Gòn khi ấy có nhiều tượng đài rất đẹp, nhưng rồi không biết lần lượt bị dẹp bỏ lúc nào?

Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về sau, khi được hiểu biết thêm, tôi càng thêm thán phục những nhà tiên phong đã nghiên cứu quy hoạch và thực hiện quy hoạch thành phố SàiGòn. Chỉ riêng trên đoạn đường Thống Nhất nầy thôi, ta đã thấy ngay sự chặt chẽ trong bố cục QH. Bằng thủ pháp đóng mở hợp lý với 2 khoảng xanh lớn trước sau (vườn Bờ Rô Tao Đàn và vườn cây bên cạnh nhà thờ Đức Bà) tạo nên không gian thoáng đãng và cũng để nhấn mạnh công trình kiến trúc chính là dinh Norodom (dinh Độc Lập).

Đại lộ Thống Nhất trải dài với hai hàng cây râm mát và được kết thúc bằng Thảo Cầm Viên. Bố cục trên hiện nay tuy phần lớn bị mai một do các công trình xây dựng cao tầng (thiếu nghiên cứu, thiếu khoảng lùi) nhưng vẫn còn giữ được vẻ duyên dáng xưa, tuy nhiên với điều kiện đừng có thêm công trình kiến trúc vô duyên nào khác làm hại bố cục hiện hữu.

Bến Bạch Đằng về đêm thật ngoạn mục. Tàu thuỷ đậu san sát không chỉ ở khu vực cảng Sài Gòn mà còn đậu dài theo Bến Bạch Đằng, từ cột cờ Thủ Ngữ đến tận xưởng Bason. Mặt nước sông Sài Gòn lung linh ánh đèn phản chiếu từ các con tàu, tạo nên một khung cảnh huyền ảo về đêm.

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cuối thập niên 50, ảnh hưởng chiến tranh chưa lan tới, Sài Gòn hưỏng một cuộc sống thanh bình, sang trọng, thanh lịch và cũng đầy vẻ lãng mạn. Ngày xưa còn bé tôi chỉ biết là Sài Gòn đẹp.

Đơn giản là đẹp chứ không phải là cái đẹp theo lối phân tích chuyên môn như sau này.

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tất cả các con đường thuộc trung tâm Sài Gòn ngày đó đều được viền bó vĩa (bordure) bằng đá xanh, mặt vĩa hè (trottoir) được lót đồng nhất một thứ gạch ciment khía màu xám. Lề đường chỉ dành cho khách bộ hành, hầu như không có hàng quán, xe đẩy, hàng rong lấn chiếm. Trên suốt lề đường, trẻ con chúng tôi có thể vừa đi vừa rê dắt qủa banh từ nhà đến trường, hoặc vừa đi vừa đọc sách mà không bị gián đoạn.

Vĩa hè Sài Gòn ngày xưa có nhiều niềm vui tuổi thơ, đem lại cho chúng tôi biết bao điều kỳ thú, như những trò chơi bắn bi, đá dế, thảy đáo, vít hình, tạt lon…, như đi qua cổng các ngôi biệt thự có hàng hoa giấy, những tàng cây ngọc lan, hoa sứ thoảng hương.

Một ấn tượng khác cho đến nay tôi vẫn in sâu trong ký ức tôi, là trước hầu hết mặt tiền các cửa tiệm uốn tóc đều treo những ống hình trụ có sọc màu xanh đỏ, quay liên tục theo hình xoắn ốc trông vui mắt. Nhà cửa, phố xá thẳng hàng, đều đặn. Hình dáng kiến trúc, chiều cao đồng nhất không quá chênh lệch hoặc chỏi nhau.

Các dinh thự, công sở uy nghi nhờ các khoảng sân rộng với bao cảnh được tổ chức hợp lý. Ngày xưa có rất nhiều khu biệt thự rải rác khắp nơi và biệt thự đúng là nơi chỉ để ở với khoảng lùi và vườn cây xanh mát. Biệt thự và dinh thự khiến mật độ xây dựng giãn ra, làm cho thành phố thêm đẹp và thoáng đãng. Đường sá Sài Gòn ngày ấy dường như rộng rãi hơn, có lẽ do ít người ít xe hơn ngày nay.

Đường phố, vĩa hè hầu như không bị lấn chiếm và cây xanh ven đường nhiều hơn tạo nên một phối cảnh đô thị có chiều sâu. Ngày xưa Sài Gòn còn ít đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ), thay vào đó, tại trung tâm các giao lộ quan trọng, thường bố trí những chiếc bục tròn có mái che màu trắng, trên có một cảnh sát viên đồng phục trắng, mang ghệt trắng, cầm matraque trắng, đứng điều khiển giao thông. Kết quả thật là tuyệt vời! Không những trật tự giao thông được bảo đảm mà còn đem lại hình ảnh văn minh và lịch sự.

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà cửa Sài Gòn ngày ấy không quá lộng lẫy, không quá cao nhưng vẫn đem lại một cảm giác sang trọng, nguy nga, đài các và nhuốm vẻ thượng lưu. Một ưu điểm khác là Sài Gòn ngày xưa cũng sạch sẽ, trật tự hơn, tinh thần thượng tôn pháp luật cũng cao hơn.

 

 

2. Buổi đầu công tác lập quy hoạch.

Vào năm 1977, công tác quy hoạch chung xây dựng đô thị 1/5.000 bắt đầu tiến hành rầm rộ khắp TP.HCM. Các quận huyện, nhất là các quận nội thành đều tiến hành điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu lập quy hoạch dài hạn đến năm 2000. Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1977, đã có 2 cuộc tập họp các “Ban Quy hoạch quận” về Viện Quy hoạch thành phố để báo cáo thuyết trình kết quả lập QH. Không khí làm việc khi ấy rất sôi nổi, hào hứng. Vì là lần đầu tiên làm công tác QH, tất cả anh em chúng tôi đều lạc quan nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp của một đô thị được xây dựng khang trang, trật tự, sạch sẽ, đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt, vui chơi, học hành, làm việc, giải trí, trong tương lai…theo đúng QH.

Chính vì vậy, ai nấy đều ra sức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao độ, không quản nắng mưa để lội bộ đi khảo sát thực địa, chăm chút từng nét vẽ, từng mảng màu, trong điều kiện văn phòng phẩm rất khan hiếm và ăn uống thiếu thốn thời bấy giờ. Không khí hăng say ấy kéo dài được 1 năm, sau đó chìm dần vào lặng lẽ.

Trong các bản thuyết minh đồ án quy hoạch lập vào thời kỳ đó, khi nhận xét về Sài Gòn cũ, thường đánh giá đó là một đô thị phát triển tự phát theo đường lối tư bản chủ nghĩa, không theo quy hoạch; nên để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt đô thị như nhà ổ chuột, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu bệnh viện, trường học, công viên cây xanh, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu…và là đô thị phân biệt giai cấp, giàu nghèo.

Tuy nhiên, qua thời gian công tác và nghiên cứu tôi được biết :

 

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đồ án quy hoạch đầu tiên của Sàigòn được Thống đốc Charner giao cho kỹ sư nhà binh Coffyn nghiên cứu có tên “Plan prophétique du lieutenant-colonel de génie Coffyn” (QH tiên tri của trung tá công binh Coffyn) lập năm 1862. Đồ án được nghiên cứu thật công phu nhằm phục vụ dân số dự kiến 500.000 người (projet de ville de 500.000 âmes), trên cơ sở kỹ thuật phôi thai và đất đai sình lầy, chằng chịt sông rạch của thời bấy giờ.

Tuy nhiên, qua ngần ấy năm, về mặt kiến trúc công trình, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đồ án vẫn còn đáp ứng nổi cho 1 đô thị trên 5.000.000 dân ngày nay. Các con đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ)… cho đến bây giờ vẫn chưa lỗi nhịp...

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong thời đệ nhị thế chiến, dân số Sài Gòn đã tăng đến con số nửa triệu, đồ án QH Cerutti đã ra đời chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến tương lai. Năm 1943 KTS Pháp Pugnaire lập đồ án QH đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn quy mô 1.200.000 người.

Đúng vậy, sau nầy do ảnh hưởng chiến tranh, dân số đô thành Sài Gòn tăng nhanh, từ 1.400.000 người năm 1961 đã tăng lên 1.641.000 người năm 1965. Chính quyền Sài Gòn cũ đã cho lập nhiều đồ án QH mở rộng Sài Gòn. Như: giao cho Bộ Kiến thiết và thiết đô thị thiết lập đồ án chỉnh trang tỉnh Gia Định và đô thành Sài Gòn.

Dự án Tân đô thị Dĩ An giải quyết tập trung khu hành chính và ngoại giao. Dự án đô thị song hành dự kiến phát triển Thành Tuy Hạ. Dự án đô thị kéo dài: Sài Gòn – Thủ Đức - Biên Hòa. Riêng về bán đảo Thủ Thiêm, đã có dự án 1955, dự án Hoàng Hùng 1958 (thời Ngô Đình Diệm) nhằm biến Thủ Thiêm thành trung tâm hành chính – văn hoá - kinh tế. Sau nầy chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho mời chuyên gia quy hoạch Hi Lạp lập lại đồ án Thủ Thiêm (Doxiadis) vào năm 1965.

Đồ án được nghiên cứu công phu, tuy nhiên, do tính toán phải cần đến 20 năm cho việc san lấp mặt bằng đúng cao trình thiết kế (phải đắp thêm +0,8m), trong khi cường độ chiến tranh đang hồi ác liệt, nên đồ án Thủ Thiêm chưa có cơ hội khai triển. Đến năm 1972 chính quyền đang nghiên cứu thực hiện dự án Doxiadis theo cách khác của người VN và bắt đầu san nền, thì Sài Gòn được giải phóng. Kế hoạch Doxiadis chỉ trông chờ vào tiền xổ số kiến thiết.

Trong thời gian 2 nền Cộng hòa, chế độ cũ cũng kịp thời thực hiện những dự án quan trọng. Về hạ tầng kỹ thuật, có tuyến điện cao thế 66kv dẫn từ đập Đa Nhim về trạm biến thế xa lộ, xa lộ Biên Hòa, đường ống cấp nước Hóa An đường kính 2000mm, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu… Về kiến trúc, có các công trình kiến trúc tiêu biểu như dinh Độc lập, thư viện quốc gia, khách sạn Caravelle, Trung Nam ngân hàng …

Các dự án lớn như khu kỹ nghệ Biên Hòa, làng đại học, khu đại học Thủ Đức, cư xá Thanh Đa (cư xá TĐ tiêu biểu cho đến nỗi ngay sau 30/4/75, giới kiến trúc xây dựng Hà Nội phải vào tham quan học hỏi, cho rằng đây là mô hình khu nhà ở đúng mô hình XHCN!!!) .

Hơn 8.000 xí nghiệp công nghiệp được xây dựng với dây chuyền công nghệ hiện đại. Ngoài ra còn rất nhiều trường Đại học, thương cảng, phi trường, cư xá mọc lên rất nhiều.

Đầu thập niên 60, do ảnh hưởng chiến tranh, cư dân các tỉnh bắt đầu đổ về thành phố, hình thành dần các khu nhà sàn, nhà ổ chuột trên sông rạch và ở các vùng ven, tạo nên những xóm lao động và vượt khỏi sự kiểm soát về xây dựng của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên qua khảo sát thực tế ngay sau ngày giải phóng, ngoài các khu nhà ổ chuột trên sông rạch, trong các khu dân cư lâu đời tại một vài quận vùng ven khi ấy, đường sá vẫn còn là đường đất quanh co, nhỏ hẹp, chưa được béton hóa, nhà cửa tuy thấp tầng, nhưng rộng rãi khang trang. Thường giữa nhà này với nhà kia không có rào ngăn cách, nên nhà cửa xem như rộng hơn và phần đất trống giữa các căn nhà kiêm thêm nhiệm vụ giải quyết các vấn đề giao thông, chỗ vui chơi của trẻ em và giải quyết 1 phần thoát nước mưa do ngấm vào trong đất.

 

 

3. Nhận xét tình hình thực hiện quy hoạch hiện nay.

Từ sau 1977 đến nay, hơn 30 năm kể từ ngày tiến hành công tác lập quy hoạch trên địa bàn TP, đã có biết bao nhiêu đồ án quy hoạch được thiết lập: QH chung TP.HCM tỷ lệ 1/25.000, QH chung các quận huyện tỷ lệ 1/5.000, QH. chi tiết các quận, huyện tỷ lệ 1/2000 và biết bao nhiêu dự án QH. TL 1/500. Trong đó, một số đồ án được nghiên cứu, thực hiện, báo cáo, rồi bỏ quên. Chỉ 1 số ít đồ án được phê duyệt và công bố cho dân. Đặc biệt trong các năm 1999, 2000, các đồ án được phê duyệt hàng loạt và áp dụng cho đến tận hôm nay mà dư luận cho là QH treo.

Bên cạnh nỗ lực về cải tạo hệ thống kỹ thuật hạ tầng được xem là thành công của chính quyền và nhân dân thành phố là công trình cải tạo nhà ổ chuột dọc kinh Nhiêu Lộc - rạch Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, hàng loạt công trình khác vẫn còn là dự án hoặc dẫm chân tại chỗ như hệ thống cống bao thu nước thãi rạch Thị Nghè, đường Xuyên Á, đường Bình Lợi–Tân Sơn Nhất, đường sắt trên cao, bãi đậu xe ngầm…

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về quy hoạch chỉnh trang khu dân cư, đến nay ngoài khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng thành công trên đất mới, hầu như không có một khu dân cư nào được thực hiện theo quy hoạch gây chú ý. Hầu hết các khu dân cư được thực hiện chỉ là những dự án lẻ tỷ lệ 1/500 có quy mô từ vài ngàn m2 đến vài hectares, được chủ đầu tư thực hiện tùy theo khả năng tài chính. Tuy nhiên nếu xét theo bình diện QH, ta thấy các dự án nhà ở nầy dường như chẳng ăn nhập gì đến các QHCT 1/2000, và càng xa lạ với đồ án QH chung 1/5.000.

Đa số các dự án QH trước đây thường là phân lô bán nền cho dân tự xây, góp phần tạo nên sự lộn xộn, mất cân đối. Các dự án tương đối có quy mô lớn như Khu Bình Quới, Khu đô thị Thanh niên Văn Thánh kéo dài không thực hiện được. Khu dân cư công nghiệp Bình Hoà sau nhiều lần điều chỉnh và đổi tên, đến nay không còn gì hơi hám của đồ án QH ban đầu.

Bên cạnh cái được xem ra còn quá ít so với cái không được và những mất mát không còn khả năng hồi phục. Cư dân thành phố đang hàng ngày chứng kiến tình trạng xuống cấp trong mọi lĩnh vực đời sống: tình trạng ngập nước, kẹt xe, thiếu nhà ở, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu nước, thiếu điện, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thãi…Văn minh đô thị không được tôn trọng, Cách cư xử đang mất dần tính cách văn hóa. Tình trạng bạo lực đang chiếm ưu thế trên đường phố, khu xóm và trong học đường.

Trước kia nước máy có thể lên đến tận các tầng 5 (thành phố không có các bồn nước Inox cá nhân như ngày nay) và trên 10 thủy đài (château d‘eaux) có dung tích từ 2.000-7.000m3 nước để tăng áp lực nước, đều dự phòng nước cho 3 phút chữa cháy cho mỗi thuỷ đài. Ngày nay các thủy đài đều cạn nước và nhiều nơi người ta vô tình triệt hạ nó không thương tiếc, trong khi việc cấu tạo, thi công các thủy đài nầy rất tốn kém và phức tạp.

Nhìn chung bộ mặt quy hoạch – kiến trúc TP.HCM hiện nay, chúng ta, nhất là du khách ngoại quốc đều có ngay cảm giác chật chội, hỗn độn về mọi mặt (xây dựng, giao thông, vệ sinh môi trường, dây điện, điện thoại, cáp truyền hình, internet chằng chịt, tình trạng ngập nước thường xuyên, phong cách sinh hoạt, ứng xử nơi công cộng thật tệ hại…). Mỹ quan đô thị xuống cấp trầm trọng.

Đúng ra phải nhìn nhận Sài Gòn ngày nay có nhiều công trình cao tầng rất đẹp, rất quy mô, kiến trúc được nghiên cứu thiết kế hiện đại, sáng tạo, theo xu hướng chung của thế giới nhờ sự hỗ trợ đắc lực của computer, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất phong phú, màu sắc đa dạng biến hóa của sơn nước…một số công trình kiến trúc Sài Gòn hiện nay lộng lẫy hơn xưa rất nhiều.

Tuy nhiên nếu được phép so sánh, ta cảm giác ngay được rằng Sài Gòn ngày nay không còn đẹp như xưa. Sàigòn thời kỳ hòn ngọc Viễn Đông đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, quí phái, lịch sự. Sài Gòn ngày nay hầu như phát triển mạnh mẽ nhất dạng nhà phố liên kế và đang xu hướng chuyển sang loại nhà cao tầng.

Tất cả các khu đất trống, các nhà xưởng cải tạo, các khu quân sự còn lại đều được phân lô nhà phố. Từng căn nhà dù được thiết kế đẹp, nhưng với tâm lý phô trương, thích chơi trội, khi đặt cạnh nhau vô tình biến TP thành một mớ hỗn độn lòe loẹt.

Một số nhà chuyên môn cho rằng bộ mặt các khu dân cư xây dựng theo QH mới đôi khi còn kém xa cả khu dân cư cũ. Ngoài sự yếu kém của hạ tầng kỹ thuật và kỹ thuật xây dựng, các khu dân cư mới bộc lộ nhiều khuyết điểm về giao thông, khoảng lùi, cây xanh, tính đồng bộ của bộ mặt kiến trúc đô thị…

Thật khó tưởng tượng nổi có những con đường được thiết kế là trục đường thẳng, hoàn toàn trên đất trống, nhưng khi hoàn thành lại biến thành nhiều đoạn cong thay vì là một đường thẳng, như đường D2, Chu văn An nối dài…

Bên cạnh sự phát triển khu dân cư và các công trình kiến trúc, chúng ta còn thấy rõ sự mất cân đối trầm trọng của mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Trong khi mật độ xây dựng dày đặc và phát triển mạnh theo chiều cao, tập trung dân số cao vượt thì hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, cơ sở giáo dục, y tế…hầu như không phát triển thêm được bao nhiêu, dẫn đến tình trạng lạc hậu và quá tải…

Qua đó chúng ta thấy rất rõ rằng nhiều căn nhà đẹp không làm nên thành phố đẹp. Thành phố đẹp là một thành phố trật tự, môi trường sống, vệ sinh lành mạnh, kiến trúc hài hoà, đồng bộ, được tô điểm bằng cây xanh đường phố và các mảng xanh công cộng, được chấm phá bằng các công trình nghệ thuật như tượng đài, tác phẩm điêu khắc… và được bố cục một cách cân đối, phù hợp.

Hãy thử hình dung chúng ta có một bộ đồ chơi mô hình đô thị, gồm có những căn nhà đẹp, những công viên đẹp, những con đường đẹp, hồ nước đẹp…Tuy nhiên chưa chắc đã ghép nên được mô hình đẹp, nếu không có 1 bàn tay sắp đặt theo sự dẫn dắt của 1 bộ óc khéo léo.

Chính sự thiếu thốn những phương tiện vượt trội của thời nay lại là ưu điểm của Sài Gòn xưa. Chẳng hạn, các công trình kiến trúc ngày trước nếu có khuyết điểm cũng vẫn không gây cảm giác khó chịu, nhờ xây dựng thấp tầng và được cây xanh đường phố tô điểm. Việc giới hạn về màu sắc và chiều cao, khiến TP đồng bộ hơn. Ngày nay ta vẫn còn thấy những công trình nầy (những dãy phố ngói trệt hoặc phố lầu) tại nhiều nơi trong khu vực Sài Gòn-Chợ lớn (Bến Chương Dương, Bến Hàm tử, Bến Bình Đông, Hải Thượng Lãn Ông…).

Qua đây, chúng ta cũng thấy rõ tính chất quá độ về thiết kế kiến trúc hiện nay. Sài Gòn chưa định hình được phong cách kiến trúc của mình sau thời gian dài nghiên cứu, thí nghiệm. Các hình thức mặt đứng nhà phố của các kiến trúc sư trẻ cho thấy sự năng nổ tìm tòi lẫn sáng tạo qua nghiên cứu, tham khảo sách báo, tài liệu, internet và qua những chuyến tham quan nước ngoài. Chính do nguồn tham khảo quá phong phú sau thời gian dài đói thông tin, nhưng thiếu chắt lọc, nên dễ cho ra đời những mẫu mã thật bắt mắt, nhưng không có sức sống lâu dài, dễ gây nhàm chán và mau lỗi thời.

Đã có lúc giới phê bình kiến trúc thời nay chê bai thậm tệ vật liệu đá rửa của thời kỳ trước 75. Các kiến trúc hiện đại của nước ta tập trung nhiều cho hình thức, nhưng hời hợt, mang tính chung chung, không xác định được thời gian tính. Kiến trúc hiện đại cũng không màng đến giải pháp che chắn nắng, tiết kiệm không gian, phần lớn tập trung cho hình thức trang trí.

Cho đến bây giờ nhiều người vẫn thấy đường nét, hình khối, màu sắc, bố cục không gian, vật liệu (matière) kể cả đá rửa, sử dụng trong các công trình kiến trúc của các kiến trúc sư trước 75 tại Sài Gòn, vẫn còn rất hợp lý và các công trình nầy ghi đậm dấu ấn của thời kỳ.

Qua cái nhìn của du khách ngoại quốc, TP.HCM có thể để lại ấn tượng về nhiều lĩnh vực, nhưng rất khiêm tốn lời khen về vẻ đặc sắc của kiến trúc- đô thị. Chỉ trong một khu vực nhỏ thôi, hàng ngày chúng ta cũng chứng kiến các du khách ngoại quốc chỉ chụp ảnh nhộn nhịp trước nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, nhưng không hề để ý đến toà nhà Metropolitan hoặc Diamond Plaza ngay bên cạnh đó!

 

Nếu có dịp so sánh tổng mặt bằng thành phố qua không ảnh của 2 thời kỳ trước 1975 và hiện nay, sau 30 năm thiết lập quy hoạch xây dựng TP, ta có thể nhận ra những nét chủ yếu:

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Seeing

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mật độ xây dựng dầy đặc. Nội thành không còn đất dự trữ. Các khoảng trống nhất là phần mặt tiền còn lại của biệt thự, dinh thự cũ được xây dựng lèn chặt. Đất nông nghiệp của các quận ven mất dần.

- Đường giao thông không được phát triển thêm bao nhiêu, phần nhiều chỉ được cải tạo mở rộng. Quy mô những con đường mới mở chỉ nhằm phục vụ nhu cầu trước mắt (tiết kiệm đất dành cho việc phân lô), không có tầm nhìn xa như thời kỳ trước.

- Hệ thống sông rạch bị ô nhiễm nặng nề, bị thu hẹp, cạn dần và phần lớn đã bị san lấp.

- Các khu đất quân sự lẽ ra là đất dự trữ lý tưởng cho công tác quy hoạch, nhưng hiện nay hầu hết biến thành các dự án XD, nhà phân lô, không những không đóng góp vào công tác chỉnh trang đô thị, mà còn gia tăng mật độ xây dựng. Chẳng hạn như khu vực đường 3 tháng 2, các khu doanh trại Gò Vấp…

 

 

4.Hiệu quả của việc áp dụng quy hoạch vào thực tế đô thị các năm qua:

Sau những đồ án quy hoạch chung và QH chi tiết được phê duyệt, cho đến nay chúng ta thấy dường như không đem lại hiệu quả tích cực trong việc chỉnh trang bộ mặt đô thị và cải thiện tiện nghi ăn ở, đi lại, cũng như hạ tầng kỹ thuật đô thị, mà trái lại còn bị dư luận lên án là QH treo. Dư luận càng ngày càng có cái nhìn không thiện cảm và ngờ vực tính khả thi của các đồ án QH xây dựng.

 Mặc dầu ngày nay có nhiều công trình công trình kiến trúc đẹp, cao tầng, quy mô, hoành tráng, nhất là tại khu vực trung tâm, nhưng không hiểu sao trong mắt nhìn của nhiều giới am hiểu, vẫn cảm thấy bộ mặt Sài Gòn ngày nay không đẹp, không khang trang, thanh lịch như xưa, dường như có điều gì đó bất ổn. Nạn kẹt xe , tình trạng ngập nước triền miên, vệ sinh đô thị tồi tệ, mạng dây điện, viễn thông, cáp truyền hình, internet giăng mắc như mạng nhện, quảng cáo ngợp trời, đường phố vĩa hè bị lấn chiếm, khiến bộ mặt đô thị trở nên hỗn độn chưa từng thấy.

Trong hơn 30 năm qua các công trình phúc lợi công cộng như công viên cây xanh, sân chơi, sân vận động hầu như rất ít được xây dựng thêm, nếu không muốn nói là bị thu hẹp lại, mặc dầu dân số đô thị tăng lên gấp nhiều lần, chưa kể số dân tạm trú, nhập cư. Bên cạnh đó, bệnh viện, trường học đều quá tải.

 Do đó, đời sống kinh tế tuy khá hơn, nhiều người trở nên giàu có hơn, nhà cửa to đẹp hơn, phương tiện giao thông hiện đại hơn, nhưng chất lượng cuộc sống lại đi xuống. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm làm nảy sinh bao nhiêu căn bệnh thời đại mà trước đây không có, kéo giảm tuổi thọ người dân đô thị cũng như tăng gánh nặng về kinh phí.

Cũng từ hệ quả nầy, có những thuật ngữ mới xuất hiện trong nhân dân như “quy hoạch treo”, “ quy hoạch bị đóng băng”, thậm chí là “quy hoạch ảo” là “sống chung với QH” (thay vì sống chung với lũ). Tôi đã từng được nghe một vị lãnh đạo quận gọi đùa lãnh đạo một đơn vị lập QH là “họa sĩ”, thay vì là KTS hoặc Nhà Quy hoạch (urbaniste).

Và đến nay, sau ngần ấy năm thực hiện QH, hệ quả là những lời ta thán kéo dài trong nhân dân, là sự thiệt hại về tiền của xã hội, là những thiệt hại vô hình khác mà người dân phải gánh chịu do áp lực của quy hoạch treo (không chuyển nhượng được, không xây dựng sửa chữa được, không an tâm làm ăn sinh sống…). Có những thiệt hại không bao giờ còn cơ hội sửa chữa được (do QH không phù hợp, thiếu chiều sâu…) và thiệt hại lớn nhất, theo tôi đó là đánh mất lòng tin của nhân dân!

Đa số người dân đều xác quyết rằng QH xây dựng đô thị theo cách làm hiện nay, chưa giúp ích được gì cho đời sống xã hội, nếu không muốn nói ngược lại là góp phần tạo ra lộn xộn và bất công xã hội, làm trì trệ việc phát triển kinh kế gia đình và đất nước. QH đô thị chưa giúp định hướng phát triển xã hội theo xu thế chung của thế giới, chưa đủ tầm để theo sát tình hình khoa học kỹ thuật, kinh tế-xã hội của khu vực và thế giới. Đồ án QH chưa có tầm nhìn xa. Một hệ quả tất yếu của việc QH thiếu uy lực là tạo ra tình trạng đầu cơ đất tràn lan, đẩy dân nghèo ngày càng cùng cực hơn vì chênh lệch xã hội.

QH như vậy nếu có cũng như không, không có tác động tích cực cho xã hội. Chúng ta thấy rõ điều ấy: có bao nhiêu đồ án QH tỷ lệ 1/500 được thực hiện đúng theo QHCT 1/2000? Có bao nhiêu dự án QH 1/500 được thực hiện đúng theo Tổng mặt bằng được duyệt? Các dự án thường được chủ đầu tư thực hiện theo tính toán lợi nhuận cao nhất cho mình, để rồi nếu sai QH (thường là bỏ quên không thực hiện cây xanh, công viên, công trình phúc lội công cộng…) sau đó lại xin điều chỉnh QH, nếu sai nữa, lại xin điều chỉnh tiếp.

Đã qua bao nhiêu năm, thành phố có bao nhiêu QH được duyệt! Tuy nhiên nếu nhìn lại trên toàn thành phố, đã có một khu dân cư chỉnh trang nào theo QH do ngân sách đầu tư hoàn chỉnh, tạo được sự chú ý của dư luận, hay chỉ toàn là những dự án nhỏ lẻ, phân lô do các nhà đầu tư thực hiện. Lâu nay, người ta thường đổ lỗi cho tư nhân phá vỡ QH vì chạy theo lợi nhuận.

Tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ điều nầy, bên cạnh việc phá vỡ QH, nếu không có những nhà đầu tư ấy, có lẽ không có bao nhiêu dự án được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu dân số tăng đột biến trong những năm qua. Chất lượng thực hiện dự án đương nhiên quá kém do có quá nhiều nhà đầu tư tay ngang và do phải tốn kém quá nhiều cho chi phí lập thủ tục, phê duyệt dự án.

Còn nếu tuân thủ thực hiện đúng đồ án QHCT được duyệt, thì với cách làm QH trăm hoa đua nở như hiện nay, người người làm QH, nhà nhà làm QH (tiến dần đến việc phủ kín QH) thì liệu kinh phí đâu để triển khai tất cả QH ấy? Đến thời gian nào thì mới thực hiện được QH? Chỉ tưởng tượng thôi chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng ngay cả một cường quốc kinh tế cũng khó lòng thực hiện mọi QH như ở nước ta.

Đồ án QH thiếu tính khả thi, quy chế quản lý thiếu cụ thể, không rõ ràng, mỗi nơi hiểu một cách. Thậm chí ngay trong cùng một quận, do cách tách - nhập lằng nhằng hiện nay (nhiều phòng tách ra từ phòng Quản lý đô thị) mỗi phòng giải thích và áp dụng QH mỗi cách theo quan điểm chủ quan của mình. Một thí dụ trong thực tế: có CB áp dụng QH vào việc cấp phép XD bằng cách đo ngay trên BĐ.QHCT tỉ lệ 1/2000 cả đường ranh giới hạn nghiên cứu (để đường ranh dễ nhận thấy thường được thể hiện bằng bút lông dầu, nét dày khoảng 3mm, cách đường giao thông dự kiến khoảng 3mm, nhằm tránh trùng vào nét đường).

Do cách hiểu máy móc, tùy tiện nầy của CB thừa hành, vô tình khổ chủ mất một chiều dài nhà 12m trong thực tế (= 6mm trên bản đồ ) và thường không được cấp phép XD (do bị cắt lộ giới, không còn đủ DT theo qui định). Với cách làm trên chúng ta đủ thấy tính chính xác và tùy tiện như thế nào, chưa nói tính chính xác của bản đồ nền cộng với việc nhân bản bằng máy photocopie có sự co giãn của giấy, độ nóng của máy và bản đồ bị biến dạng qua nhiều lần sao chụp (tam sao thất bổn) sẽ có độ sai lệch rất lớn.

 

 

5. Đâu là nguyên nhân của các đồ án quy hoạch không khả thi?

Vì sao một công tác có tầm quan trọng, vô cùng tốn kém, được thực hiện liên tục từ trước đến nay lại tỏ ra không có ảnh hưởng tích cực nào cho xã hội (có cũng như không) mà ngược lại còn gây phản ứng tiêu cực, không được sự đồng thuận của công chúng lẫn giới chuyên môn? Theo tôi có thể do những nguyên nhân:

- Do phương pháp thực hiện QH. Thông thường, công tác QH được lập theo trình tự: QH lãnh thổ - QH vùng - QH chung đô thị - QH chung quận, huyện tỉ lệ 1/5.000 - QH chi tiết tỉ lệ 1/2.000, rồi mới đến các QH 1/500, tức là các dự án đầu tư xây dựng. Công tác quy hoạch hiện nay đang đi ngược trình tự ấy. Thực tế có các dự án 1/500 được thực hiện và triển khai rồi, sau đó QHCT 1/2.000 mới được thực hiện, gần như là để tổng hợp và hợp thức hóa các dự án trên, rồi đến QH chung 1/5.000 được lập như 1 đồ án tổng hợp các QHCT…Chính vì qui trình ngược nầy mà có ý kiến cho rằng việc lập QH ở nước ta giống hình chóp ngược.

- Đất nước ta chưa từng có kinh nghiệm trong công tác lập QH Đô Thị (theo nghĩa hiện đại). Các chỉ tiêu Quy hoạch-kiến trúc đều lấy theo tiêu chuẩn Liên Xô cũ (Tiêu chuẩn quy phạm 20 trước đây). Các tiêu chuẩn nầy áp dụng cho các thành phố mới xây dựng trên đất trống, trong khi chúng ta thực hiện QH cho các đô thị cải tạo.

Sự lúng túng đối với các chỉ tiêu QH-KT nầy (quá cao không thể đạt đối với đô thị cải tạo, chẳng hạn như chỉ tiêu cây xanh, công trình phục vụ, tiêu chuẩn đất ở…) và áp dụng đại trà cho tất cả các địa phương trong cả nước, dẫn đến sự tùy tiện trong việc thực thi của CB nghiên cứu, lẫn CB quản lý có trách nhiệm phê duyệt và chân lý thường chỉ thuộc cấp có thẩm quyền cao hơn (tức là cấp phê duyệt) sau những tranh luận kéo dài không có gì làm căn cứ chắc chắn.

Hầu hết các phương pháp QH đã và đang thực hiện ở nước ta mang tính truyền thống rất cao và ảnh hưởng từ lối vận dụng của Liên Xô trước đây khá gần với kiểu QH duy lý-vật chất (physyco-rationalisme). Những phương pháp nầy đã có từ rất lâu và vẫn tiếp tục sử dụng ở Việt Nam trong khi hầu hết các nước phát triển xung quanh đều đã thay đổi theo các xu hướng của thế giới hiện đại.

Điều nầy cho thấy hệ thống lập quy hoạch của chúng ta khá lạc hậu. Đơn cử đối với công tác QHXD, phương pháp làm QH của chúng ta hiện nay mới ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của thế giới. Chẳng hạn nhiều đồ án QH ở nước ta hiện nay đang triển khai theo khái niệm rất cũ “Colonial model” là mô hình thuộc địa, hình thành từ Vua Philippe Tây Ban Nha năm 1573: sử dụng không gian mở làm trung tâm của đô thị, xung quanh bố trí các công trình…

Điểm qua quy hoạch của thế giới, QH nước ta còn bước quá chậm, bỏ lỡ nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển đất nước và dẫn đến công tác hậu QH rất bất cập, phức tạp.

- Lẽ ra trong ngần ấy năm các cơ quan chuyên ngành cấp trên, các Viện nghiên cứu chí ít cũng cho ra đời một sản phẩm gồm những tiêu chí khả dĩ hướng dẫn công tác Quy hoạch đi đúng trọng tâm, có tính khả thi. Tuy nhiên ngoài một vài văn bản hướng dẫn hoặc có tính điều chỉnh chung chung, thông thường chỉ có những bài tham luận mang tính học thuật với lý thuyết dao to búa lớn, luận bàn những học thuyết lớn lao về đô thị, hoặc được dịch thuật từ sách báo nước ngoài.

Các tác giả trong nước luôn luôn hô hào xây dựng các đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc một cách chung chung, nhưng qua bao nhiêu năm rồi lại không chỉ ra được tính dân tộc như thế nào, nằm ở chỗ nào, các chỉ tiêu kiến trúc-quy hoạch trong tình hình thực tế của một đô thị cải tạo, của từng tính chất đô thị, nông thôn, miền núi. Hậu quả là càng hô hào càng tạo ra các đô thị lộn xộn và đầy nét sao chép lẫn nhau. Theo các nhà chuyên môn, đồ án quy hoạch càng chi tiết, các chỉ tiêu kỹ thuật càng cứng nhắc lại càng không khả thi.

- Đồ án thiếu sức sống do không đánh giá đúng hiện trạng. Điều tra khảo sát hiện trạng là phần căn bản, quan trọng trong tiến trình lập QH, càng kỹ lưỡng càng bảo đảm tính khả thi của đồ án. Tiếc thay đa số QH được phê duyệt trong thời gian qua đều xem nhẹ công tác nầy. Các số liệu không chính xác dẫn đến dự báo mơ hồ, rời xa thực tế, không khả thi, thiếu tầm nhìn lâu dài và do đó thường xuyên phải điều chỉnh.

- Nhiều người dân bình thường vẫn nghĩ rằng công tác nghiên cứu, lập quy hoạch chắc hẳn là ghê gớm lắm. Tuy nhiên thực tế lại khác. Cách thức lập các đồ án QH hiện nay lại đơn giản hơn chúng ta tưởng. Không có việc suy tư, trăn trở, vắt óc cho một đồ án tâm huyết. Nhiều khi việc lập một đồ án QH lại có phần đơn giản hơn lập một bản vẽ thiết kế, chỉ khác thời gian thường kéo dài và khó khăn ở giai đoạn phê duyệt. Do ôm đồm nhiều việc, các CB chủ trì có thể cùng một lúc nhận nhiều đồ án QH khác nhau và chạy nhiều show khác ở tỉnh hoặc bao thầu các đồ án thiết kế khác (ăn theo đồ án QH chính thức nhận được).

CB chủ trì chỉ cần dành chút thời gian trong ngày ngồi trước bàn vẽ, bỏ ra một chút ý tưởng, phác sơ vài nét chì. Sau đó họa viên QH sẽ đảm nhiện phần thể hiện. Công tác QH hầu hết thường không bảo đảm thời gian qui định. Do đó không có gì phải vội vã, cứ tuần tự nhi tiến, mỗi ngày một chút cũng không sao. Hơn nữa vẫn còn thời gian chỉnh sữa dài dài qua các lần họp báo cáo ở các ngành các cấp.

Có ai tưởng tượng ra buổi họp báo cáo đồ án QH tại cơ sở đã có lúc gồm đầy đủ phòng ban, trong đó có cả ban Quản lý chợ!…Có ai tưởng tượng nổi vận mệnh của hàng chục hàng trăm căn nhà có thể được giải quyết qua một cái gật đầu đầy cảm tính hoặc trong một buổi họp vội vàng chiếu lệ chèn ngoài giờ từ lúc 17giờ trở đi, lúc mọi người đều uể oải trông mong trở về nhà, hoặc cái ký tên tranh thủ lúc đầu giờ…

- Đồ án QH hiện nay đôi khi là sản phẩm cá nhân từ lúc đầu thực hiện. Nó chỉ trở thành công sức tập thể qua những lần báo cáo và những ý kiến đóng góp (mà những ý kiến thường cảm tính, ít chuyên môn). Chính khi đó, nó trở thành một sản phẩm thập cẩm, dạng “lắm thầy thối ma”. Vì vậy chẳng lạ gì khi có nhiều đồ án QH có ý tưởng ban đầu tốt hơn khi được phê duyệt.

Đồ án QH hiện nay khi bắt đầu nghiên cứu là công trình của Kiến trúc sư, nhưng khi thành phẩm nó là sản phẩm của nhà quản lý. Trong Đại hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) gần đây tại Trung Quốc, có tham luận cho rằng Chính quyền ngày nay can thiệp quá sâu và hầu như quyết định các đồ án QH xây dựng đô thị.

- Công tác lập quy hoạch mang tính chất quan liêu bàn giấy (bureaucrate). CB nghiên cứu ngồi tại bàn tính toán các thông số theo chỉ tiêu kỹ thuật (TCQP đã nói trên), gia giảm thêm bớt, sau đó thể hiện lên bản vẽ. Bản đồ nền được sử dụng để thể hiện các đồ án QH (đã được duyệt khoảng 1999 và nay đang bị lên án là QH treo) là bản đồ được lập theo không ảnh 1982, đã quá lạc hậu trong thời điểm lập QHCT 1/2.000 với mức chính xác không cao.

Cùng với phương pháp lập QH máy móc và giáo khoa tại bàn vẽ, CB lập QH cứ vo tròn bóp méo sao cho đủ chỉ tiêu kỹ thuật theo tính toán và thể hiện bản vẽ cốt sao cho đẹp. Đường giao thông cứ bám sát theo Tiêu chuẩn qui phạm (trong cự ly, khoảng cách bao nhiêu phải có 1 con đường) cứ vẽ băng ngang khu dân cư 1 cách vô tội vạ không cần lưu ý đến tính chất hiện trạng, sự ổn định của khu vực. Từ thực tế trên, sau hơn 30 năm sống chung với QH, chúng ta thấy rõ rằng đồ án QH (trên đất cải tạo) càng được thể hiện đẹp lại càng không khả thi

Tuy nhiên, xã hội nói chung không chỉ đơn giản được giải mã bởi các chuyên gia QH với một số yêu cầu đơn giản nhất định.

- Đúng ra một đồ án QH phải có sự phối hợp của các chuyên ngành khác để trở thành “master plan” đúng nghĩa dùng để quản lý xã hội. Tuy nhiên hiện nay dù đã có QHCT, khi cần thiết vẫn phải lập thêm QH mạng lưới ngành như điện, cấp nước, thoát nước, nút giao thông… rất tốn kém, lãng phí công của và thời gian.

Ít ra bản vẽ QH giao thông trong hồ sơ QH cũng có tính định hướng cho việc thiết kế giao thông, nút giao thông cụ thể sau nầy, nhằm bảo đảm đúng QH. Thực tế hầu như việc thiết kế đường sá, nút giao thông hoàn toàn do cơ quan chuyên ngành thiết lập, không dựa trên cơ sở QH được phê duyệt.

- Nội dung đồ án QH chi tiết 1/2.000 hiện nay chưa hội đủ yếu tố cần thiết để định hướng phát triển đô thị. Thật vậy với các chỉ tiêu chung chung nêu ra trong đồ án như tầng cao trung bình, qui mô dân số, mật độ XD qui định cho từng ô phố, thật khó áp dụng trong thực tế và dễ gây ra tình trạng loại suy, ai giải thích sao cũng được.

Sau bao năm thực hiện QH, chúng ta thấy dường như bộ mặt đô thị ngày càng xuống cấp mặc dù có nhưng công trình cao đẹp mọc lên.

 

 

6. Quy hoạch còn đó những băn khoăn!

Hiệu quả do các QH được duyệt trên thay vì đem lại bộ mặt mới, khang trang hơn cho đô thị, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, giao thông, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện tốt hơn, công trình công cộng được phát triển, mở rộng, đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số, trái lại lại một bộ phận cư dân đã trở thành nạn nhân thường trực của vấn nạn Quy hoạch trong suốt hơn 30 năm.

Thực tế có những gia đình có đến 5 trường hợp cha mẹ anh em đều bị giải tỏa do họ có gia đình riêng và cư ngụ ở nhiều địa phương khác nhau. Tình trạng thường trực sống đối diện với QH giải tỏa, cũng là một trong những yếu tố phá hủy tiềm lực quốc gia. Ngay cả 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hoàn toàn bị phá hủy bởi bom nguyên tử cũng đã cần phải có thời gian và sự ổn định xã hội nhất định để chung tay hồi sinh.

Có “an cư mới lạc nghiệp “. Từ xưa ông bà ta đã nói như thế. Vậy mà dân ta vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh triền miên, phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng để tái thiết đất nước, hơn 30 năm qua lại không có điều kiện để ổn định cuộc sống, thì lấy đâu điều kiện để phát triển kinh tế gia đình? Không có riêng thì lấy gì để đóng góp cho cái chung?

Do vậy chúng ta hiểu được tại sao quần chúng quá sợ hai chữ QH. QH là con ngáo ộp. Đối với nhiều người, QH chỉ là cái bánh vẽ to tướng không có thật, trong khi đó áo cơm, căn nhà tạm che nắng mưa hằng ngày mới là chuyện có thật. Trong công tác, phải tiếp xúc thường xuyên với nhân dân, tôi nhận thấy người dân chúng ta luôn tôn trọng, chấp hành luật pháp và các chủ trương của chính quyền sở tại. Vì vậy thời gian đầu công bố QHCT được duyệt, người dân luôn tôn trọng, ít có ý kiến nào khác.

Tuy nhiên qua thời gian dài, QH chỉ được dùng trong công tác quản lý xây dựng, cấp giấy chứng nhận, không tạo ra biến chuyển tích cực nào cả, dù chỉ là tạo ra những khởi động ban đầu. Trước quyền lợi bị treo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xuống cấp hoặc chưa có, người dân càng ngày càng bức xúc và từ đó danh từ QH treo xuất hiện. Người dân hầu hết tôn trọng chủ trương Nhà nước, thường chỉ nêu 2 vấn nạn lớn nhất hiện nay là: chừng nào sẽ tiến hành triển khai thực hiện theo QH ? Tiền đền bù như thế nào? Chắc chắn không cơ quan hữu quan nào có thể trả lời ngay thắc mắc đó!

- Tình trạng phân cấp QH hiện nay theo tôi là không có hiệu quả. Thật ra, đây chỉ là 1 biện pháp chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề phê duyệt QH, chứ không có thực chất. Mọi vấn đề phê duyệt QH vẫn như cũ, vẫn đâu vào đó, thậm chí ngày càng khó khăn hơn. Tuy danh nghĩa là Sở QH-KT thẩm định hồ sơ QHCT, chủ tịch UBND các quận phê duyệt. Tuy nhiên việc thẩm định QH nầy gay go gấp nhiều lần việc phê duyệt trước đây. Còn cơ sở thẩm định QH, như đã nói trên, khá là mơ hồ và như vậy phần lớn kết quả chúng ta đã rõ: xin-cho!

Một vị chủ tịch quận đã cay đắng phát biểu như sau: “Trong QH chúng tôi mời cả các giáo sư, kiến trúc sư tham gia lập đồ án mang lên thẩm định gặp cán bộ có khi là học trò mấy ổng không à, nhưng không hiểu sao không đạt!”. Đến đây chúng ta lại thấy thêm một yếu tố quan trọng khiến QH bị treo: đó là thẩm định treo.

Theo chiều hướng hiện nay đa số tổ chức nhà nước đều kêu gọi trẻ hóa đội ngũ. Tôi cũng rất ủng hộ chủ trương nầy. Tre già măng mọc là việc đương nhiên. Thế nhưng trong thực tế hiện nay, có ai trong chúng ta đã từng là nạn nhân của sự trẻ hóa CB quản lý chưa? Ước mong có một đội ngũ CB có năng lực, trong sạch vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, nhưng đến nay sau một thời gian gia tăng cán bộ trẻ chúng ta được gì? Ngoài sự phát triển về lĩnh vực kinh tế, dư luận trong nước và quốc tế chưa hề ghi nhận biến chuyển tích cực nào của nước ta trong lĩnh vực cải cách hành chính cũng như trong vấn đề quản lý khoa học kỹ thuật.

Đối với một vài CB trẻ hiện nay (thuộc mọi lãnh vực) được giao trách nhiệm chứ chưa muốn nói đến có chức có quyền, đều tự xem mình như cái rốn vũ trụ, duy nhất đúng, toàn thiện toàn mỹ. Đối với họ, dường như bất cứ hồ sơ hoặc công trình nào đến tay họ cũng đều phải chỉnh sửa, không chỉ một lần mà còn phải làm đi làm lại nhiều lần, dù tài năng và kinh nghiệm của những người này còn kém xa trình độ của những tác giả công trình mà họ xem xét. Dẫn chứng lời nói của vị chủ tịch trên chắc cũng đã quá rõ.

Các vị “rốn vũ trụ” nầy thường có bề ngoài nhỏ nhẹ, mềm mỏng, nhưng khi hành sử lại rất trịch thượng, rất máy móc, thích đi vào chi tiết đến độ xét nét, bắt tì bắt vết, thích xem xét sự việc qua kính hiển vi, thậm chí qua lăng kính. Dưới mắt các vị, hầu như công trình nào của người khác cũng đều phải sai, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, thậm chí đề nghị do các vị yêu cầu lại rất sai sót hoặc lầm lẫn be bét.

Nhưng đố ai tranh cãi, phản biện được với các vị. Đành phải cố chịu đấm ăn xôi để mong được kết quả thẩm định! Hành vi loại này còn nhiều, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”! Đến nay 35 năm sau ngày thống nhất đất nước hầu hết các kiến trúc sư lớp cũ đã lần lượt về hưu... Các kinh nghiệm cũng đi theo họ về nơi quên lãng.

Theo tôi QH là lãnh vực không nên phân cấp. Công tác QH cần phải được tập trung. Có tập trung về một đầu mối, mới có thể thống nhất ý chí, kiến thức, tập trung được người giỏi vừa có TÂM vừa có TẦM. QH cũng không nên công bố tràn lan. Một đồ án QH chỉ nên công bố một khi đã đạt được điều kiện chín muồi trong lãnh vực nghiên cứu cũng như kinh phí thực hiện, nói tắt là khả thi. Có tập trung sẽ không có tình trạng QH tràn lan như hiện nay.

Nhiều người cho rằng QH nước ta thiếu người giỏi để làm, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích người giỏi. Những người hoạt động tư vấn quản lý tại các đô thị trên toàn quốc rất mỏng, thiếu về số lượng, yếu về năng lực, không đồng bộ để thực hiện một cách đầy đủ yêu cầu của công cuộc xây dựng, QH đô thị và quản lý đặt ra.

Một GS.TS.Kiến Trúc sư bức xúc: “Thực tế nước ta hiện nay có nhiều QH không đủ tầm nhìn, chưa đủ căn cứ khoa học nên vài ba năm sau lạc hậu ngay…Nên rà soát lại tiêu chí xác định đô thị đa ngành, nên có một bộ phận chuyên gia thực sự tinh nhuệ về vấn đề nầy, hay nên học những cái thất bại của nước khác để tránh…” Thậm chí ông còn cho rằng “ Quy hoạch tốt nhất là không làm gì cả”.

Xu hướng QH hiện nay ở các nước đã phát triển khác xa lúc ban đầu. Phạm vi QH mở rộng hơn, không chỉ hướng đến không gian vật chất mà còn tiếp cận các mục tiêu công bằng xã hội, phát triển kinh tế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự tham gia của xã hội ngày càng rõ nét hơn vào trong QH làm vai trò của chuyên gia dần dần thay đổi theo hướng trở thành người kết nối.

Mãi mê chạy theo các chỉ tiêu QH, thích vạch ra những con đường đẹp như mơ, lắm lúc người làm QH quên đi bao nỗi khổ đau nhọc nhằn, bao nước mắt âm thầm của đồng loại. Chỉ cần một nét vẽ kéo qua sẽ có bao nhiêu mảnh đời bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng và ngược lại cũng sẽ có một thiểu số phất lên nhanh chóng. Hơn ai hết người làm QH ngoài tài năng, kinh nghiệm, cần nhất phải có tấm lòng. Không có chữ TÂM anh sẽ là bạo chúa. Trong từng nét vẽ anh phải xem như thể hiện ngay trên chính số phận mình, bản thân gia đình mình thì mới hy vọng QH khả thi.

Ngoài ra còn một chiều kích khác trong QH đô thị thường không được chú trọng. Đó là cái HỐN đô thị. Người Việt Nam sống gắn bó với làng xóm với những sinh hoạt quen thuộc tình nghĩa (cây đa bến cũ – con đò năm xưa) với tiếng rao hàng, với quán cóc và bao nhiêu thứ thân quen khác diễn ra hàng ngày trên con hẻm nhỏ. Góc phố, hàng me, pho tượng, vĩa hè, mái hiên…đều có thể là hồn đô thị và là những hình ảnh vấn vương tâm hồn người đi xa hơn bất cứ thứ gì khác. Không cứ gì phải sang trọng xa hoa mới là nơi đáng sống cho một tâm hồn Việt.

Nhìn sang các nước tiên tiến khác, ta thấy rõ họ không làm QH như ta, cứ XD chèn vào, cứ thay mới nới cũ, cứ muốn đập bỏ thay đổi toàn bộ. Paris kinh đô ánh sáng, Roma kinh thành vĩnh cửu, Luân Đôn, Barcelona, Vienne…tất cả các thành phố lừng danh trên thế giới đều giữ nguyên dáng vẻ bao đời nay. Thành phố Lyon của Pháp giữ nguyên một màu ngói đỏ cổ kính. Thành phố Amsterdam, Salzburg vẫn giữ hoài nét đặc trưng vốn có. Kinh đô Paris giữ nguyên dáng dấp hào hoa muôn thuở và để XD cao tầng theo trào lưu mới họ chuyển đô thị hiện đại qua khu La Défense. Đó có phải là họ đã giữ được cái hồn đô thị?

Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” xưa có diện mạo và điều kiện mở rộng giống Paris (cũng do người Pháp QH và Sài Gòn có thể XD mở rộng đô thị hoàn toàn hiện đại về phía Thủ Thiêm), nhưng chúng ta đã không làm như thế và đã bắt đầu phá vỡ diện mạo Sài Gòn bằng những toà nhà chọc trời xây chen khi việc nghiên cứu QH chưa thật chín chắn.

Việc QH của thế giới ngày nay linh hoạt hơn, chuyển dần sang trọng tình được chú trọng ngay từ lúc làm QH. Cơ chế và cách tiếp cận bảo đảm cho QH hiện đại tuy là duy lý nhưng đã có tình bên trong. Sự linh hoạt cơ chế mềm được hòa nhập vào trong cái võ cứng rắn của .

Chỉ khi nào quy hoạch được xem là yếu tố sống còn của đô thị thì vấn đề mới được giải quyết phần nào…

Có thể nhận định cho đến nay TP.HCM vẫn chưa có được một đồ án QH tốt (chưa nói đến đồ án QH đẹp) làm định hướng cho việc phát triển đô thị. Đồ án QH tốt là đồ án được nghiên cứu chín muồi và phải có tính kế thừa cho các lần điều chỉnh QH sau nầy. Tiếc thay QH của chúng ta hiện nay như hòn đá lăn mãi nên không thể bám rêu. Mỗi lần QH điều chỉnh gần như xoá bài làm lại, cũng như mỗi lần thay đổi nhà quản lý gần như là thay đổi hòan toàn chủ trương cũ.

Vậy thì cuối cùng đâu là nguyên nhân tình trạng bát nháo của đô thị hiện nay? Một cách hàn lâm, nhiều học giả đưa ra nhiều luận cứ mong tìm ra giải pháp khắc phục, sửa sai, cứu vãn thành phố, dầu muộn cũng còn hơn không. Tuy nhiên quan điểm cũng chỉ là quan điểm, càng đề cập thì tình trạng “xuống cấp đô thị” ngày càng trầm trọng hơn, hầu như không còn ánh sáng cuối đường hầm.

Trước đây đã xảy ra vấn đề nhà ổ chuột và mặc dầu khó khăn, chúng ta đã giải quyết được vì đó là nhà ổ chuột vật liệu tạm bợ, vì đó là nhà sàn trên sông rạch. Nhà ổ chuột nhiều người muốn nói đến ngày nay khó xoá bỏ hơn nhiều vì đó là nhà ổ chuột kiên cố, béton, cao tầng! Và nguyên nhân gây ra tình trạng này?

Không phải một mà do nhiều yếu kém cộng vào. Một chút do tình trạng quản lý, một chút do các văn bản chỉ đạo, một chút do chất lượng đồ án và trình độ người làm công tác QH (kiến thức, kinh nghiệm, tính khả thi...), một chút do sự nhũng nhiễu của CB thừa hành, một chút do lợi nhuận của các nhà đầu tư... dẫn đến tình trạng mất lòng tin và khinh lờn pháp luật của một bộ phận nhân dân. Tổng hoà những yếu tố trên là hệ quả tất yếu của bộ mặt đô thị ngày nay.

Nếu ngay sau ngày tiếp quản thành phố, chính quyền tiếp tục sử dụng các đồ án QH cũ như một công cụ quản lý, hoặc chí ít cũng sử dụng các loại loại bản đồ địa chính, bản đồ lộ giới, bản đồ hệ thống các công trình kỹ thuật ngầm... và nhất là bằng khoán cũ thì có lẽ hiệu quả quản lý đô thị đã khác đi rất nhiều.

Đối với một đô thị cực lớn (mégapole) như TP.HCM hiện nay, QH là một công tác vô cùng cấp bách và cần thiết để quản lý đô thị đi theo một trật tự nhất định. Tuy nhiên nếu cách làm QH như hiện nay thì tốt nhất là không nên có QH như vị giáo sư nọ đã phát biểu trên. Trong trường hợp nầy ý kiến phản bác của người dân không phải là không có lý.

Một nhà nghiên cứu, cũng là một đảng viên lão thành đã phát biểu nhân dịp Sài Gòn 300 năm: “ ...Và hiện nay, lần xáo trộn này dữ dội gấp nhiều lần ngày trước. Không gian thành phố bổng trở nên lồi lõm thô kệch. Những cao ốc chót vót bên cạnh những ngôi nhà thấp, lấn át luôn dòng sông nổi tiếng cùng hàng cổ thụ đã đồng hành với thành phố tự thuở nào. Quá muộn cho một “sửa sai”, đành “sửa sai” cách khác vậy…

Phải nói thẳng các giấy phép đầu tư thiếu trách nhiệm bóp mũi TP, quệt những vệt kỳ dị lên bức tranh quá nhiều màu tối – một sự loạn xạ thô thiển…Thế giới đang thừa mứa màu sơn, màu vôi, nhưng lại thiếu nghiêm trọng màu xanh của hoa lá, cây cỏ.

Thế giới đang thừa tiếng ồn giảm thọ, nhưng lại thiếu nghiêm trọng những dòng sông êm đềm. Chỉ nghệ thuật QH mới đẻ ra một thành phố nghệ thuật, một thành phố lắng đọng chất thơ…”.

 

KTS. NGUYỄN VĂN GIÀU
T8/2009



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.