Suy niệm Mùa Vọng Giáng Sinh với Karl Rahner

Seeing

 

 

Tuần 1 - Lc 21:25-33

Bài Phúc Âm ở thời điểm chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh lại nói về… kết cuộc của toàn bộ lịch sử thế giới, kỳ lạ thật! Nhưng suy cho cùng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì để hiểu được một sự việc bắt đầu nhỏ nhoi nào đó, tốt hơn hết nên nhìn cái chung cuộc - lớn hơn nhiều – của nó. Để hiểu thật sự ý nghĩa và tất cả điều gì có liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Cứu chuộc (Mùa Vọng), tốt nhất hãy nhìn vào giai đoạn hoàn thành của sự xuất hiện ấy. Chúng ta thường sai lầm khi gọi giai đoạn hoàn thành nầy là sự “đến lần thứ hai”. Vì thật sự, đó không phải “đến lần thứ hai”, mà chính là sự hoàn thành của sự xuất hiện duy nhất của Ngài – một sự xuất hiện vẫn không ngừng diễn ra từng phút từng giây trong hiện tại nầy.

Vì thế Mùa Vọng của Giáo hội không chỉ là một cái nhìn hướng về quá khứ, mà chính là sự dấn bước của con người – trong niềm tin, cậy , mến – vào trong tiến trình vốn được bắt đầu khi Thiên Chúa đích thân đi vào lịch sử thế giới nầy và đảm nhận nó. Kết quả là lịch sử ấy đang tiến thẳng đến điểm chung cuộc của nó – mà bài Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta hình dung trước. Từ bức tranh phác họa buổi hoàn thành lịch sử ấy – dù chỉ lờ mờ và thầm kín (đến nổi con mắt mù quáng vì tội lỗi của chúng ta thường dễ bỏ qua không nhận ra), chúng ta phải thu thập tất cả những gì thực tế vốn đang diễn ra bên trong sâu thẳm cuộc sống mình. Thiên Chúa đã bắt đầu con đường của Ngài. Ngài đang ở đó, ẩn giấu; và sự mặc khải về hiện diện của Ngài nằm ngay trong tầm tay chúng ta.

Ngày nay, Ngài đã đến hiển nhiên rồi và chúng ta nhìn Ngài như là Con Người. Như một người giữa chúng ta. Như một người đã sống cuộc sống giữa chúng ta đây, cuộc sống ngắn ngủi, đắng cay mà diệu kỳ. Chính trong tư cách là Con Người mà Thiên Chúa sẽ chất vấn chúng ta về cuộc đời mình. Nhận định như vậy, chúng ta sẽ không thể nói rằng Ngài – Đấng vĩnh cửu trong sự hòa điệu vô biên – không thể nào thâm nhập vào cuộc sống chúng ta và đồng cảm với tính mong manh cũng như với bao bí ẩn không thể giải mã được của nó. Không chỉ đồng cảm, Ngài còn thật sự đảm nhận. Chính Ngài đã trở nên xác thịt. Sự phán xét hay sự bào chữa của chúng ta không còn ở nơi vị Thiên Chúa xa vời nhưng là ở nơi chính Con Người. Con-Người-Chúa ấy là sự phán xét của chúng ta. Vì Ngài là Người, Ngài rõ biết thế nào là phận người. Là Đấng vĩnh cửu, vị Thiên Chúa xa vời, nhưng Ngài quan tâm sâu sắc đến chúng ta từ chính kinh nghiệm của Ngài, Ngài yêu thương những gì là nhân tính và ghét những gì phi nhân nơi con người.

Được phán xét bởi một con người – chứ không bởi chỉ một Thiên Chúa xa vời và không dính líu đến lịch sử mà Ngài phán xét – là điều hồng phúc hay mối họa cho chúng ta đây? Và ai có thể trả lời? Phúc Âm không ngừng cho ta biết sự thật nầy. Con Người là Đấng Phán xét. Tuy nhiên nếu Đấng-Người-Chúa là vị thẩm phán của chúng ta, và nếu trong sự xuất hiện của Ngài – cũng như của chúng ta – Ngài đến từ lòng mẹ Ngài để có mặt trong lòng thế gian, thì khuôn mặt của con Người, mà sẽ đến ngày chúng ta nhận ra đó chính là vị thẩm phán của mình, vốn đã hiện diện giữa chúng ta một cách kỳ diệu nơi mọi khuôn mặt nhân loại (bởi vì tất cả đều là anh chị em của Ngài): khuôn mặt hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ, khuôn mặt tiều tụy hằn vết ưu tư của người nghèo khổ, khuôn mặt đẫm lệ của kẻ tội đồ, ngay cả những khuôn mặt cay đắng của kẻ được gọi là đối thủ hay kẻ thù của ta. Sẽ đến ngày chúng ta “ngẩng đầu lên” nhìn vào khuôn mặt của Đấng đã đến trong tư cách là con Người, bởi vì Ngài là Thiên Chúa vĩnh cửu. Và từ ánh mắt của Ngài tất cả sẽ nhìn chúng ta: tất cả những gì xung quanh chúng ta mà chúng ta vốn đã cư xử tốt hay không tốt. Một tiếng nói sẽ cất lên từ cái miệng đó: “Những gì bạn đã làm – hay đã không làm – cho những người bé nhỏ nhất trong các anh em của tôi đây…” Tiếng nói ấy từ khuôn mặt ấy sẽ không tan biến mất, nhưng sẽ vang vọng mãi và lấp đầy vĩnh cửu của chúng ta.

Chúng ta sẽ có thể ngẩng đầu lên – với niềm tin tưởng của kẻ được thứ tha và của người sống – để hướng nhìn về khuôn mặt ấy của Con Người hay không?

Karl Rahner

(THE GREAT CHURCH YEAR)


Xem các bài viết khác của Lớp Ngôn sứ.