Suy niệm Mùa Vọng Giáng Sinh với Karl Rahner

Seeing

 

 

Tuần 2 - Lc 3:1-6

Sứ giả mở đường

Với Phúc Âm Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, thánh Luca bắt đầu bản văn của mình về đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Trong hai chương trước, Luca tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Có thể nói Tin Mừng Luca bắt đầu lại tất cả với chương thứ ba nầy – và ở đây ông đang trình bày những biến cố mà ông cho là có sức làm nổi bật ý nghĩa và đáng tin về thời thơ ấu của Chúa Giêsu đối với chúng ta. Vì vậy, cuộc “bắt đầu thứ hai” nầy có một quy chiếu biên niên sử đề cập đến thời hoàng đế Tibêriô, con trai của Augustô, thời điểm khoảng năm 28-29 của kỷ nguyên chúng ta. Chính Chúa Giêsu chào đời dưới triều Augustô.

Việc bắt đầu lại một cách trang trọng, chính thức nầy và việc tham chiếu đến một hoàn cảnh chính trị cá biệt như vậy rất phù hợp với những ý định và những quan điểm thần học đặc thù của Luca. Các nhà thần học Thánh Kinh Tân Ước chuyên về lịch sử cứu độ theo Thánh Kinh xem Luca (trong số các tác giả Tin mừng) như là một nhà thần học về Giáo hội trong thời gian. Vì theo Luca nhận biết, Giáo hội đi vào thời đại của riêng mình xen vào cuộc đời của Chúa Giêsu lịch sử và cánh chung, một thời đại có ý nghĩa và vai trò chuyên biệt của nó.

Ở đây tôi muốn khuyến khích một lối giải thích bản văn dù có vẻ cũ kỹ nhưng không phải là không phù hợp.

Bản văn nêu gương mặt của Gioan Tẩy giả như vị sứ giả dọn đường cho Chúa Giêsu. Dĩ nhiên vai trò nầy của Gioan Tẩy giả đối với Chúa Giêsu và đối với sứ mạng của Ngài là một vai trò rất cá biệt; đó không phải là vai trò của cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta cố gắng khám phá ra một loại sứ mạng “tiền hô” nào đó trong đời mình hoặc cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò đó – thì chúng ta không được phép quên đi những vấn đề và những mối nguy hiểm đặc biệt liên quan đến cách sử dụng hình tượng đặc thù Thánh kinh nầy. Dù sao cách vận dụng hình ảnh Gioan Tẩy giả như vậy có thể được biện minh theo ý nghĩa rằng chúng ta nhận được sức mạnh để chịu đựng những gánh nặng đời mình khi chúng ta hiểu rằng lịch sử cứu độ vốn đã khắc họa một tình trạng mà – bất kể tính chất cá biệt của nó – được thấy khá giống hiện trạng của chúng ta.

Ở đây tôi không quan tâm đến sứ điệp của Gioan Tẩy giả, cũng không quan tâm đến sự kiện rằng có một lời nói – được dùng để nói về Gioan và hoạt động của Gioan – vốn được tìm thấy trong sách Ngôn sứ Isaia (40:3-5). Điều tôi chú ý ở đây đó là Luca – cũng như ba tác giả Tin mừng kia – đã đặt khuôn mặt của Gioan Tẩy giả ở đầu sứ mạng của Chúa Giêsu, và do đó ngay từ đầu đã khắc họa hình ảnh của Gioan như một sứ giả mở đường cho Chúa Giêsu.

Thế nhưng, vào thuở ban đầu sự việc có vẻ không được thấy rõ ràng như vậy.

Theo Tông đồ Công vụ (19:1-7, 18-25): khoảng hai mươi lăm năm sau khi Gioan mất, ở Êphêsô, nghĩa là ở khá xa Palestine, có những môn đệ của Gioan không hề biết gì về Chúa Giêsu và về Giáo hội của Ngài. Luận cứ của chương đầu sách Tin mừng thứ tư cũng nhằm nói đến các môn đệ ấy (1:6-8, 15:29-34). Vì thế chúng ta có thể chắc chắn rằng Gioan Tẩy giả từ ban đầu không có vẻ gì là Tiền hô của Đấng Messia – không có vẻ gì là người dọn đường cho Đấng mà chính ông đã chỉ ra từ đầu và nhìn nhận ngay lập tức là Chúa Giêsu. Theo các sách Tin mừng (Mt11:2-6, Lc7:18-23), thậm chí vào cuối đời mình, khi đang trong ngục thất, Gioan Tẩy giả vẫn không hoàn toàn xác quyết rõ ràng về vai trò Messia của Chúa Giêsu. Do đó chúng ta có lý khi dành sự quan tâm đến tính cách rõ ràng và dứt khoát của các sách Tin mừng khi trình bày mối quan hệ giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu – và nhấn mạnh tính phụ thuộc của Gioan Tẩy giả so với Chúa Giêsu. Đó là một phần cũng là kết quả của sự suy tư thần học giữa các Kitô hữu đầu tiên.

Trong nhận thức của mình về Chúa Giêsu, các Kitô hữu đầu tiên phải đối diện với một sự thật khó hiểu rằng Chúa Giêsu đã tự nhận phép rửa như thể Ngài là một tội nhân. Do đó họ không thể làm ngơ mối quan hệ giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, cũng như họ đã không làm ngơ các phong trào và các khuynh hướng tôn giáo khác lúc bấy giờ - là những phong trào nói chung bị các sách Tin mừng làm ngơ. Chính trong viễn tượng nầy mà chúng ta phải nhìn ra tính chất đặc biệt trong hoạt động của Gioan.

Gioan quả thật là một sứ giả mở đường. Ông đi trước để mở đường mà không hề biết chắc mình đang phục vụ ai hay cái gì. Có thể chính ông không chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp về ơn cứu độ vốn trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu; ông vẫn nhiệt thành tiên báo ơn cứu độ ấy. Những gì ông trông chờ và kỳ vọng đã ập xuống ông mà không thật sự phủ chụp lấy ông – bởi vì ông nào có nhận ra điều mà mình đã từ lâu rồi vẫn qui hướng đến. Gioan rao giảng rằng Thiên Chúa sắp đến và xét xử. Lời rao giảng ấy phải nhường bước cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu về sự xuất hiện của Thiên Chúa mang ý nghĩa giải thoát và thứ tha. Gioan là sứ giả mở đường không hơn không kém. Vì ông không có tham vọng nào khác hơn vai trò đó, vì ông sẵn sàng hạ mình xuống – trở nên nhỏ bé để Đấng đến sau ông được lớn lên, vì ông chấp nhận rằng mình chỉ làm một nhiệm vụ nhất thời. Tất cả những lý do đó đã làm cho ông thuộc về cuộc đời lịch sử của Chúa Giêsu và của ơn cứu độ chung cuộc và ông đã lãnh nhận sự viên mãn của cái tương lai mà ông đã nhiệt tình chào đón trong cuộc đời mình – nhưng chỉ chào đón ở xa xa.

Có phải tất cả chúng ta cũng là sứ giả mở đường? Tất cả chúng ta là những khách hành hương trên đường lữ thứ gian nan. Bao giờ cũng có một cái gì đó ở phía trước mà ta chưa vượt qua. Mỗi khi ta nắm bắt được một điều gì, nó liền tức khắc trở thành một hiệu lệnh đòi ta phải bỏ lại đàng sau để tiếp tục lao mình về phía trước. Kết thúc nào cũng trở thành một khởi đầu. Không có bến bờ yên nghỉ. Mỗi câu trả lời hàm chứa trong mình một dấu hỏi mới. Mỗi chiến thắng chỉ là khởi đầu cho một thất bại.

Có phải chúng ta là những sứ giả mở đường? Là cha mẹ, chúng ta là sứ giả mở đường cho con cái mình. Là người lớn tuổi ta là sứ giả mở đường cho thế hệ trẻ. Là khoa học gia, là học giả của thời hiện đại, ta là sứ giả mở đường cho các học giả tương lai. Là chính trị gia, ta mở lối cho các nhà chính trị sẽ đến sau mình – và khi họ đến, họ sẽ giải tán và khống chế các chính khách hiện nay.

Chúng ta thay đổi các mục tiêu của mình nhanh như chong chóng, thay đổi những lời nói, thay đổi những đặc điểm của dự định, của chính trị, của khoa học, nghệ thuật. Mọi người dường như bước vào khoảnh khắc hiện tại với cảm nghĩ rằng thực tại là cái bây giờ đang đến, là cái chắc chắn đích thực và trường cửu…để rồi – than ôi! – ngay lập tức, nhận ra rằng hiện tại đang biến thành quá khứ, rằng mình trở nên cổ hủ và lỗi thời, rằng mình không còn hiểu và cũng không còn được hiểu nữa.

Có phải chúng ta không ngừng gởi các sứ giả ra đi từ ngục tù là những xung động nội tâm và chán chường của mình đó sao? Ta gởi các sứ giả đi tìm ra cái chân, cái chắc chắn tối hậu, dầu ngay khi ta không biết đẩy các sứ giả của lòng khao khát khôn nguôi của mình đi về hướng nào?

Cái chết – sẽ nuốt chửng tất cả chúng ta – há không phải là cái duy nhất ta chắc chắn sẽ nắm bắt được trên đường mình đi đó sao? Trong nỗi hoang mang tột cùng, ta cố bám víu cái khoảnh khắc đang trôi nhanh và cố vồ vập cái khoảnh khắc kế tiếp trước cả khi nó xảy đến với mình. Là những người luôn làm sứ giả mở đường cho cái tạm bợ chóng qua trên mọi nẻo đường nhân sinh, chúng ta không ngừng bị cám dỗ đẩy các kế hoạch và dự định của mình lên tới mức độ của một cái gì sẽ phải xảy ra, một cái gì là tột đỉnh tối hậu và sẽ trường tồn. Dường như có một cái gì đó hết sức điên khùng khiến người ta xem mọi sự và mọi người khác chỉ có tính tạm bợ còn chính mình mới là tối hậu – và từ chối không chấp nhận chỉ làm sứ giả mở đường cho một tương lai bất định. Sự điên khùng đó dường như là một nét cố hữu của thế giới nầy trên lộ trình của nó.

Mọi lúc mọi nơi, chúng ta chỉ là những người đi trước dọn đường. Cùng đích của hành trình dường như bao giờ cũng xa vời phía trước chúng ta, bao giờ cũng ngoài tầm tay với và bao giờ cũng hòa tan vào những chân trời mới xa khuất – ngay cả khi ta ngỡ mình đang tiếp cận nó.

Chúng ta nên tâm niệm tinh thần Mùa Vọng mà Gioan Tẩy giả, với tư cách là vị sứ giả mở đường cho Chúa Giêsu, đã cảm nghiệm trước chúng ta. Đó là một thái độ sẵn sàng chấp nhận những công việc nhỏ bé và có vẻ tầm thường mà khoảnh khắc hiện tại nầy đặt ra cho mình. Đó là thái độ khiêm cung sẵn sàng làm một công việc nhỏ nhặt ngay cả khi trông thấy một việc lớn lao hơn không thuộc phần mình. Đó là lòng đơn sơ quãng đại, nhìn nhận nơi kẻ khác sự trỗi vượt hơn – ngay cả khi chính sự quãng đại nầy của ta cũng không được truy nhận. Đó là niềm hy vọng rằng những điều cao quý khôn tả cũng sẽ xảy đến với chúng ta trong khuôn khổ giới hạn chật hẹp của mình (giới hạn mà ta không còn có thể bứt phá được nữa). Đó là niềm xác tín rằng tất cả những gì hữu hạn, ngay cả cái chết đều có thể được kiện toàn một cách thâm sâu bởi Thiên Chúa vĩnh cửu của tình yêu và ánh sáng – chỉ cần ta biết đón nhận những cái hữu hạn ấy trong niềm cậy trông. Đó cũng là niềm xác tín rằng mọi bế tắc trong đời đều có thể là một cuộc trỗi dậy. Đó là niềm tin trồi lên từ đáy huyệt mộ thất vọng rằng ngay cả tiếng kêu trong sa mạc cũng sẽ vang vọng thấu đến tai một ai đó và rằng những dòng lệ của ngày đi gieo hạt sẽ chuyển thành một mùa gặt rộn rã niềm vui – cho dẫu niềm vui ấy chỉ được thưởng ngoạn trong cuộc sống vĩnh hằng. Đó là sự sẵn sàng chấp nhận một hành trình xa hơn ngay cả khi chúng ta tưởng chừng cuối cùng rồi mình cũng đã về tới quê nhà và được an giấc ngàn thu.

Hành trình Mùa Vọng là cuộc lữ hành trong đó ta tiếp tục con đường mình đi và nhận ra điều đang đến với mình (dù đó là điều mình không bao giờ có thể nắm bắt được trên đường) – là chính Thiên Chúa, Đấng đã âm thầm cho phép chúng ta đi đến nơi mà chúng ta vẫn nghĩ rằng tự mình đang đi đến, đến những mục tiêu của chính chúng ta, và là Đấng trao tặng cho ta chính bản thân Ngài khi mà tất cả những gì khả giác đã trôi tuột mất. Sau hết chúng ta là những sứ giả mở đường và tất cả những gì khả giác đều chỉ tạm thời chóng qua. Đơn sơ nhận khi cần nhận và đơn sơ bỏ khi cần từ bỏ, đó là thái độ của người sống trong Mùa Vọng; thật ra không có gì sẽ bị tước đi khỏi họ, vì mọi thứ mà họ bỏ lại sau lưng chỉ là dấu hiệu cho thấy rằng họ phải thực hiện một hành trình dài hơn nữa trước khi đạt tới ánh sáng bất diệt – ánh sáng và sự sống vĩnh cửu.

Cả cuộc sống là một Mùa Vọng. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng chấp nhận và sống ý nghĩa ấy hay không?

Karl Rahner


Xem các bài viết khác của Lớp Ngôn sứ.