VẺ ĐẸP BỊ HỦY DIỆT, VẺ ĐẸP ĐƯỢC HIỂN LỘ

Seeing

 

 

 

 

 

 

(Is 52:13-53; Kn 2:10-20)

Trong cuộc Thương Khó, chúng ta thấy dung nhan của Chúa Giêsu bị hủy hoại tàn nhẫn, không thương tiếc. Lúc chúng ta chiêm ngắm Ngài trên thánh giá, thì Ngài đã phải trải qua nhiều giờ tra tấn, nhục hình, nhiều giờ cô đơn không lời hỏi han, chẳng một bàn tay nâng đỡ. Ngài hoàn toàn bị biến dạng. Những lời của ngôn sứ Isaia dưới đây tưởng không có gì quá đáng:

Nhiều kẻ thấy Ngài thì đã khiếp vía, hình hài Ngài biến dạng không còn giống con người…Trước nhan Giavê, Ngài mọc lên như một chồi non, như mầm rễ từ mảnh đất khô cằn; không duyên dáng không oai phong gì khiến chúng tôi chú ý; cũng chẳng có nét gì đáng chúng tôi ưa chuộng. Ngài bị khinh dể và là đồ phế thải của người đời, con người đớn đau và ốm o bại liệt. Như một kẻ tìm cách giấu mặt khi gặp chúng tôi, bị khinh chê và chúng tôi không thèm đoái hoài” (Is52:13 – 53:12)

Sự ghen ghét và nỗi sợ hãi đang diễn biến quá rõ trong bài đọc Thương Khó như một cỗ máy ác độc khi bật lên rồi không thể ngừng lại. Mỗi biến cố đều mang vẻ tất yếu và một nét nào đó bị phá hủy nơi Chúa Giêsu. Kẻ thù của Ngài sắp đặt để cố ý tiêu diệt Ngài từng bước. Điều nầy có xa lạ với suy nghĩ của chúng ta không? Chúng ta thử nhìn bọn trẻ: đôi khi chúng cố tình phá hỏng đồ chơi của chúng, chúng muốn tìm xem có cái gì ở bên trong nó, chúng muốn biết đồ chơi của chúng cấu tạo thế nào. Chúng không thôi tháo tung nó thành từng mảnh cho tới khi nằm la liệt trên sàn nhà.

Chúng ta cũng đã từng làm thế với cha mẹ chúng ta khi còn thơ ấu. Chúng ta làm áp lực cha mẹ bằng công kích và trở chứng. Có thể chúng ta không muốn làm tổn thương cha mẹ, nhưng một cách nào đó chúng ta muốn tìm ra điều gì phía bên trong họ. Chúng ta thử thách họ. Cha mẹ chúng ta thường bị tách rời bởi cảm giác bị chọc tức kiểu đóng đinh thập giá nầy. Họ bị cưỡng bức học hỏi và minh chứng họ có thể hợp lại chịu đau khổ. Họ bị ép bộc lộ bản thân và hình phạt thể hiện bản chất bên trong họ. Sách Khôn ngoan đưa ra những lời truy sát người công chính: “Chúng ta hãy thử nó bằng bạo tàn và tra tấn để xem lời nó có thật không, cho nó biết hiền lành ra sao và nhẫn nhục như thế nào?” (Kng2:17-19) Điều nầy xảy ra trong thử thách của chúng ta cũng như trong cuộc Thương khó của Chúa Giêsu.

Bà Judith nói: “Thiên Chúa đâu có phải như người phàm để bị người ta hăm dọa, hay như một con người, để người ta có thể dụ dỗ được" (Jdt 8:16). Nhưng tôi nhìn cuộc Thương khó như một cuộc kiểm tra do con người bày ra cho Thiên Chúa được Chúa Kitô loan báo . Kết quả sau cùng đó là bất luận một hình ảnh nào đó về Thiên Chúa dần dần bị tàn phá nơi Chúa Giêsu khi Ngài đang chịu khổ nạn thì một chân lý vẫn được hiển lộ: Thật sự Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa nào? Điều nầy không xa lạ với chúng ta. Những cuộc thương khó cuối cùng rồi sẽ tỏ lộ sự thật.

Hai người đang chuẩn bị ly dị. Diễn biến biểu lộ phẩm chất tình yêu của họ đối với nhau, cho thấy tính ích kỷ cố ý hay vô tình đã dập tắt dần tình yêu buổi ban đầu, đang được phơi trần: nàng có thái độ người mẹ hơn là người vợ; chàng muốn có một người giúp việc hơn là một người đồng sự ngang hàng; nàng lập gia đình để thoát vòng kềm tỏa của cha mẹ; chàng thật sự muốn kết hôn với công việc của mình. Một cơn giông bão nổ ra tơi bời trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, vì ma túy, rượu chè, hoặc cái bào thai của đứa con gái chưa chồng. Sự căng thẳng cho thấy dù có hay không có những lời hứa kết hợp họ đều chính thức và sâu sắc cho cả hai bên.

Mối tương quan chủ-thợ được kiểm chứng bằng giai đoạn làm ăn khó khăn và vấn đề của một cuộc đình công tách công nhân thành những bè phái. Nhưng cuộc đấu tranh biểu lộ những quyền lợi ẩn giấu của tất cả phe nhóm.

Dưới ánh sáng rõ ràng của cơn thử thách, những giá trị sâu xa nhất của chúng ta bị phơi bày tỏ tường. Sự hiển lộ thậm chí còn rõ hơn khi tâm điểm là một người đứng ra bên vực cho công lý, người đại diện cho một chính nghĩa. Người nầy trở thành đối tượng khiến mọi người bị quấy rầy bởi thông điệp mà anh ta tuyên bố. Khi những vị thần giả mạo của chúng ta bị lột mặt nạ - trong gia đình, hàng xóm, công ty hoặc quốc gia chúng ta – chúng ta đừng lặp lại lời của sách Khôn ngoan:

Ta hãy gài bẫy người trung hậu, nó là đồ khó xài, nó chống đối các việc ta làm, trách móc lỗi lầm của ta đối với luật lệ và hạch tội ta vi phạm tôn giáo…Đối với ta, nó là bản án khiển trách tâm tư, chỉ nhìn thấy nó, ta cũng cảm thấy nặng nề; vì hình như nó chẳng giống ai, đường nẻo của nó quá ngược ngạo. Nó liệt ta vào thứ bôi bác và tránh đường ta như đồ ô uế…” (Kng 2:12, 14:16)

Chúng ta có thể tung tin vịt, luồn lách thật mờ ám và đôi khi công kích ra mặt khi có ai đó dám chất vấn các vị thần giả mạo mà chúng ta đang tôn thờ. Phải chăng chúng ta có phần trong cuộc thương khó khi có những người phản đối chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, bất công xã hội, hoặc điều bất nhân chuyên nghiệp, khi những người tố cáo áp bức xã hội hoặc áp bức người nghèo bị vu cáo?

Trong scandal nghịch lý của thánh giá, mọi hành vi sùng bái ngẫu thần của chúng ta bị lột trần. Philatô là phản ảnh cách chúng ta thần tượng hóa đẳng cấp và hoàn cảnh xã hội, các tư tế, luật sĩ và kỳ mục của công nghị là hiện thân của quyền lực mà chúng ta tôn thờ. Việc chúng ta sùng bái luật và tự cho mình công chính được biểu lộ nơi những người biệt phái. Giuđa là biểu hiệu kiểu chúng ta quỳ gối trước đồng tiền và rạp mình trước viễn ảnh thành quả của mình. Chúng ta sấp mình cầu xin giữ được sinh mạng nơi các môn đệ khiếp nhược. Rõ ràng là chúng ta đang “ở đó”!

Những lời của sách Khôn ngoan rất phù hợp đặt vào miệng những ai muốn trừ khử Chúa Giêsu:

Nó tuyên bố mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con của Ngài…Nó khoe phúc hậu và chung cuộc của bọn trung nghĩa và khoe khoang có cha là Thiên Chúa. Thử xem lời nó có thật không, hãy nghiệm xem cuối cùng rồi nó sẽ ra sao? Nếu thật người trung nghĩa là con Thiên Chúa, Ngài sẽ cứu thoát nó, Ngài sẽ giành nó khỏi tay địch thù” (Kng 2:13, 16-18)

Bản văn nầy tiếp:

Chúng không biết những bí mật của Thiên Chúa” (Kng 2:22)

Những người nầy ra sức tự vệ cùng với các ngẫu thần của họ; chúng ta cũng làm như vậy. Chúa Giêsu là chướng ngại trên đường đi của họ, vì vậy Ngài phải bị tiêu diệt. Nhưng họ đã trở thành kẻ chủ mưu nơi một mạc khải mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta (Tv 33:10-11). Thật vậy, họ đã dọn đường thật tốt – mặc dầu quá tàn bạo – cho khát vọng Thiên Chúa được hiển lộ không chút mơ hồ. Nhìn lên Thiên Chúa bị đóng đinh, chúng ta phải thốt lên: “Quả thật là Thiên Chúa không giống những ngẫu thần của chúng ta!

Tôi không biết trẻ em tìm được điều gì khi chúng tháo tung đồ chơi của chúng, nhưng tôi biết tình thương tha thứ tôi khám phá được, là hồi tôi còn bé, tôi chuyên môn làm khổ tâm mẹ. Khi chúng ta bênh vực những thần tượng và những hình ảnh Thiên Chúa giả của mình, chúng ta làm biến dạng và tiêu hủy trong bản thân mình và tha nhân vị Thiên Chúa thật mà chúng ta được mời gọi làm nhân chứng cho Ngài. Ai lại không bị cám dỗ loại trừ Thiên Chúa vì lời của những người dạy những lời kinh vỡ lòng chúng ta gặp trong gia đình, ở nhà trường hoặc trong giáo xứ? Thuyết vô thần đã thống lãnh được nhiều quốc gia bởi vì các Giáo hội không luôn luôn loan báo và thể hiện Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô nơi các công việc của mình. Các cuộc chiến giữa các giáo phái Kitô, thỏa hiệp của các vị lãnh đạo giáo hội với quyền lực chính trị và tiền bạc, chủ nghĩa giáo sĩ độc đoán, nhẫn tâm là một Đàng Thánh giá khủng khiếp cho Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

Nhưng Thiên Chúa còn đang sống, cám ơn những chứng nhân đích thật của Phúc Âm mà đôi khi là những vị tử đạo hoặc thậm chí là những nạn nhân của chính Giáo hội của họ. Thật ra, hình ảnh Thiên Chúa thường bị thanh tẩy do nhiều kẻ giả mạo suốt những cuộc Thương khó lịch sử nầy. Trong một chốc lát, vẻ đẹp hữu hình của Chúa Giêsu đã bị tẩy xóa, nét diễm lệ thật sự của Thiên Chúa – sở dĩ không thể thấy được vì chúng ta đã bị cận thị quá nặng – đang xuất hiện. Nơi Đấng tử nạn trên thập giá, chúng ta thấy một Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa uy quyền, không phải là một Thiên Chúa trong sấm sét, trong cuồng phong hay địa chấn. Vì Thiên Chúa không phải là ngọn lửa rừng bốc cháy ngùn ngụt. Nhưng ta nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa trong “cơn gió heo may” của Tình Yêu, giống như tiên tri Êlia nhận thức được khi hết mọi thế lực của Israel chống lại ông .

Đấng tử nạn trên thập giá mạc khải một Thiên Chúa cho chúng ta là Đấng khác với các thần của chúng ta, một Tình Yêu khôn tả vượt mọi định nghĩa, quan niệm và hy vọng của chúng ta. Những cảm nghiệm của chúng ta, giống như những cảm nghiệm mô tả trước đây, có thể giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa không là gì cả, Ngài là Tình Yêu vĩ đại khiến tâm hồn chúng ta sẽ không bao giờ bị thất vọng. Chúng ta chỉ mong một gallon nước (3,8lít), vì vậy chúng ta trắc nghiệm Thiên Chúa trong khổ hình đóng đinh trên Thánh giá. Và từ cạnh sườn bị đâm xuyên của Chúa Giêsu, một đại dương tuôn trào và ban cho chúng ta: Tình Yêu, Đấng Khác hoàn toàn khôn dò. Có lẽ đó là lý do khiến một số Kitô hữu, đứng trước một bức ảnh Đáng Cứu Thế chết trên Thánh giá bị biến dạng, không cảm thấy kinh khiếp. Họ cảm thấy được mời gọi dâng lời tạ ơn, ngỡ ngàng trước một Tình Yêu – Thiên Chúa như vậy. Mỗi cảnh trong cuộc Thương khó sẽ chỉ mở ra một khía cạnh mạc khải về Đấng Tuyệt Mỹ nầy.

 

26.3.2013

Theo Pierre WOLF

GOD’S PASSION, OUR PASSION

 

 


Xem các bài viết khác của Lớp Ngôn sứ.