Anh chàng trốn lính

Seeing

 

 

Những ngày cuối năm phụng vụ, nhà cháu thấy dụ ngôn các nén bạc vẫn có nhiều điểm thú vị.

Bài Phúc âm tuần vừa rồi (11/3), dụ ngôn bắt đầu như thế này:

"Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể ...” (Mt 25:1)

Tại sao lại “sẽ giống” ? Các bác có để ý động từ ở thì tương lai, chứ không ở thì hiện tại như bao dụ ngôn khác ? Lúc bấy giờ “sẽ như thế”, còn hiện tại bây giờ, Nước Trời giống như gì ?

Tuần này, bài Phúc âm tiếp nối dụ ngôn trên bằng dụ ngôn các nén bạc chủ đi xa trao cho đầy tớ, người năm nén, người hai nén, có kẻ một nén .

Bản dịch CGKPV lại khiến chúng ta ngạc nhiên khi dùng chữ “yến,” đơn vị đo lường dùng để đo dung tích ngũ cốc, bằng 10 ký, để diển tả từ hylạp “talanta (on)” mà bản Bible de Jerusalem dịch bằng từ “talents" –

Trong thời Tân ước “talenton” là một đơn vị trao đổi không có giá trị cố định. Từ này dùng để gọi một lượng bạc hay vàng, hoặc một trọng lượng khoảng từ 26 đến 36 kýlô đồng, bạc hay vàng (có tài liệu cho cho rằng talent bằng chừng 60 minae hay 6000 denari (đồng) (Wikipedia). Tương đương với 300 ngàn đô thời nay.

Dầu sao dùng từ “yến” thì ít quá.

Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. - C'est comme un homme qui, partant en voyage, appela ses serviteurs et leur remit sa fortune. A l'un il donna cinq talents, deux à un autre, un seul à un troisième, à chacun selon ses capacités, et puis il partit.” ( Mt 25:14-15)

 

Các đại gia hay các nhà kinh doanh ngày nay thường phải đi giao dịch buôn bán, hay ký các hợp đồng nhiều nơi. Các hãng máy bay biết rõ nhu cầu này, nên chuyến bay nào cũng có hạng vé business. Ngồi một khoang riêng, có tiếp viên chiêu đãi theo một chế độ riêng.

Đại gia trong dụ ngôn cúa chúng ta, trước khi lên máy bay, “cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.”

Ông không hề giao trách nhiệm. Ông chẳng ta lệnh bảo phải làm gì. Ông chỉ trao tiền, “rồi ông ra đi.”

Chi tiết này rõ ràng nói lên lòng tin tưởng mà ông chủ đặt nơi các đầy tớ của mình. Bản Kinh Thánh Giêrusalem còn cung cấp cho chúng ta chi tiết qúy giá này: “Ông gọi các đầy tớ tới rồi trao tài sản mình cho họ.”

Như thế dường như chúng ta có quyền kết luận rằng cả tài sản của ông chỉ có tám nén, mà ông trao hết cho các đầy tớ. Như thế ông hoàn toàn tin tưởng vào các đầy tớ của mình.

Bù lại, các chi tiết trong dụ ngôn cũng cho chúng ta hiểu ngầm rằng, ông chủ mong đợi các đầy tớ cũng phải tin tưởng như thế vào chính ông !

Khi bỏ đi mà không nói gì, ông chủ ngầm làm một trắc nghiệm để xem đầy tớ nào đáng tin cậy và nhiều khả năng biến báo.

Đó là điều ông khám phá ra được nơi người đầy tớ thứ ba.

 

Anh chàng này đem chôn số tài sản được trao, rồi trả lại y nguyên cho chủ khi chủ trở về.

Tiền bạc khác với hạt giống. Hạt giống có chôn vào lòng đất mới theo quy luật sinh sản tự nhiên mà nảy mầm sinh cây kết trái, tạo sinh mùa màng bội thu. Còn tiền bạc, không theo quy luật tự nhiên, có chôn trong đất chỉ nằm im, nếu may mắn không bị mất dấu để trở thành kho tàng vô chủ .

Tiền bạc chỉ theo quy luật kinh tế. Có lưu hành buôn bán mới sinh lời.

Người đầy tớ thứ ba đã lẫn lộn hai lãnh vực. Đúng ra chàng ta đã bất tài mà suy bụng mình ra bụng chủ.

Anh ta tự biện hộ: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” (Mt 25:24-25)

Càng biện hộ, anh càng để lộ cái vụng về của mình.

“Tôi biết ông là người hà khắc” Anh ta nói không đúng. Nếu đã là người “hà khắc” thì ông chủ đã không giao một phần tám gia sản của mình cho anh ta, giao mà không hề đòi hỏi một điều chi.

“Gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” Không biết người đầy tớ có “lác” không, mà dùng những ngôn từ của nhà nông để áp dụng vào lãnh vực thương mại, và rồi để ví von tính nết của chủ. Có lẽ vì thế mà anh ta “chơi khăm” ông chủ bằng cách thật tình “gieo” tiền của chủ xuống đầt, giao cho đất sinh hoa kết trái !

Không hề có chuyện đất sinh vàng sinh bạc. Nhà nông nào cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có bát cơm mà ăn. Các nhà thương gia hay kinh tế cũng vậy. Phải nhọc công buôn tần bán tảo và động não mới mong sinh lời !

“Vì thế, tôi đâm sợ”

Sợ cái gì ? Chủ đã không sợ may rủi, không sợ mình, mà lại còn tin tưởng mình, trao tài sản vào tay mình. Trong khi đó mình lại xưng thú ra cái tình cảm của mình ở đây. Anh ta dùng chữ “sợ” ở đây ! Hai người đầy tớ kia nào có dùng chữ này để nói với chủ đâu !

Như thế cái biết của anh ta chỉ là chủ quan! Anh ta “tưởng” như thế mà thôi. Đúng hơn nó tố cáo cái yếu kém của anh ta. Anh ta sợ mình không đủ bản lãnh để sinh lời trên số tài sản chủ giao cho. Anh ta thiếu tin tưởng vào chính anh ta, hơn là “sợ” ông chủ, như anh ta nại cớ!

Thậm chí cả đến việc gửi tiền vào nhà băng để ít ra có được một chút lời, anh ta cũng không (thèm) nghĩ đến.

Điều này nói lên không chỉ anh ta lười hay bất tài, mà còn là xấu bụng đối với chủ nữa. Vì nếu chủ đã không tin tưởng anh, hay không muốn tạo cho anh ta một cơ hội, thì ông ta đã đem tiền ấy bỏ vào nhà băng rồi, cần gì phải chờ đến cái “sáng kiến không bao giờ có” của người đầy tớ này ?

Như thế, rõ ràng khi trao tiền cho đầy tớ, ông chủ chỉ thử tính cần mẫn và tạo cơ hội cho đầy tớ tỏ lòng trung thành nhiều hơn là cần tiền lời do đầy tớ mang lại.

Ông hoàn toàn không giao tiền cho đầy tớ như lập bẫy để đầy tớ rơi vào khi làm thiệt hại lậm vào vốn của chủ. Ông ta chỉ muốn đầy tớ “Hãy vào mà hưởng niềm vui” của mình.

“Của ông đây, ông cầm lấy!” Cả hai người kia mang tiền tới, đều nói có thưa gửi đàng hoàng: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây." "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây." Vậy mà anh chàng này ném vào mặt chủ một câu nói rất xẵng: “Của ông đây, ông cầm lấy!”

Kết luận, ông chủ nhận định về người đầy tớ thứ ba này: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! (c 26) Còn tên đầy tớ vô dụng kia (c 30)” Đúng quá, anh ta không biện minh cho mình được một lời nào.

 

Ngày nay, khi xét kỹ lại hoàn cảnh trong toàn dụ ngôn, chúng ta cũng khó mà minh oan cho anh chàng đầy tớ “tồi tệ - oknhre - lazy, slothful, idle” và “vô dụng – acreion - worthless” này được: Cả đến việc gửi tiền ngân hàng để sinh lời, anh ta cũng không thèm làm cho chủ!

Anh ta thiếu tinh thần trách nhiệm, và qua đó anh ta tỏ ra thiếu “thiết tha với chủ”.

Mà đây lại chính là điểm ông chủ muốn nhắm biết mà cũng là chủ đích của dụ ngôn chăng ? Hai người đầy tớ trước, khi được thưởng, chủ nói: “Hãy vào hưởng niềm vui” của chủ. Nghĩa là vì đã “tha thiết” với chủ nên chủ cũng “thiết tha quan hoài” lại, chia xẻ nỗi vui nỗi buồn của mình cho.

Chủ không tính sổ hai người đã sinh lời được bao nhiêu phần trăm. Chủ chỉ khen và thưởng hai người vì lòng “trung tín” của họ đối với mình.

Còn người thứ ba chỉ dửng dưng, chẳng hết lòng tha thiết vì chủ. Khi đoán xét, chủ chẳng hỏi tội vì đã làm gì thiệt hại lậm vào vốn của chủ, mà chủ chỉ trách cứ vì “lười,” nên chỉ dành cho “bên ngoài” nơi chỉ có “khóc lóc và nghiến răng.”

Ông chủ chỉ muốn cố gắng, tận tâm tận lực. Không nên dùng sợ hãi như là cái cớ để từ chối dấn thân.

Rõ ràng “trở về trên đôi nạng gỗ” vẫn đáng khen thưởng và trân quý hơn anh chàng trốn lính .

 

 

  Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 7 tháng 11 2005


Ghi chú



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.