BA “KHÔNG”

Seeing

 

 

 

Ga 1:6-8 ; 19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? " Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? " Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? " Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.”

Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta rất nhiều đề tài để suy niệm. Chúng ta có thể khai triển về từ “Lời-Logos-Word”, về “ánh sáng-light”, về “làm chứng-marturion- témoigner” ...

Trong vài đoạn ngắn này, chúng ta dừng lại ở đại danh từ nghi vấn “quis-ai ?” và “quid-cái gì ?” trong câu chất vấn của người Do thái khi họ sai người tới hỏi (giấy tờ) căn cước của Gioan Tẩy Giả.

Dưới ngòi bút của Gioan thánh sử, danh từ “người Do thái” có một ý nghĩa đặc biệt. Từ này không ám chỉ tất cả mọi công dân của quốc gia Do thái, hay tất cả những ai đã chịu cắt bì, hay theo đạo Do thái. Nghĩa là không ám chỉ đám đông dân chúng Do thái, mà thánh Gioan thánh sử ám chỉ những chức sắc cao cấp trong Do thái giáo, những người khuấy động dân chúng chống đối Chúa Giêsu sau này. Đặc biệt đó là nhóm Pharisê và các thầy Tư tế.

Họ có khả năng “cử mấy thầy LêVi” và “một số tư tế” , và “cả mấy người thuộc phái Pharisê” nữa (xem thêm Ga 5:10, 15-16, 18; 7:1; 8:48, 52, 57; 9:18, 22; 10:24, 31, 33; 11:8; 18:12, 14, 31, 33; 19:7, 12, 14, 31, 38; 20:19.) Thấp thoáng chúng ta thấy ra được ảnh hưởng quyền lực lớn lao của họ. Họ hành xử như một bộ trung ương, hay như cả môt tập đoàn tài phiệt ngày nay. Họ sai khiến được đời lẫn đạo.

Một chi tiết nhỏ mà Thánh Gioan cố ý ghi lại ở cuối bài: “Các việc đó xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giodan, nơi Gioan làm phép rửa.” Mà “bên kia sông Giodan” nghĩa là vùng Trans-Jordan.

Xem hình

[url]http://www.jerusalem-archives.org/images/3-5b.jpg[/url]

Như thế vùng này dù không là vùng đất thuộc thẩm quyền của Do thái, là hoang địa của xứ Jordan, nhưng vòi tua quyền lực của con bạch tuộc “người Do thái” đã vươn tới .

Chúa Giêsu chưa xuất hiện công khai. Gioan Tẩy Giả mới chỉ xuất hiện làm phép rửa. chưa hề đề cập đến việc giới thiệu Chúa Giêsu, vậy mà “người Do thái” đã đánh hơi thấy và bắt đầu sinh sự.

 

 

 Một không

Câu chất vấn đầu tiên là : “Ông là ai ? - Who are you ?[NAB] – Qui es-tu ?[BJ] - Tu quis es ? [Vulgata]”

Họ hỏi về căn tính, “quis” của Gioan Tẩy Giả. “Qui es-tu ? Tu quis es ?” Dĩ nhiên họ không hỏi giấy khai sanh của Gioan Tẩy giả. Chính quyền dân sự, nghĩa là người Lamã đương quyền, mới bận tâm đến giấy khai sanh. Chứ thẩm quyền tôn giáo, như “người Do thái” đây, chỉ bận tâm đến căn tính tôn giáo của nhân vật “xuất hiện từ hoang địa này.” Người này là ai mà dám công khai làm một hành vi tôn giáo? lại không đếm xỉa gì đến quyền tài phán tôn giáo của trung ương tại Giêrusalem?

Đứng từ “bên kia sông”, vùng hoang điạ “trans-jordan”, Gioan Tẩy giả hiểu được chủ ý của họ, hiểu được ý nằm ngầm dưới câu hỏi, nắm được cái hậu ý, và nỗi bận tâm của người Do thái, nên ông trả lời ngay vào vấn đề : “Tôi không phải là Đấng Kytô.”

Đó là một “không”, cái “không” thứ nhất.

Song song với câu phủ nhận đầu tiên ấy, chúng ta cần lưu ý tới chi tiết thú vị này, là cuốn Tin Mừng thứ tư đối xử với thánh Gioan Tẩy giả có hơi khác với các cuốn Tin Mừng nhất lãm.

Cuốn Tin Mừng thứ tư không miêu tả các việc làm và những lời giảng dạy của Gioan Tẩy Giả. Không có đoạn mô tả tỉ mỉ sự kiện Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại bờ sông Giodan. Mãi sau này, ở chương 4 câu 1 Gioan chỉ ghi lại rằng : “Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an.2 (Thực ra, không phải chính Đức Giê-su làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người).” Chỉ có thế. Ngoài ra mọi nơi khác trong Tin Mừng thứ tư, chúng ta chỉ thấy Gioan Tẩy giả bị hạ xuống, còn Đức Kytô lại được nâng lên .

Chính trong bối cảnh đó, mà ở đây, ngay câu 20, khi trả lời cho những người hạch sách, Gioan Tẩy giả, không chỉ phủ nhận, mà còn khẳng định và lập lại câu phủ nhận của mình : “et confessus est et non negavit et confessus est quia non sum ego Christus - Il confessa, il ne nia pas, il confessa – “Tôi không phải là Đấng Kytô”

Trong câu chối đầu tiên, ông chối mình không phải là một “Ai - quis” đó, vị vọng, quan trọng, không thể không có, mọi ngưòi đang cần, đang mong, đang chờ. “I am not the Christ – Non sum ego Christus!

 

2- Hai không

Nghe câu quả khuyết trên, “người Do thái” bắt đầu coi thường Gioan Tẩy giả. Họ hỏi xách mé: “Thế ông là “cái quái” gì ?

Bản dịch CGKPV không diễn tả được chi tiết này. Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào?

Bản tiếng Anh NAB, dùng nghi vấn từ “What” rõ ràng: “What are you then ?”. Bản tiếng Pháp của Bible de Jerusalem cũng dùng một tiếng “que” gọn lỏn, bất lịch sự, coi thường người được hỏi, không cho người được hỏi là “Ai”, mà chỉ là “Cái gì” “Qu’es-tu donc ?

Bản Vulgata còn minh bạch hơn, “quid ergo ?” “Vậy ông là cái quái gì nào ?”

Quả thực một bản dịch tốt cho chúng ta thấy được nhiều chi tiết thú vị .

Dường như nhận ra sự quá đáng của mình – mà chung quanh hẳn có nhiều môn đồ của Gioan Tẩy giả, và dân chúng hâm mộ ông cũng không phải là ít, nên họ chữa lại: “Ông có phải là Elia không ?”

Tại sao họ lại nhắc đến Elia ở đây ?

Sách các Vua quyển hai, chương 2 câu 11, cho biết rằng "Vào thời ĐỨC CHÚA đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc " và chính Elia lại cho môn đệ Elisa biết tiếp : “Ông Ê-li-a bảo: "Xin anh ở lại đây, vì ĐỨC CHÚA sai thầy đến sông Gio-đan..” Rồi liên kết với Malachi chương 3 câu 1: "Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến,” và sách tiên tri Malachi chương 3 câu 24 hàm ngụ rằng Elia sẽ xuất hiện trước khi Đấng Kytô đến : “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.”

Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh chính miệng Gioan Tẩy giả đã phủ nhận rằng: “Không phải”

Hẳn Gioan Tẩy giả không ý thức mình đang đóng vai trò của Elia, - nên ông chối. Nhưng sau này chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu đã cho rằng Gioan Tẩy giả chính là Elia : “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.” (Mt 11:14).

Đúng hơn, chính Gioan Tẩy giả cho rằng mình không xứng đáng đóng vai trò đó: “Tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người.” Nên ông trả lời: “Không phải”

Đây là cái không thứ hai. Chẳng phải là Elia. Nghĩa là không phải là một bậc vị vọng, đi trước loan báo.

 

3- Ba không

Người Do thái tra vấn Gioan Tẩy giả về một vai trò cuối cùng, mà ông có thể là. Họ hỏi :

Ông có phải là vị Ngôn Sứ chăng ?- Are you the Prophet ?

Lúc ấy trong lòng dân Do thái đang âm ỉ một nỗi mong chờ có một vị Ngôn sứ, quan trọng và như Môsê chẳng hạn, sẽ xuất hiện trước khi Đấng Cứu Thế đến. Hai đoạn văn sau đây làm nền tảng cho nỗi chờ mong ấy: “Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy.... Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. ” (Đnl 18:15. 18)

Gioan Tẩy giả trả lời gọn : “Không.

Đây là cái không thứ ba.

Ba câu trả lời không, câu sau ngắn hơn câu trước. Càng ngắn, càng mạnh, sức chối càng quyết liệt.

Câu nhất, dài, minh bạch : “I am not the Christ. - Non sum ego Christus. - Je ne suis pas le Christ. - Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”

Câu nhì, ngắn gọn hơn : “I am not. - Non sum - Je ne le suis pas. - Không phải.”

Câu ba, chỉ là một chữ cô đọng : “No – Non – Non - Không !”

Một tiếng “Không!”. Gọn. Chấm dứt mọi tranh luận.

 

Trong cuộc tra vấn ấy, Gioan Tẩy giả chối ba lần, và chỉ công nhận một lần. Nhưng điều khẳng định của ông lại....rỗng tuếch, trống trơn, gần như là hư vô vậy. Điều ông khẳng định thực sự có đó. Nhưng có mà như không có thực.

Chúng ta hãy nghe ông “công nhận” gì .

"Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? " Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa”.

Tiếng người hô, tiếng kêu: “The voice of one crying out - la voix - ego vox clamantis in deserto”

Gioan Tẩy giả ám chỉ chính mình khi trích dẫn Isaia chương 40, câu 3: “Có tiếng hô:

"Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.”

Cả bốn cuốn Tin mừng đều nhất loạt áp dụng câu sấm này vào Gioan Tẩy Giả. Luca còn trích dẫn thêm câu 4 và câu 5:

“Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán."

Như chúng ta biết chương 40 sách Isaia đánh dấu một bước ngoặc trong các lời sấm. Từ các lời sấm mang tính cảnh cáo đoán phạt, nay chuyển sang các lời sấm loan báo thời giải thoát. Như chúng ta thấy rõ từ câu 2: “Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,”

Như thế Đức Kytô chính là “Tin Vui Mừng” từng được loan báo trong các chương Is 40-46, và Gioan Tẩy giả chính là tiếng kêu chuẩn bị và giới thiệu .

Gioan Tẩy giả đã tự nhận mình chỉ như tiếng kêu. Tiếng kêu phát ra, vang truyền trong không khí. Nghe lọt vào tai thì biết có. Nếu nghe rồi nhớ, thì tiếng kêu ấy còn trong đầu người nghe. Nếu không ai nghe, hay nghe rồi mà quên, thì tiếng kêu đó vĩnh viễn biến mất luôn. Không một chút dấu vết để lại.

Tiếng người kêu quả là mong manh và phù du.

Tiếng kêu chỉ thực sự hiện tồn, khi có ai nghe “được” và “nhớ” trong đầu. Lúc đó tuy phù du, nhưng nó không phù phiếm, yểu mạng, và vô ích.

Hùng tâm của Gioan Tẩy giả, đó là ba lần chối "không", để cuối cùng tự nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, nghĩa là nhận mình chẳng là gì ..

Xét từ vị trí xuất phát, tiếng kêu ấy cầm bằng là cuốn theo theo gió mà mất tăm mất tích. Trong hoang địa làm gì có người để nghe tiếng kêu ? Vang lên từ miệng một người trong hoang địa, tiếng kêu sẽ “như vỏ trấu bị gió cuốn trôi đi”, rồi sẽ tan loãng vào hư vô .

Xét tự bản chất, tiếng kêu không là gì. Chỉ là vật chất giao động mà thành. Tự nó chỉ là không.

Nó có giá trị và có ý nghĩa chăng là do hai yếu tố hoàn toàn ngoại lai :

Một là do nội dung mà nó chuyên chở: Kêu “Á đau”, kêu “Ối chà”, kêu “Dừng lại”, kêu “Ăn năn”, người nghe chỉ nắm bắt lấy ý nghĩa mà những tiếng kêu đó chuyển đạt.

Hai là do ý nghĩa mà người nghe “gán” cho nó: Nghe tiếng kêu gió thổi qua hàng cây, Hàn Mạc Tử nghe ra được tiếng “tơ liễu run trong gió”

Gioan Tẩy giả không kêu lên ý kiến cảm tình riêng ông. Ông chỉ kêu lên lời Ngôn sứ Isaia: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.”

Chỉ e rằng các Gioan Tẩy giả thời nay pha trộn thêm ý kiến riêng mình vào trong tiếng kêu của mình, dù là với một tỷ lệ khôn khéo.

Truyện minh họa trong các bài giảng thường làm cho người ta nhớ câu truyện mà quên đi Lời Chúa.

Cám, vỏ trấu, hay dăm bào, làm sao bằng được vàng ròng, mà sao người rao bán “viên ngọc quý” thường hay đem ra để khoe và giới thiệu phẩm chất của báu vật là Nước Trời .

 

 

  Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 6/1/2006


Ghi chú



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.