Cái Máy Rửa Chén

Seeing

Không phải là nhà cháu không biết rửa chén. Mà nói cho công bình, tất cả mọi người đàn ông trên thế gian đều biết... rửa chén !

Ông nào cũng vậy, thông minh lắm. Chỉ cần nhìn thấy mấy bà rửa chén là biết làm ngay. Khỏi cần học hay tập. Nhưng họ cũng thừa thông minh để thà chịu mang tiếng nhác, chứ ít khi chịu mó tay làm. Cứ hỏi các bà cố xem các cụ ông có biết rửa chén không ? Biết quá đi chứ, nhưng các cụ bà có bao giờ để cụ ông đụng tay mà làm không ? Ấy là ngày xưa thời xưa, trước khi di cư !

Đám con trai nhà cháu, anh nào cũng biết rửa chén. Nhưng nhà lại có ba cô con gái. Tính cả mẹ nữa là bốn phụ nữ. Chả nhẽ khách tới chơi thấy mấy ông tướng trong nhà ngồi rửa chén, trong khi mấy chị em gái dũa... móng tay. Coi sao được ! Người ta sẽ bình phẩm gì về gia đình nhà cháu ? Họ sẽ biũ môi cho là nhà không biết dạy con...gái.

Tiếng ấy mà đồn ra khắp làng thì có khi mấy cô em gái nhà cháu sẽ nghe người ta nhại giọng kinh Cầu Chịu Nạn của các điạ phận di cư, thay vì
-“Chúa Giêsu thương hết người thế - Thương xót chúng con.”
thì họ sẽ rền rĩ :
-“Chúa Giêsu thương mấy người ế - Trong đó có con”."
Họ nói chả ai thèm rước cái “của nợ” ấy về nhà. Chả ai muốn con trai mình phải cáng đáng việc bếp núc bên nhà vợ !

Vào Chủng viện, nhà cháu lại càng quá rành ba cái chuyện rửa chén. Sau một hai năm đầu, đến thời ĐHY Thuận về nhậm địa phận, nhà cháu được phép sinh hoạt hướng đạo và được chia phiên rửa chén thay cho các Dì trong Chủng viện. Chú em nhà cháu, từng học TCV Lê Bảo Tịnh trên Ban Mê Thuộc, được ĐC Mai và ĐC Đức huấn luyện kỹ càng, cũng biết rửa chén nhanh ra phết.

Ấy là trong chủng viện.

Vào Chủng viện, nhà cháu lại càng quá rành ba cái chuyện rửa chén.

Nhưng đến những kỳ nghĩ tam cá nguyệt hay nghĩ hè về nhà, mẹ chẳng bao giờ bắt “các chú nhà Tràng” rửa chén. Mấy cô em gái, hay chính mẹ, luôn luôn dành phần rửa chén. Có lần muốn giúp mẹ rửa , mẹ hay gắt:
-“Thôi đi lên cho tôi nhờ. Tay ông thì có mà rờ đ... (sic). Tốn nước mà lại không sạch. Rồi cũng đến tay tôi phải rửa lại!”
Nhà cháu biết mẹ không muốn mình rửa chén, nên nại cớ nói thế .

Sau 75, nhiều chuyện thay đổi đổi thay, gia đình đi xa, nhà cháu ở một mình, tự đi chợ, nấu cơm, rửa chén. Đó là “chuyện thường ngày ở Huyện” . Thế có nghĩa là việc rửa chén bát sau khi ăn cơm, là chuyện lẽ ra không nên để thành đầu đề một câu chuyện. Lại càng không nên để nó thành đầu đề xào xáo trong nhà trong cửa, vợ chồng gây gỗ.

Chứ sao ? Đến các chú chủng viện kia mà cũng biết rửa chén thì đâu có gì mà hai vợ chồng phải “ganh” nhau ?

Chỉ khi sang xứ người, học theo lối sống xứ người, các bà mới bắt đầu phàn nàn sao cánh đàn ông sống “quan liêu”, không chịu giúp vợ rửa chén. Như thế khác nào các bà mạnh miệng kết án 40 triệu đàn ông ở đang ở VN (và trên 600 triệu đàn ông bên Tàu) đều là các “quan” cả .

Điều kém cỏi của phụ nữ Mỹ lây lan sang phụ nữ Việt Nam. Họ lại còn nhác đến độ sáng kiến ra các món ăn nấu chín sẵn trong hộp giấy đông lạnh. Chỉ cần hâm lại. Ăn xong ném hộp vào thùng rác.

Lẽ ra, nếu khỏi rửa chén, chắc các gia đình Mỹ bớt được một lý do gây gỗ nhau. Nhưng sao họ lại ly dị nhau nhiều hơn các gia đình VN nhỉ ?

Lẽ ra, nếu khỏi rửa chén, chắc các gia đình Mỹ bớt được một lý do gây gỗ nhau. Nhưng sao họ lại ly dị nhau nhiều hơn các gia đình VN nhỉ ?

Nhà cháu nghĩ, chỉ cần vài năm nữa thôi, cái máy rửa chén sẽ không còn là máy gia dụng tiêu chuẩn phải có trong nhà nữa. Nhiều bữa bực mình nhau, cô nhà cháu phàn nàn:
-“Sao bố không chịu giúp mámì rửa chén ?”
Những bữa ấy nhà cháu sẵn sàng xắn tay áo làm ngay. Không làm mà được với cô nhà tôi à ! Nhưng nhà cháu không im lặng mà làm. Nhà cháu càm ràm:
-“Nhà có máy rửa chén thì bỏ vào máy mà rửa, chứ lây !”

Như hầu hết các gia đình VN bên Mỹ, cái máy rửa chén nhà cháu chỉ dùng vào mỗi một việc, là làm cái “chạn” đựng chén bát sạch ! Nói thế là hơi quá. Đúng ra, thỉnh thoảng nhà cháu nhắc cô nhà tôi phải dùng máy rửa chén một lần. Lý do mà cô nhà tôi làm theo lời, là vì hôm đi nhận nhà mới, cô brooker chỉ cho chúng tôi cách sử dụng máy giặt, máy sấy và máy rửa chén. Cô ấy nhấn mạnh:
-“Anh chị nên thỉnh thoảng dùng nó một lần. Như nhà chúng em đó. Ít người. Chỉ có hai vợ chồng, ăn uống không bao nhiêu chén bát, nên để lâu không dùng. Chỉ dùng làm chạn đựng chén bát. Đến khi có việc nhờ nó thì máy bị hư !”
-“Xài nó có tốn nước không chị ?”
Cô nhà tôi – ông Alan Greenspan thấy xót xa tiền nước tiền điện, phân vân hỏi.
-“Không. Rửa bằng tay mới tốn nhiều nước hơn chứ”

Nghe thì biết vậy, nhưng cô nhà tôi không tin lắm. Vẫn cứ theo thói quen hằng ngày đứng rửa chén. Nhà cháu có nhắc lại ý kiến đó thì cô nhà tôi

lúc vui trong người nói:
-“Để em rửa tay cho đỡ tốn nước tốn điện .”

lúc giận tôi hay lúc buồn bực, khó ở trong người, thì lại:
-“Bố đàn ông gì mà lười chẩy thây ! Ăn xong rồi ngồi “phách đốc” uống bia, để cho vợ rửa chén như vầy mà coi được sao ! Em sẽ mách Bà Nội .”
-“Cứ việc”
Nhà cháu điếc không sợ súng.

Bà Nội cũng có ý tứ, chả lẽ lại bênh con trai khi thấy con dâu, “tình cảm” đột xuất, mách mình:
-“Anh ấy lười lắm mẹ ạ. Chả bao giờ rửa chén.” Cô nhà tôi chỉ khôn khéo nói chừng đó.
-“Bố nó thì còn nói gì nữa !” Bà Nội cũng khôn khéo lùi ra ngoài tầm đạn bắn, chỉ trả lời lấp lững chừng đó.

“Bố đàn ông gì mà lười chẩy thây ! Ăn xong rồi ngồi “phách đốc” uống bia, để cho vợ rửa chén như vầy mà coi được sao ! Em sẽ mách Bà Nội .”

Nghĩ cho cùng, nhà cháu phát giác ra điều “kinh khủng” này, mà nhà cháu chỉ dám nói nhỏ với các Bác ở đây thôi, chứ chưa dám nói ra với cô nhà cháu : Nếu sau khi ăn cơm, mà nhá cháu bận chuyện gì chính đáng, chẳng hạn giúp hai chú nhỏ làm bài học bài, hay cầm cái chổi quét sơ cái nhà bếp, hay dọn và chùi bàn, hoặc đem quần áo bỏ máy giặt, thậm chí ra ngoài sân cầm cái vòi nước tưới cỏ chẳng hạn. Dù một tay có cầm lon bia lạnh nhâm nhi, nhưng chỉ cần tay kia làm một trong những việc ấy thôi, thì cô nhà cháu chẳng hề phàn nàn gì !

Nhưng nếu cơm nước xong mà nhà cháu chẳng làm “những chuyện bổn đạo phải làm hằng ngày” ấy lại thảnh thơi ngồi xem TV thôi, thì y như rằng cô nhà cháu -Iran sẽ bất chấp Ủy Ban Nguyên Tử Năng Liên Hiệp quốc mà đưa ra lời ganh tỵ :
-“Bố đế quốc, chẳng chịu giúp mámì rửa chén gì cả.”

Cứ lý mà nói, phàn nàn như thế là ganh tỵ. Y hệt như các môn đệ :
- “Thưa Thầy chúng tôi chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?

Nhà cháu nhớ tới giọng thảng thốt cầu cứu của các môn đệ tối hôm gặp gió to trên hồ Giênêsareth. Giảng về dụ ngôn suốt cả ngày, chiều đến, Thầy không cho nghỉ ngơi cơm nước, lại còn bảo các ông :
- “Chèo sang bên kia bờ !” Thế thì chả tâm lý một tý nào.

Đã thế, gió to sóng lớn nổi lên, nước tràn qua be vào thuyền, mà Thầy thì nằm ngủ. Các ông đánh thức Ngài :
-“Thưa Thầy chúng tôi chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?
(Mc 4:38)

Dịch như thế thì ra cái điều các ông sợ hãi à ! Không, mấy môn đệ đầu tiên là sói biển mà. Chài lưới lâu năm tại hồ này, thế nào mà họ chả biết ứng xử trong tình huống ngặt nghèo như thế này ! Lẽ ra phải thay dấu hỏi bằng dấu than mà nhấn mạnh rằng:
-“Thầy à, chúng ta nguy rồi mà Thầy chả hoài !
- Maître, tu ne te soucies pas de ce que nous périssons ! (bản Bible de Jerusalem)
- Magister, non ad te pertinet quia perimus? ”(bản Nova Vulgata) ”

Khi dùng công thức: “chúng ta nguy rồi ”thì các ông môn đệ lôi Thầy Giêsu vào trong vòng nguy hiểm cùng với mình. Và ra điều các môn đệ giận lẫy Thầy Giêsu hơn là trách Thầy vô tình !

Giống y hệt như cô nhà tôi bây giờ:
- “Má mì phải rửa chén một mình mà bố chẳng hoài – non ad te pertinet !”

Cô nhà cháu ngứa mắt lắm, khi thấy nhà cháu ngồi cầm lon bia lạnh xem chương trình FearFactor, mà mình thì đã tất bật lo cơm lo nước bây giờ còn phải lui cui đứng rửa chén ! Bực mình vì ghen tức hơn là thực sự cần nhà cháu làm nghề “osin” ! Người ta làm cực khổ mà “tu ne te soucie pas !” - “non ad te pertinet !

Cái dại dột của nhà cháu là làm cớ cho cô nhà “ganh tỵ”.

Nhưng vợ chồng với nhau, đâu “cứ lý” mà nói được. Còn “cái tình”, và cái “bổn phận” giúp đỡ lẫn nhau nữa chứ !

Tuần trước, cả nhà họp mừng Father’s Day ở nhà chú em, có cha V. ghé vào chung vui. Nhà cháu với Ngài chén tù chén tạc, hai anh em “cưa” hết một chai rượu lễ.

Nói thế là oan cho Ngài. Ngài chỉ một “lóng” còn chưa nổi. Chỉ mình nhà cháu “ẵm” nguyên chai. Chú em chọc Ngài:
- “Cha uống rượu không được thì ban sáng sao mà làm lễ được Cha ?”
Ngài không chịu thua, nhân tiện còn ban cho một bài giáo lý:
-“Chú này bậy hè ! Cha đâu có uống rượu. Cha rước Máu Thánh chứ !”

Khi đã ngà ngà, nhà cháu nhân ghé xuống bếp lấy thêm mồi, thấy cô nhà tôi đang rửa chén, bèn xăng tay áo biễu diễn vài đòn tay VoViNam;
-“Mamì xê ra để bố rửa chén cho. Kẻo cứ chê là bố không chịu giúp rửa chén .”

Cô nhà tôi cười toe, nhưng vẫn nghi ngờ :
-“Tốt đẹp gì không đấy bẩy. Hay là lấy điểm đây. Bà Nội ơi, coi bố Khang rửa chén này.”

Trong bầu khí vui vẻ như thế thì ai cũng hỉ hả. Cô nhà tôi cũng hỉ hả. Nhất là mấy dâu khác được dịp huà theo. Các dâu thi nhau “lên lớp” mấy chú em:
-“Đấy bố này “mở con mắt linh hồn và xác ra mà xem sự lạ làm vậy” bác Khang kìa. Về nhà mà bắt chước gương lành gương tốt .”

Chú em kế nhà cháu bực mình:
-“Cái bác Khang này thiệt tình. Cứ gây gương mù gương xấu cho mẹ T. có cái mà chì chiết. ”

Chú ấy còn thêm:
-“Vì sự tội lỗi là rễ những của đắng làm vậy ! Ai bảo chăm lam chăm làm ! Bây giờ thảnh thơi cũng chẳng còn được nào !” Nhà cháu “chữa mình cùng chữa ta nữa” rằng
-“Ngày Father’s Day mà chú ! Để cho các bà lên giọng chút, chả sao !”,
Dù vậy, nhà cháu vẫn bị chú nó phạt một ly bia, vì tội “vẽ đàng hươu chạy” !

Ấy là những lúc vui vẻ .

“Ngày Father’s Day mà chú ! Để cho các bà lên giọng chút, chả sao !”,

Nhưng mới từ hôm qua đây thôi, chúng tôi giận nhau. Và một “sink đầy chén bát nồi niêu” không ai rửa .

Chả là nhân ngày nghĩ lễ Độc lập, cả nhà không thích đi đâu. Anh em lại kéo nhau về nhà chú em họp mặt một bữa .

Theo thói quen mỗi nhà mang tới một món . Đã quyết định như vậy rồi, cô nhà cháu lại còn lanh chanh làm thêm một nồi chè và mấy cái bánh angel cakes, cho mấy cháu nhỏ.

Đôi lông mày nhà cháu biến thành hai cái dấu hỏi. Thấy triệu chứng chẳng lành, cô nhà cháu đấu dịu:
-“Thôi mà bố, kệ nó. Mình có sức làm thêm cho cả nhà vui vẻ chứ. ”

Các Bác đừng nghĩ oan rằng nhà cháu bủn xỉn. Nhưng điểm chính là khi cô nhà cháu nấu nướng hay làm bánh, bao nhiêu nồi niêu cô ấy bày ra, để ngổn ngang và người dọn dẹp hay chùi rửa thường là nhà cháu, chứ “còn ai trồng khoai đất này.”

Đang làm bánh, thì cô em dâu gọi phone cho cô nhà tôi hỏi :
-“Bác T. này, xong chưa ?”
-“Gần xong rồi cô ạ ? Chừng nào thì bắt đầu ?”
-“Nhẩn nha cũng được bác ạ.”
-“Vậy thì từ từ rồi hãy tới nhá ?”
-“Ừ ! Sáu giờ Bác tới cũng được .”

Thế mà năm giờ chiều, chúng tôi đã lên xe đến họp mặt. Đang trên đường Highway 6, có tiếng xeo phôn reo. Cô nhà tôi im lặng nghe phone mà không nói gì.

Hẳn là có chuyện chẳng lành. Khi tôi gặng hỏi, cô nhà cháu chỉ buông thỏng một câu:
-“Đã nói rằng đến chậm một chút cũng được. Vậy mà bây giờ lại gọi phone trách sao chưa tới !”
-“Nghĩa là sao ?” -“Thì nhà Bố chứ sao ! Gọi phone trách mình sao lần nào cũng kề cà chưa tới ? Mọi người tới hết cả rồi. Chỉ còn nhà mình nữa thôi. Lại còn trách rằng lần nào nhà mình cũng đi trễ, bắt mọi người chờ !”

Có vậy mới ra chuyện. Nói cho đúng ra chỉ cần vậy thôi thì đã thành “chuyện” rồi. Tới sớm tới trễ đã thành thói quen rồi. Và lúc trước nói khác, bây giờ nói khác, lại cũng là thói quen nhiều người thường có nhưng lại hay coi thường .

Cô nhà tôi bực mình vì bị mắng oan. Thành thử tôi bị giận lây. Nhưng tôi không dám bực mình lại. Bây giờ mà “nóng nước đỏ gọng” lên đổ tội cho cô nhà tôi hay lề mề đi trễ là dại, dại dột vô cùng .
-“Cũng là nhà bố đấy ! Lúc nói này, lúc nói kia ! Lại còn lên giọng trách nữa chứ . Biết vậy em kiếu chả đi nữa cho xong. Làm mệt chết cha cả ngày mà còn bị rầy la !”

Tôi hiểu được sự bực bội của cô nhà tôi. Cả ngày lui cui với bếp với lò. Cái garage trời tháng Bảy Houston mở cửa thì nóng, mà đóng hờ thì càng nóng hơn ! Cô ấy hẳn nghĩ tới công mình tất bật nấu nướng làm bánh cho mọi người mà chả ai nghĩ tới công lao, lại còn bị rầy la nữa.

Nhưng tôi lại không giữ được sự bực mình khi cô nhà tôi đổ tội:
- “Cũng tại nhà bố đấy” .

Cô nhà tôi đổ tội cho phía bên Nội, “tại nhà bố đấy”. Nói vậy là sai, sai quá, là vơ đũa cả nắm. Người gọi phone bảo “từ từ hãy tới” rồi lại gọi phone trách “sao tới trễ vậy” không phải là “nhà bố” nhưng là cô em dâu !

Tôi nhìn cô nhà tôi thắc mắc không hiểu trong cái đầu nhỏ bé kia nghĩ gì mà lại đổ tội không đúng chổ. Nhưng đồng thời một ý nghĩ kinh khủng vụt loé trong đầu: Phận con dâu, cô nhà tôi vẫn chưa hoà mình được với gia đình bên Nội.

Cô nhà tôi không “gánh vác giang sơn nhà chồng”, mà chỉ chịu đựng “gánh nặng” của nhà chồng. Hễ có một chút trục trặc, là cô nhà tôi tự thấy mình bị chèn ép, đàn hặc, chì chiết, và luôn luôn ngỡ rằng mọi con mắt lúc nào cũng nhìn chừng mình và xăm xói.

Hạnh phúc và đồng thuận trong gia đình quả là khó giữ . Vì thế biển Đông chẳng bao giờ bị tát cạn, mà vẫn hoài luôn luôn đầy bao la nước.

Tận trong thâm tâm, rõ ràng cô nhà tôi không thèm “tam tứ núi cũng trèo”, mà chỉ bước lên mấy bước rồi bắt tôi cõng qua. Cô cũng chẳng hoài lội “thất bát” sông. Mới nhúng chân xuống bờ sông, cô nhà tôi đã ới ới kêu đò tôi chở sang !

Điều này khiến nhà cháu cảm thấy rằng hạnh phúc gia đình của mình vậy mà vẫn không được hoàn toàn, còn bị bóng mây nghi kỵ che mờ. Cô nhà tôi vẫn chưa hoàn toàn thoải mái khi sống cùng với gia đình bên chồng. Đó mới là điều nguy hiểm.

Nhà cháu đã cố gắng giải thích, đã minh oan, đã phân tích. Nhưng khi có vợ, nhà cháu mới hiểu tại sao ít có phụ nữ giỏi toán. Lý luận phân tích chán chê, cô nhà cháu nghe xong thì “ừ” đấy. Nhưng khi xảy ra cớ sự, nước mắt vẫn rơi kèm theo lời đổ tội “Cũng tại nhà bố đấy !” Ngón tay bà Eva đã quen đổ tội cho ai đó: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn .” (Stk 3: 12)

Hạnh phúc và đồng thuận trong gia đình quả là khó giữ . Vì thế biển Đông chẳng bao giờ bị tát cạn, mà vẫn hoài luôn luôn đầy bao la nước.

Tôi đâm ra bực mình. Nói hoài mà không chịu nghe thì... bực mình . Chứ còn làm sao được nữa bây giờ. Sau buổi họp mặt, về nhà, tôi vào phòng sớm, đi ngủ. Cô nhà tôi cũng không chịu thua, nỗi bực dọc chưa tan, nên cũng bỏ vào phòng sớm.

Cả một sink đầy chén bát nồi niêu vẫn đầy ắp qua đêm.

Chiều hôm sau, bẩy giờ tối, đi làm về đến nhà, tôi đã thấy mọi chuyện đâu vào đấy, chén bát đã rửa sạch, cơm nước đã sằn sàng .

Thế là tôi lại thua kém cô nhà tôi .

Tôi, cái máy rửa chén, vẫn chỉ có mỗi công dụng là dựng chén bát, bề ngoài nom sạch sẽ, nhưng vẫn thoáng mùi hôi thức ăn còn tồn đọng, từ lần “rữa” trước, “mỗi năm ít là một lần”, vào muà Phục Sinh năm ngoái !

Khang Nguyễn Houston, 9/1/2006



Trích từ Chuyện Nhà tôi by KHG Press.

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.