CÃI NHAU

Seeing

 

 

 

Argument thứ nhất

 

Đức Giám Mục Fulton Sheen, trong cuốn “Bẩy lời cuối của Chúa Giêsu”, khi suy niệm về lời thứ bảy: "Lạy Cha, con xin phó linh hồn trong tay Cha”, Ngài đã đề cập đến cái chết đầu tiên của nhân loại.

Có hai cái chết được ghi lại tỉ mỉ trong Kinh Thánh. Cái chết cuối cùng là của Chúa Giêsu, thảm tử trên thập giá. Cái chết đầu tiên của nhân loại là cái chết của Abel, thảm tử do tay anh ruột mình là Cain.

Khi từ cánh đồng nơi làm việc trờ về, Ađam gặp thấy Abel nằm sõng soài giữa bãi đất hoang. Ông lay con mình và gọi: ”Abel ! Abel !” nhưng vẫn hoài công. Mắt Abel vẫn mở trừng trừng, nhưng không chớp, và đôi môi không còn mấp máy. Adam đối diện lần đầu tiên với cái chết. Ông nhớ lại lời Thiên Chúa đã cảnh cáo, lúc còn trong vườn: “Ngày nào ngươi ăn trái cây ấy, thì ngươi phải chết !”

Hậu quả của nguyên tội đã truyền ngay sang con cháu đời thứ nhất. Nhưng chúng ta không bàn đến tính di truyền của nguyên tội ở đây, mà chỉ lan man suy nghĩ về cái nguyên do đưa đến cái chết đầu tiên ấy mà thôi .

Thuật trình Sáng Thế ký chỉ dành ra 4 câu để kể lại cuộc đời vắn số của Abel.

Câu đầu tiên nói về việc bà Eva sinh ra Abel. Sau khi sinh ra Cain thì ”Additionally, she bore his brother, Abel".

Câu tiếp nói về thân thế của Abel: "Abel became a shepherd”.

Kế tiếp là câu nói về việc Abel dâng tế vật cho Thiên Chúa: “As for Abel, he also brought of the first of his flock and of the choicest.” (Stk 4:3-4)

Điều đáng nói là Kinh Thánh kể việc Cain dâng lễ tế cho Thiên Chúa trước. Sáng kiến là của Cain. Dường như Abel chỉ bắt chước mà làm theo sau. Có điều Thiên Chúa ưng thuận chấp nhận của lễ của Abel, là những thú vật được lựa chọn kỹ lưỡng, béo, tốt, đẹp nhất.

Kinh Thánh nêu lên cho chúng ta cái đầu mối dẫn đến tai ương đầu tiên của nhân loại : “Cain became angry about this”.

Khoan, chúng ta cẩn thận, đừng vội kết luận Thiên Chúa thiên vị, hay yêu thương không đồng đều.

Ngài biết Cain đang hậm hực trong lòng: “Sao ngươi lại giận dữ ? Sao ngươi lại buồn bực ?” Ngài đã cảnh báo Cain một cách rõ ràng: "Why are you angry? Why are you depressed? If you do well, you know I'll accept it. If you don't do well, sin crouches at your door. It lusts after you, but you can rule over it" (Stk 4:7)

Cain đã làm điều gì đó không đúng khi dâng của lễ. Ngài đã nêu chi tiết đó lên và nhấn mạnh cho Cain thấy rằng: “Nếu ngươi làm tốt, ngươi thừa biết Ta sẽ chấp nhận lễ dâng.”

Hơn thế nữa Ngài đã nhọc lòng cảnh báo Cain về điều kinh khủng sẽ xảy ra nếu như ông làm không nên không phải: “If you don't do well, sin crouches at your door. It lusts after you, but you can rule over it” (Stk 4:7)

Cain đã không hài lòng với điều ông hiện có. Của cải mọc lên từ mặt đất cùng quý và tốt như của cải do bàn tay người nuôi lớn, vỗ béo. Từ núi chức vị của ông đứng, ông thấy núi địa vị của hàng xóm đứng cao hơn, ông thấy núi tiền lương giờ của bạn đồng sở cao hơn, ông thấy núi tài sản của bà bán tiệm tạp hóa trong giáo xứ cao hơn, ông thấy núi gia tài của Bill Gates cao ngất trời. Thế là Cain và những bản-sao-Cain ngày nay buồn bực và hậm hực.

Hơn nữa Cain, và ba người khác trong gia đình đầu tiên ấy, đều biết rõ rằng Thiên Chúa đâu có cần đến những phẩm vật họ dâng lên cho Ngài. Trước đó, từ hồi còn trong vườn địa đàng, Thiên Chúa không hề ra lệnh cho con người phải dâng cho Ngài phẩm vật do tay công lao con người làm ra.

Họ tự ý dâng lên Ngài, như một hành vi biết ơn, cảm tạ về những tài sản lãnh nhận được từ thiên nhiên Thiên Chúa dựng nên. Abel rộng rãi dâng lên những con vật tốt nhất trong đàn. Rộng rãi vì Abel thấy ra được ơn Thiên Chúa ban trong những tài sản ấy và biết đúng đắn giá trị của ơn ấy.

Kinh Thánh không cho biết Cain dâng lên Thiên Chúa những gì. Mà trong lời cảnh báo, Thiên Chúa cũng không nhắc đến tài vật ông dâng lên có ngon, lành hay không. Vì điều đó không quan trọng.

Điều lý thú là Thiên Chúa nêu lên cả hai trường hợp: “Nếu ngươi làm đúng, thì ngươi biết là Ta sẽ nhận. Còn nếu ngươi làm không đúng... thì tội đã rình chờ ngay cửa nhà ngươi.” (Stk 4:7)

Như thế nhờ vào câu cảnh báo của Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như công việc dâng và nhận lễ vật chưa kết thúc. Còn chưa hoàn thành.

Cứ theo trình thuật Kinh Thánh, các sự việc tuần tự như sau :

1-Cain dâng lễ vật
2- Abel cũng dâng lễ vật
3- Thiên Chúa vui lòng với lễ vật của Abel
4- Cain hậm hực, buồn bã
5- Thiên Chúa thấy vậy, lên tiếng cảnh báo Cain,

Quan trọng là thái độ. Ông không dâng lễ đúng cách. Ông không dâng lễ vì biết ơn. Ông dâng lễ mà như là bị bó buộc, nên miễn cưỡng. Thiên Chúa thấy được khả thể này, nên Ngài mới cảnh báo: “If you don't do well”

Lại nữa, ông đã không hài lòng và lấy làm hạnh phúc với điều mình hiện có. Ông “trông núi nọ” .

Mà hoạ thì vô đơn chí. Ông lại không tự chủ được cơn giận của mình. Ông trút cơn giận lên đầu người khác, lên Abel .

Nhiều Cain thời nay mang chuyện ấm ức bực mình ở sở làm về đá con chó, to tiếng gây gổ với vợ con, lái xe bực mình bóp còi trên đường, hay lẩm bẩm chửi người lái xe chạy chậm trước mặt.

Cơn giận khiến cho cái “tội đang nằm rình chờ ở cửa nhà” bây giờ chồm vào: “Cain spoke with his brother Abel. And it happened when they were in the field, that Cain rose up against his brother Abel and killed him.(Stk 4:8 )

6- Cain cãi nhau với Abel (argument)
7- Cain chổi dậy giết Abel, em mình

Thiên Chúa đã cảnh báo Cain. Ngài thương Cain lắm chứ. Đâu chỉ vì Ngài vui lòng với lễ vật của Abel (Stk 4:5) mà ta có thể kết luận Ngài thương không đồng đều.

Bằng chứng là Ngài không nói gì với Abel mà Thiên Chúa chỉ tâm sự với Cain. Ngài nói cho Cain biết điều hay lẽ phải của ông, cũng như điều không tốt nơi ông. Ngài bận tâm cả đền lúc ông buồn phiền và hậm hực cơ mà.

Nhưng Ngài để cho ông toàn quyền tự do quyết định. Cái quyết định đã định nghĩa con người ông. "Why are you angry? Why are you depressed? If you do well, you know I'll accept it. If you don't do well, sin crouches at your door. It lusts after you, but you can rule over it" (Stk 4:7)

Vậy mà Cain tới to tiếng với Abel.

Họ cãi nhau (argument) những gì, Kinh Thánh không cho biết. Họ đưa ra những luận cứ nào (arguments), Kinh Thánh không cho biết. Chỉ vì điều ấy không quan trọng. Quan trọng là Cain không chịu làm chủ lấy cơn hậm hực của mình.

Thế là tai hoạ xảy ra. Cái chết thực sự có mặt trên trái đất.

Đáng lý ra cái chết ấy có thể tránh được. “If you don't do well, sin crouches at your door. It lusts after you, but you can rule over it" (Stk 4:7)

Rõ ràng Thiên Chúa không bao giờ thử thách quá sức chúng ta. Ngài nói rõ: “Tội chồm lên chực ăn tươi nuốt sống ta, nhưng ta có thể thắng được nó.”

Điều bi đát là Cain không thắng được chính mình. Không thắng được tội, khiến cho buổi dâng lễ đầu tiên kết thúc bằng một án mạng.

Vụ án mạng xảy ra do một tên sát nhân hèn hạ. Kinh thánh ghi rõ :

"And it happened when they were in the field, that Cain rose up against his brother Abel and killed him.(Stk 4:8 ) Tại sao Cain lại "rose up- vùng dậy,chỗi dậy" ?

Người ta cho rằng sau khi cuộc cải vả nổ ra, hai người ẩu đả nhau. Cain bị vật ngã xuống. Abel, thấy anh mình đã thua, thôi không tiếp tục, bèn bỏ đi. Lúc đó, Cain mới "rose up- chỗi dậy" và từ sau lưng giết em mình.

Đó phải chăng là argumentum ad hominem, luận cứ nhằm tấn công vào chính con người ?

Và giận thì mất khôn như thế đó .

 

 

Argument thứ hai

Đôi khi cãi nhau, lý luận, “argument” lại là một điều hay. Không những “hay”, mà “nên làm” và “đáng khuyến khích nữa”. Đó là khi “cãi nhau – argument” với...Thiên Chúa.

Có người đã cãi nhau với Thiên Chúa. Và đã thắng. Ấy mới là chuyện đáng nói.

Sau cái chết của Abel, tội lỗi, như được thể, lại càng tràn lan. Chúng ta có câu chuyện Noe với chiếc thuyền khổng lồ trong trận hồng thuỷ rửa sạch mặt đất. Sau cơn hồng thuỷ, tội lại sinh sôi nảy nở theo tính nóng giận của loài người, chúng ta có chuyện tháp Babel. Sau chuyện tháp Babel là chuyện tổ phụ Abraham.

Abarham vốn bản tính điềm đạm, hay vâng lời, ít khi “nói lại”. Thiên Chúa bảo ông bỏ quê cha đất tổ ra đi, ông nghe theo ngay, mà không hề biện bác – không hề “argument”. Thậm chí Thiên Chúa ra lệnh cho ông giết con để tế, thì ông cũng vui vẻ thưa “Amen” thật lòng và thật to, không hề “argument”. Thiên Chúa bảo ông cắt... bì, thì ông cụ Abraham thiếu-một-tuổi-đầy- một-trăm kia cũng không hề ngần ngại, không hề “argument”, cầm dao mà cắt... cho mình “cùng con cháu mình mà chớ.” Nên nhớ hồi ấy không có thuốc tê hay thuốc mê. Đau chết đi được.

Lúc ấy có hai thành Sodoma và Gômora. Dân trong thành tội lỗi ngập đầu. Khi biết thành sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt, và trong thành có gia đình ông Lot, cháu của mình sinh sống, mà ông biết là người công chính, thì Abraham bắt đầu..argument, bắt đầu biện bác.

Mỗi chữ tỏ lộ một sự sửng sốt rõ rệt: “Will You sweep the innocent along with the guilty? What if there should be fifty innocent within the city; will You then wipe out the place and not forgive it for the sake of the innocent fifty who are in it? - Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? ' (Stk 18:23-24)

Dường như cùng với lòng thương cháu, Abraham nhận ra một sự bất công tày đình khi những người công chính bị phạt chung với kẻ có tội. Nên ông bất nhẫn mà phản kháng- argument: “Will You sweep the innocent along with the guilty?- Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?”

Không chỉ phản kháng, mà ông còn bực mình với Ngài nữa. Chúng ta hãy nghe giọng hằn học của ông. “Far be it from You to do such a thing, to bring death upon the innocent as well as the guilty, so that innocent and guilty fare alike. Far be it from You! Shall not the Judge of all the earth deal justly? - Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Ðấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? ' (Stk 18:25)

“Far be it from You to do such a thing! - Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! ” Xem chừng ông còn chỉ bảo cho Chúa thấy phải làm sao nữa kìa.

Vậy mà Thiên Chúa đồng ý cùng ông mới là chuyện lạ. Quả thực “nói phải, bà vải cũng phải nghe !” Thiên Chúa đồng ý theo Abraham là không hủy diệt thành phố nếu chỉ có 10 người công chính.

Chỉ tiếc rằng gia đình ông Lót không đủ 10 người .

Trình thuật này cho chúng ta một bài học thú vị : Tương quan thiêng liêng của chúng ta với Thiên Chúa, không chỉ là hiếu thảo vâng lời, như con vâng lời Cha, mà còn cần phải biết “argument – tranh biện” với Ngài.

Đừng ngại phải phản biện với Ngài. Mà thật tình Ngài cũng chẳng ngại tranh luận với chúng ta. Ngài là Chân lý. Nên có tranh luận với Ngài đi chăng nữa cũng chỉ đi tìm chân lý mà thôi.

Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người Cha nào cũng thích thấy con cái mình trưởng thành , trưởng thành trong tự do và trách nhiệm. Mà dấu chỉ của trưởng thành là biết tranh biện. Fides querens intellectum.

Pico della Mirandola (1462-1493) đã nói một câu đáng cho chúng ta suy nghĩ: “The beneficent God has given to man whatever he (man) chooses and to be whatever he (man) wills - Thiên Chúa quảng đại đã ban cho con người chọn gì thì được nấy và ước sao thì nên vậy”

 

 

Argument thứ ba

Trong suốt lịch sử Cứu độ, không thiếu những lần con người “argue- tranh biện” với Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy Abraham tranh luận, và đã thắng.

Lần này lại một người nữa tranh luận với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe cuộc tranh luận giữa Môsê với Thiên Chúa.

Sau khi nhận 10 Giới răn, “Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ÐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời ÐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." (Xh 24:3)

Rồi Môse lên núi Sinai và trên đó 40 ngày.

Dân Do thái không biết Môse có xuống núi nữa không, và chừng nào thì xuống. Họ cho rằng ông đã chết. Mới có một tháng mà họ đã cảm thấy lẻ loi, vô định, không còn ai dẫn dắt giữa sa mạc. Họ hùa nhau đúc một con bê con, bằng vàng, rồi bắt đầu thác loạn ...

Môsê không biết điều ấy. Ông không nghe thấy tiếng nhạc ồn ào từ chân núi vọng lên, không nghe tiếng cười, nói, la, hét của đám đông đang lên cơn cuồng loạn.

Chính Thiên Chúa báo cho Môsê biết sự thể: “ÐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." ÐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn." (Xh 32,7-10)

Môsê không nghe câu Thiên Chúa hứa cho ông thành tổ phụ một dân tộc lớn: ”Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”(Xh 32,10) như Thiên Chúa đã từng hứa với Abraham.

Ông chỉ nghe tới câu: “Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng.” (Xh 32,10) thì ông đã hết hồn.

Ông chỉ lo sợ dùm cho dân Do thái, đám dân mà ông đã từng gọi là “dân cứng đầu”, đám dân mà ông đã từng lo bị họ giết, đám dân mà ông đã nhọc lòng nghe họ phàn nàn “đòi phen” (Xh 15,24 ; 16,2; 17,2)

Ông hoảng hồn, nên ông mạnh dạn “argue- tranh biện” với Chúa.

Rõ là hay chưa!

Môsê vốn là một người cà lăm, lại không có khiếu ăn nói cơ mà : “Ông Mô-sê thưa với ÐỨC CHÚA: "Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi." (Xh 4,10)

Một người cà lăm dám lên tiếng tranh luận với Thiên Chúa!

Hẳn Môsê phải có một động lực quan trọng thúc đẩy.

Kinh thánh ghi rõ: “Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ÐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: "Lạy ÐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời." (Xh 32,11-13)

Ông Môsê đưa ra những lý chứng sau :

1- Lý chứng dựa vào... sĩ diện:Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất?” (Xh 32: 13)

2- Lý chứng dựa vào...tình cảm bè bạn: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en.” (Xh 32:13)

3- Lý chứng dựa vào... danh dự: Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời...” (Xh 32,14)

 

Mosê nhấn mạnh vào hai điểm chính:

a- Nếu như dân Do Thái không đi đến được miền Đất Hứa thì rõ ràng Thiên Chúa của họ “yếu” quá và lời Ngài hứa hoàn toàn không đáng tin !

b- Và dù Dân Do thái có phạm tội tày trời thì, đó chỉ là sai lạc nhất thời. Thái độ ấy không phản ảnh đúng bản chất của họ. Dù họ làm quấy họ vẫn là con cái của “Ápraham, Ixaác và Ítraen”.

Chỉ vậy thôi. Ông cà lăm chỉ “rặn” ra được có chừng đó thôi.

Vậy mà Thiên Chúa không nói lại lời nào. Ngài đồng ý với Môsê hoàn toàn. “ÐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.” ( Xh 32, 14) .

 

Quả tình Thiên Chúa dễ xiêu lòng như một người mẹ .

 

 

 Nguyễn đức Khang
Houston,2005


Ghi chú



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.