Cái cây Bonsai

Seeing Cây bonsai là bất cứ cái cây nào sống ngoài thiên nhiên thì phát triển tự nhiên, nhưng khi bị hãm lại trồng trong chậu kiểng nhỏ, nó thành lùn lùn, người ta thường để trên bàn phòng khách hay bàn cơm. Cây bonsai chả ích lợi gì thực tiễn. Vậy mà cô nhà tôi thích trồng. Mà tôi cũng thích trồng nữa. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Ca dao ông bà nói thế.

Những “cái” khác trong nhà, chỉ mình cô nhà tôi thích, còn tôi thì không. Hai vợ chồng hục hặc nhau, đó là chuyện dĩ nhiên. Đàng này cái cây bonsai cả hai đều thích mà cũng có “chuyện” thì quả là đời sống vợ chồng khó thật ! Và hạnh phúc hôn nhân là điều quả thật là khó. Chả thế mà 75% gia đình bên Mỹ xa nhau !

Hôm đi chợ Việt Hoa, cô nhà tôi kéo tôi lại quầy bán bonsai. Chao ôi, cây nào cũng lạ cũng đẹp. Dưới tàn cây ngắn còng quèo, những búp lá non mơn mởn nhú ra, khoẻ mạnh. Ngôi chùa con con bằng đất nung, nhỏ bằng lóng tay út, nằm bên cạnh mỏn đá cao bằng hai lóng tay, khiến tôi tưởng tưởng ra ngay thế giới của truyện kiếm hiệp, của Tiếu Ngạo Giang hồ, nơi các tay cao thủ võ lâm thi triển khinh công thoăn thoắt qua những ghềng đá cheo leo...

Cái thế giới kiếm hiệp tý hon này theo chúng tôi về nhà ngay chiều hôm ấy .

-“Mámì ơi, bố để chổ này được không ?” Tôi vừa hỏi vừa đặt chậu bonsai lên cái bàn để uống cà phê trước bộ salon .
-“Không bố để nó chổ này cho em.” Cô nhà tôi chỉ vào cái counter ngay trên chậu rửa chén bát.
-“Chổ đó là nơi khách ngồi uống rượu hay bia mà , quầy rượu mà ?”
-“Kệ em. Em để chổ này cho bố bớt uống bia rượu đi !”

Cô nhà rất bận tâm đến việc tôi uống rượu bia trong nhà. Lạ thật đấy thôi nọ ! Có ai khiến lo lắng đâu mà cô nhà tôi hăng hái bảo vệ sức khoẻ của tôi đến thế ? Từ cái cây bonsai mà chuyển sang chuyện bia rượu . Cô nhà tôi trả lời:
-“Bố uống bia tốn tiền !”

Cây bonsai là bất cứ cái cây nào sống ngoài thiên nhiên thì phát triển tự nhiên, nhưng khi bị hãm lại trồng trong chậu kiểng nhỏ, nó thành lùn lùn

Theo luận lý học nhà cháu học được trong “nhà tràng”, thì lý chứng này không vững. Nhà cháu có thể vặn lại:
-"Mámì ơi là mámì ...” Câu tán thán này là để làm hoa mắt và rối trí người được nghe, chứ xét về tính chặt chẽ của lý luận nhà cháu sắp đưa ra, nó chẳng thêm chẳng bớt chút gì. Nhà cháu nói tiếp:
-“...Chỉ có 11 đồng 99 mà 30 chục lon. Bố uống thứ rẻ tiền nhất. 40 xen một lon. Chứ như chú Hoàng kia uống Heineken một đồng một lon thì sao ?”

Lý chứng nhà cháu đưa ra chống chế cũng không vững. Dù là 11 đồng 99 được 30 lon thì cũng là tốn 11 đồng 99 chứ. Mà cái chú Hoàng kia có uống vàng đi chăng nữa thì nhà cháu cũng tốn tiền là 11 đồng 99 . Chứ có phải là được uống “vô tư” vì không mất tiền đâu!
-“Cũng không được. Uống vào hại gan cháy phổi .”
--“Trời ơi , bia “light” mà mámì làm như là rượu XO không bằng.”
--“Trời ơi nhà mình kỳ này có thêm bà bác sĩ nữa ta ! Mámì ra trường hồi nào vậy ?”
--“Đừng có mà đánh trống lãng .” Cô nhà tôi cứng cựa, không nhượng bộ, nói bằng một giọng rất cứng rắn, và nghiêm túc nữa .

Chứ có phải là được uống “vô tư” vì không mất tiền đâu!

Tôi đành bưng cái chậu bonsai, để ngay nơi cái quầy trước mặt cô nhà tôi khi đứng rửa chén. Qua tàn lá, cô nhà tôi không thấy tôi ngồi xem TV bản tin lúc 9 giờ của đài 26 địa phương. Nhưng tôi cũng mất chổ để lon bia thường ngày vẫn được uống.

Trồng bonsai cũng tốt và thú vị, cho chúng ta cái cảm tưởng nhàn tản và vô vi. Nhà cháu tuổi trên năm “bó” rồi, thích chậu kiểng cá cảnh là chuyện dễ hiểu. Nhưng cô nhà tôi thua tuổi tôi xa lắm mà thích trồng bonsai, là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là cô ấy thích có cây trong nhà thôi. Còn chăm nom, tưới bón thì... không hề nhúng tay vào. Thoạt đầu tôi không hề ngờ đến điều ấy. Sau khi mua cây về, cô ấy bỏ lỳ nó trong nhà, không tưới mà cũng chẳng chăm. Cho đến một buổi sáng dậy đi làm chúng tôi thấy năm sáu cái lá xanh rụng chung quanh gốc. Chiều về, mươi lá xanh nữa rụng thêm.

Khi tôi bưng chậu bonsai ra ngoài sân thì mỗi cành chỉ còn lơ thơ vài cọng lá. Nom chậu bonsai bây giờ y hệt như cành cây khô trang trí trong nhà thờ ngày thứ Tư Lễ Tro. Tôi bực dọc :
--“Mámì không tưới cây à ?”
--“Việc của bố mà ! Bố không thấy em bận tay đây sao ?”

Nó là cây đa. Nó cần nắng, cần nước, cần cả ánh trăng ban đêm.

Cổ tôi nghẹn lại. Lâu lắm rồi tôi mới bị nghẹn. Ngày xưa lúc còn bé tí, học tiểu học, đi chơi về đói bụng, tham lam và cơm. Miếng cơm nghẹn ngang cổ họng , mẹ phải vỗ vào lưng, cục cơm mới trôi xuống. Nước mắt ràn rụa. Sau đó còn bị một trận đòn về cái tính mất nết này. Tôi không nói được một tiếng nào, nhìn sững cô nhà tôi rồi đi uống nước. Lòng thầm nhủ: “Từ từ. Không vội. Chuyện đâu còn đó. Đừng có nóng.”

Tôi đi ra chậu cây bonsai, cái nhãn giấy còn gắn dưới gốc, đề chữ màu xanh to, “banyan”. Thì ra là thế. Nó không phải loại cây trồng mãi trong nhà. Nó là cây đa. Nó cần nắng, cần nước, cần cả ánh trăng ban đêm. Mỗi ngày ít là một tiếng phơi nắng trực tiếp. Khi tưới không chỉ dội nước lên trên, mà còn phải ngâm cả chậu vào nước vài phút, cho nước thấm vào tận từng nhánh rễ nhỏ nhoi bên dưới. Người ta đã chỉ dẫn rành rẽ mà cả hai vợ chồng không chịu đọc. Để đến lúc nó héo rũ ra, rụng hết lá thì đổ trách nhiệm cho nhau .

Nhìn bọt không khí sủi lên từ gốc cây bonsai chìm trong thau nước, tôi chột dạ: Không chỉ cái cây bonsai này mà còn có nhiều điều khác chính mình đã lơ là : Cô ấy thúc dục và chăm cho hai cháu học đờn, còn chuyện học hành ở trường thì giao cho tôi: -“Mámì ít chữ, giao cho bố coi sóc hai đứa học hành đấy . Kẻo rồi “bố tiến sĩ mà con thì đốt sách !” Tôi chưa làm gì cho ra hồn . Chỉ mỗi tối đi làm về hỏi con cho có lệ : “Bài vở có gì cần bố check không ?” Lẽ ra còn phải dạy thêm, giúp con học thêm, cùng giở sách mà học với con, đừng để chúng cứ dán mắt vào cái computer chơi game trên mạng. Còn bài giáo lý cuối tuần ở Nhà Thờ. Còn bài học tiếng Việt mỗi Chúa Nhật. Còn bao nhiêu điều quan trọng cần phải chăm sóc hơn cây bonsai. “Việc của Bố mà.” Cô ấy nói đúng .

Hãy đấm ngực mình cái đã, rồi hãy cãi lại vợ. Ít ra một lần nhân mùa Chay này .

Tôi đưa chậu cây bonsai để ngay trước khoảng sân ximăng trước cửa ra vào dẫn ra sân sau.

Ngồi ở ghế sopha nhìn ra, thấy cây rung rung cành lá chỉ còn vài cọng lưa thưa trong bóng đèn hắt ra, tôi cầu mong cho cây hồi phục . Quay lại nhìn hai cậu nhỏ đang dán mắt vào cái màn hình, tôi cao giọng :
-“Anh Em, Tắt máy. Lấy bài ra cho bố check !”
-“Anh không có homework hôm nay. Anh có assistant teacher hôm nay .”
-“Thì lấy bài tiếng Việt ra cho bố đọc chính tả.”

Cô nhà tôi vẫn yên lặng rửa chén, không nhìn lên, tuy biết ba đứa đang len lén nhìn mình. Hai đứa nhỏ vừa lên cầu thang lấy bài học vừa nhìn mẹ cầu cứu. Còn “đứa lớn” nhìn để chờ báo cáo.
-“Bố ! Tuần tới Spring break, nghĩ học. Không có bài .”

Cô nhà tôi chận ngay:
-“Vẫn phải học bài cho mẹ . Có ngày nào con nghĩ ăn không ? Ba bố con lấy bài ra mà học đi.”

Mãi tới ngày 10 tháng Ba mới là Spring break, vậy mà chưa tới ngày 8 tháng Ba, đã có người cuồng lên rồi, trời ạ .

Ba bố con ngồi xúm xit trong một góc phòng khách. Bố nhẩn nha đọc từng câu. Hai chú nhỏ cắm cúi viết bài chính tả, môi bặm cố gắng cách khó nhọc. Tuy đã lập đi lập lại nhiều lần , nhóc em vẫn yêu cầu :
-“Bố đọc lại lần nữa đi.”

Tôi nhẩn nha:
-“...nữ giới không chỉ được tôn vinh - Phẩy”
Tôi lập lại ba lần.
- “được tôn vinh - Phẩy”
-“ca ngợi – Phẩy”
-“ca ngợi – Phẩy.”
-“mà còn được giải phóng khỏi các công việc nội trợ thường nhật - Phẩy.”

Tôi thở dài nói lớn
- “Câu cuối nha... Nhường chỗ cho các ông chồng đảm trách mọi việc. Chấm hết.”

Không cần nhìn lên, tôi biết có người mỉm cười hài lòng .

Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 8 tháng 3 năm 2007



Trích từ Chuyện Nhà tôi by KHG Press.

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.