Chiên hay Dê ?

Seeing

 

 

Tiếp nối dòng tư tưởng của Chúa Giêsu được Matthêu ghi lại ở chương 25, Chúa Nhật ngày 20 tháng 11 năm 2005, chúng ta được Giáo hội mời nghe đoạn tiếp, nói về cuộc chung thẩm của “Con Người”.

“Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái “ ( Mt 25: 31-33)

Năm nào chúng ta cũng được nghe đoạn Tin Mừng này. Chúa phân chia dê một bên, chiên một bên. Cả hai bên tả hữu, cả hai bên tốt xấu, cả chiên lẫn dê đều ngạc nhiên sửng sốt khi Chúa khen thưởng và ra án phạt. Cả hai bên đều không ngờ Thiên Chúa lại phán xử theo tiêu chuẩn bất ngờ này: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." ( Mt 25:40- 45)

Câu kết án chỉ khác câu khen thưởng bằng một chữ KHÔNG : "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."

Chi tiết thú vị mà hầu hết các vị thuyết giảng đều khai thác, đó là đám dê bị kết án vì những “tội quên tội sót - péchés d’omission - sins of omission”

Họ không hề làm hại ai. Họ bị kết án chỉ vì chẳng làm điều gì tốt cho ai !

 

Các đoạn Tin Mừng trong mấy tuần vừa qua đều nhấn mạnh đến cái thứ tội “quên sót làm điều thiện” này. Năm cô phù dâu quên không mua dầu thắp đèn. Chàng đầy tớ thứ ba chôn tiền, quên làm lợi cho chủ. Hôm nay, đến phiên những “con dê” quên giúp đỡ kẻ khó, kẻ nghèo.

Sứ điệp của Chúa rất rõ ràng. Lệnh truyền “Những gì các người muốn người khác làm cho mình thì chính mình hãy làm cho người khác” quả là khó khăn hơn quy luật “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” của Khổng Tử. Khó hơn vì nó tích cực hơn. Nghĩa là sống như Mẹ Têrêxa chắc chắn khó hơn là làm đồ đệ của thầy Khổng tử. Mẹ Têrêxa đã làm điều tốt cho kẻ khác. Khổng tử chỉ biết khuyên tránh làm điều xấu cho kẻ khác.

Tránh gây điều ác cho người khác chưa phải là “yêu” họ, mà mới chỉ là không muốn đụng chạm đến họ, hay coi họ như “không có” .

 

Lùi xa hơn nữa, chủ đề này đã được manh nha cách nay bốn tuần, khi một người thông thạo Lề luật hỏi Chúa Giêsu “để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? “Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22:35-40)

Hai chi tiết thú vị nhà cháu muốn lưu ý các Bác. Trước hết, những người công chính ngạc nhiên: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? - Seigneur, quand nous est-il arrivé de te voir affamé et de te nourrir, assoiffé et de te désaltérer, étranger et de t'accueillir, nu et de te vêtir, malade ou prisonnier et de venir te voir ?”

Chúa đã trả lời, từ trên ngai: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."

Nghĩa là tất cả mọi người đều nghe thấy rõ ràng. Vậy mà, những con dê kia vẫn làm như bị điếc. Họ biểu lộ sự ngạc nhiên, và lập lai “y chang” câu hỏi : "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? -Alors ceux-ci lui demanderont à leur tour : "Seigneur, quand nous est-il arrivé de te voir affamé ou assoiffé, étranger ou nu, malade ou prisonnier, et de ne te point secourir ?"

 

1-

Điều thú vị đầu tiên đáng làm chúng ta ngạc nhiên là, những hành vi bị đem ra đối chất xét xử vào ngày chung thẩm: “đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù,” so với kinh Thương xác bẩy mối chúng ta thường đọc vào ngày Chúa Nhật “Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn - Thứ hai: Cho kẻ khát uống – Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc - Thứ bốn: Viếng kẻ tù rạc - Thứ năm: Cho khách đỗ nhà - Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi - Thứ bẩy: Chôn xác kẻ chết”, chúng ta chỉ thấy thiếu mối thứ bảy: “Chôn xác kẻ chết !

Thiên Chúa có xét xử dựa theo bảy mối kia không, bẩy mối thương linh hồn, mà sao Ngài không tra hỏi đến ?

“Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người - Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội - Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo - Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội - Thứ năm: Tha kẻ (khinh) dễ ta - Thứ sáu: Nhịn (nhục) kẻ (làm) mất lòng ta – Thứ bẩy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết”

Chẳng lẽ Chúa chỉ lo về phần xác cho kẻ nghèo hèn thôi sao ? Chẳng lẽ chỉ có Mẹ Têrêsa đáng được tán dương, còn các Frère Lasan, các Sơ Nữ Tử Bác ái, Domaine de Marie, các sơ Dòng Đức Bà Đi Viếng đều không có công cán chi trong ngày chung thẩm ?

Chìa khoá để hiểu đoạn Tin Mừng về cuộc chung thẩm này không nằm ở chi tiết án xử dựa vào tiêu chuẩn nào, nhưng là nằm ngay câu khẳng định: “là các con làm cho chính Ta”( Mt 25:40). Có thế mới lý giải được sự ngạc nhiên của cả chiên lẫn dê: “Làm điều tốt đẹp cho một người bé mọn là làm cho chính Chúa”.

Chiên chỉ nghĩ là mình đã giúp kẻ khó khăn quanh mình thôi, chứ nào có giúp Chúa. Dê thì to miệng minh oan: “Nào có thấy Chúa đâu mà giúp !” Ý muốn nói: “Những muốn giúp Chúa thôi. Có điều chẳng gặp Chúa bao giờ mà giúp !”

Như thế, chung quy tiêu chuẩn xét đoán ngày chung thẩm cũng chỉ là dựa trên điều răn “mới” của Chúa Giêsu : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em - Love one another, as I have loved you" (Jn. 15:12)

Và chủ đề của bài giảng trên Núi Oliu (Sau đó, lúc Người ngồi trên núi Ô-liu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: "Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế? " Mt 24:3) vẫn là những điều tốt quên làm cho anh em sẽ là tiêu chuẩn để chung thẩm chúng ta.

Chúng ta nghe được dư âm này trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo mang tên Lazarô.

Chúng ta nhớ lại dư âm này trong biến cố chàng Saolê trẻ tuổi thành Tarsô, khi ngã ngựa tại Damas. Saolê hiểu rõ hơn ai hết chân lý: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ.” (CvTđ 9:5)

 

Chân lý “là các con làm cho chính Ta” còn được minh họa trong sự tích đời thánh Martinô, người thành Tours. Vào thế kỷ thứ 4, Martinô mới chỉ là một quân nhân Roma trẻ tuổi, đang còn tìm hiểu đức tin Kytô giáo. Chàng gặp một người ăn xin đang run rẩy vì lạnh. Martinô cắt nữa tấm áo ngự hàn đang mặc và chia xẻ cho người ăn xin. Đêm ấy Martinô mơ thấy Đức Kytô đang quấn mình trong nữa tấm áo choàng. Một thiên thần hỏi Ngài: “Thưa Chúa, sao Ngài bận chiếc áo choàng này ?” Chúa Giêsu trả lời: “Martinô đã cho Ta đấy.” Sử gia Sulpicius Severus của Martinô chép thêm: Ngay sáng hôm sau, Martinô chịu Rửa tội vào đạo.

Trong ngày chung thẩm, Chúa Giêsu không hề đề cập đến tôn giáo, màu da, kinh nguyện hay bí tích. Ngài chỉ đề cập đến những nhu cầu vật chất của xã hội đói nghèo. Ngài không còn là một khuôn mặt xa cách. Nhưng Ngài đồng hóa mình với xã hội những người nghèo, những người cùng đinh.

Chính họ, những kẻ bé mọn nhất trong xã hội, sẽ phán xét lối sống của những kytô hữu. Chính họ đã xác định ai là chiên ai là dê. Như thế, trong ngày chung thẩm, Vua chỉ theo phận của từng người mà phân chia họ ra. Vua không hề đích thân ấn định ai là chiên ai là dê. Vua không phán xét.Vua chỉ phân rẽ chiên ra khỏi dê: “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”( Mt 25:32)

Chính các kytô hữu, tuỳ theo cách họ đối xử với những người cùng đinh đang nhan nhản trong xã hội chung quanh, đã tự ấn định mình là chiên hay dê trước khi ra vành móng ngựa.

 

2-

Chi tiết thú vị thứ hai là :

Những người công chính kể ra từng hành động cụ thế cho từng trường hợp : “đói mà cho ăn, khát mà cho uống, khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc, đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han

Những con dê lại chỉ dùng một động từ “phục vụ” cho tất cả mọi trường hợp: “đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa ?”

Bản dịch CGKPV dùng động từ “phục vụ - ministrare” của bản Vulgata, cùng bản tiếng Anh, New American Bible, “minister to your needs”.

Chỉ có bản Bible de Jerusalem dùng một động từ thích đáng hơn cho nhiều trường hợp như thế này. Đó là động từ “secourir”.

Nhưng động từ ministrare của bản latinh Vulgata hàm ngụ cho chúng ta một bài học, cho chúng ta cũng thấy được cái nguyên ủy của khác biệt giữa chiên và dê.

Động từ latinh “ministrare” có nghĩa là “attend (to), serve, furnish, supply”, mà nghĩa “phục vụ” và “trợ giúp” là mạnh nhất, thường được dùng nhất .

Dê nghèo nàn trong cách ứng xử với người chung quanh. Họ chỉ biết “minister – ministrer” mọi người chung quanh đang lâm cảnh ngặt nghèo .

Mà “minister”, theo thời gian, lại là một động từ nghi nghĩa, vừa có nghĩa “trợ giúp” vừa có nghĩa là “làm mục sư, làm quản xứ”. Khi thêm nhiều cao vọng, từ “minister” cho ta danh từ “Minister - Bộ trưởng”!

Âu đó cũng là điều oái oăm và gây nhiều mỉa mai. “Minister” là công việc mang tính cách cai trị nhiều hơn là phục vụ ! Dê muốn trở thành “minister- cai quản xứ, làm bộ trưởng ” hơn là “minister- phục vụ” người khác !

Dịch theo nguyên nghĩa hơn, “minister- ministrer” còn có nghĩa “thi hành một thừa tác vụ”.

Chiết tự chữ “minister” chúng ta thấy có hai bài học : “minis” có nghĩa là “kém hơn” , “ter” là “ba lần” hàm ý dạy rằng người thừa tác, người đầy tớ, người phục vụ phải hạ mình xuống ba lần kém hơn.

 

Vậy mà trong thực tế, minister thường là người đầy ải tôi tớ của mình.

 

 

  Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 9 tháng 11 năm 2005


Ghi chú



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.