Cô Ruth

Seeing

Khi truyền tin cho Mẹ Maria, thiên thần báo: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người” (Lc 1,30). Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu thuộc hoàng tộc Đavit .

Có điều bà cố tổ của vua Đavit, - bà sinh ra ông nội của Vua Đavit - vốn là một người lương. Có nghĩa là Chúa Giêsu không hẳn thuần máu Do thái trăm phần trăm. Chi tiết này khiến cho ta tản mạn ra được nhiều điều lý thú.

Toàn bộ câu chuyện về người phụ nữ này rất ngắn. Đọc cả câu chuyện chưa đến năm phút.

Nghèo, dân dã, lam lũ, nhưng hiền thục, đảm đang và đức hạnh. Truyện kể về cô không khô khan, nhưng bình dân, và mang mầu sắc đồng quê, bắt đầu bằng công thức thông thường của bất cứ truyện kể về một tích cổ nào. “Ngày xửa ngày xưa ...”

Vâng, câu truyện bắt đầu không hẳn như thế, nhưng cũng gần như thế... Để nhà cháu kể lại xem các Bác có đoán ra được hay không nhé.

Ngày xửa ngày xưa, thời các quan toà trị dân, có gia đình hai vợ chồng nghèo kia. Vì kế sinh nhai, vào lúc trong vùng có nạn đói kém, họ phải tha phương cầu thực. Họ rời quê cha đất tổ, tới vùng đất khách quê người sinh sống. Ở đó họ sinh được hai trai.

Hai người con lớn lên, lấy vợ bản xứ. Rủi thay, người chồng chết đi, và hai con trai, cột trụ gia đình, lại cũng mất sớm. Gia đình còn lại ba phụ nữ, một mẹ chồng và hai người dâu. Cả ba đành đoạn về lại cố hương.

Bà mẹ nói với hai dâu: “Thôi các con ạ. Trời đã bắt thế, mẹ cũng không khắc khe với hai con. Tang chồng đã mãn, hai con có thể về quê cũ mà tuỳ tiện đi bước nữa. Mẹ không bắt hai con phải theo mẹ về giang sơn nhà chồng mà làm chi.”

Một dâu theo lời mẹ, về quê cũ, tự do lập lại cuộc đời .

Một dâu lại không thế. Nàng này khăng khăng quả quyết: “Không , con chẳng bỏ mẹ mà đi. Con sẽ theo mẹ. Mẹ đi đâu con đi đó. Mẹ người Do thái thì con cũng là người Do thái Mẹ thờ thần nào, con thờ thần đó.” Nghe con dâu nói lời chí tình, bà mẹ chồng không ép uổng nữa.

Hai mẹ con lếch tha lếch thếch trở về làng xưa. Đất đai ruộng vườn cũ không còn. Đã bán đổ bán tháo cho người mất rồi . Họ phải tạm trú ngoài bờ ruộng, rồi theo sau bọn thợ gặt mà đi... mót lúa !

May mắn gặp chủ ruộng tốt bụng. Ông này lại còn nhắc nhỏ thợ gặt cố ý bỏ sót lúa cho hai mẹ con mót.

Bà mẹ chồng nói với con dâu: “Con phải làm như vầy ... như vầy ...thì mới mong chuộc lại ruộng vườn.”

Nàng dâu cải trang lẫn trong đám thợ gặt, rồi đêm đó tìm tới chỗ ông chủ nằm ngủ, lén chui vào dưới áo choàng mà nằm dưới chân ông.

Nữa đêm về sáng, cựa mình, thấy có người nằm dưới chân, ông chủ ngạc nhiên. Khi ông chủ nhận ra mình, nàng dâu mới theo lời mẹ mà nói: “Con làm thế này là để mong ông chuộc lại đất cho gia đình.”

Hỏi ra ngọn ngành gốc gác, ông chủ nói: “Chưa được. Còn có một người khác họ hàng với cô gần hơn tôi. Mai tôi sẽ tính chuyện.”

Nàng về thưa lại với mẹ sự tình. Còn mang theo về sáu đấu lúa.

Sáng hôm sau, ông chủ tốt bụng ấy kêu người bà con gần kia, cùng với mươi người bô lão ra cổng thành và trình bày tự sự . Người bà con kia đồng ý chuộc lại đất. Nhưng khi biết muốn chuộc lại đất phải cưới nàng dâu goá này, thì ông chối bây bẩy .

Thế là người chủ ruộng danh chính ngôn thuận mới chuộc lại đất đai cho bà mẹ và cưới nàng dâu ấy.

Hai người sinh ra một cháu trai. “Họ đặt tên cho nó là Ôvết. Đó là cha của ông Giêsê, là ông nội vua Đavít.”

Một câu chuyện miền thôn dã êm đềm, có kết cuộc rất hậu .

Tên của người con dâu được đặt cho một cuốn sách Kinh thánh. Đó là cuốn sách duy nhất của bộ Kinh Thánh Do thái mang tên một phụ nữ.

Bà mẹ chồng mang tên Naomi. Nàng dâu tên là RUTH . Ông chủ tốt bung sau thành chồng mang tên Bôát. Toàn bộ câu chuyện xảy ra tại làng Bethlêhem .

Đó là câu chuyện của Sách RUTH.

Dùng lối văn ngày nay, viết câu chuyện lại cho đơn giản, đó là điều nhà cháu mới vừa làm phiền mắt các Bác, ở bài trên. Nếu đọc kỹ lại nội dung và để ý một vài chi tiết, chúng ta sẽ gặp không thiếu những điều lý thú có thể làm đầu đề cho cả một giờ Giáo lý Kinh Thánh . ...

Mời các Bác để ý dùm nhà cháu những chi tiết sau trong chuyện cô Ruth:

1- Mọi bản dịch đều gọi là Sách Bà Ruth. Tội chết ! Ai đâu mà già đến thế. Gọi người ta là “cô” thôi, được rồi. Mới một đời chồng và một mặt con “trông mòn con mắt”.Chính ông Bôát đã phải chú ý đến cô. Ông hỏi về cô hai lần. Lần đầu khi thấy cô đi mót lúa: "Cô kia là người của ai thế ?” (Ruth 2,5) Lần sau lúc đang đêm “rùng mình” tỉnh giấc, thấy cô nằm dưới chân mình. Chắc ông bị lạnh vì sương đêm ngoài đồng. Hẳn cô Ruth đã quấn hết cả chăn của ông: ” Ông hỏi: "Chị là ai? " Nàng đáp: "Con là Rút, tớ gái của ông.“ (Ruth 3,9)

Đấy là Kinh Thánh ghi sao thì nhà cháu ghi lại thế, chứ, để tự do, nhà cháu sẽ theo Cụ Nguyễn Đình Chiểu mà viết như sau: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái, ta là phận trai!” Rồi ông hỏi: “Người đâu tên họ là chi ? Khuê môn phận gái việc gì tới đây !“ mới thật đúng ý và hợp tình hợp cảnh, lại hợp cả văn hóa miệt vườn Lục Tỉnh .

Thôi thì từ nay ta cứ nhất trí gọi là Cô Ruth, thay vì Bà. Kẻo các Bà giận lên đấy.

2- Ban đầu nhà cháu cố ý dùng từ “câu truyện” để nói về câu chuyện kể lại trong sách cô Ruth. Thật ra đây không phải là một câu truyện, mà là câu chuyện. Có lịch sử tính hẳn hòi. Có người ta đoán tác giả là Samuel. Dù tác giả là ai thì câu chuyện cho ta một mốc lịch sử rõ rệt: “Thời các quan án còn trị dân” (Ruth 1,1) nghĩa là khoảng 1100 năm TCN.

Sách đã cố ý ghi lại một chi tiết quan trọng về gia phả Đức Kytô. Chắc hẳn đây là mục đích của sách Cô Ruth :

“Các bà hàng xóm láng giềng đặt tên cho đứa trẻ và nói: "Bà Naomi đã sinh được một cháu trai." Họ đặt tên cho nó là Ôvết. Đó là cha của ông Giêsê, là ông nội vua Đavít. Đây là dòng dõi của ông Perét:

Khétrôn sinh Ram; Ram sinh Amminađáp. Amminađáp sinh Nácsôn; Nácsôn sinh Xanmôn. Xanmôn sinh Bôát; Bôát sinh Ôvết; Ôvết sinh Giêsê; Giêsê sinh Đavít. “ (Ruth 4,17-22)

3- Chi tiết lý thú thứ ba liên quan đến một khoản luật của người Do thái . Nếu anh trai mất, thì em trai phải lấy chị dâu. Chính khoản luật này đã được các người nhóm Saduxê đưa ra để vấn nạn Chúa Giêsu về chuyện sống lại có hay không. Họ đưa ra công án, - một công án còn “thiền” hơn bất cứ công án thiền nào-: Có người anh cả lấy vợ, chết mà không có con. Người em trai kế lấy chị dâu, cũng chết không có con. Cứ thế hết bẩy anh em... Vậy nếu có chuyện sống lại, thì khi mọi người sống lại, chị ta là vợ ai ? hay của cả bảy người?

Ở đây, bà Naomi thở than với hai dâu : “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con. Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa. Cho dù mẹ có nói được: mẹ còn hy vọng, ngay đêm nay sẽ lấy chồng và sinh được con trai, thì chẳng lẽ chúng con cứ đợi mãi cho đến khi chúng lớn lên? Chẳng lẽ chúng con cứ ở vậy, không chịu lấy chồng? Không, các con ơi! Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm.” (Ruth 1,11-14) Bà không còn con trai cho hai con dâu lấy lần nữa. Dù bà có lấy chồng ngay đêm nay, liệu các con có chờ được không ? “Xuân xanh chẳng còn mãi. Má hồng rồi phai”. Chao ôi, đất lề quê thói này, ngàn năm sau vào thời Chúa Giêsu , vẫn còn thông dụng sau luỹ tre xanh Do thái.

Nghe giọng van lơn của bà Naomi: “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? “quả thực, lòng chúng ta thấy chua xót quá đi thôi. Thân phận phụ nữ sao mà thê thảm thế ? Chỉ nghe câu than này của một bà goá già nói với hai bà goá trẻ, quả tình nhà cháu mới thấy vừa thương cho vừa kính phục chức phận cao qúy làm mẹ của nữ giới. Sinh con là được đồng quyền tạo dựng với Thượng Đế. Mà một cung lòng trống trải hiếm muộn hẳn là dấu hiệu hẩm hiu. Cho mọi phụ nữ mọi thời mọi nơi .

4- Câu tâm sự thê thiết của Bà Naomi còn hé mở cho cho ta thấy rõ tình cảm giữa ba mẹ con. Hiếm thấy nơi đâu mà mẹ chồng lại hết lòng với con dâu như thế. Mẹ chồng chẳng hề tự ái thể diện gì khi tự thú với con dâu: “Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con. Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa.” Bà còn bộc bạch rõ hơn nữa. Khi bà biết cảnh ủ ê góa bủa của mình, bà càng thương cho cảnh goá bụa của hai cô con dâu trẻ : “Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm.” Ít thấy mẹ chồng nào mà thương con dâu như thế, mà hiểu lòng con dâu, và thức thời thông cảm con dâu như thế. Là phận mẹ chồng- nàng dâu mà không còn là tình cảm mẹ con, nhưng mang nhiều tình cảm giữa chị em gái thân thiết trong nhà với nhau. Không biết ngày nay có được bao nhiêu bà mẹ chồng Naomi như thế ?

Nói thế mà lòng thầm ao ước không biết có bao nhiêu bà mẹ chồng được như bà Naomi này !

5- Mẹ chồng đã qúy hóa, mà hai dâu cũng đẹp người đẹp nết .“Bà Naomi nói với hai con dâu: "Thôi, mỗi người chúng con hãy trở về nhà mẹ mình. Xin ĐỨC CHÚA tỏ lòng thương chúng con, như chúng con đã tỏ lòng thương những người quá cố và mẹ! Xin ĐỨC CHÚA cho mỗi người chúng con tìm được cuộc sống an nhàn dưới mái nhà một người chồng! " Rồi bà ôm hôn hai con dâu. Họ oà lên khóc. Họ thưa: "Chúng con muốn cùng mẹ trở về với dân của mẹ." ( Ruth 1, 8-10)

Họ thật sự gắn bó với Bà. Họ không muốn bỏ bà mà đi. Tuy cả hai đều là người địa phương, người vùng cánh đồng Moáb, nghĩa là người lương, họ đều muốn theo bà về làm người Do thái. Đó là điều đáng trân quý rồi. Họ sống hết tình với bà. Chỉ khi bà đuổi họ lần thứ hai thì cô dâu em mới nghe lời bà, mà ở lại vùng đồng Moab.

Bà Naomi thúc ép lần nữa: “"Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi! “ Cô Ruth thì cứ nhất quyết: “Mẹ đi đâu con theo đó.” Hai mẹ con lớn tiếng tranh biện. Nhưng nhờ thế mà chúng ta biết đựợc tính kiên định của Ruth: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa”

Hmmm. Ai trong chúng ta mà được như thế nhỉ ?

Khi thấy nàng Ruth “cương quyết” như thế, bà Naomi chịu thua và không thúc ép nữa. Bà biết rồi đây khi trở về thôn xóm Do thái, dưới sức nặng ngàn năm của đất lề quê thói cũ, phận gái góa sẽ là rất đáng thương. Bà không biết nàng Ruth có chịu đựng được không ? Tuân thủ 613 điều luật của Dothái giáo hẳn không phải là điều dễ dàng đối với một cô gái góa ngoại đạo. Trong số 613 điều luật này có 248 điều buộc nên làm và 365 điều tránh không nên làm. Liệu cô Ruth có ...

Ruth khẳng định: “Dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.”

6- Trước khi đi tiếp, chúng ta nên dừng lại một chút ở địa danh có tên là “Moab” này. Tên “Moab” có nghĩa là “của cha” (Ab= cha, bố). Nó còn có nghĩa là “vùng đất xinh tươi”. Cánh đồng này nằm phía đông của sông Giodan- sách Tin Mừng thường gọi là “bên kia sông” - dọc theo bờ sông trải dài xuống tận bờ Biển Chết. Hiện nay, vùng nay thuộc vào quốc gia Jordan.

Tên gọi “Moab” là tên của người vừa-là-con-vừa-là-cháu sinh ra do loạn luân giữa hai bố con ông Lot (Stk 19, 30-38). Oops ! Chắc chắn các Bác còn nhớ câu chuyện Kinh thánh này. Sau khi chạy thoát ra khỏi hai thành Sodoma và Gomora, bà Lot quay lại nhìn cảnh khủng khiếp. Lập tức bà hóa thành tượng muối. (Ai muốn có muối ăn thì cứ việc tò mò).

Ba bố con ông Lot chạy trú trong hang núi. Rồi người con gái đầu, có lẽ lây nhiễm nền luân lý suy đồi của Sodoma, hay cũng có thể cô nghĩ rằng thế gian lúc ấy chỉ còn ba cha con, cô đã phục rượu cho bố uống say rồi loạn luân với ông.

Người con/cháu sinh ra tên là Moab. Con cháu từ đó sinh ra đông đảo. Vậy cô Ruth là hậu duệ từ ông Lot mà ra .

Vùng đất này cũng là nơi dân Do thái đi ngang qua để tiến chiếm thành Giêricho, mở màn cho cuộc chinh phục Đất Hứa, sau 40 năm lang thang trong hoang mạc. Ông Môsê dẫn dân Do thái tới đây, rồi chỉ đứng trên núi mà nhìn về bên kia sông, là vùng đất mơ ước. Sau khi trao quyền cho Josua lãnh đạo (Dân số 22,1; 26,63 ; Joshua 13,32 ) ông lặng lẽ chết trên núi Nebô trong cánh đồng Moab này.

Hơn ngàn năm sau, Gioan Tẩy giả cũng bị Hêrôđê Antipas ra lệnh xử trảm tại nhà tù ở doanh trại Machareus, đóng tại vùng đồng bằng Moab nàỵ

Xưa kia, khi Lot rời chú mình là Abraham, ông nghĩ là ông tự lực được, không cần đến Abraham. Khi giầu có lên, hai chú cháu phải chia tay nhau. Lot đi theo và bám vào tài sản của mình. Ông không thiết tha gì đến thần linh của chú Abraham. Tù đó ông sa lầy trong vũng tội của những thị tứ sa đoạ.

Như vậy, khi cô Ruth khẳng định, “Dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.” thì cô đã thay mặt cho bao nhiêu hậu duệ từ gia đình ông Lot đi bước kết thúc cuộc hành trình dài trở về nguồn cội là Thiên Chúa của tổ tiên họ, Thiên Chúa của Abraham. Nói cách khác, Ruth đã sửa chữa lại những sai lầm của Lot.

Nếu thuận theo dòng suy nghĩ, chúng ta cũng có thể nói được rằng, khi cứu gia đình ông Lot, Thiên Chúa đã thấy qua hai người con gái của ông cả một hậu duệ đông đảo từ đó phát sinh cô Ruth - Vua Đavit - và Đức Giêsu sau này (Mt 1,1-17 ; Lc 3,23-38)

7- Ah, mà ở đây có điểm lý thú. Cô Ruth quyết định trở về sống tại Bethlêhem, đất Do thái, là đồng nghĩa với việc cô trở lại đạo Do thái. “Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” Cô đã tuyên tín như thế . Không vì học giáo lý, không vì đọc Kinh Thánh, không vì nghe Cha giảng, hay vì đi học trường Dòng. Cô “trở lại” chỉ vì lòng gắn bó với mẹ chồng. Với mẹ chồng chứ không phải với chồng ! Chồng cô đã chết. Hẳn bà Naomi phải sống như thế nào mới “gây ấn tượng” và truyền giáo cho con dâu một cách hiệu qủa như thế! Các bà SaoBiển ơi , mai sau khi có con dâu, liệu rồi ....Thôi nhà cháu không nói nữa. Nói vậy thôi cũng đủ hiểu.

8- Chúng ta đi tiếp, theo chân hai bà goá về làng Bết-lêhem. Ngày trở về, chân bước lê trên quãng đường đê, đến bên luỹ tre. Có nắng vàng hoe. Nhưng không có nhà xưa. Nhà cửa vườn tược đã bán hết. Đã thân gái góa, lại không nhà không cửa, không có tấm lưng đàn ông để nương tựa, họ phải sống ngoài đồng và đi mót lúa.

Còn có một chút may mắn. Đó là “Bà Naomi có một thân nhân bên họ nhà chồng, một người khá giàu, thuộc thị tộc Êlimeléc. Người ấy tên là Bô-át.” Nhưng người ta giúp ngặt chứ ai giúp nghèo, nên cần có cái may mắn thứ hai. Cô Ruth mót lúa tại ruộng ông nhà giầu Bô-át là bà con xa bên chồng này.

Sách Đệ Nhị Luật có ghi rõ một điều khoản rất nhân bản. Chương 24 câu 19 chúng ta đọc thấy: “Khi anh (em) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ; như vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho anh (em) trong mọi việc tay anh (em) làm.”

Hẳn trong toàn thế giới thời ấy, không hề có dân tộc nào mà có nền văn hóa cao bằng Do thái như thế. Các cô nhi quả phụ được lo lắng chu tất.

Ông Bôát còn đi xa hơn một bước: “Ông Bôát ra lệnh này cho các tôi tớ của ông: "Cho dù cô ấy có mót ngay giữa những bó lúa đi nữa, các anh cũng đừng nhục mạ cô ấy.Hơn nữa, các anh hãy để ý rút vài bông lúa ra khỏi đống lúa đã gặt và để lại cho cô ấy mót. Đừng trách móc cô ấy làm gì." (Ruth 2,15-16)

Quả là ông Boát giầu của cải lẫn lòng nhân ái. Có như thế, ba khuôn mặt đạo hạnh Naomi-Ruth-Bôát làm nên một mắt xích quan trọng trong Lịch sử Cứu Độ.

9- Qua sự rộng rãi của ông Bôát, bà Naomi nhận ra được ngay cơ hội hiếm có.

Bà nghĩ đến luật levirat.

Luật này được quy định như sau: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en" (Đnl 25,5)

Đâu là nguồn cội của luật này ? Các bậc thức giả thời đó tin rằng sau khi chết, nếu không có con cái, hồn người sẽ lang thang vất vưởng, không thể qua được cửa trời. Vì không con không cái, người đó không có chổ đứng trong đời sau. Họ phải lang thang tìm một thân xác để tái sinh hầu có thể sinh con đẻ cái.

Đó là lý do mà ông Gióp hiểu là “giá chuộc” khi nói rằng : “Nếu bấy giờ bên họ có một sứ giả, một người bảo trợ được chọn trong muôn người, để bảo cho con người biết bổn phận của họ. Người ấy xót thương họ và van xin: "Xin Ngài tha cho nó khỏi xuống mồ, tôi đã tìm ra giá chuộc." Da thịt họ tươi tắn như thời trai trẻ, họ mạnh mẽ như lúc còn thanh niên.”(Gióp 33:23-25)

Chúng ta phải hiểu luật levirat theo góc độ này. Khi vợ goá lấy em của người đã khuất là khiến cho ngươì chết được tái sinh trong đứa con mà vợ goá mình sẽ sinh ra. Thân xác con trẻ ấy sau này lại có khả năng sinh sản để cho hồn có thể tới chốn dành riêng cho mình cách dễ dàng .

Sách Gióp cũng ám chỉ đến điều này trong những câu 28-30 chương 33: “Người đã tha cho tôi khỏi sa xuống hố và cho được sống để nhìn thấy ánh quang." Đó là tất cả mọi việc Thiên Chúa làm cho người ta hai lần rồi ba lần, để lôi kéo họ lên khỏi hố, cho nhìn thấy ánh sáng cõi nhân sinh.”

Levir, tiếng Latinh có nghĩa là “anh (hay em) chồng”. Như thế luật levirat giúp cho người quá cố được “ấm lòng”, nếu không nói là gây thêm nhiều bổn phận -và phiền nhiễu- cho cả hai người còn sống.

Nếu chẳng may (hay may mắn cô nào “tốt tướng” - xin các Bà thứ lỗi cho cái tội lộng ngôn- , khiến cho) hai anh em cùng chết cả mà vẫn chưa có con, thì bổn phận thuộc về người họ hàng nào gần nhất, như tình trạng bà Ruth đây. Có điều, trong trường hợp này, goá phụ không còn bị buộc phải lấy người họ hàng gần ấy. Và người họ hàng này cũng có quyền từ chối cuộc hôn nhân với người phụ nữ “tốt tướng” này.

Đây chính là trường hợp chúng ta gặp thấy trong câu chuyện cô Ruth. Nhà cháu không tin cô Ruth lại có tướng sát phu theo quan điểm tướng số bình dân rẻ tiền VN như nhà cháu có ý ám chỉ, cho vui bản văn, trên đây.

Dĩ nhiên người em chồng cũng có tự do để từ chối cuộc hôn nhân, nếu thấy không “thích” chị dâu, hoặc không thích tính nết, hoặc vì cuộc hôn nhân quá tốn kém, phải bỏ tiền ra quá nhiều để chuộc lại tài sản của anh, lại còn phải đèo thêm bà chị dâu.

Nếu thế thì sao ? Nếu sau khi các bô lão đã hết lời khuyên mà chú nó vẫn khăng khăng không chịu, thì trước mặt mọi người, goá phụ sẽ tháo giầy chú nó, rồi nhổ nước miếng, càng nhiều càng tốt, vào mặt chú nó mà nói rằng: “Đó là phần của kẻ không chịu vực dậy gia cảnh của anh mình.” Từ đó nhà anh ta sẽ bị mọi người gọi là “nhà kẻ bị tháo giầy “?

Tại sao lại “tháo giầy”? Vì “đi giầy” cho ai là cho họ có quyền lợi, còn tháo giầy là truất quyền. Người cha nhân hậu , khi con mình hoang đàng trở về, đã thét lệnh cho các đầy tớ: “Mang giầy cho con ta đi, dem nhẫn cho con ta đeo, đem áo mới cho con ta mặc !” Mọi quyền lợi đều được hoàn trả và xác định .

10- Để tiến hành dự định, bà Naomi bảo con dâu: “Này, đêm nay ông phải rê lúa mạch dưới sân lúa. Vậy con tắm rửa đi, xức dầu thơm, khoác áo choàng vào, rồi xuống sân lúa. Con đừng cho ông nhận ra con trước khi ông ăn uống xong. Khi ông đi ngủ, con hãy để ý xem ông nằm chỗ nào, rồi đến lật góc chăn phủ chân ông mà nằm xuống. Ông sẽ cho con biết con phải làm gì." Rút thưa với bà: "Mẹ dạy gì, con sẽ làm tất cả." (Ruth 2,2-5)

Chúng ta hãy thong thả, đừng vội nghĩ hai bà toan tính những chuyện gì trắc nết.

Việc lật chăn phủ chân mà nằm xuống chỉ là một hành vi có tính nghi thức. Bản Kinh Thánh New American Bible phần chú thích câu này đã cho rằng : Vì tin tưởng vào hạnh kiểm của con dâu Ruth và tư cách của ông Bôát, bà đã bày cho con dâu lén nằm dưới chân ông trong đêm như thế. Một cách lạ lùng để con dâu tự giới thiệu mình và kín đáo bày tỏ hạnh kiểm của mình .

Mà quả thực ông Bôát đã nhận ra hạnh kiểm tốt của Ruth qua câu nhận xét của ông.

Không biết Ruth có ngủ được không hay là nằm đó mà thao thức.

Nhưng chắc chắn ông Bôát ngủ say. Ngủ say nên chẳng biết cô Ruth lén tới nằm dưới chân hồi nào.

Các Bác cho phép nhà cháu tập viết văn tả cảnh một chút.

Câu 22, cuối chương 1, cho ta chi tiết về thời gian: “Họ đã đến Bêlem vào đầu mùa gặt lúa mạch.” Lúa mạch bắt đầu gặt vào đầu tháng tư.

Chắc các Bác còn nhớ những câu thơ như “Tháng tư đầu mùa hạ, tiết trời thật oi ả....” “Ngày nóng băm bốn độ, Đèn sao khắp đế đô !”

Đêm đầu tháng tư, tiết trời oi bức. Chuyện ngủ ngoài trời không những không bất tiện mà lại còn là một cái thú. Thợ gặt rán gặt cho xong luá ngoài đồng rồi lợi dụng chiều về, lúc tắt ánh mặt trời, không khí dịu lại, họ đập lúa ngay tại bờ ruộng, cho tới khuya mới đi nghĩ. Và họ ngủ luôn tại ruộng vừa để cho mát mẻ, vừa để canh lúa !

Thêm một chi tiết thú vị chúng ta không nên bỏ qua. Đó là cô Rúth, theo lời mẹ, “lật góc chăn phủ chân” lén nằm dưới chân ông Bôát .

Người Do thái thường ngày mặc hai lượt áo. Áo trong, giống như áo các chú giúp lễ hay áo dài alba của linh mục chủ tế. Nó là cái áo thụng, do bốn thân vải may lại với nhau. Có giây thắt lưng. Nếu dài quá, thì người mặc sẽ kéo bớt lên phía trên giây lưng. Cho ngắn lại. Y hệt như chúng ta sau khi bỏ áo vào trong quần thì kéo bớt áo sơmi cho nó phồng ra, để lúc cúi lên cúi xuống cho thoải mái.

Đây là tấm áo mà chúg ta thấy tượng Đức Mẹ hay tượng Trái tim Chúa Giêsu mặc phía trong. Có giây thắt lưng bó ngang. Đây cũng là tấm áo mà bọn lính, lúc đóng đinh Chúa Giêsu xong thì chúng xé ra làm bốn phần, theo đường chỉ may. Để chia nhau .

Bác ĐVHạ đã làm bài hát “Chặng thứ Mười” về cái tấm áo trong này:

“Ngày con vào đời Mẹ may cho con chiếc áo hồng tươi.
Nhìn thân vải buồn từng manh tan hoang, xót xa vô vàn.
Nào đâu ngờ rằng, người ta manh tâm xé tơ kỷ niệm,
con mang trên mình, trọn đời hy tế, áo hồng đẹp xinh.”

Không thấy nhắc đến việc người Do thái mặc quần. Hầu chắc là không có ...Cho mát mẻ, dễ chịu .

Bên ngoài, người Do thái có một áo khoác. Đây chỉ là nguyên một miếng vải to. Người giầu thì bằng vải mịn, màu tươi sặc sỡ, đỏ hay xanh. Người nghèo thì vải thô hay vải gai. Giống như áo “toge” của người Lamã. Họ chỉ quấn quanh người. Phần còn dư thì vắt ngang cánh tay trái . Lúc đi đứng, họ phải dùng một cánh tay mà giữ vạt áo này. Nắng, thì lấy tà áo quàng trên đầu mà che. Tối, có thế dùng nó làm chăn và nệm.

Đó là cái áo choàng của Chúa Giêsu mà bọn lính đã đổ hột xí ngầu, “mà bốc thăm, ai được thì lấy.” Bởi lẽ nó không có đường may, mà chỉ là một khuôn vải to.” Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.Vậy họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được." ( Ga 19, 23-24; xem thêm Mt 27: 35; Mc 15: 24; Lc 23: 34 b)

Đêm Chúa Giêsu bị bắt tại Vườn cây Dầu, theo Tin Mừng Marcô, có chàng thanh niên, mình chỉ khoác một manh áo choàng, Như thế cũng đủ làm chăn và nệm để ngủ gnoài trời. Trong lúc hỗn quân hỗn quan, lính túm lấy anh ta, anh ta dùng chiêu “kim tiền thoát xác”, phải hy sinh tấm áo khoác này để thoát thân. “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng. “ (Mc 14,50-52)

Xin các Bác lưu ý, không cứ hẳn anh ta trần như nhộng. Nhưng khi chỉ mặc một áo trong, thì người ta cũng gọi là “ở trần” .

Trở lại với ông Bôát ngàn năm trước đó, cũng vào một tối đầu hạ, ông nằm ngủ ngoài bờ ruộng, dùng áo ngoài mà quấn làm chăn.

Nữa đêm giờ tí canh ba, cô Ruth, lén tới, vén góc áo choàng, chui vào nằm dưới chân ông .

Có vậy nó mới ra chuyện.

11- Chúng ta hãy để cô Rúth nằm yên vị dưới chân ông Bôát. Không nên “suy xa nghĩ gần” mà đẩy cô Ruth trăn trở nằm dịch lên trên.

Cô nằm đó, nằm im đó, trong đêm. Chờ số phận mỉm cười với mình.

Ông Bôát trở mình. Thấy lạnh. Bản văn nói rõ là ông “rùng mình”. Hẳn là phải nữa đêm về sáng, khi sương xuống nhiều, khiến ông bị lạnh. Cái áo choàng tuy rộng cho một người, nhưng không đủ giữ ấm cho hai người .

Bất cứ ai trong hoàn cảnh này cũng phải tỉnh hẳn cơn buồn ngủ. “Ông hỏi: "Chị là ai? " Nàng đáp: "Con là Rút, tớ gái của ông. Xin ông giăng vạt áo choàng ra mà phủ lấy tớ gái của ông, vì ông là người bảo tồn dòng dõi." (Ruth 3,9)

“Giăng vạt áo choàng ra mà phủ lấy” ai. Đó là lời đề nghị cưới xin.

Đọc lại Ezekiel chương 16 câu 8 : “Again I passed by you and saw that you were now old enough for love. So I spread the corner of my cloak over you to cover your nakedness; I swore an oath to you and entered into a covenant with you; you became mine, says the Lord GOD.”- Ta làm cho ngươi nẩy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nẩy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vải che thân. Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể loã lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - và ngươi thuộc về Ta. “ . Trong phần sấm ngôn này nói về lịch sử Israel, Ezekiel đã ghi câu sấm ví Israel như một thiếu nữ dậy thì.

Và hành vi “lấy chéo áo mà phủ lên người” là hành vi lập giao ưóc, giao ước hôn nhân. Cô Rúth nói rõ nguyên do. Cô nhắc đến luật levirat : “vì ông là người bảo tồn dòng dõi” .

Ông Boát, nhận lời. Ông ca tụng đức hạnh của Ruth. Việc cô Ruth không bỏ mẹ chồng mà về quê lập gia đình “theo đám trai trẻ”, mà lại gắn bó với “Thiên Chúa của Mẹ” khiến cô có uy tín và là gương sáng cho dân làng Bethlehem. Giờ đây cô lại “gánh vác giang sơn nhà chồng” bằng việc tìm cách “bảo tồn giòng dõi nhà chồng”, lại càng khiến cho ông Bôát hết lời khen ngợi, Và ông nhận lời : “Ông nói: "Này con, xin ĐỨC CHÚA ban phúc lành cho con! Việc hiếu nghĩa thứ hai con đã làm còn có giá hơn việc trước: con đã không chạy theo các người trai trẻ, dù họ nghèo hay giàu. Giờ đây, hỡi con, con đừng sợ. Tất cả những điều con sẽ nói, ta sẽ làm cho con. Vì mọi người hội họp ở cửa thành này đều biết con là một phụ nữ đức hạnh. “( Ruth 3. 10-11)

12- Ông Bôát là người cẩn trọng. Ông biết còn có một người bà con gần hơn ông. Nên ông phải hỏi ý kiến người này trước. Theo luật, ông này có quyền hơn Bôát trong việc chuộc gia sản cho bên chồng của Bà Naomi.

Sáng hôm sau, trước đông đủ mọi người ,có các các bô lão làm chúng , ông họ-hàng-gần này đồng ý chuộc lại gia sản cho bà Naomi. Nhưng khi được hỏi ý có muốn lấy goá phụ Ruth không thì ông lắc đầu: ”Ông Bô-át nói: "Ngày nào ông tậu ruộng chính tay bà Na-o-mi bán, thì lúc đó ông cũng phải lấy cả cô Rút người Mô-áp, vợ của người quá cố, để gia nghiệp người đó mãi mãi mang tên người đó." Người bảo tồn dòng dõi nói: "Thế thì tôi không thể dùng quyền bảo tồn đó được, để khỏi làm hại gia nghiệp của tôi. Xin ông thay tôi mà dùng quyền đó, vì tôi không thể dùng được."

Theo phong tục thời xưa tại Ít-ra-en, khi có chuyện liên quan đến quyền bảo tồn hay việc đổi chác, để xác nhận việc đó, thì người này cởi dép trao cho người kia. Đó là cách chứng nhận tại Ít-ra-en. Người bảo tồn dòng dõi nói với ông Bô-át: "Ông hãy tậu cho ông đi", rồi người ấy cởi dép ra. ( Ruth 3, 5-8)

Thật uổng cho ông. Vừa mất chiếc dép, ông mất cả chức làm “ông nội Vua Đavit”. Cả đến cái tên của ông, cũng không được Kinh Thánh ghi lại.

Ông chỉ được một “bãi nước miếng”.

Luật ghi rõ ràng: “Người chị dâu hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các kỳ mục, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói: "Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó!” Trong Ít-ra-en, người ta sẽ gọi tên người ấy là "nhà kẻ bị lột dép." (Đnl 25, 9-10)

13- Câu chuyện đến đây là hết. Và chúng ta có thể kết thúc như mọi chuyện cổ tích khác: “Và hai người lấy nhau, sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.” Vậy ông Bô-át lấy cô Rút, và nàng trở thành vợ ông. Ông đến với nàng. Nhờ ơn ĐỨC CHÚA, nàng đã thụ thai và sinh một con trai”. Câu13. “Họ đặt tên cho nó là Ô-vết. Đó là cha của ông Gie-sê, là ông nội vua Đa-vít”. Câu 17 .

Kết

Câu chuyện của goá phụ Ruth cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết thú vị về tập tục levirat, về hệ thống đất đai thịnh hành tại Dothái vào thời đó, về khoản luật Mosê giúp cho cô nhị quả phụ trong việc mót lúa.

Nhưng trên hết, chuyện cô Ruth cho ta một thí dụ điển hình về niềm tin gắn bó với Thiên Chúa của Ruth, tuy không phải là gốc Dothái, không thuộc dân ưu tuyển, nhưng qua niềm tin gắn bó của mình vào Thiên Chúa của người Do thái, cô đã trở thành tổ mẫu nổi tiếng của Đavít, và qua đó, của Chúa Giêsu !.

Ngày mai, nhà cháu sẽ đi mua cái áo choàng thật to, các Bác ạ !

Nguyễn đức Khang
Ngày 1 tháng 7 năm 2005



Trích từ Chuyện Nhà tôi by KHG Press.

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.