Đàn bà dễ có mấy tay

Seeing

 

 

Thường chúng ta hay gặp câu nói « Anh hùng gặp giai nhân ». Nhưng có khi nào giai nhân chủ động đi tìm gặp anh hùng ?

Chúng ta hãy đọc lại, đọc giữa hai hàng chữ, câu chuyện tình chết người sau đây trong Kinh Thánh, để có thể nói rằng không phải lúc nào người đàn ông cũng là thủ phạm duy nhất trong những chuyện đoạn trường.

 

« Trai anh hùng »

Vào khoảng năm 1030 trước khi Chúa Giêsu ra đời, vị vua đầu tiên của dân Do Thái là Saul và con trai là Jonathan tử trận khi giao chiến với quân Philistinh (1Sam 31: 1- 6). Ðavít, lúc bấy giờ chỉ là một tướng lãnh của Saul, được dân chúng các chi tộc miền Nam (Yuda) chọn làm vua (2 Sam 2:4). Khoảng bảy năm sau, các bô lão thuộc các chi tộc miền Bắc cử đại diện xin Ðavit làm vua luôn cả miền Bắc nữa (Israel) (2 Sam. 1-5). Từ đó Ðavit thống nhất sơn hà. Và quốc gia Do Thái hưởng được một thời gian hoà bình và phồn thịnh. Các lân tộc phải kiêng nể Do Thái.

Lúc bấy giờ Đavit mới nghĩ đến việc xây cho Giavê Thiên Chúa một Đền thờ. Từ trước đến giờ Hòm Bia Giao Ước tượng trưng cho sự hiện diện của Giavê ở giữa dân tộc của Người, đang được đặt tạm trong một cái lều, gọi là Lều Tạm, ở tại vùng Baala, xứ Yuda. Ðavít chiếm khu vực Giêrusalem, có ngọn đồi Sion, của bộ tộc Jebusites, đặt tên cho khu vực ấy là "Thành Ðavit" (City of David) (2 Sam 5: 7). Ông xây cất một dinh thự cho riêng ông và rước Hòm Bia Giao Ước về ở tạm trong khu vực ấy. Trong cuộc rước, Kinh Thánh ghi rõ như thế này: "Ông và toàn thể dân Do thái múa hát hết sức lực theo tiếng đàn cithara, đàn harp, trống, kèn, và thanh la." (2 Sam 6:5).

Có hai chi tiết chúng ta nên lưu ý khi đọc câu văn trên.

Vua Ðavit lúc bấy giờ đã rất nổi tiếng, là thần tượng của cả dân tộc Do Thái, vậy mà ông cũng không ngần ngại "nhảy múa và hát" trước mặt mọi người. Như thế ngoài tài đánh giặc, đóng góp quan trọng nhất của Ðavit cho quốc gia Do thái là lòng say mê âm nhạc của ông. Ông đã hấp thụ được khiếu âm nhạc này từ truyền thống người bản xứ Canaan và huyết thống Israel. Ông đánh huyền cầm (đàn harp) rất điêu luyện (1Sam 17:18). Nhờ tài nghệ này mà ông đã được cảm tình của Vua Saul (1Sam 17: 23).

Nhưng trước tiên ông còn là nhà thơ và ca sĩ nổi tiếng. Chúng ta nhớ sau khi thoát nạn Saul lùng giết, ông đã hát lên bài thơ này: "Chúa là chiến lũy của tôi, là đá tảng và là Ðấng Cứu độ tôi" (2 Sam 22:2 - 23:7). Chúng ta thường đọc trong Đáp ca ngày Chúa nhật. Khi Saul và con trai là Jonathan tử trận, Ðavit đã sáng tác và hát lên bài Ai ca 2Sam 1:19-27. Khi Abner chết, ông cũng hát lên một bài Ai ca khác thống thiết tương tự (2 Sam 3: 33-34).

Truyền thống Do Thái và Kytô giáo đều cho ông là tác giả của các Thánh Vịnh.

Ðúng ra chỉ một phần các Thánh Vịnh là của ông. Còn đa số là do Asaph, nhạc trưởng cuả Ðavit ( 1 SửKý 25: 1- 8). Asaph còn là người hướng dẫn và là người điều khiển dàn nhạc gồm 288 nhạc công của Ðavit (1 SửKý 25: 7). Salomon, con trai và là người kế vị Ðavit, tiếp tục kế thừa tài nghệ của vua cha và đóng góp cho văn hóa của dân Do Thái với cả 1005 bài hát. Toàn bộ vốn liếng văn hóa ấy, gồm thơ và nhạc, đều được truyền tụng lại cho đời sau dưới dạng các Thánh Vịnh. Ðó là các kinh người Do Thái dùng để đọc, để cầu nguyện và cũng là những bài hát để hát lên.

Chưa hết. Đavit đã đa tài , mà còn là một người đa tình.

Và vì thế “có vậy nó mới ra vầy”.

 

« Gái thuyền quyên”

Bà Bath-Schéba là vợ của Uria. Ông này người gốc gác xứ Khết. Uria là một quân nhân dưới trướng của Đavít. Ông được kể tên trong danh sách 30 lính giỏi, « dũng sĩ », của Đavít ( I Sk 11 :41 « U-ri-gia người Khết ») .

Kinh Thánh không ghi lại một điều gì đáng trách nơi ông, có chăng chỉ là một sự gắn bó quá mức ông dành cho Đavit, đến độ ông từ chối về nhà, khi ông đang mang một trách vụ.

Dĩ nhiên đa số các bà vợ không hài lòng lắm với cách hành xử này. Các bà không cho thái độ này là đáng khen, mà đúng hơn các bà cho là thiếu bổn phận với mình .

Chúng ta đừng quên chi tiết quan trọng cho câu chuyện: Kinh Thánh cho biết bà BathScheba là một phụ nữ đẹp lộng lẫy : « Nàng nhan sắc tuyệt vời » ( 2 Sam 11:2).

Khi Uria đi hành quân, hay lâm trận, bà Bath-Schéba, như mọi người vợ lính khác, phải chịu đựng nhiều ngày đêm dài vắng chồng. Điều này, vào bất cứ thời nào, cũng đều là một gánh nặng cho các bà vợ lính.

Vì có nhan sắc, bà Bath-Schéba có thể cho phép mình nghĩ rằng mình đáng được sống hạnh phúc. Thiếu thốn dễ dàng chuyển sang bất mãn, bà bắt đầu cay đắng với anh chồng chỉ cúc cung tận tụy cho chủ, mà lại ngây thơ lơ là chuyện trong phòng riêng.

Những ý nghĩ mới-thoáng-có-trong đầu ban đầu bị xua đuổi ngay, dần dà trở thành nỗi ám ảnh, cuối cùng trở thành nỗi khát khao .

Anh hùng đi gặp giai nhân đã đành, đàng này chúng ta có thể nói khác đi « gái thuyền quyên » đóng vai chủ động.

Đavit không phải là một người như mọi người khác. Ông có đủ mọi thứ trên đời : đàn hay, hát giỏi, đánh giặc rất « chiến », lại đẹp trai, và còn làm vua. Ông thừa sức làm nhiều trái tim say đắm. Nói tóm gọn Đavít là mẫu người đàn ông lý tưởng, nghĩa là « trên cả tuyệt vời » .

Như thế, so với Đavít, Uria đã ở thế hạ phong thấy rõ, tuy mình là chồng chính thức của giai nhân Bath-Schéba .

Đã thế nhà của Uria lại ở gần dinh của Đavít.

Thời ấy vì lý do an ninh, nhà cửa thường cất cao trên sườn đồi, và dĩ nhiên dinh thự của Đavit lại được dựng nơi cao nhất. Chỉ cần đứng từ thềm nhà, ông đã có thể nhìn bao quát khắp nơi! Giả sử có quân thù tiến đánh, lính canh của Đavit có thể phát hiện họ ngay từ lúc họ đang ở cách xa.

Nếu thấy rõ được kẻ địch từ xa, hẳn Đavit càng có thể thấy rõ hàng xóm láng giềng lân cận, nhất là khi hàng xóm láng giềng lại là một thiếu phụ đẹp tuyệt trần, ban chiều, xách nước lên sân thượng nhà mình để tắm …

« Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Đa-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem.

Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời.”( Sam 11 : 1-3)

Hiếm khi KinhThánh nói rõ chi tiết thời gian mùa màng như thế: « Lúc xuân về … »

Bắt đầu một câu chuyện tình dẫn đến một án mạng mà Kinh Thánh ghi rõ những chi tiết về thời gian như thế thì hẳn là quá độc đáo .

« Lúc xuân về… » Đây có phải là một lý do biện minh cho sự rạo rực xuân tình trong lòng người không nhỉ ? Chúng ta không biết chắc, nhưng rõ ràng, chi tiết « mùa xuân » cho chúng ta thấy ĐaVit đã cho lính đi hành quân vào mùa xuân, lúc thời tiết chưa quá nóng. Sức tinh nhuệ của quân sĩ chưa bị sức nóng mùa hè làm suy giảm.

Quân và tướng lâm trận kháng chiến. Nghĩa là Uria, chồng của giai nhân không có nhà. « Anh đi chiến dịch xa vời ». « Còn vua Đa vít thì ở lại Giêrusalem. » (2 Sam 11 :1).

Chúng ta có thể kết luận trận chiến không nguy kịch lắm. Tướng Giôáp có thể đảm đương.

« Vào một buổi chiều », sau giấc ngủ trưa, Đa vít đi dạo trên sân thượng.Hẳn là đã chiều cả. Nắng đã nhạt úa.

Có phải là tình cờ mà Đavit đi dạo trên sân thượng hôm ấy ? Hay có phải là tình cờ mà giai nhân vắng chồng Bath-Schéba lên sân thượng tắm vào chiều hôm ấy, đúng lúc ấy ?

Ở gần hoàng cung, hẳn bà không thể không biết đến giờ giấc sinh hoạt của vua, nhất là chuyện vua ra sân thượng đi dạo.

Sân thượng không phải là chốn khuê phòng, kín cổng cao tường. Ở gần hoàng cung, bà cũng thừa biết nếu mình lên sân thượng tắm, thì hẳn không phải để tránh những con mắt tò mò. Nhất là từ trên cao nhìn xuống, như từ sân thượng của dinh vua .

Khó có thể kết luận mọi chuyện chỉ là tình cờ . Tại sao giai nhân Bath-Scheba không tắm trong nhà, mà lại lên sân thượng tắm, vào giờ Đavít đi dạo trên và vào lúc Đavít không thể không thấy ?

Bath-Scheba giương ra một cái bẫy chết người. Người anh hùng Đavít, kẻ đã hạ chết anh khổng lồ Goliat chỉ bằng vài hòn đá ném trúng trán, đã thua dưới tay Bath-Schéba.

Thêm một bằng chứng: Sau này khi Đavit sai lính vời bà vào hoàng cung: « Vua Đa-vít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. » ( 2Sam 11:4)

Chuyện ngoại tình xảy ra đơn giản, tự nhiên, tuồng như là hai người đã có tình ý từ trước, chứ không thể ngờ đây là lần đầu tiên. Ta còn có thể nói chuyện xảy ra như là Bath-Scheba chỉ chờ có thế.

Kinh Thánh không ghi lại một lời phản kháng hay cự tuyệt nào của bà !

Cùng một hoàn cảnh tương tự mà, chỉ sau đó hai chương, ở chương 2 Sam 13, khi thuật lại chuyện toan tính loạn luân giữa Absalon và em gái ruột Tamar. Cả hai đều là con của Đavit.

Tamar đã cự tuyệt hết sức và chống cự đến cùng …Dù mà chưa xảy ra chuyện gì giữa hai người , vậy mà « Ta-ma lấy tro bụi rắc lên đầu, xé cái áo chùng dài tay cô đang mặc, đặt tay lên đầu, vừa đi vừa kêu la » (2Sam 13, 19), như thể cô đang thống hối tội lỗi.

Bath-Schéba không hề có thái độ như thế. Nàng chỉ bình thản báo tin : « Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đa-vít rằng: "Tôi có thai." (2 Sam 11 :5)

Một chứng cớ khác còn mạnh mẽ hơn góp phần vào việc khẳng quyết nàng Bath-Schéba đã có chủ ý từ đầu, đó là, mãi lâu sau này, khi Đavit đã qua đời, Kinh Thánh nói về vụ này như sau: « chỉ vì Đa-vít đã làm điều ngay chính trước mắt ĐỨC CHÚA, không bỏ qua một điều nào trong tất cả những điều Người đã truyền cho vua suốt thời gian vua còn sống, ngoài truyện ông U-ri-gia, người Khết. » (1 Vua 15 :5)

Nghĩa là Đavit chỉ đáng trách trong âm mưu giết ông chồng là tướng Urigia . Chứ còn chuyện tằng tịu với Bath-Scheba thì không đáng nói tới.

Nghĩa là Đavít chỉ là nạn nhân hơn là kẻ chủ động.

 

Một mẫu hậu nhiều viễn kiến

Những ngày đầu Salomon lên ngôi, máu đã đổ trong những cuộc tranh chấp và thanh toán nợ cũ. Bà Bath-Schéba, mẹ của Salomon đóng một vai trò không nhỏ trong việc đưa con mình lên ngôi.

Chi tiết tiên tri Nathan và bà mẹ Bath-Schéba toa rập nhau để can thiệp cùng với Vua Đavít đưa Solomon lên ngôi, cho thấy hai người rất thân cận với nhau. Nathan can thiệp vào việc triều chính đã đành, mà bà Bath-Schéba cũng năng nổ không kém.

Adonaijah, con đầu của Đavit, đã vụng về khi tiếm ngôi. Lúc vị vua già Đavít đang nằm liệt trên giường, Adonaijah không muốn thể thức xức dầu phong vương, mà chỉ muốn tự xưng vương.

Để cho công việc được thuận tiện, ông không mời hết các vị tai mắt trong triều, ông chỉ mời những ai ông thấy đồng tình với ông. Ông bỏ qua không mời Nathan, và dĩ nhiên bỏ qua Salomon. Theo phe ông, được hơn năm mươi người.

Điều lấm liếp đó khiến cho Nathan nghi ngờ.

Lập tức hai người, tiên tri Nathan và bà Bath-Schéba, cùng nhau lên kế hoạch làm sao cho Đavít nhanh chóng nhường ngôi cho Salomon.

Dù trong lúc dầu sôi lửa bỏng - Adonaijah và những người đi theo, lúc đó đang ăn mừng chiến thắng, - nếu chậm chân, không những Salomon không lên được ngôi vua mà cái mạng mình cũng khó có thể giữ được, hai người vẫn đưa ra được một kế hoạch khôn ngoan. Không hấp tấp nhưng nhịp nhàng ăn khớp với nhau và hiệu qủa.

Trước hết Bà “Bát Seva vào chầu vua tại ngự phòng.

Rồi khi “Bà còn đang trình bày với vua, thì ngôn sứ Na-than đến. Người ta báo tin cho vua hay có ngôn sứ Na-than đến.”(1 Vua 1:15, 22, 23)

Đó là chiến thuật “chúng khẩu đồng từ, sư ông cũng chết.

Lập tức kế hoạch có hiệu qủa: “Vua Đa-vít lên tiếng nói: "Mời Bát Seva vào cho ta." Bà vào chầu vua và đứng trước mặt vua. Bấy giờ vua thề và nói: "Ta thề nhân danh ĐỨC CHÚA, Đấng đã giải thoát ta khỏi mọi cơn quẫn bách: đúng như ta đã thề với ái khanh nhân danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ítraen, rằng Salômôn của ái khanh sẽ làm vua kế vị ta; chính nó sẽ ngự trên ngai ta, thay thế ta, và ngay hôm nay ta sẽ thi hành như thế. “ (1 Vua 1:28-31)

Thế là xong. Việc phế trưởng lập thứ đã được quyết định.

Sau này khi đã lên ngôi, Salomon rất nghe lời mẹ và kính trọng mẹ mình. Chắc vì đã thấy rõ nhờ công lao của mẹ mà mình được ngồi trên ngôi vua.

Khi bà tới yêu cầu Salomon dùm cho Adonaijah được “nàng Avisác, người Sunêm, làm vợ”, chúng ta thấy Salomon rất cung kính với mẹ mình.

Vua sấp mình chào bà và cho ngồi ngang hàng: “Bà Bát Se-va vào yết kiến vua Sa-lô-môn để thưa chuyện với vua giúp A-đô-ni-gia-hu. Vua đứng lên, ra đón và sấp mình chào bà; đoạn vua ngồi trên ngai, đồng thời cũng truyền đặt một ngai cho bà thái hậu, bà ngồi bên hữu vua. Bà nói: "Có một điều nhỏ mọn mẹ xin với con; con đừng ngoảnh mặt đi." Vua nói với bà: "Thưa mẹ, mẹ cứ xin, vì con sẽ không ngoảnh mặt từ chối mẹ." (1Vua 2:19,20 )

Từ cái buổi tắm trên sân thượng xa xưa kia, cho đến ngày nay ngồi cạnh con trên ngai vàng, hẳn bà Bath-Schéba đã mãn nguyện. Bà đã toan tính rất xa cho tương lai của mình. Hy sinh đời chồng cho tương lai của con và cái ghế hoàng hậu của mình.

Cho nên sau khi đứa con đầu chết đi, khi có đứa thứ hai là Salomon, bà đã không bỏ lỡ cơ hội nào để vun quén cho tương lai của mình và của Salomon.

Salomon đã khôn khéo sẵn, lại có bà mẹ nhìn xa thấy rộng, chắc chắn Adonijah sẽ thua. Mà đúng thế, Adonijah thua cuộc cũng chỉ vì không có sự giúp sức của bà mẹ biết viễn kiến như Bath-Schéba này.

 

Thay lời kết

Vua Đavit đã từng thống thiết về những tội mình đã phạm qua thánh vịnh 50 nổi tiếng, để đời:

Chúa ơi xin hãy xót thương, vì chúng con đã phạm tội …

Lạy Chúa xin xót thương con, vì lòng lành Chúa, theo lượng hải hà, hãy xóa bỏ mọi tội con. Rửa con cho hết mọi lòng tà, và tội tình con, xin Ngài thanh tẩy .

Bởi chưng tội ác của con, con đã nhìn nhận hết, không ai trách được lối Chúa xét xử người ta. Phản nghịch cùng Chúa, chỉ một Chúa thôi, con đã phạm tội. Từ lòng mẹ, con đã là bất chính.

Thế còn Bath-Schéba ?

Khi gặp trong Kinh Thánh các đoạn liên quan đến vua Salomon, có khi nào chúng ta thắc mắc không biết bà Beth-Schéba có áy náy nghĩ đến người chồng xấu số đời trước của mình?

Tay bà đã vấy máu chồng. Vinh quang trên ngôi mẫu hậu có xóa nhoà được những vết máu này ?

Có bao giờ Salomon biết được hay thắc mắc về hoàn cảnh mình đã ra đời, hay vĩnh viễn bà Bath-Schéba mang theo bí mật này xuống mồ ?

 

  

 Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 10 tháng 9 năm 2008

 

  


 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.