Đơn độc trong vũ trụ ?

Seeing

  

Fred Heeren

 

 

Nhân ngồi quây quần ăn tối chung bàn với các bè bạn mới quen, điều tôi học được đầu tiên là, hỏi xem người ta tin có các trí thông minh ngoài trái đất (Extraterrestrial Intelligence, ETI) không, thời y hệt như là hỏi về niềm tin tôn giáo của người khác. Nếu có ai nghi ngờ thì miệng sẽ há ra vì ngạc nhiên. Còn ánh mắt trừng trừng không chỉ có nghĩa “Chúng tôi không đồng ý,” mà còn là “Anh nói phạm thượng.”

Đừng có cho là tôi nói sai. Tôi không hề chống lại chuyện cho rằng người tiên tiến ngoài trái đất có khả năng chữa được bệnh ung thư, đau tim, và bệnh AIDS, như người ta vẫn thường giả thiết như thế. Tôi chỉ thích thú mong được nghe quan điểm và ý kiến của người ngoài trái đất về ý nghĩa và mục đích của sự sống. Tôi ao ước có ngay được giải pháp cấp thời cho những vấn đề chiến tranh/tội ác/nghèo đói mà người ta thường cho là một xã hội trưởng thành đã giải quyết xong. Tôi từng nghĩ rằng, nếu Ơn Trên thương ban cho được mọi điều tốt đẹp ấy, thời cứ lý mà xét, thì bước kế tiếp, chúng ta sẽ tiếp xúc được với một nền văn minh đã sống sót qua hàng triệu năm rồi. Nhưng tôi nghĩ các nhà thiên văn học hiện nay cho cơ may chúng ta tiếp xúc được với họ thật là nhỏ nhoi .

Không gì thúc đẩy niềm tin vào ETI cho bằng nguyên lý Copernic. Đó là ý kiến cho rằng chúng ta không chiếm vị trí ưu tiên trong vũ trụ. Nhiều người coi đấy là một định đề cần thiết để tiếp tục thành công trong công trình khoa học. Chúng ta được dạy là công tác khoa học bắt đầu với giả thiết cho rằng loài người chúng ta chỉ là tiêu biểu, chứ không ngoại lệ. Vì dầu sao chúng ta không thể làm công tác nghiên cứu khoa học với chỉ một vật mẫu duy nhất. Hơn nữa, lịch sử cho thấy ông Copernicus đã khởi xướng một tiến trình không thể dừng lại được: các nhà tư tưởng hiện đại lớn nhất thế giới đưa ra giả thiết, rồi chứng minh rằng Trái Đất không phải là trung tâmcủa vũ trụ, rồi Mặt Trời cũng không phải là tâm điểm, rồi giải Thiên hà của chúng ta cũng chẳng phải là cái rốn, và rồi cuối cùng, chẳng có trung tâm gì hết !

Copernicus đưa ra lý thuyết để chúng ta đi bước đầu tiên, và Galileo đã chứng minh chân lý của giả thiết ấy. Einstein đưa ra lý thuyết để chúng ta đi những bước cuối cùng, và những quan sát các giải thiên hà xa xôi của Edwin Hubble đã thuyết phục thế giới.

Nhà thiên văn Robert Jastrow, người thiết lập Viện Goddard của NASA, gọi thành tựu của Hubble là “bước dài cuối cùng trong biến chuyển của suy tư về vị trí loài người trong vũ trụ, từng được Copernicus khởi xướng.” Nhưng nguyên lý Copernicus của ngày nay phát biểu rằng: Không những vũ trụ không quay quanh Trái Đất, mà vũ trụ cũng không xoay quanh chúng ta , theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng .

Sau khi chứng minh rằng trái đất, mặt trời, và giải thiên hà chỉ là tiểu biểu, khoa học còn phải giải đáp vấn nạn loài người chúng ta cũng chỉ là tiêu biểu hay không. Chúng ta thiếu khẳng quyết tuyệt đối chắc chắn rằng chúng ta không phải là trung tâm, theo nghĩa quan trong nhất của từ này – cho đến khi có ai xác nhận được sự hiện hữu của các sinh vật thông minh ở đâu đó trong vũ trụ .

Đúng vậy, nếu chúng ta đặt vấn đề như thế, thì Robert Jastrow đồng ý rằng: còn phải đi bước cuối cùng trong cuộc cách mạng của Copernic. Nhưng trong cuộc nói chuyện giữa tôi với Robert vào thập niên 1990, ông nhấn mạnh rằng chúng ta sắp sửa đi bước cuối cùng ấy .

“Tôi nghĩ rằng loài người đang ở ngưỡng cửa bước vào một cộng đoàn rộng hơn, hoàn vũ hơn,” ông nói với tôi khi tôi đi thăm gia đình ông và thăm đài quan sát thiên văn trên đỉnh Wilson ở California, nơi ông giữ chức giám đốc. Lời ông nói mang đầy uy quyền như lời giáo hội phán ra, và như vang vọng từ mái vòm đài quan sát cao bằng 7 tầng nhà lầu sừng sững trên đầu ông, đài thiên văn mà ông gọi là “ngôi giáo đường dành cho công cuộc tìm tòi của nhân loại hiểu về vũ trụ.” Ông nói thêm, lần này bớt vẻ trịnh trọng: “Chẳng lâu nữa đâu chúng ta sẽ liên lạc được với họ .”

Ngồi trên chiếc ghế bằng mây mà suốt gần 80 năm Edwin Hubble từng ngồi hằng đêm, tôi cân nhắc khả thể này – và rồi quên khuấy nó trong lúc táy máy các cần điều khiển mở đôi trần nhà để lộ cả một bầu trời đêm, và xoay ống viễn vọng nặng 100 tấn ngang qua phòng, làm rung chuyển toàn bộ cấu trúc mái vòm chung quanh tôi.

Từng ngồi đó, ở độ cao một dặm trên thành phố Los Angeles, nhìn vào tiêu điểm của ống kính viễn vọng lớn nhất thế giới, ở vị trí chỉ huy toàn bộ công trình khoa học, hẳn Hubble cảm thấy cực kỳ quyền uy. Mà cũng lạ lùng , ông đồng thời cảm thấy bị đánh động bởi cảm xúc mình chỉ nhỏ bé, vì là người đầu tiên hiểu trọn vẹn rằng vị trí của chúng ta nhỏ nhoi làm sao trong cái vũ trụ vĩ đại này. Vào những năm đầu thập niên 1920s, nhờ chỉnh các núm điều khiển trong hằng trăm đêm dài lạnh lẽo, Hubble đã chụp được những hình ảnh làm bằng chứng cho thấy giải thiên hà chúng ta chỉ là một trong muôn vàn. Các đám tinh vân, lúc bấy giờ được coi như là những đám hơi nằm giữa các vì sao của giải Ngân Hà, giờ đây được xác định là vô vàn vô số giải thiên hà ở cách xa chúng ta mịt mùng, mỗi giải chứa hàng tỉ tỉ ngôi sao .

Bây giờ, bắt đầu một thiên niên kỷ mới, chúng ta cân nhắc để trắc nghiệm nguyên lý Copernic lần cuối cùng. Tại sao Robert Jastrow nghĩ rằng thế hệ chúng ta sẽ là thế hệ may mắn thực hiện được việc tiếp xúc này, ngoài sự kiện là thế hệ các nhà thiên văn thời ông sẽ không yên tâm nhăm mắt cho đến khi việc ấy xảy ra ? Chắc một điều là, những ống kính thiên văn SETI (Search for Extra-Terrestrial Intelligence) và những máy điện toán mới đã được thiết kế với độ bén nhạy và tầm hoạt động được nâng cao hơn rất nhiều.

Nhưng tiến sĩ Jastrow nghĩ đến các tín hiệu chúng ta phát ra hơn là chúng ta hy vọng nhận được. “Chúng ta là một thành phần rất dễ thấy trong vũ trụ hiện thời,” ông giải thích thêm: “Các sóng TV và sóng phát thanh – và sóng radar từ các trạm phòng thủ chúng ta phá ra – đang phát đi một tín hiệu báo rằng có sự sống trên hành tinh này .”

Robert Arnold, thuộc viện SETI, công nhận: “Những sóng điện từ nhân tạo trong sinh hoạt thương mại, giải trí và phòng thủ hằng ngày đã khiến cho Trái Đất có một chữ ký là tần số vô tuyến riêng biệt. Sóng ấy còn sáng hơn mặt trời.”

Theo Jastrow, “Điều này đã bắt đầu từ ba mươi năm trước đây, vào những năm 1930, khi những sóng điện từ ấy đạt được mức công suất một triệu watt.” Ông nói: giọng của nhà điều khiển chương trình Jack Parr cũng như chương trình I Love Lucy trên truyền hình là những mục tiên phong đã được phát tán vào vũ trụ. “Trong chu vi 30 năm ánh sáng chung quanh trái đất, có chừng vài tá ngôi sao. Nếu họ nghe được những lời ấy ba mươi năm trước đây, có lẽ họ đã đáp lời chúng ta rồi . Còn những ai chỉ ở cách chúng ta 15 năm ánh sáng, thì họ đã trả lời chúng ta từ 15 năm nay rồi. Câu trả lời của họ lẽ ra ngày nay đã tới chúng ta.”

Các nhà thiên văn khác cùng thế hệ với tiến sĩ Jastrow nhớ lại đã từng có cùng một niềm hứng khởi tương tự, nhưng những lo âu khác đã giảm bớt sự hưng phấn ấy: Eric Carlson. một nhà thiên văn thuộc Bảo tàng viện thiên văn Adler ở Chicago, nay về hưu, đã nói : “Tôi thì tôi thường mường tượng rằng các nền văn minh tiên khởi ấy đã từng thiết kế một hệ thống liên lạc nội bộ. Có thể các tia laser, hay một cái gì tương tự, chứa đầy thông tin về các nền văn minh khác, đã từng xuất hiện trong quá khứ của giải thiên hà... hiện thời đang lưu chuyển từ sao này đến sao khác trong thiên hà, và điều chúng ta cần làm là thu được thông tin ấy.”

Xác xuất chúng ta nghe được lời phúc đáp gần chúng ta như thế, dĩ nhiên còn tùy thuộc vào sự kiện giải thiên hà chúng ta có đông đảo các nền văn minh đến mức nào, và tùy vào chuyện các nền văn minh ấy tồn tại bao lâu. Hiện nay Carlson đang bận tâm xem xét chuyện gì xảy ra cho bất cứ nền văn minh nào trong vòng một tỷ năm, hay thậm chí ngắn hơn, trong vòng một triệu năm ? “Tôi thường nghĩ đến các giải thiên hà đại khái giống như một vườn hoa xuân. Có hoa nở sớm đầu mùa, có hoa nở muộn cuối mùa, như thế chúng ta có sự sống với ý thức nở rộ đây đó một thời gian. Và chúng có liên lạc với nhau vào cùng một thời điểm hay không, tôi không biết.”

Thế hệ các nhà thiên văn kế tiếp có thể vẫn còn cho rằng sự hiện hữu các nền văn minh ngoài trái đất thì rất “có thể lắm”, như George Smoot, nhà vũ trụ học của phòng nghiên cứu Lawrence Berkekey, đã nói với tôi: “Nhưng tôi nghĩ rằng xác xuất có sự sống gần chúng ta thì rất thấp.” Ông còn cẩn thận thêm: “Mà có sự sống nào khác trong giải thiên hà, ngoài chúng ta, hay không, tôi hoàn toàn không biết !”

Trong số các nhà thiên văn trẻ tạo được cho mình một tên tuổi có Charles Steidel, một người dẫn đầu nhóm nghiên cứu quốc tế của trường Đại học Kỹ thuật bang California, chuyên khám phá cách thức quan sát các giải thiên hà lùn có tuổi chừng 13 tỷ năm. Suy tư của ông phản ảnh đóng góp của kiến thức sinh học thế kỷ 21 thêm vào cho phương trình: “Tôi nghĩ xác xuất có sự sống mà chúng ta có thể liên lạc được thì rất thấp, vì có quá nhiều cách sự sống có thể phát triển.”

Ngay cả Robert Jastrow, người thường liên tục phát biểu về các nền văn minh ngoài trái đất hơn các nhà thiên văn khác mà tôi thường tiếp xúc, cũng có khi nghĩ lại. Khi tôi sắp cho in cuốn sách viết về vũ trụ luận hiện đại, ông đã đề nghị tôi bổ túc đôi điều về một phát biểu của ông nói về SETI. Thay vì nói “Chẳng bao lâu nữa, chúng ta rồi sẽ nghe được họ,” ông muốn tôi sửa thành: “Nếu sự sống là sự kiện phổ biến, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ nghe được họ .”

Seeing

Đa số dân chúng thờ ơ với những hiển nhiên mới phát kiến về vấn nạn ETI, cả bên thuận lẫn bên chống. Nhưng nguyên lý Copernic đã in sâu vào văn hóa bình dân, thường được phát biểu rằng nếu không có người ngoài trái đất thì hóa ra vũ trụ bao la ngoài kia hẳn “thật là quá ư hoang phí”. Bất cứ ông tài xế taxi nào hay bắt chuyện cũng có thể cho bạn biết rằng có đến hàng tỷ thiên hà, và mỗi thiên hà có hàng tỷ ngôi sao. Con số chính xác đòi hỏi rằng nguyên một giải thiên hà của chúng ta thôi, thì phải có đến hàng triệu hành tinh thích hợp cho sự sống, cho dù tỷ lệ các hệ thống ngôi sao có sự sống thì nhỏ. Nếu nói ngược lại thì tỏ ra rằng kiến thức khoa học của mình quả là mỏng .

Còn việc tiếp xúc thì được coi không còn là chuyện “nếu có” nữa, mà là “khi nào”. Phim ảnh đã dần dần dùng kỹ xảo để tạo ra những hiệu quả đặc biệt hơn, chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đối phó với ngày Trái Đất ngừng quay, khi chúng ta Tiếp xúc gần ở Cấp độ Ba [1*] với người ngoài hành tinh, hay khi SETI giúp chúng ta tiếp xúc. Loạt phim Thế hệ X và những chương trình kế tiếp đã giải trí chúng ta với Người Hành Tinh nhiều hơn là loạt phim Cao bồi, Da Đỏ hay Lính tráng cộng lại. Có lẽ không quá đáng khi nói rằng không có phim ảnh nào ảnh hưởng lên thế hệ dưới-ba-mươi-lăm cho bằng loạt phim Star Wars –Chiến Tranh các Hành Tinh.

Lòng đam mê người Ngoài Trái đất còn gia tăng nhiều hơn nữa trong thập niên vừa qua,. Loạt phim The Rockford Files trở thành The X-Files. Loạt phim đánh đấm Untouchables biến thành phim đánh nhau với người hành tinh Men in Black, rồi biến thể thành một loạt phim hoạt họa cho trẻ em. Còn chương trình phát thanh về khuya nổi tiếng nhất lại là chương trình quốc gia có khách mời đặc biệt là những người đã từng tiếp xúc gần với người hành tinh hay với dĩa bay. Họ đích thân kể lại câu chuyện gặp gỡ ấy .

Đối với vài người, đời sống cụ thể có vẻ còn lâu mới bắt kịp những dự kiến do các phương tiện truyền thông lèo lái - nên họ không nhẫn nại chờ thêm được nữa. Trong thập niên 1990s, các nhà phân tâm học ước lượng rằng, chỉ nguyên tại Mỹ, có đến 900 000 người cho rằng họ bị các người hành tinh bắt cóc, và con số này càng ngày càng gia tăng. C.D.B. Bryan, trong cuốn Close Encounters of the Fourth Kind, kể về việc “phát sinh một thứ rối loạn tâm lý mới” được ghi nhận nơi những người đã được điều kiện hóa trông ngóng những “vị cứu tinh đến từ ngoài không gian” có thể đem cho họ sự thành toàn mà họ không tìm gặp được trên mặt đất này.

Paul Davies, nhà vật lý lý thuyết, cho rằng người ta mong gặp người ngoài trái đất như một “đường dẫn đến Đấng Tối Thượng.” Đối với nhiều người, viễn cảnh của ETI là đang muốn thoả mãn một nhu cầu trước kia được tôn giáo thoả mãn . Cả các nhà khoa học

SETI cũng nói rằng họ bị thúc đẩy bởi một mục tiêu cao cả hơn là chỉ để thoả mãn nhu cầu hiểu biết. Họ nói cứ thử nghĩ đến sự bộc phát về tri thức, về luân lý, và có khi cả về tinh thần, có được nhờ nền văn minh với những hàng tỷ năm văn hiến !

Robert Jastrow suy nghĩ đến điều ấy ảnh hưởng thế nào trên các tôn giáo hiện hành. “Lúc chúng ta tiếp xúc với họ, hẳn sẽ là một biến cố làm đảo lộn mọi sự,” ông nói. “Chúng ta không biết truyền thống Do thái-Kytô giáo sẽ phản ứng ra sao đối với biến chuyển này, vì khái niệm cho rằng trong vũ trụ này, còn có những hữu thể cao hơn chúng ta, không chỉ về phương diện kỹ thuật, mà còn cao hơn về khía cạnh tinh thần và luân lý nữa , thời tôi nghĩ rằng, điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ lại các giáo lý cổ truyền của tôn giáo phương Tây.”

Theo nhà thiên văn Jill Tarter bên SETI, bất cứ tín hiệu nào chúng ta phát hiện ra, hẳn phải đến từ những nền văn minh từng xuất hiện rất lâu đời rồi. Sự kiện này, cộng với việc các tôn giáo đã tạo nên quá nhiều chiến tranh trên hành tinh này, có nghĩa là các tín hiệu đầu tiên chúng ta khám phá được, phải đến từ những hữu thể “chưa hề bao giờ có, hay chưa hề bao giờ kinh qua thời các tôn giáo có hệ thống,” bà từng nói thế trong hội nghị mới đây về khoa học/tôn giáo được Tổ Chức Templeton bảo trợ và tổ chức tại quần đảo Bahamas.

Các nhà khoa học và thần học khác tại hội nghị Nassau cho rằng các tôn giáo đa thần có thế sống sót sau cuộc gặp gỡ các người ngoài không gian, nhưng đa số nghĩ rằng tôn giáo phương Tây hẳn sẽ đến ngày tàn khi chúng ta gặp người ngoài trái đất. Steven Dick, nhà viết sử về khoa học, gọi chương trình SETI là “cuộc kiếm tìm mang tính tôn giáo” có thể giúp cho việc giao hòa khoa học và tôn giáo. Nhưng ông đinh ninh rằng khi điều này xảy ra, Kytô giáo sẽ chịu thiệt thòi, vì tôn giáo này không thể thích nghi với những hệ quả của ETI.

Tôi ngạc nhiên vì các học giả ngày nay quá mau mắn đọc nghi thức an táng cho niềm tin tôn giáo, vốn đã từng phát sinh nên những người hứng khởi đầu tiên với ETI. Suốt thời Trung cổ, những ai đọc sách kỹ lưỡng đều tin rằng không thể có “đa thế giới”, dựa theo lý luận của Aristotle. Vào nămn 1277, một hội nghị các giám mục họp tại Pháp đã lên án quan điểm này, và như thế đã chính thức mở đường cho nhiều người suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề đa thế giới.

Dù được giáo hội của mình khuyến khích hay khuyến cáo, nhiều kytô hữu lỗi lạc đã trở thành những người đề xướng hàng đầu cho ETI. Trong số này có Giordano Bruno và Nicholas ở Cusa (thế kỷ 15), Johannes Kepler (thế kỷ 16), Cotton Mather, nhà thanh giáo người Mỹ (thế kỷ 17), và Timothy Dwight, viện trưởng và mục sư của Yale (thế kỷ 18).

Chuyện người ngoài không gian có thổi tung đi bất kỳ tôn giáo nào hay không, dĩ nhiên còn tùy thuộc vào chuyện họ đã thật sự nói với chúng ta điều gì về Thượng Đế. Thói thường, các nhà duy vật cho rằng người Do thái giáo, Kytô giáo, Hồi giáo tin vào một Vị Thiên Chúa siêu việt, chắc sẽ gặp tin xấu. Còn niềm tin các kytô hữu đặt nơi Chúa Giêsu chết cho tội lỗi thế gian, đối với họ, xem ra đáng bị tranh cãi. Chúng ta phải dung hoà làm sao việc Chúa Giêsu chết cho mọi người, với sự hiện hữu của những sinh vật thông minh khác trong vũ trụ ?

Tuy nhiên, các kytô hữu hồ hởi với ETI có nhiều câu trả lời dành cho những kẻ hoài nghi:

1. Cuộc tử nạn hy sinh cứu chuộc của Chúa Giêsu là một biến cố chỉ xảy ra một lần có hiệu lực cho cả người ngoài không gian nữa. E. A. Milne, nhà vũ trụ luận của đại học Oxford gợi ý rằng các nhà truyền giáo ngày nào đó sẽ có cơ hội đi truyền giáo các giải thiên hà xa típ tắp kia.

2. Có thể các nền văn minh khác không sa ngã phạm tội, nên không cần cứu chuộc. C. S. Lewis, thuộc đại học Oxford, đã viết nhiều tiểu thuyết khoa học giả tưởng về các xã hội người ngoài không gian tốt lành như thế.

3. Thiên Chúa cũng đã nhập thể mang thân phận người ngoài địa cầu, bất cứ nơi nào mà họ sa ngã phạm tội. Các học giả và các ca sĩ nhạc rock ngã theo ý kiến này. Chúng ta nghe lời bài hát của Sydney Carter:

Who can tell what other cradle, High above the Milky Way, Still may rock the King of Heaven On another Christmas Day?

Biết đâu có nôi cỏ khác Cao cao trên giải Ngân Hà, Đang đong đưa cho Vua Trời ngủ Vào một ngày Chúa giáng sinh ?

Đa số những người tin có ETI đều còn mơ hồ về chứng cớ minh bạch nhất biện hộ cho niềm tin của mình .

Sau đây là những phát kiến khoa học và trào lưu mới chắc chắn tôi sẽ nêu lên dùng làm lý chứng nếu tôi phải tranh luận về sự hiện hữu của ETI trong buổi họp mặt ăn tối lần sau .

• Các hành tinh ngoài Thái Dương hệ. Một lần nữa nguyên lý Copernic được dùng để tiên đoán chúng ta sẽ tìm ra được các hành tinh vận hành chung quanh các ngôi-sao-giống-Mặt-Trời. Sau khi chờ đợi suốt đời, cuối cùng các nhà thiên văn đã nghe nói tới chúng vào năm 1995 .

Mãi đến gần đây, người ta chưa trực tiếp quan sát được một hành tinh nào ngoài Thái Dương hệ. Nhưng những tính toán chặt chẽ các giao động của ngôi sao chủ vị khiến các nhà tìm kiếm vững tâm rằng chúng hiện hữu. Các hành tinh ngoài thái dương hệ được khám phá đầu tiên có lẽ thuộc một hệ mặt trời có vận hành kỳ quặc, không phải vì các hành tinh được khám phá ra đều khổng lồ – đúng như dự đoán, vì đo đạc chúng dễ hơn – nhưng vì chúng quay trên một quỹ đạo gần sát ngôi sao chủ vị, khác với dự đoán của chúng ta về một hệ thái dương quen thuộc, có các hành tinh khổng lồ chứa toàn chất khí vận hành trên các quỹ đạo ngoài cùng. Như thế, xem ra thái dương hệ chúng ta có vẻ là một hệ hành tinh kỳ quặc .

Bà giáo sư vật lý thiên văn Virginia Trimble của đại học California, Irvine, đã phân định cái ý kiến chung trước thời có những phát kiến này, khi bà viết như sau : “Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà các hành tinh có bề mặt là đất đá cứng lại ở gần Mặt Trời hơn và đủ ấm để có nước ở thể lỏng, trong khi các hành tinh bằng hơi, khổng lồ theo kiểu sao Mộc, lại ở vùng ngoại biên, xa và lạnh lẽo của thái dương hệ.” Dùng “lương tri cùng với các kiểu mẫu qua máy điện toán,” bà đã tính được rằng “có lẽ giải Ngân Hà vẫn còn chứa đựng chừng 10¹º [nghĩa là mười tỷ] ngôi sao có thể quần tụ các hành tinh có bề mặt là đất cứng, và là môi trường thích hợp cho sự sống, trong hơn năm tỷ năm.” Bây giờ, các quan sát hiện tại của chúng ta trên các hệ hành tinh khác nhau, buộc chúng ta phải xét lại quan điểm chúng ta từng có về tính thông dụng của các hành tinh giống trái đất.

Các nhà khảo cứu về các hành tinh ngoài Thái dương hệ đã gọi vòng đai không gian chung quanh một ngôi sao, nơi có thể có sự sống, nơi nước có thể xuất hiện ở thể lỏng, là “vùng Goldilocks,”[2*] bởi vì vùng đó không quá nóng hay quá lạnh, để sự sống có thể xuất hiện. Lúc quan sát những hành tinh ngoài Thái Dương hệ, người ta thấy chúng, sau khi nằm trong vùng Godilocks một thời gian, lại trôi ngang qua vùng đó. Quỹ đạo của chúng mang hình bầu dục rất thuôn, nghĩa là nhiệt độ trên bề mặt của chúng thay đổi rất khốc liệt, nóng hơn Kim Tinh lại lạnh hơn Hỏa Tinh. Chính sự kiện những hành tinh khổng lồ này, trong quỹ đạo rất thuôn của mình, lại đi ngang vòng đai Goldilocks, đã xác định rằng không còn hành tinh nào nhỏ hơn, và thuận tiện cho sự sống hơn trong hệ mặt trời ấy, vì nếu có, thì các hành tinh khổng lồ này đã làm lệch quỹ đạo của chúng .

Seeing

Thầy trò học biết được từ trong báo Tin Khoa học rằng: “Các khám phá mới đây về các hành tinh khổng lồ vận hành trong các quỹ đạo gần sát ngôi sao chủ vị khiến các nhà thiên văn đâm ra bối rối về niềm tin tưởng trước giờ cho rằng, Thái Dương hệ của Trái Đất chúng ta, trong đó các hành tinh lớn phải nằm xa Mặt Trời, là mẫu mực cho bất cứ hệ hành tinh nào khác.”

Dĩ nhiên, còn quá sớm để, qua các phương pháp ấy, cho rằng Trái Đất chúng ta quả là hiếm hoi đến mức nào. Kỹ thuật tìm ra các hành tinh nhỏ hơn vẫn chưa được xác định. Trong hai thập niên tới, chương trình Origins của NASA sẽ triển khai một loạt các viễn vọng kính thiết kế trên không gian, hy vọng sẽ khám phá ra, không chỉ những giao động các hành tinh nhỏ có kích thước bằng cỡ Trái Đất gây ra (chương trình Space Interferometry Mission năm 2009), mà còn để đo các chữ ký hóa học của chính sự sống để lại (chương trình Terrestrial Planet Finder của năm 2012).

Cách vắn tắt, việc tìm thấy các hành tinh ngoài thái dương hệ có lẽ cung cấp một chứng cứ khoa học quan trọng nhất trong những năm gần đây ủng hộ cho sự hiện hữu của ETI. Nhưng tin tốt đẹp này có cái giá phải trả: Nguyên lý Copernic không còn được áp dụng cách ngon lành cho Thái Dương hệ chúng ta được nữa. Thái Dương hệ thân yêu của riêng chúng ta không còn là tiêu biểu, và những hệ hành tinh nào thuận lợi cho sự sống, nếu quả chúng hiện hữu, thì đều phải là những luật trừ, chứ không phải là luật chung - kể cả nơi các ngôi sao tương tự như Mặt Trời.

• Những tiến bộ của SETI. Những dụng cụ dò tìm mới, sắp được vào sử dụng trong tương lai gần, có thể rút ngắn những nỗ lực thu bắt những tín hiệu phát đi từ những nền văn minh xa xôi. Người ta có thể phê bình rằng những cuộc tìm kiếm trước đây không có đủ tầm bao quát - hoặc trong phương diện độ nhạy cảm của máy dò, tần số hay số lượng các ngôi sao trong tầm tìm kiếm. Các máy móc đo đạc mới chế tạo sẽ khắc phục những nhược điểm này, vì khả năng của chúng đã có những bước tiến tăng vọt.

Viện SETI ở Mountain View, California, gọi dự án dò tìm chính của mình bằng tên Phượng Hoàng, Project Phoenix. Đó là dự án có ngân quỹ dồi dào nhất từ trước đến nay. Không giống các dự án khác, dự án này cẩn thận dò tìm từng ngôi sao một, chỉ chăm chú lắng nghe những ngôi sao nào xem ra có khả thể nhất trong vòng bán kính 200 năm ánh sáng. Dự án Phượng Hoàng cứ chuyển đổi Hệ thống Dò tìm có Chủ đích, Targeted Search System, qua lại giữa các đĩa vô tuyến lớn nhất thế giới với nhau .

Vào tháng Chín năm 2000, Paul Allen, đồng sáng lập viên Công ty Microsoft và Nathan Myhrvold, người cộng sự của ông, đã giúp 12 triệu rưỡi đôla cho viện SETI để triển khai Mạng Viễn Vọng Kính Allen (ATA). Đó là một viễn vọng kính được thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc khám phá ETI. Một kiểu mẫu nhỏ đã hoàn thành, và toàn thể mạng ATA, gồm hàng trăm đĩa vô tuyến, kiểu đĩa bắt sóng vệ tinh đặt ở sân sau nhà, làm việc chung với nhau, đã theo dự tính bắt đầu hoạt động liên mạng trực tuyến vào năm 2005. Trong lúc này, Dự án Phượng Hoàng dò tìm 1000 ngôi sao, thì ATA sẽ dò tìm 100 000 ngôi sao, và nếu cần có thể dò tìm tỉ mỉ hàng triệu ngôi sao mỗi năm, tới những vì sao cách xa 1000 năm ánh sáng, hay xa hơn thế nữa.

“ Viễn vọng kính này sẽ làm được chuyện đó,” nhà thiên văn Seth Shostak của SETI cho tôi biết thế. Theo ông, mạng ATA sẽ quét một lượng sao cực lớn với một vận tốc nhanh đến mức, “nếu chúng ta có dè dặt tối đa trong ước lượng các nền văn minh có thể có “ngoài ấy” thì tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm ra được tín hiệu của họ trong khoảng vài thập niên tới.”

Nhưng có người không muốn chờ lâu đến như thế. Hơn ba triệu người đã tình nguyện tham dự vào cuộc kiếm tìm, hoặc bằng cách gia nhập mạng “phân tích điện toán chia phần –distributed computing” gọi là SETI@Home, hay còn tự ý thiết kế các dàn viễn vọng kính vô tuyến, như thành viên trong Liên đoàn các nhà SETI nghiệp dư.

“Tim chưa gì đã đập hồi hộp,” ông Shostak tâm sự, khi thoáng nghĩ đến viễn cảnh chẳng bao lâu chúng ta sẽ nghe được sự khôn ngoan của người ngoài địa cầu. Đó là một kinh nghiệm mà nhiều huyền thoại ở Thung Lũng Silicon đã bỏ ra hàng chục triệu để mong có được. Và các tay tài tử đã bỏ ra hàng chục triệu giờ của máy điện toán để mong cho kinh nghiệm ấy xảy ra sớm hơn

Một vài nhà phân tích của dự án SETI cho rằng Dự án Phượng Hoàng đã phí phạm tài nguyên của mình vào một chiến thuật đã lỗi thời. Nathan Cohen và Robert Hohlfeld, hai nhà khoa học của đại học Boston University, chỉ ra rằng chiến thuật dò tìm có chủ đích giả thiết rằng các nền văn minh ngoài Trái Đất có đông số hơn những quan sát mới đây cho phép ức đoán . Họ đề nghị nên quét tìm các vùng rộng hơn, dày đặc sao hơn trong vũ trụ, nghĩa là đặt cược vào số nhiều hơn là vào cái may mắn tìm ra được ETI qua những cuộc tìm kiếm từng sao một ở gần Trái Đất .

Nhưng Cohen và Hohlfeld viết rằng: “Ngoại trừ trường hợp ET thật sự có nhiều, và lúc nhúc như ruồi (điều này khó có thể xảy ra), thì các tín hiệu đầu tiên chúng ta có thể phát giác ra được hẳn phải đến từ một nguồn phát rất hiếm, cực mạnh và cách chúng ta rất xa.

Mẫu viễn vọng kính thời 1971, chỉ chú tâm chúi mũi quan sát các ngôi sao ở gần chung quanh đây, nay trở thành hơi ngây thơ, tuy đó là một kiểu mẫu đã được tính toán kỹ nhất vào thời đó.”

• Vận tốc chậm trong việc du hành vũ trụ - Slow Strides in Space Travel. Đối với những ai hồ hỡi với SETI thì mỗi vấn đề mới trong việc du hành không gian lại là một vấn đề đã được giải quyết. Những tiến bộ dễ dàng giúp chúng ta rút ngắn được khoảng cách đi lại trong thái dương hệ có thể hàm ngụ rằng chúng ta rồi sẽ có khả năng du hành qua lại giữa các vì sao – và các người hành tinh cũng có khả năng du hành dễ dàng như thế . Nếu vậy, chúng ta sẽ không cần đi tìm họ, mà có lẽ họ đã đến đây rồi .

Nhưng nay chúng ta đã qua năm 2001. Theo Arthur C. Clark, người đã đề ra cái mốc thời gian theo kiểu các tiểu thuyết khoa học gia tưởng, năm 2001 là năm loài người sẽ tiếp xúc được với các hữu thể có mức tiến hóa cao hơn, hay ít ra là gặp được một trong các sản phẩm của họ. Có tệ lắm, thì vào năm này, chúng ta đã có thể du hành tới các mặt trăng của Jupiter. Dự phóng của Clark vào năm 1960 thật ra không phải là hoang tưởng, khi xét đến sự kiện là chương trình không gian mới của chúng ta chỉ mất có bảy năm từ lúc đưa người đầu tiên vào quỹ đạo cho tới lúc đưa người đầu tiên lên mặt trăng.

Vậy tại sao cái bước ngắn đầu tiên đối với con người lại là bước nhảy vọt cần thực hiện trong công trình khám phá không gian thế kỷ 20 ? Mỗi năm qua đi làm trễ nãi chương trình gửi người lên Hỏa Tinh, lại nhắc chúng ta nhớ đến khoảng cách xa càng tăng theo luỹ tiến – và những khó khăn đi kèm – khi chúng ta cố đến được các vật thể nằm ngoài hệ thống Trái Đất -Mặt Trăng của chúng ta. Và vì thế những khoảng cách khó-vượt-qua ấy giải thích tại sao chúng ta chưa được người hành tinh thăm viếng .

Nếu công chúng ít biết về những lý do tốt nhất để tin rằng có các trí khôn ngoài trái đất, thì họ lại càng biết ít hơn về những lý do mới nại ra để nghi ngờ chúng không hiện hữu .

• Nghịch lý của Fermi được nhắc đến trở lại. Nghịch lý của Fermi, một thách thức đối với SETI, đã từng được thử và bị coi là thiếu sót vào thập niên 1950s, nay lại được nhiều người nói đến. Lần này, các chuyên gia từng chứng kiến những kỹ thuật mới về sức đẩy đã được mời vào cuộc, cho rằng nếu sự sống đã từng phồn thịnh trong giải thiên hà của chúng ta từ nhiều triệu năm rồi, thì toàn bộ giải thiên hà chúng ta hẳn đã bị chiếm làm thuộc địa từ lâu .

Tất cả bắt đầu từ buổi ăn trưa tại một phòng thí nghiệm ở Los Alamos mùa hè năm 1950.

Nhà vật lý người Ý nổi tiếng Enrico Fermi dùng viết hí hoáy trên tấm giấy làm khăn chùi miệng những ý nghĩ bất chợt nảy sinh lúc bấy giờ.

Kết luận của ông bắt nguồn từ tiền đề hiển nhiên là có hàng tỉ ngôi sao trong giải Ngân Hà của chúng ta “già tuổi” hơn Mặt Trời chúng ta, và sự sống là một tiến trình thông thường xuất hiện trong những điều kiện thuận lợi. Vậy các nguồn tài nguyên cạn kiệt trong các hành tinh và các ngôi sao đang lịm chết sẽ là những lý do rất mạnh thúc đẩy việc ra đi thám hiểm nơi khác để kiếm nguồn lương thực và không gian trú thân mới . Một vài nền văn minh, như nền văn minh chúng ta đây, có lẽ sẽ có những lý do khác nữa để ra đi lập thuộc địa, và chỉ cần một sắc dân có đầu óc mạnh dạn khởi sự, thì cuộc bành trướng sẽ phát triển theo hướng lũy tiến .

Fermi đã trình bày rằng, dù với một tốc độ cho là khiêm tốn nhất, thì mọi hệ hành tinh có thể ở được trong giải thiên hà, đều đã bị chiếm làm thuộc địa trong vòng triệu năm, chứ không cần chờ đến hàng tỷ năm đâu. Việc thuộc địa hóa toàn bộ một giải thiên hà có 10 tỷ năm tuổi già như giải Ngân Hà, đã có thể xảy ra trong một cái nháy mắt vũ trụ, không những một, mà là nhiều lần nữa kìa.

“Vậy,” Fermi hỏi: “Vậy thì họ đâu rồi ?”

Các nhà thiên văn học lập tức khai triển các giải đáp cho nghịch lý. Nhưng năm tháng càng trôi qua, mỗi câu giải thích càng trở thành mơ hồ. Vài người gợi ý rằng có lẽ vì các khoảng cách giữa các ngôi sao quá xa để các sinh vật có thể vượt qua nổi. Nhưng ngày nay, dù kỷ nguyên không gian của chúng ta mới đang trong thời kỳ ấu trĩ, mà các nhà vật lý và kỹ sư của NASA đã dự kiến được các chiến thuật lực đẩy nâng vân tộc lên đạt tới từ10 đến 20 phần trăm vận tốc ánh sáng, khiến cho các cuộc du hành liên hành tinh thành một khả thể, dù đối với chúng ta là những sinh vật có đời sống ngắn ngủi.

Khi tưởng tượng đang du hành với vận tốc bằng 10 phần trăm vận tốc ánh sáng và cứ cho là mỗi chu kỳ 400 năm có một cuộc di dân, các nhà thiên văn cho rằng chỉ cần 5 triệu năm là đủ cho một nhóm dân di cư đặt chân đến mọi vì sao băng qua giải Ngân Hà rộng bằng 100 000 năm ánh sáng này .

Vào thập niên 1970s, bốn nhà vật lý thiên văn, Michael Hart, David Viewing, Frank Tipler, và Ronald Bracewell đã độc lập công bố các khảo sát kết luận rằng khó mà tránh được Nghịch lý Fermi. Ngày nay, khi NASA đặt cơ sở cho những chiến lược lực đẩy mới, thì ý nghĩ cho rằng các nền văn hóa cổ xưa hơn cũng đã khai triển các chiến lược sức đẩy này từ lâu, lại càng tăng thêm trọng lượng cho lý luận của Fermi. Năm ngoái, Ian Crawford, nhà thiên văn người Anh đã viết: “Điều hàm ngụ rất rõ ràng. Nền văn minh nào đầu tiên có khả năng và có ý định đi chiếm toàn giải thiên hà làm thuộc địa , thời đã thực hiện điều đó từ lâu trước khi những người cạnh tranh khác có cơ thực hiện.”

Trong quá khứ, các nhà chủ trương có Người ngoài Địa cầu dưạ trên lý do là các yếu tố xã hội có lẽ đã ngăn cản họ thực hiện những chuyến viễn du xuyên vũ trụ. Biết đâu các nguời hành tinh không tích du lịch ! Biết đâu các nền văn minh đã tự huỷ diệt sau khi chế ra được bom nguyên tử . Hay biết đâu, theo “lý thuyết Sở thú”, Thái dương hệ của chúng ta đã được “để riêng”, không ai đụng đến, coi như là một “khu bảo tồn các sinh vật nguyên thuỷ”.

Nhưng cả đến Seth Shostak, nhà thiên văn của viện SETI, cũng hoài nghi về các giả thuyết ấy. Ông đã viết trong cuốn Sharing the Universe, rằng "Chúng ta không thể giải nghịch lý Fermi bằng cách lý luận rằng hầu hết các xã hội người ngoài vũ trụ đều tự hủy diệt hay không có khiếu bành trướng. Mà từng xã hội một đều phải như thế, nếu không thì những đại biểu của ít nhất một xã hội ấy đã là hàng xóm làng giềng của chúng ta trong vũ trụ rồi !”

Không phải tất cả, nhưng một vài nền văn minh hẳn có lý dó chính đáng để di cư khi ngôi sao chủ vị soi sáng họ cháy hết khinh khí và tắt ngúm . Hàng trăm triệu ngôi sao tương tự như Mặt Trời trong giải Ngân Hà của chúng ta đã rơi vào số phận này, biến vùng không gian diệu quang chung quanh chúng thành hỏa ngục, khi chúng nổ tung thành sao đỏ khổng lồ, hay co cụm thành những sao lùn trắng.

Vậy những người đề xuớng SETI phải làm gì ? Đa số vạch ra những thách đố vật lý cho việc du hành liên hành tinh. Trong thập niên 1950s, nhà thiên văn Frank Drake kết luận rằng chi phí về năng lượng cho những chuyến viễn hành như thế không chỉ là quá mắc, mà còn là bất khả. Không có gì bảo đảm rằng các hệ thống lực đẩy hữu hiệu hơn được thết kế hay các nguồn năng lượng rẻ tiền hơn được dành ra cho vận tốc cao.

Những kẻ tin có các nền văn minh tiên tiến ngoài Trái đất đã dùng chính vấn đề này để làm căng thẳng thêm cái nghịch lý Fermi. Họ cứ khăng khăng cho rằng các nền văn minh có kỹ thuật tiên tiến đã khai triển những kỹ thuật du hành liên vũ trụ và những nguồn năng lượng cao cấp. Dù sao Carl Sagan (xem chú thích 3* của người dịch )và các nhà tiên phong về SETI đã liệt kê các nền văn minh tiên tiến này dựa theo khả năng chế ngự và sử dụng năng lượng trọn vẹn nhiều vì sao hay nguyên cả một giải thiên hà . Dường như không phải vì thiếu nhiên liệu mà các xã hội ấy bị khựng lại không có đủ nguyên liệu để đẩy cuộc du hành với vận tốc thật cao. Trong lịch sử xã hội chúng ta, giá nguyên liệu thô và chất đốt, so sánh với tiền lương, đã hạ thấp cách lũy tiến trong vòng 150 năm qua. Vào năm 1983, chính Carl Sagan đã tiên đoán rằng khuynh hướng giảm giá có lẽ còn tiếp tục suốt ngàn năm tới .

• Những phân tích mới về kết qủa của SETI . Những phân tích mới đây về kết quả tìm kiếm bằng vô tuyến chỉ đem lại những hạn chế chặt chẽ hơn về số lượng và số loại các nền văn minh ngoài trái đất có thể có.

Vào năm 1961, tại hội nghị SETI, Frank Drake đã đưa ra một danh sách các thành tố, để định lượng các nền văn minh biết kỹ thuật, được dự đoán là đang hiện hữu trong giải Ngân hà chúng ta. Những người cộng tác với Drake đã gán các trị số cho mức độ thành lập các vì sao, tỷ lệ các ngôi sao có hệ thống hành tinh bao quanh, số các hành tinh có thể cưu mang sự sống, tỷ lệ các hành tinh đang có sự sống phát triển, và tỷ lệ nền văn minh có được kỹ thuật. Nhân tất cả các thông số ấy với nhau, họ đã xác định rằng có lẽ có chừng một triệu xã hội dùng tần số vô tuyến trong giải Ngân Hà của chúng ta. Một cách rất dè dặt, các nhà khoa học giả thiết rằng, có lẽ, chỉ một phầm trăm các nền văn minh ấy không tự làm mình nổ tung ngay sau khi biết đến khả năng nguyên tử. Nhiều người khác lại gán những trị số lớn hơn cho yếu tố này và nhiều yếu tố khác, nên họ đã đưa ra một con số còn lớn hơn .

Dự án đầu tiên của Drake, tìm kiếm các tín hiệu vô tuyến ngoài trái đất, đã trở thành tiên phong cho hơn 70 chương trình nhóm tìm kiếm vô tuyến khác khắp nơi trên Trái Đất, dùng những viễn vọng kính vô tuyến lớn nhất thế giới, và những chương trình điện toán phức tạp nhất để phân tích dữ kiện.

Tuy nhiên sau 40 năm miệt mài với kết qủa là con số không về SETI, các nhà thiên văn đã xét tại từng thông số một của Phương trình Drake, và lo ngại rằng một vài trị số của có thể là những ước lượng quá đáng.

Khi vẽ lại bản đồ các khoảng cách và cường độ sóng vô tuyến mà dự án SETI đã kiểm tra cho đến nay, nhà vật lý Andrew LePage của Massachusetts đã xác định được những loại nền văn minh nào có thể bị loại bớt khỏi danh sách. Danh sách này bao gồm những nền văn minh chỉ cao hơn chúng ta một chút (gọi la Loại I) cũng như những nền văn minh ở quá xa chúng ta mà lại chưa tiên tiến bằng chúng ta (Loại II và III). “Đây không phải là danh sách võ đoán,” LePage đã viết, “Trước khi các nhà khoa học bắt đầu quan sát, họ cho rằng, thực ra các nền văn minh loại II hay loại III là hoàn toàn thông dụng. Xem ra thì không phải thế .”

• Phương Trình Trái Đất Hiếm Hoi - The Rare Earth Equation. Ngày nay, Phương trình Drake đã bị thay thế bởi Phương trình Đất Hiếm [3*]. Tên do nhà địa chất học Peter Ward và nhà thiên văn Donald Brownlee đặt cho. Cả hai thuộc viện đại học Washington ở Seattle. Vì phương trình Drake dựa trên số lượng các hành tinh tương tự Trái Đất vận hành trên quỹ đạo chung quanh một ngôi sao tương tự Mặt Trời, hai vị Ward và Brownlee đã dùng những dữ kiện mới nhất để duyệt lại những ước lượng trước đây liên quan đến cả hai – và còn thêm nhiều thông số khác nữa – vốn đã bị bỏ sót, nay trở thành quyết định, vào phương trình.

Những điều thêm vào gồm gồm tỷ lệ sao trong vùng “ở được” của thiên hà, tỷ lệ các hành tinh giầu kim loại, tỷ lệ các hành tinh có một Mặt Trăng to, tỷ lệ các hành tinh có các sinh vật phức tạp nảy sinh (ngược lại với các vi sinh vật hay tảo), và tỷ lệ các hành tinh có số lượng thấp các biến cố tự hủy hoại hàng loạt .

Trong cuốn sách phát hành năm 2000 , “Trái Đất Hiếm Hoi – Tại sao sự sống phức tạp lại ít thông dụng trong Vũ Trụ, Rare Earth—Why Complex Life Is Uncommon in the Universe, Ward và Brownlee nhắc các độc giả: "Khi bất kỳ một thông số nào trong phương trình gần bằng không, thì kết quả cuối cùng cũng gần bằng không.”

Và họ kết luận: "Xem chừng Trái Đất quả thực là cực kỳ hiếm hoi !”

Sau đây là những lý do tại sao:

• Hành tinh khổng lồ toàn bằng khí - Special Gas Giant. Những hành tinh tương tự như Sao Mộc – Jupiter – có quỹ đạo gần sao chủ vị, hay có quỹ đạo rất lệch tâm, thường không chịu đồng hành với các hành tinh nhỏ mang sự sống gần chúng. Nên các hành tinh mang sự sống cần có quỹ đạo tròn và nằm trong “vùng Goldolocks”, Các hành tinh khổng lồ toàn bằng khí này sẽ đẩy các hành tinh nhỏ hơn ở lân cận mình văng ra khỏi quỹ đạo, đẩy chúng rơi vào sao chủ vị.

Còn những hành tinh khổng lồ toàn bằng khí mà “tốt bụng” như Sao Mộc và Sao Thổ, sẽ vận hành ngoan ngoãn trong quỹ đạo hình tròn, ở một khoảng cách vừa phải. Trong vị trí này, chúng đóng vai máy hút bụi cần thiết trong không gian. Chúng hút các sao chổi và các thiên thạch về phía mình, thay vì để chúng va chạm vào trái đất, như khi sao chổi Shoemaker-Levy 9 đụng vào Sao Mộc năm 1995.

George Wetherill, ở viện Carnegie tại Washington đã tính toán rằng, nếu không có Sao Mộc che chắn, các sao chổi sẽ đụng vào Trái Đất chừng 100 đến 10 000 lần nhiều hơn.

Điều đó có nghĩa là “chúng ta đã không còn hiện diện ở đây.”

Seeing

• Mặt Trăng Lớn -Large Moon. Người ta nhận ra là các hành tinh có sự sống nảy sinh được, phải thuộc hệ hành tinh song đôi. Các nhà thiên văn gọi sự kiện này là hệ thống Điạ cầu - Mặt Trăng. Nhiều người không nhận thấy rằng Mặt Trăng của chúng ta kể ra là khổng lồ so với kích thước các mặt trăng của các hành tinh khác trong Thái dương hệ , Khối lượng của Mặt Trăng đóng vai đối trọng điều hoà cho Trái đất. Nó cân bằng lực hút ngăn cho Trái đất khỏi rơi vào Mặt Trời hay văng vào Sao Mộc, nghĩa là khiến Trái đất đừng quá nghiêng trên trục xoay của mình.

Khi khám phá ra chi tiết này, nhà thiên văn Jacques Laskar ghi: "Khí hậu chúng ta được ổn định là nhờ một sự kiện ngoại hạng: Mặt Trăng.” Nếu không có một Mặt Trăng khổng lồ với quỹ đạo nằm xa Trái Đất một khoảng cách thích ứng, các nhà khoa học tiên đoán rằng Trái Đất sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng Hiệu ứng Nhà Kiếng, như trên Sao Kim, hay lâm vào đại kỳ băng giá vĩnh viễn, như Sao Hỏa hiện nay, nếu như sao này có nhiều nước hơn.

Tệ hơn nữa, hiện nay, đa số các nhà thiên văn nghĩ rằng Mặt trăng hiện hữu là do kết quả của một tai nạn diệu kỳ, có lẽ do một xác xuất một phần triệu, khi một hành tinh nhỏ hơn đụng vào Trái Đất đang trong giai đoạn hình thành, làm xước ra một khối khiến vỏ của mỗi hành tinh trong cuộc, được kết tạo. Rồi hành tinh đó lọt vào một quỹ đạo chung quanh Trái Đất.

Ward và Brownlee viết: “Để tạo ra được một mặt trăng khổng lồ như thế, vật thể đụng vào phải đúng tầm cỡ, đụng vào đúng chổ trên Địa Cầu, và đụng vào đúng thời điểm trong quá trình thành hình của Trái Đất.”

• Vị trí trong Thiên hà - Galactic Location. Giống như trong thương vụ điạ ốc, vị trí là tất cả. Những ngôi sao ở xa trung tâm thiên hà hơn Mặt Trời chúng ta sẽ có ít mật độ các nguyên tố nặng, cần thiết để tạo ra các hành tinh có núi đồi lởm chởm như Địa Cầu chúng ta . Còn những sao ở gần trung tâm thiên hà lại nằm giữa vùng sao dày đặc sao. Như thế khiến cho các hành tinh của mình chịu mức phóng xạ cao đến mức chết người. Những sao nằm ở cánh các thiên hà dạng xoáy ốc cũng gặp vấn đề tương tự. Đa số các sao di chuyển giữa các cánh thiên hà cũng không nằm cố định một vị trí .

Chỉ có Mặt Trời chúng ta là đặc biệt, vì vận hành trong một quỹ đạo tròn trong thiên hà

• Lớp vỏ - Plate Tectonics. Hành tinh có khả năng cưu mang sự sống cần có một lượng các nhiên tố phóng xạ tối thiểu, như uranium, để tạo ra nhiệt. Nhiệt này tạo ra từ trường . Nếu không có từ trường, lớp không khí sẽ bay thoát mất ra ngoài không gian. Cái nhân đầy phóng xạ sẽ hâm nóng lớp vỏ, khiến lớp vỏ dịch chuyển trên bề mặt.

Trong toàn bộ các hành tinh của Thái dương hệ chúng ta, chỉ có Địa cầu có đặc điểm này. [4*]

Lớp vỏ địa cầu tối cần thiết cho sự sống. Mà một loại các yếu tố khác lại rất quan trong để tạo thành lớp vỏ địa cầu này: Không những cái lõi sâu bên dưới cần có phóng xạ, mà lớp vỏ bên trên cần có đủ mức bề dày, còn lớp lót bên dưới phải đủ độ nhão, mà lại vừa độ dẻo .

• Vỏ đủ cứng - Just-Right Crust. Hai lớp vỏ hành tinh cần cấu kết với nhau cách thích hợp

Hai lớp phải có hai tỷ trọng khác nhau, để có thể nằm chồng và trượt trên nhau. Lớp nhẹ hơn thì nằm trên, vượt trên mặt nước tạo ra được các châu lục khô ráo và ổn định .

• Chu kỳ hâm nóng đúng lúc - Timing the Warm-up. Các nhà sinh học vũ trụ nêu lên sự cần thiết phải có một ngôi sao chủ vị thích hợp, gọi là sao nằm trong Dòng Chính, hay trong nhóm đa số, Nhóm Sao Lùn . Nhưng những sao trong dòng chính này càng ngày càng phát ra nhiều nhiệt lượng hơn, gây thành vấn đề cho các hành tinh vận hành chung quanh chúng. Trong trường hợp Địa Cầu, chúng ta biết rằng thời kỳ Mặt trời nóng dần lên, không biết sao lại đồng bộ với thời đại bầu khí quyển Trái Đất chuyền dần từ hỗn hợp khí hầm hập nóng như trong nhà kiếng sang hỗn hợp khí thoáng mát hơn như chúng ta đang hưởng hiện nay .

• Sự Bất tất của Sự Sống - Biological Contingency. Dù chúng ta có giả thiết rằng có rất nhiều hành tinh trong thiên hà của chúng ta thoả mãn đúng đắn các điều kiện thiết yếu cho sự sống xuất hiện, và rằng sự sống này cứ phát triển tuần tự nhi tiến, thì câu hỏi quan trọng nhất vẫn là : Có bao nhiêu sự sống sẽ chuyển hoá thành sinh vật thông minh ? Đa số các nhà sinh học và cổ sinh vật học nói rằng sự tiến hóa diễn ra không theo một hướng cố định nào, không theo “tiến trình tuần tự- ladder of progress.” Thay vì vậy, sự sống trên Trái Đất cho thấy rằng con đường tiến hóa tùy thuộc vào một chuỗi các biến cố không thể tiên liệu.

Xác xuất loài khủng long bị tiêu diệt bởi một thiên thạch rơi vào trái đất cách đây 65 triệu năm, để dọn đường cho chúng ta, là bao nhiêu ? Xác xuất của vụ bùng nổ vào kỷ Cambrian (khoảng 490-542 triệu năm trước), khi mọi cơ thể có cơ cấu như hiện nay xuất hiện gần như đồng loạt trong một khoảng thời gian ngắn, xảy ra trên các hành tinh khác, là bao nhiêu ?

Cuốn sách Trái Đất Hiếm Hoi của Ward và Brownlee kết luận rằng, mặc dầu sự sống ở dạng vi sinh có thể là điều thường gặp trong vũ trụ, nhưng sinh vật phức tạp (kể cả sinh vật chỉ phức tạp như con trùng thân dẹp flatworm) thì không. Họ tin rằng sự bùng nổ vào kỷ Cambrian, đột ngột phát sinh thêm khoảng 40 nhóm sinh vật phức tạp mới, đã không xảy ra. Thuyết của Darwin không tiên liệu được biến cố này. Và sự kiện là không có một nhóm thú vật mới nào (gọi là “nhánh - phyla”) đã từng tiến hóa trong suốt từng 530 triệu năm ấy, phải khiến chúng ta dừng lại mà suy .

Stephen Jay Gould, nhà cổ sinh vật học đại học Harvard coi trí thông minh của Homo sapiens “như là một sự hiếm hoi tột cùng.” Sự kiện chỉ có một loài trong số gần 50 tỷ loài phát triển trên hành tinh này sau 3 tỷ 800 triệu năm sự sống phát triển, khiến chúng ta phải nghĩ rằng trí thông minh cao độ có thể không phải là kết quả đương nhiên nhất từ chuỗi sự kiện tiến hóa.

“Nếu trí thông minh có một giá trị cao như thế,” Ernst May, đồng nghiệp của Gould tại đại học Harvard, cho biết, “thì tại sao chúng ta lại không thấy thêm các loài khác phát triển nó ?” Danh sách các nhà sinh vật và cổ sinh vật hàng đầu, được ghi nhận là bảo vệ cho lập trường này, thì khá gây ấn tượng, gồm George Gaylord Simpson, Theodosius Dobzhansky, Francois Jacob, và Francisco Ayala. Nhà thiên văn học người Anh ghi nhận rằng "có một sự đồng thuận thành hình giữa các nhà theo thuyết tiến hóa, cho rằng sự tiến hoá của sự sống thông minh, tương tự như khả năng xử lý thông tin nơi loài người - Homo sapiens , thì rất là “không cái nhiên” (improbable) đến độ khó mà có thể (unlikely) xảy ra nơi một hành tinh nào khác trong toàn thể vũ trụ quan sát được hiện nay.”

Các nhà chuyên môn trẻ tuổi hơn trong các lãnh vực liên quan tới thiên văn cũng gia nhập khuynh hướng này. Sau khi viết một bài khái quát về điều ông gọi là “ Ngõ hẹp trên đường đến thông minh,” Robert Naeye, chủ biên tờ Astronomy kết luận: “Trên Trái Đất, một chuỗi dài các biến cố không chắc sẽ xảy ra, lại xảy ra đúng cách, vào đúng lúc, khiến chúng ta hiện hữu, y hệt như chúng ta trúng số độc đắc liên tục một triệu lần. Ngược lại với niềm tin tưởng đang thịnh hành, có lẽ chúng ta là trường hợp đặc biệt.”

Ward và Brownlee cho chúng ta hay rằng, nếu quan điểm về tính hiếm hoi của sự sống phức tạp do hai người chủ trương, mà đúng, thì “sẽ có những hậu quả trong xã hội, hay ít ra sẽ có vài hệ lụy trên bình diện cá nhân.” Hai ông kết thúc cuốn sách bằng lời kêu gọi loài người Địa Cầu ngưng gây nên hoạ diệt chủng, vì có thể, khi chúng ta tận diệt những loài ấy, không chỉ làm chúng biến mất trên Trái đất này thôi, mà làm chúng vĩnh viễn mất hẳn trên toàn giải thiên hà. Một chủ biên tờ Chicago Tribune đã kết luận bài điểm sách hai ông bằng câu hỏi : “Nếu thật sự chúng ta đơn độc trong vũ trụ, tại sao chúng ta lại không chăm sóc nhau và chăm sóc chốn này tốt hơn ?”

Và đó là bài học luân lý của câu chuyện.

Thế còn “những hệ luỵ cá nhân” thì sao ? Dĩ nhiên, suy tư cặn kẽ về các người ngoài Trái đất là điều thú vị . Nhưng nếu sự sống thông minh là chuyện cực kỳ hiếm hoi như thế, thì câu hỏi quan trọng hơn là:

Tại sao chúng ta lại hiện hữu chốn này ?

Trong cuốn sách của ông nói về những người ngoài Trái đất., Paul Davies, một nhà nghiên cứu người Anh về vũ trụ luận và người say mê ETI đã viết rằng chúng ta chỉ có ba chọn lựa khi định nghĩa tại sao chúng ta hiện hữu ở đây: chúng ta mắc nợ cuộc hiện sinh chúng ta

-nơi một sự may mắn cực kỳ hiếm hoi, hoặc
-nơi những định luật mà chúng ta không biết, những định luật này ấn định rằng sự sống trong vũ trụ là nhất thiết phải có, hay
-nơi một phép lạ .

Davies loại bỏ ý tưởng may mắn như là “chuyện hoang đường”. Ông cũng loại bỏ khả thể phép lạ, và bám vào khái niệm mệnh lệnh của vũ trụ. Ông nói: Điều này cho ông “một vũ trụ trong đó chúng ta không đơn độc.” Ông hy vọng rằng, có lẽ, chúng ta sẽ tìm ra được một xã hội có tuổi hàng tỷ năm. Họ sẽ dạy chúng ta biết cách giải quyết những vấn đề của chúng ta. Nhưng nếu sự thể hiển nhiên hiện nay dường như chỉ ra cho chúng ta thấy rằng loài chúng ta không thông dụng đến độ lúc nhúc như ruồi, thì đặt hết tin tưởng vào mệnh lệnh vũ trụ kia là điều chẳng khôn ngoan tý nào.

Nói chung, chúng ta không có nguyên tắc đáng tin tưởng nào nói cho chúng ta phải tin điều gì về các người ngoài Trái đất. Tệ hơn, cả ba cách chúng ta chọn lựa để giải nghĩa sự sống – định luật, may mắn, hay phép lạ - đều đòi hỏi bước nhảy đức tin – leap of faith [5*].

Suy luận này là một cái tát vào mặt những ai đặt niềm tin của mình vào khoa học. Khẳng quyết cho rằng sự sống thông minh là một mệnh lệnh do vũ trụ quy định, không phải là một khẳng định khoa học. Vì như chúng ta đã thấy, mọi dữ kiện hiện tại đều chỉ về một hướng ngược lại. Cả các nhà sinh học lẫn các nhà thiên văn chẳng tìm thấy một tí gì là quy định nơi vô số các ngẫu nhiên cần phải thoả, bất chấp mọi nghịch cảnh, để chúng ta hiện hữu được tại chốn này. Kể cả Davies cũng nhìn nhận rằng ý nghĩ về quy luật nghiên về phía sự sống và trí khôn là “quá đủ khiến các nhà sinh học rùng mình ghê sợ.” vì nó biểu hiện “một thách thức tận căn chống lại hệ thống khoa học hiện hành.”

Tin rằng chúng ta là một may mắn, mặc dù điều này khiến lòng cả tin chúng ta biến dạng, thoạt nhìn xem ra thích hợpvới khoa học hiện đại, cho đến khi chúng ta chợt nhận ra rằng nó đi ngược lại với Nguyên lý Copernic vẫn từng được tôn trọng trong khoa học.

Mà Copernicus hay Hubble đã nói gì ? Hiện tại Copernicus có lẽ không đăng ký gia nhập nguyên lý đã từng mang tên ông, vì lẽ ông vẫn tin không nao núng rằng con người là trung tâm vũ trụ trong lúc vẫn tin Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời. Còn Edwin Hubble nên được đánh giá không chỉ đã là người đi bước cuối trong cuộc cách mạng Copernic, mà còn kết liễu nó .

Chẳng bao lâu sau khi khám phá ra rằng thiên hà của chúng ta chỉ là một trong muôn vàn, ông đã khám phá thêm rằng mọi thiên hà đang chạy trốn ra xa nhau, minh chứng cho một vũ trụ đang bành trướng. Các nhà khoa học thích cho rằng thời đại chúng ta chỉ là một khoảng tiêu biểu thời gian cắt ra từ cõi vĩnh hằng bất biến. Nhưng việc họ có lẽ chấp nhận thuyết Vụ Nổ Lớn chỉ có nghĩa là vũ trụ chúng ta đã thay đổi theo giòng thời gian. Thời đại chúng ta là một thời đại đặc biệt cho phép có sự sống đặt nền trên nguyên tử carbon, ngược lại với Nguyên Lý Copernic cho rằng thời gian hay không gian của chúng ta không có gì là đặc biệt.

Trong cuốn sách nay trở thành cổ điển The Anthropic Cosmological Principle, hai nhà vật lý thiên văn John Barrow và Frank Tipler gọi khám phá này là “ thất bại đầu tiên của Nguyên Lý Copernic.” Và như chúng ta đã thấy, Nguyên Lý Copernic còn thất bại lần nữa khi tiên đoán rằng thái dương hệ chúng ta là khuôn mẫu cho hầu hết các hệ hành tinh khác.

Dĩ nhiên Barrow và Tipler thích Nguyên Lý Quy Nhân- Anthropic- của họ hơn. Nguyên lý này không cố gắng lấp liếm tính ưu tiên của không gian và thời gian chúng ta, nhưng cho rằng những đặc điểm của vũ trụ đã được ràng buộc sẵn như thế vì nhu cầu cho phép những người như chúng ta quan sát. Nếu diễn tả cách thiếu tế nhị hơn, thì chúng ta sẽ nói rằng các lực cơ bản, các tỷ lệ khối lượng của các hạt ... trong vũ trụ dường như đã được điều chỉnh vì ích lợi cho chúng ta.

Hầu hết các nhà khoa học không thích chiều hướng mà Nguyên Lý Quy Nhân này dẫn họ tới, không phải vì nó nại đến Thiên Chúa như một câu trả lời dễ dãi, nhưng bởi vì, phải lập lại lần nữa rằng, nó đã như lạc giáo chống lại tín điều Copernic. “Dường như đối với tôi, quan điểm cho rằng Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ chỉ vì chúng ta là một kiểu tự tin quá đáng,” nhà vũ trụ luận George Smoot đã nói thế . “Dường như đối với tôi, tôi đã làm cho vũ trụ đầy sự sống.”

Các nhà vật lý lý thuyết như Stephen Hawking đã tiêu tốn hết năng lực gắng tìm cho được lời giải thích thoả đáng hơn về rất nhiều những “trùng hợp”thuận lợi cho loài người. Họ thấy những lá cờ đỏ cảnh báo giơ lên mỗi khi có vi phạm vào Nguyên Lý Copernican.

Nhưng chắc chắc phải có một lý do sâu sa hơn để chọn nguyên lý này thay vì nguyên lý kia. Vì muốn tìm hiểu về lý do ấy, nên tôi đã hỏi chính Stephen Hawking. Điều gì nơi Nguyên Lý Quy Nhân quấy rầy ông nhất ? “Loài người quá là nhỏ nhoi vô nghĩa,” ông nói với tôi: “Nên tôi thấy khó mà tin được rằng toàn thể vũ trụ lại là một điều kiện tiên quyết để chúng ta hiện hữu.”

Có lẽ tất cả chỉ là thế: Ông ta hoàn toàn thiếu niềm tin vào ý nghĩa của chúng ta.

Đa số những người thông thái trong khoa học đều dễ dàng không tin như thế. Chúng ta không thể quan trọng đến như thế. Tại sao lại phí phạm cả một vũ trụ lớn như thế ? Cuốn phim Contact đã cho các nhân vật của mình nêu câu hỏi SETI này ba lần. Xét cho cùng, chúng ta, người địa cầu, không cần chi đến tất cả các giải thiên hà kia. “Rõ ràng thái dương hệ là đủ rồi,” Hawking tiếp tục: “Hay quá lắm là giải Ngân Hà. Chứ cần chi đến hàng tỷ thiên hà kia .”

Tuy nhiên, Barrow và Tipler cho thấy rằng người điạ cầu nhỏ bé chúng ta thực sự cần đến tất cả những chổ để duỗi chân kia. Họ lý luận rằng vũ trụ cần phải bao la như hiện nay dù để chỉ làm chốn ngụ cư cho một tiền đồn sự sống lẻ loi. Tại sao vậy ? Một vũ trụ ổn định, với lực hút, phải bành trướng không ngừng, nếu không nó sẽ sụp đổ. Một vũ trụ bành trướng mãi dĩ nhiên phải trở thành vĩ đại trong khoảng thời gian cần thiết để các ngôi sao nung chín từ từ các nguyên tố nặng cần thiết để cấu thành sự sống. Vào lúc các sao đầu tiên chấm dứt chu kỳ sống, các thành tố cần thiết cho sự sống bây giờ do các siêu sao cung cấp, và vũ trụ cần phải bao la, dù chỉ làm nơi ngụ cư cho một giống người hay cho hàng tỷ giống người.

Bao lâu mà George Smoot và Paul Davies mang khả thể Thiên Chúa vào trong vấn đề, thì cái chọn lựa “phép lạ” sẽ ra sao ? “Phép lạ,” theo nghĩa tôi hiểu, không có nghĩa lạ lùng hay tức thời – nhưng từ này được nghĩ đến ngay khi cần một lời giải thích phi vật lý. Như nhà thiên văn Alan Sandage, được Edwin Hubble đỡ đầu, đã nói với tôi: “Chúng ta không thể nào hiểu vũ trụ cách rõ ràng được nếu không có siêu nhiên.”

Trong cuốn sách viết về người ngoài Trái Đất và những điều kiện cần cho sự sống, nhà vật lý James Trefil đã kết thúc với nhận định: “Nếu tôi là người có tín ngưỡng, tôi sẽ nói rằng tất cả những gì chúng ta biết được về sự sống trong hai mươi năm qua, chứng minh rằng chúng ta là duy nhất, và vì thế chúng ta rất đặc biệt trong mắt Thiên Chúa.” Vì không là người có tín ngưỡng, ít ra là bề ngoài, nên ông đã từ chối không thực hiện bước nhảy của đức tin .

Cá nhân tôi, tôi không bao giờ nghĩ chính mình thực hiện bước nhảy của đức tin, hay ít ra, một bước nhảy nào xa hơn những lựa chọn thay thế. Nếu chúng ta xét đến sự tổng hợp các điều kiện quá-thích-hợp-lại-xảy-ra-đúng-lúc theo đúng nghĩa của chúng, hệt như có ai đó luôn nghĩ đến chúng ta trong đầu khi các điều kiện ấy xảy ra, thì chúng ta không cần đến các người ngoài trái đất để giúp chúng ta khỏi đơn côi. Giao lưu hai chiều với Trí Thông minh ngoài Trái đất có lẽ sẽ thực hiện được trong đời chúng ta. Nhưng tiếp xúc với Đấng Sáng tạo Thông Minh Vô Cùng sẽ thực sự khuyến khích chúng ta “chăm sóc lẫn nhau và chăm nom chốn này tốt hơn.”

Những người tin Thiên Chúa có cùng những chọn lựa như bất cứ ai khác. Chọn lựa thay thế của họ không chỉ hạn chế vào niềm tin có người ngoài Trái đất hay đức tin vào Thiên Chúa. Nếu cả hai đều hiện hữu, thì vấn nạn thực sự về người ngoài Trái đất giản lược thành: Thiên Chúa muốn các nhóm tạo vật khác nhau giao tiếp với nhau, hay Ngài dàn xếp để họ phát triển độc lập với nhau ?

Thú nhận mình không biết nhưng luôn hiếu tri, tất cả chúng ta có thể và nên mở rộng đầu óc thoáng đạt đón nhận tất cả mọi khả thể. Nhưng dựa vào tất cả những gì hiện nay chúng ta biết được, chúng ta có ít lý do để chờ câu trả lời từ ETI trong đời chúng ta. Chúng ta phải tự giải quyết lấy các vấn đề chiến tranh, tội ác, nghèo đói của chúng ta, trong khi phải động não suy nghĩ về mục đích cuộc sống và tìm một đường khác “dẫn đến Tối Thượng.”

 

  Fred Heeren là nhà báo khoa học và tác giả cuốn Show Me God—What the Message from Space Is Telling Us About God.

 

 

 Chuyển ngữ : Nguyễn đức Khang
Houston, 25/01/2007


Chú Thích của người dịch

[1*] Các nhà chuyên nghiên cứu về UFO (Các Vật Thể Bay Chưa Được Xác Định) phân biệt nhiều cấp độ tiếp xúc với UFO. Họ gọi đây là thang cấp độ Hynek-Bloecher

1- Close Encounter of First kind - Tiếp xúc gần cấp độ Một .

Khi thấy một hay nhiều vật thể bay chưa được xác định, như: Dĩa Bay, Ánh sáng lạ, Các vật thể trên không trung không thể gán cho kỹ thuật loài người làm ra.

2 - Cấp độ Hai

Chứng kiến cách vật lý chứng cớ của người ngoài không gian viếng thăm, như Dấu Chân, Sức Nónghay Phát xạ , Vùng đất chung quanh bị phá hoại , Vòng kỷ hà trong ruộng tìm thấy gần nơi có UFO.

3- Cấp độ Ba

Chứng kiến một hay nhiều “người” ngoài không gian, liên kết với một hai nhiều phi thuyền. Cấp Ba này còn chia tỉ mỉ thành

A: Thấy một người trong UFO
B: Thấy một người có lúc trong và có lúc ngoài UFO
C: Thấy có người gần UFO, nhưng không đi vào hay đi ra.
D: Thấy có người. Nhưng không thấy UFO. Nhưng có thấy dấu vết hoạt động của UFO.
E: Thấy có người. Nhưng không thấy UFO. Nhưng chỉ có người khác báo cáo về hoạt động của UFO.
F: Không có người lẫn UFO. Nhưng có những hoạt động thần giao cách cảm.
G: Bị người ngoài trái đất bắt cóc .
H: Người ngoài trái đất bị thương, bị bắt, bị giết bởi nhân chứng hay binh lính. Còn UFO bị giữ, hay phá hỏng, hoặc huỷ hoại do nhân chứng hay binh lính.

4- Cấp độ Bốn
Bị bắt cóc bởi người thông minh ngoài trái đất.(corresponding to Bloecher;G).
Nhóm 1 – bị bắt ngoài ý muốn
Nhóm 2 – đồng ý để cho bị bắt.
Trong trường hợp nhóm 1,người bị bắt có thể bị ảo giáo, mất trí nhớ, bị trầm uất sau đó, bao gồm cảm giác sợ hãi, tê liệt, rối loạn ý niệm về không gian và thời gian.

5- Cấp độ Năm
Trực tiếp trao đổi ý nghĩ giữa người ngoài trái đất và người điạ cầu .

6- Cấp độ Sáu
Người địa cầu bị chết hay thú vật bị giết trong khi tiếp xúc. Các nhân chứng kể lại biến cố súc vật vị giết hàng loạt trong lúc có UFO bay ngang, được liệt kê là cấp độ Sáu

7- Cấp độ Bảy
Tạo ra một lai giống giữa người địa cầu và người ngoài trái đất, qua đường sinh dục hay qua phương tiện khoa học.

[2*] Vùng Goldilocks

Goldilocks là tên một cô bé trong truyện trẻ em “Goldilocks và ba con gấu.”

Goldilocks đi ngang rừng, tình cờ ghé vào nhà của gia đình nhà gấu. Cô thấy trên bàn ăn có bày sẵn ba tô cháo. Nếm thử một tô, “Cháo này nóng quá !” Goldilocks kêu lên.

Cô nếm cháo trong tô thứ hai. "Cháo này nguội quá!" Cô nếm tô cháo thứ ba. "Ahhh, Cháo này vừa ăn !" Cô reo lên sung sướng. Và cô ăn hết tô.

Tại sao chuyện các nhà khoa học săn tìm sự sống trong vũ trụ lại có liên quan đến Goldilocks ?

Từ lâu các nhà khoa học để ý thấy rằng trong các hành tinh thuộc Thái dương hệ chúng ta Thủy Tinh và Kim Tinh thì quá nóng. Còn Hỏa Tinh và các hành tinh xa hơn hay ở ngoại biên lại quá lạnh. Chỉ có Trái Đất là vừa vặn, thích hợp cho sự sống. Hành tinh của chúng ta có nước ở thể lỏng, có bầu khí quyển “thở” được, và một lượng ánh sáng mặt trời thích hợp. Quả là tuyệt vời cho sự sống.

Nếu Trái Đất ở gần Mặt Trời hơn một tị , thì có lẽ Trái Đất đã nóng bốc khói như Kim Tinh. Mà nếu ở xa hơn một chút, thì lại lạnh cóng như Hoả Tinh. “Không hiểu sao” mà Trái Đất chúng ta lại nằm ở một ví trí thích hợp chính xác với đầy đủ các thành tố cần thiết cho sự sống phát triển. Nên các nhà khảo cứu vào thập niên 1970s đã phải gãi đầu gãi tai và nói rằng chúng ta nằm trong “vùng Goldilocks”

Vùng Goldilock quả là một vùng rất mỏng, mỏng kinh khủng trong không gian, thậm chí nó không hề bao trùm toàn Trái Đất. Ngày nay mọi sự sống đều hạn hẹp trong một vài giới hạn thôi: không lạnh hơn Nam Cực (chim cánh cụt), không nóng hơn nước sôi (loài bò sát trong sa mạc), không cao hơn các tầng mây (chim đại bàng), không sâu hơn các mỏ khoáng sản (vi trùng) .

Nhưng vào khoảng 30 năm trở lại đây, kiến thức của chúng ta về sự sống trong những môi trường khắc nghiệt đã nở rộ. Các nhà khoa học đã tìm thấy các vi sinh vật cả trong lò phản ứng nguyên tử, các vi trùng thích axít, các vi sinh vật bơi trong nước sôi. Người ta đã khám phá thấy có cả một hệ sinh thái trong những vết nứt đáy biển sâu, nơi ánh mặt trời không bao giờ chiếu tới, và hỗn hợp nước-khí thoát tại đó nóng đến độ chì còn phải chảy tan .

Như thế vùng Goldilocks rộng lớn hơn chúng ta từng nghĩ.

Để biết vùng này rộng bao nhiêu, các nhà tìm tòi đã thám hiểu sâu hơn, leo lên cao hơn, và soi mói vào tận những ngóc ngách của hành tinh chúng ta. Săn tìm sự sống trong Vũ trụ là một trong những công tác tìm tòi quan trọng nhất của cơ quan NASA. Khi tìm kiếm sự sống trong những điều kiện khắc nghiệt nhất trên Trái Đất sẽ cho chúng ta biết những điều kiện nào thích hợp cho sự sống “ngoài không gian kia.”

Các nhà khoa học Richard Hoover và Elena Pikuta của NASA là một trong những người săn tìm như thế. Vào tháng Mười năm 2003, họ công bố tìm thấy một loài vi sinh vật mới rất thích sống trong những khắc nghiệt, đặt tên là Tindallia californiensis, tìm thấy trong hồ Mono Lake, ở California.

Mono Lake là một cái hồ rất mặn và rất kiềm. Mặn gấp ba lần nước biển, và nồng độ pH là 10, bằng nồng độ của nước lau kiếng WindexTM. (Để so sánh chúng ta biết, nước lã có pH là 7, là trung tính; pH 14 là nồng độ của tro). Vậy mà điều đáng ngạc nhiên là hồ Mono có một giải rộng các sinh vật phát triển, từ các vi trùng, các vi sinh vật, cho đến cả một loài tôm nhỏ. Vì thế chẳng lạ gì mà T. californiensis coi đây là nhà. Chúng sinh sôi nảy nở phồn thịnh trong môi trường rất kiềm (pH 8-10.5) với nồng độ muối mặn gần 20%.

Trước đây, trong năm 2003, Hoover và Pikuta công bố họ đã tìm thấy một loại vi trùng khác, rất lạ kỳ, mang tên Spirochaeta americana. Chúng sống với vi trùng T. californiensis và có lẽ với hàng trăm loài vi trùng khác có trong bùn của hồ Mono. Đi săn tìm các loài mới trong hệ vi sinh vật phồn nhiêu này là việc thú vị và ly kỳ như truyện trinh thám kiểu Pery Mason hay Hercule Poirot.

"Đi lấy mẫu sinh vật trong đám bùn từ đáy hồ, rồi giữ cho chúng tiếp tục sống là cả một công trình nhiêu khê,” Hoover cho biết thế. “Những chủng loại này, khi gặp không khí là chết ngay. Nên phải rất cẩn thận mới có thể bảo vệ chúng.”

"Loạt trắc nghiệm cần thiết để xác định một chủng loại đặc biệt trong một mẫu vật , thì rất nhiều và đa dạng,” Pikuta nói thế. “Để định danh một sinh vật và rồi nhìn nhận nó như một chủng loài mới, thì chúng ta phải biết nó tường tận. Nghĩa là phải xác định được nó cần những điều kiện nào để phát triển, để trao đổi chất, xác định được môi trường quần cư, biết rõ những đặc điểm ở mức tế bào, những đặc tính của DNA và chuỗi di truyền, và nhạy cảm với những thuốc kháng sinh nào để có thể so sánh tỉ mỉ nó với những sinh vật khác.”

Trước khi một sinh vật được công nhận như một loài mới hay một chủng mới, phải trình bày nó trong hai Cơ quan Quốc tế khác nhau chuyên về Sưu Tập các Vi Sinh Vật , và phải có một bài viết khoa học nêu rõ những tính năng của sinh vật mới, rồ in bài viết đó trong báo International Journal of Systematic and Evolutionary Microbiology hay nếu in trong báo khác, thì phải được Ủy Ban Quốc tế về Hệ thống các Đơn Bào (International Committee on Systematics of Prokaryotes, ICSP). Đó là nơi phân loại các vi sinh vật.

Hover cho biết thêm, khi một vi sinh vật được công nhận là một loài mới, thì những năm tháng nhọc công miệt mài chúi mặt vào đám bùn hôi tanh kia bỗng trở thành đáng giá. Vùng Goldiklocks lại rộng thêm một chút. Và sự sống “ngoài vũ trụ”, bây giờ hơn lúc nào hết, chừng như “có lẽ có thật.”

[3*] Phương trình nguyên thuỷ của Frank Drake (xác xuất tìm ra được sinh vật thông minh đâu đó trong giải Ngân Hà) được phát biểu sau đây. Trong phương trình, “tỷ lệ” đồng nghĩa với “xác xuất”:

N* x fs x fp x ne x fi x fc x fl = N


N* = số lượng các sao trong giải Ngân Hà
fs = tỷ lệ các sao tương tự Mặt Trời
fp = tỷ lệ các sao có hành tinh bao quanh
ne = số hành tinh nằm trong vùng “ở được” của sao
fi = tỷ lệ các sao có khả năng cưu mang sự sống mà thực sự đang có sự sống.
fc = tỷ lệ hanh tinh có sinh vật thông minh
fl = tỷ lệ hành tinh trong quá trình hiện hữu, có nền văn minh biết tiếp xúc với các nền văn minh khác.

Phương trình mới hơn gọi là "Rare Earth Equation" (xác xuất tìm ra được sinh vật thông minh đâu đó trong giải Ngân Hà) được phát biểu sau:


N* x fp x fpm x ne x ng x fi x fc x fl x fm x fj x fme = N


N* = số lượng các sao trong giải Ngân Hà
fp = tỷ lệ các sao có hành tinh bao quanh
fpm = tỷ lệ các hành tinh giầu kim loại
ne = số hành tinh nằm trong vùng “ở được” của sao
ng = số hành tinh nằm trong vùng “ở được” của thiên hà
fi = tỷ lệ các sao có khả năng cưu mang sự sống mà thực sự đang có sự sống.
fc = tỷ lệ các hành tinh có sự sống, mà có các đa bào phức tạp phát sinh
fl = tỷ lệ hành tinh trong quá trình hiện hữu, đã có các đa bào phức tạp phát sinh
fm = tỷ lệ hành tinh có mặt trăng to
fj = tỷ lệ thái dương hệ có hành tinh to cỡ Jupiter
fme = tỷ lệ các hành tinh có số lượng các biến cố tự hủy hoại hàng loạt cực kỳ thấp

 

[4*] Trái Đất quả là rất thích hợp cho sự sống đến độ khó có thể là một tình cờ. Hai tác giả chỉ dùng chữ “rare – hiếm hoi” để nói tính cách ngẫu nhiên (hay “an bài” tùy niềm tin của độc giả) của Trái Đất . Sau đây là một vài điều kiện, mà như bỗng dưng, Trái Đất lại hội đủ .

1-Để có thể cưu mang được sự sống, hành tinh phải có khối lượng đủ to, để có đủ lực “thu hút”các phân tử khí của bầu khí quyển. Nếu không bầu khí quyển sẽ rỉ thoát ra ngoài không gian .

2-Hành tinh ấy lại phải có kích thước vừa vặn. Không quá to hay quá nhỏ, để có lớp vỏ là đất và các khoáng chất trong đó klhông nằm quá sâu, nhưng nằm sát bề mặt . Một xã hội không có khoáng sạn làm nguyên liệu sẽ không thể tạo ra các viễn vọng kính thiên văn vô tuyến

3-Hành tinh ấy lại nhỏ vừa đủ để đồi núi có thể thành hình hầu cá sinh vật có thể di chuyển trong tư thế đứng thẳng. Trong một thế giới không có đồi núi, hẳn mọi bình nguyên đều bị nước bao phủ. Và cho dù việc tiến hóa có thể xảy ra từ sinh vật đơn bào lên thành đa bào rồi thành động vật có xương sống, được xảy ra trong môi trường nước đi chăng nữa, thì nền kỹ nghệ luyện kim chỉ có thể khi có lửa. Một xã hội cá heo, dù có thông minh như người đi nữa, cũng không thể chế tạo ra hoả tiễn để tự bảo vệ mình trong trường hợp một thiên thạch va vào Trái Đất gây nên hoạ diệt vong hàng loạt .

 

[5*] Bước nhảy của đức tin - Leap of faith

Theo nghĩa thông thường nhất, bước nhảy của đức tin, là hành vi tin một điều gì mà không cần, hoặc bất chấp, những bằng chứng khả nghiệm. Câu này do

Søren Kierkegaard dùng đầu tiên trong cuốn “The Concept of Anxiety”do Reidar Thomte ấn hành. Princeton: Princeton University Press. [1844] (1980).


Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.