Đám Đông và Giakêu

Seeing

 

 

Đám đông luôn luôn vô tình và vô danh tính. La multitude est toujours impersonnelle et ingrate. Còn Giakêu nổi bật ra khỏi đám đông nhờ bốn điểm: nhất “giầu”, nhì “lùn”, tam “hô”, tứ “sún”.

 

 Giakêu nhất giầu

Ông nhờ đám đông mà giầu phất lên. Giakêu không chỉ thu thuế, ông còn là Trưởng Phòng Thu thuế, làm việc cho ...INS. Ông sống được là nhờ bám vào đám đông. Đám càng đông, ông thu càng nhiều thuế, ông càng giầu.

Nhưng toàn thể dân cư thành Giêricô không hề nể nang hay trọng vọng cái gia tài của ông. Tuy ông là người có và thế giá trong thành. Ông giầu nứt khố đổ vách. Nhưng dân Giêricô không coi ông ra gì. Họ gọi xách mé ông là “quân tội lỗi” . Gia tài của ông là do bòn rút của dân, cắt xén từ tiền thuế thu nhiều hơn mức ấn định. Với Giêrichô, ông là trùm hối lộ.

Đám đông không coi ông là bậc Vị vọng, mà thê thảm hơn, họ coi ông là trùm tội nhân: “Il est allé loger chez un homme pécheur.”(Lc 19:7)

Riêng với nhóm ngươì Do thái Nhiệt thành, hay quốc gia cực đoan, như Simon (Lc 6:15) thì Giakêu lại là do-thái-gian thứ thiệt, thứ người tay sai cho đế quốc và quân ngoại bang La mã đang xâm chiếm.

 

 Giakêu nhì lùn

Giakêu “lùn”, nên đám đông đã ngăn cản khiến cho Giakêu không “thấy” được Đức Giêsu, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Giakêu “lùn”, nên ông chỉ thấy lưng và mông đám đông. Đám đông cũng chẳng thèm hoài đến anh chàng lùn cứ lẽo đẽo bám theo lưng để cố “nhìn” cho được rabbi Giêsu, con người vang danh đặc biệt gốc Nagiarét này. Họ chẳng thèm tỏ ra lịch sự tránh sang bên nhường cho Giakêu một chút không gian. Đám đông quay lưng lại với Giakêu.

Giakêu bị bỏ lại đàng sau, trong cuộc tranh đua dành nhau xem và gặp cho được rabbi Giêsu .

Nói tóm lại, với đám đông, Giakêu chỉ hơn hủi có một bậc: ông vẫn còn được sống trong thành, và người ta còn phải tiếp xúc với ông để...đóng thuế. Giữa Chúa Giêsu và Giakêu có đám đông làm rào ngăn cản. Và cùng với đám đông là cả một thành trì kiên cố các thiên kiến và trả thù ngấm ngầm.

 

 Giakêu tam “haut”: tự nâng mình lên

Không ai giúp mình gặp cho được rabbi Giêsu, thì Giakêu phải tự mình tìm cách.

Ông “leo lên cây vả”. Điều thú vị là ông “đoán được” rabbi Giêsu sẽ đi ngang qua ngõ này (Lc 19:4). Chúa Giêsu đi ngang qua đó. Ngài “nhìn lên”.

Ra thế, Chúa Giêsu cùng phải nhìn lên để tránh rào cản của đám đông, để tìm cho ra được con chiên thứ 99 đã đi lạc, để thấy cho được đồng tiền thứ 10 bị mất đâu đó trong xó nhà.

Lần đầu tiên có người được Phúc âm ghi lại rõ ràng đã dám “tự nâng mình lên”, dù là để “leo lên cây vả”. Ông cũng là người duy nhất bắt Chúa Giêsu phải “nhìn lên” để thấy mình.

Hồ như có chuyện gì đó ngược đời chăng ? Không, “ai nâng mình lên” cũng “sẽ bị hạ xuống”. Chúa Giêsu ra lệnh: ”Giakêu, Xuống mau !” - “Ông lật đật tuột xuống.“ (Lc 19:6)

Bị “triệt hạ xuống khỏi vị cao” (Lc1:52) , nhưng ông vẫn “vui vẻ” (Lc 19:6) chả lấy làm bực bội hay mất mặt , ngược lại là đàng khác. Vì ông không kiêu căng. Ông biết "phận" ông.

Chính Đấng phải “ngước lên nhìn” mới thấy ông, bây giờ lại “hạ cố” vào nhà ông: “Hôm nay tôi phải ở trong nhà ông.”(Lc 19:5) Mặc cho đám đông xì xào, ganh tỵ và dèm pha: ”Ông ta ở trong nhà kẻ tội lỗi”(Lc 19:7).

Hai vị trí cao thấp đã được cân bằng. Bây giờ chỉ còn hai con người ngang tầm: “Giakêu đứng trước mặt Ngài mà nói” (Lc19:8 ).

Thích quá, hả dạ quá, vui quá. Người chăn chiên đã bỏ quên đám đông 99 con chiên mà chỉ thấy con đi lạc. Người đàn đà nghèo đã bỏ quên đám đông 9 đồng bạc đang có, mà chỉ vật vã đi tìm đồng bạc bị mất .

 

 Giakêu tứ “sún”.

Ông không sún răng, nhưng ông làm “sún” cái gia tài vật chất của ông .

Con chiên lạc mở miệng xưng tội “chung“, giữa đường, trước mặt công chúng của thành Giêricô. :” Voici, Seigneur, je donne aux pauvres la moitié de mes biens, et, si j’ai fait tort de quelque chose à quelqu’un, je lui rends le quadruple“( Lc 19:8 ). Cho một nữa gia tài, và còn đền thiệt hại gấp bốn. Nạn nhân cuả ông nay chẳng ngại gì mà trở thành bạn ông, bạn thân. Nếu tôi là dân thành Giêricô, tôi sẽ bầu ông Giakêu rộng rãi kia làm Chủ Tịch UB Nhân Dân.

Giakêu không mừng vì những chi tiết ấy cho bằng nghe câu nói này của Chúa Giêsu: “Le salut est entré aujourd’hui dans cette maison, parce que celui-ci est aussi un fils d’Abraham” (Lc 19:9). Chúng ta đừng quên Giakêu cũng là người Do thái.

Chúa Giêu muốn nhắc lại cho cái đám đông đang hỗn độn chung quanh Ngài, Ngài muốn nhắc lại cho dân chúng thành Giêricô “vô tình” và thiếu bác ái kia rằng Giakêu cũng là “con cái Abraham” và, Ngài nhấn mạnh, ông mà đám đông cho là tội lỗi ấy “đang được ơn Cứu độ”. Chẳng còn lời ca tụng nào cao đẹp hơn .

Thuật trình này làm tôi liên tưởng tới câu Luật trong sách Levi 27:32 "All the tithe of the herd or the flock -- whatever passes under the rod, the tenth shall be holy to God."

Khoản luật ấy quy định người Do thái phải để riêng một phần mười đàn súc vật của mình làm lễ vật dâng cúng vào Đền Thờ. Nhưng số phần mười súc vật ấy không được ngẫu nhiên chọn lựa, theo kiểu cứ trong mười con thì chọn bất kỳ một con nào, để riêng làm lễ vật.

Nhưng việc chọn lựa phải theo một quy cách nhất định: Phải lùa đàn súc vật đi qua dưới một thanh cây. Khi chúng lần lượt đi qua, chủ nhân dùng khúc cây này để đếm từng con một. Đếm đến chín. Rồi chín cộng một. Lúc ấy chủ nhân mới chọn con vật thứ mười vừa đếm xong đó, nhập vào nhóm Một Phần Mười, chính thức làm phần Lễ Vật. Quy cách chọn lựa đó chu toàn câu luật Lêvi 17:32 : “Mọi phần mười số đầu súc vật trong đoàn -- bất kể con nào đi qua dưới thanh cây, là số Phần Mười dâng lên Thiên Chúa.”

Tại sao cứ phải đếm từng con vât, đến chín rồi đếm thêm một, thành mười ? Sao lại không chọn bất kỳ mười con nào đó, rồi để một con riêng ra, kết quả cũng như nhau ?

Sách Luật muốn dạy ta một bài học quan trọng : Dưới mắt Thiên Chúa, ai cũng đáng kể -- Không phải con vật thứ mười là quan trọng, mà chín con được đếm trước nó, từng con một, cũng quan trọng không kém. Nếu không có chín con trước đó, thì con thứ mười cũng sẽ không hề có.

Đời thường sống hằng ngày cũng thế. Có những ngôi sao sáng chói : Những nhà hướng dẫn tâm linh, những học giả lỗi lạc, và các giáo sư nức tiếng, những người gây ảnh hưởng sâu rộng lên cả một thế hệ. Ta thường dễ cho rằng những ai không được liệt vào những hạng kể trên ấy, đều không quan trọng.

Không phải thế, Thiên Chúa cho biết. Mỗi cá nhân đều tuyệt đối quan trọng cho chương trình Chúa an bài mọi sự từ vĩnh hằng. Ai cũng đóng một vai trò bản lề trong vũ trụ.

Dĩ nhiên chỉ một số người có thế làm nên những chuyện cả thể, nhưng dưới mắt Chúa, mọi đàn ông, từng phụ nữ, đều quan trọng, bao lâu mà mỗi người cố gắng hết mình để tận lực thành toàn mọi khả thể mình có.

Như Giakêu.

Đừng như đám đông. La multitude est toujours impersonnelle et ingrate.

 

 

 Nguyễn đức Khang
Houston, ngày 1 tháng11 năm 2004


Ghi chú



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.