Giêricô
Nơi Khảo cổ và Kinh Thánh gặp nhau
Các học giả đều đồng ý cho rằng Giêrichô là thành phố cổ nhất của nhân loại. Nó đã được thành hình cách nay hơn 10 ngàn năm.
Thành Giêricô, nguyên thủy thời Giôsuê, nằm khoảng 8 km tây ngạn bờ sông Giodan, và cách 11 km về hướng Bắc của Biển Chết. Tuy nằm trên một ngọn đồi (tell) nhưng Giêricô là một thành phô thấp nhất thế giới. Giêricô thấp hơn mặt nước biển 240 m.
Xem hình Giêrichô thời nay
Còn Giêrichô thời cổ, gọi là Tell-es-Sultan. Nay chỉ còn là một ngọn đồi đang bị giới khảo cổ khai quật nhiều nơi:
Khỏi nói thì các Bác cũng biết khí hậu vùng đó nóng, ẩm thấp. Nổi tiếng vì có nhiều cây chà là nên thành này từng được gọi tên là “Thành Chà là” “Từ đồng bằng Môáp, ông Môsê lên núi Nơvô, tới Pítga, đối diện với Giêrikhô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Galaát cho đến Đan,2 tất cả Náptali, miền đất Épraim và Mơnase, tất cả miền đất Giuđa cho đến Biển Tây,3 miền Neghép, vùng sông Giođan, thung lũng Giêrikhô là thành Chà Là, cho đến Xôa.4 ĐỨC CHÚA phán với ông: "Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Ápraham, Ixaác và Giacóp, khi nói: "Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó." (Đnl 34,1-3)
Vào thời đó, Giêricô là một chiến luỹ quan trọng và kiên cố án ngữ cửa ngõ dẫn vào bình nguyên Giođan trù phú. Trên đướng tới Đất Hứa, dân Israel phải đi qua cửa ải này, ngay sau khi vượt sông Giodan (Josuê 3,1-17).
Một điều rất thú vị là vào năm 1997, khoa khảo cổ đã đưa ra ánh sáng từng chứng cớ cụ thể xác minh những điều nói trong Kinh Thánh về cuộc chiếm thành Giêricô của dân Do thái là đúng. Đúng đến từng chi tiết! Từ bờ thành sụp đổ cho đến từng vò đựng hạt ngũ cốc, và trò tàn của cuộc đốt phá. Tất cả đều được phát hiện và khai quật ( Jos 6,24).
Giêricô bị tận diệt, vì nếu để yên cho dân Canaan chiếm hữu, họ sẽ khống chế được toàn vùng Đất Hứa, vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Abraham, Isaac và Giacob từ lâu về trước, từ vùng Dan cho đến Beersheba, từ sông Giodan cho đến biển Địa Trung Hải.
Sau khi vượt qua sông Giodan và công phá thành, dân Do thái đã tận diệt Giêricô. Điều này đã là một đòn tâm lý chiến tác động mạnh mẽ vào toàn thể dân Canaan định cư ở các nơi khác trong vùng. Hiệu quả thấy được ngay lập tức là dân Gibeon, kinh hoảng vì chiến thắng Giêricô của Do thái, họ đã đầu hàng, không cần chờ đến một trận đánh ( Jos 9,3-21).
Sau khi bị tàn phá, Giôsuê còn tru diệt Giêricô bằng một lời nguyền rủa : “Trước nhan ĐỨC CHÚA, khốn cho kẻ đứng lên tái thiết thành Giê-ri-khô này! Kẻ nào đào móng dựng nền, thì con đầu lòng của nó phải chết; kẻ nào dựng cổng xây tường, thì con út của nó phải mạng vong! " ( Jos 6,26) .
Giêricô bị nguyền rủa như thế trong hơn 400 năm. Cho đến thời Vua Ahab, ông sai Hiel người Bethel xây dựng lại Giêricô. Lời nguyền năm xưa vẫn còn hiệu lực: “Trong thời vua, ông Khi-ên, người Bết Ên, xây cất lại Giê-ri-khô, nhưng ông đã phải mất người con đầu lòng là A-vi-ram, khi đặt nền, và mất đứa con út là Xơ-gúp, khi dựng cửa, như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Giô-suê, con ông Nun, mà phán.” (1 Vua 16,34)
Để thêm phần thú vị cho bài đọc, chúng ta nên lưu ý một vài chi tiết quan trọng về niên biểu. Theo những chi tiết về thời gian trong Kinh Thánh, cuộc chiếm Đất Hứa xảy ra vào khoảng năm 1400 trước Công Nguyên.
Vua Salomon bắt đầu cai trị vương quốc Israel thống nhất vào khoảng năm 970 trước Công Nguyên. Trong sách các Vua quyển Một, chương 6 câu thứ nhất: “1 Năm thứ bốn trăm tám mươi từ khi con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, năm thứ tư triều đại vua Sa-lô-môn cai trị Ít-ra-en tháng Diu tức là tháng thứ hai, vua xây Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA “:
Như thế vào năm thứ tư sau khi Vua Salomon lên ngôi, tính về truước cho tới lúc Xuất hành ra khỏi Ai Cập, là 480 năm. Nghĩa là Môsê dẫn dân Do thái vượt Biển Đỏ vào khoảng năm 1446 hay 1445 trước Công Nguyên.
Sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc, họ bắt đầu tiến qua sông Giođan mà vào chiếm Đất Hứa, tức là khoảng 1405 hay 1406 trước Công Nguyên. Đó chính là thời điểm công phá thành Giêrichô.
Câu chuyện Kinh Thánh kể về Giêrichô có xác thực không ?
Sau năm 75, nhà cháu về lại quê, dạy giáo lý cho các bạn trẻ. Nhân một bài nói về Đất Hứa, tới phần kể lại câu chuyện dân Do thái chiếm thành Giêrichô, nhà cháu đã đưa ra một giả thuyết: Dân Do thái rước Hòm Bia Thiên Chúa đi chung quanh thành Giêrichô trong sáu ngày, mỗi ngày một lần. Đến ngày thứ bảy, họ rước Hòm Bia đi liên tục bảy lần chung quanh thành Giêrichô. Như Balàng ta rước kiệu ở bờ biển ấy mà. Đến lần thứ bảy, đội kèn đồng nhất loạt thổi thật to. Toàn thế dân chúng la lớn tiếng “Xung phong !”. Thế là tường thành Giêrichô bỗng đổ nhào. “Bấy giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ. Dân chúng ai nấy cứ thẳng trước mặt mình mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được.” (Giôsua 6,20)
Trong bảy ngày, hẳn dân thành Giêrichô sẽ túa ra bờ thành mà ngó xem dân Do thái làm “cái đí gì” mà rước kiệu như thế ? Đi đánh nhau, phá thành người ta, mà không đánh, lại chỉ rước kiệu ? Không chỉ một ngày, mà suốt cả tuần bảy ngày như thế. Nỗi tò mò, ngạc nhiên của dân Giêrichô hẳn là lớn lắm. Có thể ban đầu họ tò mò nhưng còn cảnh giác, nhưng sau vài ba ngày, thấy người Do thái chỉ rước kiệu rồi không làm gì cả, nên họ lơ là dần.
Giôsuê nghe theo lời chỉ bảo của Thiên Chúa. Nhưng ông lợi dụng việc rước kiệu như một bình phong. Vì “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en: nội bất xuất, ngoại bất nhập” (Jos 6,1) Ban đêm , ông cho người đào hầm chui qua tường thành. Ban ngày việc rước kiệu đã thu hút hết chú ý của Giêrichô, nên họ không hề ngờ vực các chiến sĩ Do thái đang âm thầm đào một đường hầm xuyên qua tường thành. Bảy ngày hẳn là một thời gian đủ để đào một đường hầm xuyền qua tường thành. Chỉ cần mươi người lính lọt được vào trong thành, thì chuyện trong đánh ra ngoài đánh vào, bất ngờ vào ngày thứ bảy, sẽ làm cho Giêrichô trở tay không kịp.
Giôsuê đã cài được hai thám tử vào thành. Họ đã biết rõ đường đi nước bước và nhất là biết chổ thành nào kiên cố, chổ thành nào yếu kém. Hai thám tử hẳn là chuyên nghề, vì sau khi lọt vào thành họ đã biết chổ nào nên trốn trong lúc nguy kịch: nhà cô gái giang hồ Rahab. Như thế hẳn cái bản đồ thành Giêrichô đã in rõ trong đầu họ.
Các nhà khảo cổ lên tiếng
Nhưng nay đọc được bài viết của nhà khảo cổ Bryan Woods, nhà cháu mới thấy mình “bé cái lầm” ! Không những nhà cháu, mà tác giả Lê Minh Tuấn trong cuốn Công giáo và Đức Kytô cũng không đúng trong những chi tiết viết về cổ thành Giêricô. Những cuộc khai quật mới đây (1997) còn phơi bày ra ánh sáng nhiều chi tiết thú vị khác khiến cho trình thuật Kinh Thánh kể về trận đánh chiếm Giêrichô là hoàn toàn khả tín.
Nhiều bạn trẻ thắc mắc chuyện tiếnng tù và thổi u u đinh tai nhức óc và tiếng toàn dân la hét xung trận có làm cho tường thành sụp đổ thật không ? Nói cách khác, bản văn Kinh Thánh có đáng tin hay không, hay đây chỉ là bản văn kể theo lối khoa đại để tăng thêm lòng tin cho các tín hữu mà thôi ? Người nghi hoặc cho rằng câu chuyện chỉ là truyện truyền kỳ để cắt nghĩa đống gạch vụn tại Giêricô !
Giả thuyết ấy còn được củng cố thêm vào năm 1950, khi đoàn khảo cổ đưới sự hướng dẫn của cô Kathleen Kenyon, đã kết luận:
“Đây là một sự kiện đáng buồn khi mà không tìm được dấu vết nào còn lại từ đám gach vụn của những bức tường thành Giêricô thời đồ Đồng trong khoảng thời điểm mà người Do thái công phá thành.... Như thế, cuộc khai quật thành Giêricô không đem lại cho chúng ta một ánh sáng nào cho thấy đã thực sự có tường thành Giêricô như Kinh Thánh đã từng miêu tả rất sinh động !” (Kathleen M. Kenyon, Digging Up Jericho, London, Ernest Benn, trang. 261–62, 1957.)
Còn Thomas A. Holland, đồng tác giả bản báo cáo khảo cổ với cô Kathleen đã tóm lược những khám phá như sau :
“Liên quan đến lý thuyết cho rằng Giêricô bị chinh phục bằng quân sự và về những bức tường có niên biểu từ thời đồ Đồng của thành Giêrichô, cô Kenyon đã kết luận rằng không có chứng cớ khảo cổ cho thấy thành Giêricô được bao bọc bởi các bức tường thành thời đồ Đồng Muộn thời ( Late Bronze Age, khoảng năm 1500- 1200 trước Công Nguyên]” (Thomas A. Holland, Jericho, The Oxford Encyclopedia of Archaeology in the Near East, Vol. 3, trang. 220–24, nxb. Eric. M. Myers, New York, Oxford University Press, p. 223, 1997. )
Sự thực không phải như thế.
Trước khi xâm nhập vùng Đất Hứa, Môsê đã cảnh báo dân Do thái rằng bây giờ đến lúc họ phải vượt qua sông Giodan mà vào chiếm vùng đất có dân địa phương cao lớn và khoẻ hơn họ, sống trong những thành có “tường cao ngút trời”: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Hôm nay anh (em) sắp qua sông Gio-đan để vào trục xuất những dân tộc lớn và mạnh hơn anh (em), có những thành lớn và tường luỹ ngất trời,” (Đnl 9,1).
Công trình khai quật của cô Kenyon cho thấy thực sự thành Giêricô có tường dày bao quanh, không chỉ một mà hai bức tường và thành đã bị đốt cháy. Có điều cô đã thẩm định sai về niên biểu. Cô cho rằng có sự dị biệt lớn giữa khảo cổ và thuật trình Kinh Thánh. Theo ý kiến của cô, Giêricô đã bị người Ai cập tàn phá vào khoảng năm 1550 trước Công Nguyên, vào đầu thời đồ Đồng.
Thật ra, khi nghiên cứu thêm cho tường tận, chúng ta phải kết luận Giêricô đã bị tàn phá vào khoảng năm1400 trước Công Nguyên, trùng với thời điểm người Do thái công phá thành để vào Đất Hứa,nghĩa là vào cuối thời đồ Đồng (Xem Bryant G. Wood, Did the Israelites Conquer Jericho?, Biblical Archaeology Review 16(2):44–58, March–April 1990).
Ngọn đồi, từ tiếng Anh gọi là ‘tell’, của Giêricô được bao bọc chung quanh bởi một cái luỹ đắp bằng đất, chắn giữ bởi một bức tường bằng đất nhưng phần nền được “cố” cho vững bằng nhiều lớp đá xếp chồng. Tường này cao từ 3 đến 5 thước. Chồng trên bức tường này, lại là một bức tường khác bằng gạch được làm bằng bùn khô, dầy hai thước và cao chừng 6 đến 8 thước. (Xem thêm Ernst Sellin và Carl Watzinger, Jericho die Ergebnisse der Ausgrabungen, Osnabrück, Otto Zeller Verlag, trang 58, 1973 (bản in lại từ ấn bản năm 1913).
Xem hình minh họa:
Đây là hình mặt cắt, cho thấy cách kiến tạo tường thành phiá tây của Giêrichô theo khai quật của cô Kenyon.
Như thế, từ mặt đất nơi dân Do thái rước kiệu Hòm Bia hằng ngày, từ chân tường lên đến đỉnh, chiều cao có đến 14 thước.
Bình thường mà nói, người Do thái không có cách gì vượt qua được bức tường này, với phương tiện lúc bấy giờ của họ. Họ chỉ là đám dâm du mục lang thang từ sa mạc vào.
Diện tích giữa hai bức tường thành bao chung quanh ngọn đồi, được các nhà khảo cổ ước lượng chừng 6 mẫu tây. Cộng thêm phần diện tích ở giữa ngọn đồi, diện tích ở được là chừng 9 mẫu. Cứ cho là khoảng 200 cư dân mỗi mẫu, thì dân số của Giêrichô lúc bây gìờ được ước đoán là 1200 người dồn tụ ngay chỏm đồi. Thêm những người sống giữa hai bức tường, như gia đình của cô gái giang hồ Rahab, và những dân cư khác ở lân cận chạy vào trú núp, thì chúng ta có thể kết luận, lúc người Do thái bắt đầu khởi binh, dân số trong thành Giêricô có thể lên đến vài ngàn người .
Dù đông người như thế, Giêrichô đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phòng thủ. Trong thành có suối nước. Vào lúc đó, mùa gặt vừa xong : “Khi dân rời lều để qua sông Gio-đan, thì các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước dẫn đầu dân. Bấy giờ là mùa gặt; sông Gio-đan tràn ra hai bên bờ suốt mọi ngày.” (Jos 3,15) Như thế dân trong thành có đủ lương thực. Nhà khảo cổ John Garstang, vào năm 1930, và cô Kenyon sau này, đều khai quật được những hũ đựng ngũ cốc còn đầy nguyên. Có nước có thực phẩm, Giêrichô lẽ ra có thể chống cự được nhiều năm trời .
Vậy mà chỉ sau vòng rước thứ bảy vào ngày thứ bảy, Kinh Thánh ghi rõ “tường thành đổ sụp tại chổ.” (Jos 6,20)
Trong bản Do thái, gốc của động từ tahteyha - sụp đổ tại chổ trong Joshua 6:5, 20 là động từ tahath, có nghĩa là ‘ở dưới’ hay ‘từ phía dưới’ với đại danh từ tự quy ngôi thứ ba giống cái là ha quy chiếu về hômah, ‘tường thành’. Như thế chúng ta có thể hiểu “chân tường tự động đổ nhào” !
Di chỉ khảo cổ có cho chúng ta thấy được điều đó không ? Quả có như thế thật. Ở phía Tây ngọn đồi, cô Kenyon tả lại như sau, ngay chân của phần tường: “có cả đống gạch vụn nằm chồng lên nhau cho tới gần ngọn. Gạch vụn này hẳn là do phần tường phía trên đổ xuống.” (Xem Kathleen M. Kenyon, Excavations at Jericho, 3:110, London, British School of Archaeology in Jerusalem, 1981.)
Một đoàn khảo cổ người Ý, vào năm 1997, cũng thấy y hệt như vậy.
Xem hình minh họa
Hình này minh hoạ phần tường phía bắc của Giêrichô, dựa vào những khai quật của đoàn khảo cổ Đức nằm 1907-1909. Hình cho thấy có nhà ở dựa vào vách tường. Nhà cô Rahab cũng nằm ở một vị trí tương tự, cửa sổ thông hẳn ra ngoài thành (Jos 2,15).
“Bấy giờ, từ cửa sổ cô thòng dây cho họ xuống, vì nhà cô sát vách tường thành và cô ở ngay trong tường thành.” (Jos 6,15)
Bản Kinh Thánh Do thái, ở câu Joshua 2,15 dùng chữ “beqîr hahômah.- sát vách tường”. Thông thường từ qîr có nghĩa là “bức tường nhỏ”, nhưng còn có nghĩa là “mặt phẳng của bức tường”. Cuốn Từ vựng của các tác giả Brown, Driver và Briggs gợi ý rằng trong câu Joshua 2:15 (trang 885), giới từ “be” trong “beqîr” c ó nghĩa là “dựa vào” (trang 89).
Như vậy, nếu dịch sát, thì chúng ta có thể dịch là “nhà cô dựa vào bề mặt đứng của tường thành” Hay bình dân hơn, chúng ta có thể nói “nhà cô lấy tường thành làm vách”! Có vậy cửa sổ nhà cô trổ ra từ tường thành và ngó thẳng ra ngoài thành, về phía rừng cây um tùm cách đó không xa.
Nếu thế, khi tường đổ, làm sao nhà cô Rahab còn nguyên vẹn ? Các thám tử đã dặn Rahab mang tất cả mọi người trong gia đình tụ về đây, thì mọi người sẽ được cứu.
Khi người Do thái ồ ạt tràn vào thành, leo lên đống gạch đổ như một cái thang mà vào thành, họ để cho căn nhà và gia đình cô Rahab được nguyên vẹn an toàn “Ông Giô-suê nói với hai người đã đi do thám trong xứ: "Hãy vào nhà người kỹ nữ, và đem người đàn bà ấy cũng như mọi người thân thuộc của cô ra khỏi đó, theo như anh em đã thề hứa với cô."23 Vậy các người thanh niên do thám vào nhà cô Ra-kháp, và đem cô ra khỏi đó cùng với cha mẹ, anh em cô và mọi người thân thuộc của cô; họ đem tất cả thị tộc của cô ra khỏi đó, và cho họ ở bên ngoài trại Ít-ra-en.” (Jos2,12-21; 6,17, 22-23)
Đoàn khảo cổ Đức, vào năm 1907-1909 đã thấy một phần tường phía Bắc của Giêricô không bị sụp như những nơi khác. Một phần tường gạch, cao trên hai thước, vẫn còn nguyên. Và điều thú vị là, dựa vào khoảng tường còn nguyên này, có những căn nhà. Y hệt như Kinh Thánh đã miêu tả cặn kẻ . Dĩ nhiên rất có thể đó là căn nhà của Rahab.
Xem hình bức tường gạch còn nguyên
Hơn nữa , từ khoảng thành này ngó ra bên ngoài, là dãy đồi hoang , chỉ cách có một khoảng ngắn. Hẳn đây từng là khu rừng cây mà các thám tử đã trú trong ba ngày, sau khi thoát ra từ cửa sổ nhà cô Rahab. “Cô nói với họ: "Các ông hãy đi về phía núi, kẻo những người đuổi theo bắt được các ông. Các ông cứ ẩn núp ở đấy ba ngày cho đến khi chúng trở về. Sau đó, các ông cứ đường mình mà đi. .. Họ lên đường và tiến về phía núi. Họ ở lại đó ba ngày cho đến khi những kẻ đuổi theo trở về. Những người này đã đi lùng họ trên cả con đường ấy mà không tìm được.23 Hai người kia trở về: họ xuống núi, qua sông Gio-đan, rồi tới gặp ông Giô-suê .” ( Jos 2:16-22)
Sau khi chiếm thành người Do thái hoả thiêu Giêricô: “Rồi họ phóng hoả đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó; ngoại trừ vàng bạc và những đồ đồng, đồ sắt, thì người ta nộp vào kho tàng nhà ĐỨC CHÚA.” ( Jos 6,24)
Một lần nữa, khoa khảo cổ đã thấy sự thật y như Kinh Thánh đã miêu tả: Ở phiá đông ngọn đồi Giêricô, các nhà khảo cổ thấy cả một lớp tro dày gần một thước. Cô Kenyon đã tả lại như sau: “Cuộc tàn phá thật là hoàn toàn. Tường, nền, khắp nơi đều cháy đen hay bị nung đỏ lên vì lửa. Phòng nào cũng ngổn ngang gạch vụn, đòn dông xà ngang trần nhà, hay đồ vật dụng. Đồ đạc mọi chổ đều mang dấu vết bị cháy rụi. Nhưng phần tường phía Tây dường như bị đổ nhào trước cuộc hoả thiêu.” (Xem Kenyon, Excavations at Jericho, 3:370.)
Cả Garstang và cô Kenyon đều tìm thấy nhiều hũ đựng đầy nhũ cốc. Nhưng tại các hũ ngũ cốc không bị hoả thiêu khi dân Do thái tàn phá thành Giêricô ? Chính Kinh Thánhh cho ta lời giải đáp. Giôsuê đã ra lệnh cho con dân Israel rằng thành Giêricô và tất cả những gì trong thành đều thuộc về Đức Chúa: “Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính ĐỨC CHÚA, chỉ có cô kỹ nữ Ra-kháp và mọi người ở với cô trong nhà là sẽ được sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi.”( Jos 6,17)
Những hũ ngũ cốc nguyên vẹn là lời chứng âm thầm nhưng hùng hồn cho thấy sự vâng lời tuyệt đối của con dân Do thái dành cho Đức Chúa cách đây hơn ba thiên niên kỷ rưỡi. Chỉ có một mình ông Akhan không tuân theo lời nguyền này. “Ông A-khan, con ông Các-mi, cháu ông Dáp-đi, chắt ông De-rác, thuộc chi tộc Giu-đa, đã lấy đồ vật trong số những thứ bị án biệt hiến” (Jos 7,1).
Sự bất tuân của ông đã dẫn đến cuộc thất trận ngay sau đó tại thành Ai: “Vậy có chừng ba ngàn người trong dân đã lên đó, nhưng họ đã chạy trốn trước mặt người thành Ai.5 Người thành Ai đã giết khoảng ba mươi sáu người của họ. Người thành Ai đuổi theo họ từ đàng trước cổng thành đến Sơ-va-rim, và đánh bại họ ở chỗ dốc. Tâm thần của dân sợ hãi như muốn chảy tan ra như nước.”(Jos 7, 4-6)
Sau hết, những hũ ngũ cốc còn nguyên còn cho ta thấy cuộc chiến thắng của dân Do thái quả là chớp nhoáng. Chỉ trong bảy ngày, dân thành chưa kịp dùng hết số thực phẩm dữ trữ thì thành đã sập .
Những tương đồng giữa khảo cổ và Kinh Thánh có thể tóm lại như sau:
Kinh Thánh nói rằng Giêricô là một thành kiên cố, có tường bao quanh và có cổng ra vào (Jos 2:5,7,15; 6:5,20). Tờ báo Khảo cổ Biblical Archaeology Review ghi lại: “Giêricô được bao bọc chung quanh bởi một cái luỹ đắp bằng đất, chắn giữ bởi một bức tường bằng đất nhưng phần nền được “cố” cho vững bằng nhiều lớp đá xếp chồng. Tường này cao từ 3 đến 5 thước. Chồng trên bức tường này, lại là một bức tường khác bằng gạch được làm bằng bùn khô, dầy hai thước và cao chừng 6 đến 8 thước.” (Xem bài của Wood, trang 46).
Theo Cựu Ước, cuộc công thành xảy ra vào ngày 14 tháng Abib (khoảng tháng Ba hay tháng Tư): “Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô” (Jos 5,10), nghĩa là lúc đó vào cuối mùa xuân, nhằm vào mùa thu hoạch: “Bấy giờ là mùa gặt; sông Gio-đan tràn ra hai bên bờ suốt mọi ngày. “ (Jos 3,15). Cô Rahab đang phơi cây gai trên mái nhà : “Rồi cô ta đem họ lên sân thượng và giấu họ dưới đống cây gai cô đã xếp ở đó.” (Jos 2:6). Cả Garstang và cô Kenyon đều tìm thấy được nhiều hũ ngũ cốc tồn trữ trong nhà. Có nơi tìm được đến 6 hũ. Đó là điều rất đặc biệt trong lịch sử khảo cổ vùng Đất Thánh Do thái (trang 56).
Kinh Thánh nói cuộc tiến công xảy ra nhanh chóng, chỉ trong vòng bảy ngày: “Họ làm như vậy sáu ngày. Ngày thứ bảy, họ dậy sớm khi hừng đông ló rạng, và đi vòng quanh thành bảy lần cùng theo một cách thức. Chỉ có ngày đó họ mới đi vòng quanh thành bảy lần. Đến lần thứ bảy, khi các tư tế thổi tù và, ông Giô-suê nói với dân: "Hãy hò reo xung trận, vì ĐỨC CHÚA đã nộp thành cho anh em." (6:15-17). Dân Giêricô bị kẹt trong thành, không lối thoát. “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en: nội bất xuất, ngoại bất nhập.” (Jos 6,1). Số lượng lớn thực phẩm khai quật được đã chứng minh điều này. Nếu dân Giêricô thoát được ra ngoài, hẳn họ đã mang theo lương thực. Nếu cuộc bao vây tấn công kéo dài lâu hơn, hẳn dân thành đã ăn hết thực phẩm. Trình thuật Cựu Ước đã rất chính xác.
Khi con dân Do thái hò reo la to vào ngày thứ bảy: “tường thành sụp đổ tại chỗ. Dân chúng ai nấy cứ thẳng trước mặt mình mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được.” (Jos 6:20; xem. Dothái 11:30 : “Nhờ đức tin, tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ, sau khi dân Ít-ra-en đi vòng quanh trong bảy ngày.”). Cô Kenyon đã khai quật thấy ngay tại chân ngọn đồi Giêricô từng đống gạch vụn mà cô cho rằng : “Gạch vụn này hẳn là do phần tường phía trên đổ xuống.” Giáo sư Wood nhận định rằng luợng gạch đổ nát là từ “bức tường khác bằng gạch được làm bằng bùn khô, dầy hai thước và cao chừng 6 đến 8 thước.” (trang 54).
Theo Kinh Thánh, Giêricô sau đó được “trù hiến” cho Thiên Chúa, nghĩa là người Do thái phải thu góp vàng, bạc sắt tìm được ở Giêricô mang để vào Kho của Đức Chúa: “ngoại trừ vàng bạc và những đồ đồng, đồ sắt, thì người ta nộp vào kho tàng nhà ĐỨC CHÚA”. Tuy nhiên họ không được lấy bất cứ thứ gì làm của riêng “Anh em phải đề phòng án tru hiến, kẻo anh em bị án tru hiến vì lấy đồ vật nào trong số những gì bị án biệt hiến.” (Jos 6:17-19). Khảo cổ đã chứng minh điều này. Như chúng ta đã nhắc trên , các hũ ngũ cốc vẫn còn nhiều và nguyên vẹn. Tuy ngũ cốc là vật rất quý vào thời đó, người ta thường dùng nó như vật trao đổi “Thế là vua Khi-ram cung cấp cho vua Sa-lô-môn tất cả gỗ bá hương và gỗ trắc như vua Sa-lô-môn muốn. Và vua Sa-lô-môn trao cho vua Khi-ram bốn trăm ngàn thùng lúa miến làm lương thực cho triều đình của vua này, với bốn mươi ngàn thùng dầu nguyên chất.”. Như thế chúng ta mới hiể tại sao,dù ngũ cốc là vật quý, mà nguời Do thái đã chặng dám đụng chạm đến chiến lợi phẩm này. Các hũ ngũ cốc vẫncòn nguyên cho đến... ngày nay. Quả thật, Kinh Thánh đã ghi chép chính xác!
Kinh Thánh ghi lại rằng, sau khi chiếm thành người Do thái phóng hỏa đốt thành: “Rồi họ phóng hoả đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó .” (Jos 6:24). Cô Kenyon viết trong báo cáo: “Tường, nền, khắp nơi đều cháy đen hay bị nung đỏ lên vì lửa. Phòng nào cũng ngổn ngang gạch vụn, đòn dông xà ngang trần nhà, hay đồ vật dụng. Đồ đạc mọi chổ đều mang dấu vết bị cháy rụi.” (Xem Kenyon, 1981, trang 370; trích theo Wood, trang 56).
Kinh Thánh còn ghi rằng nhà cô Rahab “sát vách tường thành và cô ở ngay trong tường thành.” (Jos 2,15). Xem hình minh hoạ ta thấy giữa hai lớp tường thành có một khuông đất, nơi tụ tâp dân nghèo trong thành. Họ làm nhà dựa lưng vào tường. Đúng hơn họ dùng tường thành làm tường nhà. Quả là không còn chổ nào thích hợp hơn cho nhà một cô gái điếm nghèo.
Bài học Giêricô
Đã có thời người ta cho Giêricô là mốt nan đề của Kinh Thánh. Nhưng nhờ vào khoa khảo cổ Kinh Thánh, nhất là nhờ vào việc cắt nghĩa đúng đắn các di chỉ khảo cổ mà
khoa khảo cổ đã minh chứng rằng Kinh Thánh đã nói thật. Thật đến từng chi tiết nhỏ.
Thế còn việc tại sao tường thành Giêricô đổ nhào ? Cả Grastang và cô Kenyon đều cho rằng do một cuộc động đất. Nếu Thiên Chúa dùng cuộc động đất để thực hiện ý định của Ngài, thì đó vẫn còn là một phép lạ. Vì đã xảy ra đúng lúc đúng nơi. Động đất xảy ra mà nhà cô gái điếm Rahab vẫn được bảo toàn.
Quả thật dù là bằng cách nào mà tường thành Giêricô sụp đổ, thì vẫn là do Thiên Chúa can thiệp, qua đức tin của con dân Do thái:“Nhờ đức tin, tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ, sau khi dân Ít-ra-en đi vòng quanh trong bảy ngày.” (Dothái 11:30)
Hơn nữa trình thuật về thành Giêricô gởi cho chúng ta một bài học: Đừng vì một xung khắc biểu kiến với khoa học mà cho rằng trình thuật Kinh Thánh không đáng tin .
Điểm cuối cùng là, ngày nay có nhiều “bức tường kiên cố” cần phải làm - hay chỉ có thế làm - sụp đổ bằng đức tin vào Thiên Chúa mà thôi .
Nguyễn đức Khang
Houston,2005
Ghi chú
Trích từ Chuyện Nhà tôi by KHG Press.
Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.