Lòng thương xót

Seeing

 

 

Chúng ta chắc còn nhớ câu chuyện của Giacob theo lời mẹ, bà Rebecca, về quê hương để cưới vợ, đồng thời tránh cuộc đuổi giết của Esau (1). Có lẽ ông là người duy nhất trên thế gian này chịu làm rể 14 năm trường để cưới cho được nàng Rachel xinh đẹp.

Ngày 11 tháng Cheshvan là ngày giổ (yahrzeit) của Rachel, tổ nữ của dân Do thái. Năm nay ngày giổ Rachel nhằm ngày 13 tháng 11 năm 2005. Nhân ngày giổ này, chúng ta hãy tìm hiểu con người Rachel, để hiểu tại sao người Do thái lại nhớ ngày giổ của nàng hơn các Tổ phụ và Tổ nữ khác .

 

Cảm tưởng đầu tiên

Chúng ta gặp Rachel lần đầu tiên ở chương Sáng Thế ký 29. Khi nàng đang đi chăn chiên cho bố ngoài đồng. Tên của nàng, “Rachel”, tiếng Do thái có nghĩa là “con cừu nhỏ”. Dường như nàng có nhiều liên hệ với loài gia súc quen thuộc này của người Do thái. Đồng thời sách Kinh Thánh cũng tả về dáng người của nàng như sau :

“Và Rachel đẹp người đẹp dáng

Những chi tiết này càng được nổi bật khi so sáng với cảm tưởng chúng ta có về cô chị Leah của nàng :” Mắt Leah bị lé “

Tên “Leah”, tiếng Do thái có nghiã là “mệt mỏi” hay “lừ đừ, khờ khờ”. Sách Talmud cho chúng ta biết rằng đôi mắt Leah mềm dịu hay mỏi mệt vì cô chị này thường xuyên khóc thương phận mình hẩm hiu lẽ ra đã lấy được người anh họ Esau.

Đối với thế giới bên ngoài, Rachel dường như chỉ ở trong nhà. Ai thấy nàng đều khen đẹp. Thực tế, vén khéo, và thường xuyên chăm lo chuyện nhà và việc làm ăn sinh sống. Trái lại, Leah dường như có một cá tính phức tạp hơn, đen tối hơn. Mắt nàng, là cửa số lòng nàng, cho ta thoáng thấy số phận nàng vật vã, mệt mỏi tránh né điều xấu bằng mọi giá .

Ta có thể nói Rachel đại diện cho thế giới này, với những phô bày và cư dân đang sống hiển hiện trong đó. Còn Leah có thể nói là đại diện cho thế giới ẩn khuất, thế giới với trọn vẹn những bạo tàn, phản chứng, tượng hình qua con người của Esau.

 

Duyên se bởi Trời

Giacob lập tức yêu Rachel. Tuy chúng ta có thể thấy rõ ràng vì dáng vẻ bên ngoài mà Giacob “phải lòng”, nhưng chúng ta còn có thể giả thiết rằng vị Tổ phụ thứ ba –và trọn vẹn nhất - thấy đưọc nơi Rachel nhiều nét qúy giá hơn hơn dáng vẻ bên ngoài khi ông say đắm nàng.

Đoạn trích sách Talmud sau đây cho chúng ta thấy nét nổi bật nhất của Rachel. Điều này đã bật đèn xanh khiến cho Giacob nhận ra được nơi Rachel “nàng ấy là của tôi”.

“Giacob hỏi Rachel :
-”Em có ưng lấy anh không?
Nàng đáp:
-” Có chứ, nhưng anh phải biết ba em là người tráo trở, và ba sẽ lừa anh đấy ?”
–“Trò lừa bịp của ba như thế nào ?”
–“ Em có người chị lớn tuổi hơn em. Ba muốn gả chị trước em cho khuất mắt .”

Vì thế Giacob đưa cho nàng một tín vật (dấu hiệu riêng nhờ đó mà chàng biết chắc Rachel chính là cô dâu). Đêm động phòng tới, Rachel thấy chị Leah được dẫn tới chuppah (2) . Nàng nghĩ nhanh trong đầu : “Chẳng lẽ chị của mình bị sỉ nhục như vậy sao ?” Và nàng đưa tín vật của mình cho chị “ (Talmud Megilla 13b)

Khi trao tín vật cho chị, Rachel đồng ý trên nguyên tắc cho Leah lấy Giacob thế chổ mình. Rachel biết rõ rất có thể nàng sẽ chẳng thể nào lấy Giacob được nữa. Mà dù cho chuyện ấy có xảy ra, tương lai nàng chung chồng với bà chị Leah không thể là một cuộc sống đầy thú vị. Thế thì đâu là lý do khiến Rachel có quyết định như thế ?

Chỉ hoàn toàn vì lòng mẫn cảm và yêu thương, Rachel không chấp nhận việc chị Leah của mình bị tủi hổ. Nên nàng tìm mọi cách để ngăn chận việc ấy cho bằng được cho dù hy sinh chính tình yêu của mình .

Rachel – Giacob là một cặp rất đẹp đôi và tương xứng. Theo truyền thống Do thái, mỗi vị Tổ phụ tiêu biểu cho một nét đặc trưng làm nên dân tộc Do thái.

Abraham, cụ Tổ đầu tiên, được biết nhiều vì lòng chessed-thương yêu. Isaac nổi bật với tính gevura-tự chế. Còn nét chính của Giacob là emmet-chân thực. Giacob là người duy nhất gói ghém và dung hoà toàn bộ hai thái cực của Ông Nội Abraham và của Cha mình, Isaac. Vì thế ông tiêu biểu cho sự thực , và sứ mệnh của ông là tìm kiếm sự thật trong thế giới và tiếp thụ nọ Vì thế Giacob dù sống trong một thế giới vật lý, nhưng ông phải tìm ra nét thánh thiêng trong đó, và cả khi đang sống lưu đày, ông phải thánh hóa thế giới quanh ông và sử dụng nó vào đúng mục đích của nó .

Đó là sứ mệnh của Giacob. Ông còn gặp được hai yếu tố thiết yếu giúp

Ông hoàn thành sứ mệnh này. Đó là Rachel ”đẹp người đẹp dáng”, nghĩa là thích đáng với và dễ đi đến với thế giới vật lý . Đó còn là Rachekl với tính mẫn cảm giầu thương xót . Giacob nhận ra ưu điểm này khi quan sát Rachel đối xử với bầy cừu của nàng hay qua những quan hệ giao tế của nàng với người chung quanh.

Sau biến cố đêm động phòng với Leah, chắc chắn Giacob hiểu có lòng thương xót của Rachel can thiệp vào, vì nếu không thế, làm sao Leah có tín vật tình yêu? Phải chăng đó là lý do tăng lực và thúc đẩy Giacob chịu ở rể thêm 7 năm nữa, để cưới cho bằng được kho tàng quý giá ấy?

Lòng thương xót giúp ta nhìn xa hơn chính mình, nhìn rộng hơn những nhu cầu chủ quan ích kỷ, nhìn thấu tận được thực tại của kẻ khác, và chấp nhận cái khác biệt của kẻ khác mà không phê phán hay chống đối.

Vì thế Rachel là người phụ nữ hoàn toàn thích hợp với Giacob, cùng ông và giúp ông chu toàn sứ mệnh tìm ra emmet-chân lý của thế giới này, sử dụng cả những yếu tố tích cực có đưọc nơi chính bản thân mình hay tìm ra được nơi hoàn cảnh chung quanh để giúp hiểu emmet-sự thật thấu đáo hơn.

Khi Rachel chết , Giacob chôn bà “bên vệ đường đi tới Beit Lechem”(3). Sau này khi giải thích lý do cho Giuse biết tại sao ông chôn bà tại chốn này, ông cho biết đó là nơi “địa linh nhân kiệt” thích hợp nhất cho Tổ mẫu của Dân Do thái an nghỉ như là nguồn biểu lộ lòng thương xót vô tận :

“Ta cũng không đem mẹ của con về Beit Lechem, vốn thuộc về đất tổ. Ta biết con đau lòng vì chuyện này. Nhưng ta biết Thiên Chúa đã bảo ta làm thế, để sau này Bà còn giúp con cái Bà. Khi Nevuzaradan, vua Babylon lưu đày họ biệt xứ, họ sẽ đi ngang qua mộ phần Bà đây. Rachel sẽ đi ra, và than khóc cầu khẩn Thiên Chúa xót thương. Thiên Chúa sẽ đáp lời Bà :” Việc Bà làm sẽ được thưởng công, Thiên Chúa phán như thế, con cái bà sẽ hồi cư nguyên quán” (Rashi, SángThế ký 48:8) .

Chỉ mình Rachel, vì biết tỏ lòng thương xót mẫn cảm với người khác, mới có thế kêu xin và nhận được lòng xót thương từ Đấng Chí Tôn .

 

Khi Đền thờ bị phá hủy ,và dân Do thái bị dẫn đi lưu đày, Abraham ra trước mặt Chúa và cầu xin : "Lạy Đấng Chủ Tể cả vũ hoàn, khi con trăm tuổi, Ngài cho con có được một mụn con. Khi nó lên 37, Ngài phán với con:” Hãy hiến tế nó cho Ta.” Con đã vượt qua được lòng thương cảm thường tình và đích thân con đã trói nó nằm xuống. Lẽ nào Ngài không nhớ đến lòng nhiệt thành của con mà thương xót đến con cháu của con ?”

Isaac cũng đến cầu xin : "Khi cha con nói “Thiên Chúa sẽ cho chúng ta biết con chiên nào sẽ bị tế sinh, con ạ” thì con đã không ngần ngại mà chấp nhận định mệnh. Hơn thế, con đã đưa cổ ra để sẵn sàng chịu sát tế . Chẳng lẽ Ngài không hoài đến sức mạnh của con mà đoái thương đến con dân của con sao ?”

Kế đến, Giacob cũng tới cầu xin : ”Con đã cật lực ròng rã 20 năm trường ở nhà Laban, và khi con ra đi, Esau đã đến làm hại con. Con đã chịu khó suốt đời để nuôi nấng con cái lớn khôn. Bây giờ chúng bị kẻ thù điệu đi như đám cừu bị đem đi giết ? Chẳng lẽ Ngài không nhớ tới những đau đớn, khổ cực của con mà cứu thoát chúng sao ?”

Rồi Môsê cũng đến và góp tiếng : "Chẳng lẽ con không phải là người chăn dắt Israel suốt 40 năm sao ? Con đã chạy như ngựa dẫn đầu chúng trong sa mạc. Đến lúc vào đất Israel, Ngài lại lệnh cho con phải chết trong sa mạc. Nay thì họ phải bị phát lưu . Ngài không muốn nghe con than khóc cho phận số của họ chứ ?”

Đến lúc này, Rachel, Tổ mẫu của chúng ta, mới đến trước mặt Chúa và nói : "Lạy Đấng Chủ Tể vũ hoàn, Ngài biết Giacob yêu con nhất và chấp nhận làm rễ bẩy năm để cưới được con. Đến kỳ hạn cưới xin, bố con đã tráo đổi chị con thay chổ con. Con không muốn tranh dành với chị con, cũng chẳng muốn để chị con phải tủi hổ vì phận bạc. Nếu con, chỉ là loài hèn phận người, mà còn không muốn chị con bị tủi phận vì không đưọc điều con có, thì lẽ nào Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, là Thiên Chúa Hằng Sống đầy lòng xót thương lại ganh tỵ với kẻ thờ tà ma ngoại đạo không có thực mà khiến cho con cháu của con phải bị lưu đày khốn khổ?”

Lập tức lòng xót thương nơi Chúa bừng dậy và Ngài phán: “Vì Rachel, con Ta ơi, Ta sẽ mang Israel trở về nguyên quán, như Ta đã từng có lời nói :” Đừng khóc và đừng đổ lệ nữa, vì việc các ngươi làm đã mang lại kết quả. Hy vọng đã bừng lên cho các ngươi, và con cháu các người sẽ hồi cư nguyên quán .”( Nhập đề phần Chú giải sách Ai ca)

Nhân ngày giổ của Rachel, ngày 11 tháng Cheshvan, chúng ta cùng nhau ôn lại và học hỏi về lòng thương xót sâu đậm con người có thể dành cho nhau. Lòng thương xót giúp ta phát triển được một cái nhìn đích thực, khách quan và tích cực về đời sống để nhìn thấu ra được ánh lửa thánh thiêng nơi từng phận người và trong thế giới. Một lòng xót thương không hề ái ngại đặt vấn đề ngươì lãnh nhận có xứng đáng hay không, nhưng là một lòng thương xót so sánh được với lòng nhân tư vô bờ bến của Chúa.

Có thế, Thiên Chúa mới đáp trả lại bằng cách bày tỏ lòng xót thương có sức cứu chuộc tối hậu của Ngài cho ta.

 

 

  Nguyễn đức Khang
Houston,2005


Ghi chú

(1) Xem thêm bài “Từ đối kháng đến Giao Ước”

(2) Chuppah: Giường cưới

(3) Beth-Lehem "Nhà Làm Bánh" . Bà Rachel mất trong lúc sinh con út Benjamin và được Giacob chôn tại Ephrat, bên vệ đường đi, gần Beit Lehem. Không hiểu tại sao Bà không được chôn trong hang Macpela, là Nghĩa Trang của gia tộc, chỉ cách đó vài cây số.



Trích từ Chuyện Nhà tôi by KHG Press.

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.