Rahab

Seeing

 

 

Kinh Thánh không ngần ngại gọi nàng Rahab là “cô gái điếm”. Bản dịch tiếng Việt của Nhóm CGKPV, dường như tỏ lòng nể nang, đã dùng chữ “kỹ nữ”. Bản tiếng Anh RVB không hề tránh né mà dùng nguyên chữ “Rahab the harlot”. Bản Phổ thông Vulgata dùng chữ “meretrix” (Xem ghi chú 1): “domum mulieris meretricis nomine Raab-vào nhà một cô gái điếm tên là Rahab”( Jos 2,1).

Chúng ta hãy đọc lại trình thuật Kinh Thánh kể việc do thám thành Giêricô.

Sách Giôsuê, chương 2 :

“Từ Sít-tim, ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám và nói: "Hãy đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô." Họ đã đi và vào một nhà một kỹ nữ tên là Ra-kháp; họ nằm lại đó.2 Người ta nói với vua Giê-ri-khô: "Đêm vừa rồi, có vài người trong số con cái Ít-ra-en đã vào đây để thăm dò vùng đất này."3 Vua Giê-ri-khô sai người đến nói với cô Ra-kháp: "Hãy dẫn ra đây những người đã đến với ngươi, đã vào nhà ngươi, vì họ đã đến thăm dò toàn vùng đất này."4 Nhưng người đàn bà đem hai người kia đi giấu, rồi nói: "Phải, những người ấy có đến với tôi, nhưng tôi không biết họ từ đâu đến.5 Lúc chập tối, khi cửa thành sắp đóng, thì những người ấy đi ra. Tôi không biết họ đi đâu. Các ông hãy mau mau đuổi theo họ thì sẽ bắt kịp."

6 Rồi cô ta đem họ lên sân thượng và giấu họ dưới đống cây gai cô đã xếp ở đó.7 Các người kia cứ đuổi theo họ trên con đường dẫn tới sông Gio-đan cho đến chỗ lội qua sông. Và người ta đóng cửa thành lại, sau khi những kẻ đuổi theo đã ra khỏi đó.

8 Họ chưa kịp nằm xuống, thì cô Ra-kháp lên gặp họ trên sân thượng.9 Cô nói với họ: "Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nỗi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi dân cư trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông.10 Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi Ai-cập; chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan.11 Khi chúng tôi nghe đồn, thì tâm thần chúng tôi sợ hãi như muốn chảy tan ra, không ai còn nhuệ khí trước mặt các ông, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp.12 Vậy bây giờ, xin các ông hãy nhân danh ĐỨC CHÚA mà thề với tôi là: bởi tôi đã lấy tình mà đối xử với các ông, thì các ông, các ông cũng sẽ lấy tình mà đối xử với gia đình tôi. Các ông sẽ cho tôi một dấu chắc chắn,13 đó là các ông sẽ để cho cha mẹ tôi, các anh chị em tôi và mọi người thân thuộc của họ được sống, các ông sẽ cứu chúng tôi khỏi chết."

14 Những người ấy nói với cô Ra-kháp: "Chúng tôi xin thề lấy mạng đền mạng, trừ phi các người tiết lộ chuyện này! Vậy khi nào ĐỨC CHÚA ban đất này cho chúng tôi, chúng tôi sẽ lấy chữ tình chữ tín mà đối xử với cô."15 Bấy giờ, từ cửa sổ cô thòng dây cho họ xuống, vì nhà cô sát vách tường thành và cô ở ngay trong tường thành.16 Cô nói với họ: "Các ông hãy đi về phía núi, kẻo những người đuổi theo bắt được các ông. Các ông cứ ẩn núp ở đấy ba ngày cho đến khi chúng trở về. Sau đó, các ông cứ đường mình mà đi."17 Họ nói với cô: "Đây là cách chúng tôi sẽ giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề:18 Khi nào chúng tôi vào xứ này, cô sẽ buộc dây chỉ điều này ở cửa sổ, nơi cô đã thả chúng tôi xuống, rồi cô sẽ tập họp trong nhà, bên cạnh cô: cha mẹ, các anh chị em và cả nhà cha cô.19 Bấy giờ, ai bước qua cửa nhà cô mà ra ngoài, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu người ấy, chúng tôi vô can. Nhưng người nào ở trong nhà với cô, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu chúng tôi, nếu có ai tra tay hại người ấy.20 Cô mà tiết lộ chuyện của chúng tôi, chúng tôi sẽ khỏi phải giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề."21 Cô ấy nói: "Mong được như lời các ông đã nói! " Rồi cô để họ đi, và họ ra đi. Cô buộc dây chỉ điều ở cửa sổ.

22 Họ lên đường và tiến về phía núi. Họ ở lại đó ba ngày cho đến khi những kẻ đuổi theo trở về. Những người này đã đi lùng họ trên cả con đường ấy mà không tìm được.23 Hai người kia trở về: họ xuống núi, qua sông Gio-đan, rồi tới gặp ông Giô-suê, con ông Nun, và thuật lại cho ông mọi việc đã xảy ra cho họ.24 Họ nói với ông Giô-suê: "ĐỨC CHÚA đã nộp tất cả miền đất ấy vào tay chúng ta, và mọi dân cư ở đó đều rụng rời hốt hoảng trước mặt chúng ta."

Vì nàng và danh phận không mấy tốt đẹp của nàng bị nhắc đến một cách sỗ sàng trong thuật trình Kinh Thánh kể lại việc dân Do thái tấn chiếm Giêricô, nên từ đó người ta gọi cái nghề của nàng là “nghề xưa nhất trên trái đất”.

Vậy mà không có người kỹ nữ nào lại được ca tụng như nàng. Tân ước nhắc đến nàng hai lần. Lần nào cũng hàm ý ca tụng.

Ca tụng lòng tin : “Nhờ đức tin, cô kỹ nữ Ra-kháp đã không phải chết cùng với quân phản nghịch, vì cô đã hoà nhã tiếp đón những người do thám.” (Dothái 11,31) .

Và ca tụng hành động công chính: “Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao?” (Giacôbê 2,25)

Còn Tin Mừng theo thánh Matthêu đã trân trọng kể tên cô trong phả hệ của Đức Giêsu. Cô là mẹ của ông Boát, người đàn ông tốt bụng đã cưới cô Ruth và phục hồi sản nghiệp cho chồng bà Naomi. Như thế, cô kỹ nữ Rahab là một trong những tổ mẫu của Vua Đavit, và của Chúa Giêsu. “Xanmôn lấy Raháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giêtsê; ông Giétsê sinh Đavít.”( Mt 1,5-7).

 

Nhưng ấy là chuyện về sau. Bây giờ chúng ta nên dừng lại những chi tiết thú vị sau:

1- Phải nói là dân Do thái có tài “mật vụ”. Điệp viên Do thái là “hết ý”. Khoan hãy nhắc đến cơ quan tình báo Mossad (xem ghi chú 2) nổi tiếng của Do thái thời nay, mà ngay từ thời Giôsuê, cách đây 3500 năm, trong cuộc dọ thám thành Giêricô và vùng Đất Hứa, điệp viên Do thái đã có nhiều thành công ly kỳ .

Họ đã cải trang và đột nhập được vào thành Giêricô. Thành này kín cổng cao tường, nếu không vào trong, thì không thể nào biết rõ đường đi nước bước trong thành. Hai điệp viên đã vào được trong thành. Họ nhận ra ngay điểm thuận lợi cho việc thoát thân nhờ vào những ngôi nhà ở dọc tường thành.

Sáng kiến trú thân trong nhà cô gái điếm thật là tuyệt vời. Cánh đàn ông có ra vào nhà cô Rahab thường xuyên và nhộn nhịp là điều bình thường và ít gây chú ý nhất. Chợ buá , thương xá, các “ổ nhện” thường là nơi các điệp viên hoạt động. “Ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám và nói: "Hãy đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô." Họ đã đi và vào một nhà một kỹ nữ tên là Ra-kháp; họ nằm lại đó.” (Jos 2,1)

Nhà cô Rahab lại ở vào một vị trí quá tốt, không thể nào tốt hơn được: Cửa sổ nhà cô mở ra ngoài thành. Xem chừng hai điệp viên đã dò hỏi kỹ lưỡng nên mới biết được chi tiết quan trọng này.

2- Mà ban phản gián của thành Giêricô cũng hữu hiệu không kém. Họ đã nhận ra ngay có người lạ đột nhập vào thành. “Người ta nói với vua Giê-ri-khô: "Đêm vừa rồi, có vài người trong số con cái Ít-ra-en đã vào đây để thăm dò vùng đất này.” (Jos 2,2)

Điệp viên Do thái vào thành ban đêm. Đèn đường không có. Đi đâu ai cũng trùm khăn kín mít. Vậy mà “tai mắt nhân dân” cũng đã phát hiện ra được. Ngay sáng hôm sau họ đã đi báo cáo .

3- “Vua Giê-ri-khô sai người đến nói với cô Ra-kháp: "Hãy dẫn ra đây những người đã đến với ngươi, đã vào nhà ngươi, vì họ đã đến thăm dò toàn vùng đất này.” Dù Rahab làm nghề hạ tiện, nhưng vua Giêricô không sỗ sàng mà ban ngày ban mặt xông vào nhà cô. Ông chỉ sai người tới truyền đạt lệnh cho cô thôi. Người truyền tin cũng không đường đột xông vào nhà cô, mà chỉ đứng ngoài nói. Hoặc cô không mời họ vào, hoặc họ ngại, giữ kẽ, không dám vào. Âu cũng là một điểm tế nhị trong cách cung xử của dân Giêricô

4- Nàng Rahab phải nói láo: “Nhưng người đàn bà đem hai người kia đi giấu, rồi nói: "Phải, những người ấy có đến với tôi, nhưng tôi không biết họ từ đâu đến.5 Lúc chập tối, khi cửa thành sắp đóng, thì những người ấy đi ra. Tôi không biết họ đi đâu. Các ông hãy mau mau đuổi theo họ thì sẽ bắt kịp."

Một lời nói láo rất hữu lý và đáng tin, nên đã tạo ra được kết quả mong muốn : “Các người kia cứ đuổi theo họ trên con đường dẫn tới sông Gio-đan cho đến chỗ lội qua sông. Và người ta đóng cửa thành lại, sau khi những kẻ đuổi theo đã ra khỏi đó.”

 

Nhưng vì sao nàng Rahab đã nói dối để cứu các thám tử Do thái như thế ?

5- Hai thám tử có “mua hương” hay không, chúng ta không biết, nhưng rõ ràng cô Rahab không “bán phấn”. Nàng cho các thám tử một thông tin đáng giá : “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nỗi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi dân cư trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông.”

Uy danh của Do thái đã đi trước các thám tử và đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh tâm lý. Hẳn các thám tử đã nhận xét và nghe ngóng được dân tình trong thành. Dân đã kháo nhau về cuộc chiến thắng của dân Do thái bên kia sông: “Chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan.”

Việc cô Rahab nghe được tin tức ấy thì chẳng có gì lạ. Trong đám đàn ông hằng ngày tới nhà cô “giao dịch”, hẳn họ đã thông tin cho nhau, và cho cô, về những chiến công hiển hách của “đám người đến từ sa mạc kia”.

Người Do thái không có gì để mất. Sau lưng là sa mạc. Trước mắt là “đất chảy sữa và mật ong”, phì nhiêu đến độ có những “chùm nho to đến nỗi phải hai người khiêng”. Hẳn là trái nho phải to như những trái dưa hấu! Một văn phong phóng đại, ngoa ngữ để miêu tả đất đai quá sức phong nhiêu.

Thiên Chúa nói đất đó là của họ. Nên sống chết gì họ cũng phải lăng xả vào mà chiếm. Cái lý tất thắng hẳn đã nghiêng về phía Do thái nhiều phần.

Khi thắng thành Khétbôn, họ đã từng tru diệt hết mọi người: “Bấy giờ Ít-ra-en sai các sứ giả đến thưa với Xi-khôn, vua dân E-mô-ri, rằng:22 "Xin để tôi đi qua đất của ngài; tôi sẽ không băng qua ruộng rẫy, vườn nho, không uống nước giếng; nhưng sẽ cứ vương lộ mà đi, cho tới khi ra khỏi biên giới của ngài."23 Nhưng vua Xi-khôn không cho Ít-ra-en băng qua bờ cõi của ông, lại còn tập họp toàn dân, ra chặn đường Ít-ra-en trong sa mạc. Tới Gia-hát, ông giao chiến với Ít-ra-en.24 Ít-ra-en vung kiếm giết họ và chiếm đất từ Ác-nôn cho tới Giáp-bốc, đến tận biên giới con cái Am-mon. Gia-de là biên giới con cái Am-mon.25 Ít-ra-en đã chiếm lấy tất cả các thành đó và lưu lại trong các thành của người E-mô-ri ở Khét-bôn và các thị trấn phụ thuộc.26 Khét-bôn quả là kinh thành của Xi-khôn, vua dân E-mô-ri, người đã từng giao tranh với đời vua trước của Mô-áp và chiếm toàn bộ lãnh thổ của vua này cho tới Ác-nôn.” ( Ds 21, 21-31)

“Và chúng ta đã đánh bại nó, con cái nó và toàn dân nó.34 Thời ấy, chúng ta đã chiếm tất cả các thành của nó và đã tru hiến mọi thành: đàn ông, đàn bà, con trẻ; chúng ta đã không để lại một ai sống sót “(ĐnL 2,32-34)

Nhưng xưa hơn thế nữa,cuộc di hành vượt qua Biển đỏ, và biến cố các chiến sĩ của Pharaô bị chết chìm trong Biển Sậy đã gây chấn động và kinh hoàng khắp vùng ấy.

Chuyện ấy xảy ra trước đó những bốn mươi năm.

Nay cô Rahab nhắc lại quá khứ, điều này cho phép ta kết luận hai chuyện :

a- Thứ nhất nàng Rahab hẳn không còn trẻ trung nữa. Ít nhất nàng đã 50.

b- Và những chiến công hiển hách của Do thái đã khiến cho nàng nhận thức ra một điều: Tự sức mình, người Do thái không thể nào được như vậy. Hẳn có bàn tay của thần linh. Và quả thật Thần linh của người Do thái ở với, và phù trợ cho họ. Vị Thần ấy đã từng ở với họ lâu nay thì bây giờ Ngài cũng sẽ theo họ tới đây, bên kia sông Giođan, đang chờ để chiếm thành Giêricô này. Mà một khi người Do thái chiếm được thành họ sẽ “tru hiến” tất cả: Không một mạng nào còn sống sót ! Nàng kết luận: “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này.” Đó cũng là lý do nàng “bỏ chổ tối mà quay sang chổ sáng”

Nàng thức thời nhận ra được rằng, người Do thái có đủ “tam tài” (ba yếu tố quý giá) là thiên thời, địa lợi và nhân hoà để chiến thắng: Thiên thời, vì “Đức Chúa ban cho các ông đất này.” Địa lợi, vì người Do thái không có gì để thua. Họ chỉ có sa mạc. Nhân hoà, vì lòng dân Giêricô đã không có ý chí chiến đấu, khi thấy đám dân Do thái lố nhố bên kia sông: “Khi chúng tôi nghe đồn, thì tâm thần chúng tôi sợ hãi như muốn chảy tan ra, không ai còn nhuệ khí trước mặt các ông”

Mọi người trong thành Giêricô, từ vua chí dân, hẳn ỷ vào thế tường cao cổng kín của thành. Trong thành có nước có thực phẩm đầy đủ, thì còn lo chi đám người sa mạc kia ? Họ còn ỷ lại vào các thần của họ.

Thời ấy dân Canaan quả là còn “bán khai” về phương diện tín ngưỡng. Dĩ nhiên họ thờ ngẫu tượng, dùng trẻ em để tế thần, có thói tục “điếm thánh”...

Chỉ mình nàng Rahab thấy khác. Khi gặp hai thám tử Do thái trong nhà mình, nàng nhận ra cái số phận thấy được của thành Giêricô. Đồng thời nàng vớ lấy cái phao quý giá và bắt đầu mặc cả: “Vậy bây giờ, xin các ông hãy nhân danh ĐỨC CHÚA mà thề với tôi là: bởi tôi đã lấy tình mà đối xử với các ông, thì các ông, các ông cũng sẽ lấy tình mà đối xử với gia đình tôi. Các ông sẽ cho tôi một dấu chắc chắn,13 đó là các ông sẽ để cho cha mẹ tôi, các anh chị em tôi và mọi người thân thuộc của họ được sống, các ông sẽ cứu chúng tôi khỏi chết."

Nói cách khác, bây giờ tôi cứu các ông, thì sau này xin các ông tha mạng.

 

Thế thì đức tin của Rahab ở đâu ?

 

1- Ở chổ nàng không tin tưởng vào thành cao, cổng chặt, hay thực phẩm nước nôi dồi dào của Giêricô! Nàng thấy được yếu tố tất thắng nằm ở chổ khác.

Và cô đã nói lên lời tuyên xưng đức tin của cô: “Đức Chúa ban cho các ông đất này.” mà “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp.”

Y hệt như công thức đức tin mà trước đó, qua miệng Môsê, Thiên Chúa vừa công bố cho toàn dân Do thái khi họ chuẩn bị vào Đất Hứa: “Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người.” (Đnl 4,39)

 

2- Rahab không đặt niềm tin vào Vua Giêricô:

Chúng ta hãy đọc lại chi tiết này: “Ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám và nói: "Hãy đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô." (Jos 2, 1) Các báo cáo viên cũng nhắc lại chuyện “thăm dò vùng đất”: “Người ta nói với vua Giê-ri-khô: "Đêm vừa rồi, có vài người trong số con cái Ít-ra-en đã vào đây để thăm dò vùng đất này." Quan sai của Vua cũng lập lại những chữ tương tự: “vì họ đã đến thăm dò toàn vùng đất này.”

Trong vòng bốn câu ngắn ngủi (câu 1đến 4) mà việc “thăm dò vùng đất” được nhắc đi nhắc lại ba lần. Tên vua cũng không được nêu lên, chứng tỏ rằng bản văn chỉ có ý nhấn mạnh đến thẩm quyền của Vua trong vùng đất Giêricô.

Vậy mà Rahab không coi trọng lệnh vua, không coi trọng thẩm quyền của vua.Tuy có thể bị bắt tội vì điều này nhưng cô vẫn bày tỏ lòng bất tín đối với vua khi chối phắt: “Lúc chập tối, khi cửa thành sắp đóng, thì những người ấy đi ra. Tôi không biết họ đi đâu.”

Cô đặt niềm tin tưởng vào một Vị khác: “Đức Chúa ban cho các ông đất này.” và “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp.”

 

3- Việc cô Rahab tuyên tín và đưa ra một đề nghị, một giao kèo, hay dùng một danh từ quen thuộc hơn, cô đề nghị một “giao ước” với các thám tử Do thái – dĩ nhiên qua đó là giao ước với ông Josuê, còn làm chúng ta liên tưởng tới một chi tiết thú vị khác: Chủ đề “Giao Ước” được hàm ngụ trong trình thuật về nàng kỹ nữ Rahab đây.

Ngay câu đầu tiên chúng ta đọc được : “Từ Sít-tim, ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám.”

Tại sao địa danh “Shittim” lại được nhắc đến ở đây ?

Ghê lắm ! Kinh khủng lắm !

Địa danh “Shittim” nhắc lại cho dân Do thái một tội ác tày trời, một cuộc trừng phạt kinh hồn. Tại Shittim, dân Do thái đã bỏ rơi Thiên Chúa mà theo thờ thần Ba’al của dân Moab: “Khi trú ngụ tại Síttim, dân Ítraen bắt đầu dâm đãng với gái Môáp.2 Bọn này rủ rê dân thờ cúng các thần của chúng; dân đã ăn uống và thờ lạy các thần của chúng.3 Ítraen bán mình cho Ba’an Pơo và ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với họ.

4 ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê: "Hãy đem tất cả các thủ lãnh của dân ra ngoài nắng mà treo lên trước mặt ĐỨC CHÚA, để ĐỨC CHÚA nguôi cơn thịnh nộ với Ítraen."5 Ông Mô-sê nói với các thẩm phán: "Mỗi người trong anh em hãy giết những kẻ đã bán mình cho Baan Pơo."

6 Bỗng một người trong số con cái Ítraen xuất hiện, dẫn theo một gái Mađian về nhà, ngay trước mắt ông Môsê và toàn thể cộng đồng con cái Ítraen lúc ấy đang khóc lóc tại cửa Lều Hội Ngộ.7 Thấy vậy, ông Pinkhát, con của Elada, cháu tư tế Aharon, liền đứng lên giữa cộng đồng, cầm một chiếc giáo trong tay,8 đi theo người Ítraen vào tận phòng hắn và đâm cả hai người, gã đàn ông Ítraen và mụ đàn bà kia ngay giữa bụng. Thế là chấm dứt tai ương đe doạ con cái Ít-ra-en.9 Số người chết trong tai ương đó, là 24.000.” (Dân số 25,1 tt)

Tại Shittim, trước đó, dân Do thái đã hành xử như một “meretrix”, như một cô gái điếm, như một “cô rahab” và đã bị Thiên Chúa trừng phạt nhãn tiền.

Mà không chỉ có lần sa đọa đó tại Shittim mà thôi, sau này, như trong 13 lần chúng ta trích dẫn từ “meretrix” trong phần ghi chú, các tiên tri đã nhiều lần ví dân Do thái như cô gái “meretrix” .Trong văn ngữ Kinh Thánh, danh từ “đàng điếm” được dùng như mỹ từ để gọi việc vi phạm Giao Ước với Thiên Chúa.

Tại Shittim, dân Do thái sa đọa như một cô “rahab”. Bây giờ tại Giêricô, hai thám tử - và qua hai thám tử là toàn dân Do thái - được cô gái điếm Rahab nhắc lại lời truyền của Thiên Chúa trong một bài giảng giáo lý về việc tôn thờ và kính sợ Đức Chúa Trời !.

Từ Shittim là nơi dân Do thái dâm đãng, họ tiến vào Giêricô, nơi họ gặp cô gái dâm đãng! Dân Do thái “bỏ chổ tối (Shittim) về chổ sáng (Giêricô-Rahab)”! Thế mới là thú vị !

 

5- Rồi chỉ trong một câu nói nàng vũ nữ thân gầy Rahab bày tỏ niềm tin của mình và đồng thời nhắc lại cho con cái Thiên Chúa bài học về Thiên Chúa của họ là : “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.”

 

6- Hơn nữa ,cô vũ nữ thần gầy Rahab như là đại biểu cho nét tinh túy của dân Canaan tin vào Thiên Chúa và trở nên một thành phần của bộ tộc Do thái, trong khi ông Achan, một con dân Israel, sau cuộc chinh phục Giêricô, đã không tuân thủ lệnh tru hiến, mà giữ một phần đồ vật của Giêricô làm của riêng, khiến cho toàn dân bị vạ lây: “Nhưng con cái Ít-ra-en đã can tội không thi hành án biệt hiến: ông A-khan, con ông Các-mi, cháu ông Dáp-đi, chắt ông De-rác, thuộc chi tộc Giu-đa, đã lấy đồ vật trong số những thứ bị án biệt hiến. Nên ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với con cái Ít-ra-en.” (Jos 7,1)

 

7- Rahab còn như một lời biện minh cho lệnh tru hiến nghiêm ngặt mà Thiên Chúa đã truyền: “Chỉ có những thành của các dân tộc này, mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp, thì anh (em) sẽ không để cho một sinh vật nào được sống.17 Thật vậy, anh (em) sẽ phải loại trừ chúng hoàn toàn: người Khết và người E-mô-ri, người Ca-na-an và người Pơ-rít-di, người Khi-vi và người Giơ-vút, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã truyền cho anh (em);18 như thế, chúng sẽ không dạy anh em học đòi mọi điều ghê tởm chúng làm để kính các thần của chúng, khiến anh em phạm tội nghịch cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em.” (Đnl

Ngài nhắc Do thái phải loại trừ dân trong thành đó hoàn toàn. Lý do là để Do thái không còn thấy gương xấu mà noi theo.

Tuy lệnh Chúa nghiêm ngặt là thế, nhưng Rahab là một luật trừ. Cả thành Giêricô sau khi bị chiếm đều bị tru hiến. Trừ căn nhà của Rahab, người có lòng tin vào Thiên Chúa !

Mà không chỉ là một luật trừ, Rahab là còn là một lời Hứa, ngầm ý: Bất cứ ai, dù là đàng điếm, dù là dân ngoại, dù ở trong thành bị trù hiến, miễn là có lòng tin như Rahab, đều được cứu.

Không những được cứu thoát, mà còn được hội nhập vào lòng dân ưu tuyển: “Nhưng cô kỹ nữ Ra-kháp cùng với gia đình cha cô và mọi người thân thuộc của cô, thì ông Giô-suê để cho sống. Cô ở giữa dân Ít-ra-en cho đến ngày nay, vì cô đã giấu sứ giả ông Giô-suê sai đi do thám Giê-ri-khô.” ( Jos 6,25)

Đây mới là bài chúng ta học được từ Rahab, vũ nữ thân gầy thành Giêricô.

 

8- Một chi tiết thú vị khác tưởng chúng ta nên nhắc lại đó là, khi cô Rahab điều đình với hai thám tử, cô xin cho mọi người thân thuộc của cô, cả các “chị em” của cô, được thoát nạn: “Bởi tôi đã lấy tình mà đối xử với các ông, thì các ông, các ông cũng sẽ lấy tình mà đối xử với gia đình tôi. Các ông sẽ cho tôi một dấu chắc chắn,13 đó là các ông sẽ để cho cha mẹ tôi, các anh chị em tôi và mọi người thân thuộc của họ được sống, các ông sẽ cứu chúng tôi khỏi chết." (Jos 2, 12-13) Cô Rahab chỉ nhắc tới tất cả những người thân tộc. Bản Phổ thông Latinh Vulgata nói rõ có “sorores- các chị em tôi” : “et salvetis patrem meum et matrem fratres ac sorores meas et omnia quae eorum sunt” (câu 13)

Hai thám tử đồng ý. Nhưng khi lập lại lời cam kết, hai ông lại nhấn mạnh đến chi tiết: Ai ở trong nhà cô đều được cứu: “Họ nói với cô: "Đây là cách chúng tôi sẽ giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề: Khi nào chúng tôi vào xứ này, cô sẽ buộc dây chỉ điều này ở cửa sổ, nơi cô đã thả chúng tôi xuống, rồi cô sẽ tập họp trong nhà, bên cạnh cô: cha mẹ, các anh [chị em] và cả nhà cha cô. Bấy giờ, ai bước qua cửa nhà cô mà ra ngoài, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu người ấy, chúng tôi vô can. Nhưng người nào ở trong nhà với cô, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu chúng tôi, nếu có ai tra tay hại người ấy.”

Bản Vulgata, Latinh bỏ sót từ “sorores”: “et patrem tuum ac matrem fratresque et omnem cognationem tuam congregaveris in domum tuam” (câu 18). Nghĩa là các thám tử không cam kết giữ mạng cho các “chị em” của Rahab!

Phải chăng các thám tử vụng về bỏ quên không nhắc đến các “chị em” của cô ? Hay các ông đã cố ý như thế ?

Sau khi chiếm thành, theolời Josuê, các thám tử đem mọi người trong nhà cô ra ngoài. Vẫn không nhắc đến các chị em của cô: “Vậy các người thanh niên do thám vào nhà cô Ra-kháp, và đem cô ra khỏi đó cùng với cha mẹ, anh em cô và mọi người thân thuộc của cô; họ đem tất cả thị tộc của cô ra khỏi đó, và cho họ ở bên ngoài trại Ít-ra-en. - ingressique iuvenes eduxerunt Raab et parentes eius fratres quoque et cunctam supellectilem ac cognationem illius et extra castra Israhel manere fecerunt.”(Jos 6.23)

Tại sao các chị em của cô không được cứu ?

Hẳn chỉ có một lời giải đáp. Chúng ta giả sử cô Rahab thông báo: “Ai ở trong nhà tôi sẽ không bị tru diệt.” Có bao nhiêu người trong thành Giêricô lúc bấy giờ tin vào lời cô, mà chịu khuất thân vào trú trong nhà một cô gái điếm, có hạnh kiểm không thê nên gương cho ai ? Các chị em của cô hẳn đã từng xấu hổ vì có một người em người chị như Rahab. Họ nào có thèm “dây mình với hủi” ?

Tai hoạ giáng xuống quá nhanh. Thành đổ, tưọng lo. Tượng lo rồi tượng cũng sụp. Nhân dân Do thái tràn vào thành như thác lũ. Các chị em của Rahab lúc bấy giờ có đổi ý, chạy đến nhà cô cũng không còn kịp.

 

 

Lời kết:

 

Lời hứa ban đất luôn luôn đi kèm theo Giao ước. Đại để Thiên Chúa ra điều kiện: “Nếu các người tuân giữ Lời Ta nói, giới răn Ta truyền, và chọn Ta làm Chúa của các ngươi, thì các ngươi sẽ được vùng Đất này làm gia nghiệp !”

Rahab đã là tiếng vọng của lời truyền ấy. Nàng nhắc lại cho người Do thái, rằng: “Đức Chúa ban cho các ông đất này.” và “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp.”

Vậy giao ước giữa Rahab và hai thám tử có thể được coi là “bản nháp” cho Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do thái.

Lại nữa, chìm giữa đô thành Giêricô sa đoạ, nàng vũ nữ thân gầy Rahab đã là một gương về đức tin mạnh mẽ và lớn lao. Tên “Rahab”, tiếng do thái, có nghĩa là “lớn lao”.

Vua Đavít, tổ phụ của Chúa Giêsu, chính là chút nội của bà Rahab có “niềm tin lớn lao” này.

 

  

 Nguyễn đức Khang
HHouston, ngày 9 tháng 8 năm 2005

 

  


Ghi chú

( 1) Đọc trong toàn bộ Kinh Thánh, có 13 chỗ dùng từ “meretrix” này:
1- Ios 2,1: “ingressi sunt domum mulieris meretricis nomine Raab et quieverunt”
2- Ios 6,22: “ingredimini domum mulieris meretricis et producite eam omniaque”
3- ThủLãnh 11,1: “fortissimus atque pugnator filius meretricis mulieris qui natus est de - Ông là con của một gái điếm.”
4- Châm Ngôn 5,3: “favus enim stillans labia meretricis et nitidius oleo guttur - Quả thật, môi người đàn bà trắc nết tiết ra mật ngọt.”
5- Isa 23,15 : “erit Tyro quasi canticum meretricis - Số phận của Tia sẽ đúng với lời ca của người kỹ nữ”
6- Jer 3,3: “non fuit frons mulieris meretricis facta est tibi noluisti - Và ngươi cứ mặt dạn mày dày như con đĩ, mà chẳng biết xấu hổ là gì.”
7- Jer 5,7: “moechati sunt et in domo meretricis luxuriabantur - Ta cho chúng được ăn no mặc ấm, thì chúng lại đi ngoại tình, đổ xô đến nhà bọn điếm.”
8- Eze16, 30: “omnia haec opera mulieris meretricis et procacis - Ngươi đắp mô ở mọi đầu đường và xây gò ở khắp phố phường; nhưng khác với gái điếm chuyên nghề, ngươi chẳng màng đến tiền bạc.”
9- Mic 1, 7: “perditionem quia de mercedibus meretricis congregata sunt et usque” và
10- Mic 1, 7: “et usque ad mercedem meretricis revertentur - Bởi vì nó đã thu được nhờ quà của gái điếm, nên tất cả sẽ lại trở thành quà cho gái điếm.”
11- Nah 3, 4: “multitudinem fornicationum meretricis speciosae et gratae et habentis-Chính vì bao thói đàng điếm của con điếm: duyên dáng xinh đẹp, có phù phép cao, nó dùng thói đàng điếm mà bán các dân tộc, dùng phù phép mà bán chư dân.”
12- 1Co 6,15: “membra Christi faciam membra meretricis absit - Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!”
13- Kh 17, 1: “ostendam tibi damnationem meretricis magnae quae sedet super -Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén, một vị đến bảo tôi: "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Con Điếm khét tiếng, đang ngồi bên những làn nước mênh mông, bị xét xử như thế nào.”

(2) Những điệp vụ nổi tiếng của Mossad:
Adolf Eichmann, nhân vật trong Đức quốc Xã chịu trách nhiệm trong việc giết hại người Do thái. Ông trốn tại Á căn đình, Nam Mỹ nhưng bị Mossad tìm ra và bắt cóc đem về Giêrusalem để xử.
Giúp đem người Do thái từ Ethiopie về định cư tại Israel. Xem thêm truyện Exodus.
Ám sát những kẻ chủ mưu vụ bắt cóc và thảm sát tại làng Thế vận hội Munich năm 1972 và giết kẻ chủ mưu Almed Bouchiki tại Nauy trong điệp vụ Lillehammer.
Bắt cóc Mordechai Vanunu từ Italy đem về Israel để xử. Vanunu bị Do thái coi như phản bội vì đã công bố chương trình hạt nhân của Do thái cho Anh quốc .
Cung cấp những tin tức quan trọng về chương trình hạt nhân của Iraq. Do thái đã đột ngột oanh tạc phá hủy trung tâm nguyên tử tại Osiraq, Iraq, nào năm 1981.
Cung cấp tin tức quân báo cho những chiến dich quân sự cách đó hàng ngàn dặm như chiến dịch giải phóng các con tin Do thái bị cầm giữ tại phi trường Entebbe, nước Ouganda Phi châu. Chiến dịch thần sầu chỉ xảy ra trong vòng ba phút, giải thoát cho 103 con tin Do thái ! Cả 6 không tặc chủ mưu người Palestin bị giết, Chỉ có một người lính Do Thái thiệt mạng. Đó là Yonathan Netanyahu, anh của thủ tướng Do thái Netanyahu (1996-1999) .
Cung cấp tin tức tình báo để giết Abu Jihad.
Hình như là tác giả vụ ám sát ông Gerald Bull, vì ông không chịu cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cuộc kháo cứu tăng tầm đạn đạo của hoả tiễn Scud !

 



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.