Một giáo hoàng không giống vị nào trước giờ.
Ngài có thủ được trọn vai ?

 

 

 Bài của Sandro Magister

Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350557?eng=y

 

 

Cuộc du hành đầy tính biểu tượng đến Lampedusa. Rất được dân chúng mến chuộng. Cuộc canh tân giáo triều. Một im lặng có tinh toán về các vấn đề luân lý. Nhưng còn có lỗi lầm đầu tiên về một đề cử trong Viện Công Tác Tôn Giáo – IOR. Cuộc thách đố của đức Phanxicô trong việc thay đổi Giáo hội đã gặp những trở ngại và kẻ thù. Gồm cả từ trong Vatican.

 

ROME, Ngày 11 tháng 7 năm 2013 – Vào tháng thứ tư trong vai trò giáo hoàng, đức Jorge Mario Bergoglio đã công bố thông điệp đầu tiên và hoàn tất hành trình đầu tiên của mình. Cả hai hành vi mang một sức biểu tượng mạnh mẽ, nhưng lại trái ngược nhau trong tính cách.

Quả vậy, thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin – Lumen Fidei” mang chữ ký của Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng đã được Đức Biển Đức cưu mang và viết ra gần hết. Khi biến thông điệp này thành của mình, đức Bergoglio đã muốn đưa ra một chứng cớ cho thấy ngài hoàn toàn đồng thuận với vị tiền nhiệm của mình trong việc chu toàn sứ mạng đặc biệt của người kế nhiệm thánh Phêrô: “củng cố đức tin.”

Tuy nhiên, cuộc du hành đến Lampedusa đánh dấu một cuộc tách biệt rõ nét. Để nói lên tiếng nói Kytô bàn về cuộc găp gỡ và đụng độ giữa các nền văn minh, nhà thần học Joseph Ratzinger hẳn sẽ đọc một bài “diễn văn uyên bác – lectio magistralis“ tại đại học Hồi Giáo ở Al Azhar.

Trái lại, vị mục tử Bergoglio, lại được gợi hứng từ thánh Phanxicô. Cũng như thánh Phanxicô thành Assisi khởi đầu sứ mạng mình bằng hành vi hôn các người phong cùi, là những người thời đó bị cấm đoán không được vào thành phố, vị giáo hoàng mang tên Người, trước tiên đã muốn đi đến một hòn đảo nhỏ ở thật xa, nơi đổ bộ hoặc là chổ chết chìm của hàng ngàn di dân và dân tạm cư. Trong Thánh Lễ, ngài muốn đọc những trang Kinh Thánh kể việc Cain giết Abel, và về cuộc sát hại các hài nhi vô tội. Một cuộc du hành thống hối.

Không ngạc nhiên gì khi, sau cuộc du hành đến Lampedusa, sự nổi tiếng hoàn vũ của đức Phanxicô lên đến tột đỉnh. “Thiên Chúa làm thống kê” ngài đã nói thế. Nhưng có một sự nhất trí hiển nhiên giữa lời nói và việc làm của vị giáo hoàng này và những lời nói việc làm hẳn có thể được một tay lập chương trình đầy tính toán khoa học đã gợi ý cho Ngài để đưa ngài đến thành công. Quan điểm Công giáo và quan điểm quần chúng thế tục rất khó mà phản bác hầu hết những điều ngài làm hoặc nói ra, bắt đầu với câu “Tôi rất muốn Giáo hội là một Giáo hội khó nghèo và cho người nghèo.” Câu này đã trở thành căn cước của triều giáo hoàng đương nhiệm.

 

Khuôn mẫu không thể lầm lẫn

 

Một yếu tố làm chìa khóa cho sự nổi tiếng của đức Phanxicô chính là tính khả tín cá nhân của ngài. Khi còn làmTổng Giám Mục Buenos Aires, ngài sống trong một căn hộ hai phòng, Ngài tự nấu bếp. Ngài đi đây đi đó bằng xe buýt hay xe điện. Ngài tránh nhũng cuộc xã giao thế tục như tránh bệnh dịch. Ngài không bao giờ muốn tạo cho mình một sự nghiệp, nhưng ngược lại, ngài cẩn thận tránh sang một bên, khi phân viện dòng Tên của ngài, nơi ngài làm bề trên miền ở Achentina trong nhiều năm, đột ngột truất phế và cách ly ngài.

Chính vì lý do này, mỗi lần ngài nhắc đến sự khó nghèo của Giáo Hội và chê trách tham vọng quyền lực và lòng ham hố của cải hiện đang có trong giới giáo sĩ, không một tiếng nói nào cất lên chỉ trích ngài. Ai lại có thể biện minh cho việc áp bức kẻ thất thế, và lại bào chữa cho những tay chuyên nghiệp không xứng đáng? Ai có thể lên án đức Phanxicô đã không thực hành điều ngài rao giảng? Trên môi miệng đức đương kim giáo hoàng, khuôn mẫu một Giáo hội khó nghèo là một điều bất khả ngộ, Điều này thu được một biểu đồng tình hoàn vũ, cả nơi bạn bè và cả từ phía những kẻ thù hung hãn nhất của Giáo Hội, những người muốn thấy Giáo hội nghèo đến độ biến mất luôn cho rồi.

Nhưng rồi còn có một yếu tố khác làm chìa khoá cho sự nổi tiếng của đức Phanxicô. Ví dụ, những lời công kích chống lại những “bạo ngược vô hình” của các trung tâm tài chính quốc tế không đánh vào một mục tiêu nào rõ rệt và đặc biệt có thể nhận ra được. Và vì thế, không một “quyền lực mạnh mẽ” nào, dù có thực hay chỉ là giả định, cảm thấy thực sự mình bị đụng chạm và bị khiêu khích phải phản ứng lại.

Cả khi những lời khiển trách của ngài nhắm vào những sai trái trong Giáo hội, chúng đều mang tính cách chung chung. Có một lần, khi giáo hoàng Bergoglio, trong một bài gịảng mang tính đối thoại trong Lễ sáng, ngài lêu lên một nghi ngờ minh nhiên về tương lai của IOR, viện Công Tác Tôn giáo, “nhà băng” Vatican đầy tai tiếng, các vị phát ngôn viên ngửa lưng ra sau để làm dịu tình hình. Và khi ngài tố cáo sự kiện là cái “hành lang đồng tính” tại Vatican là “có thật đấy, đúng đấy,” thì chuyện kiểm soát thiệt hại nổi lên từ trên xuống dưới. Cả quan điểm của quần chúng thế tục, ngày nay còn hoang toàng hơn bao giờ hết khi gào thét lên án những kẻ kỳ thị người đồng tính, cũng tha thứ cho ngài trong nhận xét này, với một sự khoan dung chắc chắn không thể dành cho vị tiền nhiệm của ngài.

Quả thực, đức Biển Đức thì khác. Ngược với vẻ nhu mì bên ngoài, ngài thường bày tỏ nhận định của mình cách rõ ràng và trực tiếp, khiến người nghe không còn đường tránh né. Cuộc động đất phát sinh do bài diễn văn tại Regensburg vẫn là một hậu quả ngoạn mục của thái độ này. Nhưng còn có một diễn văn khác của ngài minh họa tính cách này còn rõ nét hơn nữa.

Đó là trong cuộc du hành thứ ba và là lần cuối cùng của ngài về Đức, vào tháng Chín năm 2011. Tại Freiburg, đức giáo hoàng Joseph Ratzinger muốn gặp một nhóm đại diện các người Công giáo Đức “hăng say trong Giáo hội và trong xã hội“, Cho họ và cho các giám mục Đức đang hiện diện gần hết, ngài nghiêm túc nói những điều hết sức nghiêm trọng, hết sức đòi hỏi. Hoàn toàn chú tâm đến bổn phận của một Giáo hội nghèo, “bị tước hết mọi của cải thế gian,” “tách biệt khỏi thế giới,” “được giải phóng khỏi những gánh nặng và đặc ân vật chất và chính trị,” để có thể “dấn thân chính mình vào thế giới cách trọn vẹn hơn và theo một cách thức hợp Kytô giáo hơn.

Nhưng lúc ấy, bài diễn văn của ngài được đón nhận cách lạnh nhạt, và nhanh chóng bị quên lãng quên, trước tiên do những người đích thân đức giáo hoàng nói với. Bởi vì chính họ là mục tiêu ngài nhắm cách chính xác, ngài đòi hỏi một thay đổi: một Giáo hội Đức mà ngài biết quá rõ: giầu có, tự mãn, quan liêu, bị chính trị hóa, nhưng lại nghèo về Phúc Âm.

 

 

Lời nói và Im lặng

 

Cách ăn nói của đức Phanxicô chắc chắn là một nét độc đáo nhất của ngài. Ngài ăn nói đơn giản, dễ hiểu, dễ truyền đạt. Nó mang vẻ ngẫu hứng, nhưng thật ra nó được cân nhắc rất cẩn thận, cũng như sáng kiến dùng công thức - “bong bóng xà phòng” ngài dùng tại Lampedusa để diễn tả tính ích kỷ của các Hêrôđê tân thời – cũng như trong các công thức nền tảng của giáo lý Kytô giáo mà ngài thích nhắc đi nhắc lại , và được cô đọng trong công thức đầy sức an ủi “tất cả đều là hồng ân,” hồng ân của Thiên Chúa Đấng liên tục tha thứ mặc dù mọi người cứ tiếp tục là tội nhân.

Nhưng thêm vào những điều ngài nói, còn có những điều ngài cố ý giữ im lặng. Không thể nào là một điều tình cờ mà suốt 120 ngày triều giáo hoàng, đức Phanxicô chưa hề nhắc đến những chữ : phá thai, an tử, hôn nhân đồng tính.

Giáo hoàng Bergoglio đã thành công trong việc né tránh không nhắc đến chúng cả trong ngày ngài dành cho thông điệp “Evangelium Vitae,” một thông điệp vĩ đại được Đức Gioan Phaolô đệ Nhị công bố năm 1995 vào lúc cao đểm của cuộc chiến bảo vệ sự sống “từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.

Đức Karol Wojtyla, và sau ngài, đức Biển Đức XVI, đã liên tục nỗ lực và đích thân chiến đấu chống lại cuộc thách thức của kỷ nguyên đại diện bởi ý thực hệ tân thời về sự sống và cái chết, và bởi sự phân tách lưỡng tính giữa nam và nữ từ lúc tạo sinh.

Nhưng Bergoglio thì không.

Đến nay, dường như là điều chắc chắn Ngài cố ý giữ im lặng về những vấn đề này, những điều đụng chạm đến phạm vị chính trị của toàn Phương Tây, gồm cả Nam Mỹ. Ngài tin chắc rằng những tuyên bố như thế không thuôc trách nhiệm của giáo hoàng, mà thuộc trách nhiệm của hội đồng giám mục mỗi quốc gia. Ngài nói với các giám mục Ý những lời không thể hiểu sai được sau đây: “Đối thoại với các định chế chính trị là việc của các ngài.”

Rủi ro chia rẽ trong công tác lên rất cao đối với chính đức Phanxicô, biết rằng cái nhận định khó gọi được là nịnh bợ Ngài liên tục bày tỏ về phẩm chất trung bình của các giám mục trên thế giới. Nhưng đây chính là cái rủi ro ngài muốn chọn. Sự im lặng này của ngài là một trong các yếu tố giải thích lòng quảng đại của ý kiến quần chúng thế tục dành cho ngài.

 

 

Giáo Triều

 

Cái chủ đích rõ rệt muốn cải tổ giáo triều Roma, và đặc biệt muốn đụng đến cái ung nhọt đang mưng mủ là Viện Công Tác Tôn Giáo – IOR - cũng là điều thuận lợi cho Ngài

Ngài đã trao phó việc nghiên cứu cải tổ giáo triều cho một hội đồng hồng y quốc tế. Tất các vị hồng y này đều do ngài bổ nhiệm. Các vị hồng y, đến phiên mình, lại tin tưởng vào các chuyên gia làm cố vấn cho mình. Nhiều người coi đây là bước đầu tiên của việc dân chủ hóa Giáo Hội, chuyển từ chế độ một người cai trị sang chế độ thẩm quyền một thiểu số cai trị. Nhưng thay vì thế, vì là một tu sĩ dòng Tên hoàn toàn, đức Bergoglio muốn áp dụng mô hình đặc trưng của dòng Tên vào cách thức hành xử ngôi vị giáo hoàng. Trong dòng Tên, các quyết định không được lấy cách tập thể, nhưng chỉ do một mình Bề Trên Tổng Quyền, trong độc lập tuyệt đối, sau khi lắng nghe riêng rẽ từng phụ tá, hoặc bất cứ ai khác tùy ý.

Vì thế có thể thấy trước được rằng vào đầu tháng Mười, khi tám vi hồng y cố vấn gặp nhau tại Roma để bỏ các kế hoạch thu thập được vào chung một giỏ, các quan điểm hằn sẽ là rất khác biệt.

Điềm cảnh báo về bất đồng đã đến từ Đức, khi một kế hoạch cải tổ giáo triều đã được yêu cầu đến vị cựu giám đốc của chi nhánh tập đoàn McKinsey tại Munich, Thomas von Mitschke-Collande. Lời yêu cầu do vị thư ký đầy quyền lực của Hội Đồng Giám mục Đức, Hans Langerdörfer, dòng Tên. Nhưng đức Tổng Giám mục Munich, Reinhard Marx, một trong tám vị cố vấn được đức giáo hoàng chỉ định, lại không hề biết chuyện này, và ngược lại, còn làm cho ngài thất vọng, vì ngài có một nhận định nặng phần tiêu cực về von Mitschke-Collande, đặc biệt sau khi đọc cuốn sách mới nhất của ông ta, mang một đề tựa rất khiêu chiến: “Giáo hội đang muốn tự huỷ diệt mình? Sự kiện và các phân tích do một cố vấn thương mại trình bày.- Does the Church want to destroy itself? Facts and analyses presented by a business consultant.

Trong khi đó, một khuôn mặt khác của Giáo Hội Đức đã gửi đến thánh bộ giáo lý đức tin một vài trước tác khác của nhân viên McKinsey, được cho là chứa đựng những sai lạc về tín lý đã được tô đậm .

 

 

Viện Công Tác Tôn Giáo IOR

 

Nếu những sáng kiến của đức giáo hoàng Phanxicô trong việc canh tân giáo triều và trong việc tuyển chọn giám mục theo những tiêu chuẩn nghiêm túc hơn, bây giờ mới nằm ở giai đoạn thông báo – cả hai sáng kiến này đều được ca tụng với sự đồng thuận chung – ngược lại, một vài bước cụ thể đã được thi hành trong Viện Công tác Tôn giáo IOR. Không do đức giáo hoàng nhiều cho bằng do các tác nhân khác. Vài tác nhân lại có những bước nghịch hướng với nhau, cả trong lẫn ngoài Giáo Hội. Hơn thế nữa có cả một việc không may ập xuống trên chính đức Phanxicô.

Tác nhân ngoại tại có một vai trò quyết định trong việc xác định các diễn tiến chính là bộ Tư Pháp Ý. Vào tháng Sáu, bộ này đã ra lệnh bắt Đức Ông Nunzio Scarano, chỉ một tháng trước khi lên chức giám đốc kế toán cho Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Toà Thánh. Tội danh là mua bán tiền bất hợp pháp, qua một tài khoản của IOR và với sự đồng thuận của các giám đốc cao cấp nhất cơ quan này, thực hiện vào năm 2012, đúng vào lúc Vatican cam kết trước toàn thế giới sẽ tuân theo những quy luật khắc khe nhất của quốc tế chống việc rửa tiền.

Đồng thời bộ Tư Pháp Ý đã kết thúc việc điều tra liên quan đến vị giám đốc và phó giám đốc của IOR, Paolo Cipriani và Massimo Tulli. Hai người cũng bị kết tội chuyển tiền cách đáng ngờ, trong 14 vụ thực hiện giữa 2010 và 2011, và vì thế, một lần nữa, chính vào lúc đức Biển Đức XVI đang thúc đẩy một công tác tái cấu trúc tổng quát và dọn dẹp làm sạch các văn phòng tài chính của Vatican.

Kết quả khắc nghiệt của các hành vi do Bộ Tư Pháp Ý này chính là sự từ chức của Cipriani và Tulli. Điều này có nghĩa là, chính hai người mà vị chủ tịch của IOR, vào mùa xuân năm 2012, lúc bấy giờ là Ettore Gotti Tedeschi, đã yêu cầu phải sa thải. Ông này đã luôn miệng cho rằng hai vị ấy đích thị là thủ phạm gây nên những sai trái cho Viện. Thay vì thế, chính Tedeschi đã bị đuổi cách tàn bạo vào ngày 24 tháng Năm., do ban quản trị của IOR, theo lệnh của hồng y quốc vụ khanh Tarcisio Bertone.

 

 

Tai Tiếng

 

Nằm trên hậu cảnh bi đát này, giáo hoàng Phanxicô đã hoàn toàn tự ý có hai quyết định tạm thời.

Vào ngày 15 tháng Sáu, ngài bổ nhiệm Đức Ông Battista Ricca, làm “giám chức” có toàn quyền trên IOR. Ngài biết và trân quý vị này trong chức vụ giám đốc nhà Domus Sanctae Marthae, nơi ngài chọn làm chổ ở thay vì các phòng ốc của giáo hoàng.

Và vào ngày 24 sau đó, ngài thiết lập một ban điều tra về IOR, để báo cáo kết quả cho ngài, gồm năm khuôn mặt có thẩm quyền từ bên ngoài, gồm cả vị cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Toà Thánh, và là giáo sư luật tại Harvard, bà Mary Ann Glendon.

Nhưng dẫu vậy, điều bất hạnh là khi giáo hoàng Phanxicô thành lập ủy ban này, ngài đã phát giác ra rằng, ngài đã lầm lẫn, đặc biệt trong việc việc bổ nhiệm đầu tiên, bổ nhiệm vị “giám chức.

Thật vậy, vào những ngày trước hôm 24 tháng Sáu, khi gặp gỡ tại Vatican các vị Sứ Thần đến Roma từ khắp nơi trên thế giới, ngài đã nhận được từ một vài vị những thông tin không thể phản bác , về “cách hành xử đầy tai tiếng” mà Đức Ông Ricca đã tỏ ra với bằng chứng, trong những năm 2000 và 2001tại Uruguay, khi ông phục vụ tại đó trong vai trò sứ thần, rồi bị đột ngột cách chức, trước khi được triệu hồi về lại Roma.

Cái ghế bỏ trống trong buổi hoà nhạc dành cho ngài hôm 22 tháng Sáu có lẽ là do phần nào sự buồn phiền đức Phanxicô cam chịu khi nhận ra sự sai lầm của mình qua buổi gặp gỡ với các sứ thần trong cùng ngày ấy giờ ấy.

Không có giáo hoàng nào là vô ngộ. Kể cả vị được mọi người thương mến nhất .

 

________

 

Bài viết này được đăng trên tờ “L'Espresso” số 28 năm 2013, phát hành trên các kệ báo ngày 12 tháng Bẩy:

> L'Espresso

 

 



 

:



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.