“Segretariola - Tiểu ban bí thư" của đức Phanxicô,
vị giáo hoàng muốn tự mình làm mọi chuyện.

  

 Bài của Sandro Magister

Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350573?eng=y

   

Điểm tên từng người trong đội ngũ nhân viên của đức Bergoglio. Một giáo triều thu nhỏ, hoạt động song song, nhưng rất hữu hiệu, trong đó Ngài ra mọi quyết định. Kể cả những chuyện không may như việc bổ nhiệm đức ông Ricca và cô Francesca Chaouqui.

 

ROME, ngày 8 tháng Tám năm 2013 – Đức Phanxicô không vội vã canh tân giáo triều. Vài vị có vai vế từng bầu Ngài lên đã bắt đầu sốt ruột. “Chúng tôi muốn có một người có tài quản lý và lãnh đạo. Nhưng cho đến nay chuyện ấy không hiển nhiên,” hồng y Timothy Dolan của Nữu Ước đã than phiền như thế trong một cuộc phỏng vấn mới mấy ngày trước đây.

Nhưng chắc chắn đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio không ưa cái kiểu của giáo triều hiện tại. Và trong thực tế Ngài thường xuyên và có chủ ý làm việc mà không cần đến nó. Bản tự sắc mới nhất ký tên “Phanxicô”, ban hành ngày 18 tháng Bẩy, bổ nhiệm một ủy ban gồm tám chuyên viên để suy nghĩ về việc tổ chức cái cấu trúc kinh tế và quản trị của Toà Thánh, chỉ được công bố cho phủ quốc vụ khanh Vatican như một chuyện đã rồi.

Điều này có nghĩa trong văn phòng làm việc của giáo hoàng Bergoglio ở tầng hai toà nhà Santa Marta, nơi ngài chọn làm nơi ăn chốn ở, nhiều việc được quyết định và thi hành mà không bao giờ đi qua các văn phòng bề thế của Giáo triều nằm ở lầu một và lầu ba của Đền Thánh, cách chổ ở của đức giáo hoàng – nay đang bỏ trống – chỉ vài bước chân.

Phủ quốc vụ khanh vẫn tiếp tục công việc thường nhật, nhưng có một văn phòng thư ký khác làm việc cật lực hơn nhiều, tuy nhỏ, nhưng rất năng nổ, phục vụ trực tiếp đức giáo hoàng, giúp ngài trong những vấn đề ngài muốn đích thân giải quyết, không qua bất cứ một sự can thiệp nào.

 

*

 

Một thế kỷ trước đây, dưới triều của đức Piô X , nó được gọi là “segretariola tiểu ban thư ký.” Đức giáo hoàng Giuseppe Sarto đã có một nhận xét rất tiêu cực về giáo triều thời bấy giờ. Nhưng sau khi ngài đã cải tổ nó, ngài vẫn cẩn thận bảo vệ nhóm thư ký nhỏ bé, cá nhân, mà ngài gom về chung quanh mình sau khi được bầu lên giáo hoàng vào năm 1903.

So với vị giáo hoàng đương nhiệm, con của những người di dân gốc Piedmont, đức Piô X, gốc Venise, có nhiều điểm chung. Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Và tiếp tục hiến thân, cả sau khi làm giáo hoàng, phục vụ người nghèo. Những người có thân phận hèn kém rất yêu thương ngài. Ngài có một cuộc sống đơn giản và khắc khổ. Tâm tính Ngài tốt lành, nhưng không thiếu tinh thần châm biếm. Ngài có một đời sống nội tâm sâu xa, và sau được phong thánh. Ngài có một năng lực làm việc mạnh mẽ. Ngài làm việc lâu giờ kéo dài mãi đến khuy khoắc. Ngài tự làm được những chuyện vĩ đại mà vẫn không cho giáo triều biết.

Chẳng lạ gì mà nhóm “segretariola” của đức Piô X đã nhanh chóng trở thành mục tiêu cho những chống đối dai dẳng. Người ta nghi ngờ nhóm này đã ảnh hưởng trên đức giáo hoàng, hướng dẫn các quyết định của ngài. Mà những nghi ngờ này cũng được chia sẻ bởi những vị giám đốc trong giáo triều, những vị được đức Piô X ngưỡng mộ, chẳng hạn như hồng y Giacomo Della Chiesa, lúc bấy giờ là thế vị quốc vụ khanh. Ngài là đức Biển Đức XV tương lai. Đức giáo hoàng Piô thường nói: “Ngài là người gù, nhưng đi ngay hàng thẳng lối.” Thật vậy, không có một vị thư ký nào của giáo hoàng Sarto, sau khi ngài về trời, được các vị giáo hoàng kế nhiệm tưởng thưởng. Một trong các vị ấy lại còn kết thúc đời mình trong một đời tự ý ẩn tu, trên núi vùng Camaldoli.

Cái huyền thoại đen này ám ảnh họ mãi cho đến mãi một trăm năm sau, khi các tài liệu về cái “bàn thánh” ấy được tìm thấy trong một tủ chứa tài liệu của các văn phòng Vatican, và hai nhà học giả có tài, Alejandro M. Dieguez và Sergio Pagano,- vị sau này hiện là giám đốc Văn Khố của Vatican - trong các năm từ 2003 đến 2006, đã công bố một danh sách đầy đủ về các tài liệu này, và một tuyển tập, trong hai cuốn sách lớn. Nhờ đó, người ta biết rõ ràng là các vị thư ký cần mẫn ấy không hề đáng trách, vì mọi chuyện đã được cưu mang, được quyết định, và thậm chí còn được đích thân đức giáo hoàng Sarto, người làm việc không hề mệt mỏi, viết ra. Dường như điều y hệt cũng đang xảy ra ngày nay, với đức giáo hoàng Bergoglio.

Người đầu tiên nhập vào “segretariola” của đức Piô X là cha Giovanni Bressan, viên thư ký của ngài trước khi ngài trở thành giáo hoàng, lúc ngài còn là giám mục tại Mantua và rồi làm giáo chủ ở Venice. Ngay sau đó, giáo hoàng Sarto gọi về bên ngài hai linh mục nữa, gốc Venice, mà ngài biết rõ, đó là Francesco Gasoni và Giuseppe Pescini. Và thêm một linh mục từ Como, cha Attilio Bianchi, cháu của Chân Phước Giovanni Battista Scalabrini, đấng sáng lập các vị thừa sai mang tên ngài.

Cuối cùng, đức Piô X thêm một người nữa vào bốn vị này, đức ông Vincenzo Maria Ungherini, “vì kinh nghiệm dồi dào của ngài trong lãnh vực này.” Đức ông đã từng là đệ nhị thư ký của đức giáo hoàng Leô XIII, vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài.

Ở đây cũng thế, những điểm tương tự với ngày nay rất rõ nét. Quả thực, trong nhóm “segretariola” của giáo hoàng Phanxicô, xuất hiện viên đệ nhị thư ký của vị tiền nhiệm, đức Biển Đức XVI, cha Alfred Xuereb, người đảo Malta, với cùng một lý do như xưa kia.

Tuy nhiên, người tiếp xúc thân cận nhất với giáo hoàng không phải ngài, mà là một linh mục từ Buenos Aires, cha Fabian Pedacchio Leaniz. Vị này đến Roma và vào giáo triều năm 2007 như một nhân viên của thánh bộ các Giám mục, theo mệnh lệnh chung của đức tổng giám mục của ngài lúc bấy giờ, đức Bergoglio, và của hồng y Giovanni Battista Re, lúc bấy giờ làm tổng trưởng thánh bộ, vị hồng y rất “quý mến” mà đức Bergoglio đã có lời cám ơn nồng nhiệt trong lần gặp đầu tiên với hồng y đoàn sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Ngày nay, cha Fabian, 49 tuổi, cư trú thường xuyên tại nhà Santa Marta, nơi ngài làm việc toàn thời gian phục vụ cho đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài là chuyên viên giáo luật và là thư ký của hội các nhà giáo luật Achentina. Ngài thích nhạc kịch, đọc tiểu thuyết của Gabriel Garcia Marquez, và thích xem phim của Pedro Almodovar. Trong bóng đá, đội ngài hâm mộ không phải là đội San Lorenzo của đức Bergoglio, mà là đội River Plate, lãnh được nhiều giải hơn.

Trong vòng các cộng sự viên thân tín của đức giáo hoàng, ngoài cha Fabián, còn có một người Achentina khác từ Buenos Aires, đức ông Guillermo Javier Karcher, một chưởng nghi về nghi thức giáo hoàng. Nhưng trên mọi nhiệm vụ nghi lễ, ngài phụ trách văn phòng quốc vụ khanh, nơi mọi tài liệu cuả Toà thánh phải đi qua.

Rồi đến một người Ý, đức ông Assunto “Tino” Scotti, 58 tuổi, gốc gác từ Bergamo, Ngài giám sát phần ngoại vụ trong phủ quốc vụ khanh, và là trưởng phòng tài vụ Toà thánh, một cơ quan lo về quản lý tài sản của Toà Thánh trong lúc giao thời giữa hai vị giáo hoàng, với một hồng y chưởng tài. Chính đức ông Scotti là người lựa và giám sát những người may mắn được chọn mỗi sáng vào dự lễ đức giáo hoàng dâng hằng ngày trong nhà nguyện của Santa Marta.

Ai có phận sự nấy. Nhưng cũng như đức Piô X, đức Phanxicô cũng không phải là người thích ủy quyền.Tại Buenos Aires, ngài làm việc một mình tại một cái bàn nhỏ nhưng rất ngăn nắp. Trong các văn phòng bên cạnh, ngài có ban thư ký, nhưng ban thư ký này không hề lo đến những cuộc hẹn gặp của Ngài: Ngài chính là người tự sắp xếp các cuộc hẹn vào cuốn sổ chương trình làm việc của mình. Một cuốn sổ chương trình ngài không hề rời mắt, thậm chí ngài muốn có nó theo mình khi ngài lên máy bay để sang Rio de Janeiro, để trong xách tay được chụp hình và công bố trên toàn thế giới.

 

*

 

Từ cái “bàn [làm việc] thánh” của đức Piô X, mọi bức thư được gửi ra đều có chữ ký của một trong các thư ký của ngài, tất cả đều viết ở ngôi thứ ba: “Đức Thánh Cha ao ước rằng …” “Đức Thánh Cha muốn rằng…” “Đức Thánh Cha buộc con phải thông tin cho ngài …” Nhưng rồi người ta thấy là trên bản nháp nguyên thủy, nét chữ viết tay đều hoàn toàn và chỉ là chữ viết của đức giáo hoàng mà thôi. Không hề có một quyết định nào, dù lớn hay nhỏ, mà không xuất phát từ chính ngài.

Với đức Bergoglio tình hình xem ra cũng tương tự. Với cả những lợi điểm và nguy cơ mà mọi thẩm quyền độc tài gặp phải. Trong những tháng đầu tiên làm giáo hoàng, chuyện không may trầm trọng nhất đức Phanxicô vấp phải là việc bổ nhiệm vị giám chức cho IOR, “nhà băng” Vatican, nơi cá nhân đức ông Battista Ricca, một việc bổ nhiệm được chính đức giáo hoàng hậu thuẫn mạnh mẽ, mà ngài lại hoàn toàn mù tịt về cái quá khứ đầy tai tiếng của nhân vật này. Mọi dấu vết có tài liệu làm chứng cớ đều bị làm cho biến mất.

Trong những trường hợp như thế, khi thấy giáo triều mang đến cho mình nhiều điều gây hại hơn là giúp mình, đức giáo hoàng Phanxicô lại càng cố tự mình làm mọi việc.

Sau khi tờ “L’Espresso” phanh phui vụ tai tiếng dựa trên căn bản những chứng cớ không thể chối cãi và những tài liệu đã biến mất tại Roma, nhưng vẫn còn lưu giữ tại toà Khâm sứ Vatican ở Montevideo, đức giáo hoàng muốn tự mình kiểm chứng sự thật. Ngài ra lệnh cho nhóm “segretariola” của mình phải hành động, để báo cáo cho ngài biết và trình cho ngài mọi chứng cớ trong nội vụ. Trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Rio, những từ ngữ gay gắt nhất của ngài là chống lại các “hành lang,” hai lần lưu ý rằng “không thấy có gì” về vụ tai tiếng trong lần điều tra “sơ khởi” về Ricca mà họ đã trình cho ngài tại giáo triều.

Cũng trong buổi phỏng vấn đó, đức Phanxicô khẳng định mình là một người Dòng Tên trong tâm hồn. Đức Piô X thì khác. Nhưng dường như có một sự sắc sảo thực dụng liên kết hai vị với nhau.

Để chuẩn bị cho cuộc canh tân giáo triều, giáo hoàng Sarto kín đáo ủng hộ việc phát hành một cuốn sách phơi bày những sai trái và đưa ra những đề nghị. Sách được một nhà xuất bản giả tưởng phát hành cách ẩn danh, nhưng được quần chúng tán thưởng khá nhiều. Thật ra, sách được một đức ông đáng tin cậy trong phủ quốc vụ khanh, Giovanni Pierantozzi, biên soạn, được nhà phát hành Vatican in, và được đích thân giáo hoàng duyệt trước khi phát hành vào tháng Mười Hai năm 1903.

Một trăm mười năm sau, giáo hoàng Bergoglio cũng chống lại một giáo triều cần được tái dựng từ nền tảng. Có lẽ, ngài cũng muốn làm một chuyện gì tương tự như vị tiền nhiệm thánh thiện của mình, khi vào ngày 18 tháng Bẩy vừa rồi, trong số tám chuyên viên của ủy ban mới thành lập để tái cấu trúc các văn phòng kinh tế-quản trị của Toà thánh, ngài bổ nhiệm cô Francesca Immacolata Chaouqui, 30 tuổi, một chuyên viên về thông tin đại chúng, với quyền tiếp cận các tài liệu dù là tối mật.

Tuy nhiên, thật là điều đáng xấu hổ, khi không có một ai cho đức giáo hoàng biết rằng, người phụ nữ đầy tự tin mang hai giòng máu Ý-Ai Cập này, quả thực đã kết bạn với nhiều hồng y trong giáo triều, nhưng cũng có móc nối trực tiếp với Gianluigi Nuzzi, người đã nhận những tài liệu người thư ký bất trung của đức Biển Đức XVI ăn cắp được. Thị là người chuyển tin cần mẫn cho trang mạng dagospia.com, nguồn thông tin nổi tiếng nhất tại Ý về những chuyện ngồi lê đôi mách và vu khống tại Vatican.

___________

Bài này đã được đăng trong tờ "L'Espresso", số 32 năm 2013, phát hành trên kệ báo ngày 9 tháng Tám:

> L'Espresso

__________

 

Xem thêm thông tin về "segretariola" của đức Piô X trong hai cuốn sách sau:

A.M. Dieguez, "L'archivio particolare di Pio X. Cenni storici e inventario", Città del Vaticano, 2003.

A.M. Dieguez - S. Pagano, "Le carte del 'sacro tavolo'. Aspetti particolari del pontificato di Pio X dai documenti del suo archivio privato", 2 voll., Città del Vaticano, 2006.



 

 

 

Ghi Chú:


 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.