Tại Cairo, một lần nữa, bài thuyết trình ở Regensburg lại xác đáng.

  

 Bài của Sandro Magister

Nguồn : http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350577?eng=y

   

Trước đức Biển Đức XVI, chưa từng bao giờ có một vị giáo hoàng đã rõ ràng và can đảm vạch trần căn nguyên của bạo lực trong Hồi Giáo. Và sau ngài cũng không hề có. Hai bài đọc bắt buộc để giải mã được cơn khủng hoảng tại Ai Cập.

 

ROME, ngày 20 tháng Tám năm 2013 – Chỉ trong vài ngày, hàng chục nhà thờ, tu viện và nhà tư các Kytô hữu tại Ai Cập đã bị tấn công và thiêu rụi. Một thảm họa trong một thảm họa, sau một cuộc đảo chánh đã nhận chìm quốc gia sông Nile vào trong một cuộc nội chiến với hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn nạn nhân tử vong.

Tuy nhiên, khi loan tin có nhiều cuộc kêu gọi chấm dứt bạo động, tờ “L'Osservatore Romano” số ra ngày 18 tháng Tám, đã không thành công trong việc nêu ra được một lời kêu gọi nào từ thế giới Hồi Giáo, trong số các lời kêu gọi được liệt kê.

Sự im lặng nơi công cộng của các nhà lãnh đạo tinh thần Hồi giáo không phài là một điều đáng ngạc nhiên. Nó luôn theo sau mỗi hành vi bạo động chính trị có người Hồi Giáo can dự, tại nơi này hay nơi khác trên thế giới.

Đây là một sự im lặng không thể cắt nghĩa chỉ do những tính toán thời điểm xảy ra mà thôi, hay vì sợ bị trả thù. Cũng chẳng phải vì sự kiện là ngày nay tại Ai Cập, cuộc xung đột lớn nhất lại xảy ra giữa hai phái Hồi Giáo, cả hai đều nằng nặc dùng bạo lực mà giữ vững những nguyên tắc của Hồi Giáo: vì không chỉ Nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo của vị tổng thống bị truất phế Mohamed Morsi có cái quan điểm về cuộc đấu tranh chính trị là jihad- thánh chiến, nhưng jihad lại cũng được đối thủ, ông Abdel Fattah Al Sisi, chủ trương. Ông là vị tướng được chính Morsi đặt lên cầm đầu quân lực, vì người ta cho ông là người Hồi Giáo nhiệt thành nhất.

Để hiểu được thấu đáo cái căn nguyên rốt ráo của sự im lặng nơi các nhà lãnh đạo tinh thần Hồi Giáo trước sự bộc phát của bạo động do Hồi Giáo gợi hứng lên, người ta chỉ cần làm một việc duy nhất. Chỉ cần đọc lại phần đầu của bài diễn văn đức Biển Đức XVI đọc ngày 12 tháng Chín năm 2006 tại đại thính đường của Viện Đại học Regensburg.

Các hành vi gây hấn mà nam giới và các nhóm Hồi giáo đã phản ứng chống lại bài diễn văn này đã là một minh chứng bi thảm cho sự chính xác của những luận đề đã được đức giáo hoàng Joseph Ratzinger trình bày. Theo Ngài, bạo động gắn liền với niềm tin chính là kết quả tất yếu của sự liên kết èo uột giữa đức tin và lý trí trong giáo lý Hồi Giáo.

Trước đức Biển Đức XVI, không một vị giáo hoàng nào có được cái nhãn quan rõ ràng và sự can đảm để diễn tả một phán đoán thẳng thừng về Hồi giáo như thế, hay đưa ra được một công thức về sự khác biệt giữa Hồi giáo và Kytô giáo chính xác đến như thế.

Trong nội bộ Giáo hội Công giáo, đức Biển Đức XVI đã bị chỉ trích rất nhiều vì đã dám làm đến như thế. Ngài bị kết án là đã phá hỏng cuộc “đối thoại” với thế giới Hồi Giáo.

Thật ra, chỉ hai tháng sau Regensburg, giáo hoàng Ratzinger đã tĩnh tâm trong một lời kinh nguyện không thành tiếng ngay trong Đền Thờ Xanh tại Istambul. Và ngài đã có thể thực hiện hành vi này - nếu không thế thì không thể hiểu được – chính vì Ngài đã phát biểu mạch lạc điều Ngài suy nghĩ về đề tài này .

Và chính vì bài diễn văn tại Regensburg, mà đã phát sinh mần mống cho cuộc đối thoại Hồi Giáo - Kytô giáo, biểu trưng qua “bức thư ngỏ của 138 học giả” do các đại diện của nhiều giáo phái Hồi giáo khác nhau viết cho đức giáo hoàng.

Không chỉ có thế. Vào mùa thu năm 2006, trong cuộc tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ, đức Biển Đức XVI đã nói rõ ràng với thế giới Hồi giáo rằng họ đang đối diện với cùng một thách thức mà Kytô giáo đã phải đương đầu và đã vượt qua được một cách tích cực: đó là cuộc thách thức phải “đón nhận những thành quả đích thực của chủ nghĩa Khai Sáng, của nhân quyền, và đặc biệt của sự tự do tín ngưỡng và việc thi hành nó.”

Ở đây cũng vậy, không vị giáo hoàng nào trước đức Biển Đức XVI, đã đi được xa như ngài. Sau ngài cũng không có ai. Cả ngày nay cũng vậy.

Về cuộc nội chiến đang bừng bừng tại Ai Cập, giáo hoàng Phanxicô dành cho những lời sau đây, nói lên sau kinh Truyền Tin vào ngày Lễ Đức Mẹ Mông Triệu:

Bất hạnh thay, có những tin tức bi thảm đến từ Ai Cập. Tôi ao ước dành các kinh nguyện của tôi cho tất cả các nạn nhân và thân quyến của họ, cho các người bị thương, và cho những ai đang chịu đau đớn. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình, đối thoại và hoà giải tại phần đất thân yêu này và trên toàn thế giới.

Và ba ngày sau, trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 18 tháng Tám, có lẽ ngài đã nhắc đến chuyện này:

Tin Mừng không cho phép dùng bạo lực bằng bất cứ cách nào để truyền bá đức tin. Mà trái lại, sức mạnh đích thực của Kytô hũu chính là sức mạnh của sự thật và tình yêu. Điều này bao gồm việc từ bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không hề tương hợp với nhau.”

Nhưng chúng ta hãy quay về với Ratzinger của năm 2006, và với những lời nói đáng nhớ về Hồi giáo. Đấy cũng chính là điểm quyết định để hiểu được thảm kịch của Ai Cập.

Phần sau đây là những gì ngài đã nói trong bài diễn văn tại Regensburg ngày 12 tháng Chín, và ngài đã chú giải như thế nào – sau khi ngài trở về Roma – về chuyến tông du sang Thổ Nhĩ kỳ vào cùng mùa Thu năm ấy.

 

_________

 

1.TẠI REGENSBURG

(Bản dịch của Đặng Minh An)

 

[…]Tôi đã đọc phiên bản của giáo sư Theodore Khoury (Muenster) về phần đối thoại diễn ra – có lẽ vào năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.[…]

Trong đoạn đối thoại thứ bẩy ("diálesis" – tranh luận đối đầu”) do giáo sư Khoury san định lại, vị đại đế đã đề cập đến chủ đề jihad (thánh chiến). Vị đại đế biết rõ ràng rằng đoạn sura 2:256 viết là: “Không có sự cưỡng bách trong tôn giáo”. Đó là một trong những đoạn sura của thời kỳ đầu khi Mohammed chưa có quyền hành trong tay và đang bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng hiển nhiên vị đại đế cũng biết đến những chỉ thị, được phát triển sau này và được ghi vào Kinh Koran, liên quan đến thánh chiến.

Không đi vào những chi tiết, chẳng hạn sự phân biệt đối xử giữa những ai có “Sách” và “những kẻ vô đạo”, vị đại đế đã đặt ra cho người đối thoại với mình một câu hỏi thô bạo mà trọng tâm liên quan đến quan hệ giữa tôn giáo và bạo lực cách tổng quát, với những lời sau: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của Mahommed ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin mà ông ta đã rao giảng”.

Vị đại đế tiếp tục giải thích chi tiết về những lý do tại sao việc truyền bá đức tin bằng bạo lực là điều vô lý. Bạo lực không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và tính bản thiện của tâm hồn. “Thiên Chúa không hài lòng trước máu me, và không hành xử hợp lý là trái với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi linh hồn chứ không phải bởi thân xác. Những ai muốn dẫn dắt người ta đến với đức tin cần có khả năng nói hay và lý luận xác đáng, không tựa vào bạo lực và những đe dọa…Để thuyết phục một linh hồn có lý trí, ta không cần dùng đến cánh tay mạnh mẽ, hay vũ khí các loại, hay những phương thế đe dọa một con người bằng cái chết …”

Lập luận có tính chất quyết định chống lại việc cưỡng bách cải đạo hệ tại điều này: Không hành động phù hợp với lý trí là tương phản với bản tính của Thiên Chúa. Giáo sư Theodore Khoury nhận xét rằng: Đối với vị đại đế, một người Byzantine, được hình thành bởi triết học Hy lạp, khẳng định này tự nó là đương nhiên. Nhưng đối với giáo huấn Hồi Giáo, Thiên Chúa là tuyệt đối siêu việt. Ý chí của Ngài không bị trói buộc bởi các phạm trù của chúng ta, ngay cả trong phạm vi lý trí. Ở đây, Khoury trích dẫn một tác phẩm của một học giả về Hồi Giáo của Pháp, ông R. Arnaldez, người đã chỉ ra rằng Ibn Hazn đã đi xa đến mức cho rằng Thiên Chúa không bị trói buộc cả với chính những lời Ngài, và không có gì khả dĩ buộc Thiên Chúa phải mạc khải chân lý cho chúng ta. Ngay cả nếu Chúa muốn chúng ta thờ các tà thần, thì chúng ta cũng phải làm như thế.

Khi đề cập đến hiểu biết về Thiên Chúa và qua đó là việc thực hành tôn giáo cụ thể, chúng ta đối diện với một nghịch lý hiện nay đang thách đố chúng ta cách trực tiếp. Liệu xác tín cho rằng hành động không hợp lý là trái với bản tính Thiên Chúa có phải chỉ là một ý tưởng của Hy lạp, hay đó là điều luôn luôn và tự bản chất là đúng?

Tôi tin là ở đây chúng ta có thể thấy sự hài hòa sâu xa giữa điều gì là Hy lạp trong nghĩa đẹp nhất của danh từ đó và sự hiểu biết đức tin theo Thánh Kinh về Thiên Chúa. Lấy lại câu đầu của Sách Khởi Nguyên, Thánh Gioan bắt đầu lời tựa cuốn Phúc Âm của ngài bằng những lời sau: “Từ khởi đầu đã có 'Logos' (Lời)”

Đây chính là từ mà vị đại đế đã dùng: Thiên Chúa hành động với lời. Lời có cả nghĩa lý trí lẫn từ ngữ – một thứ lý trí sáng tạo và có khả năng tự giao tiếp, chính xác như lý trí. Thánh Gioan đã dùng từ ngữ cuối cùng này để trình bày khái niệm Thánh Kinh về Thiên Chúa và trong từ này những suy tư mất nhiều công sức và lòng vòng về Thánh Kinh tìm thấy đỉnh cao và sự tổng hợp của chúng. Tự khởi đầu đã có Lời, và Lời là Thiên Chúa,

 

 

2.SAU KHI TRỞ VỀ TỪ THỔ NHĨ KỲ

 

[…] Trong cuộc đối thoại đang cần được đẩy mạnh với Hồi giáo, chúng ta phải nhớ rằng thế giới Hồi giáo ngày nay đang nhận thấy mình phải đương đầu với một công tác cấp bách. Công tác này rất giống với công tác các Kytô hữu từng gặp phải từ thời Khai Sáng, mà Công Đồng Vatican đệ Nhị tìm ra được giải pháp đích thực cho Giáo hội Công Giáo, như là kết quả sau một cuộc tìm kiếm lâu dài và khó khăn.[…]

Một mặt, người ta phải chống lại sự độc tài của một lý trí đòi có được thực chứng. Lý trí này nhắm loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của cộng đồng và ra khỏi mọi tổ chức công cộng. Bằng cách đó, nó cướp khỏi con người cái tiêu chuẩn khách quan cho óc phán đoán của mình.

Mặt khác, người ta phải đón nhận những chinh phục chân chính của sự Khai Sáng, của nhân quyền và đặc biệt của sự tự do tín ngưỡng và thi hành nó, và công nhận những điều này cũng là những yếu tố thiết yếu làm nên tính chân chính của tôn giáo. Cũng như trong cộng đồng Kytô hữu, nơi đã từng có những cuộc tìm kiếm lâu dài tìm cho ra vị trí đích thực của đức tin trong tương quan với các niềm xác tín ấy - một cuộc tìm kiếm không hề bao giờ kết thúc một lần là xong - , thì thế giới Hồi giáo cùng với cái truyền thống riêng mình, cũng phải đối mặt với công tác lớn lao là tìm cho được những giải pháp thích ứng trong lãnh vục này.

Nội dung cuộc đối thoại giữa Kytô hữu và người Hồi giáo, vào thời điểm này, sẽ đặc biệt là một cuộc gặp gỡ nhau trong quyết tâm tìm ra cho được những giải pháp đúng đắn. Chúng tôi, những Kytô hữu, cảm thấy đoàn kết với tất cả những ai, trên cái căn bản của niềm xác tín tôn giáo như các bạn Hồi giáo, cùng hành động chống lại bạo lực, và nhắm đến sự hiệp lực giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giáo và tự do.[…]

 

__________


Nguyên bản bài diễn văn tại Regensburg, ngày 12 tháng Chín năm 2006, có đầy đủ chú thích thêm vàoi sau:

> To the representatives of science

 

Và trọn vẹn bài nhận định của đức Biển Đức XVI, về các cuộc tông du trong năm 2006, gồm cả chuyến tông du đến Đức và Thổ Nhĩ Kỳ

> To the Roman curia, December 22, 2006

 

 


 

 

 

Ghi Chú:


 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.