Soi mói đến tận các Tổ Chức Tư

  

Bài của ***

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350584?eng=y

 

.

VATICAN, ngày 30 tháng Tám năm 2013 – Nếu đã tuyên bố thì người ta sẽ đi cho đến cùng. Phải nói là bước đầu tiên đã được đức giáo hoàng Phanxicô quả quyết khai mào theo đường lối vị tiền nhiệm Biển Đức XVI của mình đã vạch ra.

Qủa thực, bản tự sắc hôm mồng 8 tháng Tám vừa qua, nhằm ngăn ngừa và chống lại việc rửa tiền, chuyện làm kinh tài cho khủng bố, và việc bành trướng các vũ khí giết người hàng loạt, không làm chuyện gì khác hơn là thuận theo những gì đã được đức Biển Đức XVI từng ấn định vào ngày 30 tháng Mười Hai năm 2010, với một tự sắc được ký trước đó, đã thiết lập lần đầu tiên tại Vatican một Thẩm QuyềnThông Tin Tài Chính - Financial Information Authority, AIF. Đây là một bước quyết định tiến tới việc hài hoà các hoạt động của Toà Thánh với những tiêu chuẩn quốc tế chống lại những hành vi bất chính trong lãnh vực tài chính và tiền tệ.

Giữa các triển khai quy phạm trong văn kìện giáo hoàng mới này, có một điểm chú ý đặc biệt mà ít người ghi nhận.

Bản tự sắc của đức Biển Đức XVI ấn định rằng các luật lệ mới của Vatican trong cuộc chiến chống lại việc rửa tiền, và làm kinh tài cho khủng bố, được áp dụng không chỉ cho thị quốc Vatican, mà còn cho tất cả các ban bệ, các thánh bộ của giáo triều Roma, và cho tất cả các tổ chức, các viện thuộc về Toà Thánh, bao gồm cả Viện Công Tác Tôn giáo, IOR, đang gây tranh luận.

Quả vậy, AIF chỉ được hành xử quyền giám sát của mình trên các tổ chức này mà thôi. Và cũng chỉ trên các tổ chức này mà các thẩm quyền tài phán của thị quốc Vatican có quyền xét xử tội phạm.

Nhưng tự sắc của đức giáo hoàng Phanxicô hôm mồng tám tháng Tám vừa qua đã định rõ rằng luật chống rửa tiền – và vì thế, việc kiểm soát của AIF và quyền tài phán của toà án Vatican – không chỉ liên quan đến các bộ của giáo triều Roma và các tổ chức, các viện thuộc về Toà Thánh, mà còn có giá trị trên – và đây là điểm khai triển mới - các tổ chức phi lợi nhuận có tính cách pháp nhân theo giáo luật và có trụ sở tại Thị Quốc Vatican.

Như thế, những tổ chức vừa nhắc tới đây, gồm cả các tổ chức có đăng ký trong Thị Quốc Vatican. Các tổ chức này thu thập và quản trị các bất động sản và các tài sản khác nhằm mục đích hỗ trợ các sáng kiến khác nhau của Toà Thánh

 

*

 

Một vài tổ chức này đã được liệt kê trong phần cuối cùng cuốn Niên Giám ToàThánh, một pho sách đồ sộ gần 2500 trang đóng bìa vải đỏ hàng năm ghi lại chi tiết sơ đồ tổ chức giáo triều Roma và toàn thế cơ cấu của Giáo hội Công Giáo.

Một phần danh sách các tổ chức này đã được phân tích cách đây hơn một năm trong bài báo sau đây ở trang www.chiesa

> Vatican Diary / Thirteen sisters and two stepsisters, each with her dowry

 

Đa số các tổ chức này đều là chi nhánh của các cơ quan tại Vatican có các lãnh đạo là các giáo sĩ thuộc nhiều cấp bậc khác nhau. Nhưng một vài tổ chức được thành lập và điều khiển do ít nhiều các giáo dân nổi tiếng .

Trong ấn bản năm 2013 của cuốn Niên giám Toà Thánh, thêm vào vớì IOR trong cùng một đề mục, chỉ có một tổ chức được thành lập trước năm 1978, tổ chức “Pio XII per l’apostolato dei laici -Tông đồ giáo dân của ĐGH Piô XII” (*) được đức giáo hoàng Eugenio Pacelli thành lập năm 1953 và được đức Phalô đệ Lục cải tổ vào các năm 1972 và 1976, nhằm “trợ giúp và đẩy mạnh công tác Công giáo trong việc tông đồ giáo dân, đặc biệt những công tác có tính cách quốc tế,” liên quan đến phủ quốc vụ khanh.

Các tổ chức khác được ghi lại trong cuốn Niên giám là “Fundacja Jana Pawla II - Quỹ Gioan Phaolô đệ Nhị,” thành lập năm 1981 để thúc đẩy và hoàn thành “những sáng kiến có tính cách khoa học, tôn giáo, và bác ái” liên quan đến giáo triều của vị giáo hoàng gốc Ba Lan đầu tiên. Từ năm 2007 giám đốc tổ chức này là hồng y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về Giáo dân. Trước đó, cho đến năm 2004, vị chủ tịch tạm thời là Stanislaw Dziwisz, vị thư ký được ca tụng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị.

Rồi có tổ chức “Giovanni Paolo II per il Sahel – Gioan Phaolô II cho vùng Hạ Sahara.” được thành lập năm 1984 và trao phó cho hội đồng giáo hoàng Cor Unum, để hỗ trợ các cố gắng chống lại nạn hạn hán cho chín quốc gia vùng Hạ samạc Sahara Phi Châu. Trong khi đó tổ chức “Nostra Aetate - Thời đại chúng ta” thành lập năm 1990, lai liên kết với hội đồng giáo hoàng về đối thoại liên tôn, và được kêu gọi để trợ giúp “những tín hữu trong các tôn giáo khác, là những chuyên gia, đang muốn đào sâu sự hiểu biết của mình về Kytô giáo tại Roma” nhằm đến việc “trong tương lai sẽ dạy về Kytô giáo tại xứ sở của họ.

Tổ chức “Gioventù Chiesa Speranza – Giới Trẻ, niềm Hy Vọng của Giáo Hội” được thành lập năm 1991 và vào năm 2007 đổi tên thành tổ chức “Giovanni Paolo II per la Gioventù –Gioan Phaolô đệ Nhị cho Giới Trẻ.” Một trong các trách nhiệm chính là “Cộng tác trong việc tổ chức và thực hiện Ngày Giới Trẻ Thế Giới.” Ngay từ đầu, chủ tịch của tổ chức này, là một giáo dân, ông Marcello Bedeschi, người gốc vùng Marche.

Trở lui về quá khứ vào năm 1992, để kỷ niệm đệ ngũ bách chu niên khởi đầu việc Phúc Âm Hóa Châu Mỹ Latinh, có tổ chức “Populorum Progressio - Phát triển các DânTộc.” Tổ chức này cũng liên kết với Cor Unum, cung cấp trợ giúp tài chánh để “thúc đẩy phát triển toàn diện các cộng đồng nông thôn nghèo đói nhất.”

Tổ chức “Centesimus Annus – Pro Pontifice - Đệ Bách Chu Niên- Cho đức giáo hoàng” được thành lập năm 1993, và canh tân cơ cấu vào năm 2004, và “đề xuất cộng tác trong việc học hỏi và truyền bá học thuyết xã hội của Kytô giáo, như được trình bày cách đặc biệt trong thông điệp “Đệ Bách Chu Niên” của đức giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị, cũng như để “thúc đẩy việc gây quỹ nâng đỡ các hoạt động của Toà Thánh.” Ban điều hành gồm chín giáo dân. Một trong các vị này được Văn phòng Quản trị Tài Sản Tông Toà chỉ định, bẩy người khác được bầu chọn, và một người được toàn thể các thành viên chọn lựa.

Hiện tại đứng đầu tổ chức này là một vị người Tây Ban Nha, Domingo Sugranyes Bickel, và ban điều hành gồm những tên tuổi vang danh như Grazia Rizzo Bottiglieri, lãnh đạo một hãng tàu mang cùng tên, Quận Chúa Camilla Borghese Khevenhüller, đại tư bản ngành thép Federico Falck, Quận công Alois zu Lowenstein, Bá tước Lorenzo Rossi di Montelera, cựu chủ tịch của một tổ chức mang cùng tên, và Joseph Zahra xứ Malta, mới đây được đức Phanxicô chỉ định làm đầu một uỷ ban báo cáo về tài chính của Vatican. Trong số các kiểm tra viên có Cavaliere Piero Melazzini, chủ tịch của nhà băng Popolare di Sondrio.

Trở về năm 2004, có tổ chức “Il Buon Samaritano - Người Samaria nhân hậu,” liên kết với hội đồng giáo hoàng về mục vụ cho nhân viên y tế, với mục đích “trợ giúp tài chánh cho bênh nhân nào có nhu cầu nhất, đặc biệt các bệnh nhân AIDS,” và tổ chức “Per i beni e le attività artistiche della Chiesa - Cho tài sản và các hoạt động văn hóa của Giáo Hội,” nay được liên kết với hội đồng giáo hoàng về Văn hóa , mà các hoạt động “trước nhất, nằm trong việc tổ chức mọi biến cố văn hóa và nghệ thuật, như là một thí dụ cho việc sử dụng di sản lịch sử và nghê thuật theo một ý nghĩa giáo hội.

Hiện tại, đứng đầu ban Quản trị của tổ chức vừa nói trên là Cavaliere Emilio Acerna (thuộc công ty Fintecna được nhà nước Ý quản lý) trong khi phó giám đốc là Renato Poletti (Tổng giám đốc của Bộ Hạ tầng cơ sở và giao thông). Các thành viên khác là bá tước Aldo Brachetti Peretti, một người trong ngành dầu khí, và Luigi Roth, giám đốc công ty điện lực Terna của Ý. Tập đoàn các kiểm tra viên gồm có cựu tổng kiểm tra quốc gia Andrea Monorchio.

Vào năm 2007, tổ chức “San Matteo – Thánh Mát thêu” được thành lập để tưởng nhớ hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, Việt Nam. Tổ chức này liên kết chặt chẽ với hội đồng giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình mà hồng y Thuận đứng đầu. Mục đích của tổ chức này bao gồm việc bảo trợ “việc quảng bá học thuyết xã hội của Giáo hội theo những chỉ tiêu hướng dẫn nêu lên trong phần “Phụ Lục học thuyết xã hội.” Ban quản trị gồm có Hoàng thân Prospero Colonna, Ettore Quadrani ( công ty Fidimpresa Lazio), Carl Albert Anderson của hội Knights of Columbus (Hiệp sĩ Columbus), Mauro Miccio ( thành viên ban quản trị công ty điện lực ENEL và thành viên của hội “Regnum Christi”), và Jan Przemyslaw Hauser, nhà sản xuất truyền hình Balan.

Vào năm 2010, tổ chức “Joseph Ratzinger – Benedict XVI” được thành hình để cổ võ việc tìm hiểu và học hỏi thần học, bao gồm việc phát giải thưởng Ratzinger hàng năm. Giám đốc ban quản trị tổ chức này là đức ông Giuseppe Antonio Scotti, phụ tá thư ký hội đồng giáo hoàng về Truyền thông xã hội, phó giám đốc là Paolo Cipriani, người vừa mới từ chức tổng giám đốc viện IOR.

Tổ chức cuối cùng được liệt kê trong cuốn Niên Giám là “Scienza e Fede – STOQ - Khoa học và Đức Tin,” được thành lập vào ngày 10 tháng Giêng năm 2012 theo đề nghị của hồng y Gianfranco Ravasi, bộ trưởng hội đồng giáo hoàng về Văn hóa. Các chữ viết tắt STOQ có nghĩa “Science, Theology and the Ontological Quest – Khoa học, Thần học và Truy tầm Hữu Thể học,” đây là một chương trình nhắm đến việc đối thoại trong các lãnh vực khoa học, triết học và thần học, do một vài giáo hoàng học viện tại Roma đảm nhiệm cùng với sự bảo trợ của Vatican và được tổ chức Templeton Foudation nâng đỡ. Chủ tịch của tổ chức này chính là Renato Poletti đã nêu trên,trong khi ban điều hành gồm có Gianfranco Zoppas, người của triều đại mang trùng tên gồm các nhà kỹ nghệ vùng Venetia.

Khi nghiên cứu kỹ cuốn Niên Giám, người ta khám phá ra rằng, ngoài các tổ chức nêu lên trong phần cuối sách, còn có hai tổ chức khác liên kết với các Viện Hàm Lâm Giáo hoàng. Thật vậy, bắt đầu từ cuốn Niên Giám năm 1994, xuất hiện Tổ chức cho Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội và từ năm 1995 có Tổ chức “Vitae Mysterium - Mầu Nhiệm Sự Sống” cho Viện Hàn Lâm Về Sự Sống.

Tuy nhiên, một tổ chức không được đưa vào cuốn Niên Giám, đó là tổ chức “Aiuto alle Chiesa che soffre – Trợ giúp giáo hội lúc ngặt nghèo” được thành lập vào năm 2011, liên kết với Bộ tu sĩ. Giám đốc điều hành là Johannes Heereman von Zuydtwyck, người Đức, một cựu chủ tịch hội Hiệp Sĩ đảo Malta tại Đức, và là bố của vị bề trên tổng quyền tu hội “Legionaries of Christ - Đạo Binh Chúa Kytô”, Sylvester Heereman.

 

*

 

Nhưng tổ chức cuối cùng này không phải là tổ chức duy nhất đã đăng ký tại Vatican, mặc dù không được liệt kê trong cuốn Niên Giám.

Danh sách đầy đủ các tổ chức này, được cập nhật vào cuối năm 2011, được thông tri trong phần phụ lục của bản báo cáo đồ sộ do các kiểm soát viên của Moneyval yêu cầu, và được công bố vào tháng Bẩy năm 2012.

Bản phụ lục số 36 trong báo cáo của Moneyval liệt kê ra 48 tổ chức có tính cách pháp nhân được đăng ký trong danh bạ của Toà Đốc Sứ Thị Quốc Vatican.

Trong danh sách này có IOR, dòng Hiệp Sĩ Mộ Thánh, cơ quan Caritas Quốc Tế, Quỹ Y tế Vatican, quỹ Hưu bổng, viện Luigi Gedda về Y học Di Truyền, Văn khố Phim Vatican, Hàn Lâm Viện Quốc Tế về Maria, Hàn lâm Viện Thần học, Hội Thánh Giuse, Hiệp hội Phêrô và Phaolô.

Nhưng về các tổ chức, ngoài các tổ chức được nêu lên trong cuốn Niên Giám Toà Thánh, trong báo cáo của Moneyval còn có những tổ chức khác đặt dưới sự giám sát của phủ quốc vụ khanh.

Đó các tổ chức "Pro Africa," "Papa Giovanni XXIII Premio internazionale per la pace," "Mondo Unito," "Notre Dame de la Paix di Yamoussoukro" tại quốc gia Bờ Biển Ngà, "San Tommaso," "Giovanni XXIII per i preti anziani," "Villa Nazareth," "Spes Viva," tổ chức cuối cùng này cho đến năm 2008 còn được gọi là “Maruzza Lefebvre d’Ovidio.”

Phủ quốc vụ khanh còn chịu trách nhiệm giám sát ba tổ chức phụ trách ba lưu xá cho các linh mục tại Vatican: cư xá nôi tiếng "Domus Sanctae Marthae," nơi ở hiện nay của đức giáo hoàng, cư xá “Domus Internationalis Paolo VI" trên đường della Scrofa, nơi đức Jorge Mario Bergoglio tạm trú khi còn là hồng y mỗi khi đến Roma, và cư xá "Domus Romana sacerdotalis" trên đường Traspontina. Vị giám đốc cả ba cư xá này là đức ông Battista Ricca, được đức giáo hoàng bổ nhiệm hôm 15 tháng Bẩy vừa qua làm giám chức cho IOR. Vì là giám đốc của Santa Marta, nên cũng là người đại diện hợp pháp cho tổ chức “Casa San Benedetto” quản trị nơi ăn chốn ở của các cựu khâm sứ Toà Thánh tại Palazzo dei Convertendi trên đường dell’Erba.

Phủ quốc vụ khanh cũng có nhiệm vụ giám sát
- tổ chức độc lập “Bambino Gesù - Hài nhi Giêsu” Tổ chức này gây quỹ cho bệnh viện nhi đồng mang cùng tên, thuộc quyền sở hữu của Vatican .
- cả tổ chức “Paolo VI per la cultura cattolica in Italia -Phaolô đệ Lục về văn hoá Công giáo tại Ý” được đức giáo hoàng Giovanni Battista Montini thành lập năm 1974, để tài trợ cho tờ báo Công giáo của Ý mới ra đời, tờ “Avvenire,”
- tổ chức “San Giuseppina Bakhita,”
- tổ chức “Benedetto XVI per il matrimonio e la famiglia” nhằm hỗ trợ cho giáo hoàng học viên mang trùng tên
- và tổ chức Fondazione dell’Azione Cattolica Italiana có mục đích tài trợ cho việc điều tra phong thánh cho các thành viên của mình.

Viện Đại học giáo hoàng Laterano cũng có hai tổ chức: là "Associazione internazionale Lateranense" và "Civitas Lateranensis".

Về phần mình, bộ “de Propaganda Fide - truyền bá Đức tin” cũng có trách nhiệm giám sát hai tổ chức tài trợ cho nơi ăn chốn ở của các linh mục từ các xứ truyền giáo đến Roma ăn học: đó là hai cơ sở "Domus missionalis" và "Domus urbaniana".

Báo cáo trực tiếp cho Toà Đốc Sứ của Thị quốc Vatican là Tổ chức “Arte e cultura.” Tổ chức này gây quỹ cho các dự án của các bảo tàng viện Vatican. Tổ chức “San Michele Archangelo” có mục đích gây quỹ tài trợ cho những chi tiêu về dân sự và an ninh bảo vệ thị quốc Vatican, và Tổ chức “Cardinale Salvatore De Giorgi,” được thành lập để chăm sóc mục vụ cho các ơn gọi , và trợ giúp các công tác văn hoá và bác ái cho một vài giáo xứ vùng Puglia, quê hương của vị hồng y mà tổ chức này mang tên, tổng giám mục về hưu của Palermo và là một thành viên của ủy ban các hồng y được đức Biển Đức XVI đặt ra để điều tra về vụ rò rỉ tin tức từ các văn phòng của Toà Thánh.

Danh sách Moneyval đưa ra gồm cả tổ chức “Latinitas,” sau này không còn hiện hữu , nhường tên cho một giáo hoàng học viện .

Trong các báo cáo của mình, Moneyval cho biết rằng IOR có đến 50 chủ nhân các tài khoản, được xác định là tổ chức đúng theo giáo luật, và yêu cầu rằng các tổ chức phải được đặt dưới sự giám sát của Thẩm Quyền Thông tin Tài chính, ngang hàng với IOR và APSA.

Đặc biệt đoạn 326 trong báo cáo ghi rõ :

Vì các tổ chức này đóng một vai trò quan trọng cho các hoạt động tài chính của Thị quốc Vatican và các công tác xã hội và tôn giáo của Toà Thánh, và vì thế, FIA phải ở trên mọi nghi ngờ, và như là một nguyên tắc, cũng như dựa trên những suy xét về tính hữu hiệu của mình, FIA phải có quyền không thể bàn cãi là quyền tiếp cận mọi thông tin mà các tổ chức này nắm giữ.”

Và quả vậy yêu cầu này cũng là một phần trong lời giải thích của tự sắc đức Phanxicô viết ngày 8 tháng Tám vừa qua.

Để có thể tránh mọi nghi ngờ là đằng sau các tổ chức này, mà con số không phải Ià ít, đã phát sinh một tổ chức, núp dưới bóng che của mái vòm đền thờ Thánh Phêrô, có nguy cơ được thành lập không nhằm vào công tác từ thiện bác ái, mà lại nhắm đến các hoạt động tài chính nào khác không đáng khen ngợi.

 

___________

 

Tự sắc đức Biển Đức XVI viết ngày 30 tháng Mười Hai năm 2010

> "The Apostolic See..."

 

của tự sắc đức Phanxicô viết ngày 8 tháng Tám năm 2013.

> "The promotion of integral human development…"
 

 

__________

Nguyên văn bản báo cáo của Moneyval

> Mutual Evaluation Report, The Holy See, 4 July 2012

 

Và phần phụ lục với đầy đủ mọi quy tắc của Vatican trong lãnh vực này, với thời hiệu:

> Annexes
 

 

 

 


 

 

 

Ghi Chú:

(*) Tên các Tổ chức trong bài được dịch sang tiếng Việt chỉ giúp phần nào để hiểu nghĩa mặt chữ, không phải là tên chính thức.



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.