Hoà bình tái lập giữa Müller và Gutiérrez.
Nhưng đức Bergoglio không phục

  

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350582?eng=y

 

Bộ trưởng thánh bộ giáo lý đức tin và người sáng lập ra nền thần học giải phóng đang nỗ lực kết thúc 20 năm tranh luận. Nhưng một trong những phê bình gay gắt nhất về trào lưu thần học này lại chính là đức đương kim giáo hoàng

 

ROME, ngày mồng 5 tháng Chín năm 2013 – Chúa Nhật mồng 8 tháng Chín, tại đền thánh Barbara ở Mantua, bộ trưởng thánh bộ giáo lý đức tin, Gerhard Ludwig Müller, và nhà thần học Gustavo Gutiérrez, người xứ Peru, sẽ đồng giới thiệu ấn bản tiếng Ý cuốn sách họ cùng nhau viết về nền thần học giải phóng. Sách sẽ được bán tại các tiệm sách vào sáng thứ Hai, ngày mồng 9 tháng Chín

G. Gutiérrez, G.L. Müller, "Dalla parte dei poveri. Teologia della liberazione, teologia della Chiesa", Edizioni Messaggero-EMI, Padova, 2013, pp. 192, euro 15,00.

Cuốn sách đã được xuất bản tại Đức vào năm 2004 mà không gây nên một khuấy động đặc biệt nào, nhưng có vài người ca tụng ấn bản bằng tiếng Ý lần này như là một khúc ngoặc lịch sử: việc này được coi gần như là một vụ ký kết hiệp ước hoà bình giữa nền thần học giải phóng và Huấn Quyền Giáo hội.

Gutiérrez được coi như là một trong những nhà khai sinh ra nền thần học giải phóng, còn Müller là học trò của ông và cũng là người ngưỡng mộ ông. Đến nỗi, vào năm 2012, khi đức Biển Đức XVI chọn ngài làm đầu thánh bộ Giáo lý Đức tin, nhiều người đã rất ngạc nhiên.

Quả vậy, chính đức Joseph Ratzinger, khi còn làm bộ trưởng thánh bộ này, là người chịu trách nhiệm viết hai “huấn thị” có liên quan với nhau, một vào năm 1984 và một vào năm 1986. Giáo hội thời đức Gioan Phaolô đệ Nhị, bằng vào hai huấn thị này, đã nghiêm khắc phê bình thần học giải phóng, vì dựa vào “xác quyết cho rằng những sai lạc ý thức hệ nghiêm trọng chỉ ra cho thấy rằng nó tất yếu nghiên về việc phản bội lại mục tiêu người nghèo.”

Nhưng rõ ràng đức Ratzinger thấy ra được một lối giải thích khả dĩ chấp nhận mà Müller gán cho các lập trường của Gutiérrez, nếu Ratzinger không chỉ bổ nhiệm Müller làm bộ trưởng thánh bộ giáo lý đức tin mà còn tin tưởng trao cho Müller trọng trách giám sát in ấn toàn bộ công trình thần học của Ngài, một công trình bằng tiếng Đức đã xong gần một nữa.

Nhận xét tích cực của Müller về thần học giải phóng - đọc qua kăng kính của Gutiérrez – có thể nắm bắt được ngay từ những hàng đầu tiên của cuốn sách, được trích dẫn lại đưới đây :

Theo nhận xét của tôi, phong trào giáo hội và thần học của Châu Mỹ Latinh, được biết như là thần học giải phóng, và đã tạo được một tiếng vang sau công đồng Vatican đệ Nhị, phải được kể vào sổ những trào lưu ý nghĩa nhất của thần học Công Giáo thế kỷ 20.”

Sau đó ngài còn nói:

Chính nhờ thần học giải phóng mà nền thần học Công giáo đã có thể tự giải phóng mình khỏi cái nan đề nhị nguyên giữa cái “ở đây lúc này” và đời sống mai hậu, giữa hạnh phúc trần thế và sự cứu rỗi rất mực thế trần.”

Và cách diễn tả của giáo hoàng Phanxicô: “Tôi mơ ước một Giáo hội nghèo và cho người nghèo” đã được nhiều người coi như là hoàn thiện việc xá tội cho thần học giải phóng.

Nhưng sẽ là ngây thơ nếu ta coi cuộc tranh luận như đã xong.

Đức Jorge Mario Bergoglio không hề bao giờ che dấu sự bất đồng ý kiến của mình về những khiá cạnh căn bản của nền thần học này.

Các thần học gia ngài trích dẫn không bao giờ là Gutiérrez(1), chẳng phải là Leonardo Boff, cũng không phải là Jon Sobrino, nhưng là Juan Carlos Scannone, người Achentina. Linh mục này khai triển một nền thần học không phải là giải phóng nhưng là “của quần chúng” đặt nền tảng trên văn hoá và lòng sùng đạo của đám dân thường, trước tiên của đám người nghèo, với linh đạo cổ truyền của họ và với cảm thức về công bình của họ.

Vào năm 2005, thời ấy sách của Müller và Gutiérrez đã được xuất bản ở Đức, vị Tổng giám mục của Buenos Aires lúc đó, đã viết :

Theo sau sự sụp đổ của ‘chủ thuyết xã hội đích thực,’ những trào lưu tư tưởng này rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Không thể tái cấu trúc một cách triệt để hay có được một sức sáng tạo mới, chúng chỉ còn sống vật vờ nhờ vào quán tính, mặc dầu ngày nay vẫn còn có vài người lạc thời muốn đề xướng lên.”

Theo nhận định của Clodovis, người anh của Leonardo Boff, biến cố đánh dấu cuộc chia tay giữa Giáo hội Công Giáo của Châu Mỹ Latinh và những gì còn lại của nền thần học giải phóng, chính là hội nghị toàn Nam Mỹ họp tai Aparecida năm 2007, được đích thân đức Biển Đức XVI khai mạc, cùng với người đối kháng là hồng y Bergoglio.

Chính vào thời điểm này Clodovis Boff “hoán cải.” Từ vị thế người lãnh đạo tiêu biểu cho thần học giải phóng, ông trở thành một trong những người chỉ trích gay gắt nhất.

Vào năm 2008, cuộc tranh luận nổ ra gữa hai anh em. Theo phê bình của Clodovis, cái sai lầm “chết người” mà thần học giải phóng rơi vào, chính là biến người nghèo trở thành “nguyên lý vận hành đầu tiên của thần học ,” dùng người nghèo thay vì Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kytô.

Và đây là hậu quả :

Việc tiếp cận mục vụ giải phóng” trở thành một trong nhiều cánh của xung đột chính trị. Giáo hội tự biến thành một NGO - tổ chức phi chính phủ, và như thế tự làm rỗng chính mình một cách thể lý: giáo hội mất đi các hoạt động chiến đấu và thuộc về đức tin. Những “người bên ngoài” cảm thấy ít bị lôi cuốn đến với một “giáo hội giải phóng”, bởi vì để tuyên truyền, họ đã có các tổ chức phi chính phủ, trong khi đối với kinh nghiệm tôn giáo họ cần một điều gì đó khác hơn là một sự giải phóng về phương diện xã hội.”

Cái nguy hiểm Giáo hội tự giản lược mình thành một tổ chức phi chính phủ là một hồi chuông báo động được đức giáo hoàng Phanxicô rung lên nhiều lần.

Người ta sẽ dễ rơi vào lầm lần là bỏ qua không nhìn thấy điều ấy, khi đọc sách của hai vị Müller và Gutiérrez.

Phần sau đây là phần duyệt trước một trong các trang sách ấy, do bộ trưởng thánh bộ giáo lý đức tin ấn ký .

 

___________

 

 

 

GIỮA NHỮNG TRÀO LƯU CÓ Ý NHĨA NHẤT CỦA THẪN HỌC CÔNG GIÁO

Bài của Gerhard Ludwig Müller

 

“Phong trào giáo hội và thần học của Châu Mỹ Latinh, được biết như là thần học giải phóng, và đã tạo được một tiếng vang sau công đồng Vatican đệ Nhị, phải được kể vào sổ những trào lưu ý nghĩa nhất của thần học Công Giáo thế kỷ 20.

Nếu đúng thật Công Đồng Vatican đệ Nhị là một biến cố ghi dấu sâu đậm nhất trong lịch sử Giáo hội thế kỷ vừa qua, thì có thể chia lịch sử thần học thành giai đoạn, một giai đoạn chuẩn bị, bắt đầu vào khoảng thế chiến thứ nhất chấm dứt, và một giai đoạn khai triển và thi hành bắt đầu ngay sau Công đồng, khoảng năm 1965.

Đối với giai đoạn bắt đầu từ năm 1920, phải kể đến mọi phong trào canh tân đại loại, ví dụ như phong trào thánh kinh– phụng vụ, những gợi ý to lớn từ học thuyết xã hội của Giáo hội, và một nhận thức mới về bản chất Giáo Hội – đã dẫn đến Công đồng, mang lại cho Công Đồng một dấu ấn quyết định, và rồi sau đó nhờ các văn kiện công đồng, chúng được hội nhập vào truyền thống chung của Giáo Hội.

Kế tiếp phải kể đến những phong trào khác được gợi ý từ Công đồng, sau khi đã nhận những thúc đẩy và các nguyên tắc chỉ đạo từ Công đồng, và muốn đem chúng ra thực hành, trong tương quan với những thách thức lớn lao từ thế giới hiện đại. Trong bối cảnh này, tầm quan trọng lớn nhất được dành cho nền thần học giải phóng trong lãnh vực của hai hiến chế công đồng “Lumen Gentium- Ánh Sáng Muôn Dân” và “Gaudium et Spes - Vui Mừng và Hy Vọng.”

Nếu chúng ta muốn hiểu được điều thay đổi nào đã thực sự xảy ra tại Công Đồng, chúng ta không chỉ nên chú ý tới một vài phát biểu của công đồng nhưng còn phải xét đến những phạm trù mới được sử dụng để diễn tả nguồn gốc và sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Vậy mạc khải của Thiên Chúa không nên được hiểu như là thông tin về những thực tại siêu nhiên, mà người bên ngoài phải bày tỏ lòng vâng phục dựa trên thẩm quyền của Thiên Chúa, để rồi được tưởng thưởng hạnh phúc thiên giới sau khi chết. Đúng hơn mạc khải là Thiên Chúa Tam Vị tự thông tri mình trong việc nhập thể của Chúa Con và qua viêc tuôn đổ dồi dào Chúa Thánh Thần, hầu chính Thiên Chúa được nhận biết và được đón nhận như là chân lý và là sự sống cho từng người và như là đích điểm của lịch sử nhân loại.

Chính vì lý do này mà Giáo hội không phải là một trong những cộng đoàn tôn giáo đem các lý tưởng của các vị sáng lập ra thực hành với ít nhiều trung thành, và được đánh giá dựa trên căn bản những nét đặc trưng của sự hạnh phúc của một thứ nhân bản thuyết theo kiểu thời Khai sáng, mà luận thuyết tân thời của phái chủ trương đa tôn giáo ca tụng như là ‘soteriopraxis- hoạt động cứu độ.”

Thật ra, trong Chúa Kytô, Giáo Hội là dấu chỉ và dụng cụ cho ý muốn cứu độ hoàn vũ của Thiên Chúa, liên quan đến mọi người. Là sự “hiệp thông” giữa các tín hữu, Giáo hội dùng Lời Chúa mà phục vụ nhân loại, cùng với việc dâng hy lễ là ơn cứu rỗi ban sức sống, và việc bày tỏ bản tính sống-cho-người-khác của Chúa Kytô trong việc phục vụ người nghèo, người mang phận hẩm hiu, và những ai có nhân phẩm và công lý bị chối từ.

Trong Công đồng, các phạm trù triết học–nhân bản về ngôi vị, về đối thoại và thông tri có tầm quan trọng quyết định nhất. Ý nghĩa và tầm quan trọng gán cho người được Thiên Chúa thông tri chính mình cho, nằm ngay chính sự-kiện-[người-đó]-là-một-ngôi-vị, và chính xác hơn, trong sự-kiện-[người-đó]-là-một-ngôi-vị được đính kết cách vật lý- chất thể trong không gian lịch sử, trong xã hội và trong văn hóa.

Ngày nay, vì Giáo hội không dành một vị trí toàn trị nào trong xã hội – vì Giáo hội có được căn tính là nhờ đức tin đặt nơi Chúa Kytô, và tự tách bạch mình hẳn ra khỏi các niềm tin khác và các tôn giáo khác – nhưng dẫu vậy, những gì xảy ra tiếp theo vẫn là Giáo hội – và mọi cộng đoàn giáo hội và từng cá nhân tín hữu – do chính cái căn bản đức tin của mình, phải gánh vác trách nhiệm trên tổng thể nhân loại, đứng ra thi hành trách nhiệm trong các lãnh vực công ăn việc làm trên thế giới, lãnh vực kinh tế toàn cầu, lãnh vực công bình xã hội và công bình cá nhân, lãnh vực hoà bình trên thế giới, vân vân …

 

___________

 

Hai “huấn thị,” một vào năm 1984 và hai, vào năm 1986, có liên quan với nhau. Trong đó bộ trưởng bộ giáo lý đức tin Joseph Ratzinger lên án “những sai lạc, và những nguy cơ sai lạc” của thần học giải phóng, “làm hại đến đức tin và đời sống Kytô hữu” :

> "Libertatis nuntius", August 6, 1984

> "Libertatis conscientia", March 22, 1986
 

__________

Về đức giáo hoàng Phanxicô và thần học giải phóng:

> Bergoglio, a Revolutionary His Own Way (16.5.2013)
( Bergoglio, nhà cách mạng theo phong cách riêng.” Bài đã dịch)

Hôm thứ ba, ngày mồng 3 tháng Chín, khi duyệt hai đoạn sách của Gutiérrez và Müller, tờ "L'Osservatore Romano" đã đăng một bài phê bình dài và hấp dẫn về cuốn sách. Bài viết do cha Ugo Sartorio, giám đốc của tờ báo có nhiều độc giả "Il Messaggero di Sant'Antonio."

Ngay từ đầu, bài báo nhắm đến những ai “đã đi đến mức coi nền thần học giải phóng như đã chết và đã bị chôn vùi, và cho đó là kết quả có tính quyết định cùng với sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (1989) và sự kiện Liên Bang Sô Viết cùng với ý thức hệ Mác-xít cáo chung.”

Mà, có lẽ, tác giả chẳng hề ngờ rằng, người đã truy nguyên sự sụp đổ của “xã hội chủ nghĩa đích thực” đến tận nguồn chính là sự kiệt quệ của thần học giải phóng và của các trào lưu có liên quan khác nữa – đó là chính là đức Bergoglio, với nhiều người khác nữa, qua các bài viết của Ngài từ năm 2005.

> L'America Latina del cardinal Bergoglio

 

__________

 

Về cuộc tranh luận giữa hai anh em nhà Boffs:

> Clodovis and Leonardo Boff, Separated Brethren (14.7.2008)

 

 

 

 


 

 

 

Ghi Chú:

(1) Gustavo Gutiérrez: linh mục dòng Đa minh.

(2) Leonardo Boff: linh mục dòng Tên, sau xuất tu.

(3) Jon Sobrino: linh mục Dòng Tên



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.