Lời trần tình của vị giáo hoàng đến từ xa

  

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350605?eng=y

 

Trong một cuộc phỏng vấn do tạp chí của các tu sĩ dòng Tên tại Roma thực hiện, đức Jorge Mario Bergoglio đã làm sáng tỏ sự im lặng của ngài về cuộc cách mạng nhân loại học đang xảy ra. Sự im lặng liên quan đến sự sinh, tử, truyền giống và về trọn vẹn bản chất loài người.

 

ROME, ngày 20 tháng Chín năm 2013 – Trong bài phỏng vấn dài 28 trang với linh mục Antonia Spadaro, giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica, ” công bố đồng thời khắp thế giới trên 16 tờ tạp chí khác của Dòng Tên, có hai đoạn trong đó giáo hoàng Phanxicô bộc bạch một trong những bí mật lớn nhất triều giáo hoàng của Ngài.

Đó là ngài cắt nghĩa tại sao ngài đã quá im hơi lặng tiếng về những vấn đề mà các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã từng mâu thuẫn gay gắt với nền văn hoá hiện đang chiếm ưu thế.

Đoạn đầu tiên như sau:

Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương thức ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi đã không nói gì nhiều về những vấn đề này, và người ta trách tôi về chuyện đó. Nhưng khi chúng ta nói đến những đề tài này, chúng ta phải đề cập đến chúng trong một ngữ cảnh. Về vấn đề này, Giáo huấn của Giáo hội minh bạch và tôi là một người con của Giáo hội, nhưng không cần phải lúc nào cũng cứ nói đến chúng hoài.

“Không phải tất cả các giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo hội đều tương đương. Tác vụ mục vụ của Giáo hội không thể bị ám ảnh bởi việc lưu truyền một mớ các giáo lý rời rạc lúc nào cũng được nhấn mạnh buộc phải tuân giữ. Việc loan báo (*) theo phương cách truyền giáo chú mục vào những điều cốt lõi, vào những điều thiết yếu: Việc này cũng là điều hấp dẫn và lôi cuốn nhiều hơn, khiến cho trái tim bừng cháy, như các môn đệ Emmaus đã từng cảm nghiệm.

“Chúng ta phải tìm ra một cân bằng mới: bằng không, cả đến cái lâu đài luân lý của Giáo hội có lẽ sẽ đổ sập như một ngôi nhà do các lá bài xếp lên, mất đi cái nét tươi mát và mất cả cái hương vị của Tin Mừng. Việc giới thiệu Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu xa hơn và rạng rỡ hơn. Các hệ lụy luân lý phải đến sau việc công bố Tin Mừng.

“Tôi cũng nói thế khi nghĩ đến việc giảng và nghĩ đến nội dung chúng ta giảng. Một bài giảng tuyệt, một bài giảng đúng nghĩa phải bắt đầu với việc loan báo đầu tiên (*), với việc loan báo sự cứu rỗi. Không có gì vững chắc hơn, sâu xa hơn và chắc chắn hơn lời loan báo này. Rồi chúng ta mới dạy giáo lý. Rồi thậm chí chúng ta mới rút ra các hệ quả luân lý. Nhưng việc loan báo tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa phải có trước những mệnh lệnh luân lý và đạo đức. Ngày nay đôi khi có vẻ như điều ngược lại đang lấn lướt. Bài giảng chính là tiêu chuẩn để đo lường sự thân mật và khả năng tiếp cận dân chúng của vị mục tử, vì người giảng phải nhận ra cái tâm của cộng đoàn và phải có thể thấy ra được chỗ nào lòng ao ước Thiên Chúa đang sống động và nồng nhiệt. Vì thế, không nên giản lược sứ điệp Tin Mừng vào một vài khía cạnh, tuy là xác đáng, nhưng tự chúng, chúng không bày tỏ được trọng tâm của sứ điệp Chúa Giêsu Kytô.

 

*

 

Nhận xét sau đây của giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đã làm nổi bật đoạn thứ hai mang nhiều sức bộc lộ:

“[Đức tin] của chúng ta không phải là “đức tin phòng thí nghiệm”, nhưng là một “đức tin hành trình” Thiên Chúa đã mạc khải chính mình như là lịch sử, không như là phần bổ túc cho những chân lý trừu tượng.

Linh mục Spadaro viết:

Vậy tôi hỏi đức giáo hoàng điều ấy có áp dụng không, và áp dụng thế nào vào cái biên giới văn hóa quan trọng, là biên giới của thách thức nhân loại học. Thứ nhân loại học mà giáo hội thường nhắc đến trong truyền thống của mình, và thứ ngôn ngữ mà nhân loại học này diễn tả, nó vẫn mãi là một điểm quy chiếu vững chắc, là kết quả của một sự khôn ngoan và kinh nghiệm lâu đời. Tuy nhiên, dường như con người mà Giáo Hội tự ngỏ lời với, không hiểu được cái nhân loại học đó nữa hoặc coi nó là đầy đủ. Tôi bắt đầu lý luận về sự kiện con người giải thích chính mình theo một cách khác với cách đã dùng trong quá khứ, với các phạm trù khác. Và đấy là do những thay đổi lớn lao trong xã hội và do con người đã học hỏi về mình quảng bác hơn .

“Đến lúc này ngài đứng dậy và đi lấy cuốn sách Nguyện trên bàn làm việc. Sách bằng tiếng Latinh, đã nhàu vì dùng nhiều. Ngài mở đến phần Bài đọc ngày thứ Sáu tuần 27 Thường Niên, và đọc cho tôi một đoạn trích trong bài “Commonitorium Primum – Những chỉ dẫn đầu tiên” của Thánh Vincentê thành Lerins: 'Ita etiam christianae religionis dogma sequatur has decet profectuum leges, ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate.' (Cả đến tín lý của đạo Chúa Kytô cũng phải theo những quy luật này, được củng cố qua năm tháng, phát triển qua thời gian, và sâu sắc qua các thời đại)."

 

Đức giáo hoàng tiếp tục:

 

Thánh Vincentê thành Lerins đã so sánh giữa sự phát triển thể lý nơi con người và việc lưu truyền kho tàng đức tin từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Kho tàng này càng ngày càng tiến triển và vững mạnh theo thời gian. Ở đây, tri thức con người biết về mình thay đổi theo thời gian và ý thức của con người cũng sâu xa hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến lúc chế độ nô lệ được chấp nhận hay án tử hình được cho phép mà không có vấn đề gì. Vậy chúng ta tăng tiến trong tri thức về sự thật. Các nhà chú giải và các thần học gia giúp Giáo Hội trưởng thành hơn trong phán đoán của mình.

Cả các khoa học khác và sự phát triển của chúng cũng giúp Giáo hội tăng tiến trong hiểu biết. Có những lề luật giáo hội và những quy tắc đã một thời hữu hiệu, nhưng nay chúng đã mất đi giá trị hay ý nghĩa. Quan điểm cho rằng các giáo huấn của Giáo hội là một khối cần phải bảo vệ không một chút uyển chuyển hay không thể hiểu khác đi, là một quan điểm sai.

“Xét cho cùng, trong mọi thời đại lịch sử, con người cố gắng tìm hiểu và diễn đạt mình rõ hơn. Vậy con người sẽ có lúc thay đổi cách thức cảm nhận về chính mình., Có người diễn đạt chính mình bằng cách tạc nên bức tượng “Nữ Thần Chiến Thắng Có Cánh của đảo Samothrace” là một chuyện, lại còn có cách khác của Caravaggio , của Chagall, và còn có cả cách của Dalí. Cả những hình thức diễn đạt sự thật cũng có thể mang nhiều dạng. Mà quả vậy điều này quan trọng cho việc lưu truyền Tin Mừng trong ý nghĩa vĩnh hằng của nó.

Con người đang tìm kiếm chính mình, và dĩ nhiên, trong cuộc kiếm tìm này, con người có thể phạm sai lầm, Khi nào một công thức tư duy hết giá trị? Khi nó không còn thấy được con người, hay cả khi nó sợ con người hay tự đánh lừa mình. Tư tưởng bị lừa bịp có thể được diễn tả như Ulysses nghe tiếng hát của nhân ngư, hay như Tannhäuser trong một cuộc trác táng chung quanh có các dương nhân và vị tiên tửu tại lâu đài Klinhsor, trong màn thứ hai vở nhạc kịch của Wagner. Suy tư của Giáo hội phải dành lại cho được sự trác tuyệt và phải hiểu được tường tận ngày nay con người tự hiểu về mình như thế nào, để có thể triển khai và đào sâu giáo huấn của Giáo hội.”

 

*

 

Từ những lý luận trên, người ta có thể suy luận ra được rằng giáo hoàng Phanxicô không hề thấy được mảy may, trong cuộc cách mạng văn hóa thời hiên đại, sự biến chuyển ghê gớm của nền văn minh đã từng bị các giáo hoàng tiền nhiệm của mình tố cáo mạnh mẽ .

Điều nổi bật nơi ngài Bergoglio là cái ý tưởng cho rằng con người mới này, người cứ tiến tới trước, đang giúp cho giáo hội tăng tiến hơn trong việc hiểu được chân lý và gạt bỏ “những lề luật giáo hội và những quy tắc đã một thời hữu hiệu, nhưng nay chúng đã mất đi giá trị hay ý nghĩa,” hơn là gay gắt đặt Giáo hội vào một thử thách.

 

_________

 

Trọn bài phỏng vấn của tờ "La Civiltà Cattolica":

> A Big Heart Open to God

__________  

 

 

 

Ghi Chú:

(*) Ý ngài muốn nói đến cái “kerygma - Lời loan báo nội dung cơ bản của Tin Mừng”?



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.