Thông Điệp mang một hình thức mới: Phỏng vấn

  

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350619?eng=y

 

Đây là cách thức đức giáo hoàng Phanxicô ưa chuộng để ngỏ lời với tín hữu và với thế giới. Với mọi nguy hiểm của cách thức này. Pietro De Marco phân tích một cách phê bình các hành vi đầu tiên này của “huấn quyền”

 

ROMA, ngày tháng Mười năm 2013 – Ngày tháng cứ dần trôi, hai cuộc phỏng vấn của đức giáo hoàng Phanxicô với linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica,” và với giáo sư vô thần Eugenio Scalfari, sáng lập viên tờ báo thế tục hàng đầu ở Ý, tờ “la Repubblica” càng ngày càng trở thành cột mốc đánh dấu thời kỳ khởi đầu triều giáo hoàng của ngài

Trong hai bài phỏng vấn này, đức Jorge Mario Bergoglio tuyên bố những nguyên tắc tạo nhiều cảm hứng của ngài, nói lên cái nhìn của ngài về tình hình hiện tại của Giáo Hội, nêu lên những ưu tiên và công bố chương trình hành động của mình.

Ngài cũng rất minh bạch khi đánh dấu những điểm ngài tách biệt khỏi các vị tiền nhiệm là đức Biển Đức XVI và Gioan Phaolô đệ Nhị :

Xem bài :

> The Francis Transformation

 

Việc chọn cách thức phỏng vấn để truyền thông cho các tín hữu và cho thế giới là một chọn lựa mà đức đương kim giáo hoàng đã giữ kín từ lâu.

Gần đây nhất, vào ngày 22 tháng Bẩy, trong cuộc khởi hành đến Rio de Janeiro, ngài đã phong toả mình tránh các nhà báo: “Thật sự, tôi không muốn phỏng vấn, vì tôi không biết, tôi không thể . Nó rất … đối với tôi, nó hơi chán.”

Nhưng rồi, trên chuyến về, ngài cho phép một buổi hỏi-đáp mà không báo trước và cũng không được bảo vệ, về bất cứ đề tài nào người ta có thể hỏi ngài:

> Good evening, and thank you…"

 

Một trong các nhận xét của ngài đã tạo một hậu quả gây chấn động khắp thế giới, khiến cho ngài có được một lượng vô cùng lớn đồng thuận từ quan điểm của quần chúng thế tục:

Nếu một người là đồng tính, mà với thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà xét đoán họ?"

Có phải đây là một nhận xét lỡ lời tuôn ra lúc phấn chấn bấy giờ ? Không hề như thế.

Trong những cuộc phỏng vấn rất tiêu chuẩn sau đó, cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica,” đức Phanxicô không những lập lại, mà còn phóng đại. Ngài thêm một hệ luận có sức gây đỗ vỡ không kém:

"Can thiệp thiêng liêng vào đời sống cá nhân là không thể được."

Cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica” là kết qủa của một loạt các lần đối thoại giữa đức giáo hoàng và người phỏng vấn. Bài phỏng vấn được viết lại rất cẩn thận. Nó được chính tác giả kiểm tra từng chữ một trước khi được đưa cho báo chí, và ngày 19 tháng Chín được phát hành đồng thời trong 11 ngôn ngữ trên 16 tờ báo của dòng Tên

> A Big Heart Open to God

 

Như thế người ta có lý do chính đáng để có thể coi đấy là “thông điệp” đích thực đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô, hơn là thông điệp “Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin” có cấu trúc cổ điển thừa hưởng từ đức Joseph Ratzinger.

Một “thông điệp” mới trong hình thức này: hình thức một cuộc phỏng vấn, nhằm giúp người ta đọc dễ dàng hơn và thúc đẩy việc phổ biến nhanh hơn .

Mà nó cũng mới trong mức độ thẩm quyền, chắc chắn là kém hơn so với các hành vi giáo huấn đúng nghĩa, nhưng cũng vẫn có thể được gán cho là một “munus- công tác” của đức giáo hoàng.

 

Từ đó, đức giáo hoàng Phanxicô đã tỏ ra rằng ngài đặc biệt ưa chuộng kiểu truyền đạt này.

Cuộc phỏng vấn với Scalfari là một bằng chứng. Bằng cách phó mình cho nhân vật có những tư tưởng thế tục nổi tiếng này, và cho một tờ báo có ảnh hưởng rộng lớn trên quan điểm của quần chúng như tờ “la Repubblica,” đức giáo hoàng đã phơi bày mình còn quá lộ liễu hơn cả trong cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica.

Ngài làm thế với ý thức được những nguy cơ ngài phải đương đầu. Bài phỏng vấn được công bố trên tờ “la Repubblica” số ra ngày mồng Một tháng Mười, với chữ ký của Scalfari, mà đức Phanxicô không đọc được bản thảo trước.

Nhưng tờ “L’Osservatore Romano,” số ra cùng ngày, đã in lại tron vẹn bản văn, và đến phiên mình, trang mạng chính thức vatican.va đã đăng bài ấy giữa “những tin tức” của lúc ấy, ngang hàng với những bài diễn văn khác của đức giáo hoàng. Đó là một dấu chỉ cho thấy đức Phanxicô công nhận bài đó ghi lại trung thực tư tưởng của ngài.

Trong phần nội dung, bài phỏng vấn với Scalfari ghi lại trọn vẹn tư tưởng, giống như tư tưởng trong bài của “La Civiltà Cattolica,” tuy có phần ngắn gọn hơn.

Bài có thêm một vài yếu tố mới, nhưng những tư tưởng khác thì được lập lại và phát biểu lại. Đặc biệt, đoạn nói về tính chủ quan của lương tâm gây nên nhiều phản đối nhất.

 

Câu sau đây cũng vậy. Nó không bổ túc hay xuống giọng về những gì đã nói ra trước đó. Mà ngược lại còn củng cố nó :

Mỗi người đều có quan điểm riêng của mình về tốt xấu và phải chọn lựa đi theo điều tốt và chống lại điều xấu theo như mình hiểu chúng.”

 

Trong lời dẫn nhập của cuốn đầu của bộ sách gồm ba cuốn về Chúa Giêsu, đức Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI đã viết:

Sách này không phải là một hành vi thuộc huấn quyền, nên ai cũng có tự do để nói ngược lại tôi.”

 

Đức giáo hoàng không nói ra rõ ràng như thế. Nhưng người ta có thể giả định là sự tự do ấy cũng có thể áp dụng cho ngài, khi ngài chọn sử dụng một hình thức diễn đạt có đặc trưng là tính phản bác như cuộc phỏng vấn .

 

Sau đây là nối kết dẫn đến nguyên bản cuộc nói chuyện với Scalfari, trong nguyên văn tiếng Ý, và trong các bản dịch sang tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha

> The Pope to Scalfari: This Is How I Will Change the Church
 

Và dưới đây là một vị nồng nàn của một tranh luận các cuộc phỏng vấn của giáo hoàng Phanxicô đã khơi lên.

Giáo sư Pietro De Marco, tác giả bài phê bình, dạy tại đại học Florence và tại phân khoa thần học miền Trung nước Ý.

 

__________

 

Một sứ điệp "xu thời" (*)

Bài của Pietro De Marco

 

Xét theo lương tâm, tôi phải đoạn tuyệt với dàn đồng ca nịnh bợ gồm toàn những tên tuổi quá quen biết ngoài đời cũng như trong hàng giáo phẩm, từ hàng tháng nay đã phụ hoạ theo những tuyên bố công khai của giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio . Đó là ca đoàn gồm những người tôn vinh cái "mới mẻ" của vị giáo hoàng, dù biết rằng chẳng mới mẻ gì lắm đâu, nhưng lại im tiếng về những "đổi mới" đích thực khi chúng gây ra lúng túng. Vì lý do đó, tôi bó buộc phải nêu lên một vài điểm không chính xác được lập đi lập lại mà tài hùng biện bộc trực và lôi cuốn của đức Phanxicô đã phạm phải.

Trong những đối thoại thường nhật và ở chỗ riêng tư, không ai được miễn trừ không có những điều thiếu chính xác và bóp méo. Nhưng không một ai, khi mình có trách nhiệm trên nhiều người - thầy dậy học, chẳng hạn - mà không theo một chuẩn mực khác nơi công cộng, và phải tìm cách tránh những phát biểu ngẫu hứng.

 

Thế mà, bây giờ, chúng ta lại có một vị giáo hoàng thốt lên: "Tôi là ai mà xét đoán?" như người ta mạnh miệng tại bàn ăn hoặc cả khi giảng trong tháng linh thao. Nhưng trước mặt giới truyền thông và thế giới, câu nói "Tôi là ai mà xét đoán?" được một giáo hoàng thốt ra, đã mâu thuẫn cách khách quan với toàn thể lịch sử và bản chất sâu xa của chức năng Thánh Phêrô, và hơn nữa tạo ra một cảm giác khó chịu cho thấy một sự bộc phát không kiềm chế được. Vì chức năng của ngài, xét như là đại diện Chúa Kytô, chứ không như một cá nhân, giáo hoàng xét đoán được. Vì đức giáo hoàng Phanxicô chứng tỏ, khi ngài muốn, cái ý thức về quyền bính của mình như một giáo hoàng, thì đây là chất thể - dù ngài có muốn nói gì đi nữa - của một sai lầm thực thụ trong truyền thông .

 

Rồi khi chúng ta đọc bài phỏng vấn do tờ "La Civiltà Cattolica," câu "can thiệp thiêng liêng vào đời sống cá nhân là không thể được," có vẻ như đánh lộn sòng dưới chiêu bài "sự can thiệp" của tự do-phóng túng, cả cái phán đoán thần học - luân lý, và những lượng giá công khai của Giáo Hội, khi cần, và cả việc chăm sóc của cha giải tội hay cha linh hướng khi chỉ ra, ngăn ngừa hay cấm đoán những hạnh kiểm xấu tự bản chất. Giáo hoàng Bergoglio đã vô tình theo một đường lối cũ rích tiêu biểu của thời hậu hiện đại, theo đó, quyết định cá nhân, xét như thế , luôn luôn là tốt, hay ít ra cũng luôn luôn mang một giá trị, vì là cá nhân và tự do, như người ta vẫn thường ngây thơ nghĩ nó là thế, và vì vậy, nó không thể chối cãi được .

Việc lỡ lời mang tính tương đối thuyết này, không còn hiếm thấy trong khi thi hành mục vụ chung, đã được che đậy, không chỉ riêng nơi đức Bergoglio, bằng cách nại đến sự thực tâm và thống hối cá nhân, gần như là thực tâm và thống hối hóa giải được bản chất của tội và cấm Giáo hội không được nêu đích danh tội lỗi. Hơn nữa, nếu im lặng và kính trọng những gì cá nhân làm vì người đó tự do và thành thực khi làm điều đó, là tỏ lòng thương xót họ, thì điều này là điều đáng ngờ: Chúng ta luôn luôn biết rằng làm cho rõ chuyện, chứ không che dấu, cái bản chất của một hạnh kiểm tội lỗi chính là một hành vi thương xót cao cả nhất, vì nó cho phép tội nhân biện biệt được chính mình và tình trạng của mình, theo lề luật và tình thương của Thiên Chúa. Việc này cả vị giáo hoàng cũng có vẻ như lẫn lộn tính ưu tiên của lương tâm với một kiểu bất khả xét đoán nào đó, hoặc cả với tính miễn trừ không bị Giáo hội xét đoán, là một nguy cơ cho quyền uy của giáo hoàng và cho huấn quyền thông thường không thể coi thường.

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica” giáo hoàng lại trở lại với câu “Tôi là ai mà phán xét?” rồi khẳng định: “Nếu một người đồng tính mà thiện chí và tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi không phải là người xét đoán anh ta. Tôn giáo có quyền diễn đạt quan điểm của mình trong việc phục vụ dân chúng, nhưng Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo đã dựng nên chúng ta tự do.”

Một mặt, việc sử dụng lập đi lập lại câu: “Tôi là ai?” khẳng định , nơi đức Phanxicô, có một nghĩa thông thường cho rằng “xét đoán” đồng nghĩa với “kết án” – điều này tạo ra hồ đồ, vì xét đoán không nhất thiết là lên án, và thường là không – và mặt khác, [việc lập lại như thế] nhấn mạnh đến cái ý tưởng cho rằng không một ai trong chúng ta, dù là đức giáo hoàng, có quyền hợp lệ được nói lên lời xét đoán. Nhưng điều này là sai: mỗi người chúng ta có quyền xét đoán trong từng tổ chức, và cả trong Giáo Hội, nếu mình có năng lực, và đức giáo hoàng là thẩm phán do bởi quyền uỷ riêng của ngài. Hơn nữa, hoặc là không một ai có quyền hợp pháp để xét đoán, không bao giờ, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, hoặc là không hề rõ ràng tại sao chỉ trong trường hợp đồng tính thì khả năng xét đoán mới không thể tìm được .

Nếu, hơn nữa, như đức giáo hoàng nói, “tôn giáo” - một cách nói nguyền rủa để chỉ cái lịch sử và những tổ chức và các kho tàng ân sủng Chúa Kytô đã thiết lập, và giáo hoàng là người bảo đảm - “có quyền diễn đạt ý kiến của mình để phục vụ dân chúng," nhưng không được can thiệp vào tự do, thì đâu còn chổ dành cho lề luật Thiên Chúa hay cho bác ái. Tự do, xét như thế, thật sự trở thành tuyệt đối. Và chắc chắn nếu “tôn giáo” bị giản lược thành một nhóm ý kiến, thì tôn giáo không thể mang vai trò của thẩm phán. Vả lại, ai mà còn cần đến bác ái, nếu tự do của mình đã xá giải mình trước cả mọi xét đoán?

Công thức nói rằng Giáo Hội “phục vụ dân chúng” trở lại cả trong ngôn từ của giáo hoàng liên quan đến cuộc cải tổ phụng vụ, được thực hiện để “phục vụ cho dân chúng như là đọc lại Tin Mừng trên căn bản một hoàn cảnh lịch sử cụ thể.” một định nghĩa khập khễnh giản lược các dấu chỉ thiêng thánh đến độ còn dưới cả cái tí tẹo phụng vụ các giáo hội Tin Lành đã rơi vào. Vậy thì việc “trở về nguồn” của phụng vụ trong cả một thế kỷ rưỡi qua dùng để làm gì ?

Có lời cho rằng người ta không nên phân tích quá đáng những gì nói ra trong cuộc chuyện trò giữa các anh em dòng Tên. Nhưng nếu đây là trường hợp được nói đến, thì lẽ ra tốt hơn nên giữ cuộc đối thoại này trong phần hồi ký riêng tư của giáo hoàng Bergoglio và Lm Antonio Spadaro. Bắt chịu số phận phải đọc trong tờ “La Civiltà Cattoilica” - một chiến sĩ tuyệt vời ít là từ thập niên 1950 tranh đấu cho chân lý Công giáo và cho Roma – rằng đối với vị đương kim kế nhiệm thánh Phêrô thì giáo lý, truyền thống và phụng vụ đã trở thành một khả năng, một dịp để đưa ra quan niệm, và việc “ra tay giúp đỡ,” là một sỉ nhục lẽ ra đừng bắt Giáo hội phải chịu .

 

Trong số báo “la Repubblica” ngày mồng Một tháng Mười, chúng ta đọc được những nhận định đáng đem ra tranh biện của giáo hoàng Bergoglio. Chúng ta học được rằng “cải đạo là một chuyện điên rồ nghiêm trọng nhất. Nó chả có nghĩa lý gì.” Như là câu trả lời cho chủ đề hoán cải được Eugenio Scalfari mỉa mai đưa ra (“Ngài có định thuyết phục tôi trở lại đạo không?”). Nhưng mưu tìm việc người khác trở lại đạo không phải là “chuyện điên rồ”; Chuyện đó có thể được thực hiện một cách điên rồ, hay cao siêu, như nhiều vị thánh đã từng. Tôi nhớ lại đôi vợ chồng Jacques và Raïssa Maritain, họ là những người trở lại đạo, đã nhiệt tình ao ước và làm việc để các bạn hữu vĩ đại của họ trở về với đức tin. Tại sao lại tránh đề tài hoán cải bằng cách so sánh nó với việc “cải đạo,” một từ chứa đầy hàm ngụ tiêu cực?

Rồi chúng ta đọc được rằng, để trả lời cho vấn nạn tương đối của Scalfari: “Có một quan điểm đơn giản về sự thiện không? Và ai đã thiết lập nên sự thiện?” đức giáo hoàng công nhận rằng “mỗi người chúng ta có một quan niệm riêng về điều tốt” và “chúng ta phải thúc đẩy họ đi đến điều mà họ nghĩ là tốt

Nhưng nếu mỗi người có “quan điểm riêng tư về điều tốt” mà họ phải có thể thực hiện được, những quan điểm này chẳng giúp được gì ngoài chuyện cuối cùng chúng trở thành rất khác biệt nhau, chống đối nhau và thường xung khắc nhau chí tử, như được minh chứng bằng những vấn đề hiện thời và trong lịch sử. Thúc đẩy một người thực hành theo quan điểm riêng mình về cái tốt, trong thực tế là thúc đẩy mọi người tranh chấp lẫn nhau, một cuộc chiến đòi hỏi gắng sức, vì nó nhằm hưởng được điều tốt, chứ không vi điều ích lợi, hay vì một điều phụ tuỳ nào khác. Đó là lý do tại sao các quan điểm riêng biệt - gồm cả những quan điểm được hướng dẫn bởi các ý hướng ngay thẳng nhất – phải được điều hoà bởi một vị vua tối thượng, hoặc nói theo ngôn ngữ hiện đại là bởi lề luật, và cuối cùng là bởi lề luật của Chúa Kytô, Luật này không hề có chút gì nhượng bộ trong các điều khoản cá nhân.

Có lẽ giáo hoàng Phanxicô muốn nói rằng con người, theo giáo lý Công giáo về nhiên luật, có một khả năng nguyên thuỷ, một xung lực đầu tiên và cơ bản, được Thiên Chúa ban cho mọi người, biết phân biệt được điều gì tự bản chất là tốt và điều gì tự bản chất là xấu. Nhưng xen vào đây là mầu nhiệm tội lỗi và ân sủng. Nhưng người ta có thể tán dương thánh Augustinô, như đức giáo hoàng đã từng, mà lại bỏ quên rằng trong điều mà người ta “nghĩ rằng là điều tốt” thì tội lỗi cũng luôn luôn hoạt động đó sao? Cái biện chứng giữa Thành đô Thiên Chúa và thành đô loài người và của ma quỷ, “civitas - thành đô” của bác ái và của tình yêu vị kỷ, rồi sẽ trở thành như thế nào ? Nếu điều tốt là điều mà cá nhân “nghĩ là tốt” và sự đồng quy các tư tưởng này có thể cứu rỗi được con người, thì cần gì đến lề luật tích cực nói chung, đặc biệt là lề luật của Thiên Chúa nói riêng, và cần gì đến việc Thiên Chúa Con nhập thể?

 

Đức giáo hoàng cho rằng: “Chúng tôi cần thu nhận những người bị loại bỏ và rao giảng hòa bình. Vatican II, một công đồng được Đức Gioan và Phaolô VI gợi hứng, đã quyết định nhìn về tương lai với một tinh thần tân tiến và cởi mở với văn hóa hiện đại. Các nghị phụ biết rằng cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại có nghĩa đại kết tôn giáo và đối thoại với người không tin. Nhưng sau đó, rất ít điều đã được thực thi theo hướng đó. Tôi khiêm tốn mà lại tham vọng muốn làm việc đó.

Tất cả những điều trên nghe như “a priori - một tiên nghiệm”. Đấy là một điều đáng nghiêm khắc phê bình. Chúng ta đã chứng kiến một “phong trào đại kết” có sức tàn phá biết bao nhiêu và việc “đối thoại” có ích biết mấy cho các ý thức hệ của người Tân phái đang hoạt động hàng chục năm qua, mà chống lại việc này chỉ có Roma, từ đức Phaolô đệ Lục đến đức Biển Đức XVI, đã không ngừng đưa ra rào cản! Ngài Bergoglio, người đã từng chỉ trích các nền thần học giải phóng và cách mạng, không thể không biết rằng cuộc đối thoại với nền văn hóa hiện đại được thực hiện sau Công Đồng hoàn toàn là một điều gì đó khác hẳn một “phong trào đại kết” chỉ có vẻ lịch sự.

 

Đức Phanxicô tự bày tỏ mình là một tu sĩ dòng Tên tiêu biểu trong giai đoạn sau này, được Công Đồng cảm hóa trong những năm tu luyện, đặc biệt được cảm hoá do điều tôi gọi là “Công Đồng bề ngoài,” cái Công Đồng Vatican đệ Nhị của những hoài bão và lối cắt nghĩa gây chiến, do một vài giám mục tạo ra, do các thần học gia của họ, và do các luồng truyền thông Công giáo có sức tạo ảnh hưởng nhất. Một trong những hàng giáo phẩm, qua cung giọng dễ làm hoà và mền dẻo, trong các giá trị không thể bàn cãi của mình, đều cũng là “những nghị phụ” thuộc loại cứng rắn nhất, sau một nữa thế kỷ, chịu nhìn nhận rằng Công Đồng còn phải được thi hành, và rằng chúng ta phải làm mọi chuyện y như chúng ta đang sống trong thập niên 1970, trong một trận giáp lá cà với giáo hội “thời Pio XII”, với nền thần học tân Kinh viện, dưới ảnh hưởng của thuyết Duy tân mang tính thế tục hay theo kiểu Mácxít.

Ngược lại: điều mà “tinh thần hoà giải” muốn và có thể khơi mào đã được bàn đến hoặc đã được làm thử từ hàng thập niên qua, và cả hiện nay, chính là câu hỏi đặt ra đầu tiên để có một lượng giá nghiêm túc về các kết quả, đôi khi là tệ hại. Cả những tuyên bố dai dẳng của giáo hoàng Phanxicô về lòng thương xót Chúa tương ứng với một thái độ mục vụ hiện nay đang lan nhanh trong giới giáo sĩ, đạt đến một mức xô bồ mà đức giáo hoàng đã phải cấm đoán. Không chỉ có thế. Chủ đề tội lỗi hầu như biến mất trong việc dạy giáo lý, như thế là phá bỏ luôn sự cần thiết của lòng thương xót. Lẽ ra là phải có thúc đẩy chung về cách ứng xử giàu lòng thương xót. Đây là một vấn đề ngày nay tái cấu trúc nền thần học luân lý, ít ngôn từ hơn, nhưng vẫn có thể hướng dẫn giáo sĩ và giáo dân trong những tình huống cụ thể. Cũng trong thần học luân lý, con đường dẫn đến việc thi hành thực sự Công Đồng đã được mở ra do những công trình bậc thầy của hai vị Karol Woityla và Joseph Ratzinger

Vài người vẫn cho rằng đức Phanxicô, như là một giáo hoàng thời hậu hiện đại, có thể là con người của tương lai Giáo Hội, vượt quá truyền thống và tân thời. Nhưng nơi ngài con người hậu hiện đại, là khía cạnh lớn mạnh hơn hết – xét như là phá bỏ các hình thức, đầy tự phát khi xuất hiện nơi công cộng, chú ý đến toàn cầu như một cái làng nhỏ - con người ấy chỉ phiếm diệm. Với tính mềm dẻo, dễ nhân nhượng và khiếu thẩm mỹ, con người hậu hiện đại này chỉ quá lắm được đáng ca tụng làm giám mục tại Châu Mỹ Latinh, một vùng cho đến gần đây, giới trí thức bị thống trị bởi mẫu người Mácxít Tân, Căn cơ của ngài Bergoglio là, và vẫn còn là “hoà đồng” Trên con đường vị giáo hoàng này chọn đi, nếu được xác nhận, tôi nhìn ra được trước tiên mọi kết tinh của tinh thần hoà đồng trong mục vụ đang thắng thế nơi giới giáo sĩ và giáo dân hăng say.

Dĩ nhiên, nếu ngài Bergoglio không phải là một người hậu hiện đại, thì toàn cầu lại đón nhận ngài như người hậu hiện đại. Giáo hoàng làm hài lòng cả cánh hữu lẫn cánh tả, cả người sống đạo lẫn kẻ không tin, không chút phân biệt. Sứ điệp đang thịnh hành của ngài là: “liquid- ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Tuy nhiên, trên cái thành công này, không thể xây dựng lên bất cứ cái gì, chỉ có thể trộn nháo nhào những gì đã có sẵn, và đấy không phải là điều tốt nhất.

Rồi có những dấu hiệu đáng lo ngại về cái vẻ “liquid- xu thời” này đối với những ai không thiên về những người lắm chuyện bàn về tương đối mang tính tân thời muộn màng này:

a- sự nhân nhượng dành cho một loạt các kiểu nói thông dụng như “ai cũng có tự do làm…” “ai nói những điều ấy, hẳn phải là…” “tôi là ai mà…” sẽ để cho mình dễ rơi vào cái xác quyết cho chúng là những mẩu đối thoại và hợp thời. Tự bày tỏ mình chỉ là một giám mục đơn thuần để biện minh cho những cách ứng xử hầu như chẳng theo đúng lễ tân, không che dấu, cũng chẳng thể che dấu những tầm quan trọng khác nhau và những trách nhiệm khác nhau, lẽ ra thuộc về từng lời ăn tiếng nói của ngài, bất cứ chữ nào, vì giám mục Roma và giáo hoàng là một và như nhau.

b- thiếu sự soi mói từ những người đáng tin cậy, nhưng khôn ngoan và thông thái, và là người Ý, để tỉ mỉ dò xét các bản văn nhằm công bố. Có lẽ giáo hoàng cho rằng chuyện đó không cần;

c-môt sự nghiên chiều trong khía cạnh thẩm quyền (“Tôi sẽ làm mọi chuyện để…”) dùng ở số ít, ngược lại với các câu thường được dùng ở số nhiều, nhưng tiêu biểu của “những tay cách mạng” dân chủ, với nguy cơ va chạm thiếu cẩn trọng với truyền thống và với cái “sensus fidelium - cảm nhận của các tín hữu

d- hơn nữa, nơi giáo hoàng Phanxicô, có sự không tương hợp giữa việc liên tục chọn sáng kiến tự ý cá nhân giao tiếp với công chúng, và ước muốn chuyện này xảy ra mà không có ai ở giữa để gạn lọc (hình ảnh tiêu biểu cho căn phòng của giáo hoàng như là cái cổ chai). Điều này tỏ cho thấy ngài không muốn cảm thấy mình là một người cai quản (đây là môt viêc còn khó hơn làm một người canh tân) trong một cơ chế nổi tiếng và “sui generis - đặc thù” như Giáo Hội Công giáo.

Đôi khi, ngài có cách ứng xử của một người điều hành tân thời và không câu nệ hình thức, một trong những người nhượng bộ rất nhiều cho báo giới. Nhưng việc bám theo người và vật ở bên ngoài này – các cộng tác viên, bạn bè, báo giới, ý kiến quần chúng, cả đến cái chung cư Sanat Marta cũng là “bên ngoài” – có vẻ như là cái người mang tên Bergoglio đâm ra sợ hãi không biết phải làm gì khi bị bỏ rơi một mình, trong tư cách là giáo hoàng, trong căn nhà của các giáo hoàng. Việc này không tích cực chút nào. Và chuyện này không thể kéo dài. Cả đến báo chí cũng mệt mỏi vì phải ủng hộ một giáo hoàng cần đến họ quá sức.

 

Hai nhận xét cuối.

1- Đối với những người nại đến cách thức thánh Ignatiô đi theo người tội lỗi, hay người bỏ đi xa, tôi trả lời rằng chuyện này liên hệ đến tương quan của việc đàm đạo kín về chuyện linh hướng, hay cuộc nói chuyên rất tư riêng. Nhưng nếu giáo hoàng mà diễn đạt mình kiểu này nơi công cộng, lời ngài nói đi vào dòng chảy của huấn quyền thông thường, chúng trở thành bài giáo lý. Chúng ta ai nấy đều biết rằng câu châm ngôn của công đồng “từ cây gậy cho đến lòng thương xót” không nhắm đến chuyện làm dịu lòng cha giải tội cho bằng yếu thẩm quyền của Roma đi.

2- Cách thức giãi bày được đức Bergolgio chọn không thể bị đẩy cho đến tận mức là triệt hạ luôn huấn quyền thông thường, làm cho nó trở thành hầu như là không, hay không còn mang tính bó buộc nữa. Quyền năng của một giáo hoàng không giới hạn chỉ ở nơi các “munus- công tác” của ngài, nhưng siêu vượt trên ngài và đặt ra những giới hạn trên ngài. Tôi không đồng ý với các vị chuộng truyền thống cách cực đoan, nhưng không hề có chút nghi ngờ rằng truyền thống là chuẩn mực và quyền lực của người kế vị thánh Phêrô .

 

Florence, ngày mồng Hai tháng Mười năm 2013

__________  

 

 

 

Ghi Chú:

(*) Nguyên văn đầu đề: A "liquid" message . Quả thực với tính chất “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” của chất lỏng, người dịch chỉ biết vụng về chuyển thành “ xu thời.” Hy vong không sai ý tác giả.



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.