Trung ương tập quyền cao độ và hầu như không lãnh đạo bằng tập đoàn. Đó là cách các Giám mục nhận ra nơi Ngài

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350685?eng=y

 

Bất chấp lời hứa củng cố vai trò các giám mục, đây là thời kỳ khó khăn cho các hội đồng giám mục. Đức Phanxicô tự mình quyết định. De Lubac, tu sĩ Dòng Tên, là giáo sư môn Giáo hội học của ngài.

 

ROME, ngày 18 tháng Chạp năm 2013 – Trong cuộc phỏng vấn dành cho bạn ngài, Andrea Tornielli, chuyên gia về Vatican, được công bố cách nay ba ngày trên tờ “La Stampa”, đức giáo hoàng Phanxicô trở lại hai điểm trong tông huấn “Evangelii Gaudium” đã từng khơi dậy nhiều nhận xét sôi nổi thuận cũng có mà nghịch cũng nhiều.

Điểm đầu tiên là việc rước lễ dành cho người ly dị và tái hôn. Đức giáo hoàng muốn minh định rằng ngài không ám chỉ đến vấn đề này khi trong một bài huấn dụ ngài đề cập đến việc rước lễ “không phải là phần thưởng cho người tốt lành, mà là một liều thuốc mạnh và lương thực cho kẻ yếu đuối.”

Qua lời lẽ này, đức Phanxicô đã khó nhọc tách biệt mình xa khỏi những người đã giải thích lời ngài nói như là một ví dụ về “thái độ cởi mở” mới nhất, và đã công khai có những lời lẽ thuận lợi cho việc rước lễ ấy. Trong số đó, mới đây nhất, có vị tân tổng thư ký của thượng hội đồng Giám mục, Lorenzi Baldisseri, và hồng y Walter Kasper.

Lời minh định thứ hai liên quan đến lời tẩy chay lý thuyết kinh tế mang tên “derrame” – một từ ngữ dịch sang tiếng Anh là “trickle-down”, tiếng Ý là "ricaduta favorevole" – Theo lý thuyết này, “mọi tăng trưởng kinh tế, nhờ thị trường tự do thúc đẩy, sẽ thành công trong việc tự nó tạo ra công bình và hội nhập xã hội.

Đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio lập lại – “không phải với tư cách là một chuyên gia” - rằng ngài không tin vào tính xác đáng của lý thuyết này. Cùng với chuyện này, ngài bác bỏ những lời chỉ trích nhà thần học tân bảo thủ người Mỹ, Michael Novak, đặc biệt nhắm vào ngài. Theo Novak, sự bác bỏ của đức giáo hoàng là điều có thể hiểu được “tại Achentina và trong các hệ thống kinh tế tĩnh khác không có tính lưu động hướng lên trên,” nhưng không đúng tại Mỹ và trong các quốc gia có nền tư bản tân tiến, nơi “người ta nhận thấy được sự giàu có ‘bùng phát từ dưới lên’ “, và sự tăng trưởng kinh tế - nếu được củng cố thêm nhờ sự bảo vệ các quyền lợi căn bản và việc lo lăng chăm sóc giới nghèo hèn, vốn là đặc điểm của truyền thống Do Thái- Kytô giáo - sẽ tạo ra thuận lợi giúp những người kém giàu có đạt được mức sống cao hơn.

 

*

 

Trong hai điều minh định trên đây, điều đầu tiên liên quan đến một trong các điểm chính yếu của “Evangelii Gaudium”, trong đó đức Phanxicô hứa sẽ có thêm tập đoàn tính hơn trong việc điều hành Giáo hội, với các hội đồng Giám mục được trao cho nhiều quyền hạn hơn.

Trong một bài viết trước, www.chiesa đã đưa điểm mới mẻ này ra ánh sáng trong một câu đức giáo hoàng Bergoglio nói, so với quan điểm của các vị tiền nhiệm là Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger, cả hai đều rất quyết liệt chống lại nguy cơ Giáo Hội trở thành “một thứ liên bang các Giáo hội quốc gia”:

> The Federalist Option of the Bishop of Rome
 

Nhiều vị trong hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội lại còn quả quyết quá những điều đức Bergoglio đã nói và không nói.. Chẳng hạn tổng giám mục Baldisseri - người được coi là học trò đức giáo hoàng - đã dám chắc rằng “đức Phanxicô muốn một thượng hội đồng năng động và thường trực, đóng vai trò thẩm thấu giữa trung tâm và ngoại vi.

Việc các giám mục và hồng y đầy ảnh hưởng tại Đức gia tăng các tuyên bố ủng hộ những người ly dị và tái hôn được rước lễ - đây là một trong các đề tài sẽ được thảo luận tại kỳ thượng hội đồng sắp tới – dường như cũng xác định điểm mới mẻ này.

Tuy nhiên, có ít nhất hai yếu tố nơi đức giáo hoàng Bergoglio xem chừng như chỉ về hướng ngược lại.

 

*

 

Yếu tố đầu tiên là cá nhân tập quyền, một cách trung ương tập quyền đức Phanxicô đang thực sự điều hành Giáo Hội.

Những vụ bổ nhiệm đầy ý nghĩa nhất vào thời đầu triều giáo hoàng, cả bên trong và ngoài giáo triều, tất cả đều manh nha từ những chọn lựa cá nhân của đức giáo hoàng Bergoglio, đôi khi bỏ qua tiến trình bàn hỏi thông thường hay phớt lờ cả những quy định vẫn đang có hiệu lực.

Chẳng hạn, bất chấp sự kiện là các luật lệ cơ bản của giáo phủ thị quốc Vatican cho phép vị tổng thư ký có thể là một giáo dân, đức giáo hoàng không những đưa một giáo sĩ vào chức vụ này, một vị trong tổ chức Đạo Binh Chúa Kytô người Achentina, Fernando Vérgez Alzaga, một người rất thân với mình, mà ngài còn phong cho làm giám mục, và trao cho ngài nhiệm vụ chăm sóc mục vụ cho các thị dân của quốc gia nhỏ bé này, tước nhiệm vụ ấy khỏi tay hồng y Angelo Comastri, linh mục hạt trưởng của vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và tổng đại diện cho toàn thị quốc Vatican.

Trong các trường hợp khác, đức Phanxicô đã bổ nhiệm những người vốn là những tiêu cực sống động làm hại đến công tác dọn dẹp và cải cách giáo triều. Ngài vẫn giữ họ tại vị, bất chấp mọi lời cảnh báo ngược lại, dù là từ phía các vị trong hàng giáo phẩm liêm chính nhất và được ngài tin tưởng nhất:

> Ricca and Chaouqui, Two Enemies in the House

Xem bài Rica và Chaouqui, hai kẻ thù trong nhà,

Về phần các hội đồng giám mục, tính độc lập và ảnh hưởng của các ngài đã không tăng, mà còn giảm bớt. Trong số các hội đồng giám mục nổi bật ở giai đoạn cuối của triều giáo hoàng Biển Đức XVI, chỉ có hội đồng giám mục Hoa Kỳ vẫn còn tiếp tục theo trớn cũ.

Hội đồng giám mục Ý, một hội đồng giám mục gần với ngai toà Phêrô nhất, đang trôi nổi lênh đênh. Đức Phanxicô đã loại tổng thư ký Mariano Crociata ra khỏi chức vụ, và thuyên chuyển ngài đến Latina, một giáo phận thuộc hạng ba. Ngài cũng loại hồng y chủ tịch Angelo Bagnasco, khỏi vai trò thành viên của bộ Giám mục. Thế vào chỗ đó, ngài đưa một trong ba vị phó chủ tịch của CEI, hội đồng giám mục Ý, là tổng giám mục Gualtiero Bassetti, điạ phận Perusia. Vị này hiện đang được lòng đức đương kim giáo hoàng. Và bây giờ ngài đang chuẩn bị để bổ nhiệm vị tổng thư ký mới, người đương nhiên trở thành chủ tịch của hội đồng, trực tiếp báo cáo cho giáo hoàng.

Trong khi đó, đức Bergoglio yêu cầu CEI quyết định xem các ngài có muốn tự mình chọn lấy vị chủ tịch tương lai, hay giao việc bổ nhiệm ấy cho đức giáo hoàng, như trước giờ vẫn vậy.

Vào năm 1983, trong lần tham khảo ý kiến trước đây về vấn đề này, đa số các giám mục Ý tuyên bố các ngài thích chính họ đứng ra bầu chọn hơn.

Nhưng lần này, xét theo bầu khí chung đang thịnh, dường như đa số thích giao trách vụ đó cho đức giáo hoàng Bergoglio, dù chỉ là để tránh mối rủi ro phải va chạm với ngài.

Dịp mật nghị bầu giáo hoàng tháng Ba vừa rồi, các vị lãnh đạo hội đồng giám mục Ý cố gắng ủng hộ cho hồng y Angelo Scola. Và ngay sau khi câu “habemus papam” các ngài đã lầm lẫn đưa ra một thông báo chúc mừng đức tổng giám mục Milan được bầu chọn.

Đến nay các ngài vẫn còn sợ vị thực sự được bầu lên không tha thứ cho các ngài về chuyện đó.

 

*

 

Yếu tố thứ hai xem ra đang kiềm hãm đức giáo hoàng Phanxicô chưa củng cố các hội đồng giám mục để có được một lối điều hành Giáo hội mang nhiều tập đoàn tính hơn, chính là yếu tố liên quan đến giáo hội học.

Giáo hội phổ quát không thể được quan niệm như là tổng số các Giáo hội địa phương, hay là một liên bang các Giáo hội địa phương. Đó không phải là kết quả của việc các Giáo hội hiệp thông với nhau, nhưng trong mầu nhiệm cốt lõi của mình, Giáo hội phổ quát là một thực thể hiện hữu tự bản chất và trong thời gian trước từng Giáo hội địa phương.”

Đó là cách mà chính hai vị, Gioan Phaolô đệ Nhị và vị lúc-đó-còn-là-hồng-y-Ratzinger đã diễn tả trohng môt bức thư soạn năm 1992 của bộ giáo lý đức tin, mang đề tựa “Communionis Notio- Khái niệm Hiệp thông

Bức thư nhắm gửi đến các giám mục, và nó được tiếp tục như sau:

Quả vậy, theo các Giáo phụ, xét về khía cạnh hữu thể, cái Giáo hội- mầu nhiệm, cái Giáo hội vốn là một và duy nhất, có trước sáng tạo, và Giáo Hội ấy sinh ra các Giáo hội địa phương khác như là con cái mình. Giáo hội ấy tự diễn đạt chính mình qua các Giáo hội địa phương, Giáo hội ấy là mẹ, và không phải là sản phẩm của các Giáo hội địa phương. Hơn nữa, xét trong khía cạnh thời gian, Giáo hội biểu hiện ra hôm lễ Ngũ Tuần, nơi cộng đồng một trăm hai mươi người tụ tập chung quanh Mẹ Maria và mười hai Tông đồ, là những người đại diện cho một Giáo hội duy nhất, và là những người sẽ sáng lập ra các Giáo hội địa phương. Các giáo hội này có sứ mệnh nhắm đến thế giới: ngay từ đầu, Giáo hội đã nói mọi ngôn ngữ.

Xuất phát từ Giáo hội, vốn là phổ quát ngay từ căn nguyên và ngay lần xuất hiện đầu tiên, đã phát sinh các Giáo hội địa phương khác nhau, như là những cách biểu hiện của một Giáo hội duy nhất của Chúa Giêsu Kytô. Phát sinh trong và từ Giáo hội phổ quát, các Giáo hội địa phương có được giáo hội tính trong và từ Giáo hội phổ quát. Vì thế công thức của Công Đồng Vaticanô đệ Nhị: “Giáo hội [phổ quát] ở trong và thành hình từ các Giáo hội [địa phương] (Ecclesia in et ex Ecclesiis), không thể tách biệt khỏi công thức này “Các Giáo hội [địa phương] ở trong và thành hình từ Giáo hội [phổ quát]” (Ecclesiæ in et ex Ecclesia). Hẳn nhiên tương quan giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương là một mầu nhiệm, và không thể so sánh với tương quan giữa cái toàn thể và các thành phần nơi các nhóm hay xã hội thuần nhân loại.”

Bức thư đã đóng một dấu ấn chính thức cho luận đề do Ratzinger chủ trương trong cuộc tranh luận ngài đối đầu với Walter Kasper, thần học gia người Đức, cũng là bạn ngài, sau trở thành hồng y.

Kasper bảo vệ quan điểm nguồn gốc đồng thời của Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương. Ngài cho là đức Ratzinger đang nỗ lực để “cố gắng phục hồi vị trí trung ương của Roma trong khía cạnh thần học.” Trong khi Ratzinger phê bình Kasper là giản lược Giáo hội thành một cấu trúc xã hội, gây nguy hại cho duy nhất tính của Giáo hội và cách riêng cho thừa tác vụ giáo hoàng.

Cuộc tranh luận giữa hai hồng y thần học gia tiếp tục cho mãi đến năm 2001, với lần tranh luận cuối cùng trên tạp chí “America” của các tu sĩ Dòng Tên tại Nữu Ước.

Nhưng sau khi trở thành giáo hoàng, Ratzinger lập lại luận đề của mình trong tông huấn hậu thượng hội đồng “Ecclesia in Medio Oriente – Giáo Hội Tại Trung Đông” vào năm 2012:

Giáo hội phổ quát là một thực tại đi trước các giáo hôi địa phương, vốn được sinh ra trong và qua Giáo hội phổ quát. Sự thật này được phản ánh trung thực trong giáo huấn Công Giáo, đặc biệt nơi Công Đồng Vaticanô đệ Nhị. Sự thật này giúp hiểu được chiều kích phẩm trật của việc giáo hội hiệp thông và cho phép sự đa dạng phong phú và hợp lệ của các Giáo Hội địa phương được liên tục phát triển trong lòng duy nhất tính này, nơi những hồng ân đặc biệt có thể trở thành nguồn suối đích thực làm phong phú cho phổ quát tính của Giáo Hội.”

Còn đức Bergoglio thì sao? Một khi được bầu lên ngai Phêrô, ngài lập tức tạo ra một ấn tượng cho rằng ngài muốn có mộtcách điều hành Giáo hội mang tính tập thể nhiều hơn.

Ngay lần đọc kinh Truyền tin đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô hôm 17 tháng Ba, ngài cho đám đông biết ngài đọc cách hữu ích một cuốn sách của hồng y Kasper, “một nhà thần học thông thái, và tốt lành.”

Vài người đã liên kết hai chuyện, và kết luận rằng đức giáo hoàng Phanxicô đã đi theo quan điểm của Kasper về tương quan giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương.

Nhưng sự thể không phải vậy. Cuốn sách của Kasper mà đức giáo hoàng đọc không phải là cuốn sách về giáo hội học, mà về Lòng Thương Xót của Chúa.

Còn về giáo hội học, nhà thần học đức Bergoglio luôn luôn hâm mộ và trích dẫn nhiều nhất là Henri De Lubac (1896 – 1991), một tu sĩ dòng Tên sau trở thành hồng y. Vào năm 1971, De Lubac là tác giả cuốn sách mang đề tựa "Les Églises particulières dans l'Église universelle." Cuốn này đã đưa ra các luận đề của Ratzinger và của bức thư “Communionis Notio” hầu như trong cùng một lời lẽ, nhưng đi trước cả hai mươi năm.

Theo nhận định của De Lubac “Giáo hội phổ quát không phát sinh ở giai đoạn hai, như một điều thêm vào các Giáo hội địa phương hay như một liên bang các giáo hội địa phương.” Mà cộng đoàn các giám mục cũng không thể diễn giải như “một thứ các chủ nghĩa giáo hội quốc gia, thông thường có một chủ trương đa giáo lý không kém độc đoán đi kèm theo,” đi đến loại bỏ thẩm quyền của đức giáo hoàng.

Trong chương thư năm cuốn "Les Églises particulières dans l'Église universelle," De Lubac áp dụng việc phân tích vào các hội đồng giám mục và gán cho các hội đồng này một nền tảng không có tính tín lý, nhưng chỉ thần túy thực tiễn, không có nguồn gốc thiên luật nhưng chỉ trong lãnh vực giáo luật:

Hiến chế công đồng ‘Lumen Gentium’ đã hết sức rõ ràng về khía cạnh này. Hiến chế không công nhận bất kỳ một trung gian trong trật tự giáo lý nào giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát.”

 

Đức giáo hoàng Bergoglio không phải là một thần học gia. Nhưng các vị trên đây là bậc thầy của ngài.

 

______________

 

Cuộc phỏng vấn của Andrea Tornielli với đức giáo hoàng Phanxicô, công bố trên tờ “La Stampa” số ngày 15 tháng Chạp

> "Never be afraid of tenderness"

__________

 

Bức thư năm 1992 của bộ giáo lý đức tin gửi các giám mục, nói về tương quan giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương:

> Communionis notio

__________

 

Bản tường trình chính xác cuộc tranh luận gữa Joseph Reatzinger và Walker Kasper, do vị Tổng Viện Phụ và thần học gia Amphilochios Miltos thuộc Giáo hội Chính thống Hy Lạp, công bố trên tờ "Istina" số 58 (2013) 1, các trang 23-39 và trong "Il Regno-Documenti" số 17 (2013), các trang 568-576:

> Le Chiese locali e la Chiesa universale
 

__________

 

 

Ghi Chú:



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.