Khi Giáo hội Roma tha thứ cho những cuộc tái hôn

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350707?eng=y

 

Trong những thế kỷ đầu, người đã ly dị rồi tái hôn được tha thứ tội lỗi và được rước lễ, nhưng về sau tập tục này bị hủy bỏ bên Tây phương. Ngày nay, đức giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến nó trở lại, trong khi các hồng y đang tranh cãi.

 

ROME, ngày 31 tháng Giêng năm 2014 – Vào trung tuần tháng Hai, các hồng y và giám mục của ban thư ký Thượng Hội Đồng sẽ nhóm họp để lượng giá những câu trả lời cho bản câu hỏi đã được phân phối trên khắp thế trong thánh Mười vừa qua.

Thượng Hội Đồng đã có chủ đề “những thách đố của mục vụ gia đình” và sẽ nhóm họp tại Roma từ ngày 5 đến 19 tháng Mười. Trong số 39 câu của bản câu hỏi, có năm câu liên quan đến việc người Công giáo đã ly dị rồi tái hôn, và tình trạng họ không thể lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Giao Hoà.

Cuộc tranh luận về vấn đề này rất nóng bỏng, và áp lực muốn cho phép người ly dị rồi tái hôn được rước lễ lại rất mạnh trong quan điểm của quần chúng, và được các giám mục và hồng y nổi tiếng ủng hộ.

Qủa vậy, trong Giáo hội Công giáo hiện nay, cách duy nhất để người ly dị rồi tái hôn được chấp nhận cho chịu lễ là xác định tính vô hiệu của cuộc hôn nhân trước được cử hành trong nhà thờ.

Tính vô hiệu có thể được gán cho nhiều lý do, và thông thường các toà án giáo hội rất thông cảm trong khi giải quyết cả những trường hợp hôn phối khó khăn nhất bằng cách này.

Nhưng toà án giáo hội không thể quán xuyến một số lớn các nố hôn nhân bị nghi ngờ là vô hiệu. Theo đức giáo hoàng Phanxicô – ngài đã trích dẫn lời vị tổng giám mục Buenos Aires tiền nhiệm của ngài về vấn đề này – các nố hôn nhân vô hiệu có thể đông đến “một nữa” các cuộc hôn phối cử hành trong nhà thờ, vì họ đã cử hành hôn phối mà “chưa trưởng thành, không ý thức rằng lấy nhau là lấy nhau trọn đời, vì lợi ích xã hội.”

Đa số những nố hôn nhân vô hiệu này lại cũng không được đưa đến xử tại toà án giáo hội. Không chỉ có thế. Các toà án giáo hội chỉ có và chỉ hoạt động trong một vài nơi, trong khi nhiều vùng lớn tại Phi Châu, Á Châu, và Châu Mỹ Latinh không có. Trong một vài miền mới được phúc âm hoá, hôn nhân nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly vẫn chưa được chấp nhận trong quan điểm công giáo thông thường, giữa một khung cảnh xã hội đầy dẫy các cuộc hôn nhân không bền vững và đa thê.

Ngược lại với đà căn bản này, vì không thể giải quyết bằng phương tiện toà án, có một phương cách đi tắt nào để giải quyết một số lớn các vụ chuyển sang cuộc hôn nhân thứ hai ?

Đức Ratzinger, khi còn là hồng y và lúc đã làm giáo hoàng, đã liên tục nêu lên giả thiết cho phép người ly dị rồi tái hôn được chịu lễ “khi lương tâm họ đã đi đến một xác quyết có cơ sở về tính vô hiệu của cuộc hôn nhân đầu tiên mà không thể chứng minh tính vô hiệu ấy bằng con đường toà án.

Đức Biển Đức XVI cảnh báo rằng “đấy là một vấn đề rất phức tạp, phải được suy xét thấu đáo hơn.

Tuy nhiên, trong khi đó, có một thói quen càng ngày càng trở thành phổ quát là người ly dị rồi tái hôn vẫn tự ý mình lên rước lễ. Điều này được các giám mục và các linh mục làm ngơ, và đây đó còn khuyến khích và cho phép chính thức, như tại địa phận Freibourg bên Đức. Với nguy cơ bỏ mặc mọi sự tuỳ theo lương tâm từng cá nhân quyết định, và gia tăng thêm khoảng cách giữa một quan niệm cao quý và nhiều đòi hỏi của hôn nhân, như Phúc Âm mô tả, với đời sống đa số giáo dân hiện đang sống.

Vì thượng đội đồng đã tới gần, đức giáo hoàng Phanxicô đã dành chổ cho cuộc gặp gỡ giữa các quan điểm khác nhau, nếu không đối nghịch, chính Ngài cũng đóng góp để tạo nên một hy vọng “cởi mở.”

Một mặt, ngài ra lệnh công bố bằng bẩy thứ tiếng trong tờ "L'Osservatore Romano" số ra ngày 23 tháng Mười, một thông báo rất khắc khe của Gerhard L. Müller, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, khẳng định lại sự “thánh thiện” bất khả phân ly của hôn nhân Kytô giáo, và phản bác “việc thích nghi theo tinh thần của thời đại” như việc cho phép những người ly dị rồì tái hôn được chịu lễ hoàn toàn chỉ dựa vào quyết định của lương tâm mình.

Mặt khác, đức giáo hoàng đã cho phép các giám mục và hồng y – cả những người nổi tiếng thân cận với Ngài, như Reinhard Marx và Óscar Rodríguez Maradiaga - để nói một cách công khai chống lại Müller, và ủng hộ cho việc bỏ luật cấm rước lễ.

Những người ủng hộ cho việc thay đổi, khi họ nói rõ ra quan điểm của mình, cuối cùng đều dựa trên nhận thức của lương tâm cá nhân.

Nhưng có phải lương tâm là phương cách duy nhất để giải quyết vấn đề của người ly dị rồi tái hôn?

Theo như những gì xảy ra trong những thế kỷ đầu của Kytô giáo, không phải là như thế. Vào thời ấy, có một giải pháp khác.

 

*

 

Việc chú tâm vào cách Giáo Hội trong các thế kỷ đầu đã đề cập đến vấn đề người ly dị rồi tái hôn như thế nào, mới đây đã được khơi lại nhờ một linh mục ở Genoa, cha Giovanni Cereti, một học giả về các giáo phụ và phong trào đại kết, cũng như có hơn ba mươi năm phụ tá cho một phong trào tu đức gia đình mang tên Equipes Notre Dame.

Vài tháng trước đây, cha Cereti đã tái bản một khảo cứu chuyên môn từng được xuất bản lần đầu năm 1977, và năm 1998, mang tựa đề: “Divorce, new marriages, and penance in the primitive Church - Ly dị, tái hôn, và thống hối trong Giáo Hội sơ khai.

Trọng tâm của bài khảo cứu này - đầy dẫy những trích dẫn các Giáo Phụ am hiểu vấn đề tái hôn – là điều khoản 8 của Công Đồng Nicaea năm 325. Đây là một trong những công đồng lớn nhất của Giáo Hội mà thẩm quyền luôn luôn được mọi tín hữu chấp nhận.

Điều khoản 8 của Công đồng Nicaea nói:

Phần những ai tự cho mình là tinh sạch (*), nếu họ muốn gia nhập vào Giáo Hội Công giáo, công đồng thánh và vĩ đại này ấn định rằng […] trước mọi sự khác, họ phải tuyên bố công khai, bằng chữ viết, rằng họ chấp nhận và sống theo các giáo huấn của Giáo hội công giáo: và nghĩa là họ sẽ phải hiệp thông với cả hai, với người đã tái hôn và cả với người đã sa ngã trong bách hại, mà thời gian và hoàn cảnh thống hối đã được ấn định, để tuân theo trong mọi sự tùy quyết định của Giáo hội công giáo và tông truyền.

Những người “tinh sạch” điều khoản này nói đến, là những người thuộc phái của Novatian, những người nhiệm nhặt nhất thời bấy giờ, không hề khoan nhượng đến độ họ hoàn toàn đoạn tuyệt với cả những người ngoại tình tái hôn, và những ai đã chối đạo để cứu mạng mình, cho dù sau này họ có hối lỗi, chịu thi hành việc đền tội và đã được xá giải.

Như thế, khi đòi hỏi những người theo thuyết của Novatian, để được tái gia nhập vào Giáo hội, họ phải “hiệp thông” với những hạng người này, công đồng Nicaea đã tái lập năng quyền của Giáo Hội có thể tha thứ bất cứ tội gì, và có quyền đón nhận vào hiệp thông hoàn toàn, cả những người “digami - nhị hôn” nghĩa là ngoại tình rồi tái hôn và cả người chối đạo.

Từ đó trở đi, có hai chiều hướng song hành trong Kytô giáo liên quan tới người ly dị và tái hôn, một chiều hướng khắc khe hơn, và một chiều hướng nghiêng về tha thứ. Trong thiên niên kỷ thứ hai, chiều hướng đầu trở thành có ảnh hưởng trong Giáo Hội Roma. Nhưng trước đó, cũng vẫn có chổ cho sự tha thứ tại Tây phương.

Vị hồng y mới được tấn phong, Müller, trong thông cáo trên tờ "L'Osservatore Romano," đã viết rằng: “trong thời Giáo phụ, những thành viên giáo dân đã ly dị rồi tái hôn ở toà đời cũng vẫn không được nhận lãnh các bí tích, sau một thời gian thống hối.” Nhưng lập tức ngay sau đó, ngài công nhận rằng “thỉnh thoảng các giải pháp mục vụ phải được tìm kiếm cho những trường hợp ngoại lệ rất hoạ hiếm.

Đức Ratzinger gắn bó sát hơn với thực tại lịch sử, trong một bản văn năm 1998 được công bố lại vào ngày 30 tháng Mười Một năm 2011 bằng nhiều ngôn ngữ trên tờ "L'Osservatore Romano," tóm kết như sau về tình trạng của vấn đề theo những khảo cứu mới nhất:

Người ta cho rằng huấn quyền hiện tại chỉ dựa vào một nhánh của truyền thống giáo phụ, chứ không đi theo trọn vẹn truyền thống của Giáo Hội sơ khai. Mặc dù các Giáo phụ rõ ràng gắn bó với nguyên tắc giáo lý về tính bất khả phân ly của hôn nhân, vài vị đã nhân nhượng một vài uyển chuyển về mức mục vụ liên quan đến những trường hợp khó khăn cá biệt. Dựa trên nền tảng này, các giáo hội Đông phương tách biệt khỏi Roma, sau này, đã khai triển nguyên tắc akribia, trung thành theo sát với chân lý mạc khải, và nguyên tắc oikonomia – rộng rãi khoan dung trong những tình huống khó khăn. Không từ bỏ giáo lý về tính bất khả phân ly của hôn nhân, trong một vài trường hợp, họ cho phép một cuộc hôn nhân thứ hai, và có khi thứ ba, Nhưng tuy nhiên, chúng khác biệt với tính cách bí tích của cuộc hôn nhân thứ nhất, và mang tích cách thống hối. Vài người nói rằng tập tục này không hề bao giờ bị Giáo hội Công giáo chính thức lên án. Họ cho rằng kỳ Thượng Hội đồng giám mục năm 1980 đã đề nghị khảo sát truyền thống này cách thấu đáo, hầu cho Lòng Thương Xót Chúa được rạng rỡ hơn.”

Sau đó, trong cùng bản văn, đức Ratzinger nhắc tới thánh Lêô Cả và các Giáo phụ khác trong Giáo Hội, như là những vị: “kiếm tìm các giải pháp mục vụ cho những trường hợp hiếm hoi cá biệt” và công nhận rằng “trong cái Giáo Hội mang nặng tính quân chủ thời sau Constaninô, một sự uyển chuyển rộng rãi hơn và sẵn sàng để nhân nhượng trong những tình huống hôn nhân khó khăn đã được tìm kiếm.”

Quả vậy, công đồng đại kết Nicaea được chính Constantinô triệu tập và điều khoản 8 của công đồng nói lên chính xác đường hướng này.

Cũng phải xác định rằng, vào thời ấy, những người tái hôn và được tái hiệp thông với Giáo hội vẫn ở với người phối ngẫu mới của họ.

Bên Tây phương, trải qua những thế kỷ sau, thời gian thống hối trước khi được nhận vào lại bí tích ThánhThể, ban đầu rất ngắn, sau dần dần kéo dài cho đến khi trở thành vĩnh viễn, trong khi bên Đông phương điều này không xảy ra.

Chính các toà án giáo hội bênTây phương trong thiên niên kỷ thứ hai phụ trách và giải quyết các nố hôn nhân thứ hai “ngoại lệ hiếm hoi,” bằng cách kiểm chứng tính vô hiệu của cuộc hôn nhân thứ nhất. Nhưng làm thế, các toà án ấy đã loại bỏ việc hoán cải và thống hối.

Những vị như cha Giovanni Cereti ngày nay lôi kéo sự chú ý đến tập tục của Giáo hội ở các thế kỷ đầu, đang đề nghị dùng trở lại phương cách thống hối tương tự như phương cách từng được sử dụng vào thời ấy. Phương cách ấy nay vẫn còn được các Giáo Hội Đông Phương giữ lại dưới một hình thức nào đó.

Khi nới rộng năng quyền Giáo Hội có thể tha thứ hết mọi tội lỗi, kể cả tha cho những người đã phá vỡ hôn nhân thứ nhất rồi tái hôn, con đường đã rộng mở - họ lý luận thế - “để cho người ta trân quý bí tích cáo giải nhiều hơn” và “để cho nhiều người ngày nay đang cảm thấy bị loại trừ khỏi sự hiệp thông của Giáo Hội được trở về với đức tin.

Có lẽ đó là điều đức giáo hoàng Phanxicô đã nghĩ đến, khi trong buổi phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro hôm 28 tháng Bẩy năm 2013, ngài đã mở và đóng “ngoặc” – lời ngài nói - về Giáo hội Chính Thống “đã đi theo nền thần học họ gọi là oikonomia - nhiệm cục cứu rỗi – và họ cho phép một cơ hội (hôn nhân) thứ hai.”

Ngay liền sau đó, ngài thêm:

Tôi tin là vấn đề này [việc rước lễ của những người tái hôn] phải được nghiên cứu trong bối cảnh mục vụ hôn nhân.

 

 

 

_________

Cuốn sách:

Giovanni Cereti, "Divorzio, nuove nozze e penitenza nella Chiesa primitiva", Aracne Editrice, Roma, 2013, pp. 440, euro 26,00.

 

__________

Tài liệu chuẩn bị cho thượng hội đồng về gia đình, với bản câu hỏi đính kèm:

> "Pastoral challenges…"
 

 

__________

Bản văn năm 1998 của đức Joseph Ratzinger, công bố trên tờ "L'Osservatore Romano" số ra ngày 30 tháng Muời Một năm 2011 :

> The pastoral approach to marriage must be founded on truth
 

 

__________

Bản thông cáo của bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, Gerhard L. Müller, công bố trên tờ "L'Osservatore Romano" hôm 23 tháng Mười năm 2013:

> On the indissolubility of marriage and the debate concerning the civilly remarried

 

__________

 

Nói ngược hẳn lại với Müller và bản thông cáo trên tờ "L'Osservatore Romano," hồng y Óscar Rodríguez Maradiaga, người điều phối tám vị hồng y được đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm để làm cố vấn cho ngài về việc điều hành Giáo hội, đã nói trong một cuộc phỏng vấn do tờ báo tiếng Đức "Kölner Stadt-Anzeiger" thực hiện hôm 20 tháng Giêng:

 

Tôi đã đọc nó. Nhưng tôi nghĩ: ‘Có lẽ ngài đúng, nhưng có thể ngài sai.’ Tôi muốn nói, tôi hiểu, ngài là người Đức, và hơn thế ngài còn là một giáo sư, một giáo sư thần học người Đức. Não trạng của ngài chỉ biết có đúng hay sai. Có thế thôi. Nhưng tôi trả lời là: “Này, người anh em, thế giới không phải như thế. Ngài cũng nên uyển chuyển một chút để lắng nghe những quan điểm khác. Nếu cứ như thế, cuối cùng ngài chỉ biết nói, ngừng ngay tại đây, đây là lằn ranh, không được vượt qua.’ Nhưng tôi nghĩ ngài cũng sẽ đến nước đó. Hiện thời ngài chỉ mới ở bước đầu, và ngài đã lắng nghe các cộng sự viên thân cận khá nhiều.

Và ngài tiếp, khi nhắc đến những tình huống khác nhau trong lãnh vực gia đinh và tương quan phái tính:

Đó là những những tình huống cần có ngay những giải pháp thích ứng với thế giới ngày nay. Dĩ nhiên, chỉ nói suông “Đây là giáo lý cho mọi việc ấy” là không đủ. Giáo lý thì đúng. Và sẽ mãi là đúng. Nhưng thách thức mục vụ đòi hỏi những giải pháp ăn nhịp với thời đại. Những giải pháp không còn có thể tìm thấy trong chủ nghĩa độc đoán và duy luân lý.

 

Cần phải ghi nhận rằng đức Biển Đức XVI cũng là “một giáo sư thần học người Đức” như Müller, mục tiêu chế diễu của Rodríguez Maradiaga.

 

 

Nguyên văn bài phỏng vấn

> Papst-Vertrauter: "Tebartz kommt nicht zurück"
 

 

 

 

__________

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch

Trong bản tiếng Anh, tác giả dịch từ “Cathari” là “những người tinh sạch

Cathari” hay “Novatians” là tên gọi những người theo phái của Novatian, một linh mục ở Roma. Ông vốn là một triết gia theo phái khắc kỷ. Theo lời ông, ông cho là mình đã được trừ khỏi ma quỷ ám khi làm tân tòng. Trong lúc lâm cơn nguy tử, ông được rửa tội và được phong ngay chức linh mục mà không chịu các chức thánh nào khác.

Trong cuộc bách hại, ông từ chối không chịu giúp đỡ con chiên bổn đạo, và sau còn lên giọng chống lại điều ông cho là điều dễ dãi đáng tội khi chấp nhận cho những kẻ đã chối đạo được thống hối.

Nhiều người đồng ý với ông về điểm này, đặc biệt giới giáo sĩ. Cuối cùng, vào năm 251, ông thúc đẩy ba giám mục để hiến thánh ông, trở thành “phản-giáo hoàng” đầu tiên.

Người ông bất mãn nhiều nhất là giáo hoàng Cornelius.

Để đánh đổ các luật lệ hiện hành trong Giáo hội, ông phong chức nhiều giám mục rồi sai đi nhiều nơi để truyền bá điều sai lạc của mình.

Ban đầu phái của ông chỉ là ly giáo, dần dần trở thành lạc giáo, từ chối không công nhận Giáo hội có năng quyền tha tội cho người chối đạo.

Mặc dù bị nhiều công đồng lên án, lạc giáo của ông vẫn tiếp tục truyền bá.

Giống như phái của Montanus, lạc giáo Novatian rửa tội lại cho những người Công giáo nào theo họ, và hoàn toàn phủ nhận mọi cuộc tái hôn.

Vào thời Công đồng Nicaea nhóm họp, Acesius, một giám mục theo phái Novatian tại Constantinople, rất được kính trọng. Tuy là ly giáo, Acesius vẫn được mời tham dự công đồng.

Sau khi được hoàng đế hỏi cho biết ông có chịu ký vào bảng tuyên tín hay không, ông khẳng định là có, và giải thích việc ông ly giáo là vì cho rằng Giáo hội không còn giữ những lỷ luật cũ, cấm những người đã phạm tội trọng không được rước lễ nữa.

Theo phái Novatian, kẻ đã phạm tội trọng được thúc giục ăn năn thống hối, nhưng Giáo hội không có năng quyền bảo đảm người đó được tha tội, mà chỉ trao phó người đó cho Thiên Chúa phán xét.

Đến lúc đó, hoàng đế Constantinô mới nói câu thời danh: “Acesius, ông đi lấy cái thang, rồi leo lên trời một mình đi !



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.