Chín ngày làm việc tất bật đang tiếp diễn

 

Bài của ***

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350718?eng=y

 

Hội đồng gồm tám vị hồng y, mật nghị hội, thượng hội đồng. Bàn cãi về việc rước lễ của người ly dị và tái hôn. Chuyện cải cách viện IOR. Và nhiều nữa. Tất cả dưới mắt đức giáo hoàng.

 

VATICAN CITY , ngày 17 tháng Hai năm 2014 - Hậu bán tháng Hai được đánh dấu bằng một loạt các cuộc bổ nhiệm gây sửng sốt trong hàng giáo phẩm tại Roma của đức giáo hoàng Phanxicô.

Để bắt đầu, từ thứ Hai ngày 17 đến thứ Tư ngày 19, có cuộc họp của hội đồng tám vị hồng y được đức Jorge Martio Bergoglio bổ nhiệm mười tháng trước để giúp ngài cai quản giáo hội toàn cầu và canh tân giáo triều.

Đây là cuộc họp thứ ba của tám vị hồng y, được Oscar Andrés Rodriguéz Maradiaga, dòng Salêdiêng, người Honduras, điều phối. Các ngài lo việc canh tân giáo triều. Tuy nhiên, việc này xem chừng không sắp xảy ra, và đang đi đến một khúc quanh dứt khoát, khi một ủy ban cuối cùng được lập nên để phác thảo một tông huấn, ghi xuống trên giấy trắng mực đen định dạng mới của ban điều hành trung ương trong Giáo Hội.

Có tin bị lộ ra nói rằng đang có một quan tâm lập ra một bộ mới dành cho giáo dân, giản lược số các hội đồng giáo hoàng, và thiết lập một hình ảnh về “moderator curiae - người điều phối giáo triều.”

Trong khi đó, có tuyên bố chính thức là một ủy ban mới sẽ được thiết lập vì vấn đề gai góc là các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tin tức này được thông báo vào cuối kỳ họp vừa rồi, vào khoảng đầu tháng Mười Hai của tám vị hồng y. Nhưng cơ quan mới này vẫn chưa thành hình.

Tám vị hồng y cũng sẽ gặp gỡ hai ủy ban được đức giáo hoàng Phanxicô thiết lập để lo về vấn đề tài chánh: ủy ban IOR, đứng đầu là hồng y Raffaele Farina, và ủy ban kia lo về các cơ quan kinh tế và tài chính còn lại của Toà Thánh, đứng đầu là nhà kinh tế học Joseph Zahra, người đảo Malta. Nhưng hiện nay ủy ban này lại tự mình trở thành đề tài tin tức nổi bật nhất qua tư cách quá đáng của một trong các thành viên, người đại diện liên lạc quần chúng, cô Francesca Immacolata Chaouqui.

Từ những vấn đề này, nảy sinh giả thiết lập nên một “thừa tác vụ tài chính” tại Vatican. Trong khi người ta chưa rõ hai ủy ban báo cáo nói trên có hiện hữu được lâu không, hoặc vai trò tạm thời của chúng, mới đây được quốc vụ khanh Pietro Parolin nhắc lại, đã đến lúc kết thúc.

 

*

 

Vào thứ Năm ngày 20 và thứ Sáu ngày 21 tháng Hai, tất cả các hồng y họp tại Vatican, kể cả những vị sẽ được nhận mủ đỏ vào thứ Bẩy ngày 22.

Đây là một cuộc mật nghị hội, theo lệnh của đức giáo hoàng Phanxicô, sẽ bàn về công tác mục vụ chăm sóc gia đình.

Công tác duy nhất ấn định trong nghị trình được trao cho hồng y Walter Kasper, người Đức. Sau đó sẽ có nhiều thời gian rảnh để tự do bàn luận. Cuộc bàn cãi được dự đoán sẽ rất sôi nổi, nhất là về việc tham dự bí tích Thánh Thể cho người ly dị và tái hôn, và có khả thể Giáo hội Công giáo sẽ chấp nhận quy định giáo luật của Giáo hội Đông phương cho phép cuộc hôn nhân thứ hai, và thậm chí, thứ ba.

Việc chọn Kasper làm diễn giả đã gây nên đôi chút bực bội nơi những vị cho rằng giữ nguyên luật lệ hiện hành của Giáo hội Công giáo là điều cần thiết xét về mặt giáo lý. Khi còn là giám mục Rottenburg-Stuttgart, và mới đây trong cuộc phỏng vấn với tờ “Die Zeit-Thời Báo”, nhà thần học, và hồng y người Đức này đã nói ngài sẵn sàng chấp nhận cho người ly dị rồi tái hôn được lên rước lễ.

 

*

Vào thứ Bẩy ngày 22, ngày lễ kính ngai toà Phêrô, đức giáo hoàng Phanxicô sẽ tấn phong các tân hồng y của triều giáo hoàng mình, và hôm sau, Chúa Nhật ngày 23, sẽ cử hành thánh lễ đại trào với các vị ấy tại Đền thánh Phêrô.

Quyết định của đức giáo hoàng dành hầu hết mũ đỏ cho các chủ chăn trong các Giáo phận thuộc Nam bán cầu quả thực là điều trước giờ chưa có, và chuyện này nhắc lại, như một dấu hiệu báo những thay đổi quan trọng, những gì đức Piô XII đã thực hiện, qua hai cuộc mật nghị, ngài đã thúc đẩy việc quốc tế hoá hồng y đoàn, tưởng thưởng các giám mục coi sóc giáo phận hơn là các thành viên trong giáo triều, chấm dứt hoàn toàn vị thế thống lãnh lâu hàng nhiều năm của người Ý trong nội các của giáo hoàng.

Phần nước Ý, đây là lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, có một hồng y từ một giáo phận – giáo phận Perugia, của tổng giám mục Gualtiero Bassetti – mà không phải là các giáo phận Turin, Milan, Venice, Genoa, Bologna, Florence, Naples, hay Palermo. Lần cuối có việc chọn hồng y không thuộc tám giáo phận này là Alessio Ascalesi, tổng giám mục Benevento, được đức Biển Đức XV phong tước hồng y năm 1916.

Mà cũng không có mũ đỏ dành cho cư dân của giáo phận đã cống hiến cho Giáo hội không ít hơn ba vị giáo hoàng trong thế kỷ 20, đó là tổng giáo phận thượng phụ Venice. Tuy nhiên, không ai lên tiếng công khai phàn nàn việc này, trong khi mới cách đây mấy năm, sau khi vị tổng giám mục của giáo phận không kém phần danh giá là giáo phận Florence, đã không được phong hồng y, sử gia Alberto Melloni đã phàn nàn rằng Giáo hội không nhìn nhận “vai vế xứng đáng thuộc về giáo phận ấy.”

 

*

 

Cuối cùng vào thứ Hai ngày 24 và thứ Ba ngày 25 tháng Hai, có cuộc họp của hội đồng các tổng thư ký thượng hội đồng giám mục, được tân hồng y Lorenzo Baldisseri điều phối.

Cuộc họp này bắt đầu lượng giá các câu trả lời cho bản câu hỏi liên quan đến thượng hội đồng bất thường nhóm họp vào tháng Mười, bàn về công tác chăm sóc mục vụ gia đình.

Các hội đồng giám mục Ý, Áo và Thụy sĩ đã phổ biến khắp thế giới, qua các thông cáo báo chí tỉ mỉ các câu trả lời đã gửi về cho các ngài, nghiêng hẳn rất rõ về phía cấp tiến.

Nhưng việc phổ biến này đã bị Baldisseri phê phán là một “sáng kiến đơn phương” và “không đúng đắn.” Ngài đã lập lại điều đó trong một cuộc phỏng vấn bàn về việc công bố các tài liệu này hoàn toàn là không được phép, và lẽ ra đã phải niêm phong và gửi như một bí mật về Vatican.

Không chỉ có thế, vị tân hồng y – trong cùng buổi phỏng vấn đó được công bố trên tờ "Quotidiano Nazionale" hôm 11 tháng Hai – cũng đã định nghĩa “như một cách cắt nghĩa khả hữu” cho rằng việc công bố các dữ liệu ấy là một hình thức gây áp lực trên công việc của thượng hội đồng.

 

*

 

Vậy, hội đồng hồng y, mật nghị hội, thượng hội đồng, đó là những biến cố tiêu biểu trong chín ngày sắp tới của các giáo chức tại Roma.

Nhưng dường như chừng ấy việc chưa đủ, trong khoảng thời gian ấy còn có các biến cố khác không kém phần thú vị.

Vào tối thứ Ba, ngày 18 tháng Hai, toà đại sứ Ý tại Toà Thánh có tổ chức buổi tiếp tân quen thuộc để kỷ niệm Hiệp Ước Latêran lịch sử, đánh dấu việc giải hoà giữa quốc gia Ý và Giáo hội Công giáo sau khi vương quốc Savoy chinh phục thành Roma của đức giáo hoàng. Nhân dịp này, theo thông lệ, có cuộc họp thượng đỉnh giữa quốc vụ khanh toà thánh Vatican và hội đồng giám mục Ý một bên, và bên kia là các đại diện cao cấp nhất của các ban bệ và của chính quyền Ý.

Năm nay, biến cố này có một ý nghĩa thật đặc biệt, vì là lần đầu tiên người ta thấy có sự tham dự của Pietro Parolin, vị tân quốc vụ khanh, và Nunzio Galantino, vị tân tổng thư ký lâm thời của CEI (hội đồng giám mục Ý).

Vào ngày 24 và 25 cũng có ấn định cuộc họp của hội đồng các hồng y để nghiên cứu các vấn đề trong cách tổ chức và kinh tế của Toà Thánh. Đây là một hội đồng gồm chừng 15 hồng y thuộc năm châu. Các ngài sẽ được trình bày cho biết các ngân sách dự phóng và các bản chi thu của các tổ chức khác nhau tại Vatican.

Đấy là chưa tính đến trong lịch trình vài ngày nữa, sẽ có cuộc họp toàn thể của một tân uỷ ban giáo hoàng mới thành lập về Châu Mỹ Latinh, buổi họp đầu tiên có giáo hoàng tham dự trong lịch sử vùng địa dư này của thế giới.

Tắt một lời, chín ngày dày đặc những họp hành và biến cố. Tất cả đều dưới cái nhìn chăm chút của đức giáo hoàng Phanxicô. Kết quả có được là gì thì còn phải chờ xem.

 

__________

 

 

Ghi chú:



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.