Màn Lọc Lừa của Ma Quỷ, Thuận và Chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350720?eng=y

 

Một bản báo cáo Liên Hiệp Quốc nhục mạ Giáo hội trong khi lại tán dương đức đương kim giáo chủ. Ngài chẳng có phản ứng gì, mà còn giữ im lặng sau khi nước Bỉ hợp thức hóa việc an tử cho trẻ em. Những rủi ro trong chiến thuật giữ im lặng của đức Bergoglio.

 

ROME, ngày 21 tháng Hai năm 2014 – Gần một năm sau ngày được bầu làm giáo hoàng, lòng yêu mến công chúng dành cho đức Phanxicô tiếp tục tiến triển trong khải hoàn. Nhưng chính Ngài là người đầu tiên không muốn tin tưởng phó thác vào những tán dương đến với mình từ những ngóc ngách xa xôi và bất ngờ nhất .

Chẳng hạn, tạp chí “Rolling Stone” dành cho Ngài trang bìa. Đây là một cuộc phong vương chính thức trong đền thờ văn hoá quần chúng.

Hay là lời khen ngợi mà bản báo cáo của ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền lợi của trẻ em đã dành cho câu nói nổi tiếng: “Tôi là ai mà dám xét đoán?” đức giáo hoàng Phanxicô đã nói, ngài, người duy nhất trong một Giáo hội Công giáo, được chính bản báo cáo ấy chừa ra, không dùng lời tệ nhất trong mọi lời tệ hại để chống lại.

Trong bài giảng đầu tiên với tư cách giáo hoàng, đức Jorge Mario Bergoglio thường xuyên nhắc đến ma quỷ. Mà cả cách nói như thế cũng được trân qúy, được trìu mến.

Nhưng có một buổi sáng, hôm 19 tháng Mười Một, thay vì nhắm đến ma quỷ, Ngài nhắm tới “một hình thức suy nghĩ là kết qủa của tính chất trần tục,” muốn đưa mọi thứ vào “tính cách rập khuôn bá quyền.” Một hình thức suy nghĩ đơn thuần, ngài tiếp tục, đã thống trị thế giới, thậm chí đã hợp thức hóa “án tử hình,” và cả “những cuộc tế người” trọn vẹn có “lề luật bảo vệ.” Và Ngài trích dẫn một trong những cuốn tiểu thuyết ngài ưa thích, cuốn truyện mang tính khải huyền “Lord of the World - Chủ tể Thế gian.” của Robert H. Benson.

Vào đầu tháng Hai này, khi ngài lần giở 16 trang báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đã hống hách bắt Giáo hội Công giáo phải “sửa chữa” giáo lý của mình về phá thai, về gia đình, về giới tính, hẳn đức Phanxicô càng xác tín rằng các biến cố đã chứng minh rằng ngài đúng, rằng thủ lãnh thế gian này đang ra tay, và khi tăng thêm lời ca tụng về điều được kháo cho là “sự cởi mở,” hắn muốn liên kết ngài, đức giáo hoàng, lại với công trình làm cho Giáo hội thích nghi theo trào lưu tư tưởng đang thống lãnh, hầu triệt tiêu Giáo hội.

Nhưng không dễ gì mà bắt được tư tưởng của đức giáo hoàng Bergoglio. Lời ngài nói ra như những miểng sành trong bức tranh mosaic có bố cục không hiện rõ ngay lập tức. Ngài cũng đưa ra những nhận xét tinh tế và gây nhức nhối, nhưng không hề gây ra xung khắc bất cứ lúc nào.

Giá mà Ngài giảng bài giảng dữ dội ấy, chống lại cái hình thức suy nghĩ đơn thuần đang nhằm giữ vai trò bá chủ thế giới, ngay hôm sau ngày công bố bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nhằm minh nhiên phản bác lại bản báo cáo ấy, hẳn sự việc đã trở thành “tin nóng” trong luồng thông tin toàn cầu. Nhưng sự thể không phải vậy. Được trình bày trong một ngày thường, bài giảng ấy không tạo nổi một chút phiền hà nào. Nó bị quên lãng.

Tuy vậy, chính ở đó mới là nơi tìm kiếm tư tưởng ẩn dấu của vị giáo hoàng Dòng Tên, tìm kiếm phán xét của ngài về thời hiện tại của thế giới.

Ai cũng biết quan điểm của Giáo hội, mà tôi là một người con của Giáo hội,” đứcPhanxicô lập đi lập lại câu ấy. Tư tưởng của ngài y hệt như những gì được ghi trong sách Giáo lý. Và thỉnh thoảng ngài hăng tiết nhắc lại điều ấy cho những ai mong mỏi ngài thay đổi giáo lý, như trong đoạn ít được trích dẫn nhất của tông huấn “Evangelii Gaudium,” nơi ngài có những lời lẽ gay gắt nhất chống lại “quyền” phá thai.

Nhưng ngài lại chẳng bao giờ lớn tiếng công bố giáo lý của Giáo hội vào lúc cuộc tranh luận về một vấn đề trở nên nóng bỏng nhất.

Bây giờ ngài lại giữ im lặng khi việc an tử dành cho trẻ em đã được luật lệ cho phép tại Bỉ. Ngài tự tách mình ra khỏi hàng triệu tín hữu thuộc mọi tín ngưỡng tại Pháp và tại nhiều quốc gia khác đang chống lại sự phân rã của khái niệm gia đình tạo nên do cha, mẹ và con cái. Ngài lại giữ im lặng sau lời lăng mạ trước giờ chưa hề gặp của bản báo cáo Liên Hiệp Quốc.

Với thái độ ấy, ngài định mài cùn các vũ khí của kẻ thù. Nhằm đánh bại kẻ thù nhờ lòng hâm mộ to lớn của công chúng dành cho ngài như vị mục tử của lòng thương xót Chúa.

Còn có cuộc tấn công chống Giáo hội theo kiểu Jacobin (*), không chỉ có tại Pháp, đơn giản nhằm loại trừ Giáo hội ra khỏi đời sống dân sự.

Nhưng còn có một cuộc tấn công tinh tế hơn, dấu mình khuất sau một loại thoả hiệp với một Giáo Hội được sửa chữa, được canh tân, hợp thời, đi đúng nhịp với thời đại. Còn có điều này nơi tình trạng đức Phanxicô được công chúng mến mộ, một giáo hoàng “trước giờ chưa từng có,” một giáo hoàng cuối cùng là “một người của chúng ta,” một giáo hoàng được dập khuôn qua một tiến trình sao-chép-rồi-dán của những phát biểu cởi mở, được sửa lại cho hợp thời.

Trò xảo quyệt theo kiểu thế gian này không thể nào dùng để chống lại được vị tiền nhiệm của ngài, đức Biển Đức XVI. Ngài, một người hiền lành, thích tranh đấu trên một chiến trường trống trải, với sự can đảm nói có điều có nghĩa là có, và nói không điều có nghĩa không, “lúc thuận tiện và cả lúc không thuận tiện,”(**) như tại Regensburg, khi ngài nói rõ cho biết về cái căn nguyên thần học giữa đức tin và bạo lực trong Hồi Giáo, và lần nữa, về những vấn đề bất khả thương lượng. Chính đó là lý do tại sao thế giới lại hung dữ với ngài đến như thế.

Với đức Phanxicô lại khác. Một thế trận mới. Nhưng dù ngài chưa hề biết diễn tiến sẽ ngã ngũ ra sao, bây giờ ngài đã cứng cựa hơn.

 

 

_________

 

Bài xã luận này đã công bố trên tờ “L’Espresso” số 8 năm 2014, phát hành trên kệ báo ngày 21 tháng Hai. nơi trang Ý Kiến Toà Soạn, mang tên “Settimo cielo” của Sandro Magister .

Đây là mục lục các bài xã luận cũ :

> "L'Espresso" in seventh heaven
 

Bài xã luận này được in sáng sớm thứ Năm, ngày 20 tháng Hai.

Không lâu sau đó trong cùng ngày, đức Phanxicô đã khai mạc mật nghị hội, qua một vài lời ngỏ với các hồng y, mà cha Lombardi gọi là “đã suy nghĩ chín chắn” về vấn đề gia đình. Ngài nói :

Trong những ngày qua, chúng tôi đã suy nghĩ cách đặc biệt về gia đình, là tế bào nền tảng của xã hội. Từ khởi thuỷ, Đấng Tạo Hoá đã chúc phúc cho người nam và người nữ để họ sinh sôi nảy nở, và như vậy gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế gian.

Suy tư của chúng ta phải chăm chú vào nét đẹp của gia đình và hôn nhân, nét cao quý nhất của thực tại nhân loại, rất giản đơn mà cũng rất phong phú, gồm cả niềm vui, hy vọng, chiến đấu và đau khổ, y hệt như toàn thể cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm đào sâu thần học về gia đình và phân định các thực hành mục vụ hiện trạng của chúng ta đòi hỏi. Cầu chúc cho chúng ta làm được việc đó cách chín chắn thận trọng, không rơi vào việc “giải các nố lương tâm,” vì việc này chắc chắn sẽ giảm thiểu phẩm chất công trình chúng ta. Ngày nay gia đình bị xem thường và bị ngược đãi. Chúng ta được kêu gọi để nhận ra rằng việc bắt đầu một gia đình, việc ở trong một gia đình với nhau thời đẹp đẽ, đúng đắn và tốt đẹp biết mấy, và gia đình cần thiết biết bao mà nói cho sức sống thế giới và cho tương lai nhân loại. Chúng ta được kêu gọi để trình bày chương trình tuyệt vời của Thiên Chúa về gia đình, và giúp cho các người phối ngẫu vui hưởng được chương trình này trong đời sống của họ, khi chúng ta cùng họ đồng hành giữa biết bao khó khăn, qua việc chăm sóc mục vụ tốt đẹp, can đảm và đầy yêu thương.”

 

__________

 

Bài giảng ngày 19 tháng Mười Một năm 2013 của đức giáo hoàng Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta, được tóm kết trên tờ "L'Osservatore Romano":

> La fedeltà a Dio non si negozia
 

__________

 

Bản báo cáo công bố cuối tháng Giêng năm 2014 của ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền lợi trẻ em, sau khi bày tỏ sự trân quý dành cho “những phát biểu tiến bộ của đức giáo hoàng Phanxicô vào tháng Bẩy năm 2013”, đã yêu cầu Giáo hội Công giáo “sửa chữa” giáo lý của mình về phá thai, về gia đình, về phái tính:

> Concluding Observations on the Second Periodic Report of the Holy See

Đứng đầu ủy ban này là Kirsten Sandberg, người NaUy. Bốn phó chủ tịch đến từ Saudi Arabia, Bahrein, Ethiopia, và Sri Lanka, là nhưng nước không nổi bật về việc tôn trọng nhân quyền.

Khi đưa ra những nhận định về việc lạm dụng tình dục các thiếu nhi nam nữ, Liên Hiệp Quốc nằm trong những tổ chức có nhiều tai tiếng nhất, vì những chuỗi các vụ hãm hiếp liên tục không ngừng và không hề bị phạt, do “lính đội mũ xanh” (***) thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Các chi tiết khác từ bản báo cáo :

> Anteprima del Sinodo. Il contributo dell'ONU sulla famiglia

 

__________

 

Bài phân tích của James D. Conley, giám mục Lincoln, Nebraska, về lý do tại sao văn hoá quần chúng lại xem đức giáo hoàng Phanxicô là anh hùng của họ:

> Our Pop Culture Moment

Bản phân tích của Conley xuất hiện hôm mồng 3 tháng Hai năm 2014 trên tờ “First Things,” một tạp chí Công giáo “bảo thủ mở rộng ra thế giới,” một cách miêu tả cũng được áp dụng cho lực chủ đạo trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ.

Giám mục Conley - cựu phụ tá tại Denver của vị tổng giám mục hiện thời tại Philadelphia, Charles Chaput – là một thành viên tích cực trong nhóm này.

Ngoài nhiều điều khác, ngài viết như sau:

Những tay phóng đãng trong tính dục và trong xã hội chẳng hề bận tâm mấy đến chuyện làm mất uy tín của Kytô giáo. Họ bận tâm nhiều hơn đến việc tạo dáng mới cho Kytô giáo - bằng cách cho rằng đức Kytô, và vị đại diện của Ngài, là những người ủng hộ họ. Lịch trình công tác xã hội thế tục dễ gây được cảm tình nơi giới trẻ, nếu như nó bổ túc, hơn là cạnh tranh, với những gì còn sót lại của Kytô giáo trong gia đình giới trẻ. Kẻ thù chẳng bận tâm đến chuyện loại bỏ tận gốc rễ Kytô giáo, nếu như họ có thể thăng hoa Kytô giáo theo ý định của mình. Mưu mẹo lớn nhất của ma quỷ không phải là thuyết phục thế giới tin được rằng nó không hiện hữu – mà nó thuyết phục được thế giới tin rằng đức Giêsu Kytô là người vô địch làm việc cho đại cuộc của nó.”

Ngài viết tiếp:

Đôi khi người ta hỏi tôi đức giáo hoàng Phanxicô có biết mình bị giới truyền thông hiểu lầm hay không. Tôi ngờ rằng ngài sắc bén cảnh giác được những chọn lựa đã thực hiện và những rủi ro chúng gây ra.”

 

__________

 

 

Ghi chú của người dịch 

(*) Cách mạng cực tả

(**) 2 Tim 4:2 “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” Bản dịch CGKPV.

(***) “Blue helmet”: “Lính đội mũ xanh dương” Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc.



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.