Kasper thay đổi lề lối suy nghĩ,
đức Bergoglio tán đồng

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350729?eng=y

 

Bản văn không-còn-là-bí-mật của bài nói chuyện gây chấn động khai mạc mật nghị hội bàn về gia đình. Với dấu chỉ cho thấy hai con đường cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ. Theo mẫu gương của Giáo Hội sơ khai.

 

ROME, ngày 1 tháng Ba năm 2014 – Bài nói chuyện khai mạc của hồng y Kasper trong mật nghị hội tuần vừa qua không còn là bí mật khoá kín. Bản văn đã được công bố, qua một nước cờ xuất sắc của báo chí, trong tờ báo Ý “Il Foglio” do Giuliano Ferrara điều hành. Đến nay, bản văn bài nói chuyện đã được nhà xuất bản Queriniana mua trước bản quyền để in thành sách.

Nhưng việc bài nói chuyện ấy phải được giữ kín đã trở thành vô nghĩa lý sau những lời đức giáo hoàng Phanxicô ca tụng nó hôm 21 tháng Hai, lúc kết thúc hai ngày mật nghị bàn về vấn đề gia đình.

Hôm qua, trước khi đi ngủ - mặc dù không phải tôi làm thế để dỗ giấc ngủ - tôi đã đọc hay đúng hơn tôi đã đọc lại công trình của hồng y Kasper, và tôi muốn cám ơn ngài, vì tôi đã gặp được một nền thần học sâu xa, thậm chí một lối suy nghĩ nghiêm túc trong thần học. Đọc một thần học nghiêm túc thật là thích thú. Và tôi cũng thấy thánh Inhatio đã nói cho chúng ta về cái “sensus Ecclesiae - cảm thức Giáo hội,” tình yêu dành cho Mẹ Giáo Hội. Tôi rất sảng khoái, và một ý tưởng chợt đến với tôi – xin lỗi ngài, nếu điều này làm ngài ngại ngùng – nhưng cái ý tưởng đó là đấy mới gọi là ‘quỳ gối xuống mà làm thần học’. Cám ơn ngài, cám ơn.”

Trong bài nói chuyện, Kasper nói rằng ngài muốn “chỉ đặt vấn đề mà thôi” bởi vì “phần trả lời là công việc của thượng hội đồng có sự thuận tình của đức giáo hoàng.” Nhưng khi đọc những gì ngài đã ngỏ lời với các hồng y, điều ngài nói còn hơn là một câu hỏi. Đó là những đề nghị được xây dựng vững chắc cho một giải pháp. Giải pháp mà đức giáo hoàng Phanxicô đã chứng tỏ ngài có ý tán thành.

Và chúng là những đề nghị đầy sức thuyết phục, một thay đổi trong “lề lối suy nghĩ” thực sự. Đặc biệt trong điều chính Kasper coi là vấn đề của các vấn đề, việc chịu lễ của người ly dị và tái hôn. Ngài đã dành hơn phân nữa bài nói chuyện lâu hai tiếng của ngài để bàn đến vấn đề ấy.

Như trang www.chiesa đã từng bàn trước trong hai bài, tiêu chuẩn trong các đề nghị của Kasper chính là Giáo hội trong các thế kỷ đầu. Lúc đó Giáo hội cũng đã phải “đối mặt với các quan điểm, các khuôn mẫu hôn nhân và gia đình rất khác với khuôn mẫu hôn nhân được Chúa Giêsu rao giảng.

Đối diện với thách thức thời nay, Kasper cho rằng: “lập trường của chúng ta ngày nay không thể nào là một áp dụng phóng túng của ‘hiện trạng’, nhưng là một lập trường đi về tận căn nguyên, tận nguồn gốc Phúc Âm.

Để xác minh điều đó đúng hay không – đối với nhiều hồng y tham dự vào cuộc tranh luận - điều đó không đúng – sau đây là những đoạn chính yếu.

 

_________

 

VẤN ĐỄ NGƯỜI LY DỊ VÀ TÁI HÔN

Bài của Walter Kasper

 

[…] Chỉ xem xét vấn đề từ quan điểm và từ viễn cảnh Giáo hội như một cơ chế mang tính bí tích, thì không đủ. Chúng ta cần thay đổi cả một lề lối suy nghĩ, và chúng ta cũng phải – như người Samaritanô tốt lành đã từng làm – xem xét hoàn cảnh từ viễn ảnh của những người đang đau khổ và cần giúp đỡ.

Mọi người đều biết vấn đề hôn nhân của người ly dị và tái hôn là một vấn đề phức tạp và gai góc. […] Giáo hội có thể làm gì trong hoàn cảnh này ? Giáo hội không thể đưa ra một giải pháp khác với hay ngược với Lời Chúa Giêsu. Tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân và bất khả tái hôn trong lúc người phối ngẫu kia đang sống, là một phần của truyền thống do tính ràng buộc của đức tin Giáo hội. Tính ràng buộc do đức tin này là điều không thể huỷ bỏ hay tháo gỡ bằng cách nại đến một kiến thức hời hợt về lòng thương xót rẻ tiền. […] Vậy vấn đề là Giáo hội có thể phản ảnh thế nào về sự trung thành trong kết đôi bất khả phân và lòng Chúa thương xót, qua các hoạt động mục vụ liên quan đến người đã ly dị nhưng lại tái hôn trong một hôn nhân dân sự. […]

Ngày nay chúng ta rơi vào hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh Công đồng vừa qua. Lúc đó cũng có, ví dụ , về vấn đề đại kết hay tự do tín ngưỡng, các thông điệp và các quyết định của Toà Thánh xem ra ngăn chặn mọi đường lối khác. Không vi phạm vào truyền thống tín lý mang tính ràng buộc, Công đồng mở rộng các cửa. Chúng ta có thể tự hỏi: Biết đâu có thể cũng có những khai triển sâu xa hơn về vấn đề hiện tại không chừng? […]

Tôi sẽ tự hạn chế vào hai tình huống, mà các giải pháp đã được nhắc đến trong một vài văn kiện chính thức. Tôi chỉ muốn đặt vấn đề, tự giới hạn mình trong việc chỉ ra đường hướng các giải pháp khả dĩ. Tuy nhiên, việc đưa ra giải pháp là công tác của thượng hội đồng có sự thuận tình của đức giáo hoàng.

 

TÌNH HUỐNG THỨ NHẤT

Tông huấn “Familiaris Consortio” khẳng định rằng một vài người ly dị và tái hôn chủ quan xác tín theo lương tâm mình rằng cuộc hôn nhân đầu tiên bị đổ bể của mình chẳng bao giờ thành sự. […] Theo giáo luật, việc lượng định là công việc của các toà án giáo hội. Vì đây không thuộc “jure divino - thần luật,” nhưng đã phát triển theo dòng lịch sử, đôi khi chúng ta tự hỏi giải quyết bằng luật lệ có phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hay cũng có thể còn có các thể thức giải quyết mang nhiều tính mục vụ và thiêng liêng hơn.

Như một lựa chọn thay thế, người ta có thể nghĩ rằng giám mục có thể tin tưởng trao công tác ấy cho một linh mục có kinh nghiệm mục vụ và thiêng liêng làm đại diện xá giải hay đại diện giám mục.

Ngoài câu trả lời cho vấn đề này, cũng đáng nhắc lại ở đây bài diễn văn hôm 24 tháng Giêng năm 2014, đức giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với các chức sắc trong Toà Thượng Thẩm Roma. Trong bài diễn văn này, ngài khẳng định rằng chiều kích pháp lý và chiều kích mục vụ không đối nghịch nhau. […] Việc chăm sóc mục vụ và lòng nhân từ thương xót không đối nghịch với công lý, nhưng có thể nói được rằng chúng là công lý tối hậu, bởi vì đàng sau những vụ chống án, chúng phân định không chỉ một vụ án được xét xử qua lăng kính các luật lệ chung chung, nhưng còn là một con người, và xét như thế, con người ấy không bao giờ là một án lệ, nhưng luôn luôn có một nhân cách có một không hai. […] Vậy có thể nào điều tốt điều xấu nơi một cá nhân lại có thể được quyết định trong lần thẩm cung thứ hai hay thứ ba mà thôi, hoàn toàn dựa trên căn bản tiến trình xét xử, nghĩa là trên giấy trên tờ, mà không hề biết đến con người hay hoàn cảnh của họ?

 

TÌNH HUỐNG THỨ HAI

Có lẽ là sai lầm nếu chỉ tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trong việc quảng đại nới rộng thủ tục phán định tính bất thành sự của hôn nhân. Việc này tạo ra một cảm tưởng nguy hiểm cho rằng Giáo hội đang chuẩn nhận một cách không lương thiện điều thực sự là một cuộc ly dị. […] Vì thế chúng ta cũng phải suy xét đến vấn đề khó khăn hơn của tình trạng hôn nhân được chuẩn nhận và hoàn hợp giữa hai người đã được rửa tội, rồi sự hiệp thông của đời sống hôn nhân bị phá vỡ không thể hàn gắn, và một trong hai người phối ngẫu lại kết hôn lần thứ hai trong một hôn nhân dân sự.

Vào năm 1994, bộ giáo lý đức tin đã cho chúng ta một thông tri, ấn định – và đức giáo hoàng Biển Đức XVI lập lại điều này trong đại hội thế giới về gia đình tại Milan năm 2012 - rằng người ly dị và tái hôn không được chịu lễ trong Thánh lễ nhưng có thể rước lễ thiêng liêng. […]

Nhiều người rất biết ơn vì câu trả lời này. Đây quả là một ví dụ về cởi mở thực sự. Nhưng nó cũng đưa đến một số vấn đề. Quả vậy, người rước lễ thiêng liêng đã nên một với Chúa Giêsu Kytô. […] Vậy, tại sao, người ấy lại không thể rước lễ trong bí tích? […] Vài người cho rằng việc không tham dự vào việc hiệp lễ tự nó là một dấu hiệu nói lên tính cách thánh thiêng của bí tích. Vậy câu hỏi đặt ra cho câu trả lời là: Phải chăng đây là một sự bóc lột người đang chịu đau khổ và đang kêu gọi giúp đỡ, nếu chúng ta khiến họ trở thành một dấu hiệu và một cảnh cáo cho người khác? Chẳng chúng ta sẽ để cho họ chết vì đói khát bí tích hầu cho những người khác được sống?

Giáo hội thời sơ khai đã cho chúng ta một chỉ dẫn có thể dùng làm phương thế thoát hiểm ra khỏi nan đề, mà giáo sư Joseph Ratzinger đã nhắc đến vào năm 1972. [...] Trong các Giáo hội địa phương, có một nố luật theo tục lệ dựa vào đó các Kytô hữu nào, mặc dù người bạn đời đầu tiên đang còn sống, lại sống trong một liên hệ thứ hai, sau một thời gian thống hối […] có được một tấm ván cứu độ, không phải nhờ cuộc hôn nhân thứ hai, nhưng là nhờ tham dự vào việc hiệp lễ.[…]

Câu hỏi đặt ra là: Đường lối này, vượt quá cả tinh thần khắc khe lẫn phóng túng, đường lối hoán cải, được đưa ra giúp cho bí tích của lòng thương xót, bí tích cáo giải, đây có phải là con đường chúng ta có thể theo trong vấn nạn hiện thời?

Một người ly dị và tái hôn: 1. nếu thống hối về sa ngã của mình trong cuộc hôn nhân thứ nhất, 2. nếu đã được thong dong khỏi các ràng buộc của cuộc hôn nhân thứ nhất, nếu khả năng người đó có thể tại hợp lại hoàn toàn bị loại bỏ, 3. nếu người đó không thể bỏ cuộc hôn nhân dân sự mới mà không gây thêm nhiều thiệt hại cho các trách nhiệm mình đảm nhận trong cuộc hôn nhân ấy, 4. Tuy nhiên nếu người ấy đã làm hết sức để sống hết bổn phận của cuộc hôn nhân thứ hai trên căn bản đức tin và nuôi dạy con cái trong đức tin, 5. nếu người ấy ao ước lãnh nhận các bí tích như nguồn sức mạnh cho tình trạng của mình, chẳng lẽ chúng ta hoặc chúng ta lại có thể nào từ chối không cho người ấy, sau một thời gian ở trong đường hướng mới, trong cuộc “metanoia- sám hối đổi đời”, được nhận bí tích cáo giải và rồi được hiệp lễ?

Đường lối khả dĩ này hẳn không phải là một giải pháp chung. Đây không phải là con đường rộng rãi cho cho đám đông, nhưng đúng hơn đây là con đường hẹp dành cho có lẽ một phần nhỏ những người ly dị và tái hôn, những người thật lòng muốn nhận lãnh các bí tích. Như thế đấy chẳng là tránh được điều tệ hại nhất đó sao? Quả vậy, khi con cái của những người ly dị và tái hôn không thấy cha mẹ chúng tiếp cận các bí tích, chúng cũng sẽ thất bại không tìm kiếm đến với việc xưng tội rước lễ. Chẳng lẽ chúng ta lại không tính đến sự kiện chúng ta sẽ mất đi thế hệ kế tiếp và có lẽ thế hệ tiếp sau đó nữa? Tập tục lâu ngày thành nếp của chúng ta lại không đang tự mình tỏ ra phản tác dụng đó sao? […]

 

TẬP TỤC TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI

Theo Tân Ước, ngoại tình và gian dâm là những cách ăn ở tự căn bản trái nghịch với phẩm cách người Kytô hữu. Như thế trong Giáo hội thời xưa, cùng với tội bội giáo và sát nhân, trong số các tội trọng khiến một người bị loại ra khỏi Giáo hội có tội ngoại tình. […] Có dồi dào các tác phẩm văn chương bàn về các vấn đề chú giải và lịch sử liên hệ, và dồi dào các lối cắt nghĩa khác nhau, trong đó hầu như không có thể định hướng được vị thế. Một mặt, người ta có thể nêu lên làm ví dụ G. Cereti, trong cuốn "Divorzio, nuove nozze e penitenza nella Chiesa primitiva," Bologna 1977, 2013, và mặt khác H. Crouzel, với cuốn "L’Eglise primitive face au divorce," Paris 1971, và J. Ratzinger […] năm 1972, in lại trong tờ "L'Osservatore Romano" số ngày 30 tháng Mười Một năm 2011.

Tuy nhiên không hề có chút ngờ vực nào về sự kiện là trong Giáo hội sơ khai, tại nhiều Giáo Hội địa phương, qua các luật lệ do tập tục, sau một thời gian thống hối, đã có một tập tục mục vụ tha thứ, khoan dung và đại xá.

Điều khoản 8 của Công Đồng Nicaea (325) phải được hiểu dựa trên nền của tập tục này chống lại khuynh hướng khe khắc của phái Novatian. Luật lệ do tập tục này đã được Origen minh nhiên bàn luận. Ông kiên định cho rằng luật này không phải là vô nghiã lý. Thánh Basiliô Cả, Thánh Grêgory thành Nazianzus và một vài vị khác cũng nhắc đến nó. Các ngài cắt nghĩa “không phải là vô nghĩa lý” với chủ đích mục vụ là “tránh điều tệ hại nhất.” Trong Giáo hội Latinh, qua thẩm quyền của thánh Augustinô, tập tục này bị hủy bỏ nhường chỗ cho một tập tục nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, kể cả thánh Augustinô, trong một đoạn văn, ngài có nói về tội nhẹ. Vì thế xem ra ngài không hề loại bỏ một giải pháp mục vụ ngay từ đầu.

Cả Giáo hội Tây phương sau này, trong những tình huống khó khăn, qua các quyết định của các thượng hội đồng và các vấn đề tương tự, đều đã tìm ra được những giải pháp cụ thể. Công đồng Trentô […] đã kết án quan điểm của Luther, nhưng lại không lên án tập tục của Giáo hội Đông phương. […]

Tương hợp với quan điểm mục vụ của truyền thống Giáo hội sơ khai, các Giáo hội Chính thống đã tồn giữ, cái nguyên tắc oikonomia có giá trị (đối với họ). Tuy nhiên, bắt đầu vào thế kỷ thứ sáu, khi nhắc đến hoàng luật Byzantine, họ đi xa hơn cả lập trường mục vụ tha thứ, khoan dung và đại xá, mà nhìn nhận, cùng với nố ngoại tình, cũng còn có những lý do khác dẫn đến ly dị, những lý do dựa trên luân lý, chứ không hẳn dựa trên cái chết thể lý của mối ràng buộc hôn nhân.

Giáo hội Tây phương đi theo một con đường khác. Con đường này loại bỏ sự phân ly của bí tích hôn nhân đã được chuẩn nhận và hoàn hợp giữa hai người đã được rửa tội, nhưng lại công nhận sự ly dị của cuộc hôn nhân không hoàn hợp, và cũng, theo đặc ân thánh Phaolô và Phêrô, công nhận sự ly dị của cuộc hôn nhân không phải là bí tích. Cùng với việc này, còn có những tuyên bố vô hiệu của các cuộc hôn nhân thiếu mô thể; Tuy nhiên, trong chiều hướng này, chúng ta có thể tự hỏi phải chăng những điều được đưa lên hàng đầu, một cách đơn phương, đều là những quan điểm vị luật phát sinh rất trễ trong lịch sử.

Đức Joseph Ratzinger gợi ý rằng quan điểm của thánh Basiliô nên được lấy lại một cách mới mẻ hơn. Có vẻ như đây là một giải pháp thích hợp, một giải pháp cũng làm nền cho các suy tư của tôi. Chúng ta không thể nhắc đến lối chú giải lịch sử này hay kia, vì chúng vẫn còn đáng tranh cãi, chúng ta cũng không thể đơn giản lập lại các giải pháp của Giáo hội sơ khai vào hoàn cảnh chúng ta, là một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay đang thay đổi, chúng ta có thể phục hồi các quan niệm căn bản và tìm cách thực hiện chúng trong hiện tại, theo cách nào đúng và chính đáng dưới ánh sáng của Phúc âm .

 

 

_________

 

Nguyên vẹn bản văn bài nói chuyện của Kasper, công bố hôm Mồng Một tháng Ba cho toàn thế giới, độc quyền trên tờ “Il Foglio":

> "In questo anno internazionale della famiglia…"

__________

 

Hai bài viết trên trang www.chiesa bàn về Giáo hội thời các thế kỷ đầu tiên đã hành sử ra sao đối với những người ly dị và tái hôn, với các trích dẫn bản văn của các Giáo phụ, các Công Đồng, và của các tác giả hiện đại tương tự như các trích dẫn của Kasper trong bài nói chuyện:

> When the Church of Rome Forgave Second Marriages (31.1.2014)

> Synod at the Crossroads, on Second Marriages
(7.2.2014)
 

 

__________

Ngược lại với Kasper, quan điểm phê bình có thẩm quyền nhất vẫn là quan điểm của hồng y Gerhard L. Müller, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, công bố trên tờ "L'Osservatore Romano" số ra ngày 23 tháng Mười năm 2013:

> On the indissolubility of marriage and the debate concerning the civilly remarried

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.