Đức giáo hoàng về hưu cầu nguyện,
nhưng cũng cố vấn.
Đây là cách ngài làm.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350744?eng=y

 

Trong khi đức Phanxicô cai trị, đức Biển Đức tán dương đức Gioan Phaolô, và trên hết, ca tụng thông điệp “Veritatis Splendor – Nét Rạng Ngời của Chân Lý” nói về nền tảng của luân lý. Đức Gioan Phaolô là một vị giáo hoàng, ngài nói, “không sợ các quyết định của mình sẽ được đón nhận như thế nào ”

 

ROME, ngày 17 tháng Ba năm 2014 – Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên tờ “Corriere Della Sera- Tin Chiều,” đức giáo hoàng Phanxicô đã bộc lộ rằng Ngài có thoả thuận với đức Joseph Ratzinger về vai trò mới của “vị giáo hoàng về hưu,” chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội.

Giáo hoàng về hưu không phải là một bức tượng trong bảo tàng viện. Mà đây là một thể chế. Chúng ta chưa quen với nó. Sáu mươi, bẩy mươi năm trước, giám mục về hưu cũng chưa hề có. Chuyện ấy chỉ có sau Công đồng. Ngày nay, việc này thành một thể chế. Điều tương tự cũng phải xảy ra với giáo hoàng về hưu. Đức Biển Đức là người đầu tiên. Và có thể sẽ có những vị khác nữa. Chúng ta không biết. Ngài là người kín đáo, khiêm nhường, ngài không muốn trở thành mối phiền toái. Chúng tôi đã đề cập đến điều đó và đã cùng nhau quyết định rằng, tốt hơn, ngài nên gặp gỡ dân chúng, đi ra ngoài, và tham dự vào đời sống Giáo hội. […] Vài người ao ước ngài nên rút lui vào một tu viện Biển Đức xa khỏi Vatican. Tôi có nghĩ đến tình trạng của ông của bà đầy khôn ngoan, góp ý kiến thêm sức mạnh cho gia đình, và không đáng kết thúc đời mình trong viện dưỡng lão.

Nói là làm liền.Vài hôm trước, một cuốn sách được xuất bản với một bản văn chưa hề được công bố của đức Biển Đức XVI. Và đây không phải chỉ là một bản văn thường. Nhưng là một nhận định mà đức giáo hoàng trước – dưới triều của vị kế nhiệm – tuyên bố về vị tiền nhiệm của mình, đức Gioan Phaolô đệ Nhị. Một nhận định công khai thực sự không chỉ về cá nhân mà còn về các nét đặc trưng chính yếu của triều giáo hoàng đáng ghi nhớ này.

Với những điểm nhấn mạnh chỉ có thể đặt song song với tình trạng hiện thời của Giáo hội.

Một vài cơ quan truyền thông, khi loan tin về bản văn này của vị giáo hoàng “về hưu,” đã nhấn mạnh đến đoạn văn ngài kể lại vấn đề thần học giải phóng đã được bàn đến như thế nào trong giai đoạn đầu của triều giáo hoàng Karol Wojtyla.

Nhưng còn có những đoạn văn tiêu biểu khác. Đặc biệt có hai đoạn.

 

*

 

Đoạn đầu tiên là đoạn đức Biển Đức XVI, cho biết, theo nhận định của mình, thông điệp nào của đức Gioan Phaolô đệ Nhị là quan trọng nhất.

Trong số mười bốn thông điệp, ngài nêu ra những thông điệp sau:

- "Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Con Người,” năm 1979, trong đó đức giáo hoàng Wojtyla "đưa ra tổng hợp riêng của mình về Đức Tin Kytô,” ngày nay “giúp ích rất nhiều cho những ai đang tìm kiếm.”

- "Redemptoris Missio – Sứ Mạng Đấng Cứu Chuộc," năm 1987, "làm nổi bật tầm quan trọng thường xuyên của công tác truyền giáo của Giáo hội” ;

- "Evangelium Vitae – Tin Mừng Sự Sống," năm 1995, "khai triển một trong những chủ đề nền tảng của trọn vẹn triều giáo hooàng của đức Gioan Phalô đệ Nhị: Phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống con người, ngay từ giây phút thụ thai”;

- "Fides et Ratio - Đức Tin và Lý Trí," năm 1998, "đưa ra một viễn ảnh mới trong tương quan giữa Đức Tin Kytô giáo và Lý trí triết lý."

Thêm vào bốn thông điệp này, mỗi thông điệp ngài chỉ dành ra vài hàng, đức Biển Đức XVI bất ngờ thêm vào một thông điệp khác, mà ngài dành riêng một trang nhận định, được trích lại dưới đây.

Đó là thông điệp "Veritatis Splendor – Nét Rạng Ngời của Sự Thật," năm 1993, bàn về các nền tảng của luân lý. Có lẽ đây là thông điệp ít được để ý tới và không được đem ra áp dụng nhất trong tất cả các thông điệp của đức Gioan Phaolô đệ Nhị. Nhưng đức Ratzinger nói ngày nay chúng ta phải học tập và hấp thụ nó.

 

*

 

Đoạn văn thứ hai mang nhiều ý nghĩa là đoạn trong đó đức Biển Đức XVI nói về tuyên ngôn năm 2000 “Dominus Ieus - Chúa Giêsu.”

Dominus Iesus,” đức Ratzinger viết, “tóm kết những yếu tố cần thiết của đức tin Công giáo.” Vậy mà đây là tài liệu bị phản bác nhiều nhất dưới triều giáo hoàng của ngài, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công giáo.

Nhằm hạ giá trị của tài liệu này, những người chống đối thường gán tác giả của “Dominus Iesus” cho một mình vị bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, và không hề có sự chuẩn thuận thực sự của đức giáo hoàng.

Thế mà chính “vị giáo hoàng về hưu” ngày nay đã minh định sự hài hoà hoàn toàn giữa ngài và đức Gioan Phaolô đệ Nhị trong việc công bố “Dominus Jesus”. Những gì xảy ra sau hậu trường cho ta một cái nhìn mới được tìm thấy dưới đây.

 

*

 

Đức Biển Đức XVI khâm phục đức giáo hoàng Wojtyla, vì “sự can đảm ngài thi hành nhiệm vụ trong một thời buổi thực sự khó khăn.

Và ngài thêm:

Đức Gioan Phaolô đệ Nhị không tìm kiếm sự ca tụng, cũng chẳng nhìn chung quanh mình quan ngại xem người ta đón nhận những quyết định của mình như thế nào. Ngài hành động dựa trên căn bản đức tin của mình và những gì mình xác tín, và ngài cũng sẵn sàng chấp nhận chịu hậu quả. Dưới mắt tôi, can đảm theo sự thật là tiêu chuẩn chính của sự thánh thiện.”

Nhận định này rất giống với nhận định của đức Ratzinger nói về đức Phalô đệ Lục trong bài giảng An Táng hôm mồng 10 tháng Tám năm 1978, trong tư cách tổng giám mục Munich:

Ngày nay, vị giáo hoàng nào không muốn chịu búa rìu của phê bình hẳn sẽ thất bại trong nhiện vụ của mình trong thời buổi này. Đức Phalô đệ Lục đã chống lại việc cai trị bằng truyền hình, và bằng kiểm tra dân số, hai quyền lực đầy độc đoán ngày nay. Sỡ dĩ Ngài có thể làm được thế, là vì ngài không coi thành công hay biểu đồng tình là chuẩn mực, nhưng là lương tâm, một lương tâm được đo lường bằng sự thật, bằng đức tin. Chính vì thế mà tại sao trong nhiều trường hợp, ngài tìm sự thoả hiệp: đức tin mở cửa rất rộng, đức tin đề nghị một dải rộng các quyết định, đức tin đặt tình yêu làm chuẩn mực, khiến mình có bổn phận với mọi chuyện và vì thế đòi buộc phải có lòng kính trọng sâu xa. Chính vì thế ngài mới có thể không nhân nhượng và kiên quyết khi cái truyền thống cốt yếu của Giáo Hội bị đem ra đặt cược. Nơi ngài sự cứng rắn không xuất phát từ tính vô cảm của người có cuộc hành trình bị bức chế bởi lòng ham muốn quyền lực, và bởi lòng khinh người, nhưng bởi chiều sâu của đức tin nơi ngài, giúp ngài chịu đựng được sự chống đối.”

 

*

 

Sau đây là hai đoạn trích trong bản văn của đức Biển Đức XVI đã bàn đến ở trên:

 

_________

 

VỀ THÔNG ĐIỆP “VERITATIS SPLENDOR

 

Thông điệp về các vấn đề luân lý “Veritatis Splendor” cần nhiều năm để chín mùi và tính hợp thời của nó vẫn không thay đổi.

Ngược lại với chiều hướng thần học luân lý ngày nay đang chú trọng đến nhiên luật, hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vaticanô đệ Nhị muốn giáo lý về luân lý Công giáo chú mục vào đức Giêsu và sứ điệp của Ngài phải có nền tảng Kinh thánh.

Nỗ lực này bắt đầu lúc có lúc không một thời gian ngắn. Rồi quan điểm chiếm ưu thế cho rằng Kinh Thánh không có nền luân lý riêng để công bố, mà Kinh Thánh chỉ quy chiếu về những khuôn mẫu luân lý có giá trị từng thời và từng nơi. Người ta cho rằng luân lý chỉ là một vấn đề thuộc lý trí, chứ không thuộc đức tin.

Vậy, một mặt, luân lý tính được hiểu theo nhiên luật bị biến mất, nhưng khái niệm Kytô giáo của luân lý vẫn không được xác nhận để thế vào. Và vì người ta không hề công nhận nền tảng siêu hình hay Kytô học của luân lý, nên người ta cầu viện đến các giải pháp thực tiễn: đó là dựa trên nguyên tắc tìm một sự cân bằng hơn trong tốt đẹp, trong đó không còn điều xấu thật sự và tốt thật sự, mà chỉ còn là điều khá hơn hay dỡ hơn, xét trên phương diện hiệu quả.

Công tác quan trọng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị dành cho thông điệp này là tái khám phá nền tảng siêu hình trong nhân loại học, cũng như cụ thể hóa mang tính Kytô giáo diện mạo mới của con người trong Kinh Thánh.

Học hỏi và tiếp thu thông điệp này vẫn còn là một trọng trách lớn và quan trọng.

 

__________

 

VỀ THÔNG ĐIỆP “DOMINUS IESUS

 

Trong những tài liệu nói về những khía cạnh khác nhau của đại kết, tài liệu khơi dậy phản ứng mạnh mẽ nhất, chính là tuyên ngôn “Dominus Iesus” năm 2000, tóm lược những yếu tố quan trọng của đức tin Công giáo. […]

Đối diện với cơn bão lửa bộc phát chung quanh “Dominus Iesus,” đức Gioan Phaolô đệ Nhị cho tôi biết ngài có ý định bảo vệ tài liệu ấy một cách rõ rệt trong giờ kinh Truyền Tin.

Ngài mời tôi viết một bài cho giờ kinh Truyền Tin, có thể nói được là, minh định rất chặt chẽ và không còn cho phép bất cứ một cách cắt nghĩa khác nào nữa, và phải được hiểu một cách không thể lầm lẫn rằng ngài hoàn toàn đồng ý vô điều kiện với tuyên ngôn ấy.

Vậy tôi đã soạn một bài ngắn: Tuy nhiên tôi không muốn bài viết quá sống sượng, nên tôi đã cố gắng diễn tả một cách rõ ràng nhưng không gay gắt. Sau khi đọc bài, đức giáo hoàng hỏi tôi một lần nữa : “Như thế đã đủ rõ ràng chưa?” Tôi trả lời hẳn là đủ.

Những ai biết các nhà thần học, hẳn sẽ chắng ngạc nhiên, rằng, bất chấp sự thể như thế, sau đó vẫn có vài người vẫn khư khư cho rằng đức giáo hoàng đã kín đáo tách biệt mình xa khỏi bản văn ấy.

 

 

___________

 

 

Cuốn sách :

"Accanto a Giovanni Paolo II. Gli amici e i collaboratori raccontano", con un contributo esclusivo del papa emerito Benedetto XVI, a cura di Wlodzimierz Redzioch, Edizioni Ares, Milano, 2014, pp. 236, euro 15,90.

__________

Hai tài liệu được đức Biển Đức XVI nhận định:

> Veritatis splendor

> Dominus Iesus

 

__________

 

Liên quan đến tuyên ngôn "Dominus Iesus," người ta ghi nhận rằng nó vẫn còn bị các hàng giáo phẩm cao cấp chỉ trích.

Vào tháng Hai năm 2010, trong một cuộc hội nghị chuyên đề về đại kết do hội đồng giáo hoàng về hiệp nhất Kytô giáo tổ chức tại Roma, hồng y Walter Kasper, người chủ trì và giới thiệu, đã trả lời Đài phát thanh Vatican về vấn đề này như sau:

Q: Trong diễn văn khai mạc, ngài đã khẳng định rằng cùng với việc công bố tài liệu “Dominus Iesus” có các lỗi lầm đã mắc phải với các đối tác đại kết. Ngài nói thế có nghĩa gì?

A: Tôi không có ý nói rằng có các lỗi lầm giáo lý, trong điều mà tài liệu này phản ảnh giáo lý Công Giáo, nhưng có các vấn đề với một vài công thức mà các đối tác của chúng ta khó tiếp cận.

 

__________

 

Trên kênh truyền hình ZDF ở Đức, tổng giám mục Georg Gänswein, quản gia và thư ký của đức Biển Đức XVI, hôm 15 tháng Ba đã cho biết rằng vào tháng Chín vừa qua, đức giáo hoàng về hưu, thể theo yêu cầu của đức giáo hoàng Phanxicô, đã gửi cho đức Phanxicô bốn trang nhận xét về cuộc phỏng vấn với tờ "La Civiltà Cattolica."

Gänswein đã nói:

"Đức Biển Đức XVI đã thoả mãn yêu cầu của người kế nhiệm mình, đã đưa ra một vài suy tư và nhận xét về các nhận xét đặc biệt hay các vấn đề mà ngài tin là sẽ có thể được khai triển sâu rộng hơn trong một dịp khác. Dĩ nhiên tôi không thể nói cho ông biết về vấn đề gì.

 

__________

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.