Đức Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên
được quan điểm thế tục ca ngợi.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350751?eng=y

 

 

Đây là điểm thực sự mới lạ của sự thành công nơi triều giáo hoàng này. Đức Gioan Phaolô đệ Nhị và đức Biển Đức XVI cũng được điểm lượng giá rất cao, có khi còn cao hơn. Nhưng chỉ từ các tín hữu. Đối với bên ngoài, sự chống đối rất kịch liệt.

 

ROME, ngày 27 tháng Ba năm 2014 – Đức Phanxicô vừa qua một năm đầu tiên được công chúng mến mộ rất nhiều. Nhưng chuyện này không có gì mới lạ. Vào năm 2008, đức Biển Đức XVI cũng đạt được mức ủng hộ như thế. Còn đức Gioan Phaolô đệ Nhị có khi nổi danh hơn, cả nhiều năm sau đó.

Điều mới lạ nằm ở chổ khác. Với đức Phanxicô, lần đầu tiên kể từ bao nhiêu đời qua, một vị giáo hoàng được người của mình ca tụng, nhưng hầu như được người ngoài ca tụng nhiều hơn, từ các quan điểm quần chúng thế tục, từ giới truyền thông thế tục, từ các chính phủ và từ các tổ chức quốc tế.

Cả bản báo cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng Hai, đã hung dữ tấn công Giáo hội, nhưng lại chừa ngài ra, cũng cúi đầu trước câu “tôi là ai mà phán xét?” nay đã được khắp nơi lấy làm tiêu chí biểu tượng cho tính cởi mở của triều giáo hoàng này.

Nhưng hai vị tiền nhiệm lại không được như thế. Vào lúc lòng hâm mộ của công chúng lên cao điểm, các ngài có cộng đồng Kytô hữu ủng hộ, còn tất cả những người khác lại chống đối.

Thật vậy, “thế hệ này” càng chống đối giáo hoàng, bóng dáng ngài lại càng lù lù hiển hiện. Vào năm 1994, tạp chí “Time” đã chọn đức Gioan Phaolô đệ Nhị cho số báo “nhân vật trong năm”. Đó là năm ngài dàn trận lâm vào cuộc chiến, gần như một mình chống lại toàn thế giới, nhất là chống lại chính phủ Mỹ, trước, trong khi và sau cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Cairo bàn về vấn đề kiểm soát sinh sản, và như thế, theo đức giáo hoàng, đó là “cuộc sát hại có hệ thống các thai nhi chưa ra đời.”

Đức Karol Wojtyla đã chọn năm 1994 làm năm gia đình, vì ngài thấy gia đình bị đe dọa và tấn công, trong khi, lẽ ra, vào lúc bắt đầu thiên niên kỷ mới, theo viễn kiến của ngài, gia đình phải sáng rực rỡ như khởi đầu một cuộc sáng tạo mới, nam và nữ, tăng trưởng và tăng số, và “sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly.”

Vào năm 1994, đức Gioan Phaolô cũng đã viết một bức thư cho các giám mục, để nhắc lại chữ “không” đối với việc rước lễ của người ly dị và tái hôn. Và ngài cũng nói một chữ “không” rõ ràng với việc phụ nữ làm linh mục. Vào năm trước đó, ngài dành cả một thông điệp, “Veritatis Splendor - Nét Rạng Ngời của Chân Lý” dạy về các nền tảng tự nhiên và siêu nhiên của các quyết định luân lý, chống lại với tính độc lập của lương tâm cá nhân. Và vào năm kế tiếp, ngài công bố một thông điệp khác, “Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống,” nghiêm khắc kết án việc phá thai và an tử.

Không chỉ có thế. Trên bàn cờ chính trị quốc tế cũng vậy, đức giáo hoàng Wojtyla đã bị hầu như cả thế giới chống lại mình. Từ năm 1990 đến năm 1991, ngài hết sức bình sinh chống lại cuộc chiến Vùng Vịnh thứ nhất được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, trong khi từ năm 1992 đến 1993, ngài không ngừng kêu gọi một cuộc “can thiệp” nhân đạo vào bán đảo Balkans, mà chẳng ai thèm nghe, cho đến khi quá trễ. Và cũng chính vào những năm đó, vào thập niên trải dài từ 1987 đến 1996, đức Gioan Phaolô đệ Nhị được công chúng mến mộ nhất.

Bằng chứng cho việc này có thể tìm thấy trong các cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên Cứu Pew có cơ sở đặt tại Washington, khảo sát người Công giáo tại Mỹ. Đây cũng là một cuộc trắc nghiệm tuyệt hảo về sự hiện diện đáng kể của chiều hướng “phóng khoáng” hiện đang có giữa người Công giáo Hoa kỳ.

Đức Gioan Phaolô càng bị quan điểm thể tục bài bác cho là ngu dốt và lạc hậu, tín hữu Công giáo lại càng mến mộ Ngài nhiều hơn. Trong thập niên này, sự ủng hộ ổn định ở mức 93 phần trăm, cao hơn đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay và đức Biển Đức XVI vào năm 2008 khoảng 10 điểm.

Đường vòng cung của đức giáo hoàng Joseph Ratzinger cũng tiêu biểu. Ngay sau khi ngài được chọn, vào năm 2005, mức mến mộ ngài nơi người Công giáo thấp, chừng 67 phần trăm, với chỉ chừng 17 phần trăm nói rằng họ rất hâm mộ. Nhưng dần dần ngài chiếm được lòng ngưỡng mộ, bất chấp việc ngài phê bình gay gắt những thách đố của tính tân thời.

Quan điểm quần chúng thế tục hoàn toàn chống lại ngài, kể cả từ người trong nhà ngài, đến độ họ từ chối không cho ngài đến đại học Roma để đọc diễn văn. Đó là vào đầu năm 2008, và liền ngay sau đó, ngài lên chương trình đi sang Mỹ, quê hương của việc công kích hằn học mà thế tục chống lại Giáo hội và đức giáo hoàng, về vấn đề sôi bỏng của nạn ấu dâm. Vậy mà, ngay chính lúc ấy và liền sau cuộc du hành đó, lòng mến mộ giáo dân Công giáo dành cho đức Biển Đức XVI đạt tới cao điểm.

Bài học có thể rút ra từ chuyện này là sự thành công của đức giáo hoàng nơi các tín hữu không đương nhiên liên kết với việc ngài nhân nhượng trong các vấn đề then chốt. Hai vị giáo hoàng không khoan nhượng, như đức Gioan Phaolô đệ Nhị và đức Biển Đức XVI, vẫn ghi được những mức hâm mộ rất cao.

Ngược lại, sự “cởi mở” của một vị giáo hoàng dành cho tính tân thời có thể giải thích sự đồng tình ngài gặt hái được từ bên ngoài. Đây có lẽ là điều mới lạ của đức Phanxicô.

Đó là một điều mới lạ, mà tự thâm tâm, ngài hồ nghi. Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ “Corriere della Sera”, ngài đã nói: “Tôi không thích một vài huyền thoại của giáo hoàng Phanxicô. Sigmund Freud đã nói, nếu tôi không lầm, rằng trong mọi việc lý tưởng hóa, đều có sự công kích.

 

 

 

__________

 

Bài phê bình này đã được công bố trên tờ "L'Espresso" số 13 năm 2014, phát hành trên kệ sách ngày 28 tháng Ba, trên trang ý kiến mang đề tựa "Settimo cielo" của Sandro Magister.

> "L'Espresso" in seventh heaven

 

__________

 

Bản thăm dò mới nhất của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, có so sánh với các vị giáo hoàng tiền nhiệm:

> U.S. Catholics View Pope Francis as a Change for the Better

__________

 

Phải ghi nhận rằng việc quan điểm thế tục ca tụng “sự cởi mở” của đức giáo hoàng Phanxicô tiếp diễn suông sẻ không chút ngập ngừng, cả khi ngài có những nhận xét tự bản chất là trái ngược. Họ làm ngơ hoặc làm dịu chúng.

Chỉ cần hai ví dụ là đủ.

Ví dụ đầu liên quan đến chuyện phụ nữ làm linh mục.

Về điểm này, đức giáo hoàng Bergoglio đã nói một cách minh bạch và hoàn toàn chống lại, Ngài viết trong “Evangelii Gaudium,” chương trình hành động của triều giáo hoàng mình, rằng: “Việc dành chức linh mục cho nam giới …không phải là một vấn đề để bàn cãi.”

Nhưng, coi như chẳng có gì xảy ra, số báo “Corriere della Sera” hôm 14 tháng Ba dùng lại cuộc phỏng vấn tờ báo đã thực hiện với đức Bergoglio vài ngày trước để in hàng tít lớn ở trang đầu: “Phụ nữ và chức linh mục. Sự cởi mở của Giáo hoàng Phanxicô.”

Thật ra, trong cuộc phỏng vấn, trả lời cho câu hỏi ngài định thăng tiến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội như thế nào, đức Bergoglio đã trả lời:

Đúng là phụ nữ có thể và phải hiện diện nhiều hơn trong việc ra quyết định trong Giáo hội. Nhưng có lẽ tôi phải gọi chuyện đó là một sự tăng tiến thuộc loại chức năng. Tự nó, cách tiếp cận này chẳng tạo nên khác biệt bao nhiêu.”

Nhưng vậy cũng đã đủ để cho một vị quyền cao chức trọng viết xã luận của tờ báo hàng đầu của giới trung lưu vùng Lombard, đại sứ Sergio Romano, “diễn dịch” lời của đức giáo hoàng thành ra như sau, chắc mẩm ngài đang biểu lộ tư tưởng đích thực của mình: “Thật là không đúng khi nhận các phụ nữ vào làm thành viên trong Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Khoa học để lợi dụng kiến thức của họ, mà đồng thời lại loại họ ra khỏi chức linh mục.”

 

Ví dụ thứ hai liên quan đến luật lệ về hôn nhân đồng tính và an tử.

Trong vấn đề này cũng vậy, cuộc phỏng vấn của đức Bergoglio trên tờ “Corriere della Sera” cho một tác giả hàng đầu của tờ báo này, Aldo Cazzullo, một cơ hội để viết bài ý kiến Toà Soạn ngay trang đầu số ngày 20 tháng Ba, tán thành rằng “Giáo hội đã có những dấu hiệu cho thấy cởi mở trong đối thoại, bắt đầu với những bước tiến vượt qua chính cái công thức “các gía trị bất khả thương lượng,” như đức giáo hoàng Phanxicô đã minh định trong cuộc phỏng vấn.”

Quả thực, câu trả lời của đức giáo hoàng như sau:

Tôi chưa hề hiểu kiểu nói ‘các giá trị bất khả thương lượng.” Giá trị là giá trị, và có thế thôi. Tôi không thể nói trong các ngón của một bàn tay, có ngón lại ít ích lợi hơn ngón khác. Đó là tại sao tôi không hiểu theo nghĩa nào lại có các giá trị thương lượng được.”

Vậy, theo những lời ngài nói đấy, đối với đức giáo hoàng Phanxicô, không đúng là bất cứ giá trị nào cũng đều thương lượng được. Mà trái lại, hiểu theo mặt chữ, dường như ngài nói một cách nghịch lý điều ngược lại.

Nhưng khắp nơi, thế giới thế tục giải thích các chữ này đều như nhau, bất kể những phát biểu lập đi lập lại và rõ ràng nói rằng ngài luôn gắn bó với giáo huấn của Giáo hội. Đức giáo hoàng Phanxicô – người ta cứ nằng nặc nói – đã ly khai với các giá trị bất khả thương lượng và đã mở đường cho “đối thoại.

Nghĩa là ngài đã mở ngỏ cho – như tờ “Corriere” giải thích trong cùng bài xã luận ấy, và được quan điểm thế tục chia sẻ trong toàn bộ - “lòng thương xót trong phạm vi dân sự và tôn giáo” trong các lề luật mới về hôn nhân dân sự và việc kết liễu cuộc sống. Lòng thương xót “phải thắng vượt trên các kiểu mẫu ý thức hệ và trên cả sự lãnh đạm đối với cuộc sống thực tế và sự đau khổ của kẻ khác.”

Công thức “các nguyên tắc bất khả thương lượng” (phải nói cho chính xác là “các nguyên tắc”, chứ không phải “các giá trị”) xuất hiện trong giáo huấn Giáo hội lần đầu tiên trong tài liệu: “Doctrinal note on on some questions regarding the participation of Catholics in political life - Chú thích giáo lý về một vài vấn đề liên quan đến việc tín hữu Công giáo tham dự vào đời sống chính trị” công bố năm 2002 , do bộ giáo lý đức tin, lúc ấy do hồng y Ratzinger đứng đầu:

> Doctrinal Note...
 

Trong tư cách giáo hoàng, đức Ratzinger đã nhắc lại công thức ấy lần đầu tiên trong bài diễn văn hôm 30 tháng Ba năm 2006, ngỏ lời với các tham dự viên một cuộc hội nghị do Đảng Nhân Dân Âu Châu tổ chức:

> "Honourable Parliamentarians…"

 

__________

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.