Đức giáo hoàng và triết gia.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350753?eng=y

 

 

Tên ông là Alberto Methol Ferré. Từ chính ông, đức Bergoglio đã rút ra những cảm hứng trong việc lượng giá thế giới và đối ngịch với nền văn hóa mới đương thống trị: “vô thần phóng khoáng.” Quan điểm nghiêm khắc của đức giáo hoàng với Obama.

 

ROME, ngày 31 tháng Ba năm 2014 – Trong cuộc gặp gỡ với Barack Obama vài ngày trước đây, đức giáo hoàng Phanxicô đã không im lặng về những gì đang phân cách chính quyền nước Mỹ với Giáo hội của nước này trong những vấn đề quan trọng như “quyền tự do tôn giáo, quyền được sống, và quyền từ chối vì lý do lương tâm.” Và ngài đã nhấn mạnh điều ấy trong lời tuyên bố sau cuộc gặp gỡ.

Đức Jorge Mario Bergoglio không muốn trực tiếp đối đầu cách công khai với quyền lực của thế gìới này. Ngài để cho các hội đồng giám mục hành động. Nhưng ngài không dấu nỗi bất bình của chính mình, và ngài cẩn thận giữ một khoảng cách cho mình. Trong tấm hình cuộc gặp mặt chính thức, ngài đứng chụp với một nét mặt nghiêm nghị, khác với những nụ cười phóng đại của vị đối tác lúc ấy, trong trường hợp này là người lãnh đạo một cường quốc lớn nhất thế giới.

Mà ngài cũng chẳng thể làm khác được, vì những phán đoán tự căn bản mang tính phê phán mà đức giáo hoàng Phanxicô ấp ủ nơi mình liên quan đến các thế lực trần thế ngày nay.

Đó là một phán đoán ngài chưa hề bao giờ phát biểu một cách trọn vẹn. Nhưng ngài đã cho thấy nhiều nét đại cương. Ví dụ qua nhiều lần thường nhắc đến ma quỷ như là đối thủ lớn nhất chống lại sự hiện diện của Kytô hữu trong thế giới, nhìn thấy ma quỷ đang hoạt động sau bức màn các quyền lực chính trị và kinh tế. Hay khi ngài nặng lời trong bài giảng hôm 18 tháng Mười Một năm 2013 – chống lại “một lề lối suy nghĩ duy nhất” khiến loài người thành nô lệ cho chính mình, dù với cái giá “phải tế sinh nhân loại,” thực hiện trong chiêu bài “những lề luật bảo vệ họ.

Bergoglio không phải là nhà tư tưởng độc sáng. Một trong những khung văn học ngài thường trích dẫn, là cuốn tiểu thuyết mang tính khải huyền “Chúa Tể Thế Giới” của Robert Hugh Benson, một tân tòng trong thế kỷ hai mươi, con trai của vị tổng giám mục Anh Giáo Canterbury.

Nhưng trên hết mọi sự, có một triết gia làm nguồn gốc cho quan điểm của đức Bergoglio về thế giới hiện tại.

Tên ông là Alberto Methol Ferré. Một người gốc Uruguay đến từ Montevideo, ông thường vượt sông Rio de la Plata để thăm bạn mình là tổng giám mục Buenos Aires. Ông mất năm 2009 ở tuổi 90. Một cuộc phỏng vấn dài bằng cả cuốn sách vào năm 2007, đã được tái bản tại Achentina, và bây giờ tại Ý, có một tầm quan trọng cốt yếu để hiểu được, không chỉ quan điểm về thế giới của ông, mà còn của bạn ông, sau này trở thành giáo hoàng:

> Alberto Methol Ferré, Alver Metalli, "Il papa e il filosofo", Edizioni Cantagalli, Sienne, 2014

> Alberto Methol Ferré, Alver Metalli, "El Papa y el filósofo", Editorial Biblos, Buenos Aires, 2013

 

Khi giới thiệu ấn bản đầu tiên cuốn sách này tại Buenos Aires, đức Bergoglio đã ca tụng nó như một bản văn có một “chiều sâu siêu hình.” Rồi vào năm 2011, trong lời tựa một cuốn sách khác của một người bạn thân chung của cả hai người – Guzmán Carriquiry Lecour, vị thư ký người Uruguay của ủy ban giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, chức vụ cao nhất của một giáo dân tại Vatican – đức Bergoglio, một lần nữa lại lên tiếng tri ân “nhà tư tưởng lỗi lạc của Rio de la Plata” đã phơi bày một ý thức hệ mới đang thống trị, sau khi những hình thức vô thần mang tính thiên sai mang có nguồn cảm hứng từ Marx đã suy tàn.

Đó là cái ý thức hệ Methol Ferré gọi là “vô thần truỵ lạc.” Và được đức Bergoglio miêu tả như sau:

Chủ nghĩa vô thần nặng về khoái lạc và những phụ tùng nhuốm màu tân Ngộ giáo đã trở thành nền văn hóa thống trị, đang ra sức phổ biến và phân tán toàn cầu. Chúng tạo nên bầu khí thời chúng ta đang sống, một thứ thuốc phiện mới mê hoặc dân chúng. Cái “lề lối suy nghĩ duy nhất” ấy, thêm tính độc tài trong phương diện xã hội và chính trị, mang cấu trúc của Ngộ giáo: Nó không có tính nhân bản. Nó tái chế các hình thức khác nhau của thuyết duy lý độc tôn mà thuyết duy khoái lạc hư vô, qua cách miêu tả của Methol Ferré, đã dùng để tự diễn tả chính mình. Nó thống trị cả “thuyết hữu thần mờ mịt”, một thứ hữu thần mơ hồ, không có sự nhập thể trong lịch sử: Cùng lắm, nó tạo ra một thứ đại kết Tam điểm.

Trong cuộc phỏng vấn dài bằng cả một cuốn sách, nay đã được phát hành, Methol Ferré cho rằng chủ nghĩa vô thần mới này “đã thay đổi tận căn diện mạo của mình. Nó không có tính thiên sai, nhưng chỉ trụy lạc. Nó không mang tính cách mạng theo nghĩa xã hội, nhưng chỉ đồng tình với hiện trạng. Nó chẳng màng đến công bằng, nhưng cho phép người ta chăm chút vun trồng khoái lạc tự căn bản trong mọi điều ấy. Nó không chỉ dành cho giới thượng lưu, nhưng đã tự biến hoá để trở thành một hiện tượng của quần chúng.

Nhưng có lẽ yếu tố thú vị nhất trong phân tích của Methol Ferré nằm ở câu ông trả lời cho thách thức mà lối suy nghĩ bá chủ mới này tạo ra:

Đó là điều xảy ra với cuộc cải cách của Tin Lành, với chủ nghĩa thế tục thời Khai Sáng, và rồi với chủ nghĩa Mácxít mang tính thiên sai. Kẻ thù bại trận khi người thắng thu thập hết những gì tốt đẹp nhất trong trực giác kẻ bại, và đẩy nó đi xa hơn.”

Thế còn ý kiến của ông về chủ nghĩa vồ thần trụy lạc?

Sự thật của chủ nghĩa vô thần trụy lạc là nhận thức rằng sự hiện hữu có mục đích tự căn nhằm hưởng lạc, rằng sự sống được dựng nên nhằm thoả mãn. Nói cách khác, cái cốt lõi sâu xa của vô thần trụy lạc là nhu cầu hưởng dụng cái đẹp được chôn kín.”

Đương nhiên, vô thần trụy lạc chỉ “làm băng hoại” cái đẹp, vì nó “tách biệt cái đẹp ra khỏi cái đúng và cái tốt, thế nghĩa là ra khỏi cái công bình. Nhưng – Methol Ferré cảnh báo – người ta không thể cứu chuộc cái cốt lõi sự thật của vô thần trụy lạc bằng cách lý luận hay biện chứng; người ta lại càng không thể làm điều đó bằng cách dựng lên các cấm đoán, báo động, hay ra các luật lệ trừu trượng. Vô thầc trụy lạc không phải là một ý thức hệ, mà là một tập tục sống. Một tập tục phải được đối lại bằng một tập tục khác: một tập tục tự cảnh giác, dĩ nhiên, có nghĩa rằng một tập tục có trang bị trí thức. Đứng về phương diện lịch sử mà nói, Giáo hội là một chủ thể duy nhất trên sân khấu thế giới đương đại, có thể đối chọi được với vô thần trụy lạc. Theo suy nghĩ của tôi, chỉ Giáo hội mới thật sự là hậu hiện đại.

Có một hài hoà gây sửng sốt giữa quan điểm trên đây của Methol Ferré và chương trình hoạt động của triều giáo hoàng Bergoglio, học trò của ông, với chuyện ngài bác bỏ “việc phải liên tục áp đặt việc truyền đạt rời rạc vô vàn các giáo lý” và với lời ngài nhấn mạnh không ngừng trên một Giáo hội có khả năng làm cho “tâm hồn cháy nóng lên,” chữa lành mọi tật bệnh và mọi vết thương đủ loại, và phục hồi hạnh phúc.

 

__________

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.