Thân thế thứ ba của đức giáo hoàng.

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350758?eng=y

Đó là tình trạng sống của đức Biển Đức XVI sau khi từ nhiệm. Ngài không còn là vị đại diện Chúa Kytô, nhưng ngài cũng không sống lại đời riêng tư nữa. Ngài là “pope emeritus- giáo hoàng về hưu,” và ngài hành xử trong tư cách đó: Đó là một canh tân vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo hội.

 

ROME, Mồng 7 tháng Tư năm 2014 – Tháng ngày càng dần qua, việc từ nhiệm của đức Biển Đức XVI càng biểu lộ một nét mới mẻ đặc biệt.

Có các giáo hoàng khác trước ngài đã từ nhiệm: Vị cuối cùng là Grêgoriô XII vào năm 1415. Nhưng đức Joseph Ratzinger là vị đầu tiên muốn mình được gọi là “pope emeritus – giáo hoàng về hưu” và tiếp tục mang áo trắng “trong khuôn viên đền thánh Phêrô,” khiến các nhà giáo luật chưng hửng và gây nên nỗi lo ngại có chuyện thiết lập chế độ “diarchy - nhị đầu” có hai giáo hoàng đứng đầu Giáo hội:

> Notice of Danger: A Church with Two Popes

Dĩ nhiên, đức Ratzinger không còn có những quyền lực của một vị giáo chủ Giáo hội toàn cầu: Ngài tự tước hết mọi quyền bính bằng cách thi hành lần cuối cùng và trong mức độ cao nhất quyền làm “đại diện Chúa Kytô.” Nhưng ngài không hề trở lại tình trạng trước khi làm giáo hoàng. Sau hai “thân thế” này, ngày nay, ngài mang một thân thế thứ ba chưa từng bao giờ có trong lịch sử Giáo hội. Đây là một “thân thế” mới, một hình thức sống mới ngài cho là có liên quan đến quyết tâm “vĩnh viễn” ngài đã hứa khi chấp nhận được bầu lên làm đấng kế vị Thánh Phêrô.

Đó là điều ngài đã giải thích trong buổi tiếp kiến chung lần cuối cùng ngày 27 tháng Hai năm 2013, hôm giáp ngày từ nhiệm chức vụ giáo hoàng:

Cho phép tôi trở lại một lần nữa về ngày 19 tháng Năm 2005. Tính cách nghiêm trọng thực sự của quyết định cũng do sự kiện là từ chính lúc ấy trở đi, tôi luôn luôn dấn thân vĩnh viễn cho Thiên Chúa. Luôn luôn – người nào nhận tác vụ Thánh Phêrô sẽ không còn điều gì là của riêng tư mình. Người đó luôn luôn hoàn toàn thuộc về tất cả mọi người, thuộc về toàn thể Giáo hội. Có thể nói, chiều kích riêng tư của đời sống người ấy đã hoàn toàn mất đi. […]

Luôn luôn” cũng có nghĩa là “vĩnh viễn” – không còn có thể trở về lại không gian tư riêng. Quyết định của tôi từ nhiệm không còn thi hành cách tích cực thừa tác vụ, không thu hồi lại không gian tư riêng này.Tôi không trở về lại sống đời riêng tư nữa, một cuộc sống đi du lịch, họp hành, tiếp khách, hội nghị , vân vân. Tôi không từ bỏ thánh giá, nhưng ở lại theo một cách mới bên cạnh Chúa bị đóng đinh. Tôi không còn mang quyền lực của nhiệm vụ cai quản Giáo hội, nhưng có thể nói là tôi vẫn còn tiếp tục phục vụ qua kinh nguyện, trong khuôn viên đền thánh Phêrô. Thánh Biển Đức, vị mà tôi mang thánh hiệu Giáo hoàng, sẽ là mẫu gương lớn cho tôi noi theo trong chuyện này. Ngài chỉ cho chúng ta thấy một lối sống, dù là tích cực hay tĩnh lặng, đều hoàn toàn dấn thân vào công trình của Thiên Chúa.

Nét mới trong hành vi đức Biển Đức XVI hôm nay đã được Valerio Gigliotti phơi bày ra ánh sáng trong một cuốn sách mới phát hành tại Ý. Ông là một giáo sư về Sử và Luật Âu Châu tại đại học Turin, và là một chuyên gia về tương quan giữa quốc gia và Giáo hội.

> V. Gigliotti, "La tiara deposta. La rinuncia al papato nella storia del diritto e della Chiesa", Leo S. Olschki Editore, Firenze, 2013, pp. XL-468, euro 48.00

Đây là lần đầu tiên một công trình uyên bác – nhưng cũng là một tác phẩm đọc rất lôi cuốn – đã phân tích việc từ nhiệm của ngôi giáo hoàng dưới quan điểm lịch sử, luật học, thần học, và văn chương, qua một khoảng lịch sử dài hai ngàn năm.

Cuốn sách bắt đầu với sự kiện được cho là những trường hợp giáo hoàng từ nhiệm đầu tiên. Một vài vụ xem chừng mang nhiều tính chất huyền thoại hơn là thật, nhưng lại nổi tiếng trong thời Trung Cổ.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc tái lập cách cặn kẽ những vụ từ nhiệm quan trọng, vụ từ nhiệm của đức Celestinô IV, được phong thánh năm 1313, đúng bẩy trăm năm trước “renuntiatio - vụ từ nhiệm” của đức Biển Đức XVI.

Sách tiếp tục với các vụ giáo hoàng từ nhiệm - đột xuất, hay được xếp đặt, hoặc bị áp đặt – trong khoảng thời gian có cuộc ly giáo lâu rồi ngắn hạn bên Tây phương, giữa các thế kỷ Mười Bốn và Mười Lăm, khi Giáo hội bị chia rẽ giữa các giáo hoàng và ngụy giáo hoàng.

Sách bàn đến việc bốn vị giáo hoàng của thế kỷ hai mươi đã nghiền ngẫm cái ý tưởng từ nhiệm nhưng rồi bỏ đi: các giáo hoàng Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô đệ Lục và Gioan Phaolô đệ Nhị.

Cuối cùng sách bàn đến cử chỉ trang trọng của đức Biển Đức XVI hoàn toàn nằm trong truyền thống nhưng cũng rất mới, mà giáo sư Gigliotti đã tóm kết như sau trong hôm trước ngày phát hành cuốn sách của mình, trong mội bài trên tờ "L'Osservatore Romano" hôm 28 tháng Hai, ngày kỷ niệm việc từ nhiệm tròn một năm:

Cuộc từ nhiệm của đức Biển Đức XVI đã hòa chung truyền thống với tân thời thành một viễn cảnh hoàn toàn mới, có rễ bắt nguồn từ phong trào thần bí trung cổ, từ Thầy Eckhart sang đến Sandaeus cho mãi đến kiểu mẫu từ bỏ của thánh Phanxicô.

Cái trực giác tài tình, nay đã trở thành cổ điển, của Kantorowicz về hai mặt, hai thân thế của con người vị giáo hoàng, vừa là người thường, vừa là đại diện Chúa Kytô, ngày nay, qua việc đức Biển Đức XVI từ nhiệm, được phong phú thêm một yếu tố thứ ba, đó là việc tiếp tục phục vụ Giáo hội sau hành vi từ nhiệm. Không còn phải là một thân thế chính trị hay thần bí của vị giáo hoàng, nhưng là một thân thế thừa tác chỉ bắt đầu có căn tính và bổn phận vào chính lúc từ nhiệm: đó chính là ba thân thế của giáo hoàng.

Quyết định của đức Joseph Ratzinger muốn ở “gần Chúa, trong khuôn viên đền thờ thánh Phêrô” trong khả năng của “vị giáo chủ Roma về hưu” đã hợp thực hóa một hình thái mới về phương diện giáo luật và giáo hội học của việc “renuntiatio papae - giáo hoàng từ nhiệm.”

Đây là việc khai sinh một tính thừa tác có thực và riêng biệt, nơi khuôn mẫu một giáo hoàng mang những nét của một hướng thần bí đích thực có tính phục vụ. Nhãn quan này, nếu người ta quan sát kỹ, có chiều kích Kytô trước khi mang tính lịch sử và luật lệ. Đây là việc tái tạo trong cơ chế của ‘kènosis – tình trạng tuyệt diệt.” tính mới mẻ trong liên tục, một khởi đầu mới.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin cuối cùng trong tư cách giáo hoàng hôm 24 tháng Hai năm 2013, nhằm Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay, khi suy niệm về bài Phúc âm Chúa Hiển Dung, đức Biển Đức XVI so sánh cuộc đời tương lai đang chờ ngài sau khi từ nhiệm với việc “leo lên núi”:

Anh Chị Em thân mến, tôi nghe như Chúa nói lời này với tôi, đặc biệt vào thời điểm này trong đời tôi. Chúa đang kêu gọi tôi “leo lên núi”, để hiến dâng chính mình nhiều hơn nữa cho kinh nguyện và suy niệm. Nhưng việc đó không có nghĩa là bỏ bê Giáo hội, mà thật ra, nếu Chúa kêu gọi tôi làm việc này, là chính vì để tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo Hội với cùng một lòng hăng say và yêu mến như tôi đã từng làm cho đến bây giờ, có điều theo một cách thích hợp hơn với tuổi tác và sức lực của tôi.”

Trên Núi Tabor, Chúa Giêsu đề cập đến cuộc “xuất hành” của ngài với Môsê và Elijah. Ngài cũng nói với Phêrô và hai môn đệ khác Ngài dẫn theo mình.

Và đối với đức giáo hoàng về hưu Ratzinger cũng vậy, bây giờ không chỉ là thời điểm chiêm niệm, mà là đối thoại. Vị kế nhiệm Phanxicô đã khẳng định điều này: sự “khôn ngoan” và “cố vấn” của vị giáo hoàng về hưu – ngài cho biết trong cuộc phỏng vấn mới đây – “đem lại sức mạnh cho gia đình” Giáo hội .

Trong vài trường hợp, đức Biển Đức XVI đã bộc bạch cho mọi người biết. Ví dụ, qua một vài trang rực rỡ ngài đã rọi sáng trên triều giáo hoàng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị, mà ngài cho biết đến nay ngài vẫn còn học hỏi và nghiền ngẫm :

> The Pope Emeritus Prays, But Also Advises. Here's How

 

Ở trường hợp khác, ngài cố vấn cho vị kế nhiệm trong những điều kín đáo. Ví dụ sau khi công bố bài phỏng vấn vào muà hè với đức Phanxicô trên tờ “La Civiltà Cattolica.”

Đức Jorge Mario Bergoglio đã gửi cho đức Ratzinger một bản sao bài phỏng vấn và xin ngài ghi xuống vài nhận xét vào khoảng trống giữa đầu đề và bản văn.

Nhưng đức giáo hoàng về hưu còn làm nhiều hơn thế, ngài viết đầy bốn tờ giấy và gửi lại cho đức Phanxicô, quá dài nếu chỉ là ghi xuống những lời khen.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 15 tháng Ba vừa qua với kênh truyền hình ZDF của Đức, tổng giám mục Georg Gänswein, quản gia và thư ký cho vị giáo hoàng về hưu, đã nói:

Đức Biển Đức XVI đã nhận lời yêu cầu của vị kế nhiệm, đưa ra một vài suy tư và nhận xét về những nhận xét đặc biệt hay về các vấn đề mà ngài tin là có thể khai triển rộng hơn sau này vào một dịp khác. Đương nhiên tôi không nói cho quý vị biết về vấn đề gì.

 

Dĩ nhiên, với việc từ nhiệm của đức Ratzinger, hình ảnh của vị giáo hoàng về hưu đã đi vào lịch sử lần đầu tiên. Và ngày qua ngày, hình ảnh này vẫn tiếp tục “làm nên” lịch sử, trong một tương quan biện chứng chưa từng có với đức giáo hoàng đương nhiệm.

 

_________

 

 

 

Bản dịch lời tuyên bố từ nhiệm ngôi giao hoàng bằng tiếng Latinh của đức Biển Đức XVI nói hôm 11 tháng Hai năm 2013:

> Declaratio

Và lời đức Biển Đức XVI giải thích việc từ nhiệm trong buổi triều yết chung cuối cùng trong tư cách giáo hoàng hôm 27 tháng Hai:

> "I thank all of you…"

__________

 

 

Tháng Hai vừa qua, nhân kỷ niệm giáp năm đức Biển Đức XVI từ nhiệm ngôi giáo hoàng, nhà báo và văn sĩ Antonio Socci - người đã từng tiên đoán việc từ nhiệm này từ năm 2011 bằng một tiên kiến thấu suốt đáng kinh ngạc - đã nêu lên vài vấn đề liên quan đến việc đồng hiện hữu của hai vị giáo hoàng, về vai trò thực tiễn của vị giáo hoàng về hưu, và về ý nghĩa của quyết định ngài đã chọn .

Sau chuyện này, trang mạng "Vatican Insider-La Stampa" đã đặt các câu hỏi với đức Biển Đức XVI, và nhận được các câu trả lời. Trang này đã đăng các kết quả lên đây:

> Ratzinger: “My resignation is valid. Speculations are simply absurd”
 

Nhưng không giải quyết hết các vấn đề do Socci nêu lên, trong bốn bài viết ngài dành cho chuyện này:

> I due papi e noi. Cosa sta veramente accadendo nella Chiesa (16.2.2014)

> Due papi in San Pietro. I perché di un evento mai visto in duemila anni (23.2.2014)

> Ora il mistero è ancora più fitto. Ratzinger e "La Stampa". Le mie domande senza risposta (26.2.2014)

> Ecco la risposta seria di Ratzinger, tramite don Georg (2.3.2014)
 

 

__________

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.