Niềm Vui và Nỗi Sầu của Huấn Quyền đức Phanxicô

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350762?eng=y

Một thần học gia người Úc giải thích điểm mới trong phương pháp của tông huấn “Evangelii Gaudium.” Nhưng người ta không luôn luôn giải thích đúng đắn tư tưởng của đức giáo hoàng. Kể cả giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica.” Trường hợp rửa tội mang tính biểu tượng tại Cordoba\

 

ROME, ngày 15 tháng Tư năm 2014 – Hôm đầu tháng Tư này, các vị đứng đầu các bộ trong giáo triều Roma được triệu tập lại, để đức giáo hoàng Phanxicô muốn nghe chỉ một điều từ báo cáo của các ngài. Điều ấy được tóm gọn trong thông báo chính thức như sau: “các suy nghĩ và phản ứng của các bộ về tông huấn ‘Evangelii Gaudium’, và các viễn tượng để thực hiện nó.”

Như thế bây giờ, sự kiện tông huấn “Evangelii Gaudium” cốt yếu là chương trình hành động của triều giáo hoàng đức Jorge Mario Bergoglio đã thành hiển nhiên, không còn chút nghi ngờ nào!

Nhưng cũng chính vì lý do đó mà việc hiểu tông huấn ấy là điều rất quan trọng. Mà đồng thời cũng là chuyện rất khó khăn. Vì hình thức tông huấn “Evangelii Gaudium” được viết ra không hề đi theo quy củ cổ điển của huấn quyền Giáo Hội. Nó chỉ như một bài diễn văn thường ngày đọc cho công chúng của đức giáo hoàng Phanxicô.

Trong bài phân tích được độc quyền công bố dưới đây, Paul-Anthony McGavin cho rằng đức Phanxicô tránh né các điều trừu tượng, ngăn cấm điều McGavin gọi là “tam đoan luận lạnh lùng,” và thay vì thế, đức Phanxicô thích lối suy nghĩ và hành động theo lối “toàn bộ” hay bao quát trọn vẹn. Và McGavin chứng minh cho thấy chính xác đấy là điều mới mẻ của phương pháp trong “Evangelii Gaudium.

McGavin là một linh mục, người Úc, đã 70 tuổi, thuộc giáo phận Canberra và Goulburn. Ngài là giáo sĩ phụ tá tại đại học Canberra. Vào năm 2010, ngài công bố trên tờ “L’Osservatore Romano” môt bài chú giải vừa bao quát vừa cặn kẽ về thông điệp “Caritas in Veritate” của đức Biển Đức XVI.

Nơi giáo hoàng Phanxicô – McGavin viết – “chúng ta gặp một bộ óc đi sát với kinh nghiệm mục vụ … kết hợp những hoàn cảnh cụ thể vào trong một lối hiểu có cơ cấu và nền tảng về Phúc Âm.”

Nhưng chính McGavin cũng công nhận rằng cái não trạng “không phân mảnh” này khiến đức giáo hoàng dễ gặp những nguy cơ hiểu lầm trầm trọng. Đặc biệt khi một vài điều ngài phát biểu được giới truyền thông coi chúng là những châm ngôn và biến chúng thành những từ khoá để giải thích triều giáo hoàng đương kim.

Hai ví dụ mới đây minh chứng cho chuyện hiểu lầm này.


*

 

Trong vòng 36 tiếng đồng hồ, từ thứ Năm ngày mồng 10 đến thứ Sáu ngày 11 tháng Tư, đức giáo hoàng Phanxicô đã– và đây không phải là lần đầu tiên - buông ra lời chống lại “tính độc tài của lề lối suy nghĩ duy nhất” nhằm loại trừ “nền tự do của các quốc gia, sự tự do của dân chúng, và tự do của lương tâm.

Rồi ngài mạnh mẽ bảo vệ “quyền các trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ, trong tương quan với nam tính và nữ tính của một người cha và một người mẹ, và như thế được chuẩn bị sẵn sàng để trưởng thành về mặt tình cảm.”

Sau đó ngài trình bày những quan điểm nghiêm khắc hơn về “những quái gở của chuyện thao túng trong giáo dục” , “lấy cớ hiện đại hoá để thúc đẩy trẻ em và người trẻ đi theo con đường độc tài của một lề lối suy nghĩ duy nhất.” Và ngài thêm lời làm chứng của “một nhà giáo vĩ đại” đã tâm sự với ngài mấy hôm trước, khi bàn về những kế hoạch cụ thể của việc giáo dục: “Đôi khi người ta không biết với các kế hoạch ấy, người ta gửi các em tới học đường hay tới trại cải huấn.”

Và cuối cùng, ngài lập lại lời chống đối chuyện giết tất cả các “thai nhi chưa sinh ra còn nằm trong lòng mẹ,” khi trích dẫn lại lời kết án của Công Đồng Vatican đệ Nhị: “Phá thai và giết hại trẻ em là những tội ác kinh hoàng.”

Những nhắc nhớ đến các biến cố, các lề luật, các phán quyết toà án, các chiến dịch vận động ý kiến được gán cho các ý thức hệ về “giới tính”, trên tin tức báo chí mới đây tại Ý, tại Pháp, và các nước khác, đã quá rõ ràng trong lời lẽ của đức giáo hoàng Phanxicô.

Nhưng trong giới truyền thông nói chung, lời cảnh báo của ngài hầu như chẳng hề có tác động gì. Cứ như đấy chỉ là những lời trừu tượng suông, không chút ảnh hưởng gì trên thực tế, và rất xa lạ với bất cứ phê phán nào. Vì bây giờ, cái chìa khoá để cắt nghĩa mọi chuyện, - theo lời tường thuật của báo chí về đức giáo hoàng Phanxicô –sẽ là câu “tôi là ai mà xét đoán?” đức giáo hoàng nói ra lần đầu tiên trong buổi họp báo trên chuyến bay trở về từ Rio de Janerio, và lần thứ hai trong cuôc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica,” liên quan đến người đồng tính “có thiện chí và đang tìm kiếm Thiên Chúa.”

 

*

 

Ví dụ thứ hai cho thấy cách lạm dụng và vặn vẹo câu nói “tôi là ai mà xét đoán?” cũng đã len chân vào trong Giáo hội, đến tận cả một vài vị lẽ ra phải là những người giải thích đáng tin cậy lối suy nghĩ của đức giáo hoàng Phanxicô.

Hôm mồng Một tháng Tư, trong một hội nghị đông người tham dự tại Roma, vị giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica”, và là người phỏng vấn đức giáo hoàng, cha Antonio Spadaro, đã phát biểu:

Nếu không phải là đức giáo hoàng Phanxicô, hẳn sẽ không dễ gì mà rửa tội cho một bé gái sinh ra từ một cặp đồng tính nữ.”

Vị linh mục dòng Tên muốn nhắc đến việc rửa tội được ầm ĩ thông báo, và thực hiện hôm mồng Năm thángTư tại Achentina, ở nhà thờ chính toà Cordoba, cho một bé gái của một phụ nữ, kết hôn dân sự với một phụ nữ khác, cả hai đều hiện diện trong nghi thức rửa tội với tư cách là “mẹ,” và có nữ tổng thống Cristina Kirchner làm “mẹ đỡ đầu.”

Nhưng nếu việc này, theo cha Spadaro, là tin tức tốt đẹp được đức giáo hoàng Phanxicô cổ vũ, thời phải nói chuyện này chẳng có gì là mới, mà đúng ra chỉ là một tập tục rất lâu đời và cổ truyền trong việc rửa tội một bé gái sơ sinh, bất kể em được sinh ra đời như thế nào. Chỉ có một ít chiều hướng Công giáo cấp tiến và chống lại thuyết Constantinô mới chống lại tập tục lâu đời rửa tội cho ấu nhi.

Nhưng những điều mới lạ, đối với Giáo hội, nằm ở các chi tiết khác của nghi thức rửa tội tại Cordoba. Nơi mà mọi chuyện, từ cái “gia đình” bất thường có hai “bà mẹ,” cho đến “mẹ đỡ đầu” Kirchner, là người cật lực ủng hộ lề luật cho phép hai người bà mẹ “kết hôn với nhau,” cho đến người bố đẻ dấu mặt của bé gái sơ sinh - tất cả những điều này nói lên sự nô lệ hoàn toàn vào “một lề lối suy nghĩ duy nhất” mà đức giáo hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ chống lại .

 

 

_________

 

 

CÓ GÌ MỚI TRONG “EVANGELII GAUDIUM”?

Bài của Paul-Anthyony McGavin

 

Đức giáo hoàng Phanxicô đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông vì các nhận xét ngắn gọn và các cuộc phỏng vấn kiểu đăng trên tạp chí. Báo chí bình dân đã hết lời ca tụng các nhận xét của ngài, họ nghe được điều họ muốn nghe, quảng bá điều họ muốn nghe, mà lại chẳng chịu nghe điệp khúc của ngài: “Tôi là một người con của Giáo Hội.”

Evangelii Gaudium” là tuyên bố đầu tiên được khai triển và chau chuốt văn chương, bao gồm hầu hết những gì đức Thánh Cha đã từng nói miệng. Điều tôi muốn trình bày là cái mới trong “Evangelii Gaudium” chính là cái mà tôi gọi là phương pháp, lề lối suy nghĩ và cách lý luận.

Đức giáo hoàng Phanxicô không tỏ mình ra như một học giả, và các nhận xét ngắn gọn của ngài mang tính đơn giản của đối thoại, thường được nói ra trong một thứ ngôn ngữ không bóng bẩy. Tuy vậy điều trở thành hiển nhiên trong “Evangelii Gaudium” là ngài trí thức cách tinh tế. Cách ngài suy nghĩ rất tinh vi, và ngài có môt cách thức cá biệt hay một phương pháp luận có thể gặp thấy trong “Evangelii Gaudium.” Cách thức này không mới. Nhưng cái mới của nó là tính đơn giản và nét rõ ràng trong các phát biểu.

Tuy nhiên điều trớ trêu là cách thức của ngài vừa đơn giản lại vừa phức tạp.

Cách thức này đơn giản vì nói thẳng thừng. Cách thức này đơn giản vì liên tục nêu lên những hoàn cảnh cụ thể, thay vì nêu lên những điều trừu tượng bao quát hết mọi tình huống hay nhiều tình huống khác nhau.

Cách thức này phức tạp vì nó nằm trong một mạng lưới chồng chéo những hiểu biết. Thật ra, những nhận xét ngắn gọn người ta thường trích dẫn của đức giáo hoàng, đều nằm trong một bộ óc thấy ra được cả một mạng lưới chằng chịt các hiểu biết, chứ không chỉ là những viễn cảnh đơn giản chỉ nại đến một não trạng chúng ta thường thấy trong một luận lý tam đoạn. Đức giáo hoàng Phanxicô là một nhà suy tư hệ thống.

Nói “nhà suy tư hệ thống” xem ra là nói khó hiểu, trong khi đức giáo hoàng Phanxicô không phải là một người khó hiểu. Dùng một thành ngữ khác, đức giáo hoàng Phanxicô có khuynh hướng suy tư “bao quát trọn vẹn.” Ngài có khuynh hướng đặt các vấn đề đang giải quyết trong viễn cảnh một hiểu biết toàn bộ về công cuộc của Thiên Chúa trong Chúa Kytô (Tin Mừng, “Evangelium”), và cái “hiểu biết toàn bộ” này lại nằm trong tính đa đạng của các hoàn cảnh nó gợi lên. Nghĩa là trong những hoàn cảnh cụ thể ngài đang suy xét về việc chấp nhận và sống điều Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong Giáo hội. Tư tưởng của ngài luôn luôn được định vị trong mục vụ hơn là cách trừu tượng. Tuy nhiên, ngài nhìn và suy nghĩ qua những vấn đề khiến ngài chú mục một cách toàn cảnh, đó mới là điều phức tạp.

Chúng ta hãy xét tới một ví dụ rút ra từ “Evangelii Gaudium”:

Còn có một sự căng thẳng liên tục giữa ý tưởng và thực tại. Thực tại chỉ đơn thuần “hiện hữu sẵn,” còn ý tưởng phải được “nghiền ngẫm ra”. Cần phải đối thoại liên tục giữa cả hai, nếu không ý tưởng bị tách rời khỏi thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ sống trong lãnh vực của lời nói mà thôi…. Do đó cần phải đưa ra một nguyên tắc thứ ba: thực tại rộng lớn hơn ý tưởng. Sự kiện này đòi hỏi loại bỏ các phương thức che dấu thực tại: dạng thức thiên thần của trong sạch, tính độc tài của thuyết tương đối, tài hùng biện trống rỗng, các mục tiêu nhiều lý tưởng hơn là thực tế, các nhánh của chủ nghĩa duy chính thống phi lịch sử, những hệ thống luân lý thiếu vắng khôn ngoan.” (số 231)

Người ta có thể khoan nêu ra một danh sách xem ra khá nhiều các ví dụ để kết thúc phần trích dẫn này, một danh sách đa dạng bao gồm những điều khiến hầu hết các độc giá thốt lên “Ui chà.” Thay vì thế, chúng ta nên lưu ý chú mục vào sự phân biệt giữa các ý tưởng và thực tại.

Đức giáo hoàng đề nghị rằng ý tưởng được xây dựng nên hay “nghiền ngẫm ra” trong khi thực tại chỉ “hiện hữu sẵn.” Nói cách chặt chẽ, chuyện phân đôi này của ngài có thể bị đặt thành vấn đề, vì chủ thể phải chú mục nhận thức mình vào các “thực tại”, phải dấn thân vào một tri thức luận nhằm tạo ra được một dạng thức trong đầu óc mình về một điều gì đó gọi là ý, về “các ý tưởng”. Nhưng chuyện đưa các vấn đề thuần túy triết học và tâm lý như thế vào đây, có thể đẩy chúng ta đi xa với tâm điểm đức giáo hoàng đang nói đến.

Điểm ngài chú mục vào là có căng thẳng giữa thế giới các ý niệm và thế giới thực tại, và căng thẳng này đòi chúng ta phải đối thoại. Đây là một ví dụ cho điều tôi đã từng gọi là vừa đơn giản vừa phức tạp. Người ta có thể dễ dàng hiểu được rằng thường có phân cách giữa thế giới các ý tưởng và thế giới các thực tại. Đây là một mệnh đề đơn giản. Nhưng khi người ta chọn lấy viễn cảnh này, nó dẫn đến phức tạp. Đây có thể là phức tạp về xung khắc, hay về con đường dẫn đến giải pháp. Đức giáo hoàng đề nghị giải pháp, ngài đề nghị đối thoại, một cuộc đối thoại tiêu biểu là phức tạp và nằm trong bối cảnh văn hóa.

Hãy thử nghĩ xem phức tạp biết bao để điều chỉnh quan điểm của môt người đã xây dựng một nền khổ hạnh mà lại không nhập thể (“angelicism - thuyết người ta sống như thiên thần”), hay điều chỉnh quan điểm của một người cho rằng toàn bộ trật tự luân lý được con người tự định nghĩa (“tính độc tài của tương đối thuyết”); hay điều chỉnh quan điểm của một người có quan điểm đứng ngoài các hiểu biết lịch sử về Quan Phòng Thiên Chúa trong thế gíới (một “phiên bản phi lịch sử của Kytô giáo”), Đấy là chỉ nêu lên ba ví dụ của đức giáo hoàng.

Đức giáo hoàng đã xuống đứng về phe của “các thực tại”, khi nói rằng “thực tại rộng lớn hơn ý tưởng”. Việc này xem ra không phù hợp với chuyện ngài nhấn mạnh trên sự căng thẳng và trên việc đối thoại. Nhưng thực sự đấy không phải là một xuất phát từ các điểm căng thẳng và đối thoại. Mà đấy là tiếp cận thực hiện bắt đầu từ Tin Mừng, vì Tin Mừng từng bén rễ đầu tiên từ “các thực tại”, chứ không từ “các ý tưởng”.

Trước tiênTin Mừng liên quan đến “các thực tại” – các sự kiện - của việc Thiên Chúa chúng ta nhập thể, cuộc đời trần thế của Ngài, cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời của ngài. Nghĩa là, trước tiên, Tin Mừng liên quan đến các sự kiện của các hành vi Thiên Chúa làm nơi Đức Kytô. Thoạt tiên, câu “Ngài đã Sống Lại!” không phải là lời công bố một ý tưởng, nhưng là công bố một sự kiện, một sự kiện từng được trải qua ( số 7, trích dẫn “Deus Caritas est,” 217). Tin Mừng được công bố dựa trên các “mục chứng: Nghĩa là điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến liên quan đến Lời sự sống” (1 Ga 1:1) . Sức mạnh lạ lùng của tư tưởng Kytô giáo là nói lên các thực tại của các hành vi lịch sử như các mục chứng đã thấy.

 

 

 

 

....Còn tiếp...

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.