Đức Phanxicô có thư ký mới, nói tiếng Ả Rập

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350773?eng=y

Và cũng hay bút chiến với Hồi giáo. Ngài là Yoannis Lahzi Gaid, người Ai cập. Một lời phê bình của hồng y Kasper nhắm vào giáo hoàng. Hai vụ trở về lại bộ tu sĩ bất ngờ.

 

VATICAN CITY, ngày 23 tháng Tư năm 2014 – Đức giáo hoàng Phanxicô có một thư ký riêng mới. Tên ngài là Yoannis Lahzi Gaid. Ngài là một linh mục người Hy lạp, thuộc nghi lễ Coptic, và là thành viên phục vụ trong ngoại giao đoàn của Vatican. Một khuôn mặt có một lý lịch bất thường. Trong quá khứ, ngài là tác giả của những phát biểu mang tính phê bình về Hồi giáo.

Gaid thay thế Alfred Xuereb, người đảo Malte. Vị này là người đức giáo hoàng thừa hưởng từ đức Biển Đức XVI từ một năm nay, và bây giờ được bổ nhiệm vào chức vụ giám chức thư ký cho kinh tế vụ mới thành lập. Ngài cũng nhập với thư ký riêng khác của đức giáo hoàng, Fabian Pedacchio Leániz, người Achentina. Vị này cũng giữ nguyên vai trò mình trong văn phòng của bộ Giám Mục.

Xét chung, việc chọn Gaid, làm thư ký riêng, không phải là một việc bổ nhiệm theo thủ tục, vì vậy không được công bố công khai cách chính thức. Nhưng tin này được trang mạng Vatican Insider tiết lộ trong tuần qua.

Sinh năm 1975, Gaid theo học tại giáo hoàng học viện giáo sĩ và vào năm 2007, ngài vào ngành ngoại giao của Toà Thánh. Ban đầu ngài được bổ nhiệm làm khân sứ tại Brazzaville, ở Congo. Ngài ở đó ba năm. Tháng Ba năm 2010, ngài chuyển về làm khâm sứ tại Iraq và Jordan. Nhưng thời gian ngài ở tại đây rất ngắn. Thật vậy, tháng Bẩy năm 2011, ngài được bổ làm khâm sứ tại Tân Đềli. Nhưng trước khi ngài kịp chuyển sang Ấn độ, ngài được giữ lại làm đệ nhất thư ký cho quốc vụ khanh, trong một văn phòng không mấy quan trọng, văn phòng phát bằng tưởng lệ danh dự, vốn thường được giao cho nhân viên không trong ngành ngoại giao.

Nhưng đức Phanxicô có thể trân quý ngài, cho ngài làm hàng xóm, sống phòng bên cạnh trong cư xá Santa Marta, và làm thông dịch viên khi gặp gỡ những vị khách nói tiếng Ả Rập. Gaid còn là vị giáo chức ngỏ lời chào mừng bằng ngôn ngữ kinh Coran trong các buổi triều yết chung vào thứ Tư.

Những người ngưỡng mộ vị tân thư ký của đức giáo hoàng có cả bạn ngài là Magdi Cristiano Allam, người Ai Cập, một nhà báo và nhà văn Hồi giáo, sau trở lại Kytô giáo và được đức Biển Đức XVI rửa tội tại đền thờ thánh Phêrô hôm 22 tháng Ba năm 2008. Từ ít lâu nay, ông phê bình gay gắt một Giáo hội, theo ý ông, đã tỏ ra quá nhún nhường với Hồi giáo.

Trong cuốn sách "Grazie Gesù. La mia conversione dall’Islam al cattolicesimo, - Cám ơn Chúa Giêsu. Việc tôi hoán cải từ Hồi giáo sang Công giáo" do nhà xuất bản Mondadori ấn hành vào năm ông rửa tội, Allam viết về Gaid như sau:

Đặc biệt cần phải nhắc đến cha Yoannis Lahzi Gaid, vì những năm phó xứ Santa Domitilla tại Latina, và hiện thời là thư ký toà khâm sứ tại Congo-Brazzaville. Tôi gặp ngài tại Roma sau nhiều năm ngài bày tỏ tình bạn và tình liên đới dành cho tôi. Vì ngài am tường sâu xa về thực trạng Hồi giáo như hiện đang có trong đầu óc và tâm hồn đa số người Hồi giáo, chứ không như được dựng lên do một vài người làm ra vẻ bí ẩn và vờ vĩnh đang cười nhạo vào sự ngu dốt, ngây thơ, đầy tình cảm và cấu kết đầy ý thức hệ của Tây Phương. Cha Yoannis hoàn toàn chia xẻ quan điểm của tôi về Hồi giáo, và gần gũi với tôi như một người anh em và một Kytô hữu, trong thời gian những cơn bão lửa giới truyền thông đã cố ý dàn dựng đạt đến cao điểm, sau khi tôi trở lại đạo, nhằm làm mất uy tín và thóa mạ tôi.”

Về điểm này, Allam trích dẫn cuộc phỏng vấn ngày 31 tháng Ba năm 2008. Lúc đó cha Gaid đã nói:

Tôi luôn luôn muốn giữ tình bằng hữu với những ai tôn trọng tín ngưỡng của người khác mà không sợ phải nói ra sự thật hay phải nhấn mạnh rằng Kytô giáo là lời mời gọi đến tự do. Và khi Magdi hỏi tôi về các người Công giáo theo nghi lễ Copt tại Ai Cập, tôi không dấu diếm những khó khăn vô bờ bến các Kytô hữu phải trải qua tại nơi mà đa số là người Hồi giáo. Một khó khăn không đến từ một vài người chính thống cực đoan, nhưng từ một nền văn hoá của sự chết và của bạo lực dưạ trên những mệnh đề rất rành mạch nêu lên và kêu gọi bạo lực và thánh chiến, kêu gọi sát hại tất cả những ai khác mình, giết chết tự do lương tâm. Suy nghĩ khác đi là đã đủ để lãnh án tử.

Lại nữa, vào năm 2010, sau cuộc thảm sát dịp Nguyên Đán tại nhà thờ Các Thánh ở Alexandria, Ai Cập, cha Gaid đã công khai phản biện những công bố của vị giáo sĩ Hồi giáo đền Al-Azhar, người đã kết án những phát biểu của đức Biển Đức XVI trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm mồng 2 tháng Hai, như là can thiệp vào chuyện nội bộ của Ai Cập. Lời phát biểu đánh dấu việc bên Ai Cập đơn phương phá vỡ cuộc đối thoại giữa Al-Azhar và Vatican, chỉ được cẩn thận phục hồi mới đây.

Cha Gaid trình bày rằng lời phê bình này rõ ràng không nằm trong khả năng của ngài trong tư cách một nhà ngoại giao Toà Thánh, nhưng chỉ nhân danh chính mình trên trang mạng của Giáo Hội Công giáo tại Alexandria, Ai Cập, một bài phê bình được các phương tiện truyền thông khác đăng tải trên khắp thế giới:

> La risposta di un sacerdote copto al Grande Imam di Al-Azhar

Cũng như vị thư ký đồng nghiệp, Pedacchio Leániz, cha Gaid cũng tiếp tục làm việc trong chức vụ ngài đang giữ cho đến nay. Như khẳng định mới đây, cho rằng, trong chuyện này, đức Phanxicô đang trở về lại thời của đức Piô XII, các thư ký riêng của đức giáo hoàng không còn đóng vai trò quan trọng như trong các triều giáo hoàng mới đây nữa, từ đức Gioan XXIII đến đức Biển Đức XVI.

 

*

 

Liên quan đến văn phòng phát bằng tưởng lệ này mà vị tân thư ký của đức giáo hoàng vẫn tiếp tục làm việc, cần phải ghi nhận rằng với đức giáo hoàng Phanxicô, công việc của văn phòng này đã giảm đáng kể.

Nhưng không vì vậy mà công việc ngừng hẳn. Bằng chứng cho điều này nằm trong số mới nhất tờ “Acta Apostolicae Sedis,” công báo chính thức của Toà Thánh, trong đó công bố tên của những người được Vatican tưởng lệ trong triều giáo hoàng này.

Giáo dân được tưởng thưởng rất nhiều: Hơn 140 nam và hơn 20 nữ, Nêu tên trên danh sách có các cựu đại sứ và ngoại giáo, các phòng vệ Thụy sĩ và cảnh vệ của đức giáo hoàng, các ân nhân nam nữ, và cả các chính trị gia, như nhà dân chủ Kytô giáo người Ý, Luca Volonté, được tuyên dương và tấm bằng Tưởng Lệ của Hiệp Hội Thánh Grêgrôriô cả, như thành viên của Đảng Lao Động Úc Ronald Joseph Mulock, cũng được tuyên dương nhưnjg không có tấm bằng.

Tuy nhiên có ít giáo sĩ hơn. Và tất cả đều làm việc trong giáo triều Roma và trong công tác ngoại giao. Như thế là theo đúng những giới hạn của đức giáo hoàng mới ban ra, mà đài phát thanh Vatican loan báo vào tháng Giêng vừa rồi :

> Vatican Diary / The pope gives, the pope takes away

 

Nhằm so sánh, vào những tháng cuối cùng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị, có hơn hai trăm giáo sĩ được ban tước đức ông. Và nhiều hơn thế nữa được tưởng thưởng vào giai đoạn cuối cùng của triều đức Joseph Ratzinger, với những vụ bổ nhiệm vào tận ngày 25 tháng Hai năm 2013, hầu như vào đúng ngày từ nhiệm giáo hoàng của ngài.

Được ghi lại trong hồ sơ, tước "supernumerary apostolic protonotaries - đệ nhất lục sự danh dự Toà Thánh" cuối cùng được phong trong triều giáo hoàng đức Biển Đức XVI, ghi ngày 22 tháng Hai, dành cho Harry Entwistle, người Úc. Từ năm 2012, ông điều hành văn phòng địa phương dành cho người Anh Giáo muốn trở lại Công giáo, và P. Edward Sadie thuộc địa phận Wheeling-Charleston bên Mỹ, và Luigi Cerchiaro, nhân viên giáo triều, đến từ Vicenza.

Trong khi các “giáo chức danh dự” cuối cùng là hai linh mục người Phi (Albert Corralejo Sonico và Ruben Dina Espeno), một người Đức thuộc hàng giáo phẩm [Bamberg] (Georg Kestel), hai người Ý thuộc địa phận Piazza Armerina (Rosario La Delfa và Vincenzo Murgano), một người Hung thuộc địa phận Alba Iulia (Ferenc Potyo), và viên phó thư ký của văn phòng hai phủ quốc vụ khanh, Antoine Camilleri, người đảo Malte.

Tuy nhiên, tính cho đến ngày 30 tháng Chín năm 2013, đức giáo hoàng Phanxicô chỉ phong duy nhất một vị giáo chức danh dự (Vincenzo Francia địa phận Puglia, một nhân viên trong bộ phong thánh) và đúng năm vị làm tuyên uý cho Ngài: hai nhà ngoại giao (Andrea Francia, người Ý, và Simon Kassas, dòng OLM) và ba nhân viên giáo triều (José Jaime Brosel Gavila, người Tây Ban nha; Zvonimir Sersic, người Tiệp; và Albert P. Warso, người Balan).

 

*

 

Đức giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio không ngừng bày tỏ lòng ngưỡng mộ thần học của hồng y Walter Kasper, và không phải vì tình cờ mà ngài chọn Kasper làm diễn giả duy nhất trong mật nghị hồng y vừa qua, công khai ca tụng ngài về bài nói chuyện của ngài nhân danh việc người ly dị và tái hôn rước lễ.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn, vị hồng y người Đức, đã phát biểu đôi điều hoàn toàn không thích hợp với động thái của đức giáo hoàng đương nhiệm:

Giám mục là một mục tử. Việc tấn phong giám mục không phải là một dấu hiệu danh dự, mà đó là một bí tích. Nó liên quan đến cơ cấu bí tích của Giáo hội. Vậy tại sao một giám mục lại bị đòi hỏi phải làm những công việc bàn giấy? Theo quan điểm của tôi, việc này có nguy cơ là một lạm dụng đối với bí tích. Kể cả hồng y Ottaviani, vị thư ký lẫy lừng của Bộ Giáo lý đức tin, đâu phải là một giám mục. Sau này ngài mới trở thành giám mục, do đức Gioan XXIII tấn phong.”

Quả vậy, chỉ với giáo hoàng Angelo Roncalli, mới có tập tục nâng lên hàng giám mục các chức sắc trong giáo triều. Các vị này, mãi đến thời đức Piô XII, vẫn chưa được ban cho như thế.

Và tập tục này cứ tiếp diễn mãi qua các triều giáo hoàng kế tiếp, kể cả đương triều.

Thật vậy, năm ngoái, đức Phanxicô đã nâng lên hàng giám mục hai giáo sĩ giữ các nhiệm vụ tự nó không cần đến chức giám mục: Fernando Vérgez Alzaga, vị tổng thư ký của tông phủ, và Victor Manuel Fernández, viện trưởng viện đại học Công giáo tại Buenos Aires.

Thêm vào hai vị này, cả sau cuộc phỏng vấn trong đó Kasper lên tiếng chống lại “việc lạm dụng các bí tích,” đức Phanxicô còn phong giám mục cho một vị thứ ba, đức ông Fabio Fabene, tân phó thư ký của thượng hội đồng giám mục.

 

*

 

Trong tuần tới, sẽ có cuộc họp khoáng đại lần thứ tư của hội đồng tám vị hồng y được đức Phanxicô chọn làm cố vấn giúp ngài điều hành Giáo hội và cải tổ giáo triều.

Từ nay đến lúc đó, đức giáo hoàng Bergoglio đã đưa ra sự xác nhận người đứng đầu và các thành viên của bộ tu sĩ và các hội đồng giáo hoàng về văn hóa và đối thoại liên tôn.

Về bộ tu sĩ, đức giáo hoàng đã củng cố bằng cách thêm các thành viên mới, gồm cả hồng y và giám mục.

Trong số các giám mục, chuyện kỳ lạ nhất là việc thêm Gianfranco A. Gardin, dòng Phanxicô, tổng giám mục Treviso từ tháng Mười Hai năm 2009, và Joseph W. Tobin , dòng Chúa Cứu Thế Mỹ, tổng giám mục Indianapolis từ tháng Mười năm 2012.

Cả hai đều từng là thư ký của bộ này, nhưng không hết nhiệm kỳ năm năm của chức vụ, vì nhiều lý do khác nhau, vì thuyên chuyển sang điạ phận khác, không phải là những địa phận hàng đầu.

Về vị đầu tiên, Gardin, người ta nói rằng ngài đã xung đột với các Sơ Biển Đức lúc đó sống trong tu viện Mater Ecclesiae tại Vatican, mà ngài cho là quá truyền thống trong lãnh vực phụng vụ.

Trong khi người ta viết về vị thứ hai, Tobin, rằng ngài “mất uy tín” đối với các vị hồng y Hoa Kỳ - cả tại giáo triều cũng như ở ngoài - Họ thấy ngài quá đồng tình với các nữ tu Hoa Kỳ bị giáo luật của bộ thăm hỏi vì quan điểm quá cấp tiến của mình.

Ngày nay, tu viện kín Mater Ecclesiae không còn nữa. Nó đã trở thành nơi cư trú của vị giáo hoàng về hưu. Và việc Toà thánh hỏi chuyện các nữ tu Hoa Kỳ không còn để lại một dấu vết nào .

 

 

__________

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.