Đức Phanxicô, Giáo Hoàng của “Humanae Vitae”

 

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350783?eng=y

Đó là tông thư ngài chọn làm mẫu mực, bất kể đó là tông thư bị chỉ trích nhiều nhất trong thế kỷ trước. Đức Bergoglio đang tạo ra kỳ vọng có thay đổi trong lãnh vực hôn nhân. Nhưng cũng như đức Phaolô đệ Lục, vào lúc chung cuộc, ngài có thể quyết định “ngược lại với số đông.”

 

ROME, ngày mồng Một tháng Năm năm 2014 – Bốn vị giáo hoàng cùng một lúc trước con mắt toàn thế giới đã làm nên một cảnh duy nhất. Đó là điều đã xảy ra hôm Chúa Nhật ngày 27 tháng Tư. Hai vị trên thiên đàng, Angelo Giuseppe Roncalli, người Ý và Karol Wojtyla, người Balan. Và hai vị đang tại thế, Jopseph Ratzinger, người Đức, và Jorge Mario Bergoglio, người Achentina. Rất gần nhau, mà cũng rất khác nhau. Vị mục tử, người chiến binh, nhà thần học … Còn vị cuối cùng ? Một bí ẩn. Hơn một năm sau khi được bầu lên, ngài còn cần được người ta giải mã hoàn toàn.

Chắc chắn Giáo hoàng Phanxicô nói một ngôn ngữ mới. Trong các bài giảng ban sáng tại Santa Marta, trong các cuộc phỏng vấn, khi ngài ngỏ lời với đám đông, ngài dùng ngôn ngữ được đơn giản hoá hết sức. Nơi ngài điều được nói ra có ưu thế hơn những gì được viết xuống, dù với cái giá phải trả là bị hiểu lầm. Ngài lấy làm đủ, nếu mọi người hiểu được rằng lương tâm có một sự độc lập bất khả xâm phạm, rằng Giáo Hội không muốn can thiệp vào đời sống thiêng liêng của mỗi người hay Giáo hội không muốn kết án người đồng tính, và rằng việc cải đạo là “chuyện điên khùng.”

Nhiều người Công giáo sống đạo cảm thấy khó chịu về những phát biểu đốp chát thẳng thừng đó của ngài. Nhưng chính nhờ chúng mà sự thành công của ngài ở bên ngoài được bảo đảm. “Extra Eccesiam - Ngoài Giáo hội” đức Phanxicô (*) là một giáo hoàng được lòng công chúng nhất trong lịch sử .

Vậy mà đức Bergoglio chỉ biết mềm dẻo với điều ngài gọi là “lề lối suy nghĩ duy nhất” đang thống trị. có tính cách vô thần và “phóng khoáng,” thứ “thuốc phiện mới của dân chúng.” Cái nhìn của ngài về thế giới là một cái nhìn khải huyền, là một cuộc chiến hoàn vũ chống lại ma quỷ là kẻ thù lớn nhất. Ngài thường xuyên nhắc đến nó, đặc biệt trong cái bài giảng lễ sáng. Ngài không im lặng về nỗ lực ngài chống đối lại sự xuất hiện của những hình thức mới tự cho là gia đình mà không có “nam tính và nữ tính của một người bố và một người mẹ.” Ngài không suy suyển trong việc gọi phá thai là một “tội ác ghê tởm.

Nhưng ngài lại rất cẩn thận chẳng bao giờ liên kết những tố cáo của mình với luật lệ, với các đạo luật của chính quyền, những phán quyết toà án, các biến cố đang diễn tiến, các chiến dịch vận động ý kiến đang xảy ra hằng ngày nhằm thúc đẩy cái “lề lối suy nghĩ duy nhất” mà ngài rất ghét. Chỉ cần phát biểu nhẹ nhàng về mọi việc, miễn là phát biểu cách trừu tượng, là ngài lấy làm đủ.

Tuy nhiên, đức Phanxicô rất cụ thể, trong các phạm trù khác của thực tại, những phạm trù không tạo ra tranh luận, mà chỉ có thoả hiệp.

Ngài đến đảo Lampedusa, nơi các di dân, người tị nạn, và những kẻ bị lưu đày từ khắp Phi Châu cập bờ, để ngài thốt lên: “Thật đáng xấu hổ!” Rồi ngài mau chóng đến Cassano all’lonio, để lên án mấy tay mafia lặp căn cứ địa ở đó. Rồi đến Campobasso, vị giám mục sở tại là Giancarlo Maria Bregantini, người ngài nhờ viết bài Suy Niệm Chặng Đường Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum, đầy tình thương cảm dành cho người nghèo khó, kẻ bị lưu lạc, thất nghiệp. Ngài gọi điện thoại cho Marco Pannella, vị lãnh đạo chính trị chống giáo hội, để bày tỏ sự ủng hộ của mình dành cho chiến dịch đòi hỏi đối xử đúng đắn với các tù nhân.

Nhưng nơi đức Phanxicô bày tỏ phong cách mình ra rõ nhất là tại đền thờ thánh Phêrô hôm 27 tháng Ba, trong thánh lễ ngài cử hành trước hơn 500 giáo sĩ, dân biểu và thượng nghị sĩ. Không một nụ cười, không một lời chào. Và một bài giảng đầy những khiển trách, trong đó từ khoá là “corruption-thối nát.” Một từ trong tự điển của đức Bergoglio nói lên lòng chai dạ đá của tội nhân chìm trong tội, bất cứ là tội gì, ngăn cản đương sự không chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng từ này được hầu hết mọi người, kể cả các nhà chính trị đang có mặt, hiểu theo nghĩa hiện đại là một tội ác mang cùng tên (**).

Trong ý kiến công chúng, không chỉ tại Ý mà ở khắp nơi, thường xung khắc với các nhà chính trị, chính sự táo bạo này của đức Phanxicô gia tăng lòng ngưỡng mộ của công chúng. Những mục tiêu ngài nhắm tới để phóng phi tiêu, cũng chính là những mục tiêu rất nhiều người, ít là trong lời nói, đã sỉ vả. Không thể tưởng tượng ra được rằng ai lại có thể chỉ trích đức giáo hoàng khi ngài lên án mafia hay chiến tranh.

Câu “tôi là ai mà kết án” đã trở thành chìa khoá để miêu tả về triều giáo hoàng này, chắc chắn sẽ áp dụng, như ngài đã nói, vào kẻ đồng tính nhưng có thiện tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng đối với nhiều việc khác, người khác, đức Phanxicô đã kết án và còn kết án nặng lời, đứng về phe, hay chống lại và còn nêu rõ danh tính người ấy.

Ngài đã không giữ miệng lưỡi khi nói chống lại Nunzio Scarano, một đức ông của giáo triều đã bị bắt vì tội kinh tế, nhưng đang chờ phản quyết của toà. Ngài đã buông ra câu nhức nhối sau đây: “Vị ấy chẳng giống thánh Imelda.” (***)

Ngài cũng chẳng giữ im lặng khi đến chuyện phải ủng hộ nhu cầu của công nhân, như ngài đã từng làm hôm thứ Tư sau Phục Sinh, khi ngài đến để bảo vệ bốn ngàn công nhân xưởng thép ở Piombino đang gặp nguy cơ đóng cửa.

Chính với khả năng lèo lái bậc thầy của dòng Tên thế hệ cũ, mà đức Phanxicô chọn lựa và xếp đặt giờ giấc, địa điểm và các trích dẫn cho các nhận định của mình. Các hoạt động của ngài cũng theo cùng một cách. Mọi chuyện đều có thể tìm thấy trong cái khả năng đó, kể cả những điều đối nghịch nhau nhất, chẳng hạn như tại viện IOR, nơi việc tái phục hồi các trương mục được trao cho nhóm nhân viên làm việc tất bật nhưng cao giá của công ty đa quốc gia Promontory, lại đi kèm với việc giữ lại nhóm lãnh đạo của ban quản trị cũ làm việc mù mờ làm thành uỷ ban giám sát. Nhưng khả năng của đức Phanxicô chính là việc điều chỉnh các âm thanh đặt bên nhau để thành một thứ âm nhạc làm mê lòng, luôn luôn được giữ ở tình trạng bấp bênh, chờ đợi một kết thúc cứ chần chừ không đến.

Cuộc phiêu lưu của thượng hội đồng giám mục sắp tới, được triệu tập để bàn về chủ đề gia đình, hoàn toàn tương hợp với lối xếp đặt này.

Về vấn đề đã trở thành đề mục chính của cuộc tranh luận: viêc chịu lễ của người ly dị và tái hôn, đức Phanxicô thay đổi liên tục từ mềm dẻo sang cứng rắn. Khi vài giám mục Đức hàng đầu đưa ra những tín hiệu phá rào cản nhằm thuận lợi cho việc được chịu lễ, đức giáo hoàng lại sai một giám mục Đức khác, Gerhard Ludwig Müller, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, đưa ra một mệnh lệnh nghiêm khắc trên tờ "L'Osservatore Romano" buộc ngưng lại.

Nhưng rồi ngài lại đưa ra một vị người Đức khác, hồng y và thần học gia Walter Kasper, người đã tranh đấu suốt ba mươi năm để mong tháo gỡ luật cấm rước lễ, làm diễn giả duy nhất trong hội nghị, được triệu tập để bàn về vấn đề ấy. Và đức giáo hoàng đứng về phe vị này, nồng nhiệt khen ngợi Kasper, cả sau khi các hồng y khác lên tiếng chống lại Kasper.

Đức Bergoglio còn áp dụng thái độ đứng về cả hai phe cho chính mình.

Ngài thích nhắc đi nhắc lại lòng trung thành của mình vào giáo lý ngàn năm, trong trường hợp này là tính bất khả phân ly của hôn nhân: “Ai cũng biết quan điểm này của Giáo hội, và tôi là một người con của Giáo hội.

Nhưng rồi dường như ngài lại tách mình ra khỏi lập trường này, khi ngài hành xử như một thầy thuốc chữa tâm hồn từng cá nhân, trong cái “bệnh viện dã chiến” tả tơi này, đối với ngài, là thế giới, đầy những thương binh cần gấp rút cứu chữa. Như khi ngài gọi điện thoại cho một phụ nữ ở Achentina, sau khi ly dị đã tái hôn bên dân sự, đã bị quẫn trí vì bị cấm không được lãnh nhận Thánh Thể, để bảo bà cứ chịu lễ “đừng e ngại chi” và “đi sang giáo xứ khác mà chịu” nếu cha xứ của bà không trao Mình Thánh cho bà.

Phát ngôn viên của Vatican, cha Federico Lombardi, đã phải minh định: Từ cuộc nói chuyện qua điện thoại, “không nên rút ra những kết luận liên quan đến giáo huấn của Giáo hội.” Nhưng việc này không thể làm giảm bớt sức chấn động của chuyện ấy trên công luận. Ảnh hưởng toàn diện nơi chiến thuật của đức Phanxicô là tạo ra một thúc đẩy thay đổi càng ngày càng gia tăng. Thúc đẩy này sẽ càng mạnh hơn vào lúc thượng hội đồng nhóm họp vào tháng Mười, với công tác gom góp thêm các đề nghị bổ túc. Các đề nghị này sẽ được nghiên cứu một năm sau đó, trong kỳ họp thứ hai của thượng hội đồng. Kỳ họp này sẽ tổng kết các đề nghị và đưa ra các ý kiến để đức giáo hoàng có giải pháp. Bởi vì là đức Phanxicô, và chỉ mình ngài, là người có tiếng nói cuối cùng, và là người quyết định chấp thuận cho người ly dị và tái hôn được rước lễ hay không, khi nào và cách nào.

Vậy quyết định sẽ có vào cuối năm 2015 hay vào đầu năm sau đó, chứ không sớm hơn. Dưới áp lực nặng nề của công luận, có lẽ vào lúc đó, dường như sẽ nhất trí chỉ là một lời yêu cầu cho phép.

Trước kia, vào thập niên 1960, cũng có một áp lực mạnh mẽ tương tự yêu cầu thay đổi, khi đức giáo hoàng phải quyết định về tính hợp pháp của việc dùng thuốc ngừa thai, với nhiều thần học gia, giám mục và hồng y đứng về phe ủng hộ. Nhưng vào năm 1968, đức Phaolô đệ Lục đã quyết định ngược lại, với tông thư “Humanae Vitae.” Một tông thư đã gặp phải những chống đối cay đắng từ toàn bộ giám mục đoàn và bất tuân phục của vô số giáo dân. Nhưng ngày nay đức Phanxicô đã cho biết ngài muốn coi thông điệp đó làm cái khung tiêu chuẩn cho mình - trong điểm này, ngài đã gây ra bất ngờ như mọi lần khác.

Thực vậy, chúng ta cũng nên đọc lại cẩn thận những gì đức Phanxicô đã nói về tông thư này, trong cuộc phỏng vấn hôm mồng 5 tháng Ba với tờ “Corriere della Sera”:

Tất cả tuỳ thuộc vào cách người ta cắt nghĩa “Humanae Vitae.” Đến phút cuối, chính đức Phaolô đệ Lục thúc dục các cha giải tội phải rất khoan dung và để tâm đến các trường hợp cụ thể. Nhưng thiên tài của ngài mang tính tiên tri. Ngài can đảm có thái độ chống lại đa số, để bảo vệ kỷ luật luân lý, để thi hành vai trò một ngăn chặn trong văn hoá, chống lại thuyết Malthius cả tân thời lẫn tương lai. Vấn đề không phải là thay đổi giáo lý, mà là đào sâu và bảo đảm sao cho việc chăm lo mục vụ lưu ý đến từng trường hợp cá nhân và những điều cá nhân ấy có thể làm.

Bí ẩn Phanxicô hoàn toàn nằm trong lời ca tụng tuyệt vời dành cho “Humanae Vitae.” Vì từ “vị giáo hoàng đến từ miền tận cùng thế giới” này, người ta thật sự có thể mong chờ bất cứ chuyện gì, cả chuyện rước lễ của người ly dị và tái hôn, ngài có thể có quyết định chung cuộc “ngược lại với đa số”: một quyết định tái xác nhận sự nguyên vẹn của giáo lý về hôn nhân bất khả phân ly, mặc dù được châm chước do lòng khoan dung của các mục tử chăm sóc linh hồn, khi họ phải đối diện với những hoàn cảnh cụ thể.

Khi đức Bergoglio tuyên bố đức Gioan Phaolô đệ Nhị là thánh hôm 27 tháng Tư, ngài biết rất rõ điều đức giáo hoàng Biển Đức về hưu đã phát biểu về vị tiền nhiệm cao cả của mình vài tuần trước đó:

Đức Gioan Phaolô đệ Nhị không mong được ca tụng, ngài cũng chẳng tìm ngang ngó dọc xem coi người ta chấp nhận quyết định của mình như thế nào. Ngài hành động dựa trên căn bản đức tin của mình và những gì mình xác tín, và ngài cũng sẵn sàng để chiụ đựng tấn công. Lòng can đảm vì sự thật là một trong những tiêu chuẩn chính của thánh thiện.”

Vốn là chuyên gia trong việc kiến tạo dư luận của công chúng, giáo hoàng Phanxicô không phải là loại người để cho mình trở thành nạn nhân của công luận.

 

___________

 

 

Bài phê bình này đã được công bố trên tờ "L'Espresso" số 18 năm 2014, trên kệ báo ngày mồng Một tháng Năm.

 

__________

 

Tông thư gây nhiều tranh cãi của đức Phalô đệ Lục công bố ngày 25 tháng Bẩy năm 1968, mà đức Phanxicô chọn làm mẫu mực cho mình:

> Humanae vitae
 

__________

 

 

Ghi chú của người dịch 

(*) Tác giả chơi chữ một cách rất ý nhị.

Tác giả viết trong bản tiếng Ý không có dấu phẩy: "Extra ecclesiam" Francesco è il papa più popolare della storia. Bản tiếng Anh không có dấu phẩy: "Extra ecclesiam" Francis is the most popular pope in history. Bản tiếng Pháp thêm dấu phẩy: “François est, "extra ecclesiam", le pape le plus populaire de l’Histoire,  khiến cho phần “extra ecclesiam”, trở thành complément circonstanciel de lieu, thay vì là một adjectif circonstanciel.

Người dịch chỉ dám nêu lên, trong phần ghi chú này mà thôi, rằng, vì không có dấu phẩy ngắt câu, nên người ta có thể hiểu thành ngữ “Extra Ecclesiam” đóng vai trò tính từ chỉ nơi chốn, bổ nghĩa cho danh từ đi kèm. Như thế có thể - táo tợn - hiểu rằng: đức Phanxicô ‘extra eccesiam - ngoài giáo hội’ là một giáo hoàng được lòng công chúng nhất trong lịch sử.

 

(**) Corruption còn có nghhĩa hối lộ.

 

(***) Một thành ngữ có nghĩa “Chẳng thánh thiện tý nào!” (cắt nghĩa của tờ NCR, National Catholic Reporter) Phụ thân phụ mẫu thánh Imelda nổi tiếng có lòng thương người nghèo. Có tranh luận cho rằng thân thể ngài bất hoại. Nhưng “incorruptibility” của thân thể không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá luân lý thánh thiện hay không thánh thiện. Một chơi chữ vụng về do hiểu khác/sai về ý nghĩa của từ “corruption” ?



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.