Đức Phanxicô:
hay Đường Lối Ngoại Giao
của điều không thể làm được.


 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350819?eng=y

 

Ngài dùng kinh nguyện thay cho đàm phán. Ngài ưa chuộng các vũ khí thiêng liêng. Nhưng ngài tính toán với một kỹ xảo rất tinh vi từng chữ ngài nói ra. Và thậm chí cả từng lúc im lặng, như trong trường hợp bà mẹ trẻ người Sudan bị kết án tử chỉ vì bà là Kytô hữu

 

ROMA – Ngày 20 tháng Sáu năm 2014 – Đức Phanxicô đã đặt hồng y Pietro Parolin, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm quốc vụ khanh. Nhưng với ngài trong cương vị giáo hoàng, bộ mặt địa lý chính trị của Vatican đã thay đổi.

Các cuộc giao tranh giữa các thế giới, do vị khổng lồ Gioan Phaolô đệ Nhị lâm trận và chiến thắng nay chỉ còn trong kỷ niệm xa vời. Trong thời đại của các xung khắc đã giản lược vào phạm vi cá nhân, của các bạo chúa, các cánh vũ trang, các quốc gia bị tan rã và suy sụp, cả đến công tác ngoại giao cũng được cá nhân hoá, trở thành “thủ công,” như chính đức giáo hoàng Phanxicô thường gọi. Xứ Achentina của ngài không phải là Balan, nơi nền cai trị độc tài đã bị một Giáo hội của toàn dân, vững chắc và trung thành, chống đối. Dưới gót giầy cai trị của nhóm quân phiệt, Giáo hội Achentina bị giao động và chia rẽ, vị tu sĩ trẻ dòng Tên Jorge Mario Bergoglio đã tuỳ cơ mà ứng biến theo phán đoán riêng mình, trong bí mật và hoàn toàn cô độc.

Ngày nay, ngài làm mọi chuyện cách công khai. Nhưng những cử chỉ hoàn toàn cá biệt của ngài xem ra có vẻ xa lạ với giới ngoại giao trường phái cũ. Ví dụ như chuyện mời hai thủ tướng Israel và Palestine đến cầu nguyện tại đền thánh Phêrô.

Ngay tại Vatican, 99 phần trăm cho rằng chúng tôi chẳng bao giờ thành công,” chính đức giáo hoàng Phanxicô sau này đã đơn sơ tỏ lộ như thế. Nhưng điều đó hàm ngụ rằng, cuối cùng Ngài đại điện cho chính cái một phầm trăm kiên cường ấy.

Thậm chí Ngài đích thân thực hiện mọi chuẩn bị phức tạp cho cuộc gặp mặt thượng đỉnh ấy. Ngài chỉ để lại cho các nhà ngoại giao chuyên nghiệp những mẩu bánh vụn. Ngài chọn sự giúp đỡ của một tu sĩ Phanxicô, cha Pierbattista Pizzaballa, Tu hội Gìn Giữ Thánh Địa, và một nhà báo người Do thái, Henrique Cymerman, thông tín viên của tờ “La Vanguardia” tại Barcelona.

Nơi nào ngoại giao thất bại, đức giáo hoàng Phanxicô thực hiện theo cách của mình.

Trong im lặng, y hệt như cuộc dừng chân không có trong dự tính, trước bức tượng chia cách tại Bethlehem.

Trong cầu nguyện và ăn chay, như tại Syria hôm mồng 7 tháng Chín vừa rồi, khi ngài quỳ gối đọc kinh Mân Côi trước ảnh Đức Mẹ tại quảng trường thánh Phêrô.

Bằng cách dâng Thánh lễ trên một bàn thờ làm bằng gỗ tàu bị đắm, như hôm mồng 8 tháng Bẩy, tại đảo Lampedusa, trạm dừng chân của di dân và người tị nạn.

Với hai bàn tay không, đức Phanxicô đi tới những chổ hẻo lánh nhất của thế giới, chẳng có gì ngoài các vũ khí thiêng liêng. Ngài giao lại cho Chúa những gì con người không thể làm. Syria ngày nay bị tàn phá nhiều hơn trước. Tàu dân tỵ nạn ngang dọc biển Địạ Trung Hải nhiều hơn bao giờ hết. Vài ngày sau khi Shimon Peres và Abu Mazen cầu nguyện chung, một nhóm vũ trang Palestinbe đã bắt cóc ba sinh viên Do thái. Nhưng đường lối ngoại giao của đức Phanxicô vẫn sống qua những thất bại ấy. Đó là đường lối ngoại giao của điều bất khả.

Trước đây, bên phía Công giáo, đã từng có tiền lệ cho đường lối này. Vào năm 1969, hai năm sau cuộc chiến Sáu Ngày, vị thị trưởng thánh thiện của Florence, Giorgio La Pira, đã mang được các nhà lãnh đạo Arập và Israel đến Hebron để cầu nguyên cho hoà bình tại Ngôi Mộ của Abraham.

Gandhi và Martin Luther King cũng là những nhà không tưởng nổi tiếng, tuy nhiên họ biết cách dung hợp các hoài bão của mình vào nghệ thuật chính trị.

Đức Phanxicô cũng có tham vọng tương tự. Ngài không hề là một người ngây thơ. Ngài cẩn thận từng lời ăn tiếng nói và cả những lúc im lặng với một kỹ năng tuyệt vời, như một tu sĩ dòng Tên chân chính.

Ngài đã lên tiếng và đã lập lại nhiều lần rằng, ngày nay có nhiều Kytô hữu bị bách hại vì người ta thù hằn đức tin họ, hơn các thế kỷ đầu tiên, nhưng ngài lại cẩn thận tránh không thách thức công khai những kẻ gây ra bách hại trong thời đại này bằng cách nêu tên và nêu rõ các sự kiện. “Tôi biết nhiều về việc bách hại nên phải cẩn thận không nêu ra đây.” Ngài đã phát biểu như thế vài hôm trước trong một cuộc phỏng vấn với tờ “La Vanguardia.”

Vào giữa tháng Năm, vào đúng ngày có tin loan rằng tại xứ Sudan Hồi giáo, Meriam Yahya, một người mẹ trẻ, đã bị kết án tử chỉ vì lý do duy nhất bà là Kytô hữu, đức Bergoglio đã tiếp đón viên tân đại sứ Sudan tại Vatican. Ngài không hề thốt ra từ miệng một lời nào về vấn đề này. Sau đó ngài cũng chằng hề có một tiếng nói nào. Tuyệt đối im lặng, bất kể trên toàn thế giới có cả một chiến dịch vận động để tha mạng cho bà.

Hồng y Parolin giải thích: “Toà Thánh tìm kiếm cách thức can thiệp hữu hiệu nhất. Cách đó không cứ hẳn là phải thét lên."

Chẳng phải là điều ngạc nhiên khi đức giáo hoàng Phanxicô là người kiên quyết bảo vệ sự im lặng của đức Piô XII, “để họ không giết thêm người Do thái.

 

 

_____________

 

Bài phê bình này đã được đăng trên tờ "L'Espresso" số 25 năm 2014, xuất hiện trên quầy báo ngày 20 tháng Sáu trên trang ý kiến mang tên "Settimo cielo" của Sandro Magister.

> "L'Espresso" in seventh heaven
 

 

__________

 

Về lời tuyên án tử cho bà Meriam Yahya Ibrahim vì là Kytô hữu, đức giáo hoàng Phanxicô giữ im lặng. Nhưng giáo phận Khartoum đã lên tiếng, trong một thông báo công bố ngày 11 tháng Sáu qua tổ chức quốc tế Aid to the Church in Need:

> Caso Meriam: parla l'arcidiocesi di Khartoum
 

Tổng giáo phận đã xác nhận rằng Meriam đang bị giam trong xà lim tử tù tại Omdurman, bên bờ sông Nil, đối diện với Khartoum. Bà đang nuôi người con thứ hai, sinh ra trong nhà tù ngày 28 tháng Năm vừa qua.

Bà bị kết án tử hình vì đã cải đạo từ Hồi giáo sang Kytô giáo, bất chấp sự kiện bà là Kytô hữu từ lúc còn bé. Và bà cũng phải nhận án bị đánh 100 roi vì tội ngoại tình, vì phụ nữ Hồi giáo không được phép cưới Kytô hữu .

 

____________

 

 

Đức giáo hoàng Phanxicô cũng giữ im lặng – ngoài một mẩu tin mang tên ngài trên Twìtter - về việc hơn 200 nữ học sinh bị nhóm chiến binh Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc ở miền Bắc Nigeria, bất kể sự kiện toàn thế giới đang vận động để các em được thả tự do. Trong chuyện này cũng vậy, Ngài để cho các giám mục địa phương lên tiếng và hành động.

__________

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.