Đức Phanxicô, giáo hoàng của truyền thống


 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350837?eng=y

 

Chủ đề lòng Chúa thương xót không phải là một “khám phá” của đức Jorge Mario Bergoglio. Chủ đề ấy vẫn từng là tâm điểm giảng dạy của Giáo hội. Hồng y Giacomo Biffi cắt nghĩa tại sao, với một trích dẫn tuyệt vời từ thánh Ambrôsiô

 

ROMA – Ngày 24 tháng Sáu năm 2014 – Trong số các mục tử vĩ đại đánh dấu thời kỳ của Gioan Phalô đệ Nhị, có Giacomo Biffi, 86 tuổi, người Milan, hồng y và nhà thần học, làm tổng giám mục Bologna từ năm 1984 đến 2003.

Vào năm 1989, đức giáo hoàng Karol Wojtyla nhờ ngài giảng linh thao đầu Mùa Chay cho mình và cho các khuôn mặt lãnh đạo trong giáo trriều Roma.

Trong hơn một tháng, Biffi đã soạn hai mươi hai bài suy niệm, mà bây giờ, sau khoảng thời gian nhiều năm, ngài quyết định công bố lần đầu tiên trong một cuốn sách do nhà Cantagalli xuất bản, mới bày bán trong các tiệm sách.

Đọc sách này, y như đọc nhiều cuốn sách khác, đã dấy lên một niềm ngạc nhiên đầy hạnh phúc trước sự “khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Eph 3:10): một trích dẫn từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêsô, ngài đã dùng làm nhan đề cho cuốn sách.

Qua một văn phong rõ ràng trong suốt, đức Biffi kể lại và tán dương các “việc lạ lùng của Thiên Chúa” đã làm nên yếu tính đức tin Kytô giáo, mà vẫn không tránh né những vấn đề đang gây tranh luận như khái niệm về Giáo Hội “vừa thánh thiện vừa tội lỗi”, hay độc thân linh mục.

Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn sách, liên quan đến tội lỗi và sự tha thứ trong chương trình của Thiên Chúa: một chủ đề luôn luôn nằm ở trọng tâm các bài giảng dạy của đức giáo hoàng Phanxicô, nhưng lại hoàn toàn không thích đáng để cho rằng đây một cái “khám phá” của riêng đức đương kim giáo hoàng.

Ngược lại, đức Biffi chứng minh rằng cái chú tâm đặt vào cặp sóng đôi tội lỗi-tha thứ đã rất mạnh vào các thể kỷ đầu của Giáo Hội, trong các trước tác của các Giáo Phụ, và đặc biệt nơi Ambrôsiô, vị thánh quan thầy của tổng giáo phận Milan, vị giám mục đã rửa tội cho thánh Augustinô.

Và chính thánh Augustinô đã đi từ thánh Ambrôsiô làm điểm khởi đầu, để giải thích cái “felix culpa - tội hồng phúc” Giáo hội đã hát ca tụng trong bài “Exultet- Mừng vui lên” đêm Vọng Phục Sinh.

Tính cách tích cực của tội và của tội nhân trong chương trình của Thiên Chúa, là một trong những mầu nhiệm thâm sâu nhất của Kytô giáo. Mà thánh Ambrôsiô đã diễn tả một cách tuyệt vời nhất, khi suy niệm về các ngày trong cuộc sáng tạo, ngài đã viết rằng Thiên Chúa chỉ “nghĩ ngơi” sau khi đã tạo dựng nên con người, vì rốt cuộc “Ngài đã dựng nên một sinh linh mà Ngài có thể tha tội cho.”

 

 

___________

 

TỘI VÀ VIỆC THA TỘI TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

bài của Giacomo Biffi

 

Tôi cho rằng khuôn mặt trong truyền thống Kytô giáo đã mạnh mẽ và kiên trì diễn tả niềm xác tín tội lỗi mang tính tích cực đáng giá của riêng mình trong chương trình của Thiên Chúa, và như thế, ngay từ ban đầu, đã là một phần trong kế hoạch tạo dựng vũ trụ, hầu vũ trụ hiện hữu như ngày nay, chính là thánh Ambrôsiô.

Ngài có được một cảm thức sống động nhất về tội lỗi, về tính trầm trọng của tội, về nét phổ quát, và về sự hiện diện nhất định của tội lỗi trong đời người. Nhưng suy tư về tội lỗi luôn luôn là điều Ngài chọn, khi muốn chú tâm vào lòng thương xót của Chúa. Lòng Chúa thương xót được ban cho chúng ta trong Chúa Kytô, và là đặc tính đầu tiên của sự quan phòng. Đó là cái nguồn để Ngài khăng khăng khẳng định rằng, “ích lợi” thiêng liêng là, luôn luôn có thể tìm thấy ân sủng cả trong những tội phạm trầm trọng nhất.

Tôi đề nghị suy tư về một vài nhận định của Ambrôsiô có thể trích dẫn ra đây:

Tôi lỗi của tôi trở thành cái giá mua sự cứu chuộc, qua đó Chúa Kytô đến với tôi. Vì tôi, Chúa Kytô đã nếm thử cái chết. Phạm tội mang lại lợi ích nhiều hơn là vô tội. Vô tội khiến tôi kiêu căng, phạm tội làm cho tôi nên khiêm nhường” ( De Jacob et vita beata, I, 21).

Thiên Chúa biết Adam sẽ sa ngã và rồi sẽ được Chúa Kytô cứu chuộc. Một cuộc suy sụp hạnh phúc, vì đã được đền bù tuyệt vời!” một câu nói chúng ta thấy được diễn rộng thêm trong bài Exultet [Lễ Vọng Phục Sinh]” “Ôi tội hồng phúc…” ( Chú giải Thánh Vịnh 39, 20).

Chúng ta ai phạm tội nhiều, được lợi nhiều, vì ân sủng làm cho chúng ta được nhiều phúc hơn là chúng ta không phạm tội” ( Chú giải Thánh Vịnh 37, 47).

Quả vậy sự ác có ích lợi trong mình, và thậm chí sự ác len lỏi vào trong lòng các thánh do ý chí quan phòng của Thiên Chúa” (Lời Trần Tình của David, 7).

Lạy Chúa Giêsu, con là người mang nợ với những xúc phạm Chúa chịu để cứu chuộc con nhiều hơn mang nợ với quyền năng Chúa tạo dựng nên con. Chúng ta sinh ra cũng sẽ vô ích nếu chúng ta chết đi mà không được cứu chuộc.” Một câu nói chúng ta thấy được lập lại nguyên văn trong bài Exultet: “Nihil enim nasci profuit nisi redimi profuisset- Vì được sinh ra có ích gì nếu chúng ta không được cứu chuộc" (In Lucam II, 41).

Lỗi phạm sinh lợi cho chúng ta nhiều hơn là gây hại, vì nó tạo cho lòng thương xót có cơ hội cứu chuộc chúng ta” (Về giáo dục thiếu nữ , 104)

Thiên Chúa ưa thích có nhiều người để cứu rỗi và được Ngài tha thứ tội lỗi, hơn là chỉ có mình Adam không vương tội” (Về thiên đàng, 47).

Trọng điểm của phần trích dẫn nho nhỏ này không thể nào khác hơn tư tưởng tuyệt vời thánh Ambrôsiô kết thúc bài suy niệm về sáu ngày sáng tạo. Và con số những câu trích dẫn cho đến lúc này (đáng lẽ có thể thêm nhiều hơn nữa) thuyết phục chúng ta rằng khẳng định trên không phải do tài hùng biện thiếu cẩn thận, nhưng đã được suy niệm thấu đáo, và có lẽ đã làm thành điểm tựa cho toàn bộ quan điểm thần học cá nhân ngài.

"Gratias ago Domino Deo nostro, qui huiusmodi opus fecit, in quo requiesceret. Fecit caelum, non lego quod requieverit, fecit terram, non lego quod requieverit, fecit solem et lunam et stellas, nec ibi lego quod requieverit, sed lego quod fecerit hominem et tunc requieverit habens cui peccata dimitteret."

Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đã thực hiện một công trình vĩ đại đến độ Ngài có thể nghĩ ngơi. Ngài dựng nên bầu trời, nhưng tôi không đọc thấy Ngài nghĩ ngơi, Ngài dựng nên trái đất, nhưng tôi không đọc thấy Ngài nghĩ ngơi, Ngài dựng nên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, cả đến lúc ấy, tôi cũng không đọc thấy Ngài nghĩ ngơi, nhưng tôi đọc thấy Ngài dựng nên con người, và rồi Ngài nghĩ ngơi, vì có người để Ngài tha thứ tội lỗi cho.” (Suy niệm về sáu ngày tạo dựng, Hexameron, IX, 76).

Như chúng ta có thể thấy, theo thánh Ambrôsiô, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vì con người, và tạo dựng con người để bày tỏ lòng Mình thương xót. Không thể nói rằng Ngài dựng nên con người như một tội nhân, hay để con người phạm tội, nhưng phải nói một cách chắc chắn rằng sự nghĩ ngơi chung cuộc của Chúa Kytô trong cái chết có sức cứu độ của ngài và việc Chúa bày tỏ lòng thương xót là ý nghĩa rốt ráo và cao sâu nhất của công cuộc sáng tạo.

Nền phụng vụ theo nghi lễ Ambrôsiô xem ra lập lại tiếng nói của vị Tổ phụ Sáng Lập, khi một Kinh Tiền Tụng nghi lễ ấy công bố rằng: “Ngài đã cúi xuống trên các thương tích chúng con, và đã chữa lành chúng con, khi ban cho chúng con một phương dược còn mạnh mẽ hơn các nỗi thống khổ chúng con, một lòng thương xót bao la hơn tội lỗi chúng con. Như thế, nhờ tình thương bất khả bại của Chúa, cả tội lỗi cũng giúp đưa chúng con vào đời sống thần linh”( Chúa Nhật XVI thường niên).

Thiên Chúa luôn luôn đi đầu; đó là lý do tại sao lòng Ngài thương xót không đi sau tội lỗi, nhưng có trước tội lỗi. Đúng thật là lòng dịu dàng từ nhân của Chúa lan toả khắp thế giới như một phương thuốc chữa lành tội lỗi. Nhưng lại càng đúng cách sâu xa hơn là tội lỗi đã được đưa vào kế hoạch vĩnh cữu để lòng thương xót có dịp thể hiện ra.

Thiên Chúa có thể chọn lựa trong vô vàn vô số thế giới khả hữu. Nhưng không một thế giới nào trong số ấy có thể biểu lộ tất cả sự hoàn hảo của Thiên Chúa; mỗi thế giới ấy có thể biểu lộ một vài nét hoàn hảo của Ngài. Bằng cách chọn một trật tự hoàn toàn đặt trọng tâm vào Người Con NhậpThể làm người của Ngài, bị đóng đinh và sống lại, đấng cứu chuộc và huynh trưởng môt đoàn lũ anh em, Thiên Chúa đã ưa thích hơn mọi kiểu thế giới khác, một vũ trụ có thể biểu hiện cách tuyệt hảo nhất niềm vui của Ngài khi tha thứ, và có thể tán dương nơi con người lòng khiêm nhường của một tình yêu thống hối.

Việc này làm cho chúng ta hiểu rõ lời Chúa Giêsu khẳng định rằng “trên trời hân hoan vui sướng hơn khi một người tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hoán cải” (Lc 15:7).

Người tội lỗi hoán cải biểu hiện cách trực tiếp ý nghĩa độc đáo và giá trị trổi vượt của thế giới này, một thế giới đã thực sự được Thiên Chúa muốn hiện hữu.

Như thế, chúng ta đi đến chổ hiểu được rằng, những bất trung của chúng ta, những điên rồ, những lời nói “không” gàn dỡ của chúng ta (mà chúng ta phải lấy làm hổ thẹn và bối rối) lại có thể trở thành cơ hội giúp chúng ta có được một đời sống thiêng liêng nồng nhiệt hơn, và rằng chính tội lỗi chúng ta phạm, đã bị quyền năng uy dũng hơn nơi tình yêu của Người Cha, đấng cứu vớt chúng ta, thắng vượt và lật cho đổ nhào ngay từ lúc phát sinh.

Quả là đau lòng khi chứng kiến chính mình trong tính nhỏ nhen của mình. Nhưng chính vì nhận ra tính nhỏ nhen của tôi mà tôi cảm thấy mình được kêu mời nhận sự cứu rỗi và đuợc thu hút đến gần đấng cứu chuộc tôi: tội lỗi tôi chưa kịp biểu hiện thì đã bị vượt qua và chìm ngập bởi Thánh Ý Chúa muốn cứu rỗi tôi.

Cuối cùng, có một điều gì đó như là một nỗi vui sướng cay đắng khi không quên những bất trung của chúng ta, và không sao nhãng việc khóc lóc thống hối , nhưng lại không còn có thể nhìn thấy tội lỗi, vì chúng đã bị xung lực mãnh liệt hơn của lòng Cha thương xót phủ lấp.

 

_________

 

Cuốn sách:

G. Biffi, "La multiforme sapienza di Dio. Esercizi spirituali con Giovanni Paolo II", Cantagalli, Siena, 2014, pp. 232, euro 14,00.
 

 

__________

 

Về hồng y Giacomo Biffi trên trang www.chiesa, với một vài trước tác của ngài:

> Cardinal Biffi Breaks Another Taboo. On Dossetti (3.1.2011)

> The Inconvenient Memoirs of Cardinal Biffi (16.11.2010)

> Ambrosian Rite. Cardinal Biffi's Ax Falls on New Lectionary (1.2.2010)

> Before the Last Conclave: "What I Told the Future Pope" (26.10.2007)

 

__________

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.