Bò Gầy ở Nhật, Bò Béo ở Nam Hàn.

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350817?eng=y

 

Tại sao người Đại Hàn trở lại với Chúa Kytô còn người Nhật lại không. Lý do cắt nghĩa từ một chuyên viên truyền giáo, khi cuộc viếng thăm Á Châu của đức giáo hoàng Phanxicô đang tới gần.

 

ROMA – Ngày 17 tháng Sáu năm 2014 – Hai chuyến công du sắp tới đức giáo hoàng Phanxicô đã lên chương trình sẽ đưa ngài đến Á châu, đến Nam Hàn giữa tháng Tám, và đến Sri Lanka và Phi Luật Tân vào tháng Giêng sang năm.

Á Châu đã là một địa điểm đức Jorge Mario Bergoglio từng mơ ước đến thăm từ lúc còn trẻ. Hay nói đúng hơn là nước Nhật. Ngài từng mong đặt chân đến đó như một nhà truyền giáo, như các vị dòng Tên khác từng làm, kể cả những vị nổi tiếng nhất. Hai trong ba vị bề trên tổng quyền của Dòng Tên đã sống nhiều năm tại đất nước này: Pedro Arrupe và bề trên đương nhiệm, Adolfo Nicolás. Một khuôn mặt nổi tiếng khác của Dòng, Giuseppe Pittau, đã nhiều năm làm viện trưởng đại học dòng Tên nổi tiếng ở Tokyo, đại học Sophia.

Thế mà bất kể các vị dòng Tên lẫy lừng này, và các nhà truyền giáo khác đổ ra biết bao nhiêu nỗ lực, Công giáo vẫn không thấm nhập bao nhiêu vào nước Nhật. Các cuộc trở lại chỉ lác đác và tín hữu Công giáo chỉ giữ mức 0.35 phần trăm dân số.

Trong khi tại Nam hàn, sự thể ngược hẳn. Giáo hội Công giáo chứng kiến một sức tăng trưởng gây ngạc nhiên, dù các nhà truyền giáo hiện diện rất hiếm hoi tại xứ này.

Các câu trả lời của các giám mục Nhật cho bảng câu hỏi của thượng hội đồng sắp tới – được công bố trong một bài mới vừa đăng trên trang www.chiesa – cho thấy làm sao sự yếu kém trong lãnh đạo của hàng giáo phẩm xứ Phù Tang chịu một vài phần trách nhiệm về sự trì trệ ấy.

Nhưng khi so sánh Nhật và Nam hàn, và so sánh hoàn cảnh tương phản giữa sự khép kín hay cởi mở đón Kytô giáo, sẽ làm nổi bật những lý do sâu xa hơn tạo ra khác biệt.

Những điều này được giải thích rõ ràng trong bài bình luận sau đây do cha Piero Gheddo, một chuyên gia ngoại hạng, viện trưởng Viện Giáo Hoàng về Truyền giáo Ngoại quốc tại Milan. Ngài hiểu biết thấu đáo cả hai quốc gia, và là tác giả chính của thông điệp truyền giáo năm 1990 “Redemptoris Missio” của đức Gioan Phaolô đệ Nhị.

 

 

___________

 

 

TẠI SAO NGƯỜI ĐẠI HÀN TRỞ LẠI VỚI ĐỨC KYTÔ,
CÒN NGƯỜI NHẬT LẠI KHÔNG.

 

Bài của Piero Gheddo

 

Hai nước Nhật và Đại hàn có lịch sử và văn hoá rất khác nhau. Chính vì thế các công cuộc truyền bá Kytô giáo đã mang lại các kết quả rất khác biệt nhau.

Tại Nhật, gần năm thế kỷ sau khi các nhà truyền giáo và thánh Phanxicô Xavier đặt chân đến đây vào năm 1549, số những người rửa tội gia nhập Giáo hội Công giáo là 440 ngàn với dân số 128 triệu, nghĩa là 0.35 phần trăm, trong khi số người Tin lành là nửa triệu.

Tại Đại Hàn, nơi Công giáo du nhập qua vài giáo dân vào cuối thế kỷ thứ 18, nay có khoảng 5.3 triệu tín hữu Công giáo trong số 50 triệu cư dân, hơn 10 phần trăm, trong khi người Tin Lành thuộc mọi hệ phái cộng lại chỉ được khoảng 8 triệu, nghĩa là chừng 17 phần trăm. Ban đêm thành phố Seoul nom giống một đô thị Công giáo, vì có rất nhiều thánh giá trên các nhà thờ, trường học và bệnh viện.

Đức tin Kytô giáo đã được đón nhận với nhiều khó khăn tại Nhật, trong khi ngược lại, Nam Hàn lại rộng tay đón nhận đức tin. Tại Nam Hàn, Kytô giáo trở thành động lực cho hoạt động của quốc gia. Từ thập niên 1970 cho đến nay, chừng nữa số tổng thống Nam Hàn là Kytô hữu, gồm cả Kim Đại Trung (1925-2009), khôi nguyên giải Nobel Hoà Bình năm 2000, vì những nỗ lực phi thường của ông nhằm hoà giải hai bên Nam Bắc Triều Tiên.

Tại sao số người Nhật nhập đạo lại ít ỏi như thế? Lý do thiết yếu là văn hóa- tôn giáo.

Các tôn giáo tại Nhật, như Thần giáo, dạy rằng con người chỉ là một trong nhiều yếu tố của thiên nhiên, nơi đó có một thần linh chưa hề ai biết đang hiển lộ.

Còn Khổng giáo đại diện cho một quan điểm tĩnh về xã hội, trong đó tiêu chuẩn luân lý tối cao được tôn trọng và tuân theo để giữ cho được, quân bình giữa trời và đất, giữa bề trên và bầy tôi, giữa chính trị và kinh tế. Theo luân lý Khổng giáo, mỗi người phải tận tâm tận lực hoàn thành công tác của mình trong vai trò mình được phân phó.

Phật giáo, dạy con người thoát ra khỏi chính mình, khinh chê các dục vọng, và các ý tưởng cá nhân, coi chúng như những ảo tưởng có hại, làm cho cá nhân mong muốn chấp nhận mọi sự và nhẫn nhục chịu đựng trên cả sức mình.

Người Nhật là con đẻ của những tôn giáo ấy: Họ là các công nhân tuyệt hảo, chừng mực, tuân theo mệnh lệnh. Trong một xã hội mà mọi chuyện phải hoạt động như trong một cỗ máy, người Nhật là một bầy tôi lý tưởng, vì họ hành động như một thành viên của một tập thể. Dân chúng ý thức mạnh mẽ về sự hiệp nhất của họ, nhưng lại ít để ý đến những quyền lợi cá nhân. Cuộc sống chung bắt đầu từ trong gia đình, tiếp tục nơi học đường, và kết thúc trong hãng xưởng, vốn được coi như một đại gia đình. Tinh thần cộng tác chiếm ưu thế trong công ty khiến cho công việc rất hiệu quả và năng xuất rất cao. Thành công của công ty nơi mỗi người làm việc được ai nấy coi là lý tưởng của đời mình, đáng để mình hy sinh, làm thêm giờ phụ trội mà được trả lương rất ít hoặc không được trả.

Ảnh hưởng của các tôn giáo truyền thống,” cha Alberto Di Bello, một nhà truyền giáo tại Nhật từ năm 1972, đã tâm sự với tôi, “đã khơi lên một ý thức sống động về bổn phận từng cá nhân, hơn là ý thức về quyền lợi của mỗi cá nhân. Kytô giáo, khi được rao giảng tại Nhật qua các công cuộc truyền giáo hiện đại và qua ảnh hưởng của phương Tây, đã đem vào nước này một quan điểm nền tảng về thế giới hiện đại, đó là hiến chương nhân quyền: cái giá trị tuyệt đối của từng cá nhân con người. Xã hội, quốc gia, tổ quốc đều phải phục vụ cho cá nhân con người, chứ không phải con người phục vụ cho xã hội, quốc gia và tổ quốc.”

Nhưng cuộc cách mạng này đã phải khó khăn lắm mới thâm nhập vào được não trạng chung. Cha Giampero Bruni, đến Nhật từ năm 1973, đã cho tôi hay: “Nếu một cá nhân ý thức được và tự do, người ấy có thể tự ý quyết định trở lại với Chúa Giêsu. Nhưng nếu người ấy không tự do vì là một thành viên của một nhóm, người ấy không trở lại được. Người Nhật đã quen tuân phục, và làm theo những gì mọi người khác làm. Nhóm thống trị. Rời khỏi nhóm là một việc bất khả. Điều này có nghĩa cắt đứt mọi liên hệ, và tôi tin rằng, thậm chí cho đến nay, chúng ta nên cẩn thận xem xét kỹ lưỡng những cuộc trở lại đã xảy ra, xem có xảy ra trong tự do, hay bị ảnh hưởng bởi một điều gì đó mà chúng ta không hiểu.

Đó là khái niệm nền tảng các nhà truyền giáo diễn tả. Họ là những vị tôi đã tiếp xúc với trong các chuyến đi đến Nhật.

 

Nàm Hàn lại hoàn toàn khác biệt. Trong hơn nữa thế kỷ vừa qua, người ta chứng kiến con số Kytô hữu gia tăng vượt bậc. Từ năm 1960 cho đến năm 2011, dân số tăng từ 20 lên đến 50 triệu, mức thu nhập tính theo đầu người tăng từ 1300 đôla lên đến 23 500 đôla, tín hữu Tin lành tăng từ 2 lên đến 7 phần trăm, tín hữu Công giáo tăng từ 100000 ( 0.5 phần trăm) lên đến 5 309 964 người (10.3 phần trăm) theo thống kê của hội đồng giám mục Đại hàn.

Mỗi năm, chừng 130 đến 140 ngàn người được rửa tội. Giáo hội Đại Hàn mang dáng dấp nữ giới, bắt đầu bằng tên gọi: Công giáo được gọi là “đạo của Mẹ” vì phía trước nhiều nhà thờ có tượng Mẹ Maria giang rộng hay tay mời những người qua lại ghé vào, và rồi vì vào năm 2011, có 2193464 tín hữu, hay 41.5 phần trăm, là nam giới, trong khi có đến 3095332, hay 58.5 phần trăm, là nữ giới.

Hầu hết các cuộc trở lại xảy ra trong các đô thị và trong giới ưu tú của quốc gia, trong giới chuyên gia, sinh viên, nghệ sĩ, chính trị gia và thành phần quân nhân, kể cả những vị cao cấp nhất. Khuôn mặt tiêu biểu đại diện cho Giáo hội Công giáo tại Nam Hàn là hồng y Kim Sou-Hwang ( 1922-2009) tổng giám mục Hán thành từ năm 1968 đến năm 1998, người đã đề xướng Công giáo phải xông xáo đi vào lòng xã hội. Trong khoản thời gian cai trị độc tài của phe quân đội, ngài đã biến nhà thờ chánh toà Myong-dong tại Hán Thành trở nên một nơi trú ẩn cho những người chống đối bất đạo động nền cai trị độc tài. Phe quân đội không bao giờ dám xông vào nhà thờ mà họ biết được dân chúng bảo vệ. Trong nhiều năm dài hồng y Kim là một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Nam Hàn.

Còn có một lý do lịch sử khác giải thích các cuộc trở lại. Đại Hàn bị Nhật chiếm đóng trong một nữa thế kỷ, và rồi hơn ba năm liền nội chiến Nam Bắc (1950-1953), chiến đấu khốc liệt dành nhau từng nhà một. Nhiều nhà cửa và cơ sở quốc gia bị tàn phá. Cha Giovanni Trisolini, một trong những tu sĩ dòng Salêdiêng đầu tiên đến Đại Hàn vào năm 1959, đã cho tôi biết vào năm 1986: “Khi tôi đến Đại Hàn, khắp nơi chỉ thấy thiếu thốn kinh khủng. Quốc gia bị tơi tả sau cuộc chiến, và quân đội cứ ngược xuôi ngược xuôi khắp đất nước. Công việc chính của chúng tôi, những nhà truyền giáo, là đem thực phẩm nuôi họ đang, nói một cách đúng đắn là, đang chết đói. Ngoài một vài con đường lộ và vài nhánh đường sắt, không còn một hạ tầng cơ sở nào của quốc gia hoạt động được. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo của Nam Hàn, và vì người Mỹ đang có mặt tại đất nước họ, nên họ đặt giáo dục lên hàng đầu và đặt trọng tâm vào đó, bằng cách thiết lập các học đường với một hệ thống giáo dục hiện đại khắp nơi, để đưa các thế hệ mới thoát ra khỏi lối giáo dục cổ truyền. Nền giáo dục này chuyển đạt một nhân sinh quan của Khổng Tử(*), thừa hưởng từ Trung Hoa, và không còn thích hợp để giáo dục giới trẻ trong một xã hội hiện đại.”

Việc giáo dục được mở rộng cho mọi người, kể cả nữ giới, với nội dung giảng dạy hoàn toàn khác hẳn với hệ thống của Khổng Tử. Sự thay đổi tận gốc rễ trong việc giáo dục khiến cho việc phát triển kinh tế tăng tốc nhanh chóng, góp phần chuẩn bị cho nền dân chủ, cho nhân quyền và nữ quyền, và cho Kytô giáo. Ngày nay tại Nam Hàn, không còn mù chữ. Giáo dục là điều bắt buộc và miễn phí cho tất cả mọi người, từ cấp tiểu học lên cho đến đại học và các trường kỹ thuật, và hầu hết ai cũng đi học. Vào năm 1960, Nam Hàn là một trong số những nước chậm tiến nhất Châu Á, nhưng đến thập niên 1980’s, Nam Hàn là một trong những “con cọp Á Châu” cùng với Đài Loan, Singapore và Thái Lan.

Tại Đại Hàn, Kytô giáo có một sức thu hút mãnh liệt, so với Khổng giáo và Phật giáo, ít là vì năm lý do:

   1) Kytô giáo mang đến một khái niệm bình đẳng giữa tất cả mọi người được chính Thiên Chúa dựng nên. Ngài là Người Cha của tất cả mọi người. Và trên hết, Kytô giáo mang lại ý tưởng bình quyền giữa nam và nữ, bất chấp sự khác biệt và bổ túc giữa các cá nhân hai phái. Trong Khổng giáo, phụ nữ không có cùng phẩm giá và quyền lợi như nam giới. Trong xã hội Khổng giáo, phụ nữ hầu như là một người nô lệ cho chồng, con gái không được đi học, và phu nữ thấp kém hơn đàn ông. Khổng Tử gọi phụ nữ là “một người đàn ông khiếm khuyết.”

  2) Tín hữu Công giáo và Tin Lành nổi bật nhờ họ dấn thân tích cực vào phong trào bình dân chống lại nền độc tài quân phiệt giữa những năm 1961 và 1987. Tuy nhiên Khổng giáo và Phật giáo lại đề xướng sự tuân phục dành cho thẩm quyền được đã thiết lập. Nếu tại Đại Hàn, y như tại Phi, nền độc tài quân phiệt nhường quyền hành cho những người lãnh đạo được dân cử, không qua những cuộc cách mạng đổ má, mà qua những “cuộc cách mạng hoa,” tiên vàn là do sức ép của công luận trở thành nhạy cảm nhờ các Giáo hội Kytô giáo.

  3) Kytô giáo là một tôn giáo của sách Kinh Thánh và của một Thiên Chúa hữu vị, trong khi thần giáo, Phật giáo và Khổng giáo đều không phải là tôn giáo, mà chỉ là những hệ thống của khôn ngoan và cách sống con người. Trên hết, các hệ thống ấy không có một tổ chức và hướng dẫn mang tầm mức quốc gia, hầu có thể đại diện cho tín hữu mình. Đã từng có những toan tính phối hợp nhiều chuà chiền và các tu viện Phật giáo lại với nhau, nhưng rồi chùa nào cũng đều sinh hoạt theo chủ trương riêng.

  4) Tín hữu Công giáo và Tin Lành đã xây dựng và điều hành một số lớn trường học các cấp, gồm nhiều đại học – Công giáo có 12 trường đại học - đã được xác nhận là những đại học nổi tiếng nhất quốc gia, xét về phương diện giáo dục và các giá trị mà các đại học này truyền thụ cho giới trẻ. Gia đình nào cũng muốn gởi con học tại các trường Kytô giáo, vì việc giáo dục thanh thiếu niên định hướng theo Kinh Thánh đã tỏ ra có hiệu quả nhất trong việc đào tạo người lớn và trưởng thành.

  5) Cuối cùng, Nam Hàn đã trở thành một nước phát triển, thậm chí giàu mạnh (người ta cho rằng “Nam hàn chỉ đi sau Nhật có 20 năm”). Tại đây, các tôn giáo cũ không có câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Và điều này không thể tránh được, vì thế giới hiện đại phát sinh từ Tây Phương, bắt nguồn từ Kinh Thánh - Phúc Âm, nghĩa là từ mạc khải về Thiên Chúa qua Chúa Kytô. Kytô giáo, và đặc biệt Công Giáo, xuất hiện như một tôn giáo thích hợp nhất trong thời chúng ta, và là tôn giáo tích cực nhất trong viêc cứu giúp người nghèo.

Các cuộc trở lại rầm rộ xác nhận điều cha Vincent Ri nói với tôi trong chuyến đi thăm Đại Hàn vùa rồi của tôi, Ngài là cha giám học ban thần học đại chủng viện Kwangju (Quang Châu): “Người Đại hàn hãnh diện tỏ ra mình có đạo: cả trong số các sinh viên, giới trí thức, những người có học. Không hề có tinh thần bài tôn giáo hay vô thần như thường thấy tại Âu Châu. Thực tại tôn giáo nằm ngay trung tâm đời sống mọi người chúng tôi, và chính cái truyền thống cổ, mà việc phát triển kinh tế kỹ thuật đã không hủy diệt, đã giúp phần củng cố.”

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ít ra từ cuộc viếng thăm của đức giáo hoàng Karol Wojtyla vào năm 1984, ít người để ý đến “cái phép lạ” là Giáo hội Đại Hàn. Vào năm 1986, Đức Ông Simon E. Chen đã cho tôi biết:

Giáo hội chúng tôi có nhiều cuộc trở lại, nhưng từ lâu chúng tôi bị Âu Châu Kytô giáo và các nhà truyền giáo coi nhẹ. Đức Piô XI gửi các nhà truyền giáo và tu sĩ đến Trung Hoa. Đức Piô XII gửi nhiều nhà truyền giáo đến Nhật Bản, cho rằng: “Nếu Nhật Bản trở lại, toàn bộ Á Châu cũng sẽ trở lại”; và rồi với thông điệp ‘Fidei Donum’ ngài yêu cầu các nhà truyền giáo đến Phi Châu. Đức Gioan XXIII và Phalô đệ Lục thúc bách các nhà truyền giáo đến Phi Châu và Châu Mỹ Latinh. Trong khi hàng ngàn nhà truyền giáo và nữ tu đến Nhật trong thập niên 1950’s hầu như không một ai đến Đại Hàn.

Giáo hội chúng tôi chỉ mới được khám phá ra khi đức Gioan Phalô đệ Nhị đến thăm vào năm 1984. Đến lúc đó Tây Phương mới sững sờ vì nhiều cuộc trở lại và nhiều ơn gọi tại đây. Vậy mà hiện tượng này đã tiếp tục từ thập niên 1970’s, và sau cuộc viếng thăm của đức giáo hoàng, hiện tượng này còn gia tăng đến chiều kích to lớn hơn nhiều. So với nỗ lực của chúng tôi, cuộc viếng thăm của Ngài giúp nhiều hơn vào việc rao giảng đức Kytô cho những người chưa phải là tín hữu và củng cố đức tin nơi những người đã rửa tội.”

 

__________

 

 

Dĩ nhiên, tại Bắc Hàn hoàn cảnh của Kytô giáo hoàn toàn khắc hẳn. Tin tức mới đây cho thấy đàn áp càng trở nên khắc nghiệt hơn nữa:

> Korea, Kim jong-un unleashes crackdown on Christianity

 

 

Về một nhân vật có thể trở thành vị thánh đầu tiên tại Bắc Hàn, đức giám mục Bình Nhưỡng, mất tích trong cuộc bách hại:

> Vatican Diary / The first saint of North Korea

 

__________

 

 

 

 

 

 

Ghi chú của người dịch 

(*) Chợt nghĩ đến những viện Khổng Tử đang được cổ xúy thiết lập ở nhiều nơi...



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.