Đức Celestinô đệ Ngũ,
một vị giáo hoàng gương mẫu?
Truyền thuyết và thực tế

 

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350845?eng=y

 

Cùng với thánh Phanxicô, đức Jorge Mario Bergoglio đã chọn thánh Pietro del Morrone, chỉ làm giáo hoàng vài tháng vào độ tuổi 85, làm người hướng dẫn. Nhưng theo các nhà sử học, triều giáo hoàng này là một thảm họa.

 

ROMA – Ngày 12 tháng Bẩy năm 2014 – “Hai vị thánh này nêu gương tốt. Vì là giáo sĩ – một vị là phó tế, và vị kia là giám mục, giám mục Roma – cả hai đều phải nêu gương sáng về khó nghèo, nhân hậu, và tuyệt diệt cái tôi của mình.”

Đó là cách đức Jorge Mario Bergoglio đã nêu lên để chọn hai vị thánh làm gương mẫu cho mình: không những về Phanxicô, vị thánh có thể đoán trước được, và là vị được ngài chọn làm tên gọi, mà còn về một vị ngoài dự liệu mọi người, đức Pietro del Morrone, làm giáo hoàng vài tháng vào năm 1294, mang tên Celestinô đệ Ngũ.

Ngài đã tuyên bố như thế hôm mồng 5 tháng Bẩy tại Isernia, một thành phố được cho là sinh quán của đức Celestinô đệ Ngũ, vào ngày kỷ niệm vị thánh này được chọn làm giáo hoàng.

Và chinh đó mới là điều không bình thường. Trong cương vị giáo hoàng, đức Celestinô đệ Ngũ không hề bao giờ được các vị tiền nhiệm và kế nhiệm ngài đặc biệt ngưỡng mộ. Thay vì thế các vị ấy nhớ đến và cảm phục ngài vì ngài đã “khiêm tốn” từ nhiệm chức vị giáo hoàng, và còn cảm phục ngài hơn vì cuộc sống thánh thiện của ngài trước đó như một vị ẩn sĩ.

Tuy nhiên đức Phanxicô lại ca tụng và cho rằng đức Celestinô đệ Ngũ là mẫu mực của ngài, trong cương vị “giám mục Roma” và giáo hoàng. Ngài nói: “Vì đã thi hành chức vụ bằng cách tự diệt chính con người mình, và đặt ưu tiên vào lòng Thương Xót Chúa, đó là một chọn lựa “đi ngược lại trào lưu, không chỉ là một khổ luyện cá nhân, mà còn là một nhân chứng mang tính ngôn sứ cho một thế giới mới.

Thật ra, truyền thuyết nhanh chóng phát sinh chung quanh đức Celestinô đệ Ngũ, cả trước khi ngài được phong thánh vào năm 1313.

Sau đây là lời của sử gia đáng tin cậy nhất, nhà giáo sử người Đức Peter Herde, người đã viết bài tiểu sử tỉ mỉ với dồi dào tài liệu nhất về Pietro del Morrone-Celestinô đệ Ngũ, được công bố trong bộ tiểu sử có uy tín “Enciclopedia dei papi” do nhà Istituo Treccani phát hành tại Ý. Bộ này là một tập hợp các tiểu sử chi tiết và hoàn chỉnh được chấp nhận và đánh giá cao, kể cả các "tu sĩ dòng Celestin" nhiệt thành nhất:

Nối gót theo vết chân của những suy tư về cánh chung của Joachim thành Fiore, đức Pietro-Celestinô được người ta nhanh chóng đánh giá như là một giáo hoàng thiên thần, theo các lời tiên tri bắt đầu lan truyền vào giữa thế kỷ mười ba, sẽ là người khai sinh một thời đại các tu sĩ, thanh luyện Giáo hội, chinh phục Giêrusalem, và chuẩn bị cho Chúa Kytô tái lâm.

Nhưng đấy chỉ là truyền thuyết. Vì nếu người ta đọc chương viết về triều giáo hoàng rất ngắn của đức Celestianô đệ Ngũ, thực tế hiện ra rất khác.

Và cũng rất khác với những lời lý tưởng hóa của giáo hoàng Phanxicô đã ca tụng về vị tiền nhiệm này của mình.

Pietro del Morrone được chừng hơn một chục vị hồng y đồng lòng bầu lên làm giáo hoàng ngày mồng 5 tháng Bẩy năm 1294, sau một cuộc mật nghị đầy sóng gió kéo dài hơn hai năm.

Vào lúc được bầu lên, ngài đã 85 tuổi. Sau khi sống một cuộc đời ẩn tu, ngài đã lập nên một tu hội các tu sĩ, được gọi là “celestini - tu sĩ dòng Celestinô”, sau được sáp nhập vào dòng Biển Đức, và lập tức hưởng được nhiều nhà thờ, tu viện và đất đai ở mạn Nam Roma, do nhiều người dâng cúng.

Pietro del Morrone hoàn toàn không dính dáng vào những thủ đoạn nhằm bầu ngài lên làm giáo hoàng. Herde viết:

Các hồng y chọn ngài vì họ nhằm bầu lên một ứng viên được hai bên thoả hiệp làm giải pháp tạm thời, chọn một ẩn sĩ cao tuổi nhưng thiếu kinh nghiệm, để làm một giáo hoàng không quá khắc khe. Chắc chắn đây là một quyết định vô lý, vì đức Pietro hoàn toàn thiếu mọi điều kiện để có thể lãnh đạo Giáo hội cách thành công, để hiểu tường tận các ban bệ phức tạp của giáo triều, của giáo luật, của các vấn đề thiêng liêng và chính trị. Hơn nữa ngài lại quá già để có thể thích ứng với các công tác mới.”

Khi được thông báo mình được chọn đang lúc ở tại nơi ẩn tu gần Sulmona, đức Pietro del Morrone đâm hoảng. Nhưng ngài chấp nhận khi người ta nói cho ngài biết rằng ngài mắc tội trọng nếu ngài từ chối. Ngài được một vị vua mà ngài hết lòng tin tưởng, ủng hộ và trấn an trong nhiệm vụ mới, đó là ông hoàng Charles đệ Nhị xứ Anjou, vua của thành Naples, và là một người cháu của vua thánh Louis thứ Chín, của nước Pháp. Ông hoàng Charles từ đó về sau có ảnh hưởng rất lớn trên vị giáo hoàng già.

Ông hoàng Charles tổ chức lễ đăng quang cho vị tân giáo hoàng không phải tại Roma – nơi mà đức Celestinô đệ Ngũ chưa bao giờ đến – nhưng tại Aquila, một thành trong lãnh địa của ông. Pietro đi vào thành trên lưng một con lừa, theo gương Chúa Kytô, khiến cho dân chúng có ý nghĩ rằng vị giáo hoàng thiên thần theo đúng như lời tiên tri cuối cùng đã xuất hiện. Sau đó ngài ngụ tại Naples, thủ phủ, nơi ông hoàng của xứ Anjou bảo vệ ngài bằng quần thần của mình, đồng thời ban nhiều đặc ân của mình cho các tu viện do Pietro lập nên. Pietro không từ khước, tuy cá nhân ngài vẫn tiếp tuc sống một cuộc đời khắc khổ trong một căn phòng hẹp lập riêng cho ngài tại Castelnuovo.

Vào ngày mồng 8 tháng Chín, đức Celestinô đệ Ngũ thiết lập thêm chín vị hồng y. Và Herde viết về chuyện này như sau:

Cuộc mật nghị dai dẳng vừa qua đã cho thấy nhu cầu phải có việc thiết lập thêm này, nhưng ông hoàng Charles đệ Nhị cũng đã thúc ép để vị giáo hoàng thực hiện bước này. Đối với ông, điều quan trọng là phải đưa vào hồng y đoàn những người ông tin cậy, với viễn kiến nhắm đến cuộc mật nghị sắp tới. Nhóm quý tộc Roma không thấy phe cánh mình tăng thêm, mà ngược lại, trong số chín vị hồng y, không có vị nào đến từ các quốc gia của giáo hoàng. Trong số mười hai vị hồng y do Celestinô thiết lập ( con số mười hai nhắc đến mười hai tông đồ theo nghĩa cánh chung) chỉ có năm vị người Ý: Tommaso di Ocre và Francesco da Atri, cả hai đều là tu sĩ Khó Nghèo thuôc dòng của đức giáo hoàng; Pietro dell'Aquila, dòng Biển Đức, giám mục Valva và Sulmona; Landolfo Brancaccio, người vùng Naples, một trong số những người tin cẩn của ông hoàng xứ Anjou, và Guglielmo Longo xứ Bergamo. Trong số bẩy vị từ Pháp, có hai tu sĩ đức Celestinô chưa bao giờ gặp mặt."

Sử gia người Đức viết tiếp:

Hiển nhiên là ông cụ ngây thơ không đủ khả năng lãnh đạo Giáo hội. Trong “mức độ đơn sơ nhất của mình,” như các đối thủ của ngài nhấn mạnh, ngài ban phát ân huệ, tài lộc, chức tước, và trợ cấp cá nhân. Tính cả tin của ngài bị các nhân viên trong giáo triều và các hồng y khai thác tận tình, như các hồng y Jacopo Colona, và Hugues Aycelin. Trong tình hình như thế, cả những người trước kia ủng hộ ngài nay cũng bắt đầu chỉ trích ngài. Trong một bài của chuỗi thơ laudes - tán thi, Jacopone de Todi đã cảnh báo ngài về những nguy cơ tiềm ẩn trong chức vụ của ngài.”

Vì thế đức Celestinô đệ Ngũ bắt đầu nghĩ đến việc từ nhiệm. Kế hoạch từ nhiệm của ngài đã được suy xét kỹ lưỡng về phương diện giáo luật, và vào ngày 13 tháng Mười Hai, tại Castelnuovo ở Naples, ngài đọc lời tuyên bố từ nhiệm trước hồng y đoàn. Ngài cởi áo giáo hoàng xếp sang một bên, rồi mặc lại tu phục màu xám của dòng mình: đức giáo hoàng trở lại là Pietro del Morrone. Triều giáo hoàng của ngài kéo dài năm tháng và chín ngày. Ngài mất ngày 19 tháng Năm năm 1296 được 87 tuổi.

 

 

___________

 

Trọn vẹn bản tiểu sử của Pietro del Morrone do Peter Herde viết cho bộ "Enciclopedia dei papi" nhà Treccani xuất bản:

> Celestino V, santo
 

 

 

__________

Bài diễn văn của đức giáo hoàng Phanxicô tại Isernia hôm mồng 5 tháng Bẩy năm 2014, dịp khánh thành năm thánh Celstianô "trong năm này, lòng thương xót sẽ mở rộng cho mọi người":

> "Misericordia è profezia di un mondo nuovo…"

 

 

__________

Bài tưởng nhớ đức Pietro del Morrone-Celestine V do đức Biển Đức XVI đọc tại Sulmona hôm mồng 4 tháng Bẩy năm 2010, dịp kỷ niệm 900 năm ngày sinh:

> A "seeker of God"

 

 

 

Tại đền thờ Collemaggio ở Aquila, vào tháng Tư năm trước đó, đức giáo hoàng Joseph Ratzinger đã đặt trên mộ vị thánh tấm khăn choàng vai pallium ngài đã nhận hôm khai mạc triều giáo hoàng của mình.

_________

 

 

Trong bức tiểu hoạ in lại ở đầu bài, trích trong cuốn "Vaticinia de Pontificibus", có từ thế kỷ 15, được lưu trữ tại thư viện Anh, đức Celestinô đệ Ngũ được vẽ lại với con chó sói chồm lên sau lưng giật cái giải mũ ba tầng xuống, ngụ ý đến việc từ nhiệm của ngài.

 

__________

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.