Người bạn bí mật của đức Phanxicô tại Caserta

 


 
 
 

 

 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350849?eng=y

 

Ông không phải là người Công giáo, nhưng là tín hữu phái Ngũ Tuần, một phần trong cộng đồng Kytô hữu hiện đang phát triển rất nhanh trên khắp thế giới. Từng chút một, đức giáo hoàng gặp gỡ các vi lãnh đạo của họ. Từ đối thủ, ngài muốn trở thành bằng hữu, đến độ xin họ thứ lỗi.

 

ROMA – Ngày 23 tháng Bẩy năm 2014 – Khi tin tức lọt ra ngoài, và được cha Federico Lombardi xác nhận, rằng đức giáo hoàng có ý định đi thăm riêng tư một người bạn tại Caserta là mục sư của cộng đồng Tin Lành địa phương, thì Giovanni D’Alise, giám mục sở tại, ngạc nhiên như bị sét đánh. Chẳng ai nói cho ngài biết tí gì!

Hơn nữa, đức giáo hoàng dự trù cuộc viếng thăm tại Caserta xảy ra trùng ngày lễ kính thánh Anna, bổn mạng của thành phố. Cảm thấy mình như bị mất mặt, vài tín hữu dọa sẽ làm cho ra lẽ. Phải mất cả tuần lễ để thuyết phục đức giáo hoàng thay đổi lịch trình, và chia việc đi thăm thành hai giai đoạn: lần đầu đi thăm công khai các tín hữu Caserta vào ngày thứ Bẩy, 26 tháng Bẩy, và lần thứ hai thăm riêng người bạn Tin Lành của mình vào thứ Hai kế tiếp.

Đức Jorge Mario Bergoglio đã dàn xếp để đi thăm người này từ hàng tháng trước. Ngài nhắc đến việc này với một nhóm giáo hữu Caserta hôm 15 tháng Giêng, sau cuộc triều yết chung tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nhắc lại lần nữa hôm 19 tháng Sáu, trong lần gặp gỡ vài mục sư Tin Lành tại Roma, trong số này có mặt người bạn của Ngài, Giovanni Traettino, người mà ngài đã gặp tại Buenos Aires vào năm 2006, trong một cuộc bàn luận khi ngài còn là tổng giám mục thủ đô Achentina.

Quả thực, cuộc gặp gỡ mục sư Traettino tại Caserta không phải là một biến cố đơn lẻ, nhưng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của đức giáo hoàng Phanxicô nhằm chiếm được cảm tình của các nhà lãnh đạo mang tầm cỡ thế giới của phong trào “Tin Lành” và Ngũ Tuần. Đặc biệt hai phái này là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm tại Nam Mỹ của Giáo hội Công giáo. Họ đã dành mất một số lượng đáng kể các tín hữu sang phía họ.

Các Kytô hữu “Tin Lành” và Ngũ Tuần, nổi lên trong thế kỷ trước từ các cộng đồng Cải Cách, đã có nhiều phát triển ngoạn mục. Ngày nay, người ta ước lượng họ chiếm gần đến một phần ba của khoảng hai tỷ Kytô hữu hiện có trên thế giới, và chiếm đến ba phần tư số tín hữu Cải Cách. Nhưng họ cũng có mặt trong Giáo hội Công giáo. Hôm mồng Một tháng Sáu vừa qua, tại vận động trường Olympic ở Roma, đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp gỡ 50 ngàn thành viên phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, nhóm Đặc Sủng Công giáo quan trọng nhất tại Ý.

Ba ngày sau, ngày mồng Bốn tháng Sáu, đức giáo hoàng đã gặp gỡ lâu giờ tại cư xá Santa Marta với một vài nhà lãnh đạo “Tin Lành” của Mỹ, gồm cả Joel Osteen, nhà truyền giáo bằng truyền hình nổi tiếng, Tim Timmons, mục sư tại California, và Gayle D. Beebe, viện trưởng viện đại học Tin Lành Westmont.

Vào ngày 24 tháng Sáu, một buổi gặp mặt khác. Lần này với James Robinson và Kenneth Copeland, các nhà truyền giáo bằng truyền hình bang Texas, với giám mục Anrthony Palmer, thuộc Cộng đồng Tin Lành Giám lý, với hai vợ chồng John và Carol Arnott ở Toronto, và với các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác. Cũng còn có Geoff Tunnicliffe tổng thư ký, và Brian C. Stiller, “đại sứ” của Liên Hiệp Tin Lành Thế giới. Cuộc gặp mặt kéo dài ba tiếng, và tiếp tục sang bữa trưa, tại phòng ăn cư xá Santa Marta, nơi đó, giữa tiếng cười to, đức giáo hoàng và mục sư Robinson đập tay nhau (xem hình).

Copeland và Osteen là những người đề nghị nền “thần học sung túc,” theo đó, đức tin càng tăng trưởng khi giàu có càng gia tăng. Họ là những người rất giầu và có lối sống phung phí. Nhưng đức Phanxicô miễn cho họ một bài giảng về sự khó nghèo.

Thay vì thế - theo lời kể của “đại sứ” Stiller – đức giáo hoàng trấn an họ: “Tôi không bận tâm đến việc cải hóa người Tin Lành trở lại Công giáo. Có quá nhiều điểm giáo lý chúng ta không bao giờ đồng thuận. Chỉ cần bày tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu.

Nhưng ngài cũng cho họ biết ngài học được từ tình bạn của ngài với mục sư Traettino rằng Giáo hội Công giáo, với sự hiện diện bề thế của mình, đã hành xử như một cản trở cho sự phát triển và làm chứng của các cộng đồng ấy. Và cũng chính vì lý do đó, ngài nghĩ đến việc thăm viếng cộng đồng Ngũ Tuần tại Caserta: “để đưa ra một lời xin lỗi về sự khó khăn gây ra cho cộng đồng của họ.”

Trong triều giáo hoàng của đức Gioan Phaolô đệ Nhị, và hơn thế nữa, dưới triều của đức Biển Đức XVI, các tín hữu “Tin Lành” Mỹ, hầu hết là bảo thủ, đã dịu bớt giọng chống giáo hoàng, và tìm ra những điểm chung gặp gỡ với Giáo hội Công giáo trong việc chia sẻ chung chiến tuyến bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống và gia đình.

Đức giáo hoàng Phanxicô đã không nhấn mạnh liên tục đến những đề tài này trong các cuộc đối thoại của ngài các tuần vừa qua.

Nhưng vào tháng Ba trước, tại Roma, đức giáo hoàng đã gặp gỡ chóng vánh với gia đình nhà Green, Tin Lành, chủ nhân loạt tiệm Hobby Lobby, đã được Tối Cao Pháp Viện Mỹ đứng cùng phe, trong một phán quyết quan trọng đưa ra vào cuối tháng Sáu, sau một vụ kiện tụng họ chống lại luật lệ được Barak Obama hậu thuẫn. Theo luật này, các chủ nhân thương mại hay xí nghiệp phải bao gồm trợ cấp việc ngừa thai và phá thai vào chương trình bảo hiểm sức khoẻ của nhân viên.

 

 

___________

 

Những chi tiết khác về cuộc gặp gỡ với đức giáo hoàng được Brian C. Stiller trong Liên Hiệp Tin Lành Thế giới ghi lại:

> Lunch with the Pope

 

__________

 

Trang mạng của cộng đồng Tin Lành tại Caserta do mục sư Giovanni Traettino gầy dựng nên:

> Chiesa Evangelica della Riconciliazione

 

Về vai trò của của Traettino trong làn sóng Tin Lành Ngũ Tuần và những vấn đề phát sinh trong tương quan đại kết giữa các Kytô hữu, một bài xã luận của Massimo Introvigne trong tờ La Nuova Bussola Quotidiana:

> L'incontro "segreto" di papa Francesco a Caserta
 

 

Introvigne đã xuất bản vào năm 1996, qua nhà Edizioni Messaggero tại Padua, một bài phỏng vấn dài bằng cả cuốn sách với không ai khác hơn là mục sư Traettino: "Aspettando la Pentecoste. Il quarto ecumenismo".

 

 

 

 

__________

 

 

 

Ghi chú của người dịch 



 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.