Những quốc gia
mà thậm chí đức Phật cũng cầm gươm

 

 

 

 
 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350918?eng=y

 

Đó là trường hợp của Myanmar, nơi các tín hữu của tôn giáo khác bị bách hại nhân danh Phật Giáo. Hay tại Sri Lanka, nơi đức giáo hoàng sẽ đến trong cuộc tông du sắp tới. Như được ghi lại trong bản phúc trình năm 2014 của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Cần Giúp Đỡ (ACN - Aid to the Church in Need) về những vi phạm tự do tôn giáo.

 

ROMA, ngày 6 tháng Mười Một năm 2014 – Vua Nebuchadnezzar vẫn còn ở giữa chúng ta. Và kẻ nào không chịu tôn thờ thần linh của ông, sẽ bị ném vào lò lửa, như trong chương ba sách tiên tri Daniel.

Vào đúng ngày tổ chức giáo hoàng Trợ Giúp Giáo Hội Cần Giúp Đỡ công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2014, tại Pakistan, một đám đông có đến 400 người Hồi Giáo điên cuồng đã tấn công và ném vào đống lửa đang bừng bừng cháy hai vợ chồng Kytô hữu trẻ tuổi: Shahzad Masih, người chồng 28 tuổi, và Shama, vợ anh, 25 tuổi, đang mang thai sắp sinh đứa thứ năm. Họ để lại bốn đứa con.

Trong số 20 quốc gia liệt kê trong bản phúc trình ở mức vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng nhất, có 14 quốc gia chính thức là Hồi giáo, cộng thêm Nigeria, phân nữa là Kytô giáo và nữa kia là Hồi giáo, nhưng đang chịu ảnh hưởng của Boko Haram, một trong những nhánh gây đổ máu nhiều nhất của Hồi giáo quá khích. Ấy là không tính đến quốc gia Hồi giáo mới tự công bố thành lập, nằm giữa Syria và Iraq, gieo chết chóc nhân danh Allah.

Tuy nhiên, Hồi giáo không phải là tôn giáo duy nhất cổ vũ các hành vi nhằm bách hại và triệt hạ có hệ thống các niềm tin khác.

Trong số 20 quốc gia có mức bất khoan dung tôn giáo cao nhất, có một quốc gia mà Phật giáo là tôn giáo thống trị: đó là Myanmar.

Một quốc gia khác với Phật giáo vượt trội, nhưng có một mức bất khoan dung tôn giáo cũng cao không kém là mấy, đó là Sri Lanka.

Đối với Tây Phương, Phật giáo đồng nghĩa với hoà bình, từ ái, khôn ngoan, huynh đệ đại đồng. Như trường hợp của một khuôn mặt cả thế giới đều biết, đức Đạtlai Lạtma.

Nhưng thực tế lại khác hơn rất nhiều. Tự do tín ngưỡng bị bóp nghẹt nặng nề không chỉ tại Myanmar và Sri Lanka, mà còn tại các quốc gia phần lớn là Phật giáo như Lào, Cambodia, Bhutan, Mông cổ, mặc dù ở một tầm mức kém hơn.

Sri Lanka sẽ là điểm đến của đức giáo hoàng Phanxicô trong cuôc tông du được ấn định vào tháng Giêng sang năm.

Tại đây, Phật tử chiếm 70% dân số, người Ấn giáo chiếm 12.6%, Hồi giáo chiếm 9.7%, Kytô hữu 7.4%, mà đa số là Công giáo.

Trong vòng 25 năm, kể từ năm 2009, một cuộc nội chiến đã làm cho quốc gia này tắm trong máu, với chính phủ trung ương đang vật lộn để khắc phục nhóm người Tamils nổi dậy ở mạn Bắc đảo quốc này.

Phần lớn người Tamils theo Ấn giáo, nhưng cuộc chiến mang tính cách chính trị nhiều hơn là tôn giáo. Tuy nhiên, sau cuộc ngưng bắn, chiều hướng bất khoan dung bắt đầu gia tăng trong nhóm Phật tử. Nhân danh việc đồng hoá Phật giáo và quốc gia, họ đã tấn công và bách hại những người theo tín ngưỡng khác như là kẻ thù.

Bản phúc trình của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Cần Giúp Đỡ đưa ra một danh sách tỉ mỉ các vụ bạo động trong khoảng 2013 đến 2014 chống lại tín đồ Hồi giáo và Kytô hữu do các tổ chức Phật giáo quá khích nhất gây ra, có sự ủng hộ thực sự của chính quyền trung ương.

Cuốn sách đồ sộ “Black book of the condition of Christians in the world - Hắc thư về tình trạng các Kytô hữu trên thế giới” mới phát hành mấy ngày nay tại Ý và Pháp, được Jean-Michel di Falco, Timothy Radcliffe, và Andrea Riccardi biên soạn, cũng kể lại sự thể trong chương viết về Sri Lanka.

Nhưng trường hợp của Myanmar lại còn trầm trọng hơn, trầm trọng hơn rất nhiều. Tại đây, việc nền dân chủ rụt rè triển nở, khiến bà Aung San Suu Kyi, một quán quân kiên cường tranh đấu cho tự do, được vào quốc hội năm 2012, không hề trùng hợp với sự giảm thiểu tình trạng bất khoan dung tôn giáo, mà trái lại – theo như bản phúc trình của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Cần Giúp Đỡ viết rõ – còn “gia tăng cách bi thảm, song song với sự phát sinh của tinh thần quốc gia Phật giáo hiếu chiến.”

Cũng giống như tại Sri Lanka, ở đây cũng thế, những cuộc xung đột trong những vùng hẻo lánh, mang bản chất sắc tộc, trong vòng vài năm trở lại đây, đã trở thành những cuộc tấn công và bách hại, do các tổ chức Phật giáo gây ra, được các nhà sư cũng như các lực lượng quân đội của chính phủ thành lập và lãnh đạo.

Cuộc bách hại đặc biệt nhắm vào sắc tộc Hồi giáo Rohingya và các Kytô hữu thuộc sắc tộc Kachin và Chin ở miền Bắc, và sắc tộc Karen cũng như Karenni ở mạn Đông. Không có con số các đền thờ Hồi giáo và nhà thờ đã bị phá huỷ, số lượng các làng mạc bị thiêu rụi (xem hình), và hàng trăm ngàn người bị buộc phải chạy trốn.

Có tin tức loan đi nói về những tra tấn và các cuộc cưỡng bức theo Phật giáo, ép buộc cả các trẻ em còn non tuổi, với các trường học được thiết lập để biến các học sinh theo tôn giáo khác trở thành các chú tiểu đầu cạo trọc mặc áo cà sa vàng. Kinh Thánh và các sách đạo nhập vào đều là phạm luật. Ai không phải là phật tử đều bị loại ra khỏi mọi chức vụ trong chính quyền.

Tại Myanmar, Phật tử chiếm 80% dân số, Kytô hữu chiếm 7.8%, Hồi giáo 4%. Trong nhóm người Hồi giáo này, thuộc sắc tộc Rohingya, chính quyền đã ấn định mỗi cặp vợ chồng không được sinh quá hai con.

 

 

___________

 

 

Trong số 20 quốc gia liệt kê trong bản phúc trình năm 2014 của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Cần Giúp Đỡ, có mức vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng nhất, đây là danh sách 12 quốc gia đã được ghi nhận có tình hình càng ngày càng “trầm trọng” thêm trong năm qua:

Iraq
Libya
Nigeria
Pakistan
Syria
Sudan
Azerbaijan
China
Egypt
Central African Republic
Uzbekistan
Myanmar

Tổ chức giáo hoàng đã cung cấp bản phúc trình:

> Aid to the Church in Need
 

 

__________

 

Bản phúc trình đã không chối rằng, trong nhiều trường hợp, việc đàn áo tự do tôn giáo có những động cơ chính là sắc tộc, chính trị và văn hóa. Nhưng bản phúc trình cũng không bao giờ dấu diếm những trường hợp đàn áp xảy ra nhân danh một niềm tin nào đó chống lại các tín ngưỡng khác.

Và không chút hồ nghi, đó là trường hợp của Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria.

Bản chất mang tính tôn giáo hơn là chính trị của cuộc chiến thảm khốc tung ra để chống lại những kẻ “infidel- ngoại đạo” do chính cái quốc gia tự phong cho mình là Hồi giáo ấy, cũng đã được khẳng định do tờ báo “La Civiltà Cattolica” đầy quyết đoán, đã in ra sau khi được Toà thánh duyệt xét và phê chuẩn, trong ấn bản ngày 6 tháng Chín năm 2014:

Cần phải điều nghiên và hiểu cặn kẽ tại sao và như thế nào mà IS [Quốc gia Hồi giáo –ghi chú của toà soạn] đã chiến đấu. Đấy là một cuộc chiến tranh tôn giáo và hủy diệt. Đó là việc khai thác quyền lực nhờ tôn giáo, chứ không nhờ cái gì khác.

Và:

Cuộc chiến với những sắc thái tôn giáo [của IS] cũng đã được đẩy cho đến tận mức chống với người Hồi giáo phái Sunni, là những người không “thực sự” là Salafi, bao gồm cả nhóm Huynh đệ Hồi giáo, nhóm Hamas, nhóm Saudi Wahhabi., và nhóm thánh chiến Al Qaeda. Họ là những kẻ bội giáo, theo quan điểm của IS, vì họ không theo đuổi một quốc gia Hồi giáo toàn cầu, mà quá lắm chỉ là những quốc gia nhỏ sống theo luật Sharia.”

Nhưng điều không tưởng tượng nổi là Antonio Spadaro, dòng Tên, giám đốc tờ “La Civiltà Cattolica,” sau đó lại chối rằng tờ báo chưa bao giờ nhìn cuộc chiến do quốc gia Hồi giáo ấy tung ra như là “một cuộc chiến tranh tôn giáo”:

Bài báo nói IS nghĩ rằng đấy là một “cuộc chiến tranh tôn giáo.” Nhưng CHÚNG TA nên dè chừng với lối suy nghĩ như thế”.

Nhưng những điều đã viết ra vẫn còn đó, bất chấp lời chối bỏ nông cạn này. Như người ta còn đọc được trọn vẹn bản văn của lời toà soạn, trên trang mạng của tờ "La Civiltà Cattolica":

> Fermare la tragedia umanitaria in Iraq

 

 

__________

 

 

Ghi chú của người dịch 

 

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.