Đức Phanxicô kết thân
với người Tin Lành Ngũ Tuần như thế nào

 

 

 
 
 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350924?eng=y

 

Tại Châu Mỹ Latinh họ đã lôi kéo hàng triệu tín hữu ra khỏi Giáo hội Công giáo. Nhưng đức giáo hoàng chỉ có những lời bằng hữu với họ. Đó là cách ngài thực hiện đại kết, được tỏ lộ ở đây, trong hai sứ điệp qua video.

 

ROMA, ngày 19 tháng Mười Một năm 2014 – Với sự thành thạo bậc thầy được cả thế giới biết đến, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, có trụ sở đặt tại Washington đã thực hiện một cuộc thăm dò đồ sộ. Cuộc thăm dò này đã khẳng định bằng chứng cho sự kiện từng được biết cách khái quát: đó là sự giảm thiểu đến độ gây sửng sốt số giáo hữu Công giáo tại lục địa Châu Mỹ Latinh.

> Religion in Latin America. Widespread Change in a Historically Catholic Region

Trong khu vực địa dư ngày nay thường dùng để biểu thị một trọng tâm mới của Giáo hội Công giáo toàn cầu, vào giữa thế kỷ vừa qua, hầu như toàn bộ dân số, 94 phần trăm, là người Công giáo. Và mãi đến năm 1970, người Công giáo vẫn chiếm đa số áp đảo, ở mức 92 phần trăm.

Nhưng rồi sự suy sụp xảy đến. Ngày nay, tỷ lệ người Công giáo thấp xuống mất 23 nấc, chỉ chiếm 69 phần trăm dân số. Chiếm kỷ lục trong suy giảm tỷ lệ là nước Honduras, nơi số người Công giáo đã sụt xuống dưới một nửa, từ 94 xuống đến 46 phần trăm. Để có khái niệm sự sụt giảm xảy ra đột ngột đến mức nào, chỉ cần để ý rằng việc sụt giảm xảy ra hoàn toàn trong khoảng thời gian làm giám mục của hồng y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, tổng giám mục Tegucigalpa và là điều hợp viên của tám vị hồng y được đức giáo hoàng Phanxicô mời làm phụ tá cho mình trong việc điều hành giáo hội hoàn vũ.

Số tín hữu Công giáo sụt giảm đều đi kèm theo với sự gia tăng dồi dào số các Kytô hữu “Tin lành” và Kytô hữu Ngũ Tuần, có gốc gác Tin Lành. Điều này ai cũng biết, nhưng Trung Tâm Nghiên Cứu Pew đã nhấn mạnh rằng, những người cải đạo thường không phải là những tín hữu lạnh nhạt đức tin, mà lại là những người nhiệt thành nhất.

Quả vậy, người cải đạo sang cộng đoàn “Tin Lành”, hóa ra là những người năng nổ nhất trong việc truyền bá đức tin Kytô giáo. Và cũng có khác biệt trong việc trợ giúp người nghèo. Trong khi người Công giáo chỉ trợ giúp người nghèo, rồi thôi, người “tin lành” lại không chỉ năng nổ trong công tác bác ái, mà còn không hề bỏ lỡ cơ hội để rao giảng đức tin cho người nghèo.

Còn có sự dị biệt lớn trong việc sống đạo. Tại Achentina chẳng hạn, số người “tin lành” nhấn mạnh đến khía cạnh tôn giáo trong cuộc sống của mình, cầu nguyện hằng ngày và hàng tuần đến nhà thờ chiếm 41 phần trăm, trong khi người Công giáo sống đạo như thế chỉ được 9 phần trăm, và được xếp hạn chót, cùng với nước Chilê, và Uruguay đã bị tục hóa.

Cuộc thống kê của Trung Tâm Nghiên Cúu Pew cũng minh chứng rằng những người cải đạo từ Công giáo sang các cộng đồng “tin lành” không hề bị lôi cuốn vì sự khoan dung trong vấn đề phá thai hay đồng tính.

Thực tế cho thấy ngược lại, sự chống đối kiên quyết nhất chống lại việc phá thai và hôn nhân đồng tính được gặp thấy nơi các người Tin lành Hiện đại, chứ không phải nơi người Công giáo.

Chẳng hạn, tại Achentina, hơn phân nữa số người Công giáo, 53 phần trăm, nói rằng họ thuận tình với “hôn nhân” đồng tính vốn đã hợp luật tại quốc gia này. Thế mà trong số các tín hữu Tin lành Hiện Đại, những người ủng hộ chỉ chiếm 32 phần trăm.

Bản thống kê của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew là một bài cần phải đọc, vì đầy dẫy dữ kiện nói về hiện tượng mở ra môt kỷ nguyên mới này.

Và vì thế là điều dễ hiểu, khi một vị mục tử như Jorge Mario Bergoglio – vì là người Achentina, nên đã đích thân cảm nghiệm được sự sa sút số thành viên Công giáo trong đất nước này và tại châu lục này - phải ao ước có được hành động tương xứng.

Còn nếu không thế, hẳn sẽ chẳng làm sao cắt nghĩa được những nỗ lực liên tục giáo hoàng Phanxicô đang cố thực hiện cùng với các nhà lãnh đạo cấp hoàn vũ của các phong trào Tin lành và Ngũ Tuần tại Châu Mỹ LaTinh, vốn là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Giáo hội Công giáo. Không phải để đánh họ, nhưng là để đánh bạn với họ.

Đây là một nỗ lực Ngài đã bắt đầu từ lâu trước khi được bầu làm giáo hoàng. Và một thời điểm nổi bật nhất của nỗ lực này là việc ngài đến Caserta hôm 27 tháng Bẩy để thăm Giovanni Traettino, mục sư Tin lành phái Ngũ Tuần. Vị này là bạn của ngài thời còn là tổng giám mục tại Buenos Aires:

> Francis's Secret Friend in Caserta
 

Trong bài diễn văn đọc vào dịp này, đức giáo hoàng Phanxicô đã trình bày nhãn quan của Ngài về các tương quan đại kết, như là “hiệp nhất trong đa dạng”: một kiểu Giáo hội hoàn vũ dưới dạng một lăng kính, trong đó Giáo hội Công giáo chỉ là một mặt, đồng vai đồng vế với các Giáo hội khác và giáo phái khác.

Người ta không rõ đức Phanxicô làm thế nào để hài hoà quan điểm của mình với quan điểm đã từng được Giáo huấn của Giáo hội phát biểu về vấn đề đại kết. Nhưng có sự kiện là ngài rất quan tâm đến đại kết, như thấy được qua các lần tiếp xúc không nghi thức rình rang với mục sư tin lành này hay kia, mà ngài gặp gỡ.

Đức giáo hoàng Bergoglio thường tiếp họ tại Santa Marta. Hay ngài gặp gỡ họ tại nhiều nơi trên thế giới qua các sứ điệp video trực tiếp.

Và những lời ngài phát biểu trong các dịp này, không hề bao giờ xuất hiện trong các nguồn chính thức của Vatican, nhưng được phổ biến khi người nhận tung chúng lên mạng, kèm theo sự hài lòng thấy rõ.

Một trong những lần gặp gỡ kiểu này, mới đây, giữa đức giáo hoàng và các nhà lãnh đạo “tin lành,” xảy ra tại Santa Marta, trong thời gian thượng hội đồng tháng Mườì vừa rồi. Đức Phanxicô tiếp goá phụ và các người đồng sự của Tony Palmer, một vị giám mục trong Hội đồng các Giáo hội Tin Lành Trưởng lão. Vị này là người bạn vong niên từ Nam Phi, mới mất trong một tai nạn xe hơi tháng Bẩy vừa rồi.

Trước đó vài tháng, đức Phanxicô đã gửi một sứ điệp mạnh mẽ qua truyền hình đến một cuộc họp mặt có Palmer chủ toạ, cùng với một nhân vật tin lành hàng đầu khác, mục sư Kenneth Copeland, có cơ sở tại Texas, một người ủng hộ cho nền “thần học sung túc.” Đức giáo hoàng đã tiếp đón cả hai vị ngày 24 tháng Sáu tại Roma.

Sứ điệp của đức giáo hoàng bắt đầu vào phút thứ tư trong video sau :

> Ecumenismo. Papa Francisco envía mensaje de unidad a cristianos evangélicos

Sau đây là đường dẫn đến video về cuộc gặp gỡ vào tháng Mười. Bên cạnh đức giáo hoàng là bà quả phụ Palmer, nhủ danh Emiliana,(trên hình) và vị giám mục kế vị Robert Wise:

> The miracle of unity

Sau đây là bản chép lại và bản dịch từ nguyên văn Tây ban Nha những lời đức Phanxicô đã nói, với quan điểm đại kết của ngài.

 

__________

 

"ĐỪNG CHỜ CHO ĐẾN KHI CÁC NHÀ THẦN HỌC ĐỒNG THUẬN"

 

Giáo hoàng Phanxicô gửi các nhà lãnh đạo Hội Nghị các Giáo hội Tin Lành Trưởng lão

Trước hết, tôi chúc mừng sự can đảm của quý vị. Hôm qua, ngay cửa bước vào hành lang thượng hội đồng, tôi va phải một vị giám mục Tin Lành phái Lutherô, và tôi nói với vị ấy: “Ngài ở đây à? Ngài gan thật!” Bởi vì ở vào một thời khác, họ đã thiêu sống các người Tin Lành phái Luthêrô…[Cử toạ cười].

Hôm qua có một buổi gặp mặt được ngài Tony [Palmer] tổ chức. Ngài rất háo hức về việc ấy, cũng như tôi vậy, và tôi rất biết ơn Tổng giám mục Robert Wise và Emiliana, người đã muốn đỡ lấy ngọn đuốc, “fiaccola” như người ta nói bằng tiếng Ý, ngọn đuốc của giấc mơ, giấc mơ mà Tony từng ôm ấp. Giấc mơ được bước đi trong hiệp nhất.

Chúng ta đang phạm tội ngược lại ý muốn của Chúa Kytô, vì chúng ta chỉ chú mục đến các dị biệt. Nhưng tất cả chúng ta có cùng một phép Rửa, và Phép Rửa quan trọng hơn các dị biệt. Tất cả chúng ta tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Tất cả chúng ta đều có trong mình Chúa Thánh Thần, Đấng đang cầu nguyện “lúc này” cho chúng ta, Thần Khí đang cầu nguyện trong chúng ta.

Và mọi người phải biết rằng còn có một người cha của dối trá, người cha mọi chia rẽ một “phản-cha,” tên ma quỷ đã lẻn vào và gây chia rẽ, chia rẽ …Chúng tôi đã nói nhiều với Tony về điều này, về việc tiến tới và bước đi, cùng bước đi trong những gì hiệp nhất chúng ta. Và rằng Chúa Giêsu, qua quyền năng của Ngài, sẽ giúp sức để những gì phân rẽ chúng ta đừng chia rẽ chúng ta quá.

Tôi không biết nữa ! Quả là khùng … Có cả một kho tàng mà không dùng, lại đi dùng hàng giả. Hàng giả là những dị biệt. Điều quan trọng là kho tàng. Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Ơn gọi nên thánh, cùng một phép Rửa và lời kêu gọi rao giảng Phúc Âm đến tận cùng thế giới. Điều chắc chắn là Ngài ở với chúng ta bất cứ chúng ta đi đâu… Ngài không ở với tôi chỉ vì tôi là người Công giáo, Ngài không ở với tôi chỉ vì tôi là người Luthêrô, Ngài không ở với tôi chỉ vì tôi là người Chính Thống …Đúng là một nhà toàn thần học điên khùng [cười].

Mỗi người đều có căn tính riêng, và tôi giả thiết mỗi người trong chúng ta đều tìm kiếm sự thật. Vậy chúng ta hãy cùng nhau bước đi. Hãy cầu nguyện cho nhau, và chung nhau làm việc bác ái. Matthêu chương 25 chung với nhau. Và Tám Mối Phúc Thật chung với nhau. Và tất cả chúng ta đều có các nhà thần học lão luyện trong giáo hội mình. Mong họ nghiên cứu thần học. Đấy cùng là một hình thức cùng nhau bước đi. Nhưng đừng chờ cho đến khi họ đồng thuận…[ cười]. Đấy là điều tôi tin [vỗ tay].

Còn có chuyện khác nữa. Gọi là đại kết trong tinh thần. Nhưng cũng có chuyện khác nữa. Hôm nay chúng ta đang chứng kiến các Kytô hữu bị bách hại, và .. Tôi vừa đến Albania… Họ cho tôi biết rằng, người ta không hỏi tôi là Công giáo hay Chính thống… Mày có phải là Kytô hữu không? Đoàng! Ngay lúc này tại Trung đông, bên Phi Châu, ở nhiều nơi khác, biết bao nhiêu Kytô hữu đã chết! Người ta không hỏi họ có phải họ theo Ngũ Tuần, Luthêrô, Calvin, Anh giáo, Công giáo , Chính Thống… Họ có phải là Kytô hữu không? Người ta giết họ vì họ tin vào Chúa Kytô. Đấy là máu của đại kết !

Tôi nhớ có lần tôi ở Hamburg, khoảng năm 1986 hay ’87, và tôi gặp một linh mục. Và linh mục đang vận động cho việc phong thánh một linh mục Công giáo bị người Phát xít xử trảm vì đã dạy giáo lý cho giới trẻ. Nhưng trong khi tìm hiểu, ngài thấy trên danh sách những người bị kết án hôm ấy, ngay dưới tên linh mục, có một mục sư Luthêrô cũng bị kết án vì tội danh tương tự. Thế nghĩa là máu của linh mục trộn lẫn với máu của mục sư. Vị linh mục đến gặp giám mục và nói với ngài: “Hoặc là con nhập chung hai trường hợp lại với nhau, hoặc con không làm gì cả.” Đại kết bằng máu.

Tôi không biết, có điều nào khác nữa mà tôi muốn nói, tôi không biết nữa… Chỉ thêm một điều nữa ngài Tony từng đề cập đến, khi ngài còn trai trẻ. Ở Nam Phi, trong các trường học, người da trắng và da màu học chung nhau, cùng nhau chơi, nhưng đến giờ ăn, họ lại tách nhau ra, và nói: “Chúng tôi muốn ăn chung.” Ngài có nỗi ao ước này nung nấu trong lòng: là cùng bước đi bên nhau để có thể ăn chung với nhau trong bữa tiệc của Chúa [vỗ tay]. Như Chúa muốn. Như Chúa ước ao.

Tôi muốn cám ơn cha Robert Wise vì sự có mặt của ngài. Ngài là cha linh hướng của Tony. Và sự hiện diện của Emiliana, một phụ nữ mạnh mẽ… Cả hai đều thừa hưởng nhiều điều từ Tony. Chúng tôi phải thừa nhận ngài là người đem chúng tôi lại chung với nhau. Tôi không biết đây có phải là nỗi khát vọng hiệp nhất, ao ước tiếp tục tiến lên trước để tạo hiệp nhất, để cầu nguyện cho nhau, cùng nhau chu toàn Tám Mối Phúc, cùng nhau chu toàn chương 25 Phúc Âm Matthêu… mà không cần lập ban lập bệ, tự do, như anh em.

 

__________

 

 

Quan điểm đại kết của giáo hoàng Phanxicô trong điểm nhắm của tu viện Bose và "trường phái Bologna":

> Ecumenism Rewritten by Enzo Bianchi and Alberto Melloni (3.11.2014)

 

 

__________

 

 

__________

 

 

Ghi chú của người dịch 

 

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.