Lăng kính của hồng y, của nhà xã hội học
và các nhà báo.

 

 


 
 
 
 

Bài của Sandro Magister

Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350929?eng=y

 

Tất cả đều hội tụ vào đức Phanxicô. Để hiểu ngài là ai và nơi ngài muốn đến. Trong giáo hội, ở mọi tầng lớp, các lời phê bình đức giáo hoàng không còn giữ trong im lặng nữa. Chúng đã được phát biểu lớn tiếng. Trong số các hồng y, vị phê bình rõ ràng nhất là Francis George.

 

ROMA, ngày 24 tháng Mười Một năm 2014 – Thượng hội đồng đầy sóng gió bàn về gia đình hồi tháng Mười, việc bổ nhiệm vị tân tổng giám mục Chicago, và việc giáng chức hồng y Raymond L. Burke, đã đánh dấu một bước ngoặc trong triều giáo hoàng của đức Phanxicô.

Nỗi bất an, hồ nghi, các lời phê bình mang tính quyết định được phơi bày ra ánh sáng càng ngày càng nhiều, và càng trở nên rõ ràng và có cơ sở hơn.

Trong mọi tầng lớp “dân Chúa.” Giữa các hồng y. Nơi các nhà xã hội học về tôn giáo. Trong đám các nhà báo chuyên về các vấn đề Vatican.

Phần sau đây là ba chứng từ của bầu khí mới ấy.

 

___________

 

1. HỒNG Y

 

Francis George không phải là bất cứ vị hồng y nào. Tổng giám mục Chicago cho mãi đến cách nay vài tuần, và làm chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ từ năm 2007 đến 2010, ngài là người đưa ra đường hướng mới cho Giáo hội Công Giáo Mỹ dưới thời giáo hoàng của Biển Đức XVI, và hoàn toàn đồng thuận với ngài.

Bằng cách bổ nhiệm Blasé J. Cupich (1), một vị giám mục có khuynh hướng hoàn toàn đối nghịch lên làm người kế vị tại Chicago, đức giáo hoàng Phanxicô đã phát đi một tín hiệu không thể nhầm lẫn rằng mình bất đồng ý kiến với lập trường của hội đồng giám mục Mỹ.

Tuy nhiên, về phần mình, hội đồng giám mục Mỹ đã khẳng định mình không hề có ý định chùn bước rút lui khỏi đường hướng đã chọn.

Quả vậy, khi chọn bốn đại biểu trong kỳ họp thứ hai của thượng hội đồng bàn về gia đình, hội đồng giám mục Mỹ đã tập trung các lá phiếu của mình không chỉ dựa vào Joseph Kurtz và Daniel DiNardo, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng giám mục, mà còn vào Charles Chaput, tổng giám mục Philadelphia, và José Gomez, tổng giám mục Los Angeles, cả hai đều là những khuôn mặt tiêu biểu dẫn đầu trường phái Ratzinger.

Thành thử Cupich hoá ra người đầu tiên nhận chức không do phiếu bầu, nhưng ngay sau ngài là Salvadore Cordileone, tổng giám mục San Francisco, một vị thuộc trường phái cực kỳ Ratzinger.

Chính trong bối cảnh này, mà vào giữa tháng Mười Một vừa qua, hồng y George đã cho phép một cuộc phỏng vấn rộng rãi về nhiều vấn đề với John Allen, một chuyên gia về Vatican của tờ “Boston Globe.” Trong bài phỏng vấn này, ngài trình bày những dè dặt của mình về đức giáo hoàng Phanxicô, mà trước giờ ngài chưa từng nói ra.

Sau đây là những đoạn chính:

 

 

“ĐIỀU ĐÓ TẠO RA NHỮNG CHỜ ĐỢI NGÀI KHÔNG THỂ THOẢ MÃN”

Bài của Francis George

 

Tôi có thể hiểu tại sao vài người lại lo lắng. Thoạt tiên và từ xa mà xét, người ta có cảm tưởng đức giáo hoàng Phanxicô đặt thành vấn đề những giáo huấn đã được chấp nhận nằm lòng. Nhưng nếu nghĩ lại, và nhất là khi nghe các bài ngài giảng, người ta mới thấy rằng không đúng như vậy. Khi ngài nói về một điều gì, chủ ý của ngài thường là nhắm vào hoàn cảnh mục vụ của một người, có thể nói được là đang bị vướng vào một cái bẫy. Có thể ngài biểu lộ sự thông cảm của mình một cách khiến cho người ta tự hỏi không biết ngài có còn đi theo giáo lý hay không. Tôi không có lý do gì để nói ngài không theo giáo lý nữa.[…]

Nhưng câu hỏi được nêu lên là: Tai sao ngài không làm sáng tỏ vấn đề? Tại sao lại để cho các nhà hộ giáo phải gánh cái trách nhiệm nặng nề tô vẽ lại để làm sao cho dễ coi nhất ? Ngài có ý thức được hậu quả của một vài câu ngài phát biểu, và thậm chí một vài việc ngài đã làm? Ngài có nhận ra được các dư âm? Có lẽ là không. Tôi không biết ngài có ý thức được hết tất cả các hậu quả của một vài điều ngài đã nói và làm, từng gây ra nhiều mối nghi ngờ trong lòng người ta.

Đấy là một trong những điều tôi mong được có dịp để hỏi ngài, nếu tôi đến đấy: “Ngài có ý thức được những gì xảy ra, chỉ vì chính câu nói ‘Tôi là ai mà phán xét?’. Nó đã được sử dụng và lạm dụng đến như thế nào?”. Câu ấy đã được lạm dụng quá sức, vì ngài nói đến một người đã van xin để được lòng thương xót và đã được xá giải, một người mà ngài biết rõ. Điều này hoàn toàn khác với việc nói đến một người nào chỉ yêu cầu được chấp nhận chứ không xin tha thứ. Và câu nói ấy liên tục bị lạm dụng.

Việc đó tạo ra những chờ đợi chung quanh ngài mà ngài không thể thỏa mãn. Đó là điều khiến tôi e ngại. Đến một lúc nào đó, những người đã tô vẽ ngài như một vai trò trong những màn đổi thay của Giáo hội sẽ phác giác ra rằng ngài không phải như thế. Ngài không đi theo chiều hướng ấy. Lúc ấy, có lẽ ngài không chỉ gặp vỡ mộng, mà còn gặp những chống đối có thể gây nguy hại cho hiệu quả của triều giáo hoàng mình.[…]

Tôi thấy thích thú khi vị giáo hoàng này đề cập đến cuốn tiểu thuyết “Lord of the World- Chúa tể của thế giới.” Tôi có điều này muốn hỏi ngài: “Làm sao ngài kết hợp việc ngài đang làm với điều mà ngài cho rằng đó là khải nghĩa (2) thừa tác vụ của mình, nghĩa là cái quan điểm cánh chung cho rằng tên phản-kytô đang ở với chúng ta? Ngài tin vậy sao?” Tôi rất muốn đặt câu hỏi này với đức giáo hoàng. Theo một nghĩa nào đó, việc này có lẽ cắt nghĩa tại sao ngài xem ra có vẻ vội vàng.[…] Đức giáo hoàng tin gì vào thời cánh chung?[…]

Tôi không được biết ngài trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Tôi biết ngài qua các giám mục Ba tây. Những vị này biết ngài rất rõ, và tôi đã hỏi các ngài nhiều điều.[…] Tôi cũng không hề gặp ngài sau khi ngài được bầu lên.[…] Tôi không biết rõ lắm về đức giáo hoàng Phanxicô. Chắc chắn tôi tôn trọng ngài như một giáo hoàng, nhưng vẫn còn điều phải hiểu cho rõ: “Ngài định làm gì vậy?”

 

Trọn bài phỏng vấn hồng y George :

> Chicago's exiting Cardinal: "The Church..."

__________

 

2. NHÀ XÃ HỘI HỌC

 

Luca Diotallevi dạy môn xã hội học tại đại học Roma Tre. Nhưng từ lâu ông cũng là chuyên viên tư vấn về xã hội học cho hội đồng giám mục Ý (CEI). Ông là diễn giả tại hội nghị công giáo toàn quốc tổ chức ở Verona vào năm 2006, cùng với đức giáo hoàng Joseph Ratzinger và hồng y Camillo Ruini, và ông là phó chủ tịch ủy ban học giả và tổ chức “Tuần Lễ Xã Hội” của giới Công giáo Ý.

Hôm 12 tháng Mười Một vừa qua, ông có bài trình bày tại cuộc họp hội đồng giám mục Ý, tổ chức tại Assisi về đề tài: “Những thay đổi đang diễn ra trong hàng giáo phẩm Công giáo. Một đóng góp về phương diện xã hội học cho trường hợp của nước Ý.”

Và vào cuối bài thuyết trình, giáo sư Diotallevi kêu gọi các giám mục Ý lưu tâm đến thay đổi đang diễn ra trong Công Giáo, không chỉ tại Ý, nghiêng về một hình thức tôn giáo “có cường độ thấp” (3).

Nghĩa là một tôn giáo “người ta dễ nhận ra nhưng mất đi ý nghĩa.”

Trong số các giám mục hiện diện, có vài vị nhận ra đấy là một hàm ý nói về sự thành công của đức giáo hoàng Phanxicô.

Và trong cuộc họp này, khi bầu lại một trong ba vị phó chủ tịch, các giám mục đã nhất loạt loại bỏ ứng viên được giáo hoàng ưa chuộng, đó là tổng giám mục và thần học gia Bruno Forte, vị thư ký đặc biệt đức giáo hoàng bổ nhiệm cho hai kỳ họp thượng hội đồng bàn về gia đình. Forte chỉ được 60 phiếu, trong khi 140 phiếu được dồn cho ứng viên được chọn là Mario Meini, giám mục của Fiesole.

Sau đây là một đoạn trong bài thuyết trình của Diotanelli.

 

HƯỚNG VỄ MỘT KYTÔ GIÁO “CƯỜNG ĐỘ THẤP”

bài của Luca Diotallevi

Hiện đang xảy ra không phải là một thời tôn giáo suy đồi và tục hóa, mà ngược lại, đây là một thời “tôn giáo bộc phát.”

Giai đoạn hiện tại của thời tôn giáo bộc phát được xây dựng trên cơn khủng hoảng khi nền Kytô giáo bị chia thành nhiều giáo phái này, vào đầu thế kỷ 17, đã tự khẳng định mình thành một yếu tố ủng hộ cho tính ưu việt của chính trị trên xã hội, dưới dạng một quốc gia.

Một vài trào lưu trong nhánh Giáo hội Công giáo Roma của Kytô giáo, xem ra, trên giấy tờ, đã ít bị ảnh hưởng vì cơn khủng hoảng này, và cắt nghĩa nó như một dịp đầy cơ hội. Tuy nhiên, nếu các ứng viên nhắm đến vai trò lãnh đạo của cuộc bộc phát tôn giáo này, có cả Giáo hội Công giáo Roma, người ta sẽ gặp trong đó có "low intensity religion", tôn giáo cường độ thấp.

Lợi điểm lớn nhất của lựa chọn này là nó giới thiệu cho người tiêu dùng tôn giáo có được vô số chọn lựa hầu như vô tận và nhiều kết hợp giữa hàng hoá và sự phục vụ, do rất nhiều các nhà cung cấp tôn giáo khác nhau đưa ra chào hàng.

Tôn giáo cường độ thấp cũng đưa ra nhiều cơ hội cho các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể giản lược các yêu sách về tiêu chuẩn của mình, bảo đảm họ sẽ có được một tương lai huy hoàng và một địa vị nổi bật riêng biệt như một doanh gia tôn giáo.

Trong cuộc cạnh tranh này, những nhà cung cấp mới trong lãnh vực tôn giáo - từ những người thuộc phái Ngũ Tuần và Đoàn Sủng cho đến Thời Đại Mới – có nhiều lá bài tốt để chào hàng: tính rất uyển chuyển, rất khoan dung trong cách biểu lộ.

Nhưng những nhà cung cấp tôn giáo truyền thống cũng có sẵn trong tay những nguồn hàng với chất lượng đáng kể: một “thương hiệu” vững chắc, môt nguồn cung cấp vô tận những biểu hiệu và nghi lễ, và một hiểu biết tường tận về các thị trường địa phương. Dĩ nhiên, với điều kiện là phải tự giải phóng mình khỏi những thận trọng “cũ kỹ” về chính thống trong giáo lý và chính thống trong thực hành; với điều kiện là họ phải chịu chấp nhận có ít ý nghĩa hơn, để dễ được nhiều người nhận ra hơn.

Cả trong Công giáo, nhiều nhà cung cấp tôn giáo cũng đã chấp nhận, và đang chấp nhận các hình thức tôn giáo cường độ thấp.

Trong một bầu khí như thế, hẳn không phải là vô tình mà Giáo hội Công giáo gặp vấn đề với bí tích hôn phối. Đấy thực sự là điều không thể hiểu được trong nhãn quan của tôn giáo có cường độ thấp, vì tôn giáo này dành nhiều chú ý, nhưng chỉ mang tính tổng quát, đến mối an nguy của gia đình.

Nên cần phải khảo sát kỹ lưỡng đến các đặc tính của cuộc bộc phát tôn giáo hiện đang xảy ra để có thể hiểu được ý nghĩa của các tiến trình và các khủng hoảng tương tự như khủng hoảng liên quan đến hàng giáo sĩ Công giáo. Xét rộng ra, các tiến trình và các khủng hoảng này là biểu hiện của một toan tính đồng hoá Công giáo thành một tôn giáo có cường độ thấp.

Mà cũng cần rất tỉnh táo sáng suốt để tránh sử dụng các giải pháp hiện nay đang được nói đến nhiều, chẳng hạn như việc truyền chức linh mục không còn dành riêng cho nam giới đang độc thân. Các truyền thống Kytô giáo truyền chức linh mục cho nam giới đã lập gia đình hay thậm chí cho nữ giới, như thế, có một lực lượng giáo sĩ theo tỷ lệ là đông hơn, nhưng rốt cuộc lại thấy mình phải đương đầu với những vấn đề, không những y hệt, mà còn có phần tuyệt đối nghiêm trọng hơn.

Trọn vẹn bài thuyết trình của giáo sư Diotallevi sẽ xuất hiện trên số báo “La Rivista del Clero” sắp ra.

Ông cũng đã viết một bài phân tích rành mạch hơn về hiện tượng tôn giáo có cường độ thấp, có thể tìm đọc trong tác phẩm có nhiều tác giả cộng tác, được phân khoa thần học Milan xuất bản :


"Una fede per tutti? Forma cristiana e forma secolare", Glossa, Milano, 2014.

 

__________

 

 

3. CÁC NHÀ BÁO

 

Aldo Maria Valli là chuyên gia hàng đầu về Vatican, đang làm việc cho RAI, mạng lưới truyền hình quốc gia của Ý. Còn Rodolfo Lorenzoni cũng làm việc cho RAI, thỉnh thoảng cho RAI-Vaticano.

Cả hai điều là tín hữu Công giáo nhiệt thành. Nhưng họ không suy nghĩ giống nhau. Valli cảm thấy hạp với đức Phanxicô hơn. Lorenzoni lại có đầu óc phê bình hơn.

Và họ quyết định nói lên ý kiến của mình song song bên nhau trong một cuốn sách mang tựa đề: : “Viva il papa? La Chiesa, la fede, i cattolici. Un dialogo a viso aperto.- Hoan hô đức thánh cha? Giáo hội, đức tin, người Công giáo. Một cuộc đối thoại trực ngôn

Trong vô số các sách hộ giáo dày có mỏng có viết ra trong triều giáo hoàng của đức Phanxicô, cuốn sách của Valli và Lorenzoni đứng tách riêng vì tính khách quan của nó.

Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn sách. Trong đó hai chuyên gia về Vatican gán một phần lớn sự khó hiểu đang đè nặng trên đức giáo hoàng cho cái chân dung giới truyền thông đã gán cho ngài.

Nhưng rồi cả hai cũng đều đồng thuận với nhau khi công nhận rằng đức Phanxicô chính là nguyên do của sự khó hiểu.

Lorenzoni nói thẳng thừng: “Nói cho ngay, tôi không hiểu được con người này là ai, và ngài định dẫn Giáo hội Chúa Kytô đi về đâu.”

Valli cũng không kém phần hồ nghi: “Thành thực mà nói, tôi không biết cái chiến thuật này của đức Phanxicô có mang lại kết quả hay không nữa.”

Bây giờ đến phiên họ lên tiếng.

 

 

ĐỨC PHANXICÔ LÀ AI ?

Bài của Aldo Maria Valli và Rodolfo Lorenzoni

 

VALLI

Bất chấp những người vì lợi ích riêng mình miêu tả ngài như một người “cấp tiến,” đức giáo hoàng Phanxicô không bỏ lỡ một dịp nào mà không nói về cái chết, về cuộc sống mai hậu, về hỏa ngục và thiên đàng. Và ngài nói công khai. Thế anh có thấy những lời lẽ này của đức Phanxicô bị công kích dữ dội không? Tôi không thấy vậy. Và chuyện đó dễ hiểu. Hiện tượng Phanxicô là một hiện tượng lớn bao lâu nó còn cần cho một thuyết chủ quan đang lớn mạnh. Nhưng khi nó đi ngược dòng, ắt sẽ có ngay sự kiểm duyệt.

Có lẽ chúng ta cần một tu sĩ dòng Tên đến từ Nam Mỹ để những sự sau rốt, những thực tại chung cuộc, có thể được lôi ra từ gác nhà nơi chúng bị bỏ quên. Thực vậy, tại Âu Châu, từ rất lâu rồi, Giáo hội gần như mắc cỡ về những điều ấy. Nhưng câu hỏi vẫn còn đấy: đức Phanxicô của thời thế mạt được người ta biết rõ đến mức nào, vị giáo hoàng nói không chút bối rối về hoả ngục như là tình trạng bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, và cũng chẳng chút hãi sợ khi cắt nghĩa sự thanh luyện là điều cần thiết để được vào thiên đàng?

Cây trả lời rất dễ dàng: người ta chưa biết ngài bao nhiêu hay chẳng biết tí gì về ngài, vì có những người có chủ ý cho chúng ta chỉ biết một Phanxicô, một vị “hợp thời nhất” một vị đúng đắn hơn xét theo phương diện chính trị.(4)

 

LORENZONI

Quả vậy, mà cũng lấy làm lạ, là giới truyền thông và đức Phanxicô dính vào nhau, ngay từ khi ngài Bergoglio đi ra trên ban-công tại Quảng trường Thánh Phêrô thốt lên lời chào “buonasera.” Ngoài sự kiện là tôi mong chờ ngài nói lên câu “Chúa ở cùng anh chị em,” ngay trong chính lúc tôi nghe câu chào ấy, lập tức tôi linh cảm có sự nguy hiểm đang đến. Đó là tôi thoáng thấy những hiểu lầm, sai sót, bóp méo, những an phận thủ thường, những hào nhoáng bề ngoài, mà giới truyền thông liên tục ép chúng ta phải tuân theo để ca tụng một kiểu giáo hoàng này hơn là kiểu giáo hoàng kia. Hầu cho chúng ta một “hình tượng” hơn là cái bản chất.

Mà quả thực ngay lập tức, xuất hiện tin tức nguyên trang đầu, những khẩu hiệu được tung ra rồi được lập đi lập lại trên mọi trang mạng, rồi những đòi hỏi liên tục về phía các chủ bút và giám đốc tờ báo nhằm nhấn mạnh đến câu tuyên bố ngắn tiêu biểu hay những cử chỉ to tác, những cử chỉ đập mạnh vào mắt và vào đầu của khán giả, giữ cho họ đừng đổi sang đài khác.

Cách hoạt động ấy rất hiệu quả, tôi phải nói như thế. Tuy nhiên, còn có vấn đề là phải đi sâu vào các phân tích, nhất là xét theo khía cạnh khoa học của lý thuyết về truyền thông đại chúng, về xã hội học, và về công nghệ thông tin.

Nhưng khi ấy, tôi phải nói ra trước hết mọi sự là tôi muốn biết ngài, biết đức Phanxicô cho thật rõ. Vì trong tư cách là một nhà báo và là một tín hữu Công giáo, một người có bổn phận phải cố gắng đi theo Giáo hội và đi theo đức giáo hoàng, nói cho ngay, tôi không hiểu được con người này là ai, và ngài định dẫn Giáo hội Chúa Kytô đi về đâu.

 

VALLI

Ông đã nêu lên một câu hỏi then chốt: thật sự đức Phanxicô là ai? Mặc dù đã có hàng ngàn trang giấy viết về ngài, song dường như chúng ta chưa biết được điều đó. Nhưng đặc biệt qua một vài cuộc phỏng vấn, đức Jorge Mario Bergoglio đã đưa ra đây đó những chỉ dẫn có thể giúp chúng ta tìm được một câu trả lời.

Vào tháng Bẩy năm 2013, trên chuyến bay trở về từ BaTây, khi môt nhà báo thúc bách ngài bằng cách ghi nhận rằng một vài vấn đề, như phá thai, hôn nhân đồng tính, đã khơi lên một sự quan tâm đặc biệt nơi giới trẻ và như thế cần phải được bàn tới, đức Phanxicô đã nói: “Đúng, nhưng không cần phải bàn về chuyện ấy, nhưng nên nói về những điều tích cực mở lối cho giới trẻ. Ngoài ra, giới trẻ biết rõ lập trường của Giáo hội.

Vậy sự thay đổi đức Phanxicô đang lãnh đạo không nằm trong nội dung cho bằng nằm trong cái phương cách. Thay vì chú mục vào các quy tắc, ngài chọn cách sử dụng các ngôn từ tích cực để trình bày vẻ đẹp của cuộc hành trình Kytô giáo. Thay vì dành ưu tiên cho phần “didaché,” giáo huấn về tín lý, ngài chọn cách dành ưu tiên cho “kèrygma - loan báo nội dung cơ bản của Phúc Âm.” Đó là Phúc Âm theo nghĩa đen: cái tin mừng.

Các yếu tố giáo lý không hoàn toàn vắng bóng, nhưng đã được đặt vào chổ khác. Thay vì chú mục vào điều đức Biển Đức XVI gọi là các giá trị bất khả thương lượng – sự sống, gia đình, nền giáo dục – ngài lại chú mục vào “sự thối nát,” một từ ngữ đức Phanxicô hiểu như là không chỉ đặt mình phục vu cho nguỵ thần tiền tài, mà còn, và trước hết mọi sự, là sự thất bại trong việc nhận ra quyền làm chúa tể của Thiên Chúa và cái nhu cầu cậy đến lòng Ngài xót thương.

Kark Rahner đã từng nói rằng người Kytô hữu tương lai hoặc sẽ là nhà thần bí, hoặc chẳng là gì cả. Đức Phanxicô đã tự đặt mình trong lối tiếp cận này. Ý thức rất rõ về sự kiện xã hội chúng ta không còn là một xã hội Kytô giáo nữa, ngài kiên quyết rằng nam nữ trong thời buổi chúng ta chỉ có thể trở về với đức tin nhờ một cuộc gặp gỡ riêng tư thân mật với Chúa Giêsu. Một cuộc gặp gỡ rất thường xảy vào lúc lâm cảnh bệnh tật, cô đơn, nghèo khổ, và không xảy ra trong bình diện tư tưởng cho bằng trong lãnh vực tình cảm, không xảy ra trong đầu, mà nơi con tim.

Xét dưới khía cạnh này, triều giáo hoàng của đức Phanxicô có nhiều nét giống với các phong trào tin lành đang lan tràn mạnh mẽ tại Châu Mỹ Latinh.

Bây giờ tôi thật sự không biết cái chiến thuật này của đức Phanxicô có mang lại kết quả không. Không biết các quảng trường đông nghịt những người và các đám đông đang hoan hô kia có nghĩa là đức giáo hoàng đã đạt được mục đích của mình, hay họ chỉ là các hiện tượng gây ra do một sự hưng phấn tập thể nào đó? Có lẽ đồng thời do cả hai.

Để có thể cho đi cách hữu hiệu, Phúc âm cần các dụng cụ, và trong trường hợp đức Phanxicô, dụng cụ đầu tiên là chính bản thân ngài. Ngài còn là dụng cụ, với những câu ‘chào ban sáng’, ‘chào ban tối’ và ‘xin mời dùng cơm,’ với các nhận xét ngăn ngắn của ngài nhưng đầy hình ảnh, dễ in đậm trong trí, với sự khôn ngoan bình dân của ngài thường nhắc lại thời trước, nhưng thành công vì có sức lôi cuốn.

Ngài dẫn Giáo hội đi về đâu, việc ấy còn phải chờ xem.

 

*


Cuốn sách:

A.M. Valli, R. Lorenzoni, "Viva il papa? La Chiesa, la fede, i cattolici. Un dialogo a viso aperto", Cantagalli, Siena, 2014.

__________

 

 

Ghi chú của người dịch 

(1) Tuy tên viết “Cupich” với chữ C, nhưng phải đọc “Xu-pítch”

(2) Hermeneutique = "Khải nghĩa". Chữ của cha Nguyễn hữu Đăng, theo cha Đậu văn Hồng cho biết.

(3) “a bassa intensità / low-intensity religion. Từ riêng biệt bằng tiếng Anh, cả trong nguyên văn tiếng Ý, của Luca Diotallevi. Dịch sát nghĩa là “Tôn giáo với cường độ yếu.” Có thể hiểu là “lỏng lẻo,” vì khả năng giới hạn của người dịch, không tìm được từ nào chính xác hơn.

(4) politically correct = đúng đắn xét theo phương diện chính trị, còn thường dùng dưới dạng phủ định, politically incorrect, là một thành ngữ tính từ ám chỉ một thái độ hay một phát ngôn, hoặc hành vi chính trị được suy tính, được cân nhắc để không làm mất lòng nhóm thiểu số nào.

 

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.