ESAU- GIACOB
Hoà giải đối kháng thành Giao ước

Seeing

 

Lời trần tình :
Nhân những xung khắc thường xảy ra,
nhưng không nhất thiết phải có,
và đáng lẽ không nên có,
trong đời sống Giáo xứ hằng ngày giữa nhiều thành phần Dân Chúa với nhau,
tưởng chúng ta nên soi gương cổ nhân Tổ phụ
để thấy rằng, từ những đối kháng thường nhật,
ngày xưa đã dẫn đến và ngày nay cũng phải kết thúc
bằng Hoà Giải-Giao Ước với Thiên Chúa trước tiên
và sau đó với nhau.

 

 

Vận hội nổi trôi cho 50 năm tới: Soi gương Cổ Sử để rọi sáng Tương Lai

 

 

A- Từ những đối kháng ...

 

1- Đối kháng đầu tiên: Huynh-Đệ tương tranh

Sau 20 năm thành hôn, gia đình Isaac-Rebecca vẫn không có con. Issac sốt ruột một, Abraham sốt ruột mười. Lịch sử đời của bố Abraham nay như lập lại nơi đời con Isaac. Người con dâu đảm đang và duyên dáng Rebecca không cho ông tổ Abraham một mụn cháu để ông bế bồng lúc đã cao niên, và nhất là để ông yên tâm vì Lời Hứa được thành toàn [1].

Isaac phải cầu xin Chúa cho Rebecca. Giống trường hợp bà nội Sara, Thiên Chúa phải can thiệp, Isaac mới có con nối dõi [2]. Nhưng khi có bầu, Rebecca không biết mình có song thai. Hai thai nhi “quần nhau” trong bụng, khiến bà chịu không nỗi phải than phiền, và hỏi ý kiến Đấng Tối Cao [3]: Ngài báo cho bà biết do lai: “Trong lòng bà đang có hai nước tương tranh. Hai dân tộc tranh nhau sinh ra. Một dân tộc sẽ thắng. Anh sẽ phải phục vụ em.” [4]

Cuộc “đối kháng-vayitrozetzu” giữa hai anh em song sinh xảy ra ngay từ khi còn trong dạ mẹ, đã như lời tiên tri báo trước cuộc tranh chấp suốt đời giữa hai anh em, đôi khi trở nên kịch liệt biến thành hận thù (Stk 25: 22 tt). Cả hai chỉ có chung một điểm: năng lực quyết thắng. Hai người, dù mới chỉ là thai nhi, đã tận lực dùng sức của mình để tương tranh.

Giacob [5], vào ngày sinh, đã nắm chặt gót chân anh Esau, như muốn đòi ra đời trước, như muốn đòi quyền sống trước anh. Giacob đã đòi quyền trưởng nam, cả khi chưa ra đời. Thế mà, vào tuổi lớn khôn, ông chỉ thích sống đời bình lặng tại lều trú (Stk 25:27) [6] . Sức mạnh của ông, ông thu giữ vào đôi tay và dấu kín trong bộ óc. Rồi dùng mưu trí để đạt cho được điều mình đã quyết muốn. Sau này, Giacob còn cả gan dùng năng lực của mình đối kháng lại cả với Thiên Chúa, để được đổi tên thành ISRA-EL [7].

Tuy là anh em song sinh nhưng Esau khác hẳn em mình một trời một vực. Esau , dùng xung năng của mình để quần thảo với thiên nhiên và thú dữ trong đời thợ săn rong ruổi vùng rừng núi bạt ngàn. Kinh Thánh gọi ông là một người “hoang dã - un homme sauvage “ (Stk 25:17 ).Từ nguyên của tên Esau gốc Do thái là ‘sw , đọc thành ay-sawv có nghĩa là “lông lá”. Khi sinh ra không những đầy lông lá mà da còn đỏ hỏn, nên ông còn được gọi là Edom, có nghĩa là Đỏ.

Cuộc đối kháng của hai anh em đã chia đôi gia đình Tổ phụ Isaac: Bố Isaac, vì thích nhậu đồ rừng, nên thương Esau hơn. Còn bà mẹ Rebecca yêu Giacob hơn: “Et Isaac prit en affection Esaü, car il aimait la venaison ; et Rébecca était affectionnée à Jacob.”(Stk 25: 28 )

 

2- Đối kháng thứ hai: Dành quyền trưởng nam

Trong cuộc đối kháng thứ hai được Kinh Thánh kể lại, Giacob lợi dụng điểm yếu của Esau, là tính bốc đồng thiếu suy nghĩ, để dành cho mình được “quyền trưởng nam- b’khora “ từ việc đổi chác một tô cháo đậu đỏ, và sau này cướp luôn lời Chúc Phúc của Bố Isaac.

Câu chuyện kể rất súc tích, ngắn gọn, đi ngay vào câu chuyện không cần rào trước đón sau, hồ như như nó xảy ra cách đột ngột, và người thiệt thòi trong cuộc chẳng hề bận tâm tiếc nuối:

“Giacob nấu một nồi cháo. Và Esau từ đồng nội trở về, rất mệt. Esau nói với Giacob: “Cho tao ngốn [8] cái thứ đỏ ấy với, cái thứ có màu đỏ [9] đấy đấy ! Vì tao mệt lả đây này” Vì thế người ta gọi tên chàng ta là Đỏ. Giacob nói: “Bán cho em quyền trưởng nam của anh trước “. Esau trả lời:” Thì đây này. Tao mệt sắp chết đến nơi thì quyền trưởng nam có ích gì ? “ Giacob nói : “Nhưng anh phải thề đã.” Esau thề, và bán quyền trưởng nam cho Giacob. Giacob mang cho anh bánh và cháo đậu đỏ. Esau ăn và uống, rồi đứng lên bỏ đi. Anh ta coi thường quyền trưởng nam [10]“ (Stk 25: 29-34).

Qua thuật trình ngắn gọn và tiêu biểu này, Esau đã tỏ ra mình không xứng đáng là người kế thừa vai trò đầy trách nhiệm và cũng nhiều tưởng thưởng của Abraham theo Giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, vì anh ta không có “đầu óc” với những suy nghĩ chín chắn cần thiết. Anh ta cũng chưa đói lả đến mức gần chết cơ mà ! Hơn nữa Giacob không hẳn là người nấu bếp duy nhất cho gia đình lúc bấy giờ. Thay vì đi nấu lấy thức ăn, anh ta lại động lòng vì cái mùi đồ ăn mà bĩu môi coi thường quyền trưởng nam (Stk 25:34).

Sau này, Esau cưới hai bà vợ, cả hai đều là phụ nữ gốc dân Hi-tít. Điều này cũng có nghĩa là vi phạm lệnh cấm của Abraham đã đề ra trước đó: Không được cưới vợ người địa phương gốc Canaan. “Et Esaü, âgé de quarante ans, prit pour femmes Judith, fille de Bééri, le Héthien, et Basmath, fille d’Elon, le Héthien. Et elles furent un sujet d’amertume pour Isaac et Rébecca.”(Stk 26:34-35). Chúng ta lại thấy rõ Esau biểu lộ tính cách của một người hành sử theo bản năng,mà không do suy nghĩ chín chắn (Stk 26:34-35) . Cả hai cuộc hôn nhân này đều là nguyên uỷ khiến cho cả hai ông bà Isaac và Rebecca phiền muộn. Ông Bố Isaac, tuy có lòng thương yêu Esau hơn, cũng cảm thấy bị xúc phạm vì hành vi này của chàng [11]. Chính hành vi này đã loại chàng ra hẳn danh sách các Tổ phụ. Dù sau này chàng có được lời chúc phúc của kẻ sinh ra đầu tiên , nhưng hành vi cưới vợ ngoại tộc đã gạt tên chàng khỏi danh sách con cháu của Abraham.

Ngược lại, qua câu chuyện, Giacob đã biểu lộ cá tính của mình.

Giacob kiên quyết trong ý chí, luôn luôn có trước mắt điều mình cần đạt tới. Thông minh hơn và thầm trầm cơ mưu nghĩ xa hơn anh, chàng trai Giacob không bỏ lỡ cơ hội ngay lần đầu tiên. Có lẽ Giacob cũng không ngờ đến việc anh mình coi thường quyền trưởng nam như thế. Cuộc “đổi chác” chàng vừa thực hiện, tuy không được quanh minh chính đại, nhưng không có gì là trái luật. Chàng chỉ mới được quyền trưởng nam trên nguyên tắc, nên thực sự Giacob chưa hoàn toàn yên tâm. Sau này chúng ta sẽ thấy chàng vẫn áy náy và lo sợ khi được mẹ xúi giục lừa Isaac để “cuỗm trọn” Lời Chúc Phúc của Bố Isaac lúc ấy đã mù (Stk 27).

Như thế cốt lõi của bài học KinhThánh mà chúng ta thoáng thấy ở giai đoạn này, đó là: Một người sáng suốt, có tính toán, dù không thiện lương trăm phần, vẫn thích hợp với vai trò của một tổ phụ hơn là một kẻ xốc nổi, bốc đồng không biết cách quyết định có suy nghĩ rành rọt. Dù chưa trọn vẹn hưởng được lời chúc phúc của Tổ Phụ Isaac, ơn gọi của Giacob kế thừa vai trò Tổ phụ Dân Ưu Tuyển đã được củng cố. Tuy tính nết không khá hơn anh là Esau, nhưng năng lực của Giacob sau này được chính Thiên Chúa gọt dũa, thanh luyện và hướng dẫn theo hướng tốt nên càng ngày càng tốt hơn và thích hợp hơn. Đích thân Thiên Cha thử thách tính khí của Giacob để ông biết dùng sự thông minh của mình vào những mục tiêu luân lý.

Ở phần này, Kinh Thánh trình bày cuộc đối nghịch giữa một con người sống theo bản năng và xung lực tự nhiên và môt người “có đầu óc“, biết mưu lược trả giá , biết cách thoả thuận, thích hợp cho các giao kèo, chuẩn bị cho Giao Ước .

Đây không phải là truyện Tốt-Xấu tương tranh, nhưng là minh họa cho việc lựa chọn giữa hai con người bất toàn, nhiều giới hạn. Esau tiêu biểu cho một người sống theo xu hướng tự nhiên có đủ nết tốt tật xấu. Anh ta thoáng đạt, rộng rãi, dễ dãi, nghĩ gì là làm theo liền. Một người chỉ thích tự do bay nhẩy. Isaac, vì thụ động, nên dễ chiều theo người con cả Isaac này.

Giacob thông minh pha lẫn mưu mô. Thiên Chúa chọn Giacob vì Ngài có thể trói buộc Giacob bằng Giao Ước, và hạn chế những toan tính của ông bằng khế ước hai chiều. Như vậy chúng ta thấy Thiên Chúa bị giới hạn trong việc lựa chọn vì Ngài chỉ chọn một trong hai người bất toàn. Ngài đã cố gắng chọn điều tốt hơn hết .

 

3- Đối kháng thứ ba: Tranh giành lời Chúc Phúc của Tổ Phụ

Isaac nay đã cao niên, muốn truyền lại cho con lời chúc phúc của Tổ phụ. Nhưng ai trong hai anh em song sinh sẽ là người thừa kế chính thức? Lời sấm Thiên Chúa phán với Rebecca lẽ ra phải hướng dẫn ông trong việc chọn lựa : “Anh sẽ phải phục vụ Em “ (Stk 25:23). Nhưng nương theo tình cảm tự nhiên, ông không ngần ngại đi ngược lại lời Thiên Chúa dặn mà chọn anh Esau.

“Ông gọi Esau: “Con ơi!” Esau trả lời : “Con đây bố!” Isaac nói : “Con thấy bố đã già rồi đấy. Bố không biết rồi sẽ chết ngày nào. Vậy bây giờ con hãy mang cung tên đi săn, kiếm cho bố một con thú rừng và làm cho bố một món ngon mà bố thích, đem lại đây cho bố ăn, rồi bố sẽ chúc phúc cho con trước khi bố chết ” (Stk 27:1-4).

Hình như ông quên mất những phiền muộn do hai đám Esau cưới hai dâu địa phương mang lại. Ông phải biết hai đám cưới này khẳng định với ông rằng Esau không phải là người xứng đáng để trở thành Tổ phụ Dân Chúa. Khi muốn chúc phúc ông lại chỉ nghĩ tới Esau.

Esau nghĩ rằng quyền trưởng nam mà anh ta đã hoán đổi không liên hệ với lời Chúc Phúc mà anh ta sắp được. “Esaü ra miền hoang dã để săn thú và mang về” (Stk 27:5) .

Bà Rebecca không thể quên được lời sấm Thiên Chúa tỏ cho bà biết. Bà thấy ra được ngay cái nguy hiểm của sự yếu đuối thiếu quyết đoán của ông Isaac. Thay vì bà chờ đợi Thiên Chúa can thiệp, bà ra tay. Bà dùng cách không “quang minh chính đại” để ngăn chận sự xấu xảy ra [12].

“Giacob thưa với Rébecca, mẹ mình: “Anh Esaü của con người đầy lông, còn da con thì trơn láng như thế này. Lỡ bố sờ con, và biết con tráo trở đánh lừa bố, con sẽ bị chúc dữ thay vì được chúc phúc thì sao?” Bà mẹ trả lời : “Mẹ sẽ chịu chúc dữ thay cho con, con ạ. Con chỉ việc vâng lời mẹ thôi.” (Stk 27 :11-13)

Giacob thực sự biết rõ tính cách gian ngoa của việc lừa đảo này. Nhưng vẫn chịu áp lực của mẹ mà xiêu lòng. Thế là cuộc lừa đảo được thực hiện chu đáo và xảy ra trơn tru .

“Rebecca nấu một đĩa nhậu ngon mà ông bố khoái khẩu . Rồi bà lấy quần áo đẹp của Esau, con trưởng, có trong nhà mà mặc cho Giacob, con thứ. Bà dùng da dê mà che hai tay và cổ của con. Bà đưa cho con đĩa nhậu ngon và bánh mà bà đã làm. Giacob bưng về phiá bố và nói: Bố ơi !” (Stk 27: 14-18 ).

Từ lời gian dối đầu tiên, Giacob còn lún sâu hơn một nấc trong xấu xa. Anh ta cả gan lôi kéo Thiên Chúa đứng về phía đồng minh của mình trong chuyện khuất tất. Khi Isaac ngạc nhiên hỏi: ”Sao con tìm được thú rừng mau vậy ?“ Giacob trả lời: “Vì Đấng Vĩnh Cữu, Thiên Chúa của bố, xúi nó chạy về phía con !” ( Stk 27:20) .

Mỗi người đều có phần trách nhiệm trong cái bi kịch và cái tội chung của gia đình này. Chương trình của Thiên Chúa không phải vì thế mà không được thực hiện. Sau này, ai cũng lãnh phần hậu quả tương ứng với việc họ đã góp phần vào cái tội chung ấy. Isaac và Esaü lập tức thấy hoạch định của mình trôi theo dòng nước. Rebecca phải xa Giacob mà bà yêu thương đặc biệt, và đến chết cũng không gặp được lại con mình. Còn Giacob, sau đó, bị chính ông Cậu Laban lường gạt trong gần ba bảy hai mươi mốt năm. Ông còn bị chính các con ông lưà gạt, tưởng rằng Giuse, người con ông yêu qúy đã chết thảm. Kinh Thánh đã phán xét hạnh kiểm của các nhân vật làm nên Lịch sự Thánh bằng cách để cho các sự kiện lên tiếng .

Sau khi âm mưu vỡ lỡ, Isaac nhận ra Giacob đã lừa gạt mình (Stk 27:35), Esau uất ức gào thét và đòi bố chúc phúc cho bằng được (Stk 27: 34.38). Sau đó anh ta thề, ngay khi xong tang sự của bố, anh ta sẽ giết Giacob (Stk 27:41). Lời nguyền lọt đến tai bà Rebecca (Stk 27: 42). Bà tức tốc tìm cách cứu cả hai đứa con [13]. Bà thủ thỉ vào tai Isaac rằng muốn cho Giacob về quê ngoại cưới vợ (Stk 27:46). Isaac nghe theo lời Rebecca, ông chúc phúc cho Giacob lần thứ hai, và ông lập lại mệnh lệnh của Ông Nội Abraham ngày trước đã từng khuyên ông : Không được cưới vợ người bản xứ Canaan, mà phải trở về quê nội kiếm vợ (Stk 28:1-4).

Theo giọng kể của Kinh Thánh, Isaac là một người thiếu cá tính. Ông nghe theo lời vợ bàn. Ông tưởng mình đang ra lệnh cho con (Stk 27:1), nhưng thực sự đang làm theo ý vợ mà không biết. Nhưng qua những lời chúc phúc thứ hai này, ông đã chuyển lời hứa từ Abraham sang cho con mình: “Et le Dieu puissant te bénira, te fera fructifier et t’accroîtra, et tu deviendras une assemblée de peuples ; et il te donnera la bénédiction d’Abraham, à toi et à ta postérité avec toi, afin que tu possèdes la terre où tu séjournes et que Dieu a donnée à Abraham. - Thiên Chúa toàn năng sẽ chúc phúc cho con, khiến con phong nhiêu, đông con nhiều cháu , và con sẽ trở thành cả một đoàn quốc gia. Ngài sẽ ban cho con lời chúc phúc của Abraham, cho con và cho con cháu của con, để con chiếm hữu được vùng đất mà con đang sống đây, vốn Ngài đã ban cho Abraham.”

Lời chúc phúc này bao gồm sự phong nhiêu ở bình diện cá nhân và cả quốc gia. Từ trước đây cho đến giờ này, tất cả những gì Isaac có được là do mưu toan mà được. Bây giờ là lần đầu tiên Giacob được hưởng lời chúc phúc riêng cho chính mình. Và Isaac hiểu rằng đây là lời chúc phúc có giá trị tự nó. Có thể là vì đến lúc này, sau khi được, bà Rebecca thủ thỉ vào tai, Isaac ngộ ra được rằng hai cuộc hôn nhân của Esau lấy người bản địa đã khến cho Giacob trở thành người chính thức xứng đáng mang Giao Ước (Berakhah ) .

Ngay lập tức Esau nhận ra cái sai lầm trầm trọng của mình khi cưới hai bà vợ bản xứ. Esau hiểu ra được lấy vợ người bản địa có ý nghĩa như thế nào đối với Isaac . Lập tức ông cứu vãn tình thế bằng cách cưới người em họ cuả mình, con gái của Ismael. ”Esaü, voyant donc que les filles de Canaan déplaisaient à Isaac, son père, s’en alla vers Ismaël, et prit pour femme, outre celles qu’il avait déjà, Mahalath, fille d’Ismaël, fils d’Abraham, soeur de Nébajoth.” (Stk 28:8-9) Ai cũng thấy được cố gắng của Esau muốn lấp bằng sự thua kém của mình. Có điều Esau mãi hoài công, vì cánh gia đình Ismael không phải là chi họ được trọng vọng đối với dòng chính của gia tộc.

 

4- Đối kháng thứ tư: Giacob đối kháng với Thiên Chúa lần đầu

Thế là Giacob lên đường về đất Bắc, bỏ lại sau lưng một cha già mù loà gần đất xa trời, một người mẹ rất mực thương mình mà vĩnh viễn Giacob sẽ không gặp lại, và một người anh song sinh, vốn đồng bào mà thoắt chốc thành kẻ tử thù (Stk 28:10). Cuộc hành trình về nguồn biến ông thành người thích hợp cho Giao ước với Thiên Chúa bắt đầu [14].

Hết một ngày đường, khi chiều lắng buông, ông nghĩ đêm, đầu gối trên phiến đá. Đêm đó ông mơ thấy có một cái thang từ trời dựng ngay chổ ông nằm, trên đó các Thiên thần lên xuống, và Thiên Chúa, đứng trên cao, hứa với ông như sau: ”Je suis l’Eternel, le Dieu d’Abraham, ton père, et le Dieu d’Isaac. Cette terre sur laquelle tu es couché, je te la donnerai, à toi et à ta postérité. Et ta postérité sera comme la poussière de la terre ; et tu t’étendras à l’occident et à l’orient, au septentrion et au midi ; et toutes les familles de la terre seront bénies en toi et en ta postérité. Et voici, je suis avec toi, et je te garderai partout où tu iras ; et je te ramènerai en ce pays car je ne t’abandonnerai point que je n’aie fait ce que je t’ai dit. - Ta là Đấng Vĩnh Cửu, là Thiên Chúa của Abraham, cha Ngươi, và Thiên Chúa của Isaac. Đất nơi ngươi đang nằm, Ta sẽ cho ngươi, cho ngươi và con cháu của ngươi. Hậu duệ ngươi sẽ đông đảo như bụi đất. Ngươi sẽ trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam. Mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi ngươi và nơi con cháu ngươi. Này, Ta sẽ ở với ngươi. Ta sẽ gìn giữ ngươi bất cứ ngươi đi đâu,và Ta sẽ đưa ngươi về xứ này, vì Ta sẽ không bao giờ bỏ rơi ngươi khi Ta chưa thành toàn điều Ta đã hứa với ngươi “ (Stk 28:13-15) [15]

Nếu đọc kỹ thuật trình này, chúng ta sẽ thấy con người Giacob cần phải được giáo dục và được “nâng cấp” chiều kích hướng về siêu nhiên thiên thượng và cần được thử thách thêm. Cái thang, được bắc xuống từ trời, buộc Giacob từ nay phải nhìn lên, để thấy được Thiên Chúa. Hơn ai hết Giacob cần có thêm cái nhìn hướng thượng.

Lời hứa dành cho Giacob cũng đặc biệt thích ứng cho mẫu người thiển cận và mánh mung như ông . Ba chi tiết thường có trong các lời Thiên Chúa hứa với các Tổ phụ , 1- ban đất đai làm sản nghiệp, 2- con cháu đông đúc, 3- các gia tộc khác được chúc phúc qua ông, đều được Thiên Chúa nhắc lại cho Giacob, một người giờ đây đã là vô gia cư, vô gia đình, đang lang thang nơi xứ lạ. Đây là lần đầu tiên Giacob gặp gỡ Đấng Vô Hình. Ngài đi bước trước, đề nghị ký kết một Giao Ước với ông. Thiên Chúa biết rõ con người ông, nên Ngài lập lại với ông những điều Ngài đã từng hứa cho ông Nội Abraham. Có điều Ngài nói một cách thực dụng và rõ ràng hơn.

Vậy mà Giacob đã vụng về thảm hại biến Giao Ước với Đấng Thánh Thiêng thành một giao kèo hạng bét. Đầu óc đầy tính toán của ông bây giờ đã phản bội ông, hay nói đúng hơn đã lột trần ông. Ông chỉ là ngươì đầy toan tính mánh mung. Trước những điều khoản cao cả Thiên Chúa hứa cho không biếu không, ông chỉ biết bủn xỉn nhỏ nhoi: ”Et Jacob fit un voeu en ces termes : Si Dieu est avec moi et qu’il me garde dans ce voyage que je fais et qu’il me donne du pain à manger et des habits pour me vêtir, et que je retourne heureusement à la maison de mon père, l’Eternel sera mon Dieu.“(Stk 28:20-21) Ông kỳ nèo ra giá bốn điều: 1- Chuá phải bảo vệ, đi cùng ông trên đường, 2- cho ông thức ăn, 3- cho ông áo mặc , 4- và đưa ông về nhà bình an , thì lúc ấy, và chỉ lúc ấy, Chúa mới là Chúa của ông .

Giacob biết Thiên Chúa không phải là Esau để có thể lấn lướt trong cuộc mặc cả, cũng chẳng phải là Isaac để có thể lường gạt lần nữa. Ngài là Sức Mạnh thực sự, cần phải giao dịch cách nào cho ổn thoả. Trước cuộc mặc cả của Giacob, điều thú vị là Thiên Chúa giữ im lặng .

Thật ra, sự việc chỉ diễn tiến trong giấc mơ, chưa hẳn là một giao ước thực sự đã ký kết như thường thấy. Nhưng chúng ta thấy đã có mọi yếu tố của một Giao Ước: 1- Thiên Chúa chủ động khởi xướng một Lời Hứa ( Ngài lập lại lời Ngài đã hứa cho Abraham), 2- hai bên đối tác (Thiên Chúa và Giacob)đều có mặt, 3- kẻ thụ hưởng (ở đây là Giacob) đáp trả bằng một lời hứa .

Nhưng phía cá nhân Giacob, ông chưa thực sự thích hợp cho Giao Ước. Đời sống luân lý của ông chưa cao đúng mức tương xứng cần có. Xét ra, ông chỉ mới bắt đầu thích hợp. Ông cần phải biến cải nhiều hơn. Thiên Chúa hứa ban những điều cao cả trong tương lai, ông lại kỳ nèo cho có được những nhu cầu vật chất cho đời thường hiện tại: cơm ăn, áo mặc và an ninh hằng ngày với một Thiên Chúa đóng vai bảo vệ kè kè bên ông. Ông không hề đả động đến những ràng buộc ông phải theo trong tương lai. Thiên Chúa hiểu con người ông. Ngài nhẫn nại dùng ông, nhẫn nại giáo dục ông, và nhẫn nại giúp ông leo lên thang tới mức cao cần thiết .

 

5- Đối kháng thứ năm: Giacob và Laban, kẻ tám lạng, người nữa cân

Trong Sáng Thế ký chương 29, cuộc đối kháng của Giacob tưởng chấm dứt khi ông tới thành Haran, quê cũ của gia tộc. Ngay lập tức khi vừa tới nơi, Giacob gặp đối thủ già mưu mẹo. Ông cậu Laban đã làm cho Giacob biết thế nào là bị người khác lừa bịp.

Thoạt đầu, Giacob đồng ý làm công cho cậu Laban bảy năm để có thể cưới em Rachel, mà ông chết mê chết mệt. Laban khéo dẫn dụ câu chuyện khiến Giacob vui vẻ thuận tình làm việc không công cho ông. Kinh Thánh ghi rõ: “Giacob hí hửng thấy bảy năm qua nhanh như chỉ vài ngày, bởi vì ông yêu nàng.”( Stk 29:20). Giacob yêu Rachel, nhưng ông cậu Laban lắm mưu lại yêu tài sản của ông hơn [15]. Vì thế, hết hạn bảy năm làm rể Chương đài, đến đêm động phòng, Laban tráo hôn. Sáng hôm sau, Giacob tỉnh hẳn người, tỉnh cả rượu khi thấy bên cạnh mình không phải nàng Rachel xinh đẹp trong mộng, mà là cô chị Lea có đôi mắt khờ khờ! [16]. Khi Giacob phàn nàn về vụ việc, Laban chỉ buông thỏng môt câu: ”Xứ này không có lệ gả em gái trước chị.“ (Stk 28:26) [17]. Laban đề nghị thêm bảy năm lao động không công để được cô em Rachel. Giacob cũng ưng thuận .

Sau mươì bốn năm lao động, Giacob muốn xuôi Nam về quê. Laban kỳ nèo làm cho Giacob chịu ở lại lao động thêm sáu năm nữa. Lần này Laban phải trả giá đắt. Trong sáu năm này, Laban đối xử Giacob cách tệ bạc. Tuy Laban giảm tiền công mười lần ( Stk 31:41), Giacob vẫn biết cách chăm sóc và gầy dựng đàn súc vật của mình ( Stk 30:42-43) khiến cuối cùng Laban sạt nghiệp, còn ông thì giầu tướng lên (Stk 31:1).

Giacob đánh hơi thấy sự nguy hiểm nếu cứ chần chừ ở lại thêm. Ông đột ngột cùng hai bà vợ, mang theo con cái, tài sản và đoàn súc vật , “trở về đất Canaan, về với bố Isaac.” (Stk 31:17-18).

Ba ngày sau, Laban đuổi theo. Ý ông muốn lấy lại con gái và của cải. Thiên Chúa đã can thiệp trong giấc ngủ, bảo ông không được làm hại đến Giacob (Stk 31:24), dù ông thờ các ngẫu tượng ( Stk 31:19,30), Ông cũng biết tuân phục Vị Thiên Chúa của Abraham. Nhờ vậy, mà cuộc chia tay giữa hai cậu cháu xảy ra bình yên. Cuộc đối nghịch giữa Giacob và Laban kết thúc tuy không thân thiện, nhưng ít ra trong hoà giải [18](Stk 31:44-47).

Giai đoạn 20 năm này trong đời Giacob, ông chua chát nếm mùi bị lưà bịp trong hôn nhân. Ông phải cưới hai bà vợ, một người mà ông không hề thương yêu. Ông ghét Lea, có lẽ vì mỗi khi nhìn thấy bà, bà nhắc ông nhớ lại việc mình bị lưà bịp và bị ép phải làm việc thêm bảy năm không công. Với một người luôn ưu tư tới cuộc sống riêng mình như Giacob, đây hẳn là một kinh nghiệm chua cay.

Nàng Lea xấu, đâu phải cái tội của nàng, mà chỉ là tội nghiệp cho nàng. Lea, và Esau, vô phúc vướng vào giữa vòng tranh chấp, chỉ để làm tăng thêm tính bi thảm của bi kịch đối nghịch. Cuối cùng, nàng và Esau cũng được đền bù. Esau trở thành giầu có và đầy quyền lực (Stk 36). Lea, và người tỳ nữ riêng Bilha, sinh nhiều con nhất cho Giacob. Còn Giacob phải mất Rachel, và sống nhiều năm xa cách người con cưng là Giuse, cứ ngỡ con mình đã chết (Stk 37) và cuối cùng qua đời nơi đất khách quê ngươì Ai cập (Stk 46).

Sau 20 năm Giacob và Laban phải chia tay, trong cay đắng, nước mắt và cả thất vọng, khiến Thiên Chúa phải can thiệp để bảo vệ Giacob và toàn gia đình ông. Kết qủa nảy sinh là một thứ khế ước được hình thành giữa hai ngườì, bảo đảm tương lai hai kẻ đối nghịch bằng cách chia rẽ họ ra xa nhau. Khế ước thường là để nối kết hai bên. Lần này khế ước dùng để tách biệt. Có những mối tương quan trở nên tốt đẹp hơn nếu hai bên đối tác tách biệt nhau, mà đây là một thí dụ điển hình. Nhất là khi hai bên vừa mưu mô vừa nghi kỵ .

 

6- Đối kháng thứ sáu: Giacob đối đầu Thiên Chúa để trở thành ISRA-EL

Chia tay với Laban, Giacob trở về để đương đầu với môt nguy hiểm lâu nay đang âm thầm rình chờ ông. Gặp lại Esau. Nhưng trên đường về, trước khi gặp lại người anh thù nghịch, Giacob phải đương đầu với một Sức Mạnh còn đáng sợ hơn nhiều( Stk 32).

Chúng ta nên dừng lại lâu hơn nơi biến cố này.

Trên đường hồi hương, biết mình sẽ phải giáp mặt với anh Esau, người mà hai mươi năm trước đã thề sẽ giết mình, Giacob tận dụng hết mọi chiến thuật và tài vật sẵn có trong tay để cầu sống. Giacob dùng phương thế ngoại giao cầu hoà. Ông gửi sứ giả đi trước làm đệm che chắn và nghe ngóng tình hình (Stk 32:3). Khi sứ giả trở về cho biết Esau đón mình với 400 gia đinh, nỗi lo sợ của ông đã thấy nơi 400 gia đinh kia là 400 chiến binh không hơn không kém. Ông lo sợ chia đoàn người của mình thành hai nhóm đi cách xa nhau một ngày đường, để lỡ điều xấu nhất xảy ra, thì nhóm đi sau có đủ giờ để chạy trốn. Đồng thời ông dùng quà cáp hậu hỹ, chừng như là hối lộ tạ lỗi cho việc ăn cắp lời chúc phúc của bố trước đây (Stk 32:7). Ông sai một đoàn tặng phẩm đi trước, gồm “200 dê cái, 20 dê đực, 200 cừu cái , 20 cừu đực, 30 lạc đà mẹ bụng căng sữa đang cho con bú, 40 bò cái và 10 bò đực, 20 lưà cái và 10 lưà con “ (Stk 32:13-15). Đây quả thực là cả một gia tài. Quà hối lộ đồng nghĩa với lời thú tội.

Trong cơn hãi sợ, ông cầu khẩn Thiên Chúa cho ông thoát tay Esau (Stk 32:11). Chúng ta hãy nghe ông cầu nguyện :

“Et Jacob dit : Dieu de mon père Abraham et Dieu de mon père Isaac, Eternel, qui m’as dit : Retourne en ton pays et au lieu de ta naissance, et je te ferai du bien ; Je suis trop petit pour toutes les grâces et pour toute la fidélité dont tu as usé envers ton serviteur, car j’ai passé ce Jourdain avec mon bâton, et maintenant je suis devenu deux troupes. Délivre-moi, je te prie, de la main de mon frère, de la main d’Esaü ; car je crains qu’il ne vienne et qu’il ne me frappe, la mère avec les enfants. Et toi, tu as dit : Certainement je te ferai du bien, et je rendrai ta postérité pareille au sable de la mer, qu’on ne peut compter, tant il y en a. – Và Giacob cầu nguyện : “Lạy Thiên Chúa của cụ tổ Abraham và Thiên Chúa của Bố con là Isaac, lạy Đấng Vĩnh Cữu, Đấng đã nói với con :” Hãy trở về vùng đất nơi ngươi đã sinh ra, và Ta sẽ ban cho ngươi điều tốt lành.” Con quá là nhỏ bé để được mọi ơn ấy, và đế xứng đáng được Ngài trung thành gắn bó với. Vì con đã qua sông Giordan này với cây gậy của con, và bây giờ con bị chia làm hai nhóm. Con cầu xin Ngài cứu con thoát khỏi tay của Esau, anh con; Vì con sợ anh ta sẽ đến giết con và giết cả bọn trẻ và mẹ chúng. Ngài đã từng nói: “ Chắc chắnTa sẽ ban cho ngươi mọi điều tốt lành và khiến cho con cháu ngươi đông như cát biển , nhiều đến độ đếm không xuể” (Stk 32:9-12).

Lời kinh trong đêm hãi hùng bên khúc sông cạn Yabbok, được ông thốt lên cẩn thận với một dàn bài thứ tự lớp lang dường như đã có đắn đo suy nghĩ trước:
a- Ông nại đến Ông Nội Abraham và Bố Isaac của mình (câu 9);
b- Ông “nhắc” cho Thiên Chúa biết rằng sỡ dĩ ông có trở về vùng đất này là vì do Chúa yêu cầu (câu 9);
c- Ông nhấn mạnh đến tình trạng bất xứng của ông (mà lúc ấy đúng là ông bất xứng thật) không đáng để được Chúa thương yêu đùm bọc (câu 10);
d- Ông kể lại ông đã làm gì để bảo vệ mình và người nhà (câu 11);
e- Ông xin Chúa cứu ông, và đặc biệt là cứu mấy cháu bé (câu12), khỏi tay Esau vì Ngài đã từng hứa cho con cháu ông sinh sôi nảy nở đông đúc (câu 12).

Mỗi lời ông cầu đồng thời đều là một lời kỳ nèo. Ông lập lại từng mục Ngài đã hứa cho ông, để nài Ngài tỏ lòng thương yêu săn sóc đến ông như đã từng bày tỏ cho các Tiền nhân.

Để cho cẩn thận hơn nữa, đêm ấy ông đưa hai bà vợ, hai nàng hầu, mười một người con và nữa tài sản còn lại, vượt khúc sông cạn Jabbok [19], sang bờ bên kia, ẩn lánh (Stk 32:22-23).

Còn ông, một mình, ở lại bờ bên này. Ngay trong đêm vắng ấy, ông đạt tới cao điểm của cuộc đời ông: ông vật lộn [20] với một Người Lạ Mặt (Stk 32:25).

Kinh Thánh kể lại biến cố này như sau: “Giacob ở lại một mình. Và một người vật nhau với ông cho đến hừng đông. Biết rằng không thể thắng ông, người ấy nắm lấy xương háng ông, và xương háng ông bị trật khớp khi đang vật nhau như vậy. Người ấy nói với Giacob: “Để cho tôi đi, vì trời sắp sáng rồi.” Giacob nói: ”Tôi không cho ông đi nếu ông chưa chúc lành cho tôi.” Người ấy hỏi: ”Ông tên là gì?” Ông trả lời: ”Giacob.” Người kia nói: ”Tên ông không còn là Giacob nữa, mà là Israel, vì ông đã vật nhau với Thiên Chúa và người ta, và ông đã thắng.” Giacob kỳ nèo hỏi người kia: ”Ông tên là gì, cho tôi biết đi? “ Ngươì kia nói: “Ông hỏi tên tôi làm chi?” Lúc ấy người đó chúc phúc cho ông. Và Giacob gọi chổ đó là Pénuel. Ông cho biết : “Vì tôi đã đối diện thấy mặt Thiên Chúa mà vẫn còn sống“ (Stk 32: 24-30).

Trong cuộc đọ sức, Giacob lộ cho ta thấy hai đặc tính nổi bật của ông: kiên trì và khả năng kiếm được điều thuận lợi cho mình. Ông kiên trì vật Người Lạ Mặt cho đến khi được lời chúc phúc .

Kết quả cuộc đụng đô bí nhiệm này là, Giacob, một người thủ đoạn và ích kỷ, nay trở thành kẻ đương đầu hay vật nhau với Thiên Chúa (Yisrael), và tạo nên cái vận mệnh cho ông và con cháu ông. Tên ông được đổi thành Isra-EL. Một tương quan mới giữa ông và Thiên Chúa thành hình: tương quan đối kháng Thiên Chúa.

Abraham lắng nghe Thiên Chúa. Isaac thụ động chấp nhận điều Chúa nói. Cá tính của Giacob không cho ông theo gót hai Vị Tiền nhân ấy. Ông có cố gắng lập tương giao với Thiên Chúa, bằng cách kỳ nèo Ngài trợ giúp trong một cuộc tương tranh dùng sức vật lộn. Nối gót một Abraham đầy quyền uy và xứng đáng, một Isaac thụ động là một Giacob thoạt đầu kỳ nèo trong giao kết, sau đó là tương tranh vật lộn để được chúc phúc. Suốt đời ông đương đầu với Thiên Chúa, và chỉ chịu vâng lời sau khi đã đọ sức.

Cùng với áng hừng đông của một ngày mới, Giacob nhận ra ông đã thay đổi. Ông đã thấy Thiên Chúa diện đối diện, nên mệnh đời ông thay đổi. Cái hông bị trặc khiến ông cà thọt. Không ai kinh qua một cuộc đương đầu dữ dội với Thiên Chúa như thế mà không ít nhiều thương tích trầy trụa.

Bây giờ, và chỉ bấy giờ, Giacob, đã thành người mới với tên mới Israel, sẵn sàng đương đầu với Esau.

Chúng ta hãy cùng Giacob sống lại cuộc tái kiến cảm động này:

Khi còn cách xa Esau, Giacob vừa đi vừa sụp lạy sát đất bảy lần, cho tới khi tới trước mặt anh. Khi “Esau thấy Giacob, ông chạy lại gặp em mình, ôm em trong tay, ôm chầm lấy cổ em, vừa hôn em vừa khóc”(Stk 33:4). Esau tràn đầy xúc động khi thấy em Giacob. Gia nhân với đám con cháu cúi mình lạy sát đấy, rồi Leah và đám con cũng cúi mình lạy sát đất và cuối cùng Rachel và Joseph cũng cúi mình lạy sát đất trước mặt Esau. Esau ngẩn người vì các tặng phẩm và hỏi cái gì thế này ?” Giacob trả lời: “Để lấy lòng chúa thượng của em”. Esau trả lời em mình “Anh có quá đủ rồi em ạ. Em giữ lấy cho em thôi” (Stk 33:8-9).

Esau đáp lễ bằng cách tha thứ cho em mình. Giacob ngạc nhiên vì anh Esau lại có thế tha thứ cho mình dễ dàng như thế. Ông thấy được bàn tay Chúa can thiệp. Esau , người “có quá đủ” (Stk 33:9) đã tha thứ cho Giacob, là người bây giờ “có mọi sự”(Stk 33:11). Giacob thoạt đầu định mang đoàn súc vật làm ‘minkhati’ (Stk 33:10) quà tặng cho anh, bây giờ lại đem cho anh một ‘birkhati’, (Stk 33:11) một từ vừa có nghĩa là quyền trưởng nam vừa có nghĩa là lời chúc phúc.

Giacob biến đổi, nhưng Esau cũng thay đổi không kém. Điều gì đã khiến ông dễ dàng tha thứ cho Giaocob? Suốt 20 năm, trong khi Giacob lăn lộn sống cho riêng mình, tạo lập gia tài và gia đình, Esau chỉ sống bên cha, phụng dưỡng cha già Isaac đã mù loà, và học được chữ...quên. Esau quên điều mà Giacob vẫn nhớ. Esau quảng đại hơn em mình ở điểm này.

Cả hai anh em giờ đây hiểu rằng họ đã đạt được mục tiêu: cả hai đều được Chúa chúc phúc, và không cần phải đối kháng nhau nữa. Họ đã làm hoà với nhau, giao ước với nhau.

Esau tiếp tục vẫn là người của miền đồng hoang nội cỏ, sống theo xung lực bản năng. Israel, vẫn tính thận trọng và tính toán, càng này càng trở thành người của Giao Ước. Từ nay, ông dùng Giao Ước để sống thoả hiệp với những xung lực địa phương, giữ cho nề nếp gia phong vẫn trung thành gắn bó với niềm Tin vào Vị Thiên Chúa duy nhất của Tổ Tiên mình.

 

B- ... đến những bài học cho Giáo xứ ngày nay và 50 năm tới.

Anh em tương tranh, cậu cháu tương tranh và cá nhân ương ngạnh đương đầu với Thiên Chúa không phải là chuyện ngày nay mới xảy ra. Nhưng điều đau lòng và đáng ngạc nhiên là gương Cổ nhân Tổ Phụ ngời sáng, chúng ta biết và nghe kể, nhưng chúng ta dửng dưng coi như “gió thoảng ngoài tai”, không phải là chuyện của mình hay, tệ hơn, chúng ta coi đó là gương cho người khác theo, còn mình thì không.

Cuộc sống đầy rẫy những chọn lựa, và toàn là những chọn lựa khó khăn giữa những điều không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhất. Kinh Thánh cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa đôi khi phải đối diện với những lựa chọn như thế. Kinh Thánh đã chẳng ngần ngại ghi lại những nan đề đặt ra cho chính Thiên Chúa cũng như cho loài người khi buộc phải đau đớn quyết định chọn lựa cho mình những điều không phải là hoàn hảo nhất, cả khi chọn người làm Tổ Phụ một Dân Tộc riêng cho mình, chẳng hạn.

Các Tổ Phụ không hề là những người toàn hảo. Đời cácVị có những giai đoạn hay những tính nết, hành vi mà con cháu không dám lấy đó làm niềm tự hào. Kinh Thánh còn thường trình bày những cá nhân hay những vai trò trong vị thế đối kháng, xung khắc nhau để nói lên điểm chính cần mạc khải.

Chuyện đời của hai anh em Giacob-Esau là minh hoạ tiêu biểu cho nan đề Thiên Chúa phải đối điện khi muốn chọn ai lãnh đạo tiếp nối truyền thống Tổ phụ giúp Ngài thành lập và phát triển bộ tộc được chọn thành một Dân Ưu Tuyển. Đồng thời cũng là một gương thúc đẩy chúng ta biến tư thế đối nghịch thành chung vai trong Giao Ước.

Cả Giacob lẫn Esau, ai cũng có những tính tốt nết xấu, những ưu điểm và những khiếm khuyết, bất toàn. Thiên Chúa phải chọn lựa giữa hai cá tính, hai con người bất toàn ấy, ai người thích hợp hơn cho việc lãnh đạo Dân của Người. Kinh Thánh nêu cho chúng ta đề tài suy nghĩ và học hỏi truy cứu, để hiếu việc Thiên Chúa chọn lựa giữa hai con người bất toàn, hầu mang lại cho chúng ta bài học cho ngày nay và cho tương lai .

Cuối cùng, chúng ta cần phải tránh thái độ dễ dàng kết luận tối hậu về một ai khi chưa hoàn toàn hiểu rõ toàn bộ phức hợp kết tạo nên người ấy. Chúng ta cũng phải luôn ghi tâm rằng Kinh Thánh đi từ giả thiết cho rằng ai ai cũng bất toàn. Kinh Thánh không nhằm chứng minh hay nêu ra những khiếm khuyết của cá nhân nào. Kinh Thánh muốn đưa ra những đề tài để chúng ta suy niệm, những bài học để chúng ta rút tỉa kinh nghiệm, khi trình bày rằng

a- nếu Thiên Chúa có chọn từng cá nhân yếu kém là chỉ vì Ngài nhắm đến những điểm mạnh và tích cực của họ, và rằng

b- chúng ta cũng phải cẩn trọng tương tự trong những chọn lựa của chúng ta, và không bao giờ bỏ quên mục tiêu luân lý .

 

 

Nguyễn đức Khang
Ngày Lễ Mân Côi, Bổn Mạng Giáo xứ BaLàng.
7/10/2004

 

 


Ghi Chú

[1] Abarahm mất lúc 175 tuổi ( Stk 25:7) Bà Sara có bầu lúc ông 100 tuổi ( Stk 17:17)

Isaac có vợ lúc 40 tuổi, như thế Abraham đã 140 . Thêm 20 năm Rebecca son sẻ, Abraham bây giờ đã 160. Ông mất lúc hai cháu Esau và Jacob đang độ tuổi thiếu niên 15.

[2] “ Et Isaac implora l’Eternel au sujet de sa femme, car elle était stérile. Et l’Eternel accéda à sa prière, et Rébecca sa femme conçut. “(Stk 25:21 )

[3]: “Et les enfants se heurtaient dans son sein, et elle dit : S’il en est ainsi, pourquoi suis-je? Et elle alla consulter l’Eternel. (Stk 25:22

[4] “Et l’Eternel lui dit : Deux nations sont dans ton sein, Et deux races se sépareront au sortir de tes entrailles. Une race l’emportera sur une race, Et le grand servira le petit.” (Stk 25:23).

[5] Giacob, nguyên ngữ Do Thái Iaakob, thoát thai từ chữ akêb, có nghĩa là “gót chân” hay là “nắm gót chân” để “dành chổ đứng, thay thế. “

[6] “Et ces garçons grandirent. Et Esaü devint un habile chasseur, un homme sauvage, et Jacob, un homme de bien, habitant les tentes. “(stk 25:27)

[7] Israël. Tên này có nghĩa là Thiên Chúa chiến đấu, cũng như Samuel có nghĩa là Thiên Chúa nhận lời, hay như Daniel là Thiên Chúa xét xử. Nhưng lời cắt nghĩa kế tiếp ngay sau đó cho chúng ta thấy tên Israël có nghĩa là : Kẻ đương đầu với Thiên Chúa .

[8] Kinh Thánh ghi rõ Esau “ngốn- nuốt chửng“ (avaler) chứ không nhẩn nha ăn.

[9] Chàng Esau cục mịch, người hoang dã thô lỗ, không gọi là “cháo” hay “canh” mà gọi món ăn bằng cái màu đỏ đã đập vào mắt anh ta khiến anh ta để ý “ce roux-là - cái thứ đo đỏ ấy.”

[10] Quyền Trưởng Nam. Theo tục lệ Do thái, người trai trưởng được gấp đôi phần gia tài. Xem Đệ Nhị Luật 21:17. Tuy việc kế thừa lời chúc phúc và Lời Hứa không đương nhiên bao gồm trong quyền trưởng nam, nhưng chúng gắn liền với nhau theo tính tự nhiên. Vì thế thái độ coi thường quyền ấy cuả Esau mới là đáng tội. Giacob vì thấy được tầm quan trọng của Lời Hứa, nên đã chộp ngay cơ hội đầu tiên để chiếm hữu nó.

Chúng ta gặp chủ đề phế trưởng lập thứ. Biến cố này thường gặp trong Kinh Thánh : Xem thêm bảng đồ dưới đây :

(Đen và in đậm = con trưởng. Màu xanh và gạch dưới = được chọn)
Adam
   /    \
Cain Seth (Stk 4:25)
         |
     Noah
         |
     Shem - Ham - Japhet
        |
     Abraham
        /       \
   Isamel Isaac (Stk 21:10)
               /     \
          Esau Giacob (Stk 25:23)
                     /       |          \
                 Ruben Juda    Giuse (Stk 49:3.10)
                             /  \         /      \
                     Zera Perez  Manasê Ephraim (Stk 48:19) (Stk 27:30)
                                 |
                             Đavit


[11] Bố Isaac lúc bấy giờ tuổi đã gần 100 (Stk 25:26), lại không có cái năng lực mạnh mẽ của Abraham để ngăn cản (xem Stk 24:3 ). Bà Rebecca phải ra tay để khiến Isaac tuân thủ nề nếp gia phong khi để Giacob về quê cũ tìm vợ.

[12] “Devant l’Eternel.” Khi kể lại lời của Isaac nói với Esau, bà Rebecca thêm: ”Trước Đấng Tối Cao”để thúc dục Giacob đừng chần chờ do dự vì đây là lời Chúc Phúc quan trọng trong tư cách Tổ phụ của bố.

[13] Nếu Esau giết Giacob, bà sẽ mất một người con. Nhưng kẻ sát nhân không được coi là thành viên trong gia đình. Như thế bà mất cả hai.

[14] Ông lập lại cuộc hành trình mà lão bộc Eliézer ngày xưa đã thực hiện để tìm vợ cho bố Isaac .

[15] Thời ấy, con gái được coi như tài sản của cha mẹ, ai muốn cưới phải mua. Xem Xuất hành 22:16; 17:1 ; 1 Sam 18:25 . Đôi khi ngườì ta gả mà không trả giá , xem Stk 24:53. Giacob, vì không có tài sản gì nên dùng lao động để trả. Giacob phải trả giá quá sức cao vì theo Đệ Nhị Luật 22:29, giá trung bình là 50 chỉ (chừng 800 gam bạc).

[16] Tên Lea có nghĩa “mệt mỏi” và Rachel có nghĩa là “cừu con”. Lea có “vóc dáng mảnh mai” (Stk 29: 17) Từ nguyên của chữ này còn có nghĩa là “mắt lờ đờ “.Từ gốc Do thái ‘rachot’ khó dịch. Một bản midrash dịch thành nàng Lea mắt có “ve”, hay “mắt không có mí.”

Vì hám lợi mà Laban dùng thủ đoạn này. Ông biết lợi dụng tình yêu Giacob dành cho Rachel: Giaob sẵn lòng ở lại làm vệc thêm bảy năm để có được Rachel. Việc tráo hôn dễ thực hiện vì cô dâu được đưa vào phòng hoa chúc có khăn che mặt, mà phòng thì thường không được sáng lắm (Xem Stk 25:65). Theo thói tục Đông phương, hai cô dâu không cần nói gì trong đêm ấy, và hoàn toàn chịu quyền điều khiển của bố.

Giacob hái được quả từ điều ông đã gieo nhân. Ông bị lưà y hệt như ông đã lừa bố Isaac. Ngày trước, lợi dụng đêm tối do mắt bố bị thông manh, và nhờ bộ quần áo của anh Esau bao che, người con bị bố dửng dưng là ông, đã thay chổ người con được bố thương yêu là Esau. Ngày nay, nhờ bóng đêm đồng lõa và sau tấm màn che mặt, Laban gả cho ông người chị mà ông ghét, thay vì cô em mà ông mê mệt. Dù ông là ngươì thừa kế Lời Hứa Giao Ước của Thiên Chúa, ông cũng không tránh được sự trừng phạt công bình do tội mình gây ra .

[17] Chúng ta gặp chủ đề phế trưởng lập thứ.

[18] “Maintenant donc, viens, faisons alliance toi et moi, et qu’il y ait un témoin entre moi et toi. Et Jacob prit une pierre et la dressa pour monument. Et Jacob dit à ses frères : Amassez des pierres. Et ils prirent des pierres et en firent un monceau, et ils mangèrent là sur le monceau. Et Laban l’appela Jégar-Sahadutha ; et Jacob l’appela Galed.” ( Stk 32: 44- 47). Laban hai ba lần chỉ vào đống đá như một chứng tích ghi nhớ giao kèo hoà bình bất tương xâm giữa hai cậu cháu, vốn là kẻ thù nay trở lại thành ruột thịt ( Stk 31: 45,48,51-52.)

[19] Bản Aram dùng một từ hiếm (jéabek) có lẽ để đối chọi với chữ Jabbok, tên khúc sông cạn.

[20] Một cuộc vật lộn vừa gay cấn, hai bên tận sức quyết thắng đối phương, vừa có tính cách linh thao. Kết quả là Giacob biến đổi hoàn toàn, cả tên họ lẫn tâm linh. Có hai con người nơi Giacob, một người tín hữu, tin vào Lời Thiên Chúa hứa. Một người thuần tự nhiên, đầy mưu toan xảo quyệt. Sau cuộc đọ sức, một Giacob được tinh luyện trở thành Israël.


Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.